Monday, August 26, 2019

VÀI NÉT VỀ VĂN HỌC DÂN GIAN .


          
           I . KHÁI NIỆM
 1. Định nghĩa : Văn  học dân gian còn được gọi là văn học bình dân, văn học truyền miệng hay truyền khẩu. Văn học dân gian là sáng tác nghệ thuật truyền miệng, là toàn bộ những sáng tác ngôn từ của các tầng lớp dân chúng,( thuật ngữ văn học dân gian  có nghĩa là nghệ thuật ngôn từ của nhân dân )phát sinh từ thời công xã nguyên thủy, phát triển qua các thời kỳ lịch sử cho tới ngày nay.
Văn học dân gian có ba dạng tồn taị: tồn tại ẩn (tồn tại trong trí nhớ của tác giả dân gian) , tồn taị cố định ( tồn taị bằng văn tự ), tồn taị hiện ( tồn taị thông qua diễn xướng). Tồn taị bằng diễn xướng là dạng tồn taị đích thực của văn học dân gian .  Diễn xướng  ( diễn : phô bày, giăng rộng ra; xướng : nói to lên cho nhiều người nghe .) là những hoạt động  trình bày các tác phẩm văn học, văn nghệ dân gian dưới nhiều hình thức, chủ yếu là hát, múa, hò, kể chuyện, đối đáp… trong khi lao động, hội hè, có nhiều người theo dõi trực tiếp .Chính trong biểu diễn , các phương tiện nghệ thuật của tác phẩm văn học dân gian mới có điều kiện kết hợp với nhau tạo nên hiệu quả thẩm mỹ tổng hợp .
Tuy nhiên , hai dạng tồn tại kia vẫn có giá trị , đó là khoa học về văn học dân gian và công việc giảng dạy văn học dân gian trong nhà trường
2. Đặc trưng cơ bản :
 a.  Tính tập thể : Văn học dân gian là sáng tác của nhân dân . Trong quá trình sáng tác, biểu diễn, thưởng thức tác phẩm văn học dân gian, vai trò của cá nhân , quan hệ giữa cá nhân với tập thể rất quan trọng .
            Tính tập thể thể hiện chủ yếu trong quá trình sử dụng tác phẩm. Vấn đề quan trọng ở chỗ nó có  được mọi người biểu diễn, thưởng thức hay không, nó đã đạt mức thành tựu hay không. Trong quá trình đó, tập thể nhân dân tham gia vào công việc đồng sáng tạo tác phẩm
        b. Tính ứng tác :    Quan hệ giữa truyền thống và ứng tác(sáng tác một cách chớp nhoáng mà không có sự chuẩn bị trước) là hệ quả của mối quan hệ giữa các nhân và tập thể. Truyền thống văn học dân gian một mặt là cái vốn giúp nghệ nhân dân gian ứng tác  dễ dàng, một mặt qui định khuôn khổ cho việc sáng tác. Ứng tác đến lượt nó sẽ cung cấp những đơn vị làm giàu cho truyền thống
     Hai đặc trưng cơ bản vừa nêu trên có liên quan chặt chẽ với các đặc trưng khác của văn học dân gian như : tính khả biến ( gắn với việc tồn tại  các dị bản của tác phẩm ) , tính truyền miệng , tính vô danh
c. Tính ích dụng : Văn học dân gian nảy sinh và tồn tại như một bộ phận hợp thành của sinh hoạt nhân dân. Sinh hoạt nhân dân là môi trường sống của tác phẩm văn học dân gian. Tác phẩm văn học dân gian có tính ích dụng .Baì hát ru gắn với việc ru con ngủ- một hình thức sinh hoạt gia đình; Ngược lại, việc đưa con ngủ thường không thể thiếu lời ru. Tương tự, những bài dân ca nghi lễ, các truyền thuyết gắn với tín ngưỡng, lễ hội...Từ đặc trưng nầy mà văn học dân gian có tính đa chức năng , trong đó, đặc biệt là chức năng thực hành  sinh hoạt  .Do vậy, văn học dân gian chính là một loại nghệ thuật mang tính chất tổng hợp, bao gồm nhiều thành phần khác nhau ( như ngôn từ, nhạc, vũ ) tồn tại trong sự biểu diễn của nhân dân và gắn liền với những hoạt động thực hành của họ ( như chèo thuyền, kéo gỗ, ru con, cúng lễ ..)
II . MỐI QUAN HỆ  GIỮA VĂN HỌC DÂN GIAN VÀ VĂN HỌC VIẾT
            Văn học dân gian chỉ là phần lời   trong các sáng tác tổng hợp dân gian. Văn  học dân gian khác với văn học  viết  ( hay văn học   thành văn ) về nhiều phương diện . Có những đặc điểm sau  giúp chúng ta phân biệt văn học dân gian với văn học đích thực : tính chất tập thể, truyền miệng,biểu diễn, dị bản,ứng tác, ích dụng, đa chức năng ..
  Như vậy, văn học dân gian  là nền tảng của văn học viết, là chặng đầu của nền văn học dân tộc.Khi chưa có chữ viết, nền văn học dân tộc chỉ có văn học dân gian; khi có chữ viết nền văn học nầy bao gồm hai bộ phận: văn học dân gian và văn học viết
      a.  Về nội dung : Các giá trị chân ,thiện  ,mỹ trong , lòng nhân đạo và yêu nước, tính chiến đấu trong văn học dân gian có sự ảnh hưởng rất lớn đến các nền  văn học trung đại, hiện đại ở nước ta . Truyền thuyết Thánh Gióng đã mở đầu cho dòng văn học yêu nước, chống xâm lược trong nền văn học dân tộc.
Một số tác phẩm  thuộc giòng văn học dân gian đã được các  tác giả hiện đại chọn, xây dựng thành những tác phâm có giá trị về mọi mặt . Chẳng hạn câu chuyện  cổ tích  Hồn Trương Ba, da hàng thịt   đã được  tác giả Lưu Quang Vũ biên tập lại thành một  vở kịch cùng tên, có tính phê phán và chiến đấu rất mạnh mẽ . Truyện Tấm Cám cũng  được dựng thành tuồng ,thành phim rất đặc sắc . Có thể nói, văn học dân gian là nguồn cảm hứng vô tận của nhiều tác giả và văn nghệ sĩ .
    Văn học viết chịu ảnh hưởng văn học dân gian về nhiều phương diện, từ nội dung tư tưởng đến hình thức nghệ thuật. Hình ảnh cô Tấm, Thạch Sanh là những biểu tượng đẹp đẽ về con người trẻ Việt Nam cần cù, chân thật.
           Văn học viết cũng có ảnh hưởng trở lại đối với văn học dân gian trên một số phương diện . Chẳng hạn , tác giả dân gian đã đưa những chất liệu văn học viết vào ca dao ( những nhân vật trong Truyện Kiều , Lục Vân Tiên ...)  
          Mối quan hệ  , vai trò  , ảnh hưởng giữa văn học dân gian với văn học viết  thể hiện trọn vẹn đặc biệt  ở bộ phận thơ văn quốc âm. Có thể nói , mảng truyện thơ Nôm khuyết danh là sự gặp gỡ của hai bộ phận văn học dân tộc.
B  Về nghệ thuật: Văn học viết chịu ảnh hưởng văn học dân gian về nhiều phương diện, từ nội dung tư tưởng đến hình thức nghệ thuật.  Cách sử  dụng ngôn từ,cách chọn những hình ảnh mang giá trị biểu tượng cao, lối ví von so sánh   của ca dao đã ăn sâu vào tiềm thức nhiều văn thi sĩ hiện đại .
-          Các nhà thơ trung đại chọn chữ Hán và chữ Nôm để sáng tác, thế nhưng lối diễn đạt của nhiều tác giả phảng phất không khí ca dao, truyện cổ ( Lê Hữu Trác , Nguyễn Trãi ) Thể thơ lục bát, thể thơ được thi hào Nguyễn Du sử dụng một cách tài tình, bắt nguồn từ bộ phận văn vần dân gian...
-           Phong  trào thơ mới ( 1930-45) rộ lên từ khuynh hướng chuộng lối thi ca mới mẻ của châu Âu, nhưng chúng ta không hề  ngạc  nhiên khi chính những tác giả ấy lại có những vần thơ triũ nặng lời ca dao, hò 
 Thơ văn cách mạng  hình thành từ hai cuộc  kháng chiến chống Pháp Mỹ, cũng là lúc nền văn học dân gian vận dụng nhiều ( Tố Hữu , Nguyễn Khoa Điềm, Nguyễn Duy ..)

III. PHÂN LOẠI :  Dựa theo nhóm thể loại, văn học dân gian gồm có :
             a.Loại tự sự :
      -Văn xuôi tự sự: Thần thọai, sử thi, truyền thuyết, truyện cổ tích, truyện  cười  và truyện ngụ ngôn.
     - Thơ ca tự sự :  Sử thi, các loại vè, truyện thơ.
      - Câu nói vần:  Tục ngữ, câu đố, câu phù chú.
        b.Loại trữ tình :
     - Thơ ca trữ tình nghi lễ:- Bài ca nghi lễ lao động.- Bài ca nghi lễ sinh hoạt.- Bài ca nghi lễ tế thần
      - Thơ ca trữ tình phi nghi lễ:- Bài ca lao động.- Bài ca  về sinh hoạt.- Bài ca về  giao duyên.
         c.Loại kịch :
Bao gồm ca kịch và trò diễn dân gian: chèo sân đình , tuồng đồ, những trò diễn có tích truyện.
          IV .NHỮNG ĐẶC ĐIỂM CỦA VĂN HỌC DÂN GIAN VÀ CÁCH ĐỌC HIỂU



1 Truyện dân gian : Bao gồm những tác phẩm mang tính tự sự (  thần thoại, sử thi, truyền thuyết, truyện thơ, cổ tích, truyện cười ..) Đặc điểm chung của các thể loại này là có tình tiết, có kết cấu, nhân vật,có cốt truyện,có xung đột ..
-Chọn tình tiết:  đây là yếu tố hàng đầu góp phần hình thành nhân vật và cốt truyện, tạo nên giá trị của tác phẩm, khắc họa số phận , tính cách nhân vật. Có tình tiết chính ( gắn liền với cốt truyện, làm nền nâng nhân vật lên ) và tình tiết phụ  ( những tình tiết  hỗ trợ cho tình tiết chính )
Nét độc đáo  của văn học dân gian là truyện có nhiều tình tiết mang yếu tố hoang đường, kì ảo. Những tình tiết này ngoài tác dụng nghệ thuật (  làm cho câu chuyện thêm lung linh kì ảo ) còn là một nhân vật phụ, hỗ trợ nhân vật chính nhiều mặt, tô đậm  nhân vật chính,   nhấn mạnh chủ đề . Do các tính chất độc đáo của những thể loại này(tính chất tập thể, truyền miệng,biểu diễn, dị bản) , tình tiết vô cùng quan trọng
-Xác định nhân vật chính : là tên nhân vật ( Đăm San Tấm Cám), hay một câu nói quan trọng của nhân vật ( tam đại con gà- thầy đồ )được chọn làm nhan đề .  Khác với  văn học viết , nhiều tác phẩm tự sự có hai ba nhân vật chính ( truyện ngắn ) hay  nhiều hơn nữa ( tiểu thuyết ), truyện dân gian chỉ có một nhân vật chính  mà thôi. Tính cách và số phận nhân vật chính có thể triển khai theo bốn  hướng: nhân vật xuất thân từ đâu?(thành phần  gia đình)  Đời sống trí tuệ,tình cảm ra sao ( thông minh , sáng suốt chín chắn, hay nông cạn, mù quáng , hiền lành hay độc ác, nhân ái hay tàn bạo)nhân vật đại diện cho tầng lớp nào trong xã hội (  giai cấp thống trị hay người lao đông? )
- Tìm bố cục truyện: truyện dân gian  luôn có hai yếu tố thời gian, không gian đi liền với nhau,  theo trình tự thời gian,( trước -sau, xưa-nay ) xoay quanh một nhân vật chính .
-  Xây dựng cốt truyện: nếu các tác phẩm tự sự của giòng văn học viết có thể dựng nhiều cốt truyện theo nhân vật, thì  với truyện dân gian  , cốt truyện chỉ cần hướng về nhân vật chính đã xác định. Do đã nắm rõ ba yếu tố trên (tình tiết, nhân vật chính, bố cục truyện)nên ta dựa vào năm bước của mọi văn bản tự sự của giòng văn học viết để xây dựng cốt truyện. Chú ý mốc tam giác :nút thắt,cao trào, nút mở .Từ cốt truyện,  tình tiết trở nên  chọn lọc, việc khai thác con người nhân vật chính  và chủ đề thuận lợi và rõ ràng hơn .
- Biện pháp nghệ thuật: Ngôn ngữ người kể chuyện chứa đựng tình cảm, suy nghĩ của nhân dân lao động, là điểm nhìn duy nhất của truyện. Ngôn ngữ nhân vật cô đọng, giản dị, đóng một phần quan trọng trong việc hình thành cảnh ngộ, tâm lý nhân vật. Để  dễ nhớ, tác giả dân  gian thường dùng những lời ví von giàu hình ảnh và nhạc điệu (Tấm Cám ) hay dùng các thủ pháp chơi chữ, phóng đại, nói ngược, tương phản ( truyện  cười), có mục đích tô đậm  tâm lý nhâ vật, có khi gói ghém cả chủ đề trong đó.
 - Chủ đề : Truyện  dân gian có những chủ đề rất gần với văn học viết:
   . ý thức xây dựng , bảo vệ một nhà nước  độc lập : có chính quyền, lãnh thổ có chủ quyền, người dân được chính quyền quan tâm ( Truyền thuyết An Dương Vương, sử thi Đăm San )
   . ca ngợi những những con người mưu trí, dũng cảm ,thủy chung ( Sử thi Ấn Độ, Hy Lạp )phê phán  giới trí thức quan lại tham lam,  dốt nát, đạo đức giả ( truyện cười)
   . trân trọng ước mơ hạnh phúc, giàu sang của người lao động ( Tấm Cám )
  Trong  truyện dân gian  ,các tình tiết   được mượn từ những đồ vật ( yếm đỏ , vàng anh, khung cửi, ,quả thị hay thành Cổ Loa, nỏ thần, lông ngỗng) hay con vật ( cá bống, con cò, cú, gà…) có khi  mang ý nghĩa như biểu tượng cần được cắt nghĩa cụ thể:  tác giả  chọn những hình ảnh này nhằm mục đích gì ?

 2. Thơ dân gian: Bao gồm những câu hát ca dao, thành ngữ, tục ngữ , hò, vè,câu đố… Ở đây chúng ta sẽ tìm  hiểu thể loại ca dao dưới hai dạng: trữ tình và trào phúng .
a. Ca dao trữ tình : tác giả dân gian thường chọn ba hình thức ( phú, tỷ, hứng ) để giãi bày tâm tư,tình cảm của mình
  - thể loại lục bát: là những bài  thơ dân gian cực ngắn ( hai câu hoặc bốn câu lục bát) là dạng phổ biến. Nhân vật  trữ tình thường gửi gắm nỗi lòng riêng tư về  tình yêu, hôn nhân , hoặc tình cảm đối với quê hương, đất nước.
  - thể  loại  song thất lục bát:  được dùng khi tác giả dân gian  muốn bộc lộ một lời nguyện  thiêng liêng, đậm chất bi hùng ( muối ba năm, gừng chín tháng )
  - thể  loại   bốn chữ hay năm chữ ( lục bát biến thể ) chứa tâm trạng dấu kín trong một câu chuyện, một biến cố ( bài ca chiếc khăn- nhân vật thao thức suốt đêm, bên ngọn đèn khuya, mắt đẫm lệ vì đau khổ chuyện hôn nhân )
 Tác giả dân gian thường chọn ba hình thức ( phú, tỷ, hứng ) để giãi bày tâm tư,tình cảm của mình . Phú  ( từ Hán Việt có nghĩa là tả ), tỷ ( so sánh ) hứng (  nhìn cảnh vật, lòng trào dâng cảm xúc ): các biện pháp tu từ đặc sắc : so sánh, ẩn dụ , hoán dụ ,nhân hóa .
            V. KẾT LUẬN :
  1. Văn học dân gian là những sáng tác nghệ thuật  ngôn từ của nhân dân lao động, là cội nguồn của nền văn học dân tộc  . Văn học dân gian tồn tại song song với nền văn học thành văn , với tư cách là những sáng tạo tinh thần của nhân dân lao động , người sáng tạo ra những giá trị vật chất cho cuộc sống .
 2. Văn học dân gian tồn tại và phát triển  trong mối quan hệ chặt chẽ  với các hoạt động lao động, sinh hoạt gia đình, sinh hoạt xã hội  của nhân dân, hình thành những  sinh hoạt văn học dân gian, đó là nội dung của những tập quán lao động, những phong tục xã hội, những nghi lễ hội hè, tôn giáo tín ngưỡng  của nhân dân mỗi dân tộc . Do sự tồn tại, phát triển thông qua những sinh hoạt này, văn học  dân gian là sự phản ảnh mặt tinh thần của đời sống thực tiễn, và cũng là  sự kiện của chính ngay  đời sống thực tiễn đó .
 3. Văn học dân gian khái quát trực tiếp kinh nghiệm lao động, kinh nghiệm mang tính lịch sử xã hội của người lao động, biểu hiện trực tiếp thế giới quan, đạo đức, thị hiếu  thẩm mỹ của cha ông ta thuở xa xưa .

 


No comments:

Post a Comment