Monday, August 26, 2019

: HAI ĐỨA TRẺ (Thạch Lam )



               A.TÌM HIỂU   CHUNG :
1.       Đặc điểm thể loại :
   Hai  đứa trẻ là một truyện ngắn lãng mạn,  thuộc dạng không có cốt truyện, nghĩa là không có nút thắt, cao trào và mở nút .  Kết cấu chính của truyện là giòng cảm xúc thay đổi theo hướng tích cực của nhân vật Liên,   bắt đầu từ lúc trời nhá nhem, đến hoàng hôn, về đêm và khuya . Để  nhân vật có cơ hội bộc lộ tâm trạng, nhà  văn Thạch Lam đã chọn lối hành văn nhẹ nhàng,ngôn ngữ  chải chuốt, giàu chất thơ , nghĩa là từ ngữ được gọt giữa, hình ảnh phong phú, chất chứa nhiều cảm xúc. Thủ pháp nhà văn  chọn dùng  là lối tương phản .
2.      Nội dung chính :

  Hai đứa trẻ xuất hiện trong truyện ngắn cùng tên của  Thạch Lam vốn là cư dân của Hà Nội phồn hoa . Do bố mất việc, các anh lớn đều đang đi học, chúng phải theo mẹ về quê ngoại mưu sinh . Mẹ buôn hàng xáo( mua bán  gạo ) còn hai  đứa bé (   độ tuổi  tám và chín ) trông coi một  gian tạp hóa nhỏ , ban ngày có lẽ chỉ mở khi    có khách vào những hôm chợ phiên , một tháng họp năm sáu bận, còn đêm đêm thì chờ khách ở các chuyến tàu  hỏa  từ Hà Nội về , đi lên miền Tây Bắc , đỗ dừng chân    ga huyện trong chốc lát. Cụộc sống ngày qua ngày trong một phố huyện nghèo khổ, về đêm càng tối tăm,vắng lặng  Hai đứa bé luôn mang theo trong lòng như một ký ức đẹp đẽ về Hà nội ngày bé, một Hà Nội “ có những thức quà ngon lạ”, có  rất  “ nhiều đèn một vùng sáng rực và lấp lánh” ,có lắm kẻ qua người lại, ngựa xe như nước, và cô bé Liên đã  gom lại trong nỗi nhớ , mơ tưởng : Hà Nội xa xăm, Hà Nội sáng rực, vui vẻ và huyên náo . Và cứ thế mà chúng thấy  hạnh phúc

3.          Với truyện ngắn Hai đứa trẻ của Thạch Lam , một Hà Nội no đủ , đông vui, rực rỡ ánh đèn đối lập với  một huyện lỵ bên sông Hồng nghèo khổ, buồn vắng và tối tăm ,  đó là  trục sự  kiện được xây dựng bằng lối đối lập .  Những con người rơi vào  hoàn cảnh đó  không đầu hàng mà vươn lên, bởi  cách nhìn về một thế giới mới lạ mà họ khám phá ra .
           Kết cấu truyện   phát triển theo giòng tâm trạng nhân vật chính. Cao trào của tâm trạng nằm ở cuối tác phẩm. Vì vậy, đọc ngược     câu chuyện kể của nhân vật Liên (phố huyện về khuya - phố huyện chiều buông- phố huyện khi trời nhá nhem - phố huyện lúc đêm về )

1.       


    B  .ĐỌC HIỂU :

1         Phố huyện về khuya được tác giả mô tả trong đoạn văn cuối câu chuyện .
a.       Cảnh phố huyện về khuya :
- Xuất hiện đầu tiên là ngọn lửa xanh biếc, rồi đoàn tàu vụt qua, “các toa đèn sáng rưng , chiếu ánh cả xuống đường, những toa hạng trên đồng và kền lấp lánh, cửa kính sáng”  Bấy nhiêu cũng đã đủ để tạo nên một thế giới “một vùng sáng rực và lấp lánh”,một thế giới  không phải trong mơ, mà là Hà Nội muôn thuở, xua tan đi tất cả “những con đường thăm thẳm ra sông, đường qua chợ về nhà, các ngõ vào làng lại càng sẫm đen hơn nữa”, khác hẳn “ cái vầng sáng ngọn đèn chị Tí , ánh lửa của Bác Siêu” ở  một xóm ga về đem  miền châu thổ . Đoàn tàu mang về một Hà Nội rực sáng ( sự đối lập giữa ánh sáng và tối tăm )
 - Đoàn tàu có “những toa hạng trên sang trọng lố nhố những người  tiếng hành khách ồn ào khe khẽ” , đấy là những người Hà Nội mà mẹ Liên đã sống như họ, mẹ có nhiều tiền, mua  cho chị em Liên những thức quà ngon lạ, được đi chơi Bờ Hồ, uống những cốc nước lạnh xanh đỏ . Đoàn tàu mang về cả “Hà Nội vui vẻ”  thật  khác lạ với phố huyện nghèo, lay lắt những kiếp người sống dường như không có lối thoát, chị em Liên, mẹ con chị Tí, gia đình Bác Xẩm… “trong bóng tối mong đợi một cái gì tươi sáng  cho sự sống nghèo khổ hằng ngày của họ” .Đoàn tàu đã mang về cho hai đứa bé môt Hà Nội no đủ, vui vẻ.(sự tương phản giữa cảnh  giàu và kiếp nghèo)
 - Và phố huyện vắng vẻ, tịch mịch về đêm bỗng trở nên rộn rã từ tiếng còi văng vẳng, tiếng  dồn dập, tiếng xe rít mạnh vào ghi, rồi tiếng còi rít lên , đoàn tàu rầm rộ đi tới” . Đó là một Hà Nội huyên náo, có ba mươi sáu phố phường người qua kẻ lại . Bây giờ , .Đoàn tàu đã mang về cho chúng  môt Hà Nội huyên náo, ồn ào ( sự đối lập giữa đông vui và vắng lặng )

b.      Tâm trạng của chị em Liên :  Chỉ thế thôi, mà  hai đứa bé cầm tay nhau,lặng theo mơ tưởng . Rồi “ mắt Liên nặng dần, ngập vào giấc ngủ yên tĩnh” .Có lẽ những cư dân nghèo đã cùng Liên quây quần bên ngọn đèn hàng nước leo lét cũng được nhận niềm hạnh phúc nhỏ nhoi mà quý giá ấy, một giấc ngủ ngon, để hôm sau lại thức dậy với bộn bề lo toan,rồi hồi hộp chờ đoàn tàu mỗi đêm ,cho dù không đông,kém sáng hơn. Nhưng, họ ở Hà Nội về !  Hai   đứa bé  xúc động đến độ lặng người, không nói nên lời, và trong lòng dậy lên nỗi khát khao, mơ tưởng. Thế thôi, nhưng điều đó đã đem đến cho chúng một giấc ngủ an lành ,hạnh phúc .


2.      Phố huyện chiều buông:
a.          Cảnh vật phố huyện :   
-Báo hiệu chiều buông là  những tiếng trống thu không . Rồi tiếng ếch nhái kêu ran ngoài đồng,tiếng muỗi vo ve  trong cửa hàng hơi tối . Âm thanh rời rạc của trống, tiếng muỗi vang khẽ chỉ làm cho  không gian phố huyện thêm vắng lặng.  .  Tả những âm thanh thật nhỏ  để  gợi nhắc đến sự vắng  lặng  Đó là  thủ pháp tương phản  trong miêu tả - phố huyện dần đi vào yên tĩnh
 - Ánh đèn  của nhiều nhà trên phố đã   thắp sáng , có nghĩa là hoàng  hôn đã về  Tác giả không  trực tiếp mô tả bóng tối của hoàng hôn ,  mà dùng ánh sáng . Đó là  thủ pháp tương phản  trong miêu tả .- phố huyện nhiều bóng tối
- Cảm nhận cảnh nghèo những con người chủ một gian hàng với “ chiếc chõng tre lún xuống,kêu cót két sắp gãy” của những đứa bé  lom khom nhặt nhạnh những  t hứ có thể dùng bị vất bỏ sau một ngày họp chợ phiên – những chi tiết tiêu biểu, ấn tượng – phố huyện nghèo
 b. Tâm trạng của Liên : bộc lộ “ lòng buồn man mác, tưởng là  mùi riêng của đất ,của quê hương này, của  chốn dừng chân  trên đường mưu sinh , khiến Liên động lòng  thương nhưng bất lưc, bởi cô bé có hơn gì chúng đâu !
3. Phố huyện khi trời nhá nhem
 a. Cảnh phố huyện:
    -tiếng thở dài “ăn thua gì” của  chị em Liên khép lại một phiên chợ, của chị Tí miễn cưỡng về buổi bán buôn sắp đến ,. Cái nghèo khổ, của phố huyện cứ hiện ra như thế, dù tác  giả không  gọi tên .
  - Những thanh âm kết thúc một ngày  nhọc nhằn, hay mở ra một đêm mới, đó là tiếng trao đổi khe khẽ  của bốn con người , tiếng cười khanh khách của người khách già tuổi, nghiện ngập, không tỉnh táo,cụ Thi -  những âm thanh ấy càng khiến  tạo ấn tượng  về một miền quê vắng vẻ
- Bóng tối ập về phố huyện với ngọn đèn   hàng chị Tí đã thắp lên,rồi đèn phố đã sáng bao giờ . Một vùng  thiếu ánh sáng, nhưng tác giả như muốn né tránh nhắc đến  nó . Nói  đến  ánh đèn leo lét để muốn tả cảnh tối tăm của phố huyện .
 b. Tâm trạng của Liên : Và nỗi lòng của Liên cũng thế . Ngẩn ngơ nhìn con phố lên đèn, lặng lẽ thu xếp cửa hàng , buồn rầu tiễn một người khách không mong đợi . Nhưng tất cả là cuộc sống. Liên có chút niềm vui , một người con gái lớn đảm đang  với  chiếc xà tích  có cái khóa đeo bên hông .
 4.   Phố huyện lúc đêm về :
a. Cảnh phố huyện
 - Trời chuyển về đêm  với “ đường phố  và các con ngõ dần dần chứa đầy bóng tối”. Sau đó thì “ tối hết cả” Vòm trời đầy sao, đom đóm bay là là, nhưng đó là thế giới xa lạ, bí mật. , gần gũi bây giờ “ phố xá thu lại nơi hàng nước chị Tí” bởi nơi đây có một ngọn đèn con , có bếp lửa gánh phở Bác Siêu chiếu sáng một vùng đất cát  - phố huyện tối đen
 - có những con người cùng phận nhỏ,  cửa hàng của chị Tí , chiếu đàn của   vợ chồng bác xẩm đàn, hay Liên  đều  biết khách  sẽ đến rất muộn, cả gánh phở không thể phục vụ người nghèo – phố huyện nghèo  
- Đêm vắng lặng quá, tiếng người khe khẽ trò chuyện, tiếng đàn bầu bật lên rời rạc,càng làm cho không gian càng thêm yên ắng  ,  quạnh hiu .
b.      Tâm trạng của Liên :  Tâm hồn Liên  buồn man mác lúc chiều buông, bây giờ đã “yên tĩnh hẳn, có những cảm giác  mơ hồ không hiểu” . Vì trong Liên, một  nguồn vui đang đến ..
 C.KẾT LUẬN:  Tác  phẩm mô tả giòng tâm trạng chuyển biến theo hướng tích cực của cô bé Liên  chín tuổi, vốn là người Hà Nội. Về sống giữa phố huyện nghèo, buồn vắng và đặc biệt đầy bóng tối lúc đêm về,  hằng đêm Liên chỉ mong đoàn tàu từ Hà  Nội về, mang theo một  “Hà nội rực sáng , vui vẻ , huyên náo”, và thế là tâm trạng buồn man mác lúc chiều buông ,rồi  yên tĩnh dần, vui hơn , rồi lặng yên mơ tưởng khi đoàn tàu  đến . Và một giấc ngủ êm đềm đến , để sẵn sang cho một ngày  khó nhọc mới . Với hai bé và cư dân ở đây, họ không mơ ước có nhiều tiền của, mà lặng lẽ  đón nhận chuỗi ngày tháng cứ trôi, bởi đêm đêm, họ được sống trong một thế giới  của Hà Nội phồn hoa,  dù chỉ trong thoáng chốc .
1.Hai đứa bé luôn mang theo trong lòng như một ký ức đẹp đẽ về Hà nội như thế nào  trong ba đặc điểm ?
2.Tìm những chi tiết mô tả phố huyện  tối tăm , nghèo khó , vắng vẻ lúc hoàng hôn . Tâm trạng của Liên ra sao ? Tác giả dùng những  biện pháp gì để mô tả cảnh và tình ?
3.Tìm những chi tiết mô tả phố huyện  tối tăm , nghèo khó , vắng vẻ lúc trời tối dần  . Tâm trạng của Liên ra sao ? Tác giả dùng những  biện pháp gì để mô tả cảnh và tình ?


4.Tìm những chi tiết mô tả phố huyện  tối tăm , nghèo khó , vắng vẻ lúc màn đêm buông xuống . Tâm trạng của Liên ra sao ? Tác giả dùng những  biện pháp gì để mô tả cảnh và tình ?
5.Tìm những chi tiết mô tả phố huyện  tối tăm , nghèo khó , vắng vẻ lúc về khuya . Tâm trạng của Liên ra sao ? Tác giả dùng những  biện pháp gì để mô tả cảnh và tình ?
6. “Nhưng, họ ở Hà Nội về !” .Niềm hạnh phúc ấy của hai đứa trẻ và cư dân phố huyên có được từ đâu ?
                        ( Dalat mùa  trăng sáng trung thu 2014 )

No comments:

Post a Comment