Thursday, July 28, 2016

Gọi người ơi,người xa

                                   GỌI NGƯỜI ƠI,NGƯỜI XA .
                               Mùa giỗ thứ tư của Mẹ
                                        Kính dâng Mẹ lời tạ tội và tạ ơn .
        Kệ sách của tôi có ba tác phẩm được chính tác giả -người con trai lớn của ông Xu Hiến –ký tặng .Bộ gia phả họ Nguyễn Thái, tập hồi ký về cuộc đời ông ,và một cuốn nhỏ, mỏng,có cái tên khá dài -Ông Nguyễn Thái Hiến và ngành trồng rau Dalat từ 1928 đến 1935 …  Nhưng tên người nhận  ở quyển thứ ba này là Gia đình anh chị Hoe Trí và các cháu,nhà chị Hạ Em, chứ không phải gia đình anh  chị Cu Tùng ,nhà tôi .Thì phải đi đổi chứ .Chị Hạ Em đang bận tiếp khách ,nhưng vẫn vào trong giây lát, rồi quay ra bảo tôi ,ngập ngừng , chị cho ông Bảy, bạn anh Thạch mượn từ.. cả chục năm rồi (nghĩa là từ hôm được tặng, 2005).Rồi chị  hứa, chiều hai đứa mình đi đòi nghe . Nhà ông Bảy ở đầu ấp Hà Đông , gần cổng chùa Linh Giác,  chiều chiều sang nhà thờ dự lễ  tôi vẫn  đi qua .Không ngờ hai người khách cũng đứng dậy bảo có việc cần đến nơi này .
        Ông lão chủ nhà tiếp bốn bà khách trong gian nhà nhỏ ,vắng vẻ .Con cái lập nghiệp ở  trong thành phố Hồ Chí Minh cả, nhà để không ,lâu lâu ông về thăm chừng , nhưng nay thì ở luôn, vì có mấy đứa cháu ngoài Bắc vô trọ học .Ông suýt soa xin lỗi , chỉ vì lý do đó, chứ sách đọc đã lâu, ông còn phô tô ra hai bản ,một giữ, một mang tặng nhà văn hóa  Làng Hoa Hà Đông .Chị Hạ Em cũng suýt soa,bảo rằng vì tác giả đã viết tặng rõ ràng, chị lại cầm nhầm, cho nên phải hoàn trả . Rồi bây giờ là khâu ông khen .Sách hay, đọc nó mới biết vùng Đông Tĩnh (Hà Đông ,Nghệ Tĩnh )mình thuở ban đầu được hình thành như thế nào .Cũng như anh Thạch,ngày bé ông  cũng được gửi xuống học ở Nha Trang  nên  những gì họ hiểu về nơi ấu thơ  rất hạn chế .Và cuối cùng là mục nhận xét ưu khuyết của sách .Ông nói khuyết trước . Tôi thấy tác giả bảo rằng ,làng Hà Đông chúng tôi không phải là làng hoa đầu tiên của Dalat, mà là ấp Tân Lạc, nơi thân phụ ông này  chọn để trồng các giống được công sứ Pháp giao .thì … chưa hợp lý .Năm  1938,chính người Hà nội chúng tôi được ông Hoàng Trọng Phu đưa vào ,  lập ấp, rồi mang giống từ quê hương đi cùng ,là người đầu tiên trồng hoa mang  tính hàng hóa  cho xứ  hoa này .Chị Hạ Em nhanh tay lật ra một trang  Năm 1938, Ông Hoàng Trọng Phu  , đang là  Tổng đốc Hà Đông , nhân một dịp vào Dalat , thấy ngành trồng rau tại đây phát triển , đã cùng ông Trần Văn Lý , Quản đạo Dalat ( 1935-1940) và ông Lê Văn Định , Hội trưởng Hội tiểu canh nông công nghệ , vận động lập ấp Hà Đông tại Dalat .Họ đã vay từ Ủy ban tương tế xã hội Trung ương Bắc kỳ  nhiều khoản tiền,     chiêu mộ  được 33 di dân là nam giới , tạm ứng  chi phí ăn ở, đi đường  ,tập huấn kỹ năng trồng rau hoa, kiểm tra sức khỏe,chích ngừa dịch hạch và đậu mùa cho họ , cấp giấy giảm vé đi xe lửa ; tại Dalat thì cho  dựng nhà, mua lương thực, thuê người dân tộc Lạch khai phá rừng già . Nhưng rồi họ bỏ về gần hết ,vì gian khổ và nhớ nhà . Năm sau (1939) ông Hoàng Trọng Phu cấp giấy phép cho ông Nguyễn Văn Bồng mướn người vào Dalat tiếp , buộc họ ký giao kèo . Năm 1942, ấp Hà Đông có 59 hộ , phần lớn là những người được  ông Bồng thuê .Trong khi đó, nghề  trồng rau hoa tại Đalat đã hình thành với các ấp Tân Lạc (1930) Trại Mát (1934) Cầu Đất (1937).Nhưng ông Bảy cũng vội lật ra một trang , đây (tác giá kết luận ) Ngành trồng rau Dalat được khai sinh và phát triển từ một nhóm phu lục lộ ( roadman, roadmender )gốc người Nghệ An, do ông Nguyễn Thái Hiến hướng dẫn vào Dalat, ban ngày làm phu, chiều và ngày nghỉ về khai phá vườn rau .Ông đắc thắng nhìn chúng tôi ,chỉ là Ngành trồng rau Dalat  thôi nhé . Chị Thủy, hàng xóm của chúng tôi , đưa tay khẽ giật áo chị Hạ Em, như bảo, thì ông Bảy cũng thừa nhận mặt đúng của thông tin. Ông Bảy dịu giọng, nêu phần ưu điểm đầy bất ngờ của cuốn sách .Này, các cô đã đọc rồi, có còn nhớ tác giả lý giải vì sao cha mình “chấm” vùng ấp Tân Lạc (khu vực  sở Giáo Dục bây giờ )làm nơi trồng rau hoa đầu tiên trên đất Dalat ,rất khó khăn khi chuyên chở rau ra chợ, xa nơi sinh sống , trái hẳn với phương châm ban đầu ông đề ra với những người đi mở cõi : gần nhà, đất ở rừng già, có suối chảy từ cao xuống. Vì  chỉ khu vực này, ông mới có thể tận dụng nguồn phân… người cho.Tác giả kể tiếp rằng, năm 1927, khi vị Công sứ Pháp ở Dalat biết thân phụ ông  đã tốt nghiệp trường Canh nông  Tuyên Quang ,bèn giao cho ông nhiều hạt giống rau hoa mang từ Pháp sang, trồng trong khuôn viên nhà công sứ . Muốn cây cối tốt, cần phân bón .Nguồn  đầu tiên ông  chọn là phân bò, rồi phân xanh -ủ bằng cây đậu đa trổ hoa, lá dã quỳ- rồi  phân ngựa , phân heo ,nước rửa chuồng heo ..Rồi nước tiểu trộn với tro. Rồi huyết  heo xin từ ba toa (lò mổ ) Cư xá của  viên giám  thị lục lộ này nằm ở đường Hồ Tùng Mậu ngày nay, cư dân khá đông đúc .Thế là ông surveillant này bèn cho khui hầm các nhà vệ sinh .Mọi người, kể cả vợ ông,phản đối quyết liệt, ông đành..thôi .Nhưng ông không chịu thua  .Ông chuyển qua ..vùng sâu, vùng xa , vùng đất an toàn  mới,Tân Lạc . Đến đây thì chúng tôi im lặng. Chỉ vì còn có một lý do vô cùng tế nhị .
               Chúng tôi chầm chậm men theo con đường  một bên là  hông chùa Linh Giác , bên kia nhiều ngôi nhà san sát, có những biệt thự bề thế .Ngày trước, đây là vườn đồi của cư dân ấp Nghệ Tĩnh chúng tôi. Chị Thủy thì thầm .Lâu lắm rồi chị  mới qua khu này .Nhớ hồi nào ,mồng hai tết ba mẹ con kéo nhau lên viếng tượng Phật Bà (nằm trên đồi sau chùa )Chưa đến nửa cây số mà sao thấy xa là xa,  đường thật dốc ,  đất vườn nhà nào cũng trồng toàn  lơ (chou fleur ) mà  chặt(thu hoạch ) bán tết gần hết, trống hoác , càng thấy nắng , mới sáng sớm mà mẹ con đổ mồ hôi mồ kê  .Tại có nhà nên đường như ngắn bớt .Chị đồng tình .Chị cũng đã  phải vượt qua nhiều con đường dốc nắng và xa như thế. Bây giờ thì  mọi chuyện đã ổn rồi ,chị nhỉ .Qua nhà văn hóa làng hoa Hà Đông , Trường Phù Đổng .Đây là địa phận làng bên. Cổng ngôi nhà nhỏ xinh gần hàng rào trường đóng kín, mấy chậu cây trồng dưới chân thoang thoảng một mùi hương rất quen. Hồi học ở  Bùi  thị Xuân,chị thường đi tắt lối này  để sang bên hồ Vạn Kiếp, khu Decou  thăm bà ngoại . Mùi thì là thơm vô cùng , cứ phồng mũi lên mà hít .Em có biết người ta gọi nó là cây gì không ? Cây phơ nui .Tôi chợt nhớ cách gọi rất tây của mẹ .Ừ, nhưng rồi đi thêm một đoạn nữa thì, úi chà,phải ba chân bốn cẳng bước cho mau , chị ngả đầu vào vai tôi, cười rúc rích, bữa mùi phân xác mắm  cá nồng nặc, bữa thì mùi…ca ca … cứ thoang thoảng mà không thể tưởng tượng .Tôi cũng cười, nhưng chỉ cười khẽ, mà luôn ngoái cổ nhìn chừng  ra sau lưng, cách dăm bước, chị Hạ Em và người khách thứ hai của chị, cũng đồng nghiệp của tôi, cũng mang tên dòng nước xanh,Bích Thủy , đang cười nói vui vẻ .
              Gọi là đồng nghiệp ,vì chúng tôi cùng đều là công nhân viên chức của trường Bùi Thị Xuân, ngôi trường trung học phổ thông tăm tiếng của thành phố thơ mộng này .Chị nhỏ tuổi hơn chúng tôi rất nhiều, bốn lăm ,  vóc người cân đối, có đôi mắt rất sáng, nụ cười tươi tắn trên khuôn mặt khá thông minh, và làn da rám nắng khỏe mạnh . Đôi chân mày được tỉa công phu, và mái tóc đen dày  luôn cắt ngắn gọn gàng. Trang phục chị luôn tươm tất  .Họp hội ,chị có những bộ vét  may vừa vặn, tiệc tùng, những chiếc đầm của chị cũng rực rỡ hoa bướm, và chị cũng có vài chiếc áo dài thướt tha ở trong đội văn nghệ trường. Hôm nay ghé nhà tôi, chị mang đến mấy cây hoa lài Nhật  mà chị Hạ Em và tôi nhờ mua  giùm,rồi chị vô chùa Linh Giác thắp nhang để xin ơn cho cậu con đầu năm nay thi đại học, cho chàng thứ hai vào được lớp 10 như ý nguyện .Tóm lại ,chị có cuộc sống như bao phụ nữ khác .Nhưng trong trường tôi,chị là một con người khác .Chị không có tên trong danh sách hưởng lương chính  thức của trường.Hội cha mẹ học sinh hợp đồng chị với một  công việc duy nhất : thay con cháu họ chăm sóc cây cối trong trường và… quét dọn khu vực nhà vệ sinh .
            Trường tôi được xây dựng từ 1952,với ba dãy phòng học,phòng thí nghiệm hình chữ U, vây quanh khu hội trường, sau này có thêm khu văn phòng ngay cổng nhìn vào . Cuối hội trường là nhà vệ sinh .Một căn phòng khá rộng,ngăn làm hai, bên trong có nhiều buồng nhỏ, cửa thông gió thoáng đãng.Một bể nước ở góc phòng . Dãy hành lang mưa nắng nối   ba khối chữ U với nhau để thầy trò thuận tiện đi lại mùa mưa bão .Nhưng dù mùa nào, đi ngang đây,ai cũng  nhanh bước,nín  thở Từ tuổi còn ngồi ghế học trò, đến khi được  trở lại,đứng trên bục giảng, khu vực này vẫn như cũ, chỉ là của nẻo bắt đầu bị lung lay,chốt cài lỏng lẻo ,sàn nhà ẩm thấp ,nhơm nhớp  hơn xưa,và hai khu gắn thêm tấm bảng bên trên  Nam ,Nữ ( trường trước đây là nữ trung học ) Đám học trò ba khối  (khối cuối cấp học kỳ 2 được miễn) chiều  chiều thay nhau lao động quét dọn, phe nào ,nam nữ, dọn khu nấy .Nhưng chịu trách nhiệm coi ngó chung vẫn là giáo viên chủ nhiệm và anh chàng lớp phó lao động.Đã có lần ,bên khu nam,có đứa nghịch ngợm nhét ngay vào lỗ bàn cầu một quả bóng xì hơi,rồi … đi nặng lên. Nhân vật (không biết là một  hay hai) vừa là kẻ xấu bụng, vừa là người bụng xấu, nên  thứ … chè cho chó ấy vương vãi ra khắp nơi,bốc mùi nồng nặc cả khu nhà vệ sinh nam.Đám “công nhân nam bất đắc dĩ” tay bịt mũi, tay cầm chổi ,mặt mày nhăn nhó ,thấy rất tội nghiệp ,lại vừa căm giận cái đứa nào chơi trò quỷ sứ này .Hôm ấy tôi về nhà, bẻ sả đun một nồi mạc mít ( là nồi  thông thường, nhưng thành cao và dày ) kỳ cọ rất lâu .Mẹ tôi chặc lưỡi, đi  quét sân trường với  học trò, mà cứ như đi dọn phân tiêu về .Tôi phân trần với cụ, tụi con dọn  nhà cầu  học trò thiệt  mà, mẹ  !

            Nhưng bất chợt tôi nhìn cụ ,một bà lão gần  tuổi chín mươi, tóc bạc trắng, đôi mắt hom hem , mệt mỏi, chỉ có hai gò má luôn đỏ hồng, mịn màng như các cô gái .Ở nhà tôi, hằng ngày, rồi hằng tháng, hằng năm, mẹ  tôi vẫn nhẫn  nại làm công việc ấy .Nhà tôi có hai buồng mà nay gọi là wc. Gian thứ hai xem ra hiện đại được xây chung với chuồng heo . Gọi là hiện đại vì  nó giống với wc ở phố chợ ,gần  nhà ở, không bốc mùi,kín đáo .Gian thứ nhất, ra đời từ thuở , có lẽ lúc tôi còn trong bụng mẹ ,nằm men một bờ taluy giữa vườn , xa  suối ao, xa nhà ,nhưng có nhu cầu  thì, cậu em 6 tuổi của tôi ù một hơi ba mươi giây là đến .Đó là một căn chòi  tư vuông , mỗi bề khoảng mét rưỡi cất theo kiểu nhà sàn, một bên dựa vào vách taluy được lèn đá chắc chắn, ba bên   và nóc được che kín bằng thùng thiếc ,loại thùng  hình khối chữ nhật 20m lít được người Phan Thiết chứa nước mắm  chuyên chở đi các tỉnh. Bốn cái trụ khá vững giữ lấy ngôi nhà.Sàn lát ván,ở giữa   có khoét một  lỗ hổng hình vuông  cỡ chiếc ghế đẩu.Bốn bên lỗ được đặt thêm một lớp ván nhám dày, là chỗ để cho người sử dụng ngồi chổm hổm , vì bên dưới là chiếc chum sành rất to, đựng được cả trăm lít nước ,cũng là loại chum vại nông dân ở đây mua phân xác mắm đưa từ miển  biển lên . Miệng chum cách sàn độ nửa mét .Ngày ngày, đám  những người khỏe mạnh, trai tráng,các cô chú làm công, vẫn phải… ghé vào đây ít nhất một lần .Màn cửa là một tấm ni lông được đóng khung bằng gỗ,có khi là tấm bao bố dày sạch sẽ , thường được vén lên (khi vắng ..khách ) và ngược lại. Cha tôi và cậu út rất thích wc này, vì rất  nhiều lý do , có thể … một công hai chuyện ,vừa trút bầu tâm sự , vừa ngắm nghía  cỏ cây hoa lá,non xanh nước biếc ,vừa không bị ai hối  thúc, lại không phải xách nước ,quét dội ( cậu bé thích nhất khoản này ) Công việc của tôi là kiểm tra giỏ giấy sạch treo gần nóc chòi,  xé vuông vắn,để…  vui lòng khách đến,vừa lòng khách đi .Còn những khâu đốt giấy, bẻ lá quỳ bỏ vào chum – đảm bảo nước không văng lên mông người ngồi, và công việc nặng nhọc nhất, khi chum đầy , thì mẹ lẳng lặng giành lấy .Bên vườn nhà ông Cửu Miên, cũng địa thế nhà nép chân đồi, vườn dưới thung lũng, nên ông cho xây  nhà cầu (thôi,cứ gọi như thế cho tiện ) ngay chân đồi, ngang với nhà chính, tất nhiên là khá xa nhà . Gọi là xây, vì  bốn vách đều bằng gạch ắc lô ,có bồn cầu kiểu thành phố . Hầm lộ thiên, là một cái hố chữ nhật ,có nắp ,có cống thoát .Xung quanh chuối mít um tùm .Mỗi khi hố đầy, các chú làm vườn hì hụi mở cống, hứng từng thùng  ,  nín  thở gánh ra vườn, chọn những ô nào xa nguồn nước, đổ lên  trên những luống vừa được cuốc xới (mà người quê tôi gọi là nỉa  đập ) kỹ , được rạch sẵn một hàng rộng và sâu ở giữa, sau đó họ rắc vôi thật dày, phơi nắng suốt ngày hôm đó, hôm sau mới lấy vá xẻng lấp kín lại .Rồi cả tháng sau , người ta mới mang rau đến trồng lên mảnh vườn  được “ưu ái” này .Cây cối mọc rất xanh, rất tốt .Ở nhà tôi,mẹ cũng lấy chiếc thùng thiếc nước mắm ấy, nhờ cha cắt sửa thành một chiếc gáo  to, đóng một chiếc cán khá dài và rất chắc ,đủ để khi thò gáo vào chum múc nguồn dung dịch ấy ra không bị vướng, lại có một khoảng cách tương đối ổn định , đảm bảo “hương vị” dù có ngược chiều gió cũng không gây cản trở .Những luống đất mẹ chọn nằm sát chân nhà cầu .Mẹ đi ủng ( đó là thời điểm duy nhất trong năm tôi thấy mẹ đi  lại lệt sệt vì đôi ủng cao su to nặng,vướng víu ), quanh mình  được quấn chặt bằng hai ba lớp áo đi mưa,vốn là những tấm ni lông thải ra từ những mảnh khăn nhựa trải bàn,mẹ vẫn cột quanh  người ,từ hông trở  xuống,mỗi khi đi tưới vườn bằng vòi máy, hay khi len lỏi trong vườn ắc ti sô, vườn rau lơ mùa thu hoạch, để áo quần không bị ướt , Đầu tóc búi cao .Hai chiếc khăn len cũ  ,trùm mỗi tối ,mẹ dùng để cột  che đầu và bịt mũi .Không đội nón,dù trời nắng rất to .Năm nào cũng vậy , ra giêng, rau vụ tết vừa thu hoạch trên mảnh đất đó , tôi bất chợt bắt gặp mẹ nai nịt như thế, chậm rãi vác chiếc gáo (gác kín sau nóc nhà  kho )chậm rãi xuống vườn,là tôi hiểu .Mẹ tôi không hề giao công việc đầy nặng nhọc này  bất cứ ai trong nhà .Tôi quay lưng vào nhà, tìm rổ,tìm dao, ra vườn cắt lá sả, bẻ lá chanh, lá bưởi , nấu một nồi nước thật  đầy,thật sôi , rồi hối hả vô buồng mẹ,lục rương soạn cho bà bộ áo quần sạch , cái khăn lau mới .Tất cả được mang vào buồng tắm để sẵn .Mâm cơm của bà hôm ấy được dọn riêng trong bếp, có tô canh ngọt hơn, con cá kho ngậy hơn .Những năm các anh Canh Kem còn học ở Dalat,  họ cũng cố sắp xếp  hôm nào không lên giảng đường để phụ giúp mẹ.Nhưng tôi cứ thấy mẹ lặng lẽ một mình .Năm tôi thi vào lớp 6 trường công , đề   thi khác hẳn với những gì tôi đã được ôn luyện . Đã một lần bạn có dịp xa nhà .Hãy kể lại và cho biết cảm xúc của bạn .Tôi nhớ mình đã ngồi loay hoay rất lâu,trán toát mồ hôi .Từ bé  đến giờ , tôi đã có lần nào xa nhà nhỉ . Tuổi tôi ở vùng quê ngày ấy, một năm được ra đến khu  phố Hòa Bình một lần là kỳ tích rồi , huống chi xa nhà .Tôi thi vào trường Bùi thị Xuân, nhưng hội đồng được tổ chức ở trường Võ Tánh,nay là Nguyễn Trãi . Trường có cổng nhìn thẳng vào lớp học, tôi bắt gặp chị Nhụy đưa tôi đi thi vẫn đứng chờ ở đó.Chị mặc áo dài xanh lá cây, áo len trắng, nón lá mới .A,tôi nhớ ra rồi .Hồi tôi năm tuổi , đang học mẫu giáo, chị Nhụy bị đau  đầu ,cha dẫn  hai chị em xuống Saigon chữa bệnh, rồi cha  về, cho  tôi ở lại,  dặn  đừng để chị buồn , dặn người lớn sai gì thì làm .Ngôi nhà chúng tôi đến tá túc là  hiệu len Thanh Hương , số 80 đường Gia Long ngày ấy, một hiệu buôn nổi tiếng ở giữa Sài thành hoa lệ .Nhà phố, nhưng không gian bên trong lại đậm đặc hương quê .Một khoảng sân rộng nối nhà trước với nhà sau . Giếng nước đầy.Cây khế trĩu quả nghiêng mình bên giếng .Con  mèo nằm phơi nắng ,Những con chim trời hót lúi lo trong lá. Chị  Nhụy cứ hai ngày vô bệnh viện một lần, còn lại thì chị lên lầu,phụ các cô chủ nhà và những người thợ đan, quấn len, xếp áo đóng đi, có khi còn được họ  cho thêu những chùm hoa lên áo, được trả công .Chị vốn rất khéo tay.Chị gửi tôi cho hai chị bếp ,rồi tối tôi ngủ  chung  với các chị .Ông  chủ cũng là người    Nghệ An, họ hàng với cha tôi , rất nhiệt tâm đón bà con về đây trọ mỗi bận phải đến xứ này .Cha tôi , dượng Trí hằng năm vẫn phải  mua hạt giống, nông cụ  từ Sài gòn, mãi về sau này, những người Hoa mới mở các tiệm lớn ở Đức Trọng .Ông  cho xây hẳn mấy buồng nghỉ gần khu bếp .Một dãy buồng tắm , nhà cầu đối diện với cây khế .Tôi thân với một chị chuyên làm công việc giặt giũ, quét dọn .Thoạt đầu ,  có lẽ chị ngỡ tôi từ một buôn làng nào đó trên cao nguyên đến , vì tôi rất gầy và đen ,lại giọng trọ trẹ không giống ai . Nhưng rồi chị thấy tôi cũng không đến nổi bị xua đuổi  mót tăm hiêu ( đi về rừng nhà mày đi ),khi tôi  hăng hái giúp chị quét sân, rửa dọn, đặc biệt còn phụ chị lau chùi nhà cầu .Chị ngạc nhiên khi thấy tôi biết dùng que moi giấy  lọt vào trong lỗ bồn cầu , cẩn thận bỏ vào thùng rác ,mà chẳng hề nhăn nhó , biết không để xà bong trôi vào  bồn, vì phân sẽ không bị hủy  khi các sinh vật sống trong hầm chết đi .Đó là những ngày sau tết, quê tôi vào mùa khô . Mùa này, mẹ lại chọn một ngày để dọn hầm cầu .Rồi ả Xin ( chị Nghĩa của tôi ) có bẻ lá nấu nước cho mẹ, có dọn quần áo cho mẹ tắm, bới cơm riêng cho mẹ  không ?Tôi thấy nhớ mẹ,thương mẹ quá .Tôi nhặt một tờ lịch cũ, vuốt phẳng phiu ,   tìm được mẫu bút chì ai vất đi ,viết lọng cọng mấy chữ , Mẹ ơi ,con đi về , ở  dưới ký tên Xí Xân .Rồi tôi năn  nỉ chị ấy  mua  cho tem và bao bì , nhờ chị chuyên đi chợ gửi hộ .Tôi được dẫn qua chợ Cầu Muối, ngủ một đem ở đó, hôm sau thì quá giang xe  của vựa rau về  nhà .Mẹ tôi hôm ấy vừa đi mua khoai giống ở Trại Mát về,đang ngồi   trên phản,lưng tựa vách nhà ,tóc bung ra . Tôi từ ngoài bước vào, tưởng mẹ đau,nước mắt tôi chảy dài .Mẹ tôi mắng, tổ cha mi .Ở trửa (giữa) Saigon mà chơi cho sướng ,lại đòi về . Thế là tôi cắm cúi  viết . Tôi nhớ mình tỉ  mỉ tả cảnh người mẹ gầy, dáng cao cao, chân luôn đi đất, áo  vải luôn rách  ở khuỷu tay ,cả  túi ( vì bỏ cau trầu ), nhanh nhẹn lui  tới trên những luống  đất khô chai cứng như đá, mà bên dưới là lớp phân hôi hám , đánh tơi  đất lên .Cây rau xanh tốt ,trái quả ngọt ngào từ những luống đất ấy , để tôi   được ăn học nên người .Sau buổi thi,tôi lại vô cùng lo lắng . Sách vở xưa nay có ai đem chuyện mẹ dọn hầm cầu ra mà kể ,mà nhớ thương !Rồi tôi sợ mình bị lạc đề. Bạn có dịp xa nhà một lần nào đó,tức là chỉ kể  chuyện đi xa mà thôi.Ơ ,nhưng mà vế “xa nhà” cũng có nghĩa là nhớ  nhà . Hôm treo bảng, tôi không dám đi coi . Vậy mà tôi đậu, thứ 28 trong số hơn ba trăm nàng  tuổi  11 ngày ấy .
           Chị Thủy về trường tôi khi dãy hội trường có khu nhà wc của học sinh được đập bỏ , và một dãy nhà wc mới cho học sinh  được hình thành,lui ra phía vườn thông Lũ họ trò nghe được tin này thì rất mừng .Các thầy cô cũng thế .  Còn việc quét dọn thì các lớp vẫn thực hiện mỗi chiều .Tôi nhớ hôm ấy  đến phiên lớp tôi .Giờ chơi, tôi đi vòng qua sau  các thùng rác để tiện phân công vào chiều .Đến cuối  sân thư viện,một tòa nhà xây biệt lập, đẹp đẽ như một biệt thự ,nơi giáp với bờ rào và nhà người  dân  ,tôi bắt gặp một phụ  nữ đang ngồi chổm hồm, đầu cúi xuống miệng cống thoát nước .Chị đang nôn ọe .Tôi ngạc nhiên .Chị tạp vụ sao lại ra đây .Đau gì mà bị nôn .Ồ, không phải chị .Tôi lục cặp đưa chị ve dầu gió, rồi nhờ  một học sinh đang đứng gần đó vào thư viện xin cho chị ly nước .Chị đang làm phụ hồ, nhưng bị trật xương tay,  phải bỏ việc .May mà có người giới thiệu qua đây . Sáng em mới ăn bát cơm  chiên trấng,rồi ăn hai quả  chúi, ói hết rồi .Âm hưởng của người vùng Thanh hóa mà tôi vẫn  nghe  trong xóm nhà .Chị kể lể, có cái đứa nào  nghịch ,nhét một trái bưởi vào trong lỗ cầu, đứa khác …Tôi nghe có một luồng nước lạnh như đá chạy suốt sống lưng .   Hôm qua tôi có mang theo mấy trái bưởi  để thực hành  tiết Văn bản thuyết minh .Bưởi Cầu Đất của quê chồng chị    Nghĩa, trái nhỏ, vỏ mỏng, ruột đặc ,nhiều nước nhưng chua, tôi có nhờ đứa cháu ruột,con cậu Bé,mang bỏ vào giỏ xe đạp hộ,nó lại giành, con có ba lô to nè. Tôi hăm ,không ăn thì trả cô nhé, không được đem đá banh ( tôi bắt gặp mấy lần ).Phải về trị tội thằng này .Tôi hỏi tên chị,nhà chị ở .Chị cũng đang chăm mẹ   như tôi ,nhưng hai bà, mẹ đẻ và mẹ chồng . Hai bà sui mà ở  chung nhà,thì chị  thật giỏi .Chiều đến, khi chúng tôi đến mượn  dụng cụ lao động   , tôi thấy chị cũng vừa đi mua sắm về . Thấy tôi,chị mừng rỡ, nhờ tôi đọc hóa đơn để chị kiểm tra .Chị lại hỏi tôi tiền giữa hóa đơn  và các thứ  hàng có thống nhất không .Tôi sững sờ .Chị không biết chữ .  Chị  kể mẹ chị là vợ liệt sĩ, chị là con riêng của bà, không biết bố là ai .Người anh cùng mẹ được học hành tử tế,có chức vị trong thành phố này, nên đón mẹ con chị vào .Chồng chị làm bên Hasfarm.Nhà thì ở ké với mẹ chồng trong chung cư ông bố chồng được nhà nước cấp  cho ông bố chồng.Rồi chị ghé nhà tôi chơi .Tôi rủ,  mua tập vần về học đi ,tui chỉ cho . Chị thản nhiên , để hè em ra trung tâm học tiếng..Anh ! Tôi không dám cười chế diễu chị.Nhìn chị,tôi lại nhớ mẹ .
            Về hưu ,tôi   có nhiều thời gian để soạn những  giáo án điện tử, những  bài dưới dạng powerpoint .Tôi đã có một trang mang chính tên mình trên mạng,nay đưa thêm,đã  có người mỉa mai, về  nghỉ cho khỏe,bon chen làm chi .Tôi ký tên khác vậy .Tôi chọn tên ..chị .Tôi  nhớ có một hôm chị tâm sự , em  có bị xem thường, em cũng chả buồn .Có cái cô gì đó  trong sách thằng con em ,cô được anh Cu  Tràng nhặt về,mẹ chồng  thương,chồng quý, con cái ngoan ,với em vậy là đủ  .Tôi ngồi ngẩn người rất lâu .Không  chỉ ở lời tâm tình, mà cách so sánh của chị bỗng đem đến cho tôi một nguồn sáng .Tôi soạn lại giáo án .Bài dạy bị chê là sai chuẩn kiến thức mà bộ đưa ra .Tôi vẫn đưa lên mạng,lấy tên tác giả là  người mẹ không biết  chữ này.Vậy mà rất nhiều người  đồng tình với  chúng tôi .
            Mấy hôm nay, từ khu nhà trọ  của cậu  Bé luôn vang lên nhạc không lời, bài Le bleu Danube .Khách là một chàng trai vừa tốt nghiệp đại học,nay đang đi tiếp thị bánh kẹo. Dáng cao  cao của anh ta, chiếc áo len nâu , mái tóc rối bời,cặp kính cận nghệ sĩ, bất giác  dòng liên tưởng của tôi cứ trôi về một khoảng thời gian đã qua, lâu lắm rồi .Anh  người cùng quê với bà cửu Miên, trọ học ở nhà bà, và khá thân thiết với anh  Thạch của chúng tôi . Anh cũng thỉnh thoảng ghé nhà tôi, luộc khoai đến cháy sém đít nồi ,như vậy mới ngon, anh bảo .Ăn mía thì chấm muối, mà đúng vậy,vị ngọt mía thêm đậm. Thích ngồi bất cứ  chỗ nào, cành cây,bờ mương, mép chuồng heo,mà không té .Có thể ăn bất cứ thứ gì, miễn là … ăn được (chưa kịp  để chúng tôi la làng chê bai )Nhưng hình như anh bị chứng táo bón hay đường ruột gì đó .Cứ gần sáng, khi mấy cha con tôi co ro trong nhà chòi ( để cất máy tưới và nông cụ ) canh lấy nước,thì bên kia bở mương, vang lên tiếng  huýt sáo bài Dòng Đa nuýp xanh. Tiếng  bước  chân băng qua cầu, qua ao, h ướng về … mái nhà chung .Cha tôi càm ràm,cha cái thằng ,đi ẻ đã sớm .Chị Nhụy mỉa mai ,đã trụt ra khu mà còn bày đặt valse với slow. Có ngày nhảy tăng gô cũng không kịp .Hôm sau tôi đem kể với anh Thạch và ông Le Bleu Danube ấy.Hai ông cười thẹn thùng,thôi thông cảm giùm mà .Gót chân Asin ,ở đời  ai cũng có những khuyết điểm đáng yêu .
            Chị Nhụy theo chồng,tôi cùng cha đi tháo nước . Một hôm,ông Cửu Miên cũng sang .Tay ông cầm một chiếc bọc vải .Ba người cùng vào chòi .Ngọn đèn  hoa kỳ khêu cao ,ông nhờ tôi đọc thư, một lá thư mỏng, nét chữ rất đẹp.  Thư của người con trai ông từ Quảng Bình gửi vào, qua đường Trường Sơn.Hồi đó,tôi học lớp 9, đã hiểu rõ lịch sử của đất nước, nên tự dưng thấy không khí quanh mình có điều gì đó rất lạ ,  vừa thiêng liêng,vừa bí hiểm,vừa lo sợ,vừa thích thú . Ông  Cửu Miên liên tục lấy khăn chấm nước mắt, còn cha tôi cũng xì mũi ba bốn lần .Rồi ông soạn giấy bút,  đọc thư cho tôi  viết .Lần đầu tiên tôi thấy hai người cha rơi lệ ,lòng tôi cũng rưng rưng. Có tiếng bước chân đến gần chòi,ánh  đèn pin loang loáng. Anh Dòng sông Đanuýp xanh .Anh không đi điệu van và xì lâu nữa, cũng không huýt  sáo . Anh cầm lá thư ,lên hướng nhà anh Thạch .Từ đó,tôi không bao giờ còn được gặp anh nữa .Ngày30.4, anh không về .Anh đã mất trong  trại giam ở Côn Đảo, khi tôi học lớp 11 .
              Dòng họ Nguyễn Thái chúng tôi có một ngôi đền thờ tổ tiên nằm ở khu vực này, ban đầu do chính ôngXu Hiến  dựng lên vào năm 1934 .Làng mạc bây giờ đã thay đổi nhiều , nhưng mỗi dịp tết đến, họ tộc kéo nhau về dâng hương,  trong lòng đám con cháu chúng tôi không khỏi ngất ngây trước những khóm  mai mảnh khảnh ,khoe sắc uốn mình rung rinh trong gió lạnh  .Nhũng ngày tháng bảy âm lịch,mưa sụt sùi, mọi người cũng về đền dâng  cúng những cô hồn từ đây ra đi, mà không có chốn nương tựa, để tưởng nhớ những người thân khuất bóng, hay cả hồi ức về những tâm hồn yêu thương   Tôi nhớ những vần thơ da diết của chị Nhụy
                                      Bỗng dưng mà mưa rơi,
                                       trên ngọn đồi Tân Lạc .
                                       Bỗng dưng mà giòng nhạc
                                        chảy dài trên mái tôn.
                                       Bỗng dưng tôi muốn ôm
                                        cả bầu trời vẩn đục.
                                       Bỗng dưng tôi muốn khóc
                                       gọi  người ơi,người xa .
                                                         Nguyễn Xuân .
                                                


No comments:

Post a Comment