Saturday, July 9, 2016

                                                      ÁO TRÒ , ÁO THẦY
          Người đàn bà không ngớt ném về phía tôi  những tia nhìn đầy hằn học, giận dữ và khinh bỉ .Tia nhìn ấy tôi bắt gặp khi cởi cất chiếc áo đi mưa và chiếc áo phao dày ở nhà giữ xe của bệnh viện .Tôi có cảm giác hơi lành lạnh và một chút dễ chịu nhờ chiếc áo khoác dài tay , có mũ kín cổ ,nhưng lại thấy chột dạ  bởi tia nhìn ấy cứ bám theo tôi đến tận quầy rút  số thứ tự, phòng nhận phiếu chờ và bây giờ, trước phòng khám của bác sĩ .Ánh mắt bây giờ lại pha thêm sự chua xót ,đắng cay lẫn hờn giận .Tôi cố lục trong đầu để nhớ ra bà ta là ai , ở đâu, tôi có quen biết gì không ,nhưng cái bộ não ở tuổi 60, tôi đành chịu  thua . Tôi bỗng đâm ra bực bội, cau có với Hoa Tre đang ngồi bên .Nó cũng nhận ra tia nhìn đầy thiếu thân thiện của một bà lão xa lạ, bèn khều nhẹ tay tôi , thì thào  hỏi tôi có mắc nợ bà ấy không, có buôn bán lường gạt bà ấy bao giờ,hay là tôi có… từng cặp kè với chồng bà ấy .Sau cùng  nó phá lên cười khi nhận ra tôi tức giận thêm  và bật cười theo  nó. Rồi chúng tôi hối hả vào nhận thuốc, phóng xe ra  chợ mua cho Tre ít quà Dalat, sau đó về nhà xúm xít nấu nướng để  liên hoan chia tay cùng Tre và gia đình .Đã hết mùa hè .Tre phải về lại Long Xuyên,chuẩn bị năm học mới


                                                                         

             Ba mươi ngày trôi  qua rất nhanh .Hôm nay lại đến đợt thử máu sau ba tháng .Bốn giờ rưỡi  sáng, trời rất lạnh .Tôi phải đạp xe qua mấy con đường vắng người, hai bên có những cây cổ thụ , chứa đầy bóng tối, sương sớm và gió buốt . Phải xuất hành từ giờ ấy, tôi mới được bác sĩ khám và cấp phiếu đi xét nghiệm,rồi chờ đợi kết quả , khám lại, nhận thuốc, và tôi sẽ ra  về cùng thời điểm bọn trẻ ở ngôi trường cấp 2 gần bệnh viện tan lớp .Hôm nay không có Tre chở đi bằng xe máy , tôi bỗng bâng khuâng nhớ nó .  Giòng liên tưởng của tôi lại vướng đến tia nhìn thù hằn của bà lão buổi chiều mưa tháng trước .Hình như từ  khi bà ta nhận ra chiếc áo khoác dạ tôi mặc .Đó là chiếc áo kỷ niệm mà tôi từng được tặng từ  học sinh một lớp chủ nhiệm. Lâu lắm rồi . Con số năm chúng ra trường in trên một góc áo, thì quãng thời gian đúng 15 năm .Họ hẳn đều đã ổn định mọi thứ, công việc,  cuộc sống gia đình .Chiếc áo trong mắt tôi là đẹp , vì đó là món quà tặng  được gom góp từ nhiều tấm lòng, mà vì thực sự nó đẹp .Áo màu trắng, may bằng nỉ khá dày , phía trước có nhiều sọc  đủ màu sắc cầu vồng  kết cách điệu rất độc đáo .Hàng chữ nêu phương châm mà đám học trò hơn bốn chục  đứa chọn cũng đầy ý nghĩa .Học thức là kho báu quý nhất . Chiếc áo chỉ hợp với vóc dáng học sinh nam  nữ tuổi 18, trên áo đầy những chữ , những số,l ại màu trắng nên tôi chỉ mặc đôi lần, khi chạy bộ thể dục, hoặc ở một nơi mà vẻ mặt ai nấy đều mệt mỏi ,thất thần ,lo lắng , cau có ,miệng  mỉm cười thăm hỏi cũng đầy gượng gạo , trang phục thì xộc xệch , nhàu nhĩ, chẳng còn tâm trí để nhìn ngắm xung quanh  .

Tôi đã giặt kỹ chiếc áo khoác hôm ấy ,bọc kín và cất vào đáy tủ , như gói kín tia nhìn hằn học của một người xa lạ hôm nào .Có lẽ bà ta nhìn nhầm tôi với một người nào đó , Tre  đã an ủi tôi . Có thể  như thế . Tôi nhủ thầm . Môi trường tôi quanh quẩn lui tới  chỉ là trường học , thôn xóm , khuôn viên ngôi nguyện đường ,khu chợ nhỏ gần nhà , và  từ dạo gác kiếm về vui thú điền viên, là bệnh viện , thế thôi . Tôi không hề có kẻ thù .




Hôm nay trời khá lạnh, mưa nhè nhẹ ,tôi quyết định “đổi mốt” .Tôi diện chiếc áo phao Tre mua cho . Áo hàng sida nhưng còn rất mới ,giá phải chăng .Áo phao đang là mốt thời thượng của người xứ lạnh lâu nay .Chiếc áo màu xanh nước biển đậm ,màu  chất chứa bao nhiêu buồn vui trong cuộc đời tôi, từ khi mới là đứa trẻ 11 tuổi, đến bây giờ, một bà lão mắt mỏi,chân chồn,tóc bạc  .Hình như Tre đọc được nỗi lòng tôi .Hai đứa tôi sục sạo trong khu chợ mới nhưng   chuyên dành bán hàng cũ  suốt mấy buổi chiều , cuối cùng tìm được chiếc áo “đời người” ưng ý



Chiếc áo len mặc bên  trong cũng là quà tặng từ một phụ huynh .Mỗi dịp lễ Hiến chương nhà giáo,  mọi thầy cô trong trường tôi đều có quà, đặc biệt những người chủ nhiệm lớp  .Len là món quà ,có một dạo , tương đối là quà tặng mà các cô  giáo chúng tôi được nhận . Có người được tặng hẳn mấy chiếc  áo len ,loại dệt kim mỏng, nhiều màu ,mặc với áo dài rất tiện .Nhưng được nhận một chiếc áo len dày, len tốt, đan cẩn thận bằng tay , hoa văn đặc kín, áo lại kiểu cách thì , có lẽ tôi là người hạnh phúc nhất . Gói quà khá to ,kềnh càng, gởi theo đường bưu điện đến tận nhà , trước lễ một hôm , không hề có địa chỉ người gởi ; dấu bưu trạm cho biết người tặng sống rất gần nơi tôi ở ,nhưng tôi không thể nào tìm được một con đường quanh nhà tôi có tên học sinh tôi đang chủ nhiệm . Lớp không chủ nhiệm, có một vài trò .Nhưng tôi biết rõ, phong tục “ăn cây nào, rào cây nấy”, cha mẹ chỉ “yêu lấy thầy” trực tiếp quyết định nội dung cuốn học bạ của con cái họ mà thôi . Tấm thiệp gửi kèm ghi  mốc thời gian tặng là từ mùa đông năm trước . Lời tặng viết tay nắn nót bằng tiếng Anh Do keep it as a souvenir ,please !




Hay là quà của một học sinh cũ nào đó .Nhưng họ không đủ rảnh rang để đan một chiếc áo chiếm quá nhiều thời gian ,công sức như thế để tặng tôi . Tôi đành chịu thua . Chiếc áo đan rất vừa với dáng người tôi ; kiểu áo tunic lại cũng khá hợp với công việc hằng ngày phải đứng trước học trò, với hằng trăm con mắt chuyên soi mói, tọc mạch của chúng .Màu len không quá trẻ ,nhưng không làm cho những kẻ “yamaha” hay yêu hoa dã quỳ (đọc ngược lại )…giảm  bớt tuổi .Đặc biệt các hoa văn thoạt trông đã thấy cầu kỳ, nhìn kỹ sẽ đọc ra những ý nghĩa sâu sắc của chúng .Những sợi dây thừng(cable) chứa đựng khát vọng vững bền, trường cửu,tổ ong(honeycomb) là lời động viên nhắc nhở hãy chăm chỉ,cần cù như những chú ong ,giỏ hàng (basket)thể hiện mong ước no đủ, những hạt kim cương (diamond)ấp ủ nguyện xin phước lành, thành công ,giàu có .Những hàng viền kiểu zig-zag hàm chứa sự yên ổn ,bình an . Có lần tôi được đọc một tài liệu từ đâu đó ,kể rằng nhà phát minh ra kiểu áo Aran để đan những mẫu họa tiết giàu ý nghĩa thánh thiện này,hay áo len nói chung , là những phụ nữ người dân Ireland  từ thập niên 1950-60.




Len được chế biến từ lông cừu không thấm nước .Những người mẹ và vợ các ngư phủ đã đan cho chồng con họ mặc trước  khi giong buồm  nhằm giữ ấm và là cách để nhận diện những người đàn ông ra khơi  nếu không may bị rơi xuống biển , vì mỗi chiếc áo len như một tác phẩm nghệ thuật với các họa tiết mang  theo nét riêng của từng gia tộc (huy hiệu ,cờ ..), hay theo yêu cầu của người mặc, hoặc sự sáng tạo của người đan .Yêu cầu và sáng tạo này đều  dựa trên cách viết thư pháp  với nhiều minh họa đầy màu sắc và bí ẩn  trong sách kinh thánh Kells của người dân Ireland ( gồm bốn Phúc Âm trong Tân Ước được  các tu  sĩ dòng Celt ,thánh Côlumba chế tác ) .Món quà tôi được tặng không dừng lại ở giá trị vật chất mà còn  hàm chứa biết bao ý nghĩa thiêng liêng cao quý .Vậy người tặng là ai ?


         Những ngày mùa đông năm ấy , tôi đem  chiếc áo thật đẹp, món quà của một người tặng bí mật, ra mặc vài lần .Đồng nghiệp nhìn ngắm, sờ mó .Có người khen, nhưng rất nhiều người chê .Có nhiều lý do , thôi haỹ dừng lại ở cái tội của áo : quá dày. Một cô bảo : ôi, có cho không tớ cũng chả thèm .Sáng lạnh mặc được một lát, trưa về nóng đổ mồ hôi,biết vất áo đi đâu ! Cũng hợp  lý .Gần chục năm trước khi tôi “giã từ vũ khí”, dường như không một thầy cô nào trong trường còn mặc áo dày đan tay nữa .Nhiệt độ quanh năm vẫn quanh quẩn con số 16-25 độ, nhưng trang phục đã thay đổi nhiều


       
Thay vì mặc một chiếc áo đan tay dày,bền, các cô đã đổi thành hai chiếc : bên ngoài là một măng tô vải ,hay nỉ mỏng (mùa nắng nóng) hoặc nỉ dày,hay áo phao  (mùa đông buốt giá ) bên trong là áo len dệt kim mỏng , bó lấy  người ,hoặc hơi rộng một chút đối với các cô có thân hình đẫy đà hoặc tuổi nhiều .Hôm nào trời gió hoặc mưa bão thì thêm một chiếc khăn len mỏng .  Trang phục này đi với áo dài hay quần tây,áo sơ mi cũng thế,thật tươm tất, ý tứ  khi đứng trên bục giảng .Áo len bị xếp xó vì lẽ : không thể mặc áo đan bên ngoài áo dệt kim . Đứng trước học trò,chỉ vài phút thao thao,có khi quát tháo,thế là áo măng tô đã cho ra lưng ghế … ngồi chơi tự lúc nào . Nhiều người trước khi “ xung trận” đã cẩn thận cất măng tô vào hộc tủ riêng của mình trong văn phòng ,khóa cứng lại . Trưa về đến nhà mới nhớ đến em áo đang  bị nhốt, đành nhờ chồng con chạy lên lấy .Vì để mai mặc tiếp, vì nếu không mai thiếu chỗ cất áo khác  .Nhiều ông chồng khó tính càu nhàu, bữa cơm trưa trở nên khó nuốt .Các cô bèn có cách khác : gửi ở phòng giám thị hay phòng bảo vệ ngay cổng .Hơi phiền một chút,nhưng khi tàn cuộc chiến ,còn có   người gọi vào …đón áo cùng về



Các thầy cũng không mặn mà với áo len đan tay  vì , nếu mặc veston thì chỉ cần một chiếc ghi lê dệt kim mỏng bên ngoài sơ mi để giữ ấm .Hay mặc blouson cũng thế.  Tôi đã gặp một nam giáo viên vừa ra trường, luôn có hai áo len đan tay ,họa tiết rất đẹp ,thay đổi .Một áo cổ tròn aran,một áo cổ trái tim, thắt cà vạt cũng rất lịch lãm .Thầy từ Huế vào .Một thời gian thì áo biến mất,thay cho những chiếc blouson . Theo thầy,áo mặc suốt ngày (ở Huế chỉ khoác theo mùa ) giặt cầu kỳ vì cẩu thả sẽ làm hỏng áo ,phơi lâu khô,nhưng rất dễ ngấm nước . Còn một lý do để các thầy cô chê áo len đan tay .Áo không có nhiều mẫu mã,lại rất kén chọn dáng người .Bây giờ, nhiều  thầy cô có eo 63+30, chiếc măng tô, chiếc blouson hay áo phao các kiểu là cách chọn lựa số một của họ .
Áo đem cất gần 15 năm, hôm nay đem ra mặc ,phảng phất mùi băng phiến .Tôi vẫn mặc đủ bộ áo phao, áo len ngồi chờ khám , nhưng không khóa phéc-mơ tuya áo phao. Không biết cái bà lão “ nhìn nhầm”  tháng trước có đi khám không .Tôi chả việc gì ngại ngùng đôi mắt Giave của bà .Nhưng thoáng trông thấy lấp ló vạt áo len trắng tôi khoác,  khuôn mặt bà lão bỗng dịu lại,pha chút cảm động ,bâng khuâng .Lại chầu chực ở quầy rút  số thứ tự, phòng nhận phiếu chờ và phòng khám của bác sĩ .  Nơi nào bà  cũng tìm cách ngồi gần cạnh tôi .Ở phòng nhận phiếu chờ ,bà  loay hoay cởi cất bớt áo .Nào áo phao,áo khoác có mũ ,không mũ, áo pull.. tôi nhẩm đếm có đến bốn chiếc .Bà còn hai chiếc pull dày và ấm khác .Tổng cộng vị chi là … Tôi mỉm cười ,nhớ đến một lần xuống Cầu Đất thăm chị gái , lâu lắm rồi, tôi cũng đã đắp lên người ngần ấy áo. Đến khi đi ngủ, thấy chị mỗi áo vải mỏng, tôi đành  vất vả cất bớt áo mình,chị kêu lên : Khiếp, lột cho ra dì !

Bà lão thấy tôi cười cũng cười .Miệng bà móm xọm vì răng rụng nhiều,nhưng nụ cười khá thân thiện .Bà hỏi dồn dập : Cô nghỉ hưu chưa? Giờ ở đâu ?Với ai? Bệnh gì ?Cô nhỏ hôm trước đâu rồi ? Bà kể tên một số thầy cô trên trường, phần lớn đã nghỉ hưu .Vậy ra bà là phụ huynh,có thể là nội hay ngoại một trò nào đó . Tôi bèn hỏi :Cháu bà hồi trước ai chủ nhiệm hả bà ? Phụ huynh có thói quen như thế .Họ thường không nhớ lớp ,nhưng nhớ tên kẻ cầm càng lớp ấy . Bà nói ngay. Lớp 10 là thầy  A,lớp 12 là cô B,còn hồi lớp 11 là ..cô nè ! Tôi nhíu mày ,là trò  nào  nhỉ ? Lâu rồi,giờ nó đã băm ba tuổi ,con trai nó học lớp 1.Vợ nó sắp đẻ đứa nữa, đang mong con gái .Bà rút ra một cái  ví nhỏ ,cũ kỹ ,lục moi mặt sau chiếc chứng minh thư đã  được bọc thêm một lớp nhựa ,lôi ra tấm ảnh trắng đen,cỡ  3.4 . Nó đây, cháu Thọ .Tôi là má cháu .Mẹ Thọ đây ư ? Suốt năm học của lớp 11, tôi có gặp ông bố của Thọ hai lần , sau hai buổi gặp phụ huynh mà nhà trường tổ chức



Tôi nhớ ông vì ông luôn nán lại khá lâu sau buổi họp, đưa ra nhiều đề nghị ,chủ yếu hướng về  người con , chỗ ngồi, bạn bè, công việc nên giao ...Thọ lúc ấy là lớp trưởng từ lớp 10 lên , năng nổ ,trách nhiệm,chỉ có một nỗi lo : sức học .Đọc lý lịch, biết cu cậu là con một , bố mẹ tuổi cao , nhà có cửa hàng lớn ngay khu trung tâm thành  phố , nên tôi hiểu kỳ vọng của họ .Tôi biết người mẹ đau yếu, phải đi  nghỉ dưỡng thường xuyên, mấy bận tôi  ghé nhà thăm đều không gặp .Hôm nay lại ngồi với bà ở đây. Tôi không hiểu nỗi buồn cay đắng khi bà gặp tôi tháng trước .Tâm trạng ấy lẽ ra phải dành cho tôi .Tôi nhớ lại hồi ấy, người con yêu của bà vi phạm quy chế thi trong học kỳ một ,ông rất lo lắng .Tôi hứa tôi sẽ hết sức giúp cháu trong học kỳ tiếp, với điều kiện là cháu phải cố gắng .Và tôi đã giữ lời hứa , dù biết rằng mình đã sai . Cuối năm ấy , điểm hạnh kiểm của Thọ là A , vì tôi đã thuyết phục bạn bè chàng lớp trưởng này : Bạn Thọ của chúng ta học kỳ hai đã nỗ lực rất lớn, nên điểm C trong nửa năm,cộng với A nửa còn lại , kết quả là ...A !Thực ra,con số đó phải là B !Loại khá .Hè gần kề rồi, công việc bộn bề, ban thi đua nhà trường tin tưởng giáo viên chủ nhiệm ,nhưng cuối cùng , tôi bị kỷ luật ,cắt thành tích thi đua ,vì hình như có ai đó thóc mách với Giám hiệu .Buồn hơn là qua năm học lớp 12, tôi cũng được “lên lớp” với  chúng thì lớp trưởng đã có tên trong danh sách một lớp khác ,cách lớp cũ độ ba phòng, trong cùng dãy của khối lớp đàn anh này


Cùng dãy ,cùng khối ,tôi có dịp gặp hầu như thường xuyên chàng cựu lớp trưởng một thời tôi yêu mến,vì lẽ anh ta xông xáo,vì lẽ các bậc sinh thành ra anh đều đã luống tuổi, sức khỏe hạn chế, đặt nhiều niềm tin ở chúng tôi .Nhưng buồn biết bao .Anh chàng dửng dưng, xa cách,lạ lẫm  ; anh ta cúi đầu chào nhiều thầy cô khác,dù không dạy trực tiếp,còn tôi thì ...Người cha cũng thế . Vì qua lớp mới nên chưa có bạn,Thọ vẫn thậm thụt đến chơi với bạn lớp cũ ,nhưng hễ thấy bóng dáng tôi từ xa là lẩn mất . Lớp có lần tổ chức sinh nhật tập thể , trong đó có cả vị cựu lớp trưởng , vào tiết cuối trưa thứ bảy, chúng rủ nhau mặc chiếc áo lớp ( đặt may từ cuối năm 11 thay vì 12 như mọi lớp khác ,cũng là sáng kiến của chàng Lớp trưởng )là chiếc áo khoác trắng đẹp mà tôi được tặng.Lớp trưởng nay chỉ là phó thường dân bên lớp bạn ,rụt rè qua dự ,và  len lén ra về lúc nào không ai hay .Lễ ra trường. Chúng tôi không còn gặp nhau nữa. Mỗi dịp tết ,cũng có vài em  ,khi đang học đaị học, khi đã ra đi làm, khi lập gia đình, đều tạt qua tôi .Không hề có  Thọ . Tôi hỏi thăm ,đám bạn ngập ngừng.Nó học Nha khoa tận Trung quốc .Nhà nó ở đây hình như bán hết rồi .


Tôi không nhớ và cũng không hiểu người đề xướng r a phong trào “áo lớp” của đám học sinh cuối cấp trường tôi . Chỉ biết là những ngày ấy, cứ độ tháng ba là lớp lớp khối 12  thấy xuất hiện những chiếc áo khoác có màu sắc khác biệt hẳn với áo len xanh biển đậm hằng ngày .Thoạt đầu là màu trắng, phái trước đắp thêm bảy sắc cầu vồng, một logo có ý nghĩa .Nhưng rồi là màu nâu đậm, xanh lá cây , tím , đắp  thêm đủ hình đủ ảnh, logo cũng mang nhiều ý tưởng đơn giản hơn .




Chiếc áo khoác khác màu khối 12 không chỉ là lưu giữ kỷ niệm mà tôi  hiểu,là thái độ “bứt phá”. Suốt 12 năm đi học , màu xanh biển đậm,những kiểu áo quanh quẩn cài dây kéo, trùm đầu ,họa tiết đơn điệu ,hầu như không có ,cả năm chỉ quanh quẩn hai áo thay lui tới ,nhìn trước,nhìn sau ,cũng chỉ có thế .Chiếc áo còn gắn liền với những giờ học nặng nề ,những buổi thi căng thẳng ,những khuôn mặt mệt mỏi ...Khi được rời xa chiếc áo len ,không mấy  trẻ thích mặc lại loại áo này,mà nếu có ,chúng cũng rất “kỵ” cái màu xanh nước biển một thời “oanh liệt”.





Bà mẹ của Thọ thản nhiên cúi xuống, vạch lớp áo phao, vuốt nhẹ lên các hoa văn áo len tôi mặc .Bà đã mất cả tháng, trong lúc đi điều dưỡng ở  Nha trang , để đan tặng tôi .Tính gửi cô mặc tết (năm chàng Thọ học lớp 12 )nhưng đến lễ 20.11 năm sau (bọn Thọ đã vào đại học )tôi mới kịp gởi .Thiệp nhờ đứa cháu viết .Lâu rồi mà áo còn mới ,ngó áo thấy nhớ .


     Nhưng sao bắt gặp  chiếc áo lớp , bà lại buồn khổ đến thế !
     Bà kể lể ,nó đi học xa , rồi xay dựng gia đình,chẳng để lại cho tôi thứ gì ngoài cái áo ấy .Vất di thì thấy có tội,mà để lại thấy tức giận. Tôi thực tình không hiểu





.





 Có một giáo viên dạy Tin học, hàng tuần lớp 12 nào cũng gặp thầy. Màu sắc loạn xạ, thầy ôm đầu kêu ,ôi ,trường phái Thầy X,thầy Y,cô Z ( các vị chủ nhiệm)
  Nhà trường bắt đầu lo lắng .Một trường phổ thông nề nếp bỗng mang không khi  đại học , bởi các lớp khối khác cũng có nhiều em tranh thủ mặc thêm những chiếc áo dạ, áo phao đủ màu sắc,tạo thêm không biết bao nhiêu là “trường phái” nữa . Phải chấm dứt hiện tượng áo lớp, áo khoác tùy tiện .Một cuộc thi thiết kế áo khoác đồng phục diễn ra




Các "trường phái " cuối năm ở khối 12 không còn .Tôi dù sao cũng lưu giữ chút kỷ niệm .Thất bại cũng tốt, thành công  cũng tốt . Tôi nhớ lời mẹ tôi an ủi ,khi tôi vừa rời trường sư phạm, về lại Dalat thì bao nhiêu đau buồn ập đến .Mọi người bảo là đại hạn ,phải dè chừng nhiều thứ .Mẹ tôi dỗ dành : Gặp hạn cũng có cái tốt , cái xấu của nó .
           Chúng tôi chia tay ở cổng bệnh viện .  Những tháng đi tái khám liên tiếp sau đó,tôi không còn gặp lại bà nữa . Nhà cũ của gia đình bà nằm trên con đường một chiều,có dịp tôi đạp xe  qua ,thấy ra vào những người lạ . Hỏi thăm mới biết ông mất đã lâu,nhà đã bán từ ấy, bà lâu nay đi ở trọ .Hiện ,hình như, bà về sống trong Sai gòn . Chắc là Thọ đón về .


Bất chợt một hôm bà đến tận nhà thăm tôi ,mang tặng tôi một chiếc áo măng tô .Tôi vui sướng vì quá bất ngờ ,vì trước đây tôi cũng sắm được một chiếc như thế ,nhưng khi bà chị kế  năn nỉ đổi cho chị bằng cả cân len mới,tôi đành đổi cho chị  ,dù thực sự ,giá trị chiếc áo phải gấp đôi số len ấy .Tôi thương mẹ nên thương chị ,chứ hai chị em gặp nhau là ... muốn xa nhau ! Thế là, bà cụ đã thay mẹ “đền bù” cho tôi . Bà nán lại cả ngày,ăn cơm với tôi , xem TV cùng tôi .Hình như bà có điều gì muốn tâm sự . Quả đúng vậy.


            Đến lúc này, tôi mới biết rằng ông bà chỉ là bác, chứ không phải bố mẹ đẻ của Thọ . Do tuổi đã cao ,ngoài năm mươi mà chưa có con , nên vì vợ chồng người em út bỏ nhau, bà đón Thọ về nuôi từ lúc mới sinh , làm khai sinh ,  chăm nom  chu đáo .Chàng con nuôi nhanh nhẹn nhưng sức học kém, năm nào cũng phải cầu cạnh thầy cô .Có lẽ vì thế, dù đang đi dưỡng bệnh,bà cũng cố gắng đan áo tặng tôi . Ông bà thương cháu,nhưng cháu  thì ... Bà kể khi ông vừa mất ,cháu đã tìm cách bán nhà , cả cửa tiệm của ông bà ,chung với bên vợ để kinh doanh .Giờ giàu có lắm, tiệm trồng răng bề thế,nhưng không cho bà bước chân vào . Bà than thở, bà đã từng mua phải hàng giả, về dùng thấy hỏng,thấy sức khỏe giảm,bà bực lắm .Nay gặp người giả , bà đau xót vô cùng .  Bà sụt sịt,chiếc khăn nhỏ ướt sũng,mắt bà đỏ hoen .Nhìn  người già khóc thì không gì xót thương hơn . Chiều chạng vạng, bà từ biệt tôi . Bà cho tôi mẫu giấy ghi địa chỉ mới của bà : Nhà dưỡng lão Thị Nghè. Bỗng dưng tôi thấy mắt mình cay cay .


Hôm sau chị Thủy  bế cháu sang nhà tôi chơi .Chiếc áo khoác  màu xanh lá cây đậm, giòng chữ màu trắng rõ mồn một trước ngực : Hạnh phúc là có việc để làm, có người để yêu, có điều để hy vọng .Thật phù  hợp với cảnh ngộ của chúng tôi lúc này. Thấy tôi tủm tỉm cười,chị cũng cười .Chị đặt thằng cháu xuống sân, chỉnh áo lại cho thẳng thớm , rồi kể lể : Áo lớp của thằng Khang đây .Mất một ngày công vét ao cho chú Bé ( em trai tôi ) đây . Đi làm về , bùn từ đầu đến chân ,mà nhãy cẫng lên .Tưởng là mừng vì mang về một sô nào cá,nào ốc,nào lươn cho mẹ đãi mấy ông khách Nhật của anh Phú, ai ngờ bảo –ôi,con có tiền sắm áo lớp rồi ,khỏi phải xin anh nữa,mẹ cũng không phải lo .Mặc đúng một bữa liên hoan ra trường, rồi thì cho mẹ mặc ..ngủ .Con Dung (vợ Khang ) cũng tha về thêm  một cái y chang . Bà cháu mình tha hồ mặc ,cu hè . Chị cúi xuống vỗ vỗ vào lưng cháu , nét mặt tràn đầy hạnh phúc .




No comments:

Post a Comment