Saturday, July 9, 2016

                                                     TRONG SÁNG  VÀ KHÔN NGOAN
                   Thoạt đầu, Giang đặt mấy lò mứt dâu ở trong  bếp, nhưng sau đó thì chuyển tất cả lên phòng khách .Ở đây mọi người có thể vừa sơ chế dâu ,vừa canh chừng các chảo mứt,  vừa đóng  gói dâu vào lọ ,vừa xem ti vi; người nào mệt thì cứ việc chui ra đằng sau bức bình phong nhỏ xinh xắn, chủ nhà đã trải hai tấm nệm dày chồng lên nhau ,tránh hơi lạnh của sàn nhà , chăn màn tươm tất,chợp mắt một lát . Sẵn bếp than, chồng bánh tráng mè được nướng thơm , nếu có chút hành lá  xào  dầu, hay là trứng trộn phô-ma trét lên, sẽ là món pi-za Dalat nhiều người thích ,nhưng chị Hạ Em bảo thôi , không ai ăn đâu , dạ dày người nào cũng kém .Trà ắc-ti-sô chế bằng lá khô mang từ nhà sang , tôi tham lam bỏ hơi nhiều nên ly nước rót ra đỏ quạnh và đặc quánh như thuốc Tiêu ban lộ trị  cảm sốt , khách dễ dãi, ai thích loãng thì pha ra .Chẳng ai thò tay quệt chút mứt đặt vào bánh tráng ,nhưng vị đăng đắng của trà, vị thơm bùi của bánh tráng cũng giúp chúng tôi tỉnh ngủ .
                 Giang ngồi bên chảo mứt to, trước mặt là chiếc ti vi đang chiếu một buổi biểu diễn thời trang, có cả sự xuất hiện của các hoa hậu bên cạnh người mẫu .  Dường như   Giang có ba mắt ,một mắt  canh chừng mứt,  mắt kia đặt lên màn hình, bà ta không bỏ sót  một nhân vật nào, còn mắt giám sát chúng tôi . Còn  chúng tôi thì phải “miệng nói, tay làm, tai lắng nghe” theo đúng tinh thần của kẻ đi phụ việc .Chị Hạ Em hỏi sao hai ông bỏ hết công chuyện giữa phố xá đô hội mà lên đây, chỉ  để hái dâu, làm mứt dâu ,hai ông lão cười móm mém .Cho biết sự đời vậy mà.  Từ nào tới giờ, nhỏ đã theo bà đi bứt ớt, bứt cà, bứt chanh lớn chút trèo cây dứt ổi xanh, hay lấy que thọc mít .Rồi ra đồng hái dưa hấu, bắc thang hái dưa tây .Phải một lần được hái dâu . Cho đủ bộ sưu tập. Còn hái sao trên trời cho nàng nữa chứ .Chị đùa, rồi chị quay sang tôi , le lưỡi,như bảo rằng, có lẽ chị đùa không đúng chỗ .  Nhưng vẻ mặt hai ông lão vẫn không thay đổi .Họ cũng đùa, em đến đây, rồi em như bóng mây . Đó là giọng  ngân nga của ông Nam. Hai vợ chồng  ông cùng tuổi  hợi, tuổi nằm đợi mà ăn .Cái thời hái sao tặng nhau  nó đẹp ,nhưng khi  sống chung thì   túng thiếu trăm bề , rồi lục đục triền miên .Có bận ông nổi khùng, bảo , cô không chịu nổi thì thôi đi .Lập tức bà ấy thôi liền . Vợ con dắt nhau đi  .Sau đó  là ra nước ngoài . Cơ nghiệp của ông lúc  bấy giờ chỉ còn  cái chòi cuối khoảnh  vườn mãng cầu  xơ xác tận Thủ Đức, đến mùa trái mà trơ cành trụi lá ,muốn  rứt một cái đọt cũng không có.
              Giang  đang giỏng tai nghe , đến đây liền lên giọng như bắt đền : Nên để cho ông Đông  cù . Vì  từ sáng đến giờ bọn  tôi  luôn thắc mắc, rằng  ai dẫn ông vô đạo  Tin Lành .Tôi giật  mình .Giang đôi khi có lối nói chuyện “dễ xa nhau ” như thế, nếu người nghe không biết bà ta đang đùa . Quả vậy, ông Đông tự ái : Cù, cô nói dễ nghe .Ổng  sáu chục chớ bộ sáu tuổi mà để tôi dụ dỗ .!
             Ông Nam bèn giảng hòa : Tự tôi thấy thích thì đi thôi . Rồi ông tâm sự tiếp .Ông đổ bệnh. Tình cờ gặp ông Đông . Gần ba  chục năm không liên lạc, vì ông này cũng phải vác khổ giá quá  nặng, chăm vợ bệnh nan y, sau đó  vợ mất, lại một mình nuôi hai con thơ .Ông Đông bàn ông Nam đi trồng lại mấy cái răng , vừa dễ ăn uống, vừa.. dễ coi , thì sẽ thấy cuộc đời … dễ chịu hơn .Trồng nơi con trai ổng nên được giảm giá dữ lắm .    Ông Đông còn tìm việc cho ông bạn cố tri , đó là tiếp khách ở quầy trồng răng của một  đồng nghiệp anh con cả .Nghỉ hưu lại có thêm việc , có thêm  chút thu nhập ngoài lương hưu, ông Nam làm  rất  tốt, chủ khách đều hài lòng .Lâu lâu đi chơi,đi làm từ thiện , chứ về là công việc luôn chờ. Hai ông cùng sống theo chế độ  “tân dưỡng sinh”, nên càng  có cơ  hội gặp nhau thường xuyên .
                    Một hôm ông Đông rủ ông Nam đi.. đưa đám ma .Một tín đồ trong họ đạo của ông Đông qua đời .Bà già này sống đơn chiếc mấy chục năm nay ,bệnh một cái là đi liền .Nhẹ nhàng. Bên đạo gọi là chết lành .Đoàn xe năm bảy chiếc chở hàng trăm tín hữu, rồi xe gắn máy dựng quanh kín khu vực hạ huyệt, nhìn quanh chỉ có vài người quấn khăn tang , nhưng ai cũng mặc đồ đen giống nhau,mỗi người cầm trong tay một cành hoa trắng, vẻ mặt thành kính nhưng không đau buồn mà thanh thoát, nhẹ nhõm .Tiếng thánh ca buồn buồn, nhưng không quá não nề .Khi quan tài vừa đưa xuống huyệt, bức chân dung của bà cũng được đưa theo, rồi những vành khăn trắng tháo ra khỏi đầu , rồi hoa trắng.Khi ông quay ra xe, ngôi mộ đã được đắp đất lên cao, người ta đã cắm lên chân một một cây thập tự bằng gỗ .Bà lão đã lên trời, được ở bên cạnh thượng đế của bà . Cõi đất này sẽ không còn ai nhắc đến bà .Không có chiếc bàn  thờ  bày ảnh bà để con cháu ngày đêm hương khói .Hằng năm  đến ngày này cũng không bận tâm cúng quảy, vì bà nào có về hưởng .Ông Nam nghĩ đến hoàn cảnh của mình .Một ngày kia rồi ông cũng như bà lão . Ông cũng mong được lên trời như bà . Ông kết luận ,giờ mình sống đàng hoàng để mai mốt được chết .. đàng hoàng .
           Sống đàng hoàng để mai mốt được chết  đàng hoàng .Cám ơn cuộc đời đã đóng cửa lớn,nhưng lại mở cho ông một cánh cửa nhỏ khác , để ông có chút hy vọng và niềm tin . Ông không muốn bị hăm he “chết xuống hỏa ngục” như Giang và tôi (dù có lúc Giang an ủi tôi : tao đã hối lộ …thượng đế rồi .Mai mốt ngài sẽ cho người thả xuống một …cọng hành hương để hai thằng mình bám vào mà đu lên trời !).Ông không muốn trở thành gánh nặng  cho bất cứ ai trong lúc này, ngày trăm tuổi  cũng không mong cháu cúng quảy, nhang khói .  Chị Hạ Em trách nhẹ ,nói vậy ,nhưng   còn cháu chắt họ hàng ở quê chứ .Ông cười  . Hai ông già ở  tuổi bảy mươi, thoạt nom có nhiều nét giống nhau, nhưng gặp gỡ lâu, mỗi ông có một vẻ riêng . Ông Nam thấp hơn,nhanh nhẹn hơn, tỉ mỉ hơn, nhưng  lòng  nhiều nỗi niềm . Cũng như Giang ngày còn nhỏ , gia cảnh khó khăn, ông được học hành tử tế là nhờ tấm lòng nhân ái của nhiều người , cha mẹ anh em ,bà con trong họ tộc, láng giềng , thầy cô , bạn bè .
              Tuổi ở bậc tiểu học, ông đã biết đi  trông giữ em cho mấy bà trong xóm, một baby-brother đúng nghĩa , mang tiền về cho  mẹ  mua gạo . Học lên, thì đi theo xe đò, thu tiền vé cho gia đình  bà cô trong họ  .Vợ chồng cô dượng   hiếm muộn ,  nhưng có  tới  mấy  chiếc xe  đưa rước khách từ ngoại ô ra Đà Nẵng .Đám  anh em nhà ông đều được bà dẫn  ra, cho ăn ở , rồi giao việc ngoài giờ  đi học .Người nào bà cũng khen chăm chỉ ,thật thà . Bây giờ ai cũng có cuộc  sống riêng .Ông thường về thăm ,nhưng rồi , cái chòi cuối vườn mãng cầu ở Thủ đức vẫn là chốn yên bình nhất . Giọng ông bình thản .Không gian như chùng xuống.Giang đã bấm remote để giảm âm thanh đài, chỉ còn nghe tiếng lửa reo trong bếp lò .Ngụm trà lá ắc-ti –sô vừa uống vào thì đắng,nhưng giây lát sau nghe ngòn ngọt trong cổ họng . Thôi, dù sao cũng là một  cách sống  .
                  Sáng nay thấy  thằng bé con chị chủ vườn dâu dùng một chiếc còi be bé  đeo lủng lẳng nơi cổ  để tập trung quân số, để mời các ông bà ăn bữa lỡ , để nhắc mọi người mang dâu lên sân nhà, rồi còn gọi con chó nhà tôi nữa, cao hứng thì đánh móc-xơ một mình , tất cả khiến  ông Nam chú ý .Ông truy tìm chủ nhân .Đó là vật kỷ niệm thời làm chị phụ trách đội ở trường cấp 2 dưới La Ngà-Đồng Nai  của tôi .Ông ngắm nghía chiếc nút thắt hình  hoa hồng kết ở cuống còi,  bèn cười , hỏi như đinh đóng cột ,hồi đi hướng đạo cô ở nữ thiếu đoàn nào .Tôi không nghĩ rằng một chú bé “vừa học vừa làm” ngày ấy lại còn là một hướng đạo sinh, đi từ tuổi thiếu lên tráng .Rồi ông phang thêm câu nữa, như trắc nghiệm xem  bà già này có đúng là hướng đạo sinh thứ thiệt không : Hồi ấy  cô nghĩ gì về “tâm hồn trong sáng ”của con người ? Tôi nhớ đến một câu hát trong bài Hướng đạo hành khúc Hướng đạo Việt Nam khó khăn coi thường .Luôn luôn ta bền gan, rèn tâm hồn trong sáng, dâng cho nước non nhà muôn đời, điểm tô cho xã hội rạng ngời. Tưởng ông già đùa, tôi bèn đọc ê a như trẻ  trả bài cho thầy giáo.  Tâm hồn người hướng đạo trong sáng là Trung thành với Tổ quốc và tâm linh, giúp ích mọi người bất cứ lúc nào, luôn luôn tuân theo luật hướng đạo. Đó là những điều lệ mà mỗi hướng đạo sinh phải ghi nhớ . Ông già trợn mắt cười. Tôi tưởng ông khen mình thuộc bài, không ngờ ông lại tra vấn .Nếu  cắt nghĩa cho học trò  trọn vẹn tinh thần của khái niệm này, cô sẽ nói thế nào ? Lúc này thì tôi ngần ngừ .Trong suốt những tháng năm đứng trên bục giảng, có khi phải về vị trí của đứa học trò , tôi gặp tính từ “trong sáng” đi theo những danh từ quen thuộc : Tiếng Việt , tình bạn, tình yêu ,tâm hồn .Nhưng rèn  cho học có tâm hồn trong sáng thì đây là  cả một quá trình  .Tôi nói ngay : Trong sạch và ngay thẳng .Ông bạn già lại cười . Nhưng đã đến giờ phải ra vườn, câu chuyện dừng lại
             Buổi trưa, sau khi lên nhà chị Mừng về, xem ông có vẻ bần thần .Tình cờ buổi hái xế chiều, tôi với ông Nam  được chia chung một luống .Ông khen tôi may mắn, vì được sống trong sự quan tâm của các anh chị thật dễ thương .Ông kể hồi nhỏ , với ông,người có tâm hồn trong sáng cũng là những  con người dễ thương ấy. Tuổi 12- 17, thỉnh thoảng  những sáng chủ nhật, xe nhà bà cô thường được mấy đoàn hướng đạo sinh thuê ra ngoại thành cắm trại , anh em Nam cùng đáp chuyến xe ấy về nhà. Bạn trong lớp có nhiều  đứa  thuộc  dạng con ông cháu cha cũng có mặt trong những thiếu đoàn này .Chúng nó đều học giỏi, nhanh nhẹn , đặc biệt rất chan hòa .Nhà cô dượng Nam  gần trường,  đám bạn đi hướng đạo ấy đôi khi kéo đến làm bích báo, tập văn nghệ, cả nấu nướng liên hoan tết và hè . Mỗi bận ôm thùng đi quyên tiền giúp đồng bào bị bão lụt, tụi nó đều  đến xin  bà cô mở hàng . Ông chú khen , mấy đứa này có tâm hồn thật trong sáng ,còn bà cô khen ,tụi nhỏ dễ  thương . Tâm hồn trong sáng là … dễ thương
          Thực ra , trước đó cậu bé Nam luôn thắc mắc về cụm từ này . Trong chương trình học môn Việt  Văn ở trường , bọn ông   thường gặp   những đoạn văn trích từ cuốn Tâm hồn cao thượng , tất cả đều răn dạy ,nhắc nhở lũ trẻ nghịch ngợm biết vâng lời thầy cô , hiếu thảo với cha mẹ , thành thật với bạn bè,  và cao cả hơn, sống trung thành với Tổ quốc . Những phẩm chất đạo đức cao quý ấy, trong nhà đứa nào cũng  học kỹ , cũng biết thể hiện qua  sinh hoạt hằng ngày   với một mức độ nào đó , tất nhiên là  chưa đủ . Bọn Nam có gì “nổi trội ”để được khen  “trong sáng”? Vậy “tâm hồn trong sáng”là gì ? Chẳng  biết hỏi ai , dù hằng ngày  cậu bé  gặp không biết bao nhiêu người, hành khách đi xe, người qua đường, bạn bè .
             Một hôm có  bà bán đồng nát ,ở quê ông,người ta gọi là buôn chai bao,  ì ạch chất hai giỏ  thép  to  đầy sách cũ lên xe đò, bất ngờ đổ ra ngoài mấy cuốn . Thằng bé Nam  nhiệt tình nhặt giùm, cũng là nhiệm vụ của  người  phụ xe, bà trả công bằng tặng mấy cuốn, cuốn nào cũng được, tha hồ  chọn .Nam vớ cuốn “Rèn nhân cách” chỉ vì sách được bao ni lông cẩn  thận, bìa lại có ép một đóa hoa păng-xê tím rất đẹp.Ý định của Nam là làm quà cho đứa em gái kế mình  vào chủ nhật về thăm nhà lần này . Xe đi về mấy chuyến, Nam thường mang theo sách vở, học bài, làm bài ngay trên xe, nhưng cũng có khi rảnh, thế là lật “món quà” ra xem . Tâm hồn trong sáng, hay cao thượng đều là những nhân cách cao đẹp . Đó là người sống  trong sạch, ngay thẳng .Ông  Hoàng Xuân Việt , tác giả  viết ra cuốn sách dán hoa păng-xê bảo thế .Nhưng cậu bé lớp đệ lục (lớp 7 ) bắt đầu ưu tư trước những giòng chữ : người có tâm hồn trong sáng thường giàu lòng nhân ái và sáng suốt, lại thường rơi vào cảnh thất thế ; còn kẻ quyền lực lại mù quáng và tàn bạo .Nam  mơ hồ linh cảm rằng, thế thì , người tốt thường thua thiệt . Trang sách khiến Nam bâng khuâng .
            Giang lúc ấy cũng hái gần đó. Bà ta xen vào : Bây giờ nói đến người có tâm hồn trong sáng, e đốt đuốc  tìm cũng không thấy .Giờ người ta sống khôn ngoan hơn . Nàng phân bua  Trước hết là chuyện tôn giáo. Mấy ông khôn ngoan , biết nhận bí tích rửa tội khi đã hiểu đâu ra đó, chứ bọn tôi hồi nhỏ, mới đẻ ra đã bị xách cổ vô nhà thờ . Giang thường đùa về gốc gác “đạo dòng” của mình ,đôi khi nó đùa “đạo đi lòng dzòng quanh nhà  thờ ”.Trong nhà, nó  thờ ông thánh Giu-xe, dưỡng tử của Giê-xu, thánh bổn mạng của người lao động, buôn bán .Những khi làm ăn khó khăn, thất bát, nó cầu khấn ông trối chết. Trong sáng là sự khởi đầu của khôn ngoan.
             Ngày gặp tôi ở trường cao đẳng,  Giang  bảo : Mày về phố  phải khôn ra ,đừng có lơ ngơ như mán lạc rừng .Người ở đây, nếu cần, họ lột áo mày ra xé lấy chỉ đó . Nó may mắn có một ông chú trong họ, từng sống ở Sài gòn này mấy chục năm, là kỹ sư công chánh trong sân bay Tân Sơn Nhất , vợ chuyên buôn hàng PX của Mỹ, gia thế vô cùng,  cả đàn đều theo học trường Pháp . Sau ngày giải phóng, họ phải trả ngôi biệt thự trong cư xá sân bay, ra sống trong một tòa nhà ba tầng ở đường Trần Quang Khải .  Chồng đi học cải tạo  chỉ trong khoảng thời gian rất ngắn, vì bà vợ khôn ngoan biết cậy dựa vào  vai vế  của những người bà con từ Bắc vào . Ông lại công tác nơi cơ quan cũ, vị trí có khác xưa ,  luôn đi  công tác xa .Bà vợ tham gia hội phụ nữ, thường phải  đi thăm các   đoàn  là người thành phố lên vùng kinh tế mới ở miền đông ,  nên thỉnh thoảng lại vắng nhà ,Giang được giao cho việc quản gia .Bà vợ sinh con thật hay, bảy  chàng con trai lộc ngộc, sau đó là hai  công chúa bé tí, đứa út còn tuổi bú sữa .
                   Ngôi nhà ba tầng, trước là nơi kinh doanh,  tiệm sửa xe,  ,hiệu ăn , viện tóc, nay đám con trai và chủ nhà sống ở tầng hai, Giang cùng hai bé út làm chủ khu lầu ba, có bếp và phòng khách .Lập tức cô nàng xin chủ nhà kéo  bạn bè, đồng hương về  thuê trọ ngay gian nhà trệt, vốn  dùng để cất xe, mấy chiếc Hông đa và xe đạp , cả một phòng trên lầu ba nữa.Sau này, bà thím  nhận cói và máy xe sợi ở  hợp tác xã phường , để  tập các cậu quý tử biết và yêu lao động, Giang nghiễm nhiên là .. phó giám đốc .Bà còn có chân ở  một cửa hàng thực phẩm tươi sống   trong khu phố, nên chuyện chợ búa Giang không phải lo lắng, có khi cô nàng còn cắt xén ít nhiều, mang ra chợ đổi .Học sáng chiều, trưa mang cơm theo, tối về còn tất bật chuyện nhà cửa, vậy mà không hiểu Giang lấy đâu ra thời gian, sức lực để chu toàn mọi việc . Ngày ấy, tôi lâu lâu được mẹ gửi cho mấy đồng, nhưng Giang đã chắt bóp được cả trăm,mua vàng, gửi bà thím .                        Nhưng rồi …
                    Một ngày vừa  mới vào năm học 1978-79 được mấy tuần , tôi đang có dự  định sẽ về Sài gòn mua bộ trống nghi thức Đội cho học trò, mà chưa biết nhờ thầy cô nào trong trường đi cùng , thì thầy Hiệu trưởng từ phòng giáo dục về , mang theo một trang giấy học trò xếp vuông vắn . Giang  viết vắn tắt là nhà chú sắp bị kiểm kê,  chú sai một người con gửi thư gọi Giang phải về để xác minh đồ đạc đang để nơi nhà chú .Trên  đường đi,  Giang thì bồn chồn lo lắng, còn tôi thì lại khấp khởi mừng .Mấy trăm đứa học trò bỏ công sức khai phá ngọn đồi hoang quanh trường, trồng nào khoai mì, nào chuối,  qua hai ba vụ , nay sẽ có một bộ trống thật bảnh .
               Nhà ông  chú Giang tôi có dịp ghé vài lần, thấy khung cửa sắt ở ngay đường cái luôn khép kín, nay lại mở toang .Nhiều người lạ từ trong nhà bước ra, khiêng theo nào là giường tủ, bàn ghế, đồ đạc .  Có một thằng bé ì ạch tha chiếc nệm mút to và dày, cu cậu đội lên đầu và kéo, trông như chuột trộm trứng .Giang hốt hoảng lao lên lầu hai, lầu ba . Toàn gặp người lạ .Họ đang hối hả gom góp những gì dùng được, bán được  vương vãi khắp nhà, rồi vội vàng mang xuống đường . Giang  kinh hoàng chận một người lại. Nhà này vượt biên rồi .  Không chừng giờ này đã sang đến tận  Mỹ đó! Gã đàn ông đầu tóc bù xù  nhe hàm răng vàng khè ra cười .Giang ngồi bệt xuống sàn, lưng đổ vào tường .
               Tôi đưa mắt nhìn quanh.Chỉ còn vương vãi áo quần cũ  và sách . Sách ngay cửa ra vào, sách gác  trên cửa sổ, sách trong  phòng ngủ, phòng khách, nhà bếp, cả trong toilet, sách ở mọi góc nhà, sách ngoài hàng hiên, sân thượng cũng có cả đống sách cũ .Tôi nhặt lên xem . Giang thều thào, bảo tôi đừng có thèm  ba cái đồ yêu tinh đó .Rồi nó nằm sóng soãi xuống sàn , mặt tái nhợt , mồ hôi túa ra ,nhớp nháp như người bị trúng gió .Tôi vội vàng  dọn chỗ cho nó nằm, xoa dầu , cạo gió , đi  tìm pha cho nó một ly nước chanh nóng,bắc nồi nầu cháo,  rồi thuê xe xích lô máy sang nhà chị Châu .
                        Trong đầu tôi nảy ra những luồng dự định cũng đầy “yêu tinh ”. Tôi sẽ .. gom hết “ba cái  đồ yêu tinh đó” về lập tủ sách cho học trò . Trường thuộc xã có lẽ nghèo nhất huyện Tân Phú  ngày ấy, vì tất cả đều  cùng quê vùng Ngũ Quảng ngoài  miền Trung  vào sau cuộc chiến 1972. Chính quyền cũ đưa họ đến  Xuân Lộc, Long Khánh, rồi hối hả xây trường học, ủy ban, trạm xá, quy hoạch khu dân cư với hàng trăm cái giếng rải rác khắp hai ngọn đồi , trải dài từ cây số 105-108 ven Quốc lộ 20. Đất được cấp, người dân tự dựng nhà, phát rẫy mà mưu sinh;  con trẻ đi học muộn , kiếm cái ăn,cái mặc đã khó, nói chi chuyện sách báo . Hiệu trưởng chủ trương :  sau mỗi tiết học , bất kể môn gì,  thầy cô hãy đọc sách cho học trò  nghe, sách phục vụ cho cuộc sống lại càng tốt .Giáo viên cấp hai, trừ hiệu trưởng dạy các môn Lý Hóa, còn tất cả đều từ xa đến và luôn trong tư thế … chuyển trường, nên hành lý họ mang đến chỉ là áo quần , vài tập vở để soạn giáo án ,làm sổ sách . Sách Giáo khoa thì trường cung cấp rồi .Tài liệu nghiên cứu thì.. trong đầu, mang các loại sách  khác xuống cũng không có thì giờ mà đọc .Nhiều thầy cô nhiệt tình với  học trò, thì cũng chỉ có dăm bảy cuốn. Hiệu trưởng nhiều lần chứng kiến đám học sinh thập thò ở cửa khu nhà tập thể của giáo viên sau  buổi tan trường  để mượn sách, thì ông nhìn và chỉ biết ngậm ngùi .
                    Tôi sẽ nhờ chị Châu  đưa  Giang  về nhà, cho nó ăn cháo,uống  thuốc,  còn tôi thì đi mua bao  tải đựng gạo  về gom sách,chở sang gửi nhà chị , rồi tôi sẽ chuyển về trường … từ từ, vì đưa từng ấy sách, có đến hàng nghìn cuốn, đi hơn trăm cây số, chắc chắn tôi phải mua  tới mấy cái vé xe Saigon-Dalat!Bụng nhủ thầm, rồi tháng lương này hẳn sẽ bay  sạch .Chỉ còn cách gửi thư xin tiền cha để dành .Vườn nhà  dạo này thuộc tập đoàn rồi, hai người  già lao động , bữa nắng  bữa  mưa , công điểm rất ít.Còn xin các anh ,họ vừa lập gia đình, con còn bé .
                       Nhưng thật là may. Chị Châu hiểu thủng vấn đề, tặng tôi một số bao dùng để đựng tiền của ngân hàng , rồi vận động các chị trong cơ quan bỏ nghỉ trưa, sang giúp tôi dồn sách, cột chặt .Tôi quên bẵng chuyện đi lấy trống ( đã nhờ người đặt từ trước ) nếu Giang không nhắc .Giang  cũng lừ đừ ngồi dậy , phụ tôi một tay .Chị Châu đã động viên nó một câu có giá trị bằng chục câu tôi khuyên nó từ sáng đến giờ , giúp nó mạnh mẽ lên .(Tôi khuyên thế này : Họ có lòng tốt mới  viết thư gọi mày về .Chắc họ phải đi gấp ,lại không biết nhờ ai chuyển tiền cho mày , cho nên mới … Thôi , biết đâu mai mốt họ giàu có, họ sẽ trả lại cho mày gấp đôi, gấp ba . Cái kiểu khuyên mà Giang vẫn gọi là bà già xưa ấy khiến nó nổi khùng , đạp tôi té nhào .Nhưng đúng là vừa rồi, những chàng trai lộc ngộc năm xưa đã gửi trả Giang món nữ trang ngày ấy , với lời cám ơn rất chân tình, gọi  cuộc vượt biên có  miracle, phép lạ ) Chị Châu chỉ nhẹ nhàng  an ủi nó,đại khái , người ta bỏ cửa bỏ nhà  đã gầy dựng cả cuộc đời ,mà họ không tha thiết, thì mình  tiếc chi trăm bạc . Người còn thì của còn, em ạ .
                    Càng may hơn khi tôi đang đứng lơ ngơ trước hiệu trống, tìm gọi xe, thì có hai chàng bộ đội rất trẻ, chạy đến , chào hỏi niềm nở  .Họ là con em dân xã Phú Lý, vùng chiến khu D mấy năm trước tôi về  làm công tác xóa nạn mù chữ , “ba cùng” trong nhà một người.Anh chàng này là bộ đội Đoàn 600, đóng ở Cát Tiên, cách trường tôi gần bốn chục  cây số , đang trên đường về đơn vị, tất nhiên là đi qua trường .  Thế là họ nhấc bổng cả  dàn trống  năm chiếc lẫn người lên xe , một chiếc GMC kềnh càng, thùng xe chỉ có vài chồng sô nhựa và mấy chục bao đựng vôi , khoảng trống đủ để cho tôi gửi gấm bộ trống nghi thức đội và  số sách mà tôi ( có các chị cùng Giang  hỗ trợ ) đã “chôm chỉa” được .
                        Về sau này,khi tôi theo  đạo , thì tôi tự lý giải thế này, tại thượng đế thương hại tôi nhịn đói từ sáng đến giờ, nên cử thiên thần bản mệnh đến cứu. Còn có người biết được “lý lịch” số sách ấy thì chế diễu tôi, thánh nhân hay đãi kẻ  khù khờ ! Tôi nhớ sau ngày Giang về quê,tôi nhận được thư Giang,một lá duy nhất, rồi bặt tin luôn , giọng  điệu đầy bi quan, than thở rằng nghe đâu gia  đình chú bị bắt giam ở Cà Mau,nhưng họ đang về Sài Gòn, vay mượn để đi chuyến khác . Hai vợ chồng đều đã qua đời .Ông chú  ngày còn sống về quê tận Hà  Tĩnh rất nhiều lần,  sửa sang lại  đình miếu,bia mộ gia tộc , và bỏ công viết một cuốn gia phả họ Đinh của  Giang rất công phu ,như một lời tri ân và chuộc tội .Nhưng Giang không vui , bảo ở nhà ông ấy cả năm, chăm nom đàn con cho họ như cháu chắt mình, mà ông  chỉ giành cho Giang một giòng : giáo chức, đã bỏ việc .Có người xem nghịch ngợm thêm vào chữ “dứt cháo”, Giang cũng chả buồn dùng bút xóa bôi đi .Tôi biết Giang vẫn không nguôi nỗi ân hận vì đã “dứt cháo”, bỏ việc về quê ,quá sớm .
                        Hồi ấy, tôi khuyên Giang nên tỉnh táo, nhưng Giang quyết liệt lắm, cho rằng  mình luôn sáng suốt . Nhiều người tiếc cho Giang . Về dạy ngay trường huyện, xinh đẹp , trẻ trung ,nhiệt tình, hiểu biết, tôi luôn  nghĩ Giang sẽ tiến xa . Ước mơ của nó là sẽ “lập làng” ở vùng Định Quán này :  dựng ngôi nhà nho nhỏ, cưới một ông thầy cùng nghề, rồi sáng sáng dẫn con đến trường,chiều ra vườn cuốc đất trồng rau .
                   Trường Giang không liên quan đền trường tôi, nhưng nó luôn xuống trường với tư cách “tháp tùng cán bộ thư viện của phòng giáo dục huyện ”.Trường tôi nằm trong xã nghèo nhất huyện nhưng cơ sở vật chất rất khang trang , có hẳn  một gian trong khu văn phòng bỏ trống, dạo chúng tôi chưa về trường công tác, cho phòng giáo dục huyện mượn dùng dưới dạng ngày nay gọi là công ty thiết bị trường học .
                  Gian phòng có một cửa ra vào, hai cửa sổ,đóng kín,  nẹp cứng nhắc, nhưng dưới chân tường ,phía hướng ra vườn trường, lại có ba bốn lỗ hổng, mục đích là thông gió, đã được  bít lại bằng những viên gạch lớn .Bít sơ sài thì  rồi có lúc nó  rơi ra . Tôi và  một chị nữa, về trường  giáp hè, rảnh rang không gì kể hết, ngày nào cũng ra đây tìm chuối và mít rụng, phát hiện ra chỗ gạch rơi. Bò người ra nhìn vào thì thấy bao la sách,chẳng thùng,chẳng kệ gì cả, ngổn ngang khắp gian buồng có ánh sáng nhờ nhờ từ khung  song  sắt gắn  gần mái tôn . Trước khi giúp Phòng  trả viên gạch về chỗ cũ thì hãy … Hai đứa lui cui moi ra, nào là Nhật ký trong tù, là Đất nước đứng lên,là thơ Tố Hữu .Giấy rất rắng và dày, in rõ , sách cuốn nào cũng rất đẹp, moi cho mình một bộ ,  sẽ tặng cô bạn A một bộ ,cô bạn B một bộ …
                Đang ở trong tư thế không giống một cô giáo chút nào, thì có bóng người đổ  xuống đống sách. Hai tên ăn trộm hoảng hốt quay  ra . Hiệu trưởng. Hai cô giáo trẻ lấy hết  can đảm ,ngượng ngùng đứng dậy,mặt đỏ bừng.Giá mà mặt đất khô cứng này có lỗ nẻ cho chúng tôi chui xuống.Hình như tôi nhớ cả hai lắp bắp lý giải rằng vì thấy cái cục gạch rơi ra ,sợ rắn chui vào.. cắn sách  (mà sau này, khi gian phòng ấy là chốn ăn nghỉ, làm việc của bốn cô, rắn cũng vào thăm mấy lần từ những cái lỗ hổng đó, có khi chúng nó còn định cư trong rương quần áo của chúng tôi nữa !) Bụng thì kêu thầm, sao ông không đi cổng trước mà vô trường như mọi khi ,lại đi cái lối sau .
                  Trường nằm trên đồi, bao quanh là những vườn toàn khoai mì ( xã Phú Ngọc  của chúng tôi ngày ấy còn được gọi Phú Sắn) mặt tiền có cổng trường, vườn giáp Ủy ban, trạm xá, còn hai bên hông và phía sau  giáp các thôn trong ấp, hàng rào là những bờ chuối. Có bao nhiêu con đường  từ các thôn ấp  dẫn đến trường thì có bấy nhiêu … lối vào trường , vì lũ trẻ  cứ chờ  kẻng một mới ba chân bốn cẳng ôm  sách vở chạy, cách đến lớp kịp giờ là vạch bụi chuối chui qua !.Hiệu trưởng cũng theo lối ấy đi, trông lúc nhân tiện ghé thăm  nhà những phụ huynh nào đó .Ông chìa cho chúng tôi một túm bắp.vừa luộc  chín, vừa còn tươi .Người cho đã cẩn thận lột lớp lá bên ngoài, cột gọn gàng những trái chín và sống .Tay ông cũng còn túm y như thế .Rõ ràng ông có ý đồ chia sẻ  cho hai “tân giáo viên ”này từ nhà chủ ,chứ không phải vì thấy chúng tôi… mà ông vào .Ông khen hai cô nhiệt tình , vờ liếc cái lỗ hổng không có cục gạch,vừa nhìn quanh ,ừ , mùa mưa về, rắn rít bò lung tung,các cô có đi ra vườn nhớ cầm cái cây nghe .Rồi ông vòng qua sân trước,hướng về phía  văn phòng .
                           Hai đứa tôi quýnh quáng theo sau,ấp úng , thầy, bọn em… moi  mấy quyển đọc rồi… trả lại thôi,thầy đừng..la .Lúc này ông quay lại ,nhìn bốn bàn tay chỉ có chùm bắp,ông lại la  to : Ủa,thì đem sách dzô nhà đi chớ .Để ngoải mưa ướt hư hết .Rồi ông cười độ lượng. Các cô  có  biết ông Các Mác nói gì không?Ăn cắp (ông nói nhỏ ) là có tội .Nhưng  việc lấy sách thì..ngược lại .Các cô cứ giữ mà đọc. Ông loay hoay tra chìa khóa vào ổ,  lưng quay về phía chúng tôi .Sang năm tới, Phòng (giáo dục huyện )  sẽ trả lại gian đó để  chúng ta mở rộng nhà tập thể, thế nào họ cũng tặng mình vài bộ .Nhận trước thì khỏi nhận sau .
                  Đúng như ông nói . Hôm Giang cùng hai cán bộ Phòng về trường  chở sách đi , họ  vui vẻ mời chúng tôi chọn lựa những cuốn tùy thích, tám thầy cô đều lắc đầu từ chối .  Phần lớn là sách giáo khoa  cấp 1,2 .   Những cuốn tùy thích thì … Hiệu trưởng nhìn các đồng nghiệp trẻ, cười cười ,như bảo , các cô này bưa rồi . Mỗi người được tặng một hộp phấn trắng  của Unicef. Phấn cứng, mịn,viết bảng rất rõ nét .Chúng tôi dùng dè sẻn, chỉ  những tiết dạy quan trọng .
                Hôm  nay,từ chiếc nút dây hình hoa hồng , ông Nam khiến  tôi nhớ  về những con người có tâm hồn trong sáng và những kẻ sống khôn ngoan.
               Lời thề mà  mọi hướng đạo sinh ghi nhớ : Trung thành với Tổ quốc và tâm linh, giúp ích mọi người bất cứ lúc nào, luôn luôn tuân theo luật hướng đạo,đó là cách để rèn một tâm hồn   trong sáng . Các anh chị tôi đều là những thầy cô giáo .Con đường họ đi thật cao đẹp, vì ngày ấy, thầy cô dạy học trò, bác sĩ và binh lính được hưởng một chế độ lương khá cao,( sau này  có người giải thích là để tránh tham ô ) được xã hội trọng vọng , dù các anh tôi có lúc chép miệng :  thì cũng quanh quẩn cái vòng danh lợi .Mục tiêu của họ xem ra đơn giản .Học  hành đỗ đạt,   ra làm việc, cưới vợ ,sinh con , nuôi dạy con .  Nhưng  như thế cũng là .. trong sáng rồi .
          Lên lớp 10, khi tôi   phát hiện ra giòng chữ  anh Thạch dán rất khéo léo trên các cánh của chiếc  đèn ngôi sao vàng, được bọc kín bên ngoài bằng chiếc đèn kéo quân, lúc chị  Hạ Em mang ra lau chùi đèn  : Yêu Bác lòng ta trong sáng hơn , và rồi khi tôi được anh tặng cuốn sổ tay  đóng bằng giấy pơ- lua nhiều màu , với lời dặn cũng bằng câu thơ ấy ,ngày tôi chuẩn bị xa nhà để làm cô giáo ,thì tôi hiểu hai từ  “trong sáng”có cái gì đó rất thiêng liêng, cao cả . Việc học dang dở vì anh  gặp nạn .Anh chưa kịp làm quen một người bạn gái thân yêu ,nhưng anh đã sống và dạy cho tôi sống một cuộc sống thật đẹp và ý nghĩa ở tuổi thanh niên của anh và tôi .Chắc chắn  tôi chưa  sống  trọn vẹn  Yêu Bác lòng ta trong sáng hơn như anh  mong mỏi .
           
             Tiếng gọi của Giang khiến tôi giật mình. Nè ,Xí, cô LK mặc cái váy này, có giống váy bà Kenedy diện  từ hồi bả 16 tuổi không .Tôi ngơ ngác nhìn lên màn  hình ti vi  , còn Giang thì giải thích với mọi người ,lâu rồi,em với nhỏ này  có thấy ảnh cô nàng  trong một cuốn sách … Tôi nhớ ra rồi .Lúc thu dọn sách ở nhà ông chú của Giang . Tôi đang loay hoay chất sách vào bao thì Giang ném cho tôi một cuốn đã mở rộng, bảo,  mày  cất quyển này mai mốt may  cái đầm giống như vầy mà mặc. Giọng không có gì là mỉa mai,mà đầy mong mỏi . Các chị bên ngân hàng cùng chụm đầu lại xem .Nàng Jackie tuổi tròn trăng xinh tươi,duyên dáng với chiếc váy bung xòe , dài phủ gót chân ,eo thật nhỏ,  mái tóc nâu bồng bềnh, tràn nhựa sống .Hôm ấy Giang như sụp đổ trước cảnh ra đi của nhà ông chú, nhưng trong lòng vẫn giữ những ước mơ thật trong sáng  .Giang thật thông minh,tấm ảnh chỉ nhìn qua một lần là nhớ .Khát vọng đầy  màu sắc tiên tri .
                    Quyển sách  to và dày  ,tôi mang về trường, trò chưa đọc đến vì các thầy đã mượn làm … gối . Bốn nam giáo viên ( kể cả Hiệu trưởng ) chia  nhau ¼ lớp học ,nằm sau dãy tủ  đựng hồ sơ của nhà trường .  Văn phòng, nơi làm việc của Ban giám hiệu chiếm một nửa .Góc còn lại , là … thư viện trường,lèo tèo vài bản đồ, mô hình chim cò, cơ thể người. Thư viện còn gom nhỏ  trong “ long sàng” của thủ trưởng ,đó là  một chiếc rương gỗ cao và to , trong ruột chứa những bộ sách giáo khoa phục vụ cho giáo viên, và những đồ đạc riêng tư của thầy  giáo góa vợ ,có cậu con duy nhất đi bộ đội,nên  lấy trường  là nhà .  Và ba  chiếc giường nhỏ  cho ba ông thầy  gầy gò chưa vợ. Một chiếc bàn học trò kê giữa hai dãy giường và rương,trên bàn kẻ sẵn ô cờ tướng . Hiệu trưởng bộn bề công việc, chỉ có ba thầy, và rất thường xuyên mỗi tối, một cán bộ  dạy bổ túc văn hóa của xã, tối nào cũng tạt qua đây,  chơi cờ .Trong lúc bên này bọn tôi chúi mũi bài vở ,thì bên kia vách, lâu lâu lại   nghe tiếng quân cờ gõ mạnh trên bàn, tiếng cười khe khẽ của các thầy ( cười to sẽ bị gõ vách nhắc nhở ngay ) “Nhà các thầy”xem ra khá thoáng đãng so với “nhà  các cô”,nhưng  bước vào là ngửi thấy mùi thuốc lào khét lẹt( trên bàn đặt  sẵn một chiếc điếu cày  nho nhỏ ), mùi mồ hôi khăm khẳm, còn nhấc mùng lên ( luôn đu đưa  mỗi góc giường, đến tối chỉ một thao tác là giương xong ngay) đám muỗi bay ra vu vù .Chị Năm ,y tá trưởng bên trạm xá, thỉnh thoảng tạt qua dặn thầy cô uống thuốc ngừa sốt rét, hay tiêm chích cho người nào bị cảm, hay chỉ tạt qua chơi thôi ,đều luôn miệng so sánh .Sao bên các thầy rộng mà nóng quá .Bên các cô chật mà mát .Các thầy cười khoái trá ,chị ơi , vấn đề là ở chỗ … đó đó .Chị y tá tuổi ngoài ba mươi, vẫn còn độc thân vui  tính, biết  ngay mình không thể thắng những cái mồm của các gã “dứt cháo”lém lỉnh, bèn đỏ mặt,vùng vằng bỏ đi , sau khi buông một câu : Mấy thầy, thiệt tình ! Đó là những con người có tâm hồn vùa trong sáng,vừa khôn ngoan, mà về sau, tôi khó gặp lại những tập thể như thế .
                 Giang  vừa than rằng bây giờ nói đến người có tâm hồn trong sáng, e đốt đuốc  tìm cũng không thấy, nhưng tôi vẫn thấy đấy chứ . Những đồng nghiệp dễ thương ở La Ngà của tôi .Tôi thấy  đội quân hái dâu đủ mọi thành phần nam phụ lão ấu mướt mồ hôi một ngày trời để giúp chị vườn dâu tận thu vụ quả chín . Sau đó ,họ lại hì hục phụ Giang chuyển dâu về “lò mứt”.Hai ông “tân dưỡng sinh” mới đến Daat một đôi lần, mà dám cưỡi  Dream thồ dâu từ Lý Nam Đế ( con đường ngang vườn dâu ) về Mai Hắc Đế (nhà Giang ) vì hai vị hoàng đế này  từng … quen biết nhau .Ông  Đông  cứ mỗi buổi  nghỉ giải lao là ca cẩm  mon đit et mon cẳng sont ê xờ . Thằng bé thổi  còi học lớp  tám nhanh chóng dịch sang tiếng Anh cái câu than nửa tây nửa ta và đậm chất chơi chữ của ông già . My backside and my legs are tired .Ông Nam thì ngâm nga lúc ngả mình trên hiên nhà Hạ Em,ngắm hoàng hôn đang buông dần bên kia đồi Đến khi chiều xuống , dù quá mệt kiếp người, thì còn gì , ta cứ vui ,để gió cuốn đi .
                          Vâng . Thì  còn gì , ta cứ vui .Đấy là cách sống thật trong sáng và  khôn ngoan , dù phải chấp nhận mon đit et mon cẳng sont ê xờ .
                                                                    NGUYÊN XUÂN
                                                                                                                Dalat.


.
           
           
               

No comments:

Post a Comment