Monday, August 26, 2019


                          Bài 3
 BÌNH LUẬN CHÍNH LUẬN
 HỊCH TƯỚNG SĨ
 ( Trần Hưng Đạo)

Hịch là thể văn nghị luận thời xưa, thường được vua chúa, tướng lĩnh , người cầm  đầu một phong trào, một tổ chức dùng để  công khai  kêu gọi ,cổ động, thuyết phục mọi  người dốc lòng chiến  đấu tiêu diệt kẻ thù .
   Hịch xuất hiện từ thời chiến quốc ở Trung Quốc  và đã đưa vào nước ta từ thời Bắc thuộc . Trong nền văn học Việt Nam, Hịch đặc biệt phát triển mạnh mẽ  vào thời kỳ cần kêu gọi nhân dân,  tướng sĩ quyết tâm đứng lên chống giặc ngoại xâm .
      Ở đây chúng ta có thể nhắc đến một số bài hịch gắn liền  với những biến cố lịch sử của dân tộc:
 - lời hiểu dụ Tướng sĩ tại ThànhThọ Hạc, ( Thanh Hóa) của vua Quang Trung năm 1789, kêu gọi tướng sĩ hợp lực đánh quân Thanh
 - Chiếu Cần Vương, tên chính thức là Lệnh dụ thiên hạ cần vương, là lệnh dụ của vua Hàm Nghi nhà Nguyễnnăm 1885. Lời dụ kêu gọi sĩ phu và dân chúng toàn quốc nổi dậy chống lại sự đô hộ của người Pháp lên đất nước Đại Nam sau Hiệp ước Giáp Thân (1884);
 - Sáng 20-12-1946, Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Hồ Chủ tịch theo làn sóng điện truyền đi khắp đất nước và trên toàn thế giới.
 - Ngoài  ra  chúng ta có những bài hịch ngắn của vua Quang Trung trong dịp cầm quân đánh Trịnh( Hịch đánh Trịnh ) hay hịch kêu gọi các phu đò nhiệt tình đưa  quân lính qua sông khi  ra Bắc đánh quân Thanh (Hịch gọi đò )
   Bài hịch tiêu biểu nhất, có giá trị nhất trong nền văn học nước ta là “ Hịch tướng sĩ văn” của Trần Hưng Đạo năm 1284.
 Hịch thường được viết theo lối văn tứ lục, cũng có khi viết bằng văn xuôi hay thơ lục bát . Kết cấu của bài hịch có thể thay đổi linh hoạt tùy theo mục đích và nghệ thuật lập luận của tác giả. Bố cục bài hịch phổ biến là : Nêu một nguyên lý đạo đức hay chính trị( phần 1) Kể tội ác giặc ( phần 2) Lời kêu gọi ( 3).
    Nếu đối chiếu với cấu trúc một văn bản thuộc thể bình luận , bài hịch có dung lượng lớn như Hịch tướng sĩ có đủ  năm phần : Nêu vấn đề ( đưa luận đề )  Trình bày, phân tích mặt tích cực của luận đề. Chỉ ra những mặt còn hạn chế của luận đề. Dung hòa giữa hai mặt tích cực và hạn chế. Hướng hành động.
Bài hịch  mang bố cục  của một  tác phẩm  bình luận chính trị ,  có kết cấu hệ thống, lập luận chặt chẽ, ý tưởng mạch lạc,    lẽ sắc bén
 1 Trong năm phần của  một văn bản thuộc  thể nghị luận, ngay  phần đầu (Ta thường nghe… bất hủ được ) tác giả vận dụng thao tác lập luận qui nạp ,lối   bác bỏ, nhưng muốn làm nổi bật  trọng tâm của bài hich : Từ xưa các bậc trung thần nghĩa sĩ, bỏ mình vì nước, đời nào chẳng có . Tác giả đưa ra hàng loạt những tấm gương    vua mà quên thân của nhiều nhân tài, như một lời khẳng định mạnh mẽ về chân lý : phò vua, cứu nước là nghĩa vụ  thiêng liêng và cao cả của bậc quân tướng  Biện pháp bác bỏ  như một lời phân tích và  phê phán : nếu các ngươi cứ khư khư theo thói nhi nữ thường tình đến chết hoài ở xó cửa, sao có thể lưu danh sử sách .
  Cách kêu gọi của tác giả phù hợp với kết cấu một bài bình luận ( đặt vấn đề) đồng thời đánh động vào lòng tự ái vốn rất cao của tướng sĩ đời Trần, phần lớn thuộc giòng giõi tông thất : trung thần phải bỏ mình vì nước, ngược lại hèn nhát thì không thể lưu tiếng tốt, mà có thể còn bị bêu diếu .
2 .Phần thứ hai có hai đoạn  (Các ngươi… lưu tiếng tốt và Huống chi.. kém gì ) tác giả chứng minh để khẳng định điều mình nêu (Từ xưa các bậc trung thần nghĩa sĩ, bỏ mình vì nước, đời nào chẳng có) là đúng . Đoạn tiếp theo  tác giả dùng ngay mối quan hệ giữa ông và các tướng nhà Trần để thuyết phục họ bằng hai ý : giặc đang xâm lược nước ta, gây ra nhiều điều tổn hại     danh dự vua quan, trong đó có Trần Hưng Đạo. Trong khi đó,  Trần Hưng Đạo rất gắn bó, quý mến, biệt đãi tướng sĩ chu đáo . Bản thân ông vốn  quí tướng sĩ, vậy tướng sĩ có đồng  cảm với nỗi nhục của ông không ?
Lối lập luận qui nạp và phân tích  cụ thể , đầy thuyết phục Đây là mặt đúng để xác định khía cạnh tích cực của luận đề: Từ xưa các bậc trung thần nghĩa sĩ, bỏ mình vì nước, đời nào chẳng có
 3 .Phần ba , tác giả lại chọn thao tác diễn dịch, nêu ngay những mặt còn hạn chế của  tướng sĩ, thay vì đi từ nhiều dẫn chứng để rút ra luận cứ như đoạn trên   Tác giả gay gắt chỉ ra thái độ  thỏa hiệp với giặc của họ (nhìn chủ nhục - không biết lo; thân chịu quốc sỉ - không biết thẹn. Làm tướng triều đình đứng hầu quân man - không biết tức; nghe nhạc thái thường đãi yến sứ ngụy - không biết căm)và thú hưởng thụ thời bình lãng phí ,vô bổ (chọi gà; cờ bạc ,cung phụng gia đình; quyến luyến vợ con ,thỏa lòng vị kỷ. tính đường sản nghiệp mà quên việc nước; ham trò săn bắn mà trễ việc quân thích rượu ngon; mê giọng nhảm.) Những thái độ sống và thói hưởng thụ ấy không hề phù hợp với không khí dầu sôi lửa bỏng lúc này. Tác giả nêu thật tỉ mỉ, như những lý lẽ  sắc bén khiến mọi người nghe  đều phải thẹn và nhìn lại bản thân mình .  Giọng văn thay đổi, khiến người nghe chú ý.  “.Nay các ngươig ngồi nhìn chủ nhục mà không biết lo; thân chịu quốc sỉ mà không biết thẹn”
 4 .Phần bốn,ông  đưa ra mặt dung hòa, hay là mặt tích cực nhất của vấn đề: Nay ta bảo thật các ngươi: nên lấy việc "đặt mồi lửa dưới đống củi nỏ" làm nguy; nên lấy điều "kiềng canh nóng mà thổi rau nguội" làm sợ.( Ôm mồi lửa, đặt dưới đống củi rồi nằm lên trên, lửa chưa kịp cháy vẫn cho là yên.) Kiềng canh nóng mà thổi rau nguội: xuất xứ từ một câu văn trong Sở Từ - trừng ư canh nhi xuy tê hề. :Người bị bỏng vì canh nóng, trong lòng đã e sợ sẵn, dù gặp rau nguội đi nữa, cũng vẫn thổi như thường.))nghĩa là : hãy tỉnh táo , khiếp sợ hai điều:  đừng chủ quan khinh địch, luôn nêu cao ý thức cảnh giác
 Hướng  sống  quan trọng của tướng  sĩ là như thế. Lửa chưa cháy khi bếp  củi đã nhúm, thì  đừng quá chủ quan và tự tin, vì sức giặc rất hùng mạnh.  Xưa nay ăn canh nóng mới thổi, nhưng bây giờ gặp rau nguội, cũng cẩn thận, vì  không lường được trong rau nguội có vấn đề gì . Cách dung hòa bằng những hình ảnh ẩn dụ, chở theo lời dạy của tiền nhân,   thì tướng nào, sĩ nào không xao lòng !
5 . Phần cuối, tác  giả chỉ ra hướng hành động cụ thể : Nay ta chọn lọc binh pháp các nhà hợp thành một tuyển, gọi là Binh Thư Yếu Lược Nếu các ngươi biết chuyên tập sách này, theo lời ta dạy bảo, thì trọn đời là thần tử; nhược bằng khinh bỏ sách này, trái lời ta dạy bảo thì trọn đời là nghịch thù. 
 “Biết chuyên tập sách này” nghĩa là phải học và làm theo . Binh gia diệu lý yếu lược hay còn gọi là Binh thư yếu lược là một tác phẩm của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn về nghệ thuật quân sự, Binh thư yếu lược gồm có 4 quyển, với các chương như sau:
·         Quyển 1: gồm 9 chương: Thiên tượng, Kén mộ, Chọn tướng, Đạo làm tướng, Kén luyện, Quân lễ, Tuyển người làm việc dưới trướng, Đồ dùng của binh lính, Hiệu lệnh.
·         Quyển 3: gồm 7 chương: Liệu thế giặc, Quyết chiến, Đặt cờ, Dã chiến, Sơn chiến, Thủy chiến, Lâm chiến.
·         Quyển 4: gồm 7 chương: Đánh thành, Giữ thành, Công thành, Xông vây - ứng cứu, Lui đánh, Thắng và đặt phục, Phép nhận hạng [1]
Đây là  phần quan trọng hàng đầu của mọi bài hịch.  Bốn phần trên có tác dụng  đánh thức những suy nghĩ, tình cảm , cách phân biệt đúng sai của vấn đề mà  thôi. Trong  Lời hiểu dụ Tướng sĩ, Vua  Quang Trung chỉ rõ : Đánh cho để dài tóc 
Đánh cho để đen răng 
Đánh cho nó ngựa xe tan tác 
Đánh cho nó manh giáp chẳng còn 
Đánh cho nó biết nước Nam anh hùng có chủ. 
  Trong Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến , chủ tịch Hồ chí Minh đã viết "Hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp để cứu Tổ quốc. Ai có súng dùng súng, ai có gươm dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc. Ai cũng phải ra sức chống thực dân Pháp cứu nước”
 Hịch tướng sĩ ra  đời trong hoàn cảnh nào ?
Tháng 12 năm Giáp Thân 1284, hiệu Thiệu Bảo năm thứ 6, đời Trần Nhân-Tông, đại binh Thoát Hoan tiến đánh Chi Lăng, Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn thất thế đưa quân chạy về Vạn Kiếp.
Vua Nhân-Tông thấy thế giặc mạnh, cho mời Hưng Đạo Vương về Hải Dương mà phán rằng "Thế giặc to như vậy, mà chống với chúng thì dân chúng bị tàn sát, nhà cửa bị phá hại, hay là trẫm sẽ chịu hàng để cứu muôn dân ?" 
Vương tâu: "Bệ hạ nói câu ấy là lời nhân đức, nhưng Tôn-Miếu Xã-Tắc thì sao ? Nếu Bệ hạ muốn hàng, xin trước hết hãy chém đầu thần đi đã, rồi sau hãy hàng !!" Vua nghe thế yên lòng. 
Hưng Đạo Vương trở về Vạn Kiếp hiệu triệu 20 vạn quân Nam, và thảo bài Dụ chư tỳ tướng hịch văn, thường gọi là Hịch tướng sĩ) để khuyên răn tướng sĩ, đại ý khuyên binh sĩ học tập và rèn luyện võ nghệ, khuyên các tướng học tập trận pháp theo sách Binh thư yếu lược, chuẩn bị cho cuộc kháng chiến chống quân Nguyên lần thứ 2.
Trong "Việt Nam Sử Lược ", Trần Trọng Kim ghi rằng binh sĩ nghe lời hịch nức lòng, lấy mực xăm vào tay hai chữ : "Sát Thát" (nghĩa giết quân Mông Cổ), và hết lòng chiến đấu chống giặc.
    DÀN Ý
1.     Nêu vấn đề: Từ  các bậc trung thần nghĩa sĩ, bỏ mình vì nước, đời nào chẳng có
2.       Mặt đúng của tướng sĩ nhà Trần : Bản thân ông vốn  quí tướng sĩ, vậy tướng sĩ  cũng đồng  cảm với nỗi nhục của ông
       3 .Mặt sai của tướng sĩ nhà Trần: Nay các ngươi ngồi nhìn chủ nhục mà không biết lo; thân chịu quốc sỉ mà không biết thẹn”


4 Mặt dung hòa : hãy tỉnh táo , khiếp sợ hai điều:  đừng chủ quan khinh địch, luôn nêu cao ý thức cảnh giác
      5 . Tướng     phải làm gì ?
 Câu hỏi :
1.     Định nghĩa và bố cục một bài  hịch. Đối chiếu với thể loại nghị luận bình luận, bài Hịch tướng sĩ có kết cấu ra sao ?Nêu hoàn cảnh ra đời của bài hịch này ?
2.     Lần lượt phân tích 5 bước của bài Hịch tướng sĩ ? Bằng thủ pháp nghệ thuật gì? Vấn đề gì được sáng tỏ qua mỗi bước ?
3.     Lập dàn ý chung của bài   hịch này .
                                           Dalat  06.10.2012




No comments:

Post a Comment