MÓN QUÀ XUÂN .
Mồng một tết năm nào tôi cũng ghé vào đây, Vườn Hoa thành phố Dalat . Chị bạn của tôi có một ki-ốt nho nhỏ trong này . Dạo tôi mới hồi hương sau gần chục năm xa nhà, đây là quầy chị giao ảnh cho khách du lịch sau khi người em trai đã chụp và rửa , còn bây giờ chị bán đặc sản, các loại cây hoa giống và cho thuê trang phục dân tộc Tây Nguyên để khách hóa thân thành các sơn nữ, sơn nam mà chụp hình .
Một chiều muộn ngày đầu năm , khách du xuân đã vắng dần, hai người phụ nữ cùng cảnh ngộ ngồi trong ngôi nhà sàn thật nhỏ dưới gốc thông già, nhâm nhi ly rượu dâu ,nhìn hoàng hôn buông dần trên từng khóm hoa,nghe hơi gió se lạnh ủ trên vai áo, thấy lòng vô cúng êm ả .Tôi thường mừng tuổi cho chị bằng chiếc túi giấy đỏ tự cắt dán, gói ghém món tiền một ngày lương của mình, một lời chúc hài hước cầu mong chị làm ăn thuận lợi trong năm mới, và bao giờ cũng nhận từ chị một gói quà bọc rất cầu kỳ, bên trong luôn là sách ,những cuốn sách hay và giá trị
.Hai đứa thân thiết từ thuở lâu, hiểu tính khí nhau , món quà xuân được trân trọng như một lời cầu nguyện chân thành , rằng dù cuộc sống thế nào, chúng ta hãy vững lòng , vì bên cạnh còn có nhau .
Tết năm con rắn 2013, mãi mồng bốn tôi mới ghé chị . Mẹ tôi mất cách đó mấy tháng, anh em dặn nhau không được đi đâu .Ngày mồng một , tôi đến nhà thờ làng dự lễ rồi cùng mọi người trong nhà mộ .Ba ngày sau ,tôi đón không biết bao nhiêu là khách .Họ là hàng xóm của chúng tôi , là bạn bè của cha mẹ tôi , là rất đông đồng nghiệp, học trò cũ của các đấng con trai mẹ , của các chị gái , là một vài người bạn cùng cơ quan của tôi , đến thắp hương cho mẹ , nhưng bàn thờ gia tiên đã được đưa từ ngôi nhà mẹ và tôi cùng ở lâu nay sang nhà anh Canh , con trai trưởng , thế là tôi phải dẫn họ sang đây . Rồi tôi theo họ qua nhà anh này,chị kia .Cho nên dù “không được đi đâu”,tôi cũng đã được lên đồi, xuống thung lũng, gặp người này người nọ ,nhận nhiều lời chúc tết đẹp đẽ .
Chị bạn cũng ghé tôi chiều đầu năm vì chị ngại tôi kiêng cữ không dám đóng vai kẻ “xuân du phương thảo địa ”
Cuốn sách chị tặng tôi thật hay ,mà tôi cứ tiếc, giá như dạo chưa bị “ mất dạy”, thì tôi đã có bao nhiêu tư liệu quý .Cuốn “Văn minh vật chất của người Việt”.Tôi ôm kè kè tập sách dày và nặng suốt ngày đêm . Những con chữ giúp tôi khuây khỏa nỗi buồn đau giữa ngày tết vắng mẹ .
Lóe lên trong đầu tôi một ý nghĩ , hãy viết một điều gì đó , dù thật đơn giản , dù chỉ một người đọc và cảm nhận . Từ lâu tôi vẫn hiểu , trồng một cái cây, viết một cuốn sách , sinh một đứa con là ba điều mà người xưa ,kẻ có học một chút, khao khát được làm .Trồng cây thì dễ rồi .Còn hai thứ sau ,thì quá khó với tôi . Nhưng cuốn sách như động viên , hãy thử chuyện viết lách xem ,chưa thử sao đã thấy khó .
Chiều ngày xuân, tiết trời thật đẹp . Nắng đậm nhưng không nóng, tôi nghe gió thổi buồn buồn sau gáy .Bầu trời xanh, một vài cụm mây trắng lững lờ trôi .Những rặng mai anh đào khẳng khiu, màu nâu sương gió , điểm vài đóa hoa hồng nhạt nhỏ xíu bung nở, trông như có bàn tay ai đó gắn lên . Một vài khách du ngước mắt nhìn, ngẩn ngơ và ngạc nhiên thích thú .Tôi để xe đạp ở nhà, băng qua khu vực trường đại học , qua đồi cù , xuống Vườn hoa Thành phố .Tôi rời nhà sau giờ nghỉ trưa, nhủ thầm sẽ dạo quanh hồ Xuân Hương một vòng, nghỉ chân ở vườn Bích Câu,trước khi ghé nhà sàn uống rượu dâu với chị bạn .Tôi chọn trang phục của kẻ leo núi hơn là đi dạo phố : áo pull, quần jean, giày ba ta , nón vải, túi xách nhỏ có chiếc áo len mỏng để mặc thêm khi chiều về .Tôi không chọn lối thường đi xe đạp để đến trường mọi khi,mà theo lối vườn , rồi lên đường Nguyễn Công Trứ . Tôi ngại qua ngõ Trần Khánh Dư để lên Phù Đổng Thiên Vương. Tôi sẽ gặp hàng xóm, sẽ phải chào hỏi , nhận những lời an ủi của nhà vừa có đại tang .Nguyễn Công Trứ nay là phố rồi, dân khắp nơi đổ về, quán xá sầm uất, ngày tết vắng vẻ ,tôi cứ thế mà đi . Một vài chiếc xe gắn máy chạy qua ,chạy về .Có người đưa mắt nhìn tôi, có người rề xe lại ,hỏi rất tự nhiên :có số 99 không ? Có số Lâm Đồng không ? Ô, tôi há hốc .Sững người vài giây, tôi bảo : Tôi không bán vé số .Tôi … tôi là cô giáo . Rồi tôi cười nhẹ , nụ cười hiếm hoi từ mấy hôm nay .Tôi chuẩn bị đón một câu chửi thề hoặc một vẻ mặt bực bội của người hỏi , nên buộc lòng phải khai nghề trong vế thứ hai .Nhưng có lẽ vì tôi biết “tự thú trước hoàng hôn”nên họ cũng mỉm cười bỏ đi ,có người còn xin lỗi, bảo thấy tôi .. giống quá ! Chị bạn nghe tôi kể cũng bật cười . Chị gạ ,hay mai mốt mày ra đây bán vé số cho vui .Rảnh thì xem chỉ tay ,bói bài .Nghề của chàng mà ,phải không .Tôi biết chị đùa .Chị cũng như tôi , giao cả cuộc đời cho thượng đế quyết định ,không mơ ước những gì ngoài chương trình mà vị này định cho .
Vườn hoa thành phố đông kín người, hình như mọi khách phương xa lên viếng vùng cao nguyên giá lạnh này đều phải tạt qua đây, nếu không sẽ mang tiếng chưa đến Dalat .
Tôi được mời ngồi xếp bằng trên cỏ , sau quầy hàng, một mình một cõi, với một hộp toàn các thứ hạt và quả khô , hạt bí , hạt điều, hạt hạnh nhân ,hạt hướng dương; quả hồng, quả nho, quả táo, … và chai nước lọc , để cho chủ nhà tíu tít buôn bán .Tôi chỉ nhìn thấy cẳng chân với đủ loại giày dép của khách liên tục qua lại ,nhận ra giới tính, tuổi tác, vùng miền của khách từ giọng nói ,cách nói .Không ít khách từ miền Bắc,miền Trung ,miền Tây Nam Bộ , và cả khách nước ngoài . Bạn tôi bảo , chỉ ngồi đây ,mà du lịch… hàm thụ tại chức khắp thế giới ,vì mỗi người khách là một trang sách hay .Những trang sách ấy thật quý giá, vì nó dạy cho chị rất nhiều điều, từ kinh nghiệm sống, đến lối đối nhân xử thế, bên cạnh giúp chị có cuộc sống ổn định
. Bạn tôi thật cừ khôi . Có lúc tôi ghen với chị về bản lĩnh sống của chị .Từ Hà Tĩnh vào nam học sư phạm , ra trường chị được đưa về ngay trường huyện, nhưng rồi bỏ việc, vì học trò .
Chúng nó người miền đông Nam Bộ, ngơ ngác trước giọng nói mà hầu như chỉ một âm mang thanh ngang của cô giáo trẻ .Ngày ở trường cao đẳng, khoa Sử Địa của chị và khoa Văn của tôi là hàng xóm láng giềng, tôi lại chung với chị một tổ khi làm công tác Bổ túc văn hóa ở khu ĐaKao trên thành phố , lắm lúc tôi chịu chết khi cố gắng nghe chị nói, chị cũng … chịu chết khi chúng tôi năn nỉ , Giang, mày thử nói đu đủ đi . Gồng mình lên, cũng cứ chỉ là đu đu . Giang bảo , là ở quê, muốn gọi cá thì phải thêm chú thích là ca có đuôi, gọi cà là ca có cuống .Chúng tôi thắc mắc, vậy để phân biệt chống, chổng , chồng thì là … Giáo sinh ngày ấy có người đã lập gia đình, có con nhỏ nữa, đến đây thì kẻ đỏ mặt, kẻ gạt đi ,nhưng Giang tỉnh rụi : Thì đè nó ra . Giang cùng tuổi với tôi , do học hệ 10 năm của bậc phổ thông nên đã qua một kỳ thi đại học ,lại sớm xa nhà , tự lập từ bé nên khá dạn dĩ .Nhưng chưa kịp đè ai thì đã bị trời đè .Giang về quê . Một hôm tôi ghé đón cháu ở ngôi trường mẫu giáo của các sơ nhà dòng gần khu tôi ở , gặp Giang đang rửa dọn trong bếp .Giang có người dì tu ở đây nên được nhận vào làm cấp dưỡng . Rồi có cậu em công tác trong Vườn hoa Thành phố, Giang lại … về vườn , theo cách nói của chị, là quản lý một quầy ảnh đàng hoàng . Cứ vậy mà phụ giúp cha mẹ nuôi các em ăn học , mua được đất , xây được nhà, chứ trước đây ở nhờ nơi bên chú, giỗ cha mẹ phải khiêng bàn ra sân, bày biện một bàn thờ dã chiến ở đó, giỗ giữa mùa mưa bão, rất cám cảnh ..Giang có thể nói được giọng đủ mọi vùng, lại tòm tèm dăm câu Tây Tàu rất chuẩn trong kinh doanh, giao tiếp . Người bạn “đu đủ” của tôi nay làm được “đu đủ” việc như thế .
Tôi ra về vì chả nhẽ đầu năm mà cứ ngồi ăn no hộp hạt quả và ngắm cẳng chân thiên hạ à, cô bạn xuýt xoa hẹn sẽ ghé đèo tôi qua tệ xá của nó ăn cà ri vịt một ngày đẹp trời khác , mà tôi biết chắc chắn đó là một chiều giông tố, quầy hàng ế ẩm .Nhà bạn tôi nằm ngay dưới chân nhà thờ Mai Anh , ngôi giáo đường đẹp và cổ kính nhất của Dalat.Cả đêm hai đứa thức rù rì tâm sự, sáng sớm tinh mơ vào ngồi ở hàng ghế sau cùng, lỡ có ngủ gục trong thánh lễ cũng không bị các bà già giật áo nhắc nhở . Có bữa phải leo lên ghế đầu,không phải để cho gần Chúa hơn,mà vì ghế cuối hết chỗ , Giang dúi cho tôi một hộp dầu gió , ra hiệu cho tôi bôi quanh mắt .Bôi nhiều quá nên suốt buổi cứ sụt sịt mãi ,gặp ngày lễ trọng, có rất nhiều linh mục đến làm lễ, ngồi kín tòa giảng , thấy hai bà già cứ liên tục lấy khăn chấm nước mắt thì ngỡ sao mà có giáo dân thánh thiện, ngoan đạo, yêu Chúa đến thế .Bà thím biết chuyện vừa mắng chúng tôi,vừa lo lắng , bảo Giang, mai mốt hai dứa mày xuống hỏa ngục đấy .Giang dỗ dành bà ,mự ơi , sáng sáng con này (tôi) mở mắt ra là có hơn trăm bạc lương hưu, con cũng rút được ngần ấy tiền lãi tiết kiệm , chung lại càng nhiều, sống đâu mà chả được .Con với nó dân nhà nông,lớn lên giữa bùn mà có ai chê mình hôi tanh đâu .Thiên đường đâu phải toàn có người tốt cả .
Tôi cứ tủm tỉm với dòng ý nghĩ ấy mà không biết mình đã ra cổng, men theo lối ven hồ Xuân Hương,thay vì quẹo lên hông Vườn hoa để về nhà . Ở đây,có rất nhiều người bày bán trang phục xứ lạnh và khách phương xa cũng đặt cho nó một danh từ chỉ riêng họ dùng : đồ lạnh .
Quầy của Giang cũng la liệt khăn, mũ, găng,áo len, khăn trùm, vớ .Ở đây, tôi chỉ thấy người bán rao mời ,mà dường như không thấy có người mua, trái với gian hàng của Giang .Giang khoe,tao quen nhiều khách quen làm trưởng đoàn .Bí quyết là : mày biết cách moi đầu học trò để nhét chữ vào thì tao cũng biết moi ba lô của khách để …móc ví họ .
Con đường tôi đang đi những năm về sau này rất thường thấy trong những bộ phim truyện mà đạo diễn chọn Dalat làm bối cảnh, và dịp lễ 30.4 thì cuộc đua xe đạp vòng quanh hồ , những hàng cây,mép nước hiện rõ trên màn ti vi như người xem đặt chân đến , đường Trần Quốc Toản . Tôi nhớ có lần lũ học trò lớp 10 vặn vẹo , sao không lấy tên Hồ Xuân Hương đặt cho nó, vì lối dẫn vào Hồ Than Thở thì lại mang tên nữ thi nhân có một không hai của Việt Nam này .Ngày ấy tôi dẫn học trò tham quan Vườn hoa thành phố và hồ để làm bài tập về thuyết minh phong cảnh . Nhưng rồi có đứa đã trả lời giúp tôi .
Bây giờ, một chiều mồng bốn tết , khung cảnh tràn ngập quanh tôi đậm đà, hương sắc mùa xuân, hương thơm mùa xuân.Dần đầy trong mắt tôi là một màu xanh , xanh đồi thông cao vút , dày đặc bên phải , xanh bờ cỏ tươi mát, mềm mại bên trái , xanh mặt nước êm phẳng như một tấm gương lớn trước mặt , xanh bầu trời vời vợi trên đầu .
Sắc xuân điểm vào bức tranh màu xanh của không gian hồ là những khóm mai anh đào .Tôi đã bắt gặp nhiều rặng mai thật đẹp rải rác khắp nơi trong thành phố, ra ngoại ô, Mai ở đây, chỉ một vài cành thật nhỏ bé , thoạt trông cứ có cảm giác người ta vừa mang nó từ trong một chiếc độc bình lớn của nhà ai ra cắm vội vàng .Nhưng bất chợt lòng tôi thoáng bồi hồi
Mai quen với rừng vắng thôn xa, nên luôn giản dị , đơn sơ và lặng lẽ giữa phố hội đông người qua lại .Tôi bước chầm chậm, tay nâng một cánh hoa mỏng , thấy mát dịu ở đầu ngón tay .Hình như đã lâu lắm rồi , tôi mới có dịp nhặt hoa mai rụng .Tôi thấy tôi trong vóc dáng một thiếu nữ tuổi mười lăm , sáng sáng mỗi chủ nhật ,cùng nhiều bạn học đồng trang lứa, năm chục bước đi, năm chục bước chạy, lúp xúp men theo vệ đường này, bờ cỏ này, đến Hội Quán Hướng đạo nằm ven hồ hoặc lên đồi cù sinh hoạt .Đứa nào cũng gầy nhỏ, tóc dài buộc gọn sau gáy, áo sơ mi xanh dương có túi, váy kaki màu biển đậm dày và dài , ba ta trắng, nón vải , vai mang túi vải , còn tay luôn có một cây gậy dài quá đầu , đóng sẵn một cây đinh thật to để có thể cắm xuống đất khi ra đồi cù họp .
Từ nhà, ra đến đây, rồi lại về nhà. Thôn trang nghèo , gia đình, nhà trường và phong trào hướng đạo đã giúp cho tôi học được lối suy nghĩ và cách hành động, cả những cảm xúc riêng tư,theo tinh thần của con người trẻ khi đối diện với đồng đội, với chính bản thân mình và với cả kẻ thù hữu hình lẫn vô hình .Tôi thấy ánh lửa hồng cháy lên trên một khóm mai chi chít đóa bung nở .Ánh đuốc buổi ra trường ở tuổi hai mươi .Tôi nghe bên tai lời tuyên thệ hết sức thiết tha. Hãy xứng đáng với Đảng quang vinh .Hãy xứng đáng với Đoàn tiên phong . Nguyện dìu dắt các em noi theo gương Bác Hồ . Tổ Quốc, quê nhà , những bộn bề , nước mắt lẫn nụ cười
.Một mình tôi lang thang , tôi cảm nhận được hương thơm ngọt từ quả hạt ngày xuân của Giang, mùi thơm nồng vani trong những ly chè ,mùi ớt cay nồng của nồi bún riêu ở trong Hội quán Hướng đạo những chủ nhật chúng tôi ghé vào làm thực khách, có nhiều khi được làm chủ quán .Có hương thơm thanh khiết , nhẹ nhàng , thoang thoảng của hoa mai rừng , hương hăng hắc của nhựa thông, có hương ngai ngái của bờ cỏ khô , hương thanh mát của mặt nước, hương trong lành của đất trời quang đãng , và tất cả là hương yên bình của một ngày vào xuân . Quãng thời thiếu nữ ấy là những trang sách thật đẹp . Từ bên khóm mai hồng tôi đã đi xa, rồi tôi lại về.
Tôi cứ thong thả bước giữa hương sắc xuân ,lòng vui dìu dịu . Có tiếng xe rề lại gần bên. Cô ơi, cô bán vé số đó, cô có biết nhà trọ nào gần đây không ? Tôi quay ra nhìn .Hai thanh niên tuổi khoảng ngoài ba mươi, vẻ mặt trí thức , giọng khẩn nài .Có một cô gái xinh đẹp tình cờ đi cạnh tôi đã cau mặt bước nhanh về phía trước .Vậy cô bán vé số chính là tôi. Họ hỏi tôi chuyện gì nhỉ ?. Không phải mua vé số mà là tìm nhà trọ .Tôi thoáng lưỡng lự và nghĩ ngay đến những dãy buồng trọ của sinh viên, công nhân ở chị em tôi ,nhà chị Nhụy, nhà cậu Bé. Hôm gần tết , khi khách trọ, đặc biệt giới sinh viên, rủ nhau về quê, chủ nhà đã huy động con cháu sửa sang,sơn phế lại mọi ngóc ngách .Tôi ngập ngừng mô tả đặc điểm của nó ,có đủ chăn nệm, toa lét riêng, không có nước nóng . Mỗi phòng hai người . Hai thanh niên mừng rỡ. Tụi con cần độ chục phòng .Thôi cô dẫn đường đi . Bỗng dưng tôi được leo lên mô tô .Một anh chàng nhường cho tôi luôn chiếc mũ bảo hiểm và ngồi xuống bên lề đường,chờ .
Trời chạng vạng . Tôi ngồi xem tivi ở ngay gian phòng ngày mẹ còn sống đặt bàn thờ gia tiên , nghe có tiếng xe máy chạy nhanh vào sân , đậu sát hẳn vườn .Con chó Lu mới dăm tháng tuổi đã cong đuôi chạy ra, sủa tong tóc. Người lạ mà sao ngang nhiên vào tận sân trong ?Tôi bật đèn hiên , mắt cảnh giác .Một gã cỡ trung niên, cao và rất gầy,đeo kính cận , nét khắc khổ , thản nhiên vác chiếc ba lô căng phồng đi vòng lên hiên khu nhà trọ, như không hề thấy chúng tôi .À, khách trọ .Sao mồng bốn tết đã quay lại rồi .Hay là , chắc tết quê có chuyện không vui. Tôi trở lại trước ti vi nhưng vẫn để đèn sáng. Sát chỗ xe vị khách trọ dựng là mấy cây quýt quả chín đỏ . Giống quýt Cầu Đất, chị Nghĩa sai anh con cả lên trồng cho bà ngoại có quả cúng tết .Trái trĩu cành,đủ dành cho mấy hộ trong đại gia đình, họ tộc , cúng tết, cả cúng ra giêng . Các anh lấy vải lưới bọc kín quanh thân cây ,thế nhưng những chùm quả ở sát gốc và trên ngọn thỉnh thoảng lại biến mất một cách kỳ lạ .Bỗng dưng,ngoài việc tưới bón cho cây,tôi còn có nhiệm vụ canh gác bảo vệ..quả .Tối nay khu trọ có thêm chục người, rầy rà đây .
Một người lạ xuất hiện trên hiên nhà .Cửa lớn tôi khóa bên ngoài, vì bốn hôm liền làm hướng dẫn viên du lịch bất đắc dĩ, tôi phải lui binh .Đèn hiên sáng cho tôi thấy một người cao gầy, đeo kính trắng, tay đưa cao chiếc bình thủy ra dấu xin nước,tay còn lại cầm một cuốn sách mỏng , ngón tay trỏ kẹp vào giữa các trang sách,có lẽ đang đọc dở . Chiếc quần tây rộng thùng thình, kéo lên ngang bụng, một sợi dây nịt to bản, chiếc áo khoác dài phủ mông, a, cái gã ban chiều đã khiến tôi lo lắng cho số phận mấy quả quýt chín đỏ .Tôi vòng ra sân từ cửa bếp, trực diện với gã, nhìn rõ khuôn mặt gầy , trắng trẻo, làn da phẳng mịn, môi đỏ thắm ,tia mắt trong trẻo , mới nhận ra là một thanh niên độ gần ba mươi thôi .Anh ta lúng túng ,bà cho con xin ít nước sôi nấu mì .Bên nhà chủ họ đang ăn cơm, con không tiện hỏi . Tôi cầm chiếc bình thủy, thoáng thấy giòng chữ trên bìa tập sách mỏng, The old man and the sea .
Ô, tôi ngạc nhiên , mua cuốn này ở đâu vậy .Tôi lật qua lật lại, xuất bản tận Mỹ. Anh chàng lại lúng túng ,con lụm trong giỏ rác ở cái khách sạn gì gần khu nhà thờ con gà đi sâu tuốt dzô nữa .Người ta dzụt . Anh làm ở đó hả ? Á đâu, tụi con ở Đắc lắc xuống chơi, không tìm ra chỗ nghĩ, mà lại đông ,rất lo , may mà gặp một bà bán dzé số ở ngoài hồ chỉ dzô đây .Rồi,thế là tôi từ nay có thể chuyển sang nghề này. Bàn chân nhiều nốt ruồi, thuở trẻ đi miết từ sông Là ngà về Đồng nai,qua sông Sài gòn vì miếng cơm manh áo, bây giờ thì cứ loanh quanh hồ Xuân Hương cho qua ngày đoạn tháng .Tôi nhìn anh chàng với đôi mắt đầy ngưỡng mộ .Đọc được nguyên bản như vầy là giỏi quá . Tôi mới chỉ biết bản dịch thôi .Anh chàng lại ngượng ngùng . Con cũng vừa đọc vừa đoán,mà thấy cách viết cũng dễ hiểu . Hồi đi học bà cô trên trường khen quá cỡ, nên con cũng cố tìm đọc coi làm sao .Ở nhà giờ có mấy cuốn dịch.Cô dạy Văn hả .Tôi tò mò .Dạ không, dạy công dân .Anh ta thêm .Hồi con học phổ thông,hổng thấy có ông này, cuốn này .Dạy công dân, mà là tốt vai trò của một thầy dạy văn . Chức năng ấy, không biết trong số chúng tôi mấy ai làm được .
Tết năm nay , Giang tặng tôi cuốn Mái trường thân yêu của một nhà giáo lớn tuổi .Ngày ở Đồng Nai, thư viện Liên đội trường tôi cũng có cuốn này, nhưng giờ tôi đọc vẫn xốn xang trong lòng .
Người cháu, người trồng hàng quýt cho ngoại,hồi nào là một anh giáo trẻ cấp 2, rồi ra tận Đà Nẵng học khoa sư phạm ngoại ngữ, nay đã là một Phó giám đốc Sở Giáo dục tỉnh Lâm Đồng , trước tết mang hoa quả ra cúng ông bà, hỏi tôi , dì có thích đọc cuốn Mùa hè năm Petrus chưa .Y như anh ta vẫn hỏi tôi mọi khi gặp , dì có ăn bưởi Đất Làng không .Hơi chua , nhưng nhiều nước lắm .Để con cho dì mấy trái .Hả ,chưa, nghe như truyện dịch .Không phải đâu . Đọc rồi dì thích liền,vì viết toàn chuyện mà thời phổ thông cỡ tuổi mẹ con với mấy dì cậu đều quen thuộc .Anh Canh chen vào. Dân trường Trương Vĩnh Ký
trước đây trong Saigon., như bọn Trần Hưng Đạo ở Dalat tụi anh đó mà .A,vậy cũng giống tụi Bùi thị Xuân chúng tôi .
Cũng chương trình học ấy, phương pháp dạy ấy , cũng bối cảnh đất nước tao loạn những ngày trước 1975. Tôi như gặp lại thầy cô , bạn bè ,lớp học thời phổ thông với phấn trắng bảng đen, với những trang vở thơm mùi giấy, với những cuốn sách dẫn đưa tôi vào đời .Những kỷ niệm đẹp tuổi học trò .Tất cả ,tôi đã tìm lại được từ những trang sách mà tác giả đã dành nhiều ngày đêm ghi lại . Có lẽ ông viết không chỉ vì một lý do nào khác ngoài nỗi nhớ khôn nguôi thời học sinh áo trắng .Mong sao tôi có thể làm được việc như ông !
Mồng bốn tết, khách du xuân từ Đắc Lắc lại tìm đến khu nhà trọ của cậu Bé và chị Nhụy .Người ta gửi cho tôi cuốn The man and the sea đã phô tô .Một trang thư mỏng . Con muốn tặng bà bản chụp này mà không biết cụ thể địa chỉ , cả tên bà. Chúc bà luôn mạnh, chân cẳng dẻo dai để bán được nhiều vé số, đem may mắn cho nhiều người .Ký .
Giang và tôi cười đến chảy nước mắt .Bà ta ghen tị,mày đầu năm thật nhiều lộc .Tôi bảo, cho tao thuê một góc ki ốt để bán vé số nghe .Chân cẳng dạo này yếu quá rồi .
NGUYÊN XUÂN
Dalat .
No comments:
Post a Comment