Monday, August 26, 2019

Bài 9 THỂ THƠ HÀNH SA HÀNH ĐOẢN CA . ( Cao Bá Quát )


        
        
I GIỚI THIỆU :
1.     Thể loại : Hành( ca hành ) là một thể thơ cổ, có tính chất tự do phóng khoáng, không gò bó về số câu, số từ trong câu, cả niêm luật, bằng trắc hay vần điệu . Về nội dung, ta thấy thể hành được dùng để bày tỏ  nỗi cảm kích giữa không khí bi tráng (chinh chiến, tiễn biệt) đề cập đến những vấn đề thiêng liêng, những sự kiện mới lạ, bất ngờ hay những đồng cảm tạo ấn tượng mạnh mẽ; chủ thể trữ tình thường kể lại sự việc với tâm trạng bức xúc, có thể bày tỏ thái độ, chính kiến.
  Có nhiều bài thơ  nổi tiếng với thể Hành : Tỳ bà hành (Bạch  Cư Dị, nhà thơ Đường) Tống biệt hành (một bài  thơ mới Việt Nam của nhà thơ Thâm Tâm)
2.    Nhan đề  của bài Sa hành đoản ca  (sa: cát, hành : đi, đoản ca : bài ca ngắn) Từ “đoản ca” ở đây còn có thể hiểu theo hình ảnh ẩn dụ là điều bộc lộ không nhiều . Tác giả không đệm  thể loại như mọi bài ca hành khác, nhưng  lối gieo vần phóng túng, số câu và từ không gò bó,  giọng điệu bi phẫn, chính là những đặc điểm của thể thơ này . Tư tương và hình thức này, cộng với một phương tiện  quen thuộc của thơ ca trung đại –chữ Hán- càng làm cho ý tưởng tác phẩm thêm giá trị .
  3 . Vài nét về  tác giả : Cao Bá Quát (1809-1855): người làng Phú Thị, huyện Gia Lâm, tỉnh Bắc Ninh; nay thuộc xã Phú Thị, huyện Gia Lâm, Hà Nội. Thuở nhỏ, Cao Bá Quát sống trong cảnh nghèo khó, nhưng nổi tiếng là trẻ thông minh, chăm chỉ và văn hay chữ tốt. Năm Tân Tỵ (1821), ông thi khảo hạch ở trường thi tỉnh Bắc Ninh lúc đó mới 13 tuổi, nhưng thi Hương (lần đầu) không đỗ. Năm Tân Mão (1831) đời vua Minh Mạng, ông thi Hương đỗ Á Nguyên (người đỗ bậc nhì ) tại trường thi Hà Nội, nhưng đến khi duyệt quyển, triều đình  kiếm cớ   xếp ông xuống hạng cuối cùng trong số 20 người đỗ cử nhân. Năm Nhâm Thìn (1832), Cao Bá Quát vào kinh đô Huế dự thi Hội nhưng không đỗ. Sau đó, ông vào kinh dự thi mấy lần nữa, nhưng lần nào cũng hỏng.
  Năm 1841, được quan tỉnh Bắc Ninh tiến cử, ông trở thành một vị quan nhà Nguyễn. Nhưng con đường công danh  của ông  đầy sóng gió  , do ông quí trọng nhân  tài, chuộng điều hay lẽ phải, không uốn mình  vì tước nghiệp : bị giam cầm , bị buộc đi sứ, bị giáng chức, bị sa thải…

3.     Bố cục : Bài thơ có 16 câu , nội dung gồm ba ý rạch ròi : Thân phận tác giả trên đường lập thân – ông cay  đắng trước thực trạng thối nát chốn quan trường -  thái độ  phản kháng .
   
 II . ĐỌC HIỂU :
1. Hành trình đi tìm danh lợi của  những nho sĩ chân chính   vô cùng gian nan.
  - Sáu câu phần 1, nhà thơ làm động tác giới thiệu  không gian, thời gian của câu chuyện, từ đó nêu lên cảnh ngộ , tâm trạng  chính của mình.
   Câu đầu tiên chính là phần giới thiệu  không gian . Câu thơ ngũ ngôn, tách làm hai vế, có hai cụm từ lặp lại “trường sa ” , bãi cát dài . Hai cụm từ đi liền trong một câu thơ, khiến người đọc có cảm giác  tác giả đang tả một khung cảnh giữa  sa mạc  với mênh mông cát trắng . Thế nhưng có một từ chen vào giữa  , từ “phục” .Phục nghĩa là “một lần nữa ”. Bãi cát mênh mông hun hút ấy bỗng như càng mênh mông hun hút, vì cứ đi thêm , đi thêm một lần nữa, lại chỉ thấy cát.Người đi như bị vây bủa bởi cát , càng đi càng không tìm được lối ra . Càng bị vây bủa vì “nhất bộ nhất hồi khước ”. Hồi là “trở về, quay lại”, khước nghĩa là lùi ra phía sau .Không tiến thêm một bước nào cả .
    Thông thường  những cư dân sống  những vùng đồi cát ven biển thường chạy chân trần  trên cát, phần vì cát bỏng chân, một phần quan trọng hơn, cát vướng chân rất khó đi .
    Sách giáo khoa chú thích rằng có thể bài  thơ này được  hình thành từ  những lần nhà thơ về kinh đô Huế để thi  Hội, qua các tỉnh Quảng Bình,Quảng Trị ở miền Trung đầy cát trắng . Ta biết ông  “ học tài nhưng thi phận :  thi hỏng nhiều  phen .Bối cảnh thời gian hé mở .
      Khó nhọc như thế,  cho nên “khách tử lệ giao lạc”. Đây là bước tác giả nói về mình, giới  thiệu nhân vật .  Lại cách dùng từ đầy ấn tượng. “Khách tử” là người phương xa , hoàn toàn  lạc lõng, xa lạ với  vùng gió cát chập chùng này .Dường như nhà thơ muốn nói  hành trình lao vào cát, đi lập công danh đối với ông chỉ là một “khách tử”. “Lệ lạc” là nước mắt rơi . Lệ giao lạc, rơi nhiều lắm .Tại sao thế ? Tác giả biết  giai thoại một tiên gia Hạ Hầu Ấn trong sách Thần tiên thập dị,  nổi danh là “mĩ thụy ông”(ông lão ngủ say giấc),  đi đường mắt nhắm ngủ ngon lành mà không hề trượt vấp .Nhưng thi nhân của chúng ta không học được (quân bất học) Nhà thơ không gọi mình là “khách tử ”mà đặt làm nhân vật phân thân,một  người thứ hai  quân (anh, bạn, cách người đồng  bối gọi nhau )nghĩa là lũ chúng mình , để bộc lộ nỗi niềm . Nhưng cũngcó thể hiểu  là có nhiều người cùng nhà thơ đang khó nhọc , bất lực giữa bãi cát danh lợi .Gian khổ, bế tắc, bất lực, họ đâm ra “oán hà cùng !”Than trách đến bao giờ đây, mà cứ phải “đăng sơn thiệp thủy”  cho đến khi “nhật nhập hành vị dĩ”( mặt trời đã lặn , cứ đi mãi chưa thôi ), đây cũng  là phần tác giả giới thiệu mốc  thời gian trong cuộc hành trình trên cát .
   Cả một đoạn thơ  6 câu, hai cặp  từ hiệp vần (khước /lạc; ông /cùng) đều là những từ mang theo ý thơ quan trọng trong đoạn : cảnh ngộ đầy gian nan(cát quẩn chân), uất ức( khóc nức nở) , bế tắc (chỉ biết vật vã than oán).Hành trình đi tìm danh lợi của  những nho sĩ chân chính   lẽ nào lại như thế !
   Có lẽ Cao Bá Quát cũng có quan  niệm cống hiến một cách trong sáng như Nguyễn Công Trứ (cùng sống dưới triều Nguyễn ). Nhưng có lẽ ông   rơi vào cảnh “ tài cao, phận thấp” như ông cay đắng nhận diện .Phận ấy đẩy ông vào cảnh ngộ bi thương, bế tắc.
   2 .  Thực sự trớ trêu dưới triều Nguyễn .
   Phần thứ  hai, tác giả dùng biện pháp tự sự rất sinh động . Nhà thơ phối hợp nhuần nhuyễn thao tác kể chuyện, miêu tả và bày tỏ cảm xúc thật khéo léo .  Từ đó, người đọc sẽ hiểu vì sao mà  “sa hành” (đi trên cát)lại đầy ám ảnh thế .
 - Hai câu đầu, nhà thơ đưa ra một nhận định như một quy luật : Cổ lai danh lợi nhân , bôn tẩu lộ đồ trung (Xưa nay, những người danh lợi luôn chạy vạy mưu việc  giữa đường đi ). Từ xưa đến nay, nghĩa là những người tác giả gọi “danh lợi nhân”chiếm con số không nhỏ .Bản dịch nghĩa và dịch thơ dùng cụm từ “hạng người danh lợi, phường danh lợi”hàm chứa sự miệt thị, có lẽ chưa hợp lý , vì thái độ của tác giả qua nguyên bản “danh lợi nhân” , những người  say mê học tập, tôi rèn để “tu thân, tề gia, trị quốc ,bình thiên hạ” rất đáng tôn trọng . Họ là những hiền tài của đất nước .
    Con đường họ  “bôn tẩu”( bản dịch dùng từ tất tả, có lẽ cũng chưa sát )có “lộ đồ trung ”. Trung có nghĩa là ở giữa . Lộ và đồ đều mang chung một nội  dung : con đường .Đường đi tìm lý tưởng cao đẹp của những người yêu nước, thương dân rộng mở, thuận lợi vô cùng . Đó là con đường mà hàng vạn nho sinh đã dấn bước, để tên tuổi họ được khắc lên các bia đá trong văn miếu, trong sử sách nước nhà . Đó chính là con đường mà từ hơn mấy  thế kỷ qua , biết bao nhiêu  hiền tài đã có cơ hội cống hiến   trọn vẹn cho nước nhà .
 -                   Thế nhưng thực tế ở xã hội nhà thơ sống,nhng năm nhà Nguyễn suy thoái, lại đầy tương phản : người say chen chúc trong những quán rượu, còn người tỉnh lại rất hiếm. Đường bằng phẳng, những thản lộ  (mà xưa nay những nho sĩ chân chính vẫn đi)thì mang mang(xa xăm , mờ mịt)còn con đường đầy ghê sợ  bọn người say kia đi lại nhiều vô cùng !Tác giả , những “tỉnh giả”, những  trí thức phong kiến đầy trách nhiệm, đang phải đi trên “thản lộ mang mang”, chính là “sa hành”với biết bao khó nhọc, đắng cay, uất hận .
         Ngòi bút dựng lên cảnh đối lập trong xã hội  học tập Cao Bá Quát đang sống, được chốt lại bằng một câu cảm thán : trường sa, trường sa, nại cừ hà ?Cứ cát chập chùng,chập chùng, làm gì bây giờ ?( trong bản dịch thơ, để  việc gieo vần, đặt câu  được thuận, dịch giả đã chuyển cụm từ nại cừ hà song hành với úy lộ mang mang .Chức năng cụm từ này gắn với  trường sa, trường sa( Khi đọc,chúng ta nhắc nhở học sinh chi tiết này )Thực sự bế tắc đến mức độ không thể nào chấp nhận được nữa !Câu thơ này có thể xem là linh hồn bài   thơ , là tứ thơ quan trọng, như ban đầu đã nêu ( những bãi cát miền bắc Trung bộ đã gợi tứ cho nhà thơ viết bài này)Làm sao, khi con đường công danh lại bị biến tướng .  Những rường cột tương lai của nước nhà lại hầu như  thiếu tài lẫn đức, đang bước chen nhau trên những con đường đầy khủng khiếp . Văn hiến nước nhà sẽ thế nào, khi lãnh thổ ấy, nhân dân ấy, mà giới cầm quyền lại xấu xa như thế !Còn người có tài lại cứ  đổ lệ và gian khó với “trường sa phục trường sa”.
    Ở sáu câu được xem là tự sự này, tác giả gieo hai vần (ung và a ), tách khổ thơ ra hai vế . Vế một tác giả khẳng định bản chất tốt đẹp của con đường thi cử, Vế hai, tác giả xót xa cho thực trạng này,và  phê phán bản chất  suy thoái trong  việc thi cử nhà Nguyễn, đi ngược lại đạo lý truyền thống .. Có thể xem chức năng của vần ở đây rất tích cực, cụ thể .Giọng  thơ không ai oán như phần một, mà đậm đặc chất phê phán .Ta biết Cao bá Quát là người khẳng khái, bản lĩnh, hay   gọi  chính xác hơn, rất sáng suốt và nhân ái, dù ông là kẻ chịu nhiều cảnh thất thế . Điều này lý giải phần nào cho số phận gian truân của ông : bị giam cầm , bị buộc đi sứ, bị giáng chức, bị sa thải
3 Người đeo đuổi danh lợi chân chính phải làm gì ?
     Bốn câu thơ cuối  có cấu trúc thật đặc biệt .Một loạt từ  được láy lại : Bắc sơn chi bắc/ nam sơn chi nam –ba vạn cấp, ba vạn điệp. Vây bủa nhà thơ là núi  điệp trùng , sóng muôn đợt. Ba thanh trắc đi liền hiệp vần , tạo nên âm thanh dữ dội, quyết liệt : ngươi(mày) còn đứng làm gì trên bãi cát ?Nhưng ta hãy chú ý câu đầu khổ : Thính ngã nhất xướng cùng đồ ca .Một câu mệnh lệnh .Hãy nghe ta (tôi)là kẻ đầu tiên( nhất ) xướng khúc “cùng đồ”. Bản dịch đã bỏ đi từ “nhất”. Cao Bá Quát có lẽ là một mệnh quan triều Nguyễn đầu tiên rời bỏ chức tước triều đình ban, tìm đến với nhân dân, chống lại nhà nước phong kiến .Sử sách chép rằng do ông không tiếc lời châm biếm những sự xấu xa của nhà Nguyễn nên vua quan căm ghét.Năm 1852, ông phải rời kinh đô, đi nhậm chức Giáo thụ phủ Quốc oai , tỉnh Sơn Tây .Những năm này ở đây bị hạn hán, lại có nạn châu chấu, đồng lúa xác xơ, nhân dân khắp vùng đói khổ .Họ nổi lên  chống lại triều đình vào năm 1854 . Cao Bá  Quát tham gia . Do chưa chuẩn bị chu đáo, kế hoạch khởi nghĩa bị dập tắt chỉ sau mấy tháng. Cao Bá  Quát hy sinh (có thuyết nói ông bị bắt sống và bị hành hình ).
III. KẾT LUẬN
         Khúc “sa hành”đã kết thúc như thế , đầy bi tráng , nhưng đã phản ảnh hai điều : sự mục ruỗng của chế độ nhà Nguyễn thời vua Tự Đức, đó là nguyên cớ thực dân Pháp đến đánh chiếm nước ta . Đồng thời ,chúng ta luôn tự hào có những tấm lòng trọn đời thiết tha với dân, với nước, và Cao Bá
             Nếu triết lý của Nguyễn Công Trứ đầy lạc quan : cống hiến, hửơng thụ hết mình, bởi ông  trọn niềm thủy chung trong nghĩa vua tôi. Nhưng với  Cao Bá   Quát, ông không   được cống hiến trọn vẹn  như bậc đàn anh,mà theo ông , do “ phận thấp” ông đã đi đến với nhân dân, thể hiện lý tưởng cống hiến theo một lối tích cực khác.      
 Câu hỏi:
1.    Bạn hiểu thế nào về thể Hành ?
2.      Nêu vài nhận định  về Cao Bá Quát .
3.     Tâm trạng của tác giả khi viết bài thơ? Ông đã dùng lối ngôn từ như   thế nào để bộc bạch nỗi lòng ?
4.     Lý giải vì sao tác giả mang tâm  trạng  đó ? Ngòi bút tương phản đậm chất phê phán ở đây như thế nào ?
  Đánh giá về hành động cuối cùng của ông ?         

No comments:

Post a Comment