Monday, August 26, 2019

Bài 18 THỂ THƠ MỚI BẢY CHỮ TRÀNG GIANG ( Huy Cận )


I.                   TÌM HIỂU CHUNG :
1.      Thể loại:
:
-  Bài thơ được sáng tác trong dòng Thơ Mới ( 1932-1945), có  các điểm nổi bật về nội dung và nghệ thuật: đề cao cái tôi cá nhân- nghệ thuật là sự dung hòa của nhiều nét đẹp trong thơ dân gian, thơ Đường, thơ Đường luật và thơ phương tây
- Tác giả chọn thể bảy chữ bốn câu,mỗi khổ  phảng phất hình ảnh thơ Đường  hay Đường luật ( vần ôm ) thơ phương tây ( vần chéo )
-  Với phong cách Huy Cận, buồn ảo não(nội dung, cảm xúc ) và ảnh hưởng thơ Đường( nghệ thuật ), ảnh hưởng ca dao, truyện Kiều , thơ Huy Cận  chịu nhiều ảnh hưởng từ Verlaine( trường phái  thơ tượng trưng siêu thực, pha màu sắc dân gian ), ta thấy dường như hiện lên rất rõ qua “Tràng Giang”( Hoài Thanh )

-           Cảnh sông nước  trời mây được phác hà bằng ngôn ngữ  là một bức tranh có bố cục cân đối, mang kết cấu thơ Đường.  Từ đây, chất Đường thi cũng hiện lên qua hình ảnh tượng trưng, cổ điển ( hoàng hôn trên sông với con thuyền, bờ bãi, vãn chợ , cánh chim về tổ, khói sóng) qua vô số từ Hán Việt , mô tả sự vật ( trường giang, sầu, hoàng hôn )  nỗi lòng ( buồn điệp điệp, cô liêu) hành động ( lạc, vãn, sa ), từ đó,  tư tưởng cũng thấm đẫm chất cổ thi : nỗi sầu nhân thế, kín đáo gửi gấm lòng yêu nước sâu lắng . Vì thế, đã có nhà thơ thốt lên “ Đường hơn cả thơ Đường”

   2 . Xuất xứ :      Nếu “Vội vàng”là tác phẩm tiêu biểu cho tập Thơ Thơ của Xuân Diệu, “Đây thôn Vĩ dạ”là một kiệt tác của Hàn Mặc Tử, thì “Tràng Giang”là linh hồn của tập Lửa thiêng .
     Đây là tập thơ đầu tay của thi nhân . Chủ đề của tập thơ cũng giống như phần nhiều các tập thơ khác thuộc khuynh hướng lãng mạn trong phong trào thơ mới: tình yêu, cái chết, vẻ đẹp thoáng qua của tuổi xuân , hạnh phúc . Tuy nhiên, có khác với tiếng thở dài  còn phần nào ưu thời mẫn thế của thơ mới trong giai đoạn mở đầu (1932-35), hay cái vui bồng bột say mê của thơ mới giai đoạn cực thịnh (1936-39), mà đây là tiếng thơ  chuyển tiếp ,từ giai đoạn cực thịnh sang giai đoạn thoái trào-thời kỳ sắp bùng nổ chiến tranh thế giới lần II , thời kỳ Đông dương chìm trong khủng bố và sự ngột lặng . Tập thơ toát lên những cảm nhận  về sự bất tận của thời gian, sự vô cùng của vũ trụ , cái mong manh của đời người,   dư âm buồn bã, quạnh hiu, như nhà thơ Xuân Diệu đã viết trong lời Tựa đầu tập thơ : Một bản ngậm ngùi dài . Lửa thiêng như là một sự trở về của cái tôi trong nỗi cô đơn giá lạnh , lại le lói một tình yêu cuộc sống, yêu quê hương thầm kín . Sách giáo khoa lớp 11đã gợi ý trong  mục Kết quả cần đạt : Cảm nhận được nỗi buồn cô đơn  trước  vũ trụ rộng lớn, nỗi sầu nhân thế, niềm khao khát hòa nhập với cuộc đời và tình cảm với quê hương đất nước của tác giả . Từ điển văn học còn nhận xét : Hầu như tất cả những biến đổi nhỏ nhất của tạo vật cũng gieo vào Huy  Cận một nỗi buồn . Cái buồn man mác trong thơ Huy Cận (tập Lửa thiêng) cũng còn do tinh thần hồi cố sâu nặng của tác giả . Nhà thơ thường quay trở về với quá khứ để sống với vẻ đẹp xưa , một chút cảm giác , chút hương vị , một nét tinh tế về màu sắc ,âm thanh tạo nên không khí trầm mặc  cổ kính của một thời dĩ vãng, rất gần, hay đang hiện diện, hay một đi không trở lại . Về nghệ thuật, thơ Huy Cận có hương vị rõ rệt của thơ Đường, và đôi chỗ có những cách biểu hiện giàu màu sắc tượng trưng mang phong cách riêng của Huy Cận .
       Những nhận xét đánh giá trên đây cũng là hướng gợi mở giúp chúng ta tìm một  lối cảm nhận thơ Huy Cận, đặc biệt bài thơ Tràng Giang .
II.  ĐỌC HIỂU
1. Giới thiệu :
  Đọc bài thơ , ta thấy đây là một bức tranh  thiên nhiên sông nước, cụ thể là Tràng Giang , được nhà thơ dựng lên bằng ngôn ngữ thơ ca có bố cục cân đối. Nhà thơ thường đạp xe từ nơi trọ học đến vùng bến Chèm , ngồi xuống  bờ sông ,ngoạn  cảnh .
  1. Bố cục
  2.  Vì thế ,cảnh ngang tầm mắt là cảnh giòng sông Hồng cuồn cuộn đổ về xuôi (đoạn 1). Bao quát xung quanh (đoạn 2, 3), cảnh hai bờ sông , những cồn đất, bến thuyền, làng xóm xa xa . Cuối cùng khổ cuối là cảnh trên bầu trời và cảnh ngay dưới chân mình . Đó là những cảnh gì  ?Được  tả bằng  một lối ngôn từ thế nào ? Nhà thơ bày tỏ tình cảm gì qua những cảnh đó?
  3. Nhan đề :  Hãy bắt đầu bằng nhan đề Tràng Giang . Sông dài .  Nhiều ý kiến cho rằng tác giả dùng hệ thống âm ang thay cho ương   trong từ trường , đi với giang, tạo âm vang xa, đem đến cho  bài  thơ tính nhạc phong phú . Yếu tố Hán Việt cũng bước đầu tạo nên chất men Đườngthi cho bài  thơ . Ở đây, có thể nhà thơ cũng muốn qua bài thơ, chọn một thú vui  thư giãn khi tung hoàng con chữ ,những từ Hán Việt trang  trọng, cổ kính, vốn ít xuất hiện trong thơ mới, nhưng nhà thơ trẻ Huy Cận lại rất yêu mến ?
 2. Đọc hiểu :
  a.  Đoạn thơ  có một vài chi tiết  được phác họa đơn sơ : một con thuyền trôi  xuôi dòng, và một nhánh củi khô bập bềnh trên sóng nước . Hai câu trong bốn đã dành để  mô tả con thuyền , có dụng ý gì ? Dường như đó là biểu tượng hình ảnh cụ thể nhất về sự  sống một giòng sông , nhất là với từ “thuyền về”,chứ không phải “thuyền đi”(để đối lập với từ “nước lại”). Về hẳn sẽ còn gặp, chứ đi hẳn hy vọng thấy lại mong manh hơn .Củi cũng là một biểu tượng của cuộc sống, có thể mang thân phận nổi nênh  một kiếp người . Nhưng  nền của cảnh cần chú ý hơn, bởi tác giả đang ngắm cảnh sông Hồng . Sóng gợn và  điệp điệp . Dòng nước trăm ngả, và nhiều dòng (trôi theo củi). Những chi tiết đó  có lẽ giúp chúng ta hiểu một nét về sông Hồng, con sông lớn nhất Bắc Bộ , là mặt sông rất rộng, mênh mông sóng nước .
   Huy Cận thì nhìn thấy nỗi buồn chồng chất qua mặt nước sông : buồn  điệp điệp, sầu trăm ngả ,mấy giòng . Con sông như dài ra, dài mãi . Cảnh đơn sơ, mặt sông mênh mang , và cộng thêm những từ Hán Việt (tràng giang,  điệp điệp, sầu )khiến nỗi sầu thêm thấm thía .Có lẽ tác giả đã cảm nhận một chút mong manh của đời người .
   b.  Hai khổ tiếp, nhà thơ  mô tả cảnh bao quanh nơi mình ngồi. Làng nhỏ bên kia sông văng vẳng âm thanh còn lại sau phiên chợ chiều , và đấy là âm vang duy nhất ,cuối cùng trong ngày nhà thơ bắt gặp . Hai từ  Hán Việt “ vãn” đi với “cô liêu” khiến không gian  buồn mà cổ kính và đẹp Những bờ cỏ xanh im vắng . Giữa sông có  lác đác những bãi (cồn). Tại sao tác giả chọn từ lơ thơ để  vẽ những bãi cồn nằm rải rác giữa giòng sông, thay vì lưa thưa .Hẳn từ sau không tạo chất thơ và tính nhạc cho thơ hơn từ ban đầu . Tính từ “lơ thơ ” còn có tác dụng tả cây cỏ mọc trên bãi, khi tác giả ngắm rất lâu (có lẽ thế)tìm kiếm một bến đò, một chiếc cầu nối đôi bờ . Cỏ thấp, không tươi tốt lắm(màu vàng úa) mọc lác đác, phất phơ trong gió chiều , gió đìu hiu, nhẹ ,lạnh và mơn man buồn . Những khóm bèo cứ theo sóng trôi dạt lặng lẽ theo dòng, không biết về đâu .  Nắng cũng sắp tàn . Có lẽ nắng chiều hắt xuống lòng sông, nên tia nhìn  của người ngoạn cảnh có phần ngỡ ngàng, thấy như  đáy sông hiện lên, bèn buông từ “sâu chót vót”.  Với ánh nắng đó, nhìn quanh chỉ thấy bờ sông  xanh đen dần dưới nắng chiều, những bãi cồn úa vàng, rồi những đám bèo, không hề có một dấu hiệu sự sống mà tác giả mỏi mắt kiếm tìm, mới thấy sông thật rộng, và thi nhân thật nhỏ bé, cô đơn,lạc lõng .
để  viết thêm câu cuối đoạn: sông dài, trời rộng, bến cô liêu . Tràng (giang) dùng ở nhan đề và câu thứ nhất của bài thơ  đóng vai trò một đại từ , còn dài ở câu thơ này, và câu đề từ, lui về tư thế một tính từ (Bâng khuâng trời rộng  nhớ sông dài ).
 Từ “sông dài”là cảm nhận ở đoạn trên, và trời rộng chính là “sông rộng”Hai câu thơ cùng mô tả những nét chung của sông Hồng , dài, rộng,vắng vẻ . Những khổ thơ   với bao hình ảnh  mang tính biểu tượng (nắng chiều, bờ sông, cồn vắng, bến cô liêu) vừa gợi nhớ khung cảnh làng quê bên sông, vừa mô tả một giòng sông thật rộng, là nền cho tâm trạng “bâng khuâng nhớ”.
 c.Theo bản năng , nhà thơ nhìn lên cao . Mây giăng kín chân trời  như những ngọn núi màu bạc .Và một cánh chim nghiêng mình bay qua : bóng chiều sa .Hai nét chấm phá,gam  màu lạnh chìm theo hoàng hôn, những từ Hán Việt tao nhã (hoàng hôn, sa ),khiến tầm mắt ngước nhìn thấy buồn bâng khuâng  .Có lẽ  đã đến lúc phải ra về .
  Đứng lên ,nhìn xuống chân mình , lại gặp  mặt sông loang loáng sóng , lòng dờn dợn nỗi buồn nhớ nhà . Có lẽ tâm trạng bồi hồi khi dừng xe, ngồi xuống bãi cỏ ven bờ, nhìn dọc theo chiều dài con sông ,thấy lòng “ buồn điệp điệp, sầu trăm ngả”, nhìn qua bên bờ sông và xung quanh,  vắng vẻ, quạnh hiu, mới da diết   cô đơn “ không cầu, không một chuyến đò ngang” để cuối cùng “nhớ nhà” .Chuỗi tâm trạng của một thanh niên đôi mươi  khi nước nhà đang chìm trong nô lệ chăng ? Nhà thơ Sóng Hồng, nguyên Tổng bí thư Đảng, từng tâm sự , mỗi lần vượt sông Hồng trong đêm khi tham gia kháng chiến, ông lại bồi  hồi nhớ “Tràng Giang” .
Câu hỏi 1. Đọc kỹ bài thơ, ta thấy đây là một bức tranh  thiên nhiên sông nước, , được nhà thơ dựng lên bằng ngôn ngữ thơ ca có bố cục cân đối.Hãy chứng minh
                2. Nhan đề Tràng Giang có nghĩa là  sông dài .Tại sao tác giả gọi như thế ?
                3 . Đoạn thơ đầu   có hai  chi tiết  được phác họa đơn sơ, trên nền giòng sông Hồng .Ba yếu tố này , cùng với hệ thống các từ Hán Việt chỉ tâm trạng, tác giả muốn nói lên điều gì ? Đoạn một tác giả ngắm sông Hồng dọc  theo chiều dài  giòng sông . Những chi tiết nào  mô tả khung cảnh này ?  Ngôn ngữ thể hiện ra sao ? Tâm trạng tác giả

                4. Hai khổ tiếp, nhà thơ  mô tả cảnh bao quanh nơi mình ngồi .Nêu những cảnh vật trong tầm mắt nhà thơ .Ý nghĩa các từ Hán Việt “ vãn ,cô liêu” những từ láy tượng hình “lơ thơ, đìu hiu ,chót vót, mênh mang, lặng lẽ Đoạn hai và  ba  tác giả ngắm sông Hồng theo chiều rộng,xung quanh   giòng sông . Những chi tiết nào  mô tả khung cảnh này ?  Ngôn ngữ thể hiện ra sao ? Tâm trạng tác giả ?
               5Đoạn cuối chứa khoảng trời và chân trời  bên sông Hồng . Những chi tiết nào  mô tả khung cảnh này ?  Ngôn ngữ thể hiện ra sao ? Tâm trạng tác giả ?
     


No comments:

Post a Comment