Monday, August 26, 2019

Bài 2 SỬ THI DÂN GIA




               

                  A.  SỬ THI  ĐĂM SĂN
                 ( dân tộc Ê -đê)


I THỂ LOẠI SỬ THI DÂN GIAN

1.      Định nghĩa :    Sử thi dân gian  ( hay còn gọi là anh hùng ca, trường ca ,tiếng Ê đê gọi là khan ) một loại tác phẩm thơ tự sự dài, xuất hiện rất sớm, thường vào buổi bình minh trong lịch sử các dân tộc , được sáng tác để kể lại những sự nghiệp anh hùng có tính toàn dân và có ý nghĩa trọng đại đối với dân tộc
2.     Các đặc điểm :
-            Về cốt truyện, anh hùng ca dựng lại một câu chuyện lớn ( cốt truyện rộng, hành động dài), khai thác những sự kiện trong lịch sử , đặc biệt những sự kiện về chiến tranh, một cuộc chiến xảy ra vì sự sống còn của nhân loại, từ đó ca ngợi sức mạnh của một cộng đồng dân tộc, đề cao những anh hùng tiêu biểu . Anh hùng ca (épopée) miêu tả những sự kiện và xung đột cốt yếu của đời sống: hoặc là những xung đột của các lực lượng thiên nhiên mà trí tưởng tượng dân gian xem là thần linh; hoặc là những xung đột quân sự giữa các bộ lạc, các dân tộc

-          Về nhân vật , người anh hùng phải có phẩm giá rõ ràng,sức mạnh kỳ diệu,  và tất cả những gì thuộc về người anh hùng ,dù là khuyết điểm, cũng kỳ lạ, đáng được kể lại. Đặc biệt, nhân vật anh hùng thoạt tiên thường xuyên phải đối đầu với những hoàn cảnh anh hùng, nhưng do họ có những suy nghĩ,tình cảm hành động anh hùng ,vì vậy họ đã tạo nên chiến tích vẻ vang. Người anh hùng (anh : con chim làm chủ bầu trời, hùng : con thú làm chủ mặt đất ) là người có khả năng  thống lĩnh cả vũ trụ ,cho nên , nhân vật anh hùng trong sử thi rất kỳ vĩ .

-            Về ngôn ngữ , anh hùng ca nguyên bản được kể bằng văn vần . Do dùng khẩu ngữ và nhịp điệu, tiết tấu của văn vần để dựng lại cốt truyện, nên trong anh hùng ca, các thủ pháp nghệ thuật như phóng đại, so sánh, nhân hóa , điệp ngữ, ngôn ngữ rất  trang trọng
      Về yếu tố kỳ ảo, trong anh hùng ca rất đậm đặc ,phong phú . Anh hùng ca xuất hiện vào thời kỳ tiếp chân thần thoại, để bước đầu tạo cho con người một thế giới riêng, nên trong các tác phẩm anh hùng ca, tính chất người và tính chất thần hòa quyện với nhau ,tạo nên một nét riêng của anh hùng ca: tính chất kỳ diệu . “ Ở đấy - tính chất kỳ diệu- cái gì cũng có xác ,có hồn, có trí óc, có diện mạo , tất cả tạo nên những phẩm chất thần thánh”.
-          Về giọng điệu, âm hưởng trong anh hùng ca luôn sôi nổi ,mạnh mẽ , tự hào .
-          
II . SỬ THI ĐĂM SAN

1.      Cốt truyện   Đam San là một người anh hùng trong sử thi "Bài ca chàng Đam San" (phiên âm tiếng Ê Đê: Klei khan y Đam San) của người Ê Đê  Tây Nguyên. Là nhân vật chính trong trường ca, sử thi Bài ca về chàng Đam San. Bộ sử thi dài Đăm San (2077 câu), thể hiện nét lịch sử văn hóa của người đồng bào Tây Nguyên.
-               Theo tục nối dây trong chế độ mẫu hệ, Đăm Săn phải lấy hai chị em Hơ Nhị và Hơ Bhị làm vợ. Đăm Săn cưỡng lại. Trời "đã chống gậy hèo đến thu xếp việc cưới hỏi". Đăm Săn phải khuất phục trước sức mạnh của tập tục. Nhưng khi về đến nhà vợ, chàng vẫn tiếp tục chống lại cuộc hôn nhân đó. Chàng trễ nải công việc nhà vợ, không chăm sóc vợ và bỏ về nhà chị ruột. Hành động tiêu biểu nhất là Đăm Săn chặt cây smuk, một thứ cây thần, cây "linh hồn", cây "tổ tiên", cây "sinh ra Hơ Nhị và Hơ Bhị". Do những hành động trên của Đăm Săn, Hơ Nhị và Hơ Bhị đã hai  lần chết. Song khi vợ chết, chàng khóc thương "người vợ mà thần linh ban cho chàng", để chàng "có người nấu cơm, sắm thức ăn, dệt khố áo". Chàng đã xin thần linh ban phép cho vợ chàng sống lại. : chiến dịch Điện biên kháng Pháp

Là một  tù trưởng anh hùng, Đăm Săn đã lập nên những kì tích trong lao động như thuần phục voi dữ, làm rẫy, bắt cá,... Kì tích lẫy lừng hơn cả của Đăm Săn là chiến thắng hai  tù trưởng thù địch là Mtao Grư và Mtao Mxây (hai  tù trưởng đã cướp vợ Đăm Săn). Đăm Săn chiến thắng, tôi tớ và dân làng của tù trưởng thù địch tự nguyện đi theo mang của cải đi theo. Cứ mỗi lần như vậy, Đăm Săn lại thêm giầu mạnh, sức uy tín càng cao.
Với khát vọng trở thành tù trưởng hùng mạnh, vươn tới cuộc sống phóng khoáng, Đăm Săn đi cầu hôn Nữ thần Mặt Trời nhưng thất bại và bị chết trong rừng sáp đen. Sau khi chết, chàng biến thành con ruồi và chui vào mồm chị gái mình. Chị gái Đăm Săn sinh ra Đăm Săn (cháu Đăm Săn) tiếp tục đi trên con đường của cậu mình.
2.      Đoạn trích :  Đoạn trích “Chiến thắng Mtao Mxây ”có thể chia làm hai phần
1.    Phần thứ nhất , tác giả kể lại cuộc chiến để cứu vợ giữa Đăm San và Mtao Mxây .
 -   Đăm san phải đương đầu với một hoàn cảnh đầy anh hùng ( kẻ thù  ở thế chủ động , lại quỉ quyệt, hèn nhát,bạc nhược ,nhưng lại vô cùng tinh quái , cuối cùng thì lộ bản chất đê hèn ra khi bị thất thế ; còn Đam Săn phải chấp nhận những hạn chế của con nguời )
   - Đam San bộc lộ những phẩm chất cao quý của người anh hùng (hăm dọa kẻ thù,nhưng rất cao thượng, tỏ rõ là một chiến binh từng xông pha trận mạc.Thần linh đã  đứng về phía anh, từ miếng trầu đến lời chỉ dẫn hiến kế của Trời, cuối cùng anh đã dành được chiến thắng .
      Trong đoạn này, tác giả dân gian dồn tình cảm ca ngợi tài năng của Đăm Săn .
     Lối trùng điệp có lẽ ta chỉ gặp trong bản anh hùng ca này . Mỗi chi tiết được lặp ba lần,nhằm tô đậm một hành động, một tư thế của người anh hùng, đồng thời cũng nhằm phê phán kẻ thất thế .Chẳng hạn, khi tả cảnh Đăm Săn rung khiên múa, tác giả kể “Chàng vượt một đồi tranh, chàng vượt một đồi lồ ô, chàng chạy vun vút qua phía đông,qua phía tây ” ; hoặc cảnh Đăm Săn múa “ khi chàng múa dưới thấp, vang lên tiếng đĩa khiên đồng , khi chàng múa trên cao,vang lên tiếng đĩa khiên kênh , khi chàng chạy nước kiệu, quả núi ba lần rạn nứt . ”Còn cảnh Mtao Mxây bị rơi vào tình thế nguy  hiểm, tác giả kể : Hắn tránh quanh chuồng lợn, hắn tránh quanh chuồng trâu, hắn ngã lăn quay ra đất .
  *  Ý nghĩa : Chiến công này  là thành tích của cả cộng đồng . Anh hùng ca ra đời sau thần thoại, xã hội chưa có giai cấp ,chưa có kẻ thống trị,người bị trị,chưa có kẻ giàu,người nghèo , và nội dung chính của “Anh hùng ca (épopée) miêu tả những sự kiện và xung đột cốt yếu của đời sống hoặc là những xung đột của các lực lượng thiên nhiên mà trí tưởng tượng dân gian xem là thần linh; hoặc là những xung đột quân sự giữa các bộ lạc, các dân tộc Ở đây, xung đột giữa Đăm Săn và Mtao Mxây nằm vào cuộc xung đột thứ nhất và   sau cùng : xung đột cốt yếu của đời sống,( danh dự ,hạnh phúc), xung đột quân sự giữa các bộ lạc, các dân tộc. Danh dự ,hạnh phúc của Đăm Săn cũng là của cả bộ tộc .

2 . Sang đoạn thứ hai, tác giả kể không khí mừng chiến thắng. Không khí này có hai bước : chuẩn bị, lễ hội .
a.     Phần chuẩn bị,-
-Người anh hùng Đăm Săn thực hiện một hành động rất anh hùng: gõ ngạch cửa, đập phên vách từng nhà ,kêu gọi người dân vốn sống trong bộ tộc của Mtao Mxây,mang theo tài sản,  sang với bộ tộc của anh ,chỉ với hai  lý do rất cụ thể : Tù trưởng các ngươi đã chết .Lý do thứ hai “Lúa các ngươi đã mục” chắc hẳn Đăm Săn muốn nói rằng , đất đai cũng không còn thuộc về tù trưởng các ngươi nữa . Giết người lãnh đạo, thì giành dân,chiếm đất,là nguyên tắc muôn thuở, và nguyên tắc ấy không xa lạ với các bộ tộc tộc thời nguyên thủy .
 - Đoạn văn vần mô tả  không khí “dọn nhà”của dân làng từ bộ tộc của Mtao Mxây sang bộ tộc của Đăm Săn thật rộn ràng ,sinh động.  Với lối  kể hiện đại , nhà văn có thể viết “có đến cả  ngàn người dân”thì tác giả dân gian Tây Nguyên kể rất hình ảnh, và giàu nhạc điệu, phù hợp với đặc điểm quan trọng hàng đầu của văn vần: đông như bầy cà tong, đặc như bầy thiêu thân, ùn ùn như kiến,như mối . Vừa so sánh,vừa  trùng điệp,hình ảnh quen thuộc ,thân thương với cuộc sống giữa thiên nhiên ,có nai,có thiêu thân, có mối kiến, sống  thành đoàn,thành  bầy. Cả cách mang  tài sản đến cũng được tác giả kể rất cụ thể, hình ảnh và giàu nhạc điệu “như ong chuyển mật, vò vẽ chuyển hoa, như trai gái cõng nước”, nghĩa là nhiều vô cùng, và tấm lòng người kể lại cũng rất hồ hởi,sung sướng .
     -   Phần chuẩn bị có một khâu không kém quan trọng: tìm rượu , thịt và lời tế lễ . Rượu là sản vật làm ra từ ngữ cốc, lúa ngô sắn , sản vật do hái lượm,trồng trọt mà có, gọi là từ vật trồng,vật hái . Thịt là sản vật từ gia súc, những vật nuôi,vật săn bắt được  .Con vật thiến đề sao sự thánh khiết,thiêng liêng , kiêng cữ ô uế . Năm ,bảy là những con số thánh .
      Lời tế lễ  được vang lên từ chiêng,trống, cồng ,vòng nhạc . Đó là lời ngợi ca,lời cầu nguyện,lời tạ ơn,lời khấn hứa . Những lời tế lễ này ,theo ý nguyện của người tù trưởng Đăm Săn, phải vang lên thật vang dội (có tiếng âm vang, có tiếng đồng,tiếng bạc)thật trầm hùng , thật mạnh mẽ, có sức rung động khắp nơi  (vỡ toác đòn ngạch, gãy nát xà ngang), đánh động vào mọi  tâm tư , tình cảm cả vạn vật (voi ,tê giác ngưng cho con bú, ếch nhái, kì nhông ngừng kêu ). Tiếng cồng chiêng rộn ràng,trầm hùng trong không khí thiêng liêng,là Thơ Thần của Lý Thường Kiệt,là Bình Ngô Đại cáo của Nguyễn Trãi,là tuyên ngôn độc lập của Hồ Chí Minh. Rất cao cả .
    Chiến công của cá nhân là chiến công của cả cộng đồng . Lễ mừng công này không riêng dành cho Đăm Săn, mà cả cộng đồng, nên  lễ hội cần được tổ chức thật tưng bừng và thiêng liêng
    b . Sang phần Hội,tác giả lại tập trung ca ngợi anh hùng Đăm Săn, người đượclàm chủ bầu trời và mặt đất .
     Trong các tác phẩm anh hùng ca, tính chất người và tính chất thần hòa quyện với nhau ,tạo nên một nét riêng của anh hùng ca: tính chất kỳ diệu . “ Ở đấy - tính chất kỳ diệu- cái gì cũng có xác ,có hồn, có trí óc, có diện mạo , tất cả tạo nên những phẩm chất thần thánh”.(Boa la)
 - Đam Săn  hiện lên trên một không gian  kỳ diệu .Đó là khách khứa, dân làng, tôi tớ .Đông  nghịt ,chật ních, như nêm như xếp ,  và cụ thể hơn,  “ngực đụng ngực, vú đựngvú” Đây là lối tả thực rất “Tây Nguyên”,thay cho cụm từ “chen lấn,xô  đẩy ”.Nhân vật Dít (ở làng Xô-man, Kontum, trong truyện ngắn Rừng xà nu) cũng nói với Tnú :Bọn em miệng đứa nào cũng nhắc anh mãi . Miệng nhắc , nghĩa là nói đến luôn luôn,thường xuyên.Miệng nhăc,cũng là lòng luôn thương nhớ . Người đến dự tiệc đông vô cùng .
      Tiệc mừng chiến thắng vẻ vang nhất từ trước đến nay ở bộ tộc của Đăm San .Đó là đất trời,vạn vật “ cả một vùng nhão ra như nước ”: lươn,giun ,rắn  leo lên cao phơi nắng, ếch nhái ,kỳ nhông kêu râm ran ngày đêm. Vạn vật đều vui mừng đến tột đỉnh, giữa khung cảnh  người người tập trung ăn uống, chiêng trống cồng rộn rã khắp nơi, đất trời cũng lay động .Một không gian thiên nhiên vô cùng kỳ diệu . Và tiệc tùng cũng đầy kỳ diệu .Thịt “ăn không ngớt, nướng cháy đen ống tre,lồ ô; máu đọng đen khắp sàn hiên ”.Cũng là lối tả thực,cụ thể của người Tây Nguyên,thay cho cụm từ :ê hề . Tả tỉ mỉ,để lòng muốn ngợi ca ,rằng tiệc trong lễ hội rất linh đình,vui vẻ ,sung sướng “đời ông đời bác làm gì có !”.
    Một không gian tỏ rõ uy quyền tù trưởng, là sự giàu sang của chàng .Nhà Đăm Săn được trang trí rực rỡ,sang trọng; Đăm Săn  có nhiều của cải , chiêng đống,voi bầy . Cảnh sang trọng  này cũng là một yếu tố kỳ diệu, tỏ rõ thế lực của người tù trưởng này .Ta ngạc nhiên khi không thấy tác giả nhắc đến hai phu nhân của chàng .Có lẽ ở đây người kể muốn đề cao vai trò người anh hùng . Xã hội mẫu hệ cũng lùi bước trong khung cảnh kỳ diệu này.
      Và nét kỳ diệu  cuối cùng : người anh hùng . Ngòi bút phóng đại để mô tả chân dung một anh hùng sử thi gây nhiều ấn tượng cho người nghe .Đăm San hiện ra như một người khổng lồ : tóc xõa xuống nong, bắp chân, bắp đùi to bằng xà ngang, ống bể ,ngực và lưng khiến rầm sàn, xà dọc dễ gãy nát ,mắt long lanh , sáng quắc như chim rừng săn mồi. Vóc dáng đó khoác lên bộ chiến y rất đẹp : mền chiến,áo chiến,gươm chiến .Người dũng tướng đó trong suốt cuộc đời   từng tổ chức dân làng lao động,mở rộng đất đai, đã từng muốn thoát khỏi chế độ mẫu hệ nên đã chặt cây smuk tận rừng sâu , và bây giờ là chiến công với kẻ thù .Người kể sử thi đã đánh giá : Đăm Săn là một tù trưởng tài giỏi, vì đầy dũng khí từ trong bụng mẹ . Đó là một anh hùng ,làm chủ bầu trời và mặt đất .
                                      B. SỬ THI HY LẠP: Ô-ĐI-XÊ
1.    Cốt truyện :
     Cùng với   trường ca Đăm Săn của dân tộc Tây Nguyên ( Việt Nam ) và  các pho sử  thi lớn của Ấn Độ,  bộ sử thi Ô-đi-xê của Hy Lạp cũng được đánh giá cao trong dòng văn học dân gian của của Hy Lạp cổ đại và văn học dân gian thế giới .
     -Ô-đi-xê  ( hay còn gọi là Uy-lit-xơ ) vốn là chúa đảo Ithaco, quê hương anh , nằm ở cực tây bán đảo Hy Lạp, còn Athen ,thủ  đô đất nước này , nằm ở cực đông, cách Thành Troy ( bên Thổ Nhĩ Kỳ ) một eo biển . Uy-lit-xơ đã tham gia cuộc chiến thành Troy trong  mười năm . Kết thúc vẻ vang với huyền thoại “chiến công ngựa gỗ”, các thủy thủ  hồi hương với khát khao được gặp lại những người thân yêu . Nhưng cuối cùng, chỉ một mình viên thuyền trưởng Uy-lit-xơ  thỏa  được ước nguyện này . 
       - Chuyến trở về đi từ đông sang tây nhưng cũng chiếm của  Uy-lit-xơ   một quãng thời gian mười năm . Tại sao như thế ?. Bắt đầu khởi hành, họ đã lạc vào xứ những người khổng lồ một mắt ăn thịt người Xy-clop. Từ cuộc đụng độ giữa hai bên ,  Uy-lit-xơ    đã nhờ mưu trí mà chọc thủng con mắt duy nhất của gã Po-li-phem ,con của thần đại dương Neptune( hay còn gọi Podeidon), trốn khỏi hang ổ kẻ thù .
   - Tuy nhiên, hành động này đã khiến vị thần nổi giận. Và cuộc trở về quê bỗng trở thành chuỗi hành trình lênh đênh trên biển với biết bao sóng gió .Đồng đội của anh bị thần  Dớt trừng phạt  và tiêu diệt do đã bắt ăn thịt đàn bò của ông ( do thần Hiperion chăn dắt ) . Một mình anh lạc vào xứ thần tiên của nàng tiên bất tử Calipxo . Nàng đã không ngừng thuyết phục anh kết hôn vì ở lại đây , anh sẽ có cuộc đời bất tử . Nhờ sự can thiệp của nhiều vị thần trên thiên đình, đặc biệt nữ thần Atena,  cùng với tấm lòng thủy chung với người vợ thân yêu đã xa cách  hai mươi năm (  Uy-lit-xơ    đã tự trói mình vào cột buồm ,để mặc gió cuốn thuyền đi ) Uy-lit-xơ     đã có thể tiếp tục hành trình .    Anh lại rơi vào  chốn  sinh sống của bà  phù thủy Xiecxe và cũng bị cám dỗ .
  -Nhưng tình yêu vợ con và quê hương đã thắng . Gần đến quê nhà, một cơn bão đã đánh  đắm con tàu của anh , còn người anh hùng chiến trận năm nào bị trôi dạt vào bãi cát . Đó là lãnh thổ của quốc vương Ankinot.  Nhà vua cũng thực sự ngưỡng mộ người anh hùng một thời vang danh với chiến công ngựa gỗ mà ông từng nghe truyền tụng . Con ngựa thành Troy là vũ khí  mà quân Hy Lạp đã sử dụng để chiến thắng quân Troy . Theo kế của Odi xê  là dỡ tàu ra , lấy gỗ để làm thành một con ngựa thật lớn  khiến quân Troy tưởng rằng đây  là món quà của quân Hy Lạp đền bù cho bức tượng Athena đã bị phá hủy. Thực chất trong con ngựa chứa đầy lính. Khi quân Troia no say sau bữa tiệc chiến thắng, quân Hy Lạp trong bụng ngựa đã xông ra đánh và mở cổng thành cho quân bên ngoài vào. Nhờ có ngựa gỗ mà quân Hy Lạp đã chiến thắng và hoàn toàn đánh bại quân địch. Nàng công chúa Nodica, người phát hiện ra Uy-lit-xơ      ngất lịm trên bờ biển, đã tỏ lòng yêu mến. Nhưng cuối cùng cha con nhà vua  đầy nhân ái này đã  tận tình giúp đỡ để  Uy-lit-xơ      hồi hương bình an .
     - Nhưng đã bình an chưa ?Ở quê nhà, nàng Penelop đang đối đầu với 108 chàng vương tôn công tử đến cầu hôn, buộc nàng phải chọn để tái giá với một người trong bọn. Họ còn tổ chức ăn uống, phá hoại tài sản gia đình .  Penelop trì hoãn bằng cách  dệt đi dệt lại một tấm vải , bởi  nàng hứa với họ rằng , nàng sẽ thuận  lời  một khi nàng dệt xong. Uy-lit-xơ    gặp  lại bà vú già Oricle và người con trai , mà ngày anh ra đi, Telemac vừa chào đời . Họ bí mật cùng anh diệt  hết bọn cầu hôn , sau một cuộc thi do anh đề ra :kẻ sẽ kết hôn với Penelop là người có thể giương nổi cây cung của  Uy-lit-xơ    và bắn duy nhất một phát  xuyên qua   lỗ của 12 chiếc rìu , còn tất cả vũ khí của họ không được mang theo vũ khí  .
   -Một mình  Uy-lit-xơ    thực hiện thành công  cuộc tỉ thí này . Mọi gia nhân phản phúc cũng nhận sự trừng phạt đích đáng .
    Nhưng trong mắt Penelop, nhân vật kỳ lạ này  là một vị thần nào đó mà thôi. Uy-lit-xơ    phải làm sao ? Đoạn trích  được sách giáo khoa giới thiệu sẽ  lý giải tất cả .
2.      Giá trị : Trường ca Ô-đi-xê  từng được truyền miệng trong dân gian . Tác giả Homer là người có công sưu tầm và chỉnh đốn  lại , dựng thành 24 khúc ca trong 12.110 câu thơ. Đặc điểm về nghệ thuật những trang  trường ca này là gì ?.  Đó là đặt người anh hùng vào những hoàn cảnh anh hùng . Muốn chiến thắng, nhân vật chính –người anh hùng- phải thế hiện những hành động anh hùng . Ta thấy danh từ riêng chỉ  mỗi nhân vật có  đi kèm một tính từ chỉ tính cách. Chẳng hạn “nàng Penelop thận trọng, Uy-lit-xơ cao quý và nhẫn nại …” Họ có  thể là  những người đứng về phe Uy-lit-xơ, thúc đẩy những hành động anh hùng của anh nhanh chóng đi đến kết quả, nhưng cũng có thể  tạo nên những hoàn cảnh   anh hùng mà   Uy-lit-xơ phải đối  đầu , vì mỗi tính từ gắn với  tính cách bản năng của họ . Đoạn trường ca được trích dẫn đã   chuyển thể sang văn xuôi, tuy nhiên không khí thơ ca vẫn thể hiện ở những   mẫu đối thoại . Ta chú ý , khi hướng nội dung lời nói về đối tượng nào, chủ thể đều dùng hô ngữ ( cha thân yêu, mẹ ơi,con à ..) và nội dung chính của đoạn thoại   luôn được đúc kết bằng một từ hay cụm từ và đặt ở vị trí  ngay đầu lời nói của nhân vật .( khốn nạn, lòng mẹ kinh ngạc quá , mẹ thật tàn nhẫn, đừng làm rầy mẹ ..)
    Uy-lit-xơ     được ca ngợi là “người anh hùng có nghìn mưu trí”,bởi đã tạo được vô số  lối thoát nhờ những hành động anh hùng mưu lược , khi bị đẩy vào hoàn cảnh anh hùng . Nhưng trong đoạn trích  nằm ở vị trí đỉnh điểm của  cốt truyện bộ sử thi này, anh lại rơi vào một  hoàn cảnh mà anh   thực sự bế tắc . Sử dụng hành động anh hùng nào ?
    Hoàn cảnh anh hùng mà Uy-lit-xơ     gặp phải ở đây là gì ?

 II. ĐỌC HIỂU :
    1 . Uy-lit-xơ bị rơi vào hoàn cảnh anh hùng đau buồn Trong phần giới thiệu về vị trí đoạn trích, sách giáo khoa cho biết Uy-lit-xơ phải cải trang thành một người hành khất  để có thể xin  tham gia cuộc tỉ thí .Bởi nếu anh  để lộ chân tướng, sinh mạng đang ở thế bị động của anh sẽ bị  nguy hại .
      Nhưng chính vì  “hành động anh hùng mưu trí” này, Uy-lit-xơ bị rơi vào hoàn cảnh anh hùng đau buồn : thái độ phũ nhận của Penelop, người vợ giỏi giang, xinh đẹp và thủy chung .Theo Penelop , kẻ trừng trị bọn cầu hôn là một vị thần nào đó ,và thần  linh bất tử luôn có những ý định huyền bí (mà kẻ dù vô cùng sáng suốt cũng không thể hiểu ).Ngài đã trừng trị bọn cầu hôn, bởi ngài bất bình  tội láo xược của chúng . Hơn nữa, chúng gieo gió nên gặt bão .
    Riêng người chồng, anh đã  chết nơi quê hương, sau  hai mươi năm bặt tin . Bản chất thận trọng, cộng với  quãng thời gian đằng đẵng chờ tin chồng, lại liên tục bị  bọn cầu hôn uy hiếp , đã khiến Penelop luôn “ đề cao cảnh giác”, dù nhũ mẫu Oricle đã khẳng định với nàng đó chính là Uy-lit-xơ ,qua  ba chi tiết :  vết răng lợn rừng ở chân Uy-lit-xơ , thái độ  nhẫn nại(  bịt miệng bà  vú già ) lẫn khôn ngoan ( đang có âm mưu ) của anh .
     Thế là , dù gián tiếp xung đột, nhưng trong cuộc chiến màn thứ nhất này, Uy-lit-xơ đã thất bại . Sự mưu trí, tài giỏi của anh không đem lại may mắn ,thành công cho anh .

 2 .  Nhưnghành động anh hùng  :  Qua màn hai, ( nói xong… biết hết ),  Uy-lit-xơ bây giờ vẫn  khoác bộ  trang phục hành khất,  lưng tựa cột nhà, cúi đầu chờ đợi , nhưng người vợ vẫn tỏ ra xa lạ thờ ơ  .
   -Thoạt đầu, có lẽ từ lời biện hộ của nhũ mẫu khiến cô phân vân, nhưng cô vẫn lặng thinh, khi thì sửng sốt,  và đăm đăm nhìn , khi lại thấy xa lạ quá .Trong   những phút ngắn ngủi mà như dài vô tận, thật tội nghiệp cho Uy-lit-xơ cứ cúi đầu kiên nhẫn chờ đợi, còn Penelop thì thật đáng trách , như chính miệng  Telemac, người con của họ , gay gắt  lên án mẹ, mẹ tàn nhẫn, độc ác, sắt đá ,cứng rắn hơn cả đá . Nhưng Penelop có lý do của  cô : cô cần một dấu hiệu riêng mà chỉ hai người trong cuộc mới biết . Trong cuộc xung đột này, Uy-lit-xơ lại thất bại . Sự kiên nhẫn chưa phải là hành động anh hùng để có thể thắng hoàn cảnh anh hùng này .
    - Nhưng Uy-lit-xơ luôn tỏ ra chủ động . Anh thông cảm với thái độ dửng dưng lẫn yêu sách của vợ, vì theo anh , do trang phục hành khất chưa đẹp,  do Penelop  còn thử thách anh điều gì đó. Tuy nhiên ,anh có vẻ “tủi thân” và than thở biết đâu tai họa sẽ đến,anh sẽ phải bỏ trốn  vì đã giết trọn bọn cầu hôn, vốn là những  công tử quyền quý .Tấm lòng của anh đã được người con trai ủng hộ , hứa  luôn tin  rằng cha mình mãi mãi khôn ngoan , còn chính mình sẽ hỗ trợ cha . Hành động anh hùng của Uy-lit-xơ ở đây ( đã khiến người con thấu hiểu )  cũng  an ủi anh  một phần nào
  3 . Uy-lit-xơ giận dỗi  Đến màn ba ( khi…giường ) trong bộ trang phục rực rỡ của thần , Uy-lit-xơ giận dỗi (  đề nghị kê giường nằm nghỉ  riêng) thì Penelop vẫn “tàn nhẫn, độc ác, sắt đá ,cứng rắn hơn cả đá” như  ban đầu .Nàng còn tỉnh táo hơn,  đó là tiếp tục thử thách chồng , chính Uy-lit-xơ hay một vị thần nào cải trang .
     Uy-lit-xơ  vẫn thất bại trong cuộc xung đột này, dù cho anh  cố gắng tạo thế chủ động. Nếu hiểu mười năm hồi hương, dù phải lênh đênh trên biển cả ,với biết bao gian khổ, đặc biệt những cám dỗ, nhưng Uy-lit-xơ  vẫn không nguôi  giữ lòng chung thủy với người phụ nữ quê nhà. Nếu  sống với nàng tiên Calipxo, anh sẽ có cuộc đời bất tử .Bà phù thủy Xiecxe lại ban cho anh những quyền năng kỳ lạ , khống chế được cả ma quỷ,thần linh . Và anh sẽ là một vị phò mã  giàu sang, danh tiếng nếu anh thuận lời cưới công chúa của vua Ankiot. Nhưng anh vẫn  hướng về quê nhà .
      Bây giờ , chính nhờ hành động anh hùng  này, Uy-lit-xơ  đã thành công . Anh đã mang đến cho  cô một dấu hiệu riêng mà chỉ hai người trong cuộc mới biết, đó là nét độc đáo của chiếc giường ngủ .
    Với người  Châu Âu cổ xưa, giường không chỉ là chốn nghỉ ngơi riêng tư của chủ nhân, mà còn mang nhiều ý nghĩa . Chiếc giường đẹp nhất trong gia đình lại được bày trang trọng trong phòng khách , thể hiện sự  quyền lực , giàu có của chủ nhà. Khách  quý đến được mời ngồi lên giường. Chủ nhân  đôi khi sẽ đích thân dùng những  loại dược liệu quý để lau rửa chân cho khách, như ngầm tỏ thái độ ngưỡng vọng những vị khách  danh giá . Ăn uống cũng được bày biện ở đây . Tuy nhiên, chiếc giường của  vợ chồng  chúa đảo Ithaco chỉ có một chức năng duy nhất, là nơi hưởng hạnh phúc vợ chồng. Cách lắp ráp chỉ họ và một tì nữ trung tín được biết .Như vậy, gã hành khất, vị thần trừng trị bọn cầu hôn  chính là Uy-lit-xơ  ! Với Uy-lit-xơ  , con ngựa gỗ thành Troy đã giúp anh trở thành người anh hùng chiến trận với nghìn mưu trí, thì chiếc giường gỗ độc đáo cũng do chính anh dựng đã  mang lại cho anh hạnh phúc . Chính tình yêu từ mái nhà này đã  khiến anh quyết tâm dành chiến thắng ở thành Troy .
   III. Kết luận :
    Chủ đề   của bộ sử thi –anh hùng ca Ô-đi-xê   là đề cao những  khối óc mưu trí, có khả năng chinh phục thiên nhiên, bảo vệ hạnh phúc gia đình . Những thành tích  Uy-lit-xơ  không chỉ được nhìn nhận của riêng anh mà còn nâng lên hai mức cao hơn , chiến công rất trọng đại ,  có liên quan đến cả cộng đồng. Đây là đặc điểm về nội dung của sử thi .
   Ngày nay , những địa danh ghi   dấu bước chân  Uy-lit-xơ    đã đến, chẳng hạn  khu vực hang động  xưa anh bị bọn người khổng lồ một mắt ăn thịt người Xyclop vây bắt , hay bãi cát bên  vùng biển của  quốc vương Ankiot, nơi anh trồi ra giữa cát khiến công chúa Nodica cùng đám tì nữ kinh hoàng , đã trở thành những khu du lịch nổi tiếng .  Một du khách đến hoang đảo của bọn người khổng lồ,  rất bất ngờ vì hang hẹp và tối, làm sao  gã khổng lồ Poliphem bước lách qua .  Có lẽ lớp đá vôi qua thời gian đã che lấp dần cửa hang. Cũng bất ngờ vì nơi đây chỉ có vài gia đình sinh sống bằng việc chăm nom bầy sơn dương trên đảo . Những con thú có  sừng lênh khênh chỉ có thể đến gần để chụp hình lúc hoàng hôn hay bình minh . Xung quanh  đảo là vùng biển Hy lạp xanh thẳm. Bạn có mơ ước một lần  đến đây không ?

                                        C  .SỬ THI ẤN ĐỘ: RAMAYANA

1.     Một số  đặc điểm :

 Ramayana  là thiên anh hùng ca vĩ đại của Ấn Độ, ra đời vào khoảng thế kỷ thứ III TCN( nhưng căn cứ vào nội dung ,có thể tác phẩm xuất hiện sau khi  đạo Phật hình thành , khoảng  thế kỉ thứ 6 TCN đến thế kỉ thứ 4 TCN.  )Theo truyền thuyết thì truyện này do thần Narada kể lại cho đạo sĩ Vanmiki, rồi nhờ có nguồn cảm hứng đặc biệt và trí nhớ kỳ lạ mà Vanmiki thuật lại câu chuyện  bằng văn vần cho các môn đệ của mình . Trên thực tế, thiên anh hùng ca này đã  được lưu truyền trong dân gian từ đời này qua đời kia ,qua tay gọt giũa của rất nhiều  thi sĩ vô danh, không còn là nguyên  bản của Vanmiky nữa . Viết bằng tiếng Phạn ( một cổ ngữ của Ấn Độ   vị trí quan trọng trong văn hóa Ấn Độ và các văn hóa vùng Đông Nam Á tương tự như vị trí của tiếng Latinh  tiếng Hy Lạp trong châu Âu Trung Cổ), gồm  7 cuốn, gồm 500 đoạn và 24.000 câu thơ đôi ( hay còn gọi là sloka -một sloka gồm 2 hàng  , 4 câu , mỗi câu  gồm 8 âm tiết. Như vậy, mỗi bán Sloka gồm 16 âm tiết và một Sloka hoàn chỉnh có 32 âm tiết . Kinh điển Phật giáo theo  truyền thống Phật giáo Ấn Độ đều được biên tập theo dạng văn vần ), về sau được chia thành 12 cuốn .
  Thiên anh hùng ca vĩ đại này có nội dung xoay quanh cuộc đời  hai nhân vật là Rama và Xita .Rama là một trong số bốn  hoàng tử của vua nước Cosala là Đaxaratha . Chàng là con cả , hiện thân của thần Visnu .Nhân qua nước Viheda du ngoạn, gặp dịp vua làm lễ thi tài  kén rể, Rama tham dự và cưới được công chúa Xita xinh đẹp . Họ sống với nhau rất  hạnh phúc .  Vua cha muốn nhường ngôi cho con cả, nhưng thứ phi Cakeyi ngăn cản, buộc vua truyền ngôi cho con mình là Bharata (dù Bharata khẩn khoản  van xin anh ở lại ), còn vợ chồng Rama bị đày vào rừng Đan- da- ca cùng em trai Lacmana . Họ sống  14 năm giữa rừng sâu, chống chọi với sự uy hiếp của bầy  quỷ dữ Racxaxa ,chúa tể lũ quỷ vùng Xri-lanca ngày nay . Quỷ cái Xuropanakha  thất bại từ hành vi cám dỗ hai hoàng tử trẻ ,bèn nhờ anh là Ravana trả thù . Hắn sai  phù thủy Maricha hóa thành một chú nai xinh đẹp, hiền lành mắc bẫy . Xita tìm cách nhờ   chồng và em chồng  giải cứu  con vật xấu số.Chúa quỷ Ravana lại cải trang thành một  đạo sĩ Bà- la- môn (Thuộc về đẳng cấp Bà-la-môn là các tu sĩ, triết gia, học giả và các vị lĩnh đạo tôn giáo. Dân chúng Ấn Độ rất tôn trọng đẳng cấp này), nhân lúc Xita một mình trong lều, bèn bắt cóc nàng , đặt lên thiên xa, phóng về Lanca.  Ravana thuyết phục Xita làm vợ hắn, nhưng nàng một mực cự tuyệt .  Hai anh em Rama giết  được phù thủy Maricha , lại tiếp tục tìm kiếm Xita .Bây giờ, tướng khỉ Hanuman –con Thần Gió  với phép thần thông biến hóa,  giúp sức, giết Ravana,cứu Xita .Nhưng Rama lại ghen tuông, khiến Xita phải tự thiêu,  may sao có Thần Lửa cứu sống . Họ cùng về lại kinh đô .Nhưng nghe thần dân phê phán chuyện Rama chấp nhận vợ từng sống với quỷ, Rama ruồng rẫy vợ , khiến Xita lại ra đi khi đang thai nghén . Mười năm sau , có hai đứa trẻ là Cuxa và Luva đến kinh thành , hát khắp nơi câu chuyện  của Rama và Xita . Biết là con mình , Rama đi tìm vợ , nhưng nàng đã về với Mẹ là Thần Đất . Tên “Xita” có nghĩa là luống cày .Ngày trước vua cha xứ Viheda là Giannaca trong lễ tịch điền đã bắt gặp Xita giữa luống cày . Rama van xin Thần Đất trao trả nàng, nhưng Thần Bà-la-môn bảo họ sẽ gặp nhau ở cõi Trời. Rama nhường ngôi, cùng hai con lên trời, trở lại bản thân nguyên thủy là thần Visnu, Thần Bảo vệ vũ trụ .
      Ra  đời trong xã hội chiếm hữu nô lệ và phong kiến, anh hùng ca Ramayana được nhân dân Ấn Độ từ đời này sang đời khác ca ngợi .Hoàng tử Rama là vị thần giáng thế làm người, cứu vớt nhân loại ra khỏi chiến tranh ( cuộc chiến tranh giành ngôi báu) đau khổ, tội lỗi ( do những ham muốn  thấp hèn của con người ) .Là vị thần, mang những ưu thế của thần (không mê danh lợi , có kh ối liên minh với các vị  thần thánh trên trời  ) nhưng  vẫn  có những hạn chế rất con người ( ghen tuông, gia trưởng ),  phù hợp với  tâm tư, nguyện vọng của nhân dân . Đoạn trích đã cho chúng ta thấy rõ điều này .
    Đây là đoạn có thể xem là cao trào của  pho anh hùng ca đồ sộ này . Rama cứu  cứu vợ về , nhưng lại ghen tuông , ruồng rẫy vợ , khiến Xita đau đớn tột cùng, đành tuẫn tiết để chứng minh cho lòng  chung thủy của mình .
 Rama tỏ thái độ  hờn ghen  như thế nào ? Vốn là một  vị thần, một hoàng tử,  nhưng ở đây,Rama đã trở về bản chất một  gã đàn ông tầm thường . Chàng tỏ ra mạnh mẽ, tài năng, nhưng lại rất yếu đuối . Đó là tư thế  bị động .Lắng nghe kỹ những lời Rama nói với vợ , ta thấy cuộc giải thoát Xita, đốt phá Lanka, hang ở của Ravana , có công rất lớn của thần Gió Hanuman và em trai quỷ Ravana là Viphisana.Nhưng  Rama không tỏ ra thương xót vợ (   nàng bị nạn là do số phận xui xẻo ) lại  tỏ ra tự hào về tài năng (ta đã giải thoát nàng bằng khả năng của  kẻ bị lăng nhục ) Rama khẳng định  tới ba lần : chàng đánh quỷ vì để bảo vệ danh dự , nhân phẩm bản thân và giòng họ .Chính vì thế , Xita không được đón mừng  bởi vì nàng đã gây o uế cho  dòng dõi cao quý của chàng .Không những xua đuổi , chàng còn hèn hạ xúc phạm phẩm giá nàng thêm một lần nữa, đó là “giới thiệu” cho  người vợ yêu quý , thủy chung của mình  vô số người đàn ông quanh nàng đó  ( ba  hoàng tử, em Rama, rồi em vua khỉ, cả em của quỷ , những con người đã cùng chàng đi giải thoát cho Xita ) Cơn ghen khiến Rama mất hết sự khôn ngoan !Kẻ cậy thế quyền lực luôn mù quáng và tàn bạo . Con người Rama khi thất thế vốn sáng suốt , nhân ái . Thật bất ngờ !
    Xita đã  bị đẩy vào đường cùng .Còn gì đau khổ hơn khi bị chồng xua đuổi, lại xem nàng như một  cô gái bán hoa rẻ tiền, trong khi nàng từng là  con gái Thần Đất , và đang là một hoàng hậu, bậc mẫu nghi thiên hạ . Lúc này, những lời trần tình của Xita cho thấy nàng rất mạnh mẽ, rất chủ động .Đầu tiên, Xita khuyên chồng bỏ thái độ khinh miệt nàng ,vì nàng cũng rất trọng danh dự một bà hoàng hậu , vì Rama không chỉ xúc phạm vợ mà đã đụng chạm đến xã hội phụ nữ nói chung . Rồi nàng thanh minh về nghịch cảnh  đau thương, bất lực trước quỷ dữ của mình .Sau đó, nàng trách móc chồng tại sao ngày xưa cưới nàng,  lại  tìm cách  liên lạc với nàng khi nàng gặp nạn , để nàng  bỏ ý đồ quyên sinh    tại Lanka , rồi mạo hiểm, cùng mang ơn nhiều người để  cứu nàng .Nàng buồn rầu và thất vọng khi thấy chồng nóng giận, không suy xét,  chà đạp lên lòng chung thủy của vợ … Xita tìm đến với Thần Lửa và một lời thề : Nếu con trong trắng, xin thần A Nhi  phù hộ cho con .Lời nguyện của Xita cho thấy , dù bị đẩy đến chốn cùng đường, nhưng khối óc nàng vẫn rất tỉnh táo ,vì nàng biết rằng thần linh sẽ  đứng về phía  mình .
 Đoạn trích  giàu kịch tính . Xung đột chỉ một màn , nhưng căng thẳng, bởi đẩy cả hai đi đến hành động cuối cùng . Lối lập luận của Rama không đủ sức thuyết phục, nhưng lý lẽ của Xita khá mạch lạc , chứng tỏ dù thua nhưng nàng đã thắng . Thua vì không được Rama  đón mừng, nhưng thắng bởi chính lời nói và hành động của nàng buộc Rama tỉnh ngộ .Chàng phải trở lại vị thế một ông vua ,một vị thần .
 Chính Vanmiki , người có công ghi chép và truyền lại thiên anh hùng ca bất hủ này đã nói : “Chừng nào sông chưa cạn, đá chưa mòn, thì anh hùng ca Ramayana còn làm say mê lòng người và có thể giải thoát họ ra khỏi vòng tội lỗi”
 Ở đoạn trích, nhân vật anh hùng là Rama. Chàng phải đối đầu với  một hoàn cảnh anh hùng ( do chính chàng tạo ra ) lại hành động rất con người  . Xita phải  đụng độ với nghịch cảnh , một  hoàn cảnh anh hùng ( do chính chồng mình  tạo ra) Hành động anh hùng của nàng thật đáng khen ngợi .
  Truyện Ramayana không những có ảnh  hưởng sâu rộng ở Ấn Độ, mà còn được lưu truyền nhiều ở Đông Nam Á, nơi có mối quan hệ đậm đặc với văn hóa Ấn Độ . Có nước đã mượn cốt truyện này  để dựng lên những truyện cổ mang màu sắc dân tộc  khá phong phú, độc đáo ,chẳng hạn hai tác phẩm   Sêri Rama  ở Indônêxia,   Riemkê  ở Cămpuchia

                              Dalat  đưa ông táo vè trời 2016

No comments:

Post a Comment