A. TÌM
HIỂU VỀ THƠ LỤC BÁT
I.
KHÁI NIỆM VỀ THƠ LỤC BÁT :
1. Định
nghĩa : Đây là một thể thơ có hai loại
câu sáu tiếng và tám tiếng lần lượt xen nhau đều đặn từ đầu đến cuối bài
Về hình thức, lục bát là một
thể thơ cách luật thuần túy của Việt Nam, hình thành trên cơ sở của nền ca dao,
dân ca cho nên nhạc điệu rất phong phú . Nhịp điệu có hàng
chục cách ngắt khác nhau, vần bao gồm vần chân và vần lưng, luật bằng trắc đa dạng tạo điều kiện thuận lợi cho việc
phối thanh, đặc biệt thanh bằng, hài hòa,êm ái .
Về nội dung, từ sự phong phú, linh hoạt
các giá trị nghệ thuật chính của thơ ( nhịp
điệu, vần điệu, thanh điệu ) thơ lục bát có một khả năng rộng lớn trong
việc biểu hiện các trạng thái cảm xúc , thông qua các thủ pháp kể chuyện, miêu tả,
biểu cảm của dạng tự sự và trữ tình
Chính vì thế, thể thơ lục bát đã xâm nhập sâu
rộng vào nhiều thể loại văn học khác nhau
trong nền văn học dân tộc. Hình
thành từ ca dao, dân ca, lục bát lại phục vụ
cho việc sáng tác ca dao, dân ca, truyện thơ nôm, các kịch bản ca kịch
dân tộc.
2. Giá trị :
Thể thơ lục bát đã đạt đến sự hoàn chỉnh tuyệt đẹp với thiên tài nghệ
thuật của Nguyễn Du trong Truyện Kiều , tiếp tục được phát huy qua thơ Tố Hữu, khẳng định được sức sống mãnh
liệt trong nền thơ ca hiện đại Việt Nam.
Khi dòng Thơ Mới
hình thành, Nguyễn Bính với chất “
chân quê” ,thắm thiết với
điệu lục bát nhịp nhàng, uyển chuyển.
Nhiều nhà thơ trưởng thành từ phong trào
này luôn có những bài lục bát “ bỏ túi”, đó là
những câu thơ lục bát của Tản Đà
( Thề non nước ) Thế Lữ (Tiếng sáo thiên thai) Xuân Diệu ( Chiều )Huy Cận( Ngậm
ngùi,Thu rừng ) Thơ sầu rụng ( Lưu
Trọng Lư ). Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, Tre Việt Nam là bài thơ lục
bát đã làm nên tên tuổi nhà thơ trẻ Nguyễn Duy .
Ngày nay, trong nền thơ ca hiện đại Việt Nam,
thể thơ lục bát vẫn chiếm một vị trí quan trọng , được nhiều nhà thơ sử dụng và được đông đảo quần
chúng yêu thích .
3. Hướng đọc hiểu một bài thơ lục bát :
-
Bài thơ lục bát có số lượng câu lớn , tuy
nhiên dựa vào hình thức ban đầu ( cứ mỗi cặp hai câu mới đổi vần ), nên nội dung câu vắt dòng, đoạn tối thiểu nằm trong cặp chẵn .
-
Cũng
như mọi thể thơ khác, bố cục bài
thơ lục bát cũng có ba phần ( mở, thân,kết ) nhưng kết cấu rất đa dạng, chủ yếu là sự phát triển theo chiều tích cực hay ngược lại của trục cảm
xúc .
-
Vần phong phú, luật phối hợp bằng trắc, cách ngắt
nhịp hỗ trợ tích cực cho nội dung lời thơ, câu thơ
-
Hình ảnh, hàm súc cũng là yếu tố cần thiết
phục vụ cho thơ lục bát thêm giá
trị
-
Chất ca dao, dân ca mượt mà, đằm thắm, lạ mà
quen, khiến người nghe vừa thấy gần gũi,
vừa mới mẻ, tạo sức lôi cuốn triền miên
. Chất tự sự và trữ tình, lối phú ( kể ) tỉ ( so sánh ) hứng ( bộc lộ tâm trạng ) vốn thông dụng trong ca dao được
thể hiện rộng rãi trong thơ lục bát
II.
HÁT GIAO DUYÊN :
1. Khái niệm :
Giao duyên ( giao nghĩa là
gửi,trao; duyên ở đây có thể hiểu là tình người, tấm lòng, nét đẹp về phẩm
hạnh, tính cách, cuộc đời .) Hát giao
duyên là sinh hoạt văn nghệ dân gian của
thanh niên nam nữ ở làng quê ngày xưa, khi buổi hội làng kết thúc, chủ nhà tiễn
khách ra về trong đêm giã bạn . Các làng quan họ ( tức là nhóm hát hình thành theo làng )thường hát giao lưu,
hát xuyên đêm đến sáng hôm sau mới tàn cuộc hát, bởi về khuya tâm trạng
người quan họ được thăng hoa, giãi bày hết qua những câu hát dân ca, đẩy cuộc
vui đến cao trào.
Các bài giao duyên thường thể hiện tâm trạng tình yêu đôi lứa,
khát vọng sống ấm no, hạnh phúc, nỗi nhớ mong, tương tư của người quan họ .Những làn điệu dân ca mượt mà, đằm thắm, thấm
đượm hồn quê như đưa người nông dân chân lấm tay bùn thoát ra
khỏi sự vất vả, cực nhọc để lạc vào thế giới của thần tiên.
Họ
tiếp đãi nhau chân tình, mộc mạc. Trai, gái các làng quan họ chỉ kết bạn với nhau (không nên duyên vợ chồng ) và cùng nhau đùm bọc, sẻ
chia mọi nỗi vui buồn như anh em trong nhà . Hát để thay cho nói, tâm sự gửi cả
vào trong câu hát, đó cũng là cái tình của người quan họ đã thấm thía, lan tỏa
qua ngàn đời qua ở đây. Tất cả tình cảm
đều được người quan họ thể hiện một cách tế nhị và kín đáo Người quan họ nào cũng nhận mình làm em, gọi khách là
mình cái tôi cá nhân hàm chứa sự kính trọng(mình ) khiêm nhường(em ) Tỉnh .Bắc Giang có năm làng trong danh
sách những làng quan họ cổ được vinh danh , là cái nôi của phong trào hát giao duyên.
2. Đặc điểm nghệ thuật : . Hầu hết
lời ca Quan Họ lấy từ thơ, ca dao và đặc biệt là truyện Kiều,
với thể thơ lục bát thông dụng. Thể thơ này có đặc điểm phong phú về vần, kết
cấu tiểu đối trong nhiều câu lục và bát,
vừa chuyên chở những tình cảm thiết tha,chân thành, vừa là phương tiện để những yêu cầu câu hát đạt được yếu
tố vang, rền, nền, nảy vốn không thể
thiếu được. Tính biểu diễn đóng vai trò
quan trọng trong quá trình chuyển tải nội dung và giòng cảm xúc của hai
bên quan họ .
- Vang là kết quả
cộng hưởng của miệng hát để khuyếch đại âm thanh. Những yếu tố hỗ trợ vang
trong hát giao duyên gồm: giai điệu bài hát phát triển liên tục, sử dụng nhiều
âm thêu, luyến, nốt hoa mỹ, âm đệm mở như ơ, í ơ, í a… với độ ngân dài.
Thơ lục bát đóng vai trò tích cực, nhờ
vần , nhịp phong phú.
- Rền là đặc điểm âm thanh trong câu hát có độ
rung đều đều, Rền là cách hát nhấn nhá, luyến láy và rung giọng liên tục không
dứt .
- Nền ở đây có nghĩa phông nền Tiếng đệm vừa
làm nền như một dàn nhạc đệm, vừa là chất kết dính các âm điệu của lời thơ,
thông qua các nốt luyến, lướt, hoa mỹ, thêu giai điệu đặc trưng của Quan họ và
chi phối nhiều đến kỹ thuật hát Quan họ.
- Nẩy
hạt là một kiểu sáng tạo nghệ thuật của dòng âm nhạc dân gian. Nẩy hạt có thể
xem như những điểm nhấn trong chuỗi âm thanh rền, làm cho câu hát thêm ấn tượng và độc đáo .,
B. VIÊT BẮC ( Tố Hữu )
I.
VÀI NÉT GIỚI THIỆU:
1. Hoàn
cảnh ra đời- Thể loại
-
Tập thơ
Việt Bắc ( 1954 ) được Tố Hữu sáng tác trong những năm kháng chiến chống Pháp, gồm ba mươi bài
thơ. Tác giả sử dụng nhiều thể thơ ( tự
do, hợp thể đặc biệt là các thể thơ
truyền thống dân tộc như lục bát, song
thất lục bát, ngũ ngôn ). Nhà nghiên cứu Đặng Thai Mai đã đánh giá “ Việt Bắc
là tập anh hùng ca của cuộc kháng
chiến toàn dân chống ngoại xâm”
-
Bài thơ Việt Bắc (10.10.1954) viết khi đoàn cán bộ rời chiến khu Việt Bắc về tiếp quản thủ đô. Không
khí tiễn đưa đầy lưu luyến, những người phụ nữ mặc áo chàm, vạt dài lửng gối,
khiến tác giả không khỏi bồi hồi, hình dung đến
khung cảnh giã bạn sau hội quan họ. Vì vậy, ông đã mượn thể lục bát, lối xưng hô mình , ta , em
, câu hỏi đáp của những bài hát giao duyên để viết lên chín chục
câu thơ lục bát này.
2. Nội dung bài thơ :
-
Bài thơ Việt Bắc gồm chín mươi câu lục bát, là những trang tùy bút bằng thơ, ghi lại
những khung cảnh chiến khu “hắt hiu lau xám” trong suốt cuộc kháng chiến, mô tả con người Việt Bắc “ đậm đà lòng son”, ca ngợi linh hồn cuộc kháng chiến : Bác Hồ và tổ chức Việt
Minh( từ 1940 đến 1954 ) từ đó, tác giả
bày tỏ một trách nhiệm công dân, là sẽ cùng miền xuôi ra sức xây dựng Việt Bắc tươi
đẹp,giàu có
3. Nhân vật trữ tình và trục cảm xúc :
Qua cảnh vật Việt
Bắc, nhân dân và chính quyền cách mạng ở Việt Bắc, nhà thơ chính là nhân vật
trữ tình , bộc lộ niềm tin sâu sắc về Tổ quốc , về cách mạng. Tổ quốc chính là
nhà nước cách mạng, là nhân dân và địa
bàn các tỉnh vùng Việt Bắc .
Việt Bắc là một vùng phía Bắc Hà Nội thời kháng chiến chống
Pháp (1945-1954) bao
trùm nhiều tỉnh ở Bắc Bộ. Ngày nay là khu vực gồm 6 tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Hà Giang, Tuyên Quang, Thái Nguyên hay còn được gọi tắt là Cao - Bắc - Lạng -
Hà - Tuyên - Thái.
Việt Bắc được gọi
một cách văn hoa là Thủ đô
kháng chiến, bởi đây là nơi trú đóng của đầu não Đảng Cộng sản
Việt Nam thời trước khởi nghĩa năm 1945, và là nơi trú đóng của đầu não chính phủ Việt Minh trong thời kỳ kháng chiến chống
Pháp (1945 - 1954). Nó cũng được gọi là Thủ đô gió ngàn, tên gọi này
được bắt nguồn từ bài thơ Sáng
tháng năm của nhà thơ Tố Hữu
.
Bài thơ mang không khí anh hùng ca, vì vậy có
thể khắc hà hai nét : hoàn cảnh anh
hùng, hành động anh hùng khi mô tả chân dung con người,cuộc kháng chiến ở Việt
Bắc.
4. Kết cấu:
Đoạn trích gồm những câu mở đầu bản trường ca này, chúng ta có thể
xem tác giả chọn ba yếu tố để ghi chép và bộc lộ cảm xúc : núi
rừng Việt Bắc, người dân Việt Bắc và chính quyền cách mạng.
-
Phần
đầu : cuộc cách mạng “ nhớ khi kháng Nhật, thuở còn Việt Minh”
-
Phần
còn lại: chiến dịch Điện biên kháng Pháp
5. Màu sắc sử thi :
. Bối cảnh lịch sử và không khí dựng tác phẩm là một yếu tố
tạo nên hoàn cảnh cho các nhân vật ,tự
sự và trữ tình : cuộc kháng chiến chống Nhật Pháp, (1940-1954) Đấy là hoàn cảnh
anh hùng . Những con người trong cuộc chiến dữ dội, khốc liệt và dai dẳng ấy , là những người dân Việt Bắc chân chất, lam lũ, chọn cho mình một hướng đi
, một cách sống : đi theo cách mạng, sống cho lý tưởng cách mạng.
-
Trước hết , họ cần
có một người đi trước, một thủ lĩnh, là linh hồn cuộc kháng chiến , một chính
quyền, đó là Đảng , Bác Hồ , hay những
biểu tượng rất cụ thể : lá cờ đỏ sao vàng . Thứ hai , họ phải
bám trụ một vùng đất, một lãnh thổ . Với Việt Bắc, đó là “ đất trời ta
cả chiến khu một lòng ” . là cả giang sơn này ,.
-
Thứ ba và sau cùng
là nhân dân, đồng bào, đồng đội, bạn bè,
cả người yêu của họ . Họ đã hành động
như những anh hùng . Để tạo dựng một chế độ, cần có ba yếu tố kể trên : chính
quyền, lãnh thổ, nhân dân .Từ ba yếu tố này, như kiềng ba chân,một thế trận
vững vàng để người anh hùng tiến công .
Chính trong Bình Ngô đại cáo, Nguyễn Trãi đã khẳng định: Một nền văn hiến , với
lãnh thổ có núi sông bờ cõi riêng,có
Triệu Đinh Lý Trần,có hào kiệt . Đó là
động cơ để Nguyễn Trãi hăng hái cùng Lê Lợi kháng chiến . Đây cũng là mục đích
chiến đấu của những “hào kiệt thế kỷ XX”
cầm súng Để khắc họa họ, bằng thơ hay văn xuôi,bằng chất tự sự hay trữ
tình, các tác giả đều chọn yếu tố dân tộc
làm nền tảng .Tố Hữu chọn thể thơ lục bát,có lối đối đáp rất gần với những câu
hát giao duyên để sáng tác Việt Bắc
.Cuộc sống,lao động ,học tập,chiến đấu hiện lên rộn ràng, sinh động như không
khí tiến công của sử thi .và toàn bộ
những yếu tố văn hóa,văn học dân gian...thấm đẫm từng câu thơ , đánh
động không thôi tâm hồn người Việt Nam nhiều điều sâu lắng , như thôi thúc họ ý thức dù đang
đối diện với “hoàn cảnh anh hùng”, thì
phải biết “ hành động anh hùng”.
II.
ĐỌC
HIỂU :
1
. Cuộc
cách mạng “ nhớ khi kháng Nhật, thuở còn Việt Minh”
Bài thơ Việt Bắc được Tố Hữu sáng tác vào tháng 10-1954. Thời điểm này
mang một yếu tố lịch sử rất quan trọng và thiêng liêng với người dân
thủ đô và cả nước : ngày Đảng và Bác Hồ tiếp quản thủ đô . Trước đó, thủ đô kháng
chiến được đặt ở Việt Bắc trong suốt 15
năm (1940-1954).Có thủ đô,nghĩa là
có một thể chế chính trị rõ ràng ,có
chính quyền,có lãnh thổ ,có nhân dân . Mười lăm năm, thời gian đủ để cho một
thiếu niên trở thành một chàng trai dạn dày kinh nghiệm, cho một đứa bé chào
đời thành một thiếu niên khỏe mạnh,tuấn tú . Đó là quãng thời gian dài . Chính
quyền từ Hà nội đến (1940) .Nếu không có lãnh thổ , không có nhân dân, chính
quyền ấy có tồn tại không ? Tố Hữu rất thấm thía điều đó .
a .Nhà thơ vốn nhạy cảm này đã xem mảnh đất,con người Việt
Bắc như người yêu, và ông tâm sự, ông đã phải lòng họ . Việt Bắc , vùng đất miền biên viễn của đất nước hiện
lên trong thơ Tố Hữu là chiến khu với khí hậu khắc nghiệt, mưa nguồn, suối lũ
,mây mù , với địa hình núi đèo hiểm trở ,đường đi lối lại đầy rừng nứa bờ tre,
ngòi sông suối . Những lời giao duyên
sao mà ân tình . Trong khổ thơ với sáu
cặp lục bát, mọi câu lục đều là lời dặn dò “ mình đi có nhớ, mình về còn nhớ” gói thật gọn trong sáu chữ, đủ để độ “ vang , rền, nền , nảy” thật đầy âm sắc.
Nhưng đó chỉ là cảm
nhận ban đầu . Kháng chiến mười lăm năm, nhà thơ tìm thấy giữa
Việt Bắc hùng vĩ,dữ dội vẫn thơ mộng, yên bình . Đó là những ngày “trăng
lên đầu núi, nắng chiều lưng nương,” hay đêm “rừng thu trăng rọi” .Đó là những
nương bắp chín vàng dưới cái nắng chói chang của mùa hạ, là những rừng hoa
chuối đỏ tươi hiện lên giữa đám lá xanh thắm, là “mơ nở trắng rừng mỗi độ xuân
về, là rừng phách mới chớm hè đã đổ vàng . Nhà thơ hạnh phúc lắm , đấy là hoa
chỉ có ở Việt Bắc,lại nhiều vô kể “trắng
rừng, đổ vàng” lại đẹp đến bất ngờ “đỏ tươi ”.Cảnh vật đẹp,thơ mộng, rực rỡ,
lại rộn ràng trong những thanh âm chỉ có
ở vùng rừng núi : tiếng mõ rừng chiều, chày đêm nện cối , mà mỗi lần nghĩ
về,nhà thơ thốt lên “nhớ sao ”.Nhớ nhiều lắm . Cả người đi và kẻ ở không thể
nào quên biết bao kỷ niệm về một vùng
đất có “ thủ đô gió ngàn” . Những canh hát quan họ
, người nông dân chân lấm tay bùn đã thoát ra khỏi sự vất vả, cực nhọc để lạc
vào thế giới của thần tiên
b . Không khí chiến tranh ở đâu ngoài kia rất
xa, còn ở đây giữa chiến khu , cuộc sống vẫn êm đềm trôi. Chỉ vì có một ánh sao
sáng luôn che chở,dẫn lối : Việt Minh . Theo đề nghị của Nguyễn Ái Quốc,
vào ngày 19 tháng 5 năm 1941, Hội nghị quyết định thành lập Việt Nam Độc lập
Đồng minh, gọi tắt là Việt Minh với mục đích công khai là "Liên hiệp tất cả các tầng
lớp nhân dân, các đảng phái cách mạng, các đoàn thể dân chúng yêu nước, đang
cùng nhau đánh đuổi Nhật - Pháp, làm cho Việt Nam hoàn toàn độc lập, dựng lên
một nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa". Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng
quân ra đời (tháng 12.1944)tiếp theo với cuộc họp của Quốc dân Đại hội (tháng
8.1945)Nhà thơ dùng những hình ảnh ngòi Thia, sông Đáy,suối Lê để ca ngợi tổ
chức Việt Minh,dùng các hình ảnh mái đình Hồng Thái, cây đa Tân Trào như một cách gọi thân thương về quân đội nhân
, tổ chức chính trị của nhân dân .
c .Nhân
dân Việt Bắc trong bài thơ hiện lên là
“người yêu, người thương ” gắn bó với tổ chức Việt Minh trong mười lăm qua rất “thiết tha mặn nồng”.
Chia tay từ nhiệm vụ mới của đất nước, những người cán bộ miền xuôi đã nâng nỗi
nhớ ấy lên tầm cao nhất , không thể so sánh được nữa : nhớ gì như nhớ người yêu
.Họ là “người mẹ địu con lên rẫy”là “cô em gái hái măng”,là một dáng người lao
động khỏe mạnh, loáng thoáng lưỡi dao gài thắt lưng, là một bàn tay khéo léo
chuốt giang đan nón ; tất cả họ đã cùng Đảng và Bác Hồ “mình đây ta đó, đắng
cay ngọt bùi .”Họ đã san sẻ với cán bộ bát cơm, tấm chăn, chỗ ở, một bếp lửa
sớm khuya . Cán bộ cũng cùng họ vui chung không khí kháng chiến, những lớp học
I tờ, những đêm liên hoan văn nghệ tưng bừng “đồng khuya đuốc sáng”, cả những
ngày tháng cơ quan đầy gian nan mà rộn vang tiếng hát . Trong mắt nhà thơ và
người về xuôi, nhân dân Việt bắc dù phải sống nơi “hắt hiu lau xám”mà vẫn “đậm
đà lòng son ”.
2
Chiến dịch Điện biên kháng Pháp
a .Việt Bắc bây giờ được mô tả cụ thể hơn ,
,núi đá, rừng cây,sương mù, và đóng vai
trò một chiến sĩ : đánh Tây . Việt Bắc đã giao cho mỗi “người lính” này một
nhiệm vụ rõ ràng,rạch ròi . Núi , địa hình lồi, có sườn dốc và độ cao từ 610 mét trở
lên. trải dài khắp miền Việt Bắc ,thì “giăng thành lũy sắt dày”.Rừng, thảm thực vật của những cây thân gỗ trên bề mặt nhiều vùng ở Việt Bắc , giữ vai trò to lớn đối với người dân nơi
đây như: cung cấp nguồn gỗ, củi, điều hòa khí hậu, tạo ra oxy, điều hòa nước, nơi cư trú động thực vật và tàng trữ
các nguồn gen quý hiếm, bây giờ thì rừng “che bộ đội, vây quân thù ” . Sương mù là hiện tượng hơi
nước ngưng tụ thành các hạt nhỏ li ti giống như mây
nhưng hiện ra áp mặt đất thay vì trên trời cao.Những “đám
mây”này ôm ấp bốn mặt chiến khu, cả đất
trời mênh mông , khiến giặc không thể đột nhập.
b .
Bên cạnh những người lính được tôi luyện này, nhân dân Việt Bắc đã là lực lượng
kháng chiến đông đảo, đầy khí thế . Họ được tổ chức thành hai thứ quân : quân
chủ lực và dân công .Những con đường qua núi rừng âm u ,qua đèo vắng lặng, bỗng
“rầm rập như là đất rung ”Quân chủ lực “điệp điệp trùng trùng”, dân công “bước chân nát
đá” .Lối mô tả phóng đại, hình ảnh đậm
màu sắc anh hùng ca đó ,giúp ta hiểu rằng cuộc kháng chiến này thần thánh và
thiêng liêng, mỗi chiến sĩ, dân công là một anh hùng, đang góp phần làm nên
chiến tích không chỉ cho cộng đồng họ mà cho cả nhân loại .Khí thế đoàn quân đi
tới, như nguồn ánh sáng mỗi ngày một chói lọi : ánh sao trời và trên đầu
súng,ánh đuốc ,rồi đèn pha .
c .
Chiến công dồn dập ,từ Bắc Cạn ( trận Phủ Thông, Đèo Giàng, )Phú thọ (trận Sông
Lô)Yên Bái (trận Phố Ràng)qua Cao Bằng,Lạng sơn,lên Hòa bình ,Tây Bắc, Điện
Biên, Tuyên quang (trận đèo De, núi Hồng)vào Tây Nguyên(trận An Khê) về Đồng
Tháp ở Nam bộ . Những “tin vui chiến thắng trăm miền được Tố Hữu liệt kê dồn
dập , như “thế trúc chẻ tro bay, sắc phong vân phải đổi,ánh nhật nguyệt phải
mờ”của Bình Ngô đại cáo vậy .Không khí anh hùng ca là thế đó .
d
. Vị nhạc trưởng, những thuyền trưởng tài ba lèo lái con tàu kháng chiến
đó là ai ? Là trưng ương chính phủ . Đoạn lục bát chỉ tám câu mà khái quát cả
hình ảnh đẹp đẽ của chiến khu ,của kháng chiến .Hang tối lộng gió,
rực rỡ nắng trưa,làm rực rỡ lá cờ đỏ sao vàng, ở đó Đảng và Bác Hồ đang
hăng say luận bàn việc kháng chiến : chống giặc ngoại xâm (điều quân cho chiến
dịch thu đông)chống giặc đói ,công việc bộn bề nhất (phát động nông dân giảm tô
cho địa chủ, mở đường giao thông, giữ đê, phòng chống hạn hán ,thu mua lương
thực tích trữ)và công việc quan trọng không kém : chống giặc dốt (thêm trường
các khu ).Bộn bề,khẩn trương ,trách nhiệm nặng nề, nhưng biết bao tự hào . Hãy
nhìn về Bác Hồ và Việt Bắc , miền đất
thánh của những ai đau đớn, chịu ách quân thù .Không có giáo điều, không tô vẽ
giả hiệu,(như lá cờ tự do,bình đẳng ,bác ái giặc Pháp đưa ra )mà chỉ có hành
động giúp nhân dân ta “nuôi chí bền”.,
góp sức cùng quê hương cách mạng dựng lên nền cộng hòa ,một quốc gia được lãnh đạo bởi những người không dựa sức mạnh chính trị của họ vào bất kỳ một quy luật nào vượt khỏi tầm kiểm soát
của Nhân dân trong nước đó.
III.
KẾT LUẬN : Với nội dung tư tưởng mang đậm không khí
chính trị, Tố Hữu đã khéo léo mượn một
hình thức đậm đà màu sắc trữ tình
, đó là những câu lục bát trong câu hát giao duyên của dân ca đồng bằng Bắc
Bộ .
Trong buỗi giã bạn ngày nào, chàng trai và cô gái lưu luyến chia tay. Họ
đã có với nhau những kỷ niệm đẹp , nay đã đến lúc nói lời giã từ, lòng luôn mong một ngày mai rất gần gặp
lại. Câu hát của họ chứa lời dặn dò,nhắn
nhủ , cùng nhau đùm bọc, sẻ chia mọi nỗi vui buồn
như anh em trong nhà . Đó là
những đôi lục bát dìu dặt, những từ nhớ
cứ luyến láy, như căn dặn đừng quên, những đại từ xưng hô “ mình, ta” vừa là
ngôi II, lại vừa ngôi I, cứ đi mãi suốt
bài giao duyên, cũng như đi mãi suốt 150 câu lục bát.
Vâng,.Khúc hát giao duyên vang lên khắp 150
câu lục bát, ngân nga “mình về mình lại nhớ ta . ” Hai con người đã từng “mười
lăm năm thiết tha mặn nồng ”, nay kẻ ở người đi, lưu luyến biết bao nhiêu
.Người ở lại xin đừng lo lắng “mình về có nhớ ta chăng ?”vì người đi đã gửi
biết bao niềm nhớ về núi rừng, con người,chính quyền Việt Bắc , vì “mười lăm
năm ấy ai quên, quê hương cách mạng dựng nên cộng hòa .”
B.TƯƠNG TƯ ( Nguyễn Bính )
1. Chất tự sự :
Chàng trai kể lại
câu chuyện tương tư. Trong quá khứ, anh đã gặp một cô gái ở thôn Đông, đối diện với thôn anh , thôn Đoài ở phía Tây, chỉ cách nhau
một đầu đình, không hề có sự ngăn trở về không gian ( đò giang ) , đã chung lại một làng ,và thầm yêu trộm nhớ. Có một nguyên nhân chính là cớ để nàng từ chối tình cảm của anh ,là sự môn đăng hộ
đối chăng ?( kẻ khuê các, người giang hồ
). Vì vậy nhưng anh vẫn tương tư ( ngày không thể làm lụng , đêm không ngủ) Như
người bị đau ốm, nhưng anh cho rằng đó
là qui luật của mọi tình yêu và tương tư trước hôn nhân, như trời cũng có bệnh,
lúc nắng, lúc mưa . Cuối cùng,anh vẫn hy
vọng bởi hai lý do như sự xếp đặt của số phận : nhà nàng có giầu ( trầu ) nhà anh có cau, anh ở Tây,nàng ở đông, là sự đối xứng, thì bắt buộc
họ phải .. thuộc về nhau
2Lối miêu tả và biểu cảm :
Bộc bạch căn bệnh tương tư và
tả rất cụ thể ( tâm trạng khi yêu người
khác phái, là nỗi nhớ mong tột cùng , và
đây là qui luật,chuyện đương nhiên của những con người trẻ
Diễn biến “căn bệnh” : trách cô gái tạo khoảng cách để xa lánh anh (
một làng mà chẳng sang ) than thở với
giả thiết phi lý ( đâu phải đò sông ngăn cách) giận hờn ( một đầu đình, mà tình thì xa xôi) đau khổ ,oán trách( ngẩn ngơ suốt nhiều ngày, như chết dần mòn )
bế tắc nhiều đêm ( ai biết cho, biết nói cho ai ) rồi van xin ( bao giờ mới
được gặp ?) dù biết sự hy vọng đầy giới hạn
do môn đăng hộ đối
3
. Cách
diễn đạt:
Một câu
chuyện tương tư không mới mẻ, nhưng đặc sắc ở lối kể, tả, biểu cảm
không bằng diễn xuất, mà bằng ngôn
ngữ qua thể thơ lục bát đậm màu sắc ca
dao, dân ca .
Đó là cách dùng điệp từ đầy dụng
ý, như một sự tô đậm, phóng đại nỗi tương tư . Chẳng hạn “ một người nhớ mong
một người”, nói trống không nhưng rất cụ
thể ở con số một tương xứng với nhau. Thời gian trôi qua “ ngày qua ngày
lại qua ngày” ,tính ra là ba ngày ,nhưng đó là lượng thời gian hơn cả “ ngày
qua tháng lại” như cách nói của dân
gian, mà còn nhiều và rất nhiều. “Lá xanh thành cây lá vàng” Hai từ lá , nhưng
tạo ấn tượng chết mòn dần, không thể cứu vẫn : một lá xanh, nay đã là nghìn lá
vàng, vì bệnh tương tư . Hay “ không
sang- chẳng đường sang” cách trách móc
như tiếng thở dài ngậm ngùi, bởi cô gái viện cớ mọi lý do ,anh đều hiểu
nhưng bất lực .
Bên cạnh đó,là lối tương phản cùng điệp từ ( đường không xa xôi
mà tình xa xôi, biết nói cho ai, ai biết cho ) và lối bổ sung trong điệp từ
( thôn
Đoài nhớ thôn Đông, cau thôn Đoài thì phải gắn bó với trầu thôn Đông )
Những câu hỏi tu từ (cớ sao? Ai
biết cho ? bao giờ ? thôn nào ? ) vừa tự hỏi, tự dằn vặt, lường được cả câu trả
lời, rồi cuối cùng hỏi mà khẳng định: còn
thôn nào nữa .
Lối dùng từ gần gũi
của ca dao ( thôn ,làng, Đoài,đông,đình ) vừa thông tục ( hoa bướm ) vừa
ý nghĩa ( thuyền bến ) vừa trang trọng ( nàng,tôi, cau,trầu, tương tư ) Cách xưng hô rất chân tình ( ai? bên ấy, bên này )
Nét độc đáo và thể hiện tài năng của một nhà thơ mới có sở trường về thơ lục bát là lối gieo vần
rất khéo, đôi khi chệch âm nhưng vẫn
giàu tính nhạc ( giời- yêu) do Nguyễn Bính
dùng từ “ giời” rất dân dã của người nông dân Bắc bộ thay vì “ trời” của
thơ mới . Hay “ đành và đình” hai phụ âm
“đờ” nặng nề đi với nhau, không phá vỡ
phần vần “anh-inh” .
Luật bằng trắc của mọi câu thơ
lục bát là bb-tt – bb (câu 6)và
bb-tt-bb-tb ( câu 8) có biến đổi để chở
theo tâm trạng buồn da diết : Ngày qua ngày lại
(t) qua ngày , có xa xôi mấy ( t) mà
tình xa xôi ,cau thôn Đoài nhớ ( t) giầu không thôn nào ?Có khi quặn đau : bao
giờ bến (t)mới (t)gặp(t)đò ?
Nhưng anh vẫn lạc quan, vì số phận sẽ cho họ bên nhau, bởi anh đã vận dụng rất logic phương pháp “
Tam đoạn luận” của Descates: hai bên kẻ có cau, người có trầu, hai nhà
kẻ thôn Đoài người thôn Đông. Thế thì
họ chắc chắn nên đôi !
Lạc
quan là nét đẹp của ca dao . Thi sĩ mang
cái tôi chân quê đã đưa tinh thần
này vào trong thơ mới, đem đến cho thơ ca hiện màu sắc dân tộc, giữa những
luồng tâm trạng bi quan của thi nhân ảnh hưởng thơ ca châu Âu.
Câu hỏi :
1. Tại sao hai tác giả lại chọn thể lục bát để sáng tác ? Lối hát
giao duyên có những đặc điểm gì ?
2. Chất
sử thi trong bài thơ Việt Bắc được thể hiện như thế nào ?
3. Nét chân quê trong bài Tương tư ?
No comments:
Post a Comment