Friday, August 5, 2016

chiếc nỉa đập đất

                                              CHIẾC NỈA ĐẬP ĐẤT .
    
               Những luống đất ngày xưa được mẹ tôi “ưu ái”may mắn nằm ở vị trí giữa vườn,xa đường đi của khách bộ hành,nên không tạo ấn tượng…thoang  thoảng khó tả cho kẻ qua người lại .Bây giờ, một góc thung lũng này như   được vây kín trong hai  khu nhà lồng đẹp đẽ, chắc chắn, rộng rãi( chủ nhân đã phá hết các bờ ta luy, lấp hết mấy con mương nhỏ) đối diện với dãy nhà trọ của vợ chồng cậu Bé. Chiều chiều,  tôi thường bắt gặp đám sinh viên trẻ kéo nhau ra hiên, ngắm vườn, đàn hát , hít thở bầu không khí ngọt ngào  thấm đẫm hương hoa lá cao nguyên.

          Ngôi nhà sàn “một thời vang bóng” đã từng hằn sâu vào trong ký ức tuổi thơ tôi không biết bị  dời bỏ từ lúc nào, có lẽ vào thời điểm tôi bắt đầu đi học xa ,vườn được đưa vào các tổ vần công đổi công của hợp tác xã,của  tập đoàn sản xuất ,  có tới bốn năm người chủ . Những vật liệu từ ngôi nhà chòi ,có mái lợp ( từ thùng thiếc đựng nước mắm,được thay bằng tôn mới ) có vách ( cũng từ thùng thiếc được thay bằng ván thông ), cột nhà, rui kèo, được cha tôi tận dụng làm chuồng chó, chuồng gà vịt . Mãi về sau này,khi cha tôi đã qua đời, tôi vẫn đọc được những giòng chữ bằng phấn trắng hiện lờ mờ trên những tấm ván thông đen mốc theo năm tháng . Gà  vàng mơ ấp ngày mùng 3 tháng 2 ta,70.  Heo đẻ ngày rằm tháng 6 ta,68. Sú  để giống  ngày 17 tháng giêng ta 69.Cách ghi nửa âm , nửa dương ,nét chữ cứng quèo,đó là “bút tích” duy nhất mà cha tôi,một lão nông ,vốn quen với cung cách một “hai lúa”, để lại .Thế là lúc  ngồi trong chòi, ông  đã thao tác không  chỉ “ nhất cữ lưỡng tiện” mà tới … tam tiện . Đó là cách “thông báo ” cụ thể, kịp thời cho mọi người trong nhà , trừ  mẹ tôi !
            Trong cuốn sách ghi lại sự phát triển của ngành trồng rau Dalat từ 1928 đến 1958,người con ông Xu Hiến có kể rằng tại Canada, trong một khu trưng bày cổ vật , tác giả đã bắt gặp một căn nhà vệ sinh nhỏ của nông dân vốn từng được dựng trong  khu nông trại nhà họ  . Tôi bỗng mơ ước, giá như quê tôi, một miền quê trồng rau rất lâu đời của vùng cao nguyên giá lạnh này,có thể làm được như thế . Bởi vì đó là nét văn hóa riêng của người dân ở đây .Tôi đã mấy lần ghé tham quan nhà văn hóa làng hoa Hà Đông, ngắm nghía những hình ảnh (rất hiếm hoi)những nông cụ (cũng nghèo nàn) của những ngày bắt đầu cuộc sống mà họ đã từng gánh theo tên xã, tên làng trong mỗi chuyến di dân .(thơ Nguyễn Khoa Điềm)Chắc chắn không một ai nghĩ đến việc mang trưng bày cái món từng bị xếp vào diện ô uế kia  vào một tòa nhà đẹp đẽ,bề thế,ngang hàng với đình chùa miếu mạo  trong thôn ấp .Mà ý tưởng này có đi đến quyết định của cấp lãnh đạo Làng  hoa ,thì cũng không biết ..tìm ở đâu , khi nhà nhà đều đã đưa những công trình xem như phụ ấy vào trong nhà mình, có khi còn  lên tận buồng riêng trên lầu cao !
                   Vợ chồng chị Thủy đã “chấm”ngay  mảnh “địa lợi”(có ngôi nhà sàn wc),vì họ từng biết rất rõ giá trị hiếm có của nó .Mấy chủ kia,ai nấy đều tỏ ra tức tối  dữ dội.Mỗi lần về thăm nhà, đứng trên sân nhìn xuống -mỗi mảnh đất một chủ, mạnh ai nhà nấy gieo trồng một loại  rau ,nên cả khu vườn  rộng trông như chiếc vỏ  chăn  khổng lồ được nối bằng nhiều vuông vải vụn đủ màu sắc,  thứ vải may   gia công được thải ra ; có những mảnh  vườn,người chủ chỉ chú tâm  chăm sóc cây cối trên luống rau , còn um tùm bao quanh toàn là  cúc bò ,mắc cỡ ,gừng dại ,bồ công anh,cả  ngũ sắc,thường được trồng làm hàng trào ,nay cũng mon men bò ra vườn,thì  người ta chẳng  buồn đầu tư cuốc  dọn ,trông như thể những  chiếc giường ngủ sang trọng đặt giữa bãi cỏ hoang-  không hiểu tại sao tôi luôn có cảm giác trống trải,bâng khuâng.
                Bây giờ ,khu vườn nằm ngang với khúc cuối  con đường ,phần giáp đình làng được đổ bê tông,phần cuối từ đất nện  được nâng cao bằng mấy lớp xà bần, nối  hai “đường cái quan”trải nhựa rộng dài là Trần Khánh Dư và Lý Nam Đế, chỉ trồng luân canh những thứ rau cao cấp của Đalat : choux fleur (cải bông ) , bina( cải bố xôi )… Công việc vô cùng nhẹ nhàng, vì công nghệ hầu hết  đã làm thay sức lao động của con người. Tôi để ý, hễ sau mỗi vụ sau , cô em dâu chỉ việc đeo chiếc bình   xưa dùng để phun trừ sâu rầy , nay pha thuốc diện cỏ ,chui vào nhà lồng ,loáng sau đã thấy ra, vẻ mặt thư thái,vì …thế là xong .Trước đây, cha mẹ tôi phải huy động hàng chục con người ra vườn, cuốc dọn ròng rã cả tuần .Phải dùng cuốc có lưỡi rộng,mỏng và bén cuốc  sạch cỏ dại mọc rất dày phần chu vi mảnh vườn .Sau đó, khi những chú  làm công khỏe dùng vá ,nỉa xốc từng búi cỏ nặng cả đất gánh đi đổ  thành từng đống cuối vườn,thì  đám các cô,các chị ,có mẹ tôi , mỗi người một chiếc ghế gỗ nhỏ xíu,  tay cầm bay ,liềm ,ngồi cắm cúi gom nhặt cỏ , gốc cây,lá thối sót lại.Không được dùng cuốc, vì có thể lớp đất màu mỡ trên luống rau sẽ bị cuốc theo cỏ .Đống rác đặc biệt cuối vườn cao dần .Đó là nơi sinh trưởng của giun dế.Anh Đa-nuýp xanh và cậu Bé nhà tôi có hẳn một cái chum đặt cuối vườn,cách nhà dăm bước, để chăm  nom những con vật tốt số này .Dế chỉ có mùa,còn giun thì quanh năm .Đó là thức ăn ngon cho gà vịt quanh nhà .Bây giờ,chu vi vườn nhà lồng luôn bóng sạch như nền nhà, cỏ  dại ít hơn, thì hóa chất đã dọn giùm.! Vài ba hôm sau ,cũng chỉ mình cô em dâu vào ,lom khom vài vòng trong vườn, để gom những cành cỏ cao, những búi rau bị già “ngoan cố” với thuốc, đựng trong chiếc, nhẹ nhàng tấp lên bờ mương  .Rồi hôm sau,một chiếc máy cày đất được đưa đến .Chỉ hai tiếng đồng hồ, không hơn, cả khu đất đỏ được  cày bung lên, mất mịn màng.
         Ngày xưa,nỉa đập đất là công việc nặng nhọc nhất,vì đây cũng là khâu khá quan trọng trong vụ mùa .Khi dọn cỏ, đám trẻ con chúng tôi có thể tham dự,nhưng  ở khâu  nỉa  đập thì dù có mon men đến cũng bị xua đuổi . Nỉa là một công cụ lao động mà nhà nào càng nhiều vườn, càng  gom góp dự trữ như vàng bạc vậy .Nó  có hình dáng chẳng khác chi  chiếc nỉa người phương tây dùng như người Việt dùng đũa,nhưng dĩ nhiên là to hơn, nặng chắc hơn,bằng sắt, có thể đỡ được khối đất vài ba ký , những chiếc răng, đặc biệt ở giữa,được đúc nhọn và sắc,vì đây là bộ phận quan trọng của nỉa .Cán nỉa dài ngang đầu người, được nêm chắc chắn .Cán làm bằng  thứ cây người  dân tộc ở Lạc Dương chặt đốn từ trong Langbiang mang ra đây bán theo bó, nhà tôi cũng dự trữ như phân tro các loại .Có lần tôi đã ăn trộm một chiếc trong bó để làm gậy hướng đạo.Cha tôi biết được ,không đòi lại,không la mắng, mà chỉ nhẹ nhàng hứa , để cha dặn họ tìm cho con một cái cán khác nhẹ hơn.Rồi cha lại mang sang nhà anh Thạch, nhờ anh khắc  lên góc cán chiếc hoa bách diệp, hoa biểu tượng của hướng đạo sinh .Chiếc gậy ấy tôi vẫn cất giữ ,như lưu lại những kỷ niệm đẹp về người cha thân yêu . Cán nỉa  càng chắc nặng,  khâu nỉa càng đảm bảo .

           Góc thung lũng lúc vào những ngày đất được nỉa thật rộn ràng, chứ không chỉ có hai người,một ngồi  chễm chệ trên yên máy cày,một lóng ngóng đứng từng góc vườn, giúp người lái định hướng đường đi, và tiếng máy cày nổ bành bạch lạc lõng  vang lên giữa không gian yên tĩnh của làng quê  .
             Mỗi người   một chiếc nĩa, hăm hở vác xuống vườn, như bộ đội vác súng đi hành quân vậy.Rồi ai luống nấy , cắm nỉa dựng đứng thẳng góc 90o  với  mặt đất, chân này trụ , chân kia dùng hết lực đạp mạnh lên thành  nỉaa .Càng đứng thẳng và đạp mạnh  bao nhiêu, tảng đất  được đào lên càng to, công việc càng tiến hành nhanh chóng .Người nỉa đứng đối diện với tảng đất,nhưng lùi về sau một chút để úp nỉa lại,  dùng mu trong đập mạnh, đánh bung khối đất to nặng ấy ra , đánh làm sao cho đất nhỏ mịn mới thôi .Lại  xắn một tảng khác .Cứ thế hết luống này, ,lại sang luống khác  . Lúc ra  quân, nam nữ thẳng ngang một hàng trên mảnh  vườn,nhưng dần dà các chị em bị bỏ xa các anh .

            Tôi và cậu em ,nếu không phải đi học,có nhiệm vụ mang nước chè và khoai lang  luộc ra vườn cho mọi người. Bà bác có hôm cũng  xắn quần,đội nón lá, mang rổ đi theo .Vườn vừa thu hoạch cà rốt hoặc khoai tây, có rất nhiều củ bị bỏ sót, lại là những củ tốt .Có khi người đào xén mất một góc, hay đứt đôi củ ,cứ xuýt xoa .Số rau mót ấy để dành ăn dăm  bữa.
          Anh Đanuýp xanh thường  gia nhập đội quân nỉa đất này , nếu anh không bận đi học.Có hôm anh còn rủ một vài người bạn,cũng con nhà nông như anh ,đến cùng .Họ nỉa đập không thua các chú làm công nhà tôi,dù khi  nghỉ giải lao  thì thở phì phò.Anh hỏi tôi , mi đã lần nào nhịn ăn để gây yêu sách với cha mẹ mi chưa .Ô, việc này  thì chị Nhụy đã làm, còn tôi thì chưa … có cơ hội thực hiện  . Anh bảo ,có cách này hay lắm nghe ,nhịn ăn cơm cả tuần mà không sao cả .Tôi và cậu Bé dỏng tai lên,chờ đợi. Anh thì thầm,  tụi bay bỏ đường vô nước chè, càng đặc càng tốt .Rồi luộc thêm chừng chục cái trứng hột vịt lộn. Mỗi ngày chiêu một bình tích (loại ấm pha trà ngày ấy ), quất thêm vài các trứng,là êm ru.Thằng em tôi thắc mắc, thay trứng gà lộn được không .Nhà tôi ít khi nuôi vịt,mà gà thì đẻ ấp thường xuyên, trứng lộn được ưu tiên cho nhóc út .Cu cậu ngồi thẳng lưng lên, mắt  sáng bừng,  dấu hiệu trong đầu đang toan tính chuyện hệ trọng. Tôi thắc mắc,anh  thử chưa mà biết, anh cười cười .Không ngờ cha tôi ngồi hút thuốc lào gần đó nghe hết .Ông nạt, anh đừng bày dại cho em !
           Anh ngày ấy có dạo  đi đâu biệt tăm cả tháng trời , bảo đi Saigon làm  thêm , sau này tôi mới biết anh  là một thành viên của đội biệt động trong đó . Mấy chú làm công thắc mắc, nghe nói Sai gòn dạo này đàn ông được chở đằng sau xe đạp, xe gắn máy cũng ngồi một bên y như các cô mặc đầm,áo dài ,phải không anh ? Một chú khác tỏ ra hiểu biết ,thì tại vì  họ sợ ngồi hai bên thì ôm lựu đạn trong bụng, rồi đi qua xe các ông lớn thì ném, cho nên mới đặt ra cái lệnh này .Anh Đanuýp xanh cười tủm tỉm ,tui chưa hề chở  đàn ông, mà chở  quý cô không hà ,nên không để ý . Lúc này thì chị Nhụy (cũng thường có mặt trong đội quân  nỉa đất,lượm củ)trề môi,dóc tổ.Họ cùng tuổi với nhau, chuột đực, chuột cái, nhưng có lẽ mải mê đeo đuổi lý tưởng, anh  chưa kịp nghĩ đến chuyện xây một ổ chuột  như bà chị của tôi .
           Anh ghé nhà tôi thường xuyên,có khi chui vô phòng  các chú làm công ngủ ké nữa. Anh  xưng hô với cha mẹ tôi và mọi người trong nhà y hệt chúng tôi,khiến đã có người nhầm anh là con cái trong gia đình   .  Anh tâm sự ,anh xa nhà lâu ngày rồi, giờ anh ở đây , coi mọi người đều thân thuộc để có thêm sức mạnh . Sức mạnh gì , tôi không hiểu . Sau ngày Đalat được giải phóng, rất nhiều chàng bộ đội trẻ  đến nhà dân trong ấp tôi chơi, họ cũng đều xưng hô thân thiết như thế. Ban đầu,có những chủ nhà ngỡ ngàng, nhưng rất nhiều người tỏ ra  rất cảm động . Sức mạnh là thế đó .
               Sau khâu đập đất là khâu lên luống . Mỗi người đàn ông một chiếc vá to, cứ nhắm theo hướng căng dây đóng cọc định hình luống của cha tôi để xúc từng vá đất đầy, úp lên luống .Những cái rãnh hiện lên, sâu dần giữa các luống đất,đứng trên đồi nhìn xuống trông như những phím đàn đều đặn khổng lồ của  chiếc piano.    Rồi rắc vôi, rải phân .Hai công đoạn này, dù vườn thường hay nhà lồng thảy đều giống nhau .            Anh Đanuýp xanh không ngại ngần bóp vụn những cục phân trong  trấu và tro ( đó là cách người dân Phan Rang  trá hình phân …caca)đem trộn với phân bò, phân cá. Khi các chị lè lưỡi thì anh bảo ,ô,thì cũng là phờ ân mà !
          Ngày  nay , cảnh đem cây ra vườn trồng rất  vui,nhưng tôi vẫn thích không khí ngày xưa .Cây không được chủ các trại cấy mô gieo sẵn theo đơn đặt hàng,mà cha và mẹ tôi chịu trách nhiệm làm công việc này . Hạt giống bé  hơn cả những hạt sạn đôi khi lẫn trong cát được ngâm ủ nẩy mầm, rồi gieo lên giàn,  một luống đất đặc biệt kế bên hiên nhà bếp . Đó là một hộp gỗ hình chữ nhật, có hình dáng và kích thước của một luống đất, bốn cạnh và đáy được nẹp bằng ván dày, còn bên trong hộp , cha tôi đổ vào đó những thúng đất đã được đánh thật tơi, được trộn  nhiều thứ phân, Gọi là giàn vì “hộp” được đặt trên một bệ đỡ bằng những  cây cọc dựng khá chắc chắn.Hạt sau khi gieo được đậy một lớp cỏ khô mỏng , tưới nước, theo dõi hằng ngày . Đêm hay lúc  trời mưa , cha tôi đậy lên giàn một tấm tôn trừ sương muối, mưa đá ; ngày thì giăng lưới,  đề phòng chim trời bay   đến nhặt hạt .Cây lên được chừng ba bốn lá ( người dân gọi là lá gương) thì bàn tay nhẹ nhàng, mềm mại của mẹ sẽ khẽ khàng nhổ từng cây , trồng sang mấy luống, cũng kế bên hiên nhà, trồng cách nhau một ngón tay , gọi là “dâm”.Hai tuần sau,khi  lớp cây ấy có thêm dăm ba chiếc lá nữa, thân và rễ đều phát triển,  cánh phụ nữ lại thận trọng bứng ( đào cây có cả đất) đem đi trồng ,anh Đanuýp xanh gọi là “xuống đường, xông pha trận mạc”. Cả nhà tôi , trẻ già lớn bé đều ùa ra vườn. Người đầu tiên  dùng  thước ( một mẫu cây quì dại cha tôi đã đo sẵn, để phân chia cho đều cự ly trồng cây, tùy loại rau ) và bay nhỏ (giống chiếc muỗng nhưng cán ngắn và mũi khá bén) khoét lỗ trên luống . Người tiếp theo bưng thúng đi bỏ cây ( đặt cây theo dấu bay đánh sẵn ).Người thứ ba mới đào thêm lỗ bay đánh dấu, lại nhẹ nhàng đặt cây xuống.Ngày ấy tôi chưa bao giờ được làm công việc này, vì  cách đào lỗ, cách đặt rễ thế nào cho cây bén nhanh, rồi dùng sức dồn vào các ngón tay , chèn đất thật chặt ở gốc, để cây dễ thấm nước, lại không bị trôi khi tưới ,là cả một quá trình  dạn dày kinh nghiệm.
                Bây giờ, mô được xe chở đến ,là những chiếc vỉ xốp khoét lỗ sẵn, bên trong có  vô số cây con được nuôi lớn từ lâu  trong đất .Người trồng chỉ việc móc lỗ bằng bay, đặt cây xuống đất, tùa đất phủ nhẹ lên , thế là xong .Có  nhiều “tổ trồng cây ” ra đời .Họ đều là những phụ nữ nông dân, luôn có sẵn  một chiếc bay nhỏ và đôi găng tay bên mình .Họ còn phải biết dùng điện thoại di dộng và lái xe máy ( ở quê tôi nhiều  chị còn mù mờ hai việc này lắm ) Có một đội trưởng .Rồi cũng chỉ vài giờ, cả vườn rau hiện lên thật đẹp.Trước đây thì ,chả thấy cây đâu .Bởi  sau khi trồng, người ta phải dùng “lá che”( thuộc họ dương xỉ ) đậy lên cây, bằng cách cắm cọng cành lá dương xỉ này xuống gần gốc cây non, để lá phủ kín cây .
                Thế là trước đó, còn có khâu “đi cắt lá che”.Nơi nhiều loại lá này là vùng thung lũng ở thác Cam ly, kế lăng ông Nguyễn hữu Hào, bố vợ vua Bảo Đại .Công việc này tôi được tham gia mấy lần , rất vui . Vui vì  được lắc lư trên xe ngựa,được ăn cơm nắm  giữa núi đồi, được leo  xuống thác  nghịch nước .Anh Đanuýp xanh đánh xe, có khi là Cô Mười, Cô Út nhà bé Hoa Tre . Có một lần ra về, xe đã đến phố, mới phát hiện bỏ quen đôi quang gánh ngoài rừng .Đòn gánh thì mới mua, đôi quang bằng  mây mẹ vừa thắt, tóm lại là đồ mới . Hai cô lo lắng, tìm cách đỗ xe vào một góc đường vắng , dặn tôi và thằng út coi chừng xe, rồi họ chạy về phía thác theo lối đường tắt . Nhưng họ vừa quay đi, lại thấy có hai người hối hả phóng xe đạp về phía chúng tôi  . Ngồi sau xe là một thằng nhóc trạc tuổi 14, 15 của tôi, quàng hai chiếc quang mây lên người,tay kia cầm đòn gánh .Đúng là thứ mà chúng tôi bỏ quên .Còn người cầm tay lái là anh Đanuýp xanh .Hai vị coi xe ngựa cứ há hốc ra nhìn ,không biết là mơ hay thực .Anh đảo mắt quanh xe, chẳng thấy hai cô ,lại vội đẩy thằng bé kia ra, phóng xe đi đón. Hai đứa con trai  lại giao cả xe lá che đầy gần tới nóc cho tôi, chạy theo.
               Rồi  các cô  Mười   và  cô Út nhà tôi  hiện ra ,mồ hôi đầm đìa nhưng rất hoan hỉ .Cô Mười bảo ,nếu không có anh ấy  thì có lẽ  các cô đành bỏ cuộc, vì có rất nhiều đoàn đến đây cắt lá ,họ đã nhặt mất  rồi .Tôi ngơ ngác, vậy anh ấy đâu .Cô Út lắc đầu cười, ra dấu không biết, còn cô Mười thì sờ sờ chiếc kim băng cài túi áo , ban sáng mẹ tôi có đưa tiền đi đường .Cô kể  anh
Đanúyp xanh   moi  ví  biếu thằng bé ít tiền, cô cũng  làm thế, nhưng ngẩng lên thì chẳng thấy anh đâu .Cả thằng bé, cô cũng chưa kịp hỏi tên ,hỏi nhà .Có dịp gặp lại anh ở nhà anh Thạch, tôi vặn vẹo anh biến đi đâu như ma vậy, anh cười cười ,tôi hiểu là không nên hỏi nữa .


              Khu vườn trong nhà lồng của cậu Bé được lắp giàn tự động . Sau khi trồng, họ chỉ cần một động tác mở máy, thế là xong .Lát sau , chủ nhà đi ủng, mặc áo mưa, dù  trời bên ngoài rất nắng, thong thả  vào lồng tắt máy .Thật nhẹ nhàng .Cứ như bọn chúng tôi lên lớp vào tiết kiểm tra viết .Ông thầy chép nhanh  lên bảng một cái đề , gói gọn trong vài câu , rồi ung dung lôi sách báo ra đọc, hoặc làm việc gì đó, chờ chuông báo hết giờ thì bắt học trò nộp  bài .Nhưng tối về mới là đau đầu: chấm bài . Còn khâu thu hoạch ở vườn nhà lồng bây giờ mới sướng làm sao !Đến giờ cao điểm, chỉ việc nhá điện thoại ,là có người đến coi hàng, giao tiền luôn . Rồi chỉ trong vài ngày, rau được cắt gọn, gói trong giấy báo,đóng thùng nhựa thật sạch sẽ,  mang chất lên những chiếc toyota đậu ngay bên hông vườn . Và vụ  mùa khác lại đến .
                   Ngày trước , mẹ tôi sống trong tâm trạng phập  phồng .Các con buôn ( giới mua sỉ, mẹ tôi gọi là mua  quạ hay mua vạt  ) sẽ rảo qua xem xét y như coi mặt cô dâu .Họ ngả giá .Nếu thấy có lãi,họ sẽ quay trở lại ,còn  thì ..Có khi họ đưa ra một cái giá như trên trời rồi lặn suốt thời gian dài , chủ nhà cứ dài cổ ra chờ ; có ai đến hỏi thì chê rẻ quá . Mà rau cứ già theo ngày tháng . Lúc đó, bộ mặt sở khanh của gã nhà buôn ban đầu mới lộ diện: ép giá .Đành phải bán .Còn bán cho nhà xe, lại nơm nớp chuyện khác .Giá trả sau . Lượng thu mua nhỏ giọt.Phải  thuê người vanh ( cắt bót lá hư thối), người gánh ra tận đường,phải vác chiếu ra đậy điệm,  phải sai con cái ngồi canh chừng khách qua lại  nhặt bỏ giỏ mang  về bếp riêng !

                     Ngày ấy,  cả nhà chị Thủy kế nhà tôi thường xuyên nhận  làm những việc này .Anh chị ngồi vanh, hai đứa con gánh .Tội nghiệp người con lớn của chị.Vanh thì tính ngày công nhật,nhưng gánh được tính theo ký lô.Chàng học trò cấp ba chấp nhận đặt lên đôi vai tuổi 18 những gánh rau có đến cả tạ, hôm sau đến lớp toàn thân ê ẩm như bị ai đánh, có hôm còn bị sốt .Sau này anh Nhu tìm được con, các anh Canh Kem an ủi ,thôi cố gắng thương lấy nó,chứ nó khổ hơn bọn mình rất nhiều. Còn tôi thì vênh váo, đó,không nhờ những trang blog của tôi thì làm sao anh Nhu biết được những con người anh bỏ công đi tìm nhiều năm,lại đang ở rất gần chúng tôi .Anh cảm động,ừ, cám ơn bà giáo già ,lão sư hảo .Lúc này thì tôi hoảng hồn, thôi đủ rồi anh ạ .Vì có hai vế : lão sư hảo, ủng lia tia ! Tôi chưa đến nỗi nào, dù đã sáu chục  !
           Tôi còn giữ một kỷ vật của anh Đanuýp xanh, một cuốn vở học trò, bên trong anh dán đầy bút tích của những nhân vật nổi tiếng khắp thế giới,có cả nét chữ trong Di chúc của Bác Hồ .Anh còn dán lam nham những bài báo viết về việc xem tính cách con  người qua nét chữ .Anh  b ảo tôi, cho mày, mai mốt có thất nghiệp bưng cái chậu  ra ngã năm đại học (gần nhà tôi ) mà kiếm cơm . Tôi không dám bê theo thuở “dọc đường gió bụi’’  của mình, chỉ sợ bị thất lạc .Nhưng tôi cũng “giở ngón”khi cần .Nhiều đồng nghiệp, học trò kết bạn qua thư,mà không biết tình tình “kẻ chưa đối diện” như thế nào, bèn … đưa thư cho tôi đọc . Hình như một vài lần đúng ,Chẳng hạn .Chữ  đầu viết hoa đẹp và nổi bật trong hàng, thì nhân vật này ,không chỉ khéo léo, đào hoa, mà rất cao vọng. Là sao ư.Người bạn anh ta chọn  phải hơn mọi người . Chữ m. Ba nét rời rạc thế này, thì nhân vật có tính tự lập và độc lập rất cao.Nét sau cùng của chữ này mở rộng,ồ nhân vật này rất cởi mở, dễ thương,khả năng ngoại giao tốt . Đầu chữ m viết thường ,mà nét hơi nhọn ,thì anh này dường như không hợp với người trong nhà … Nét giữa chữ m trồi lên cao , có nghĩa nhân vật này rất thích chà  đạp lên người khác .Còn như ngược lại, thụt xuống ? Nhân vật này chịu nhiều  thiệt thòi ,thường xuyên bị mọi người ăn hiếp...
          Cái nỉa ,dụng cụ đập đất trồng rau có hình ảnh chữ m bốn nét . Nét giữa là những chiếc răng chính của nỉa bao giờ cũng mòn vẹt sớm, vì phải nhận lấy việc xén đất, đập đất nhiều nhất .
          Đó là những con người đã sinh ra tôi ,nuôi dạy tôi , đem đến cho tôi cuộc sống thanh bình hôm nay .

                                                                         Nguyễn Xuân . 

No comments:

Post a Comment