Monday, August 26, 2019

Bài 13 Trường ca Mặt Đường Khát Vọng-( Nguyễn Khoa Điềm )



               Nguyễn Khoa Điềm là người con của thành phố Huế  thơ mộng. Năm 12 tuổi (1955)ông được ra Bắc học .Sau khi tốt nghiệp trường Đại học Sư phạm Hà nội vào năm 1964, ông về Huế hoạt động trong phong trào sinh viên ,học sinh tại Huế , xây dựng cơ sở cách mạnh,viết báo ,làm  thơ . Trường ca Mặt đường khát vọng được ông sáng tác vào năm 1971 tại chiến khu Trị Thiên .   Thừa Thiên và Quảng Trị ngày ấy được gọi là vùng giới tuyến .Con sông Bến Hải ( vĩ tuyến  17) làm ranh giới chia đôi hai miền Nam Bắc, đến 1971 đã là 17 năm .Mảnh đất Thừa thiên,Quảng Trị có những đô thị  tạm chiếm . Người Mỹ đã tuyên bố : Lãnh thổ của hiệp chủng quốc Hoa kỳ kéo dài đến  vĩ tuyến 17 .Hai con số 17 nói lên điều gì ? Rằng thanh niên tuổi trẻ miền Nam có còn ý  thức về cội nguồn của mình nữa không ? Có hiểu thế nào là đất nước, nhân dân nữa không ?
         Rõ ràng ,tuổi trẻ miền Nam đang phải đối đầu với một hoàn cảnh anh hùng đầy trớ trêu .Mặt trận dân tộc giải phóng Miền Nam ra đời ngày 19.12.1960, phát động tinh thần  Năm xung phong . Nguyễn Khoa Điềm hưởng ứng tinh thần của phong trào bằng cách cầm bút ,một tư thế của Nguyễn Đình  Chiểu thời hiện đại : Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà .Ông đã vạch ra cho  niên vùng đô thị tạm chiếm miền  Nam một tư thế và hành  động anh hùng qua trường ca Mặt đường khát vọng .  Đó là hãy xác định cho mình một thủ lĩnh , tìm ra đâu là đất nước, nhân dân  mình .Bằng cách  văn học hóa lịch sử, ông đã  dùng thể trường ca ,  khéo léo gửi gấm khát vọng này .
 Trường ca là một thể loại  văn học mà chúng ta đã làm quen qua bộ các bộ sử  thi : Đăm Săn ( dân tộc Ê-đê, Việt Nam ), Ramayana  ( Ấn Độ ) Ô-đi-xê( Hy Lạp ) .  Trường ca là bài  thơ dài ,có cốt truyện, nhân vật chính là người anh hùng, cho nên trường ca còn được gọi là anh hùng ca trong văn học dân  gian . Thể trường ca mà Nguyễn Khoa Điềm chọn để ca ngợi người anh  hùng thế kỷ hai mươi,   là lớp trẻ chống Mỹ của thời đại Hồ   Chí Minh . Họ phải đối diện với một hoàn cảnh đầy chất anh hùng, mà  chúng ta đã nêu ở trên ,  như bao anh hùng khác . Họ buộc phải thể hiện những hành động anh hùng . Hành động anh hùng của họ là  gì ? Đó là phải làm sao kêu gọi tuổi trẻ Miền Nam biết rằng Rằng thanh niên tuổi trẻ miền Nam có còn ý  thức về cội nguồn của mình nữa không ? Có hiểu thế nào là đất nước, nhân dân nữa không ?  Đó là hãy xác định cho mình một thủ lĩnh , tìm ra đâu là đất nước, nhân dân  mình . Ở đây, Nguyễn Khoa Điềm không dùng lối văn vần thuần túy, mà ông chọn thể thơ tự do , có lẽ từ đó, ông dễ dàng dẫn dắt câu chuyện về Cội nguồn , đất nước , nhân dân, bằng những chất liệu nghệ thuật đậm đặc màu sắc văn hóa, văn học dân gian từ xưa đến nay, trải dài trên mảnh đất chữ S ,khắp ba miền Bắc Trung Nam .
   Trước tiên, theo ông , trong hoàn cảnh sống  giữa miền Nam khói lửa, thanh niên trí thức cần hướng về ai ? Về  vua Hùng , về tổ tiên,cội nguồn dân tộc Việt.  Chúng ta có chung một  cha ( Lạc Long Quân ) và chung một mẹ ( Âu Cơ ) sinh ra cùng một bọc trứng  ( đồng bào )Bổn phận nhưng cũng là quyền lợi, hằng năm,cứ đến ngày mùng mười tháng ba âm lịch, hướng về   đền Hùng , tưởng nhớ công đức  cha ông ,khắc ghi trong lòng rằng mình có giòng máu con Hồng  cháu Lạc .Trong một đoạn thơ dài ,chiếm gần trọn một trang giấy, tác giả Nguyễn Khoa Điềm nhắc nhiều lần nghĩa vụ phải   củng cố một niềm tin: tổ tiên chúng ta là vua Hùng, ngoài ra không có một ai khác .
   Chúng ta , nhân dân của ta ,là ai ? Đó là ông bà , cha mẹ, lớp trẻ  chúng ta và con cháu chúng ta .Ông bà chúng ta là thế hệ   nhân dân đời Hùng Vương , thủy chung  tình nghĩa với sự tích trầu cau, yêu nước mãnh liệt với  chuyện Thánh Gióng bẻ tre đánh giặc .Nhân dân là cha mẹ thủy chung   trong câu ca dao gừng cay muối mặn, biết tạo ra ngôn ngữ  ,cần cù lao động ,giữ gìn phong tục bới tóc,ăn trầu, nhuộm răng . Nhân dân là thế hệ trẻ thế kỷ XX , có sức khỏe, có trí tuệ, sống dạt dào tình cảm .Nhân dân là thế hệ con  cái chung ta , biết đoàn kết ,gắn bó với mọi người . Cách giới thiệu các thế hệ nhân dân của tác giả thật khéo léo, đầy âu yếm chân tình ( bà, cha mẹ,anh em, con ta ).Những phẩm chất thủy chung,cần cù ,sáng tạo, cũng được lồng ghép rất linh hoạt. Chỉ một câu “ cái kèo cái cột thành tên” ta mới hiểu quá trình phát triển ngôn ngữ,lời ăn tiếng nói luôn gắn liền với  lao động sản xuất nông nghiệp .Họ là những anh hùng trong mọi thời đại ,từ thời vua Hùng dựng nước đến thời đại Hồ  Chí Minh giữ nước .
   Đất đai lãnh thổ được tác giả nêu ngay từ đầu đoạn trích “ Khi ta lớn lên Đất Nước  đã có rồi, Đất là nơi Chim về, Nước là nơi Rồng ở ” . Chim có thể hiểu là phượng hoàng, đi liền với rồng , . hình tượng Rồng – Phượng có một sức sống mãnh liệt, thiêng liêng trong đời sống văn hóa tâm linh của người Việt, thể hiện sức mạnh uy quyền tối cao. Đất là đồng ruộng, núi non,  nước là sông hồ ao biển ,  hình thành nên  nền văn minh  nông nghiệp nông nghiệp lúa nước , gắn liền với  “ hạt gạo một nắng hai sương xay giã, giần, sàng”, là lãnh  thổ có những bụi tre đằng ngà, trong thanh bình là cột kèo dựng nhà, khi giặc đến là tầm vông  gậy gộc đánh bại chúng .Những hình ảnh mô tả  Đất nước vừa thiêng liêng ( Rồng , Chim ) vừa gần gũi ( núi rừng , sông biển)
         Đoạn trường ca tiếp theo Nguyễn Khoa  Điềm nêu lên hàng loạt những tên núi tên sông khắp ba miền đất nước . Mỗi ngọn núi,con sông ấy lại gắn với một hay một đôi bạn trẻ. Núi Vọng Phu ở Lạng Sơn chất chứa tình cảm vợ nhớ chồng . Hòn Trống Mái  ở Thanh Hóa ấp ủ tình vợ chồng nồng đượm. Núi Bút non Nghiên mang tinh thần hiếu học của người học trò nghèo xứ Quảng .Ở miền Nam có sông ông Đốc, tức đốc binh Vàng một thời tuổi trẻ theo phò vua Gia Long, nay tên ông gắn  tên một con sông tại Cà Mau. Tây Ninh có núi Bà Đen, người thiếu nữ da ngăm đen,yêu nước. Huyện Hóc Môn có chợ Bà Điểm,một thiếu nữ thời trẻ tha thiết với quê hương .Nguyễn Khoa Điềm muốn nói lên điều gì ?Tất cả nằm trong bốn câu cuối đoạn trường ca này :đất quê hương tuổi trẻ cần tìm về . Đó là ruộng đồng gò bãi ba miền, mang theo cuộc đời của  dân tộc ta trong suốt bốn ngàn năm văn hiến .
    Ở phần tiếp theo của đoạn trích từ trường ca, tác giả hướng lớp trẻ đến nhân dân. Họ đều là những con người trẻ như thanh niên đô thị miền Nam . Thời bình , những người con gái con trai  ấy cần cù, gắn bó máu thịt với quê hương : tạo nên nền văn minh lúa nước, cuộc sống nông nghiệp, mang  giọng nói, bản làng theo  khi di dân, sống thủy chung , để giữ mãi cội nguồn của mình, một đất nước con cháu vua Hùng .Thời chiến, họ tự nguyện cầm súng một cách tự giác , làm tròn bổn phận kẻ ra mặt trận,người ở hậu phương ,với tinh thần: chống ngoại xâm,đánh  nội thù . Họ kiên cường  như câu hát “thù này chắc hẳn  còn lâu, trồng tre thành gậy, gặp đâu đánh què ”Có người hy sinh thật âm thầm, cũng giản dị và bình tâm như khi cần cù lao động vậy . Họ là những anh hùng .
     Có lãnh thổ,có nhân dân,chúng ta hướng về ai  để chọn làm thủ lĩnh ?Những anh hùng cách mạng . Họ mang  đầy đủ những phẩm chất của thanh niên miền Nam “ đã sống và chết ,giản dị và bình tâm, không ai nhớ mặt đặt tên, nhưng họ đã làm ra Đất Nước . Họ là người trẻ Miền Nam này , không ai khác. Thủ lĩnh của họ cũng chính là vua Hùng, vị vua đầu tiên đặt nền móng cho nhà nước Âu Lạc, là người  kế thừa cơ nghiệp mà dòng dõi Hồng Lạc Rồng Tiên  xây dựng từ xa xưa          Trong bài  thơ thần , Lý Thường Kiệt đã khẳng định : sông núi nước Nam,vua Nam ở . Nguyễn Trãi cũng nêu rất rõ trong Bình Ngô đại cáo : Núi sông bờ cõi đã chia , từ Triệu Đinh Lý Trần bao  đời gây nên độc lập, hào kiệt đời nào cũng có. Việt Nam có vua Hùng, có những con người thấm thía với tâm hồn  như sông , tâm hồn luôn trăn trở ràng  dù bắt nguồn ở tận một vùng lãnh thổ nào xa xôi ngoài bản đồ chữ S, khi chảy về đất Việt vẫn mang tên gọi của người Việt, đất Việt . Hãy sống như thế. Hẳn đó là điều tác giả muốn gửi tới thanh niên đô thị miền Nam những ngày tháng 12.1971
    

Câu hỏi : 1. Bạn hiểu thế nào về tình hình đất nước Việt Nam những năm 1970 ? Lớp trẻ trí thức đô thị Miền Nam phải đối đầu với một cảnh ngộ như thế nào ?
                2.Thể loại trường ca có những đặc điểm gì về nội dung và hình  thức .
                  3. Trong khổ đầu của đoạn trường ca, hãy phân tích ba yếu tố :  nhân dân, đất đai, lãnh tụ . Cách khẳng định của tác giả có đặc điểm gì ?  Chất văn hóa, văn học dân gian thể hiện ra sao ?
( chúng ta biết  tổ tiên,cội nguồn dân tộc Việt là ai ? nhân dân  với bốn thế hệ gồm những thành phần nào ? Họ có những đặc điểm riêng nào ? Nhà thơ dùng những yếu tố gì để ngợi ca từng thành phần ? Đất đai ,lãnh thổ Việt Nam được mô tả như thế nào ?
               4. Trong khổ hai  của đoạn trường ca, hãy phân tích ba yếu tố :  nhân dân, đất đai, lãnh tụ . Cách khẳng định của tác giả có đặc điểm gì ?  Chất văn hóa, văn học dân gian thể hiện ra sao ?
( chúng ta biết  tổ tiên,cội nguồn dân tộc Việt là ai ? nhân dân  với bốn thế hệ gồm những thành phần nào ? Họ có những đặc điểm riêng nào ? Nhà thơ dùng những yếu tố gì để ngợi ca từng thành phần ? Đất đai ,lãnh thổ Việt Nam được mô tả như thế nào ?



No comments:

Post a Comment