Saturday, July 9, 2016
TRÁI TIM QUẢ DÂU
Mùa nắng về là mùa dâu chín . Dãy phố Nguyễn Công Trứ trước mặt khu điện Linh Bửu của nhà cô Chi không biết đã là phố dâu tự bao giờ . Dâu đầy các thúng, mủng, thùng, hộp , giỏ, mẹt bày tràn ra trong nhà ,trên hiên, ra tận lề đường . Những chiếc xe gắn máy liên tục chạy đến, chở theo hai chiếc mẹt to được đặt trong những tấm vải cực rộng túm lại, đu đưa như hai chiếc nón lá dị dạng úp ngược,mang theo hương dâu chín ngọt chua thơm nồng nàn cả con phố . Những quả dâu nho nhỏ, hình trái tim đỏ hồng, xinh xắn được biết bao bàn tay phụ nữ, trẻ con, thậm chí cánh tu mi nam tử nâng niu ,lựa chọn . Dâu loại một ,loại hai, dâu xả ; dâu đóng đi về thành phố lớn, dâu ra chợ , dâu làm mứt . Con phố nhỏ, những hàng quán nho nhỏ, tựa vào đồi, nhìn xuống khu vườn dâu . Dâu ở vườn quả nằm lăn lóc trên lớp cỏ khô giữa những luống đất chữ nhật chạy men mép đường .Đứng xa chỉ thấy màu xanh của lá tràn trên lớp cỏ khô nâu và chi chít những chấm đỏ nép mình dưới lá, giữa cỏ . Hãy lại gần hơn mới có thể vẽ lên một bức tranh vườn dâu , chụp một bức ảnh thôn trang Dalat giữa mùa dâu chín .
Hai ông “tăng dưỡng sanh” đã còn hơn thế. Hôm nay họ lặn lội từ Sài gon nóng bụi lên tận đây để hái dâu . Tìm chỗ trọ sau khu điện rộng, họ nai nịt như những người đi hái dâu trong vùng , áo đóng thùng, giày vải,mũ rộng vành , một chiếc rổ nhựa .Họ còn vắt cơm mang theo . Cô Chi kể , một người bạn của con rể ông hàng xóm hai ông có quen thân với vị bác sĩ thường trị bệnh cho người Dalat, và bạn của bạn ông nội một nữ y tá dưới quyền bác sĩ có cô con gái thì… đang chăm sóc vườn dâu gần khu điện thờ .Trời, để được nhận làm thợ đi hái dâu , họ phải trải qua những khâu giới thiệu mà tôi có cảm giác, giá đại bác bắn ba năm còn đến sớm hơn việc họ tìm đến chủ nhân vườn dâu này! Té ra,người chủ ấy trồng dâu trên vườn nhà chị Hạ Em của tôi .
Trước đây mảnh đất này đã có nhiều người thuê, chỉ trồng rau đậu củ các loại, có khi trồng hoa lay ơn dịp cận tết . Vườn giáp ranh với vùng dâu Hà Đông một thời nổi tiếng của Dalat, nên có nhiều người muốn thuê để trồng loại quả ngon này ,nhưng Dượng Trí, bố chị Hạ Em,từ chối ngay . Dâu có nghĩa là tang . Ông góa vợ sớm, rồi anh Thạch gặp tai nạn, ông không muốn sáng ra sân, trông xuống vườn đã nhìn thấy những luống dâu xanh trải dài trước mắt , nhưng lại gợi cho ông nhiều nỗi buồn đau .Tôi nhớ ngày nhỏ, trên mấy luống rau mẹ ưu tiên cho đám con gái trong nhà trồng những loại rau gia vị, rau lá ngắn ngày để có thêm tiền tiêu vặt , tôi đã lén trồng vào góc vườn mấy mầm dâu con, hằng ngày thích thú hồi hộp chờ dâu ra hoa, kết quả .Không giống các loại rau , mầm dâu đẻ ra nhiều nhánh con,người dân gọi là ngó , đâm rễ xuống đất, từ đó ,lá hoa quả sẽ hình thành . Hoa hồng và dâu là hai thứ cùng một họ , theo tôi ,khó chăm sóc nhất .Tôi đã trồng vài bụi hồng trên sân nhà , rồi bỏ cuộc ; dâu cũng rất kén phân bón, đất luôn trải cỏ khô thật dày , vừa khống chế cỏ , vừa giữ ẩm tốt , vừa giúp quả sạch sẽ khi chín .Thời gian từ khi hoa kết quả , đến khi quả to và chín , cũng rất lâu, lại luôn bị sâu đến cắn phá .Mấy khóm dâu của tôi bị cha bắt nhổ vất đi , có lẽ vì kiêng cữ như nhà o dượng .
Bà bác an ủi : Con trồng rau chi dễ chăm mà mau bán được ,chứ ưa ba cái thứ trái nhà giàu nớ mệt người .Anh Thạch thì nhắc nhở rằng việc người lớn dạy bảo mình phải nghe theo ,vì tất cả đều mang lợi ích cho mình mà thôi .Tôi biết thế nên nguôi đi nỗi ấm ức . Thuở ấy, chỉ dịp sau tết, khi mùa vụ dâu chín rộ ở làng bên, chị cả mới đến tận vườn tìm mua dâu xả, về cắt nhỏ ngâm đường,cho thêm mấy viên đá , mỗi người được một suất , ai cũng ngắm nghía chiếc cốc thủy tinh nhỏ trong suốt, bên trong là những lát dâu trắng hồng ,mới ngậm vào đã nghe lạnh tê , cùng mùi thơm nồng, cùng vị chua chua diệu kỳ , thật sung sướng .Dâu tây là thứ quả của nhà giàu,ngang hàng nho táo Tây Mỹ .
Những ngày tháng ấy đã qua .Bây giờ, chị Hạ Em lại thấy vui với mảnh vườn được người thuê trồng dâu quanh năm .Tháng 8 dương lịch trồng, tháng giêng hái lứa đầu tiên , sau đó mùa dâu kéo dài đến gần hết tháng 5. Những ngày kế tiếp là mùa của những cơn mưa dầm, đất trời trắng xóa giữa vùng cao nguyên đồi núi trùng điệp , người ta chọn trồng một vụ rau ngắn ngày , tránh vườn bị cỏ mọc ,ăn hết phân .Chủ thuê cũng giành vài luống để “dâm”cây giống, là cây con từ ngó cây mẹ .Bây giờ, do công nghệ phát triển, nhiều vườn chọn cây cấy mô,khá tốn kém nhưng đạt tiêu chuẩn và có sức sống bền hơn cây dâm lên từ ngó . Có thể nói rằng, để có chùm quả dâu chín đổi lấy bát gạo, người trồng đã bỏ ra khá nhiều của , đặc biệt là công . Ngày bé, những chủ nhân các vườn dâu ở bên ấp Hà Đông đều là những phú nông, nhưng bây giờ, vì chưa có điều kiện dựng nhà lưới trồng hoa hay các giống rau sạch, hay dâu sạch, thì đa số các hộ quanh vùng tôi biết đều chọn trồng dâu là cách “lấy ngắn nuôi dài”, hay như lời chị thuê vườn :nuôi heo để dành.
Tôi thường lần sang vườn những hôm chị Hạ Em rảnh rỗi và có chủ đến chăm sóc dâu , từ khi vừa trồng cho đến khi hái quả, cùng chị xuống vườn,lăng xăng phụ giúp . Cả xóm ,nhìn quanh toàn nhà lưới, rau hoa được bảo bọc hơn cả công chúa , có vườn dâu ngắm hoa, ngắm trái, rất thú vị .
Đội quân hái dâu hôm nay xem ra khá đông .Chủ nhà chỉ có hai mẹ con, bà bạn “thiên lý nhãn ” rủ thêm cô em thông gia và người con dâu của chị . Họ đang chuẩn bị đi đám cưới ở Vũng Tàu ,nên vừa hái giúp vừa mua mang làm quà ,cây nhà lá vườn cho tiện .Rồi Giang đến sau cùng. Đây là nhân vật quan trọng nhất , vì bà “đu đủ ”này sẽ nhận mua hết dâu xả và khá nhiều dâu tốt của chủ để về chế biến mứt , bày bán trong ki ốt của mình,lại nhận chuyên chở ra phố dâu mà không tính công .
Mười người, chia đều cứ năm luống một đợt . Chủ nhà nhận nhiệm vụ đội trưởng,“điều hành chung”. Cánh phụ nữ ùa ra vườn là sà xuống, hái thoăn thoắt. Hái trái này nhưng mắt phải “canh me”trái gần bên thì mới kịp tiến độ .Chú ý phân biệt trái xanh tốt lành và trái xanh bị tật- nó được xếp vào loại dâu xả, tức là hái ngay. Phải đưa ngón tay cái sát vào cuống dâu , “dứt điểm” chính xác,nếu không,quả sẽ bị nát, lại không đẹp vì thiếu chùm tai dâu . Hai ông khách rất khôn ngoan .Thoạt tiên họ nghiêng đầu vẹo cổ ngắm nghía không bỏ sót mọi nhất cử nhất động của chúng tôi , rồi là hăng hái xông trận . Nắng đổ trên đầu, nắng bắt đầu cháy lưng . Trời càng nắng to, dâu càng mau chín rộ .Chưa bao giờ trời Dalat nắng nóng và rát như những ngày giữa mùa xuân như năm nay.Nghe nói ruộng lúa nhiều nơi bị khô cháy dữ dội lắm ,nguy cơ mất mùa, đói kém .Hai ông khách tư lự . Ừ , được mùa dâu thì rầu đau mùa lúa .Nhưng chị hàng xóm thì rất vô cảm : Ô hơi đâu mà lo .Tui nói thiệt, cái thân tui ,tui còn lo chưa xong.Chị là cô em út của người con rể đầu của dượng Trí, là em chồng chị Hạ Ả, chị Hạ Em cũng xem như bà con , nhưng khi chỉ có mình tôi, chị mắng mỏ : Đồ thứ mụ o nỏ mồm . Phía bên bà “ thiên lý nhãn” ,quan hệ gần gũi hơn : ông anh con bác ruột của bà là gia chủ nhà “mụ o” .Sáng nay, mẹ con chị “mụ o ”đến rất sớm. Trong cái rổ nhựa to,tôi thấy có hai chiếc rá nho nhỏ . Đó là công cụ của những người hái dâu kinh nghiệm: hễ ngặp trái chín và đẹp, họ cho vào rá này, để khi đóng vào hộp mang ra chợ, thứ quả như gạo trên sàng này sẽ phủ lên làm mặt .Người mua thiếu kinh nghiệm rất dễ bị đánh lừa . Đi hái giúp mà “chu đáo”như thế, chị đúng là có trái tim quả dâu
! Lúc mọi người đang tập trung trên sân, chị đã lần mò xuồng vườn dâu, dạo quanh một vòng , xem xét ,mắt đảo nhanh qua những luống có nhiều quả chín nhất .Đến lúc cùng đổ quân ,cả mẹ và con cũng dành ngay những luống ấy ,mặc cho chị đội trưởng kêu gào rằng phải hái từ trong taluy giáp suối ra đến mương, coi chừng bỏ sót .Hai ông khách cứ lẳng lặng bước theo chúng tôi .Những người Dalat, các bà già cùng trong đội quân hái dâu hôm nay cố làm sao đón khách phương xa “vui lòng đến, vừa lòng đi” ,nhưng dường như đã có sai sót .Chị “mụ o” nhanh chóng phát hiện ra cảnh sống đơn chiếc của hai ông ,một người “gạch tên vợ”,góa vợ ,còn người thì bị vợ cho gạch tên ,ly dị ,nên trêu chọc , nhưng lối gán ghép trong hoàn cảnh này thật nhạt nhẽo, vô duyên , có khi còn nhẫn tâm nữa .Mấy ung (ông) lên đây hái trái cấm hả .Mấy o ni cũng đang ưng tìm trái …. Chị nhại giọng Quảng thật tài tình . Đứa con trai học lớp tám của chị đội trưởng ngơ ngác , trái nớ là trái chi mẹ .Chị Hạ Em nói to ,thôi đủ rồi đó .Chị giải thích với thằng bé con , trái trứng đó, bà Mừng nói sai … Giang tiếp nhanh, trái trứng gà đó , ,giống trái xoài, ăn có bột như khoai , có lần bà thấy con ăn rồi mà . Hai ông lão cười xòa . Có lẽ vì nể nang chúng tôi nên họ không tỏ thái độ .Họ quê Đà Nẵng, những tín đồ Tin Lành, một vị là đạo gốc, người kia mới theo sau khi hôn nhân đổ vỡ, có chung một niềm tin về chúa Giê Xu như Giang và tôi ,nhưng chúng tôi thực sự ngả mũ bái chào cách hiểu sâu và sống hết mình cho niềm tin ấy của họ . Quảng Nam, Đà Nẵng có thể gọi là miền đất thánh của Cơ Đốc giáo. Chốn quê hương đáng sống của Việt Nam này không thể không có bàn tay đóng góp của lớp lớp con cháu họ .
Đi lom khom, ngồi xổm, lết ,tay nâng khẽ lá, tay luồn ngón hái, cứ thế , hết luống này ,sang luống khác,mà nắng chói chang, rát bỏng đổ trên lưng ,mồ hôi túa ra, trời lại đứng gió , kẻ không quen sẽ nhanh chóng thấm mệt. Vậy mà hai ông không hề thua kém ai . Dâu loại một ,giá ngay vườn bốn lăm nghìn một ký, dâu loại hai thấp một chút, nhưng có những trái tròn trĩnh, lại bị một vết thẹo nhỏ như đầu kim, chỗ gần tai, do nằm sát gốc, là xem như dâu xả .Thật quá tiếc .Một ký dâu xả chỉ bằng 1/10 dâu hạng nhất .Ai cũng cố mong hạn chế dâu xả , dù chắc chắn trong đám đội viên đi hái đều ao ước có mớ dâu xả kha khá được chủ biếu không ,mang về làm sinh tố cho cả nhà . Chị Hạ Em và tôi ,có lẽ mấy bà U60 kia nữa, đều thuộc đội quân cao “mỡ đường máu”, nên sáng sáng uống một ly nhỏ dâu xay để chữa bệnh, vì vậy lòng khấp khởi mua được nhiều dâu dể dành trong tủ lạnh .Vườn dâu này trồng bằng giống cấy mô,được chăm sóc chu đáo, nên quả sai, trái đẹp , dâu kém chất lượng không nhiều.
Quê tôi có nhiều loại quả khó tìm ra ở miền nhiệt đới . Hồng, bơ, đào, mận đắng, và dâu .Bốn thứ quả kể trước hầu như nhà nhà có vườn ở thôn tôi đều trồng một vài cây. Để ăn, cúng kiến, biếu xén; cũng có khi bỏ chút tiền ra mua .Nhưng suốt cuộc đời, trừ những mớ dâu xấu, chưa bao giờ tôi bấm bụng mua một hộp dâu đầy những quả chín đỏ, thơm ngào ngạt mùi hương không thứ quả nào có ,vừa chua chua,vừa ngòn ngọt , vì thấy quá xa xỉ . Cứ mải mê hái,cũng có lúc muốn đưa một quả chín mọng lên miệng, nhưng chợt nhớ đến nỗi vất vả bao người đã bỏ ra cho nó, nên không đành lòng .Thế nhưng …Sau chừng một giờ hăng say hái, bất chợt tôi thấy có một bóng người lom khom bước qua lưng, không đi về phía đầu vườn, nơi Giang và chị chủ vườn dồn dâu để chở đi, mà băng qua mương , lên thẳng sân nhà chị Hạ Em, rồi đi lên đồi.Chiếc áo len mỏng phủ hờ trên bàn tay, nếu không chú ý sẽ không thấy áo đang ngụy trang cho chiếc rổ nhựa xinh xinh bên dưới.Cô con dâu giải thích ,mẹ phải về đóng tiền điện thoại .Lát sau, người mẹ xuất hiện, vẫn chiếc áo len cầm tay, dấu đi chiếc rổ bên dưới , thì người con lại phải về , để … đi vệ sinh .Cũng áo và rổ .Bà “thiên lý nhãn” bật người đứng thẳng,nhìn theo, đôi mắt tức tối. Bà dợm bước như lao theo ,nhưng chị Hạ Em đã kéo áo lại .Họ trao đổi vài câu ngắn .Hai ông khách dỏng tai nghe, mắt nhìn theo hướng về và đến của hai mẹ. Một gợn thoáng chế diễu rất nhanh nhưng cũng đủ cho chúng tôi bắt gặp .Thật không còn gì xấu hổ bằng !
Giang, người bạn “đu đủ” của tôi vừa kịp quay xe từ phố dâu đến nên công việc thu hái lại diễn ra bình thường .Cả ngày hôm nay,Giang đã gom mua một lượng dâu nhiều như ý muốn và mang tập trung nơi nhà tôi . Hai ông giáo già về hưu Canh Kem cùng các bà vợ tự nguyện qua nhặt tai, rửa nước muối, cắt nhỏ , để ráo, xóc với rượu vang trắng nhằm khử trùng , rồi ướp đường , giúp Giang .Tối đến, dâu hai loại trộn chung. Pha thêm ít chanh, hỗn hợp ấy được đun trên bếp than cho đến khi chín thành mứt . Hai ông khách đã đăng ký xin “quá giang”lò mứt của Giang .Còn tôi và chị Hạ Em tình nguyện làm thợ phụ . Phút giải lao,ăn bữa lỡ giữa hai ca hái sáng chiều, hai ông rủ nhau dạo vườn, lội mương . Thấy họ loay hoay bỏ giày, xắn quần cho cao tới gối, xắm nắm đi chân đất , tôi nhủ thầm, chắc là lần đầu lội sình bắt ốc đây . Vườn dâu nhà chị Hạ Em giáp với khu nhà lồng của các anh em tôi, ranh giới là một con mương nhỏ . Bên cạnh là cái giếng khoan, nước rất nhiều, cho hàng trăm con người, từ các thành viên trong đại gia tộc họ Nguyễn Thái, đến khách nhà trọ của cậu em tôi .Con mương nhỏ cũng xăm xắp một làn nước trong vắt, khác hẳn nguồn đục đen bốc mùi từ con suối vẫn thản nhiên đổ về thác Cam Ly ngoài kia .Chị Hạ Em đã đắp bờ be chặn lại ,cấy xuống mương mấy nhánh rau cải xoong từ đầu một mùa mưa năm nào, bây giờ mương là một luống rau xanh mượt mà , nằm theo chiều ngang vườn. Rau này không mấy ai trong người nhà tôi yêu chuộng, vì ngoài món canh cay nồng ,nó khó chế biến, lâu lâu chị Hạ Em lại cắt lên khu chợ sau trường Đại học đổi rau khác .
Vừa bước xuống lòng mương, tôi thấy họ sững lại một chút, có lẽ họ không ngờ rằng nước dưới lớp rau lạnh đến thế .Trụ một chân, họ rút mạnh chân kia một cách dứt khoát, trên tay đã có một mớ rau non .Không hề loạng choạng, nghiêng ngã như cảnh khách phố chợ của chúng tôi vào dạo vườn xin rau .Rồi cả hai nhẹ nhàng bước lên bờ . Tôi càng kinh ngạc hơn khi thấy họ tìm đến vòi nước trước hiên nhà rửa chân . Hai chân chụm lại, gót chân này đưa lên kỳ cọ cổ chân, mắt cá , rồi cả bàn chân kia . Dòng nước chảy từ tốn .Đó là cách rửa chân mà tôi chỉ bắt gặp ở cha và mẹ tôi .Cách rửa chân chỉ có ở những người quen thân với bùn đất . Bữa cơm trưa dọn trong nhà chị Hạ Em, có thêm hai món mà từ thuở cha sinh mẹ đẻ đến giờ tôi mới được ăn : rau cải xoong để sống trộn dầu dấm và rau sống chấm với nước cá kho .Xứ sẵn rau, chỉ ăn sống và trộn các loại xà lách có lá, nhưng “xà lách cọng ”lòng thòng lòng,lại cay cay,lần đầu tôi mới biết và thấy nó rất ngon
Sau bữa cơm trưa , chủ khách dắt díu nhau lên đồi thăm nhà chị có trái tim quả dâu .Không khỏi sững người trước ngôi biệt thự có lẽ bề thế nhất làng của chị và càng ngẩn ngơ với những dãy tủ sách bít kín bốn bức vách trên khu lầu ba . Sách đủ loại, văn học, triết học , khoa học, chính trị, sách học làm người, kể cả các loại dạy cắm hoa, làm bánh kẹo, thêu thùa, may vá; sách in từ xưa và nay, và đều gần như rất mới,lại rất nhiều cuốn giá trị . Có đến hàng nghìn cuốn . Một thư viện tư nhân !
Sưu tầm sách là thú tiêu khiển cao đẹp của ông chồng chị . Dạo anh còn sống, nhà chưa xây lại, đôi khi tôi cũng tìm đến mượn một vài cuốn về văn học và sử địa hay những loại có liên quan đến chuyên môn .Anh là bạn láng giềng của các anh tôi, tính tình cũng vui vẻ. Sau ngày anh đi xa, một lần tôi ghé thăm chị cùng bà “thiên lý nhãn”, mỗi đứa được chị cho mượn một cuốn , mặc dù có là loại truyện nhiều tập, với lời dặn : đọc xong nhớ trả nghe !Hai bà không ai bảo ai , mang về nhà đọc vội đọc vàng để trả. Rồi không bao giờ có ý định mượn cuốn tiếp theo ( dù cũng … không ai bảo ai). Bây giờ, chúng tôi đứng bần thần trước những hàng sách được bao bọc cẩn thận, xếp lớp lớp trong những chiếc tủ kính thơm mùi véc ni, những cánh cửa khóa cứng , vẻ mặt thèm thuồng như người đi phố trước quầy vàng bạc . Một ông khách dùng ngón tay quét nhẹ lớp bụi phủ trên mặt kính tủ, hỏi chị thường đọc loại sách nào, chị cười, ôi, thì giờ đâu mà đọc . Chị phân bua ,ông Mừng nhà tui thích thì tui chiều ông .Bao nhiêu tiền bạc để dành ông gom hết vô đây, chứ con cái có đứa nào đọc đâu, thì giờ đâu . .Anh chị có gần chục người con , tất cả đều được hướng vào một nghề kinh doanh , một công việc mà theo chị , không có thời gian đọc sách . Một ông ngập ngừng , chị có định cho thuê sách không , ở đây sinh viên trọ học khá đông . Chị lại cười, ai mà thuê, sinh viên nó đọc trên mạng .Chị vội vàng kết luận và bước nhanh về phía cầu thang, như muốn dẫn khách sang chuyện khác . Tui cứ khóa cứng tủ,mai mốt túng thiếu thì đem đi bán dần .Các anh thấy, tiền bạc ở trong đó cả .Sách quí thì có người mua thôi .
Chúng tôi ra ban công nhìn xuống , bắt gặp cô con dâu đang khom người bê một rổ quần áo từ sân sau của trụ sở khu phố bước ra , hướng về cửa nhà mình .Anh chồng thong thả đi theo, trên vai khoác một chiếc chăn len dày, trông như đang hóa trang để đóng kịch . Tôi sững người.Cảnh tượng này tôi đã một lần bắt gặp khi đi ăn thôi nôi nhà người em trong họ .Nhà nhiều tầng, to rộng ,mái lợp ngói cho đúng mốt, nhưng không có chỗ phơi đồ, không có sân đậu xe .Chị chủ nhà giải thích ,ông Mừng xây cho hai thằng út để sau này mở tiệm buôn .Một chàng đã có vợ, sống nửa ngôi biệt thự song lập này, nhưng mỗi ngày giặt giũ đều phải đi phơi nhờ .
Chị pha nước mời khách .Nước lọc, có mùi rễ nhựa thông khen khét .Bà “thiên lý nhãn”càu nhàu, chị tiết kiệm như vầy sinh bệnh đó , bà chủ thản nhiên, que củi làm nhà chất đầy bếp, nấu cho …sạch nhà , đỡ đồng tiền ga, tiền điện, mua thuốc bổ .Bà em bĩu môi , tiền gà bằng ba tiền thóc .Tôi rụt rè,vì sợ bà chị nổi đóa , sao củi mục bên em đốt lên nghe nồng mùi thuốc sâu , váng cả đầu .Bà “thiên lý nhãn” quay sang tôi đồng tình , bữa tối sang nhà chị Hạ Em thấy đoàn quay phim đốt dựng cảnh, cứ tưởng thời buổi này còn có ai bơm di-a-zi-nông .Chị chủ nhe răng ,nhà tui quen rồi .!
Gian bếp nhỏ của nhà Giang ngào ngạt mùi thơm . Trong lúc chủ bếp vừa sên mứt, vừa thoăn thoắt chế biến dâu như các anh tôi đã giúp Giang, hai ông khách và chị em tôi cũng tìm đến phụ . Họ mang theo những hộp và túi dâu được biếu để xin “quá giang”lò mứt của Giang như bọn tôi , lại mua ở các mẹt dâu tốt của Giang mấy ký .Sao hôm qua không mua ngay vườn cho tiện,mà rẻ .Hai ông cười cười,tại bây giờ mới nghĩ ra .Mai sớm họ sẽ về lại thành phố . Đi nhờ xe của một người cháu lên đây công tác, nên phải về theo . Họ là đệ tử trung thành của Ohsawa Tiên sinh., hạn chế đường ngọt các loại, nhưng muốn tự tay làm mứt dâu mang về phố thị tặng con cháu, bạn bè .
Chia tay ở cổng nhà Giang, chỉ có một ông ôm các hộp dâu tươi lên xe trước, ông kia nán lại, lúng túng dúi vào tay Giang mấy tờ giấy bạc, tôi nghe hình như là nhờ gởi cho thằng bé con chị chủ vườn để bé mua sách học. Tôi thoáng nghĩ đến số dâu họ đã được chủ biếu, nó chỉ bằng một phần rất nhỏ so với món tiền Giang cầm.Tôi chợt hiểu ra vì sao họ mua dâu tươi từ Giang .Trong mắt tôi bây giờ cái ông già đang lum khum chui vào xe kia là người hiệu trưởng đáng kính của ngôi trường nghèo tận La Ngà ,một ngày cuối hè 1978. Hè ấy, Công đoàn giáo dục huyện tổ chức cho những cán bộ giáo viên có thành tích đi tham quan Dalat, vị thủ trưởng của tôi đã tìm nhà ghé thăm, luôn tiện xin đoàn cho tôi quá giang về trường .Vườn đang vào vụ thu hoạch cây rau xúp lơ . Mẹ tôi cẩn thận chọn bốn năm cây thật đẹp gửi ông làm quà,còn tôi thì mang theo một túi đựng những búp thuộc dạng xả, dành cho bếp ăn tập thể của trường .Thế nhưng ,ông quyết liệt từ chối, lý do chỉ có một mình ,vì ông cũng góa vợ, anh con trai duy nhất đang học ở trường sĩ quan lục quân 2 tận Long Thành ,lâu lâu mới về thăm .Năn nỉ mãi, ông chịu nhận hai cây . Thế mà, khi xe của đoàn dừng trong chợ để thầy cô ghé mua sắm, tôi thấy ông bước nhanh vào hàng rau,mua… hai cây xúp lơ .Ông bình thản xách ra xe, đặt bên cạnh hai cây từ vườn nhà tôi . Đến trường, ông tặng cho bếp ba cây ,giữ cho mình cây mẹ tôi biếu .Tôi không đủ bút mực để phân tích lý do hành động của hai người trí thức từng trải này.Nhưng cuộc đời họ, tấm lòng họ ,là một thư viện sách lớn để tôi đọc và khắc ghi .
Nắng sáng chiều cứ dọi chói chang trên vườn. Dâu càng được mùa, càng chín rộ .Giang phải sắm thêm một chiếc tủ lạnh to để dự trữ hàng trăm hộp mứt dâu.Chị chủ vườn phải “kêu công” (thuê người) hái dâu mới kịp vụ , vì đội quân hái giùm cũng còn nhiều việc nhà phải làm .Hai ông “tăng dưỡng sanh” chưa kiếm được chuyến xe công tác nào để quá giang ,mà hình như họ đang về Trung,tham gia xây dựng trường tiểu học nào ở một huyện miền núi nào đó,hình như Đông Giang hay Tây Giang .
Hai ông, một ông tên Đông,ông kia là Nam . Hình như ở quê Quảng cũng có huyện Nam Giang .Tôi nhìn Giang cười , trong đầu tôi chỉ nghĩ đến việc phát âm dễ chịu của Giang thôi,nhưng nó “suy bụng ta ra bụng người” , quát tôi : Mi đừng có méo mó .
NGUYÊN XUÂN
Dalat
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment