Saturday, July 9, 2016


                                             ÁNH SÁNG VÀ BÓNG TỐI
                       ( Keep your face to the sunshine , anh you can not see a shadow.)
              Ngôi điện Linh Ứng của Cô  Chi hôm nay lại đón khách đến thăm .Họ là nhóm người trong số hơn ba mươi vị khách đặt cơm ở nhà một người quen  của chị bên cạnh điện , dịp Festival Hoa Dalat vừa rồi .Hôm ấy ,tôi cũng rủ chị Hạnh, cái chị mê ngọt ,sang phụ giúp nhặt rau, vo gạo.

             Khách phần đông là bác sĩ , tuổi đương sung sức, chỉ có vài ba người được xếp vào diện U 70 . Những nhân vật “chỉ có”ấy sau bữa cơm trưa nào cũng đứng ngẩn người nhìn sang khu  vườn  trước điện thờ, nhưng lại giáp rào với sân sau của nhà hàng xóm . Họ thắc mắc  vì sao một ngôi điện thờ trang nghiêm , cổ kính lại quay lưng ra đường lớn .Vì trước mặt là núi Bà .Điện thờ  Bà .Câu trả lời như càng khiến họ tò mò  .               .      

               Tôi nghe loáng thoáng có người nói ,hình như đây là một cơ sở của đạo   Tiên Thiên Thánh Giáo ,giống điện Hòn Chén ngoài Huế , thờ Thánh Mẫu Thiên Y a Na và  Liễu Hạnh Công Chúa
               Giọng miền trung , đậm chất muối biển vùng Quảng Nam ,Đà nẵng . Bữa cơm có suất đặc biệt cho những kẻ  tò mò này, và tôi lại thấy  họ vui mừng , đi du lịch mà cũng được ăn theo chế độ “tăng dưỡng sanh ” như vầy thật tốt quá .Cách phát âm cụm từ này tôi đã nghe một lần ,theo âm hưởng miền trung muối chát ,nhưng ở đâu và bao giờ thì tôi không nhớ .Hai ông lão gầy gò, tóc muối tiêu ,nhưng rất nhanh nhẹn , hóm hỉnh  và  tình cảm nhất đoàn .Bữa ăn nào họ cũng xăng xái bưng  dọn, rồi pha trò,trêu chọc các chị làm bếp . Buổi cuối, họ còn tặng quà cho từng người, còn hát nữa .Hai người “tăng dưỡng sanh ” cùng cất giọng “song thanh” mấy câu biến tấu  , vì họ bảo rằng  còn dành cho nhiều người khác, vì họ thuộc rất ít bài, vì hát không hay ,nhưng chính  những câu hát  cải biên đó đã giúp tôi nhận ra họ : các chàng kỹ sư địa chất ghé trường tôi gần bốn chục năm về trước . Đó, cái bài hát truyền thống của ngành địa chất đã theo  họ suốt từ thời tuổi trẻ cho đến bây giờ .
                       Ngày ấy ,giữa năm  1977,họ tạt vào trường tôi trên đường đi công tác .Ngày hè, chúng tôi xuống trường tập trung để lên huyện học chính trị .Họ được  chúng tôi mời cơm độn bắp tươi , đấy là món ăn ngày mùa sang trọng nhất , và chuối kho , và ai cũng gọi là khoai tây Tân Phú . Khách xuýt xoa  bữa ăn đậm chất “tăng dưỡng sanh ”Rồi hát cho nhau nghe . Tập thể giáo viên chúng tôi có tám người, trừ tôi là bé con nhất, tất cả đều sàn sàn tuổi hai lăm  hai bảy như họ , ngồi bên nhau trong khu lán tranh, quanh bếp lửa , bên ngoài trăng rất sáng . Cả hai vị khách có  giọng miền trung nặng chình chịch, như tôi vậy , hát không hay nhưng ngón  đàn thì  vô cùng điêu luyện .Họ hát nhiều lần khúc hát “ruột” , rồi cao hứng thì biến tấu : Gặp các friends  nơi  đây ở trường vui biết mấy .Rồi phăng ra, đó là ấn tượng  kinh hoàng của một đợt công tác : gặp các anh phun rô giữa rừng run thấy tía . Nhưng tôi vẫn giữ mãi những âm thanh rộn ràng .Và những đêm trăng sao giữa rừng vui tiếng sáo ,Lều tranh ánh lửa ấm sáng lên tình đồng chí  .Một nơi xa thành phố đèn hoa hằng trăm  cây số , chỉ có ánh lửa bập bùng, những con người trẻ hôm ấy vẫn động viên nhau : dù trong gian khổ và bóng tối , vẫn tin một ngày maiTổ quốc sẽ  tươi sáng, vì chúng ta có sức trẻ, có khối óc và con tim.   Còn hôm nay,chia tay những bà già giúp họ có sức tận hưởng trọn vẹn   các lễ hội trong Festival hoa,họ  lại ngâm nga và tôi biết  họ thật lòng : Gặp các soeur(chị ,em ) nơi đây Dalat   vui biết mấy . Bây giờ, gần một tháng sau lễ hội,họ trở lại thăm điện ,cũng tình cờ tôi theo chị Nghĩa, bạn thân của  cô   Chi, ghé thăm .Họ vẫn  không nhận ra tôi .


            Cô Chi nhập hai đoàn lại, tiếp một khi cho tiện .
            Nơi  cô  Chi sống chỉ cách nhà tôi một thung lũng rau hoa và con đường cái quan . Đó là, một góc ấp Hà Đông, trên quãng cuối đường Nguyễn CôngTrứ đổ ra Phan Đình Phùng .Khu  điện thờ ngày ấy cho đến bây vẫn không thay đổi,nhưng khung cảnh xung quanh hoàn toàn khác lạ .Ngày ấy, đối  diện với  mặt sau  điện là ngọn đồi thông sừng sững, rậm rì một màu xanh –đồi Thông thiên học. Vài người dân đến đây , cất những ngôi nhà nhỏ dưới chân  đồi,nép mình vào vách thành cao  ngút mắt nên trông càng thêm nhỏ, cứ ngỡ có một lúc nào đó,bức vách thành đồ sộ đổ ụp  xuống nhà .Bên cạnh điện là  dinh cơ của nhà trồng tỉa Nguyễn Văn Bồng .Ông từng là kỹ sư canh nông tốt nghiệp ở Pháp .Đến định cư ở Dalat, có năm ông ra ứng cử dân biểu hạ nghị viện  với biểu tượng cây bắp sú .Nhà ông nằm lọt giữa một vùng tre trúc và thông .Trúc xanh, thông xanh, trúc cao ,thông cũng cao, cả hai đan vào nhau khiến từ xa , ai cũng có cảm giác một khu rừng vừa hiện ra trước mặt .Con đường Nguyễn  Công Trứ bỗng như một con suối nhỏ  giữa rừng một bên là đồi thông cao sừng sững, một bên là thung lũng tre trúc . Chị Nghĩa của tôi có một người bạn trọ học nơi nhà ông Bồng .Cả trong  ngôi nhà nhỏ nép dưới đồi thông, chị cũng có một người bạn đang sống ở đó . Họ đều từ xa đến,Huế ,Nha Trang, Sài Gòn, nhưng đã sống trọn thời thiếu nữ ở đây ,như chị tôi .

           Bảy mươi năm qua, có người đã đi lập nghiệp ở nơi khác, nhưng cũng có chị ở lại ,nhận Dalat làm  quê hương.Và dù mỗi người một phương, họ đều tự hào : người Đalat gốc …ngo ( là cách người dân ở đây đặt cho những cây thông ).Kỷ niệm êm đềm lưu giữ trong các chị là một  miền quê giá lạnh, âm u nhưng vẫn tràn đầy nắng ấm và ánh sáng .


               Cô Chị và chị Nghĩa tiếc rẻ khách không có dịp ghé Dalat vào những ngày ấy , hay ít ra trước 1993 .Vì rồi sau đó, đồi thông bị san dần,dân cư kéo đến đông hơn,  vườn tre nhà ông Bồng thay chủ .Nhưng khách vẫn  trân trọng , đến Dalat,  và khu điện thờ này, hai cảm giác ấm và lạnh luôn là những dư âm đẹp đẽ .Ở đây nhiều bóng râm và lẫn nắng . : dù trong gian khổ và bóng tối , vẫn tin một ngày maiTổ quốc sẽ  tươi sáng, vì chúng ta có sức trẻ, có khối óc và con tim..Họ không biết rằng tâm tình của hai chàng kỹ sư địa chất trẻ,tếu táo nhưng đầy trách nhiệm hôm nào đã cho tôi thêm niềm tin, nghị lực sống ….
           Tôi thấy lòng vui lên, dù sau vụ thu hoạch khoai gặp những  chuyện buồn lòng .
          Chính vụ mùa thu hoạch khoai tây, những ngày giáp tết  .
         Mặt trời cuối đông được các chàng trai lười biếng nhưng khỏe mạnh khiêng đi dạo nên   sáng đến rất muộn , mà chiều lại về sớm , thành ra  mãi đến gần bảy giờ mới có nắng, còn độ bốn giờ chiều đã nghe buốt lạnh.Chỉ có nắng buổi trưa, ấm và dịu .Mọi người tập trung ở nhà  các chủ  vườn khoai từ sớm, ăn những vắt xôi to, dẻo và nóng rồi tràn xuống vườn . Những cành lá khoai già, úa vàng ( ai cũng quen gọi là dây ) đã được chủ cho người cắt sạch từ hôm qua, gom thành đống tấp lên các bờ mương thoát nước quanh vườn ,chỉ chừa một phần nhỏ để dễ nhận ra từng bụi khoai khi đào .Chiếc máy đào khoai cũng lừng lững tiến vào vườn .Đó là nhân vật quan trọng nhất cho buổi thu hoạch khoai hôm nay .Nó thay cho hàng chục “tổ đào”(gồm một người đàn ông khỏe mạnh,có kinh nghiệm trong việc đào khoai, và ba bốn phụ nữ  xúm quanh  lượm nhặt ),nó giúp cho việc đào dỡ vô cùng chóng vánh, tuyệt diệu nhất là lượng khoai vì cuốc nỉa xén vào,xiên qua giảm đi rõ rệt (mà thường các củ to,loại tốt lại  đưa đầu chịu trận ).Máy  đào khoai vốn là chiếc máy cày đất thông dụng của  những nhà có vườn nhiều và rộng ,còn những nhà ít đất thì mỗi khi vào vụ lại thuê cày vài giờ ,nay người ta làm nhà lồng, trồng rau sạch, máy to không “chui lồng ”được, có người bán đi sắm máy nhỏ đi cày dịch vụ, có người cải biến thành máy đào khoai .


              Người con trai lớn của chị Nhụy và chàng con rể đầu của cậu Bé nhà tôi mới khởi nghiệp, chưa có vốn mở nhà lồng, nên quanh năm họ trồng rau củ các loại  như ông bà từng làm, và dứt khoát vụ đông bao giờ cũng  gắn liền với mùa thu hoạch khoai tây .
                  Không ai bảo ai ,những người có tên trong danh sách con cháu trong đại gia  đình  hay giòng họ đều  cùng  có mặt ở vườn .Đám phụ nữ mang sẵn từ nhà mình những chiếc rổ , vốn thường ngày dùng đựng rau cải,thủ trong túi áo phao  ít cái bọc ni lông to nhỏ, để cuối ngày mua một ít khoai tốt cúng ông bà mấy ngày tết, mua giùm cho bạn bè, mua làm quà gửi đi xa  và chắc chắn là nhặt nhạnh mớ củ sứt về rán giòn vài bữa cơm .Đàn ông thì quang gánh sẵn sàng.Có hai cái giỏ thép khổng lồ ,mỗi giỏ có thể chứa  được nửa tấn khoai .Hai chiếc đòn  to dài như cột nhà . Sẽ có bốn thanh niên lực lưỡng đun đòn vào những mấu thép đan sẵn quanh miệng giỏ và khiêng càn ( vừa khiêng vừa nghỉ, không cần quang gióng ), để chuyển khoai về nơi tập kết là nhà kho mỗi chủ hộ .Vườn càng về trưa càng  đông vì người dân ở phố chạy xe ngang, hay những nhà hàng xóm cũng tạt vào mua dăm ba ký về ăn tết, làm quà . Đêm đến, đèn sáng trưng, đám phụ nữ lại xúm xít “đóng khoai”, phân hạng các loại , xếp cẩn thận vào những sọt lót giấy xi măng dày . Nếu bạn hàng chờ mua, họ sẽ nhanh nhẹn chen vào đội quân này .Tiếng cười nói, tiếng cãi cọ,những cái vỗ vai, cái nắm tay .Trong nhà, mớ khoai “vạc”( những củ bị máy xẻo ) được luộc chín , bày ra bàn cùng với dĩa đường vun có ngọn .Vị khoai  bở và thơm .Biết rằng khoai vừa dỡ ăn dễ bị nê ( chướng bụng ) nhưng ai cũng cầm một miếng, chấm ngập dĩa đường cát trắng .
               Chị Hạ Em và tôi cũng dành hai ngày ròng rã đi lượm khoai ,đóng khoai giúp các cháu .Hôm qua đã nhặt ,đã mua ở vườn nhà một đứa, mà hôm nay  vẫn tay đùm, tay gói .Chị Nghĩa của tôi có  người bạn ở khu vực cách nhà tôi một  thung lũng rau hoa, hướng về đường cái quan. Hồi tôi học phổ thông,chị là giám thị , tư thế quan trọng hơn rất nhiều giáo viên chủ nhiệm .Khi tôi về lại trường xưa làm cô giáo, chị phụ trách mảng văn thư .Nên chúng tôi luôn gọi người bạn của chị cả, là thầy,là đồng  nghiệp,là Cô . Cuối đông năm nào chị cũng dặn tôi mua ít khoai mang biếu  cô  cúng tết.Tôi luôn luôn gom mớ khoai  bị xén làm quà  .Chị Hạ Em thì tặng bạn ngoài phố .


            Có hai đứa gọi chúng tôi bằng bà đi cùng .Bà ngoaị chúng là chị của chi Hạ em đã vội về từ trước .Có nghĩa rằng bốn chúng tôi là những kẻ thanh nhàn ,không quá bộn bề việc nhà Hai đứa sẽ vượt cạn sau tết độ một tuần ,  “chiến dịch đào khoai” này ,chúng nhận chân cấp dưỡng , dọn ăn sáng,  hai bữa lỡ sáng chiều, cơm trưa . Bụng đưa ra nghênh chiến, miệng nhóc nhách nhai hình như không nghỉ . Đi làm  cơ quan mới vài tháng , lấy chồng, có thai, thế là nghỉ ngang, về ở hẳn nhà mẹ đẻ . Ăn,ngủ . Mẹ bận chuyện vườn tược, buôn bán, bèn ra ngoại chơi , vì ngoại có một quầy vừa bán tạp hóa và cà phê, khách khứa ra vào tấp nập . Hỏi đẻ xong rồi làm gì ?Thì.. bà cố , bà ngoại nuôi cháu .Sướng thật . Sáng nay , bà bạn hàng xóm “thiên lý nhãn” của tôi cũng dẫn hai nàng bầu ra mua khoai. Hai đứa cháu, con gái của người em cùng cha khác mẹ. Hiểu “lý lịch trích  ngang”,cùng phân tích “số phận, tính cách” của  hai nàng, sao thật trùng khớp với các cháu tôi . Chiếu qua người lớn mà các nàng gọi cố, là ngoại cũng xêm xêm Bà  bạn thì thầm . Nuông  chiều quá cỡ ,khiến chúng nó có tư tưởng mình phải phục vụ nó suốt đời .Còn mình thì hạnh phúc vì đã hy sinh cho con cháu .Nhưng lỗi là bọn trẻ .Chúng nó đi trong bóng tối mà cứ tưởng đang ở giữa ánh sáng .Bạn tôi có hai con gái đang  lập nghiệp ở Saigon .Cô lớn  du học từ Singapore về ,đã lập gia đình, người ốm o,chưa dám sinh con vì bộn bề công việc .Cô em kém chị ba tuổi, dù nhà trai ngắm nghé cũng hoãn mấy phen, vì đang có kế hoạch sang  học một năm ở Phần Lan.Cả hai không bao giờ đòi hỏi bố mẹ phải cho mình cái nọ,cái kia , lại từ chối ngay  khi người mẹ gợi  giúp mua một căn hộ chung cư nho nhỏ, mà bao giờ về thăm cũng   sắm quà cho tất cả mọi người ,trong khi đố mà ăn được của các nàng bầu này cục kẹo   .Vì tụi nó chịu khó học hành, vì bạn bè đều là những đứa sống có ý chí, có trách nhiệm .
               Tôi nhìn những ông bố, bà mẹ trẻ,chủ nhân những đống khoai tay vừa đào .Họ cũng có những đứa con với muôn vàn nhu cầu ăn học .Họ cũng thấy hạnh phúc vì “tất cả cho con”.Họ có đi theo con đường cháu tôi, em bạn tôi đang đi không ?Chúng có thấy hết bao gian khổ bố mẹ trải qua để chăm từng mầm khoai bé như cây tăm, đến khi thành những củ to bò lăn lóc giữa  vườn ?Rồi những đứa con ,chúng có dẫm lên bàn chân bốn chị bầu  của chúng ?
             Nhưng  hôm nay tôi thấy lòng ấm lại .Hai người khách cười khi chúng tôi tỵ nạnh, ăn rồi suốt ngày đi du lịch, thì giờ mình phải sống cho mình, để tụi nó sống cho tụi nó  chứ . Cuộc sống hội nhập , đừng o bế mãi tư tưởng “trẻ cậy cha” vì mình về già cũng chưa chắc đã được “cậy con”.Giờ đi được đến đâu thì đi, thậm chí ăn được cái gì ( không vì bệnh tật mà kiêng cữ ) thì ăn . Tôi chợt nhớ đến cảnh ngộ của ông anh rể trong nhà,chồng chị Nhụy .
              Sau trận ốm  gọi là “thập tử nhất sinh”, Chị Nhụy của tôi được đám con cái cho đi nghỉ dưỡng , bằng cách gửi xuống nhà tôi tập thiền  .Chị không thể nào ,dù chỉ dăm phút, ngồi một mình, với con tim  tĩnh lặng  và cái đầu sáng , đạt đến mức như nhà thơ Vương Duy yêu cầu, lặng đến độ nghe cả tiếng hoa quế bé li ti rơi, và sáng như đêm trăng vằng vặc mà  chim núi hoảng sợ .Chị vẫn  bẻ hạnh bẻ họe tôi đủ điều , từ những bức tranh phong cảnh  tôi treo trong phòng khách, đến cái tủ áo đã cũ của mẹ ,vì theo chị , đó là những thứ nên cho vào kho .Tôi cứ lờ đi và lòng tạ ơn trời, may mà tôi không phải sống chung  dưới một mái nhà với chị .Hai người chị dâu lắm lúc cũng ngạc nhiên, tại sao O Nhỏ cứ như lúc nào cũng mặt trăng mặt trời với O Xí .Chỉ có hai ông Canh Kem là cười, rằng trước đây họ vẫn thường nghe mẹ ca cẩm là hai đứa này y như chó với mèo .Về già ,tôi hiểu vì sao chị đành hanh  tôi ,nhất là lúc này, có một nhân vật chị cũng đang  dồn “đạn ” để tia hắn ta : ông chồng già của chị .


                Theo chị , “ông Hòa nhà tao bây giờ quá hư” .Là vì anh  đã làm  đảo lộn  khung   thời khóa biểu mà chị vạch cho.Anh bỏ hẳn bữa cơm tối, dành thời gian ấy ,hoặc đóng cửa ngồi thiền, hoặc  chạy xe ra nhà những người bạn già  vốn thân thiết thời phổ thông , trò chuyện cho đến tận giờ đi ngủ mới về, hoặc ngồi trước ti vi cùng chị,nhưng trong tay lại có một cuốn sách .Rồi lâu lâu lại đòi tiền đi du lịch .Có vô Sài gòn thăm con  cháu thì chỉ tích tắc đã có một ông đến đón đi chơi, thế là đi biệt, cho đến khi sắp về Dalat mới tạt qua coi … lũ  chúng nó  sống thế nào .
                  Tôi đưa ra giải pháp đầu tiên : thì chị đi cùng anh .Chị bảo ngay ,không được .Chị còn phải coi ngó khu nhà trọ ,sáng mở cổng,tối khóa cổng,rồi trông chừng  cửa hàng ( một hiệu may nho nhỏ kèm tạp hóa) cho con Thu –cô con gái ly dị chồng , rồi vườn tược đã giao cho  gã con trai tuổi gần   năm mươi mà tâm hồn, theo cách nhìn của chị , mãi mười lăm , rồi ..ông chồng hư !
                    Tôi đành im lặng .Có nhiều người mơ ước cuộc sống tràn ngập ánh sáng của chị , kinh tế không còn là mối bận  tâm lớn , hai vợ chồng đang hưởng cảnh “nhất rỗi son,nhì con lớn”.Anh chồng lại có những thú vui thật đơn  giản ,nhưng chị lại biến tất cả thành bóng tối. Chị luôn né tránh cái dấu ngã có hai móc câu thật khủng khiếp, cứ níu lấy cổ và chân những người một thời è ra đỡ đần cùng chị, bây giờ thì chị lại dồn hết lên vai ông chồng già tội nghiệp . Đã có lần tôi gặp anh sang chơi nhà chị Hạ Em, anh tức tối bảo rằng chị vợ  muốn đè cho anh “tiêu đời”,nhưng anh trông gầy gò thế chứ mạnh lắm .Anh tâm sự rằng anh muốn… xây một cái cốc nho nhỏ ,nơi nào chị không tìm được , rồi sống thanh thản tuổi già .Đến  nước này thì ..Chị Hạ Em đành khăn gói qua nhà chị Nhụy,làm  chuyên gia hòa giải .Anh rể tôi vẫn lại tiếp tục thực hiện “kế hoạch”của anh ,và chị lại xuống nhà tôi kể lể .Chị Nghĩa từ Cầu Đất lên khám bệnh, chị cũng ngồi yên cho chị Nhụy trút hết nỗi niềm .Rồi  tôi tiễn hai chị ra về .
             Hôm sau ,chị Nhụy ấm ức xuống tìm tôi . Chị bảo rằng tất cả mọi người cùng đứng về phe “ông Hòa nhà tao”. Tôi có rất nhiều việc phải làm ở  những ngày sau khi rời bệnh viện : tiếp đón   khách khứa, dọn dẹp nhà cửa, vườn tược ,rồi giặt giũ  phơi phóng, rồi ăn trả bữa , mà tôi cũng cố gắng né tránh  để chị về nhà tĩnh tâm . Tôi không dám nhắc lại kết luận của hai chị lớn ,rằng ,chị đã hết thuốc chữa !


              Chị Nghĩa góa chồng ở tuổi năm mươi .Việc  trường bọn bề, việc nhà với đàn con tám đứa , việc nội ngoại .Nhà chồng cứ lo lắng chị sẽ nhanh  chóng có người để  “dây loan chắp mối tơ thừa ”, vì người chồng ra đi đột ngột sau một chuyến công tác, mà chị lại có chút nhan sắc .Có một chiều chạng vạng tôi xuống  Cầu Đất thăm học sinh  và ghé qua chị .Anh vừa đi xa,một mình chị ì ạch đẩy chiếc máy cày đất  từ dưới thung lũng lên sân .Đứa con trai hối hả lao từ trên đồi xuống, quẳng túi vải  đựng sách vở ra sân rồi giằng lấy .Anh con trai đầu đang học Cao đẳng sư phạm,trọ nơi nhà nội ở gần Hồ Than thở .Rồi sau đó là một chàng trai và  ba cô con gái  từ trường cấp ba về .Sau cùng là ba nhóc cấp 1 và 2 .Người mẹ dẫn tôi vào bộ ván đặt ở nhà sau, ngả nón quạt .Vẻ mặt chị điềm tĩnh .Lũ con đứa ra cổng đón bò từ rừng về,đứa xuống hố ( thung lũng )hái su su lên làm cơm, đứa ra chuồng bắt gà ( nhà có khách mà ),đứa đi gom gộc ( rễ chè )đốt bếp ,đứa cho lợn gà ăn tối .Anh chị không đủ dài tay để ôm gọn lũ trẻ như chị Nhụy, mà tập cho từng đứa có trách nhiệm với bố mẹ ,nên dù không còn anh,chị vẫn chủ động nuôi dạy con trưởng thành . Mỗi đứa  trong đàn con  đông đảo của chị , trưởng thành với những hướng đi khác nhau ,kẻ làm cán bộ,người là nông dân,nhưng không để cho chị phải bận tâm lo lắng .Dù bị đẩy vào bóng tối,chúng vẫn vươn ra ánh sáng .Các anh Canh Kem vẫn lấy chuyện “O Lớn nuôi con” để kể cho đàn con cháu các anh sau này .Các chị Chi,Hạ Em và tôi bị nhét vào khung “bà già khó tính”, và những góp ý của chúng tôi bị xem là “có chất mù quáng”,vì chúng tôi “không ở trong chăn, làm sao biết chăn có rận ?”


                      Hai đứa tôi cùng các vị “tăng dưỡng sanh”  đáp xe  đò về thành phố Hồ chí Minh, nhưng qua thị trấn Định Quán chúng tôi xuống . Có một phụ huynh cũ qua đời, tôi rủ chị Hạ em cùng đi đưa tang , sau đó lại dự tiếp hai đám cưới của con  các học sinh cũ .Buồn vui luôn đi với nhau .Đằng sau nỗi buồn sẽ là niềm vui . Ánh sáng và bóng tối vẫn là hai mặt song hành . Chị Hạ Em ngơ ngác nhìn quanh .Lâu nay,chị vẫn  qua lại nơi này trên những chuyến xe khách, nhưng đi vào đêm khuya  .Ngày tôi còn đi dạy ở dưới xã, có một đêm về đây tập huấn công tác Đội thì tình cờ chị tìm thăm .Chị đi   họp  ở Saigon, bên ngành công an , rảnh ghé trường tôi “để xem tôi sống thế nào ,” người ta chỉ lên đây .Phố huyện về đêm đèn điện chạy bằng bình diesel.Hai chị em đi dạo loanh quanh .Tôi vốn tỏ ra cứng rắn,nhưng hễ thấy có người nhà từ quê xa lặn lội tìm đến thăm, mặt mũi phờ phạc,mồ hôi đầm đìa ,nhìn mình thương cảm, thì tôi bỗng tủi thân,sau đó là …nổi khùng ,rồi là xuôi xị .Tôi không muốn cho ai lo lắng về tôi quá mức, nhưng lại  buồn khổ mất mấy hôm sau  .Chị Hạ Em hiểu điều đó .Chị cứ đi  lặng lẽ bên tôi ,không nói .Hai chị em được xếp ngủ trong một gian đình cạnh chợ mà huyện đoàn thường mượn  . Tôi nằm nghiêng, quay lưng về phía chị để dỗ giấc ngủ,ngày mai còn bao nhiêu công việc. Có tiếng loa truyền thanh huyện phát đi chương trình “Đọc truyện đêm khuya ”Tiếng nhạc đệm dìu dặt mà tôi nghe như tiếng mẹ ru ngày thơ ấu , non nước của Bác Hồ. Phải , đâu đâu trên giải dất chữ S này cũng là đất nước mình .Tim tôi thổn thức, nước mắt chảy xuống ướt đẫm chiếc áo kê làm gối .Chị Hạ Em ôm khẽ vai tôi .Ngày ấy, anh Thạch đã  mất, cha tôi cậy nhờ chị Hạ Em  sắp xếp cho tôi một chỗ bán bách hóa trong công ty lương thực gần nhà .Nếu muốn, mai sáng tôi sẽ về Dalat cùng chị . Trong đêm tối ,tiếng nhạc đã đem đến cho tôi một luồng ánh sáng .


               Huyện lỵ bây giờ hiện đại không kém gì một góc phố trên Biên Hòa ,còn hôm chị Hạ Em xuống, khu phố tập trung những ngôi nhà vách và mái đều bằng tôn, chỉ duy nhất một cửa ra vào , xã Phú Hoa, gồm đa số cư dân gốc H’Mông,người ở đây gọi là Tàu Nùng .Những học trò cũ của tôi về đây sinh sống phần lớn là cán bộ huyện ,hay thương nhân phát đạt .Nếu như ngày ấy tôi bỏ đi ,liệu bây giờ có đủ can đảm để quay lại …
            Trong đem phố huyện rực rỡ đèn hoa, ồn ào tiếng nhạc , tôi như thấy trước mắt những đứa trẻ  lem luốc, trang phục lôi thôi,buổi sáng đến trường, chiều lên rẫy, tối những đêm cuối tuần lại kéo nhau lên trường họp Ban chỉ huy Đội .  Một vài đứa mượn được  chiếc đèn bão của  ông bố,còn lại là cứ lầm  lũi  băng rừng , băng rẫy đi trong đêm .Chị tổng phụ trách được nhà tập thể ưu tiên cho làm chủ một  chiếc đèn lớn, nhưng tim đèn luôn ngắn,bình đựng dầu thường xuyên 1/3 là nước giếng .Họp xong, về khu nhà tập thể lại lụi hụi chong đèn với bài  vở,giáo án , có khi ngủ quên, ngòi viết mực Hồng Hà thấm qua mấy trang giáy vàng ố .Có khi vớ phải  quyển vở chưa bao bìa, ghi tên  bèn   phang  ngay một dấu hỏi to tướng “tên,lớp ?”còn  óc thì lầu bầu, cha cái đứa nào nộp vở trống không ,biết đâu mà mò, mở ra thì là. …vở của .chính ta ! Sáng ra hai lỗ mũi đen thui , rửa mặt quên ngoáy, nuốt vội miếng khoai lang luộc nguội,khoác chiếc áo dài lụng thụng, khoan thai lên lớp .Học trò không biết có chuyện gì vui mà cười rúc rích . Tranh thủ giờ giải lao,chạy qua lớp bên cạnh,hỏi đồng nghiệp  rằng miệng tau có dính khoai lang không, hay lỗ mũi còn lọ nghẹ ,mà thằng quỷ Chiến ngồi bàn đầu cứ nhòm nhòm rồi  cười .Ôi, cái thằng khỉ ấy , gặp ai mà chẳng cười .Bây giờ gần năm mươi,làm thư ký ủy ban mà đi đâu cũng cười hềnh hệch .A , người bạn đồng nghiệp sau một lúc ngắm nghía mũi miệng bèn thò tay gỡ một cánh mối dính trên khóe mắt .Mùa mưa sắp về, đêm đêm từng đàn mối  hằng trăm con tìm đến nơi nào có ánh sáng ,tha hồ nhảy múa .Đã đặt đèn vào hẳn trong chậu nước mà nó vẫn không sợ .Tối đến, tay bưng đèn,vai gánh nước từ giếng lên “lầu son”băng qua quãng sân rộng đến nửa cây số ,mối à à kéo theo,y như đi hội, bảo sao cánh mối không “đá lông nheo”.!


              Bây giờ tôi lại là tôi ,một bà giáo già đi thăm trò cũ ,lắng nghe cảnh  ngộ từng người  , chia sẻ buồn vui  một cách chân thành ,và lại trở về “ổ chuột” của mình . Tôi gặp lại một người hàng xóm hôm nào cùng xuống vườn lượm khoai hộ để mua mang về Sài gòn làm quà .Cũng là học trò cũ . Ngày tôi chuyển về trường Bùi Thị Xuân, Vân là lớp trưởng một lớp 12 . Tôi có ba lớp 10 với chuyên môn của mình vào buổi chiều , đủ tiêu chuẩn 12 tiết trong tuần,  nhưng mất  thêm mấy buổi sáng ,  dạy thay cho tổ trưởng,những hôm lớp thầy này có bài kiểm tra viết 90 phút, rồi dạy môn Nữ công cho đám nữ lớp Vân .Có khi còn phải thay chủ nhiệm quản lý chúng nó trong mấy buổi lao động trồng rừng tận nghĩa trang Liệt sĩ trên đồi Cam Ly . Bọn học trò thấy tôi từ Đống Đa vùng ven về, tia nhìn đã không mấy nể nang, nay lại làm những việc không đúng chuyên môn, chúng tỏ sự xem thường ra mặt .Ở nhà, cùng một lúc cha tôi và cậu Bé đau rất nặng. Cha bị đột quỵ tuổi già, còn anh chàng em út vướng bệnh do chủ quan . Nó đi  đo đạc các huyện xa , thép gai quào chân, lại móc phân ngựa đắp lên vết thương ! Thế là, tết nhất mà mồm miệng cứng đờ, rồi sau đó toàn thân cũng thế . Cô vợ xuống tóc, tối nào cũng lên đình , cùng mẹ tôi  quỳ rất lâu trước ảnh hai ông  Phạm Khắc Hòe  và ông Xu Hiến (anh ruột ông Cửu Miên )những người có công xây  dựng nên ấp làng này  ; dân làng xem họ như những vị thánh .Chiêu của tôi là nhiều buổi  tối sang nhà Vân ,tìm  hiểu tính tình ,khả năng của từng thành viên .Tôi tự tin hơn . Hôm được phân công quản lý học sinh đi lao động, tôi rất muốn từ chối, vì hoàn cảnh gia đình .Còn mấy  lý do nữa . Ngày ấy tôi vừa hồi phục sau trận ốm kéo dài gần một năm , đi trồng  thông giữa nắng, mà con đường rất xa, tôi phải liệu sức mình .Phải sửa lại xe đạp -từ ngày về dạy  trường gần nhà, tôi đã  cho xe nghỉ hưu .Phải tìm mượn một chiếc đèn pin,mà mượn ở đâu ? Phải mang cơm nước theo . Đầu óc tôi mờ mịt ,chỉ hiện lên một hàng chữ : trốn ở nhà . Như đọc được mọi ý nghĩ của tôi, Vân bảo :để con nhờ ba con sửa xe cho cô .Con có một cái đèn pin xịn lắm , con với cô xài chung.Cơm thì … Đến đây thì tôi giành lấy .Nhà Vân túng thiếu quanh năm . Năm giờ sáng hôm sau , đã nghe tiếng cô gái 17  bẻ gãy sừng trâu  gọi ngoài cổng .Trời tối đen , sương mù dày đặc , thốc lên mặt tê buốt , chúng tôi phải khoác áo mưa, trùm khăn kín mít .Khúc đường Lý Nam Đế ngày ấy còn là đường làng mấp mô,may là qua mùa nắng nên bớt lầy lội , hai cô trò dò dẫm đẩy xe qua .Vân đi trước,nhưng nó khôn ngoan cột chiếc đèn pin xịn vào yên sau ,tôi cứ thế mà đi theo .Qua quãng nhà ông Bồng ,am bà Cai thỏ ( điện Linh Ứng do bà nội cô Chi dựng )tối đen, sương rơi lộp độp, lại gió rít qua rừng thông,vườn tre y như tiếng …ma hú .Hết rừng cây thì đến nghĩa địa .Gần hai năm về trường Đống Đa, ngày ngày đi lại trên khúc quanh Xô Viết Nghệ Tĩnh này, nhưng chưa bao giờ đi khi   trời đất còn tối đen  như hôm nay .Nếu không có Vân , chắc tôi .. đi về . May quá, đã ra đến phố, đèn đường sáng nhập nhoèn .Con đường Phan Đình Phùng như băng qua thung lũng nên rất bằng phẳng, cứ thế mà đạp . Rồi dốc Hoàng Văn Thụ . Đèn đường hình như biến mất dần .

             Thác Cam Ly .Một bức tường đen khổng lồ chen trước mặt .Tiếng nước ầm ào gào thét, như có hàng trăm con quái vật giương vuốt ,nhe răng , sẵn sàng vồ lấy chúng tôi, cho vào miệng và nhai ngấu nghiến .Ngày đi học , tôi thường đi theo các cô chú làm công trong nhà ra đây cắt lá che (một loại cỏ giống như cây dương xỉ) về để che chắn  cây con vừa trồng .Công việc nhẹ nhàng,thích thú,vì được rong ruổi trên xe ngựa, được lội thác, được ghé chơi lăng ông Nguyễn Hữu  Hào, bố vợ vua Bảo Đại .Mùa nắng khô,trời quang đãng,gió thổi lành lạnh  dòng thác dữ  dội hôm nay chỉ là một khe suối chảy róc rách và mát dễ chịu .Con thác khi ấy như lạch nước vườn nhà ,chứ không cuồn cuộn như lũ cuốn bây giờ .Dù chuẩn bị đổ dốc nhưng tôi xuống xe,cứ có cảm giác dòng nước hung bạo ấy đang tràn ra đường, cuốn phăng hai chiếc xe đạp mong manh .Vân xuống dốc trước, dựng xe vào một  bụi cây ven đường rồi tháo đèn lên đón tôi .Nó tinh nghịch lia đèn pin quét lên mặt thác . Đèn cổ cong  của lính   Mỹ, Vân mượn  từ một đứa ngoài phố , rất sáng .Hiện lên dưới đèn là một màn nước mỏng, trắng xóa,ào ào đổ từ trên cao, cách đầu chúng tôi khoảng vài chục mét,  như chảy từ trên lầu xuống ,rồi biến mất vào một cái khe rộng , giữa hai tảng đá .Rồi Vân lia đèn ra chung quanh .Những tảng đá, bụi cây,khóm thông già . Thế thôi .Đúng là thần hồn nát thần tính. Nhưng tôi nhận ra nét gan góc trong vẻ hiền lành ,chịu đựng của Vân .Hôm ấy,  dẫn tôi ra hiện trường để quản lý học sinh lao động có Vân , cô lớp trưởng giỏi giang, là một “trợ lý chủ nhiệm” và hai luồng ánh sáng  , một cây đèn pin xịn và một ngọn đuốc nhiệt tình, kiên trì .
       Rồi cũng như những đứa cháu chị Hạ Em, người em bà bạn “thiên lý nhãn”, cô lớp trưởng ấy không có điều kiện học thêm .Vân  tốt nghiệp trường trung cấp y ,làm y tá trên phường, làm thêm vườn nội ngoại chia cho , và nuôi dạy ba đứa con nên người . “Nên người”,như hai cô con gái bà thiên lý nhãn, như những người con của các ông “tăng dưỡng sanh”,như những mẫu một thế hệ trẻ biết  phân biệt đâu là ánh sáng và bóng tối .
       Ngày trước,khi con đường Nguyễn Công Trứ chưa được mở rộng,sân  sau của điện nhìn lên đường có một cái giếng nhỏ, nhưng nước trong vắt , tràn ra mép giếng bốn mùa .Cư dân quanh vùng sáng chiều quảy nước về dùng .
        Biển xanh còn biến thành ruộng dâu , thì giếng nước, đồi thông, rừng trúc ngày nào,nay là đường sá,vườn  rau ,nhà cửa, đấy là qui luật .
             Những con người từ đây , hay quanh đó , dù mỗi người một phương, đều tự hào : người Đalat gốc …ngo.Kỷ niệm êm đềm lưu giữ trong họ mãi mãi  là một  miền quê giá lạnh, âm u nhưng vẫn tràn đầy nắng ấm và ánh sáng .
                                                                         Nguyên Xuân .
                                                                   Dalat vào cuối đông 2015 .
 

No comments:

Post a Comment