Tuesday, June 18, 2024

BỆNH DO KHẨU NHẬP



 Bà cụ mẹ của  Vân Thanh  phải nằm viện  hai hôm, rồi ở nhà tĩnh dưỡng thêm   hai hôm nữa,  chỉ vì  một chứng ,theo lời bà, trúng thực.  Bà   có tật rất mê  các  món rau   sống  trộn dầu dấm, dù khi  thời tiết   ấm áp  mới  chọn món này như  những người dân  vùng  mưa  nhiều hơn nắng ở đây. Nhà tôi  toàn  người cao tuổi,  sức  khoẻ  bị lệ thuộc  nhiều vào chuyện ăn uống, nên món rau trộn , rau sống chỉ  có trong thực đơn  những buổi trưa nóng bức  sau tết,  hoặc  hoạ hoằn  nhà có khách,  hơn nữa đôi bận  đạp xe đi tìm mua  hàng họ  về kinh  doanh, các món có liên quan khá nhiều đến cây cối, hoa các loại, dâu tây, cây rau hoa Ác-ti- sô,   gặp  nhiều khu vườn trồng rau  chủ nhân  dùng thuốc diệt côn trùng  phun bốc mùi  hăng nồng,tôi không mấy thiện cảm với   các thứ rau củ này, nên ít chọn đưa vào bếp. Vùng cao  nguyên,  nơi có  nhiều  nhà vườn   chọn các giống    thuỷ tổ    lê- guym   mà  người Pháp đưa từ  nước  họ sang đây   vào  dạo     cuối thế kỷ  19,có rất  nhiều   loại rau chế biến thành món “ trộn sống “ theo cách mà tôi nghe cư dân ở đây gọi,  rất  ngon. Rau xà  lách, xà lách xoong, xà lách  cô rôn  , ngay cả bắp sú  cũng trộn  sống, rồi cà rốt, …    Dạo tôi mới nhập tịch  xứ này, những buổi trưa  nắng to, bà thím có  món trộn đơn giản. Rau  rửa sạch,  để   ráo,  rồi  tưới dung dịch  “ nước trộn “ gồm   nước mắm có pha chanh đường,nước  lọc, cùng ớt  tỏi giã nhuyễn , thêm  muỗng dầu mỡ  đã phi hành thơm   lựng . Có vài  chiếc trứng gà luộc cắt lát rải lên, hoặc một nhúm đậu phụng rang, sau cùng rắc lên nhúm rau thơm, rau húng , rau bạc hà.. Cứ thế trộn đều cho mọi cọng rau được thấm  đẫm các gia vị. Vậy là giành nhau ăn, ăn no vì rau nhiều. Khi nào có  khách thì mới   đặt lên đĩa vài lát thịt bò . Ở  Đồng  Nai, một lần bố tôi  ghé thăm,  đem theo mấy cây bắp sú Dalat ( mà  ở  vùng  đất đỏ này gọi là  cải tròn, để không nhầm với  cải thảo, là cải dài ), do ông  được biếu ngay tại vườn khi lên cao nguyên  , hai bố con tôi  tạt vào chợ Định Quán mua mấy lạng thịt ba chỉ. Xuống trường bà bạn nằm ở cây số 108 trên quốc  lộ Hai mươi,   bà bạn  dẫn khách qua quán,  mua mấy chiếc   bánh tráng làm bằng  khoai mì,cùng   túm hạt  lạc khô . Chúng tôi  xúm xít chế biến món “ bắp sú trộn thịt heo  xúc bánh tráng “. Bắp  sú cắt thật mỏng như sợi chỉ, rửa để ráo,có chần sơ   nước  nóng .  Thịt đem luộc, cũng cắt chỉ. Lạc rang lên,giã  nhỏ,   bánh tráng nướng chín . Thêm chút  nước mắm  pha  chanh đường ớt tỏi. Ba  người   ngồi trong gian nhà bếp vắng vẻngày chủ nhật  của  ngôi trường  làng quê  mênh  mông,  nhai nhồm nhoàm,sung sướng,  bất   ngờ  nghe có tiếng rào rạo bên kia  vách nứa, tiếng   nghiến răng trèo trẹo. Thì ra hai chú heo  mập của bọn học trò trong Liên Đội nghe chúng tôi  nhai ngon lành cũng ..hoà theo. Bạn tôi giải thích vì ở đây, bọn trẻ đôi khi   đến  “ thăm heo “,    đem bánh tráng nhà làm , chia nhau ăn,có khi đút cho các chú ỉn,nên bây giờ thấy chủ khách xúm xít  nhai,chúng cũng thèm . Lúc  về lại Định Quán,tôi chợt  nghe bụng nằng nặng ..  Hôm ấy   bố con tôi ở chơi  với bà bạn mãi đến gần khuya, rồi  hai bố con về huyện,  sáng  sớm  hôm  sau  ông bố đón xe lên tỉnh, tôi qua  trường. Bữa tiệc rau bánh tráng diễn ra  trưa hôm trước, mà mãi đến chiều hôm sau tôi mới cảm thấy đoi đói. Bà bạn cũng bảo : cả ngày hôm ấy tớ chỉ ..uống nước . Hỏi bố tôi thế nào về món ăn mà ..heo cũng thèm,thì ông cười :  bố ăn cháo  hai bữa, còn sáng đón xe lên Biên Hoà, vào  họp,bố  xin người ta  … ly nước lọc !

 Tôi đem  câu chuyện này kể với bà  Vân Thanh sau khi biết  cụ bà ở nhà   đã khoẻ  v à món rau  trộn sống tạm  gác  qua  . Nào  ngờ bà kia mở to mắt :

- Nghe tả  ngon quá .  Tui  chỉ  ăn  rau cải Dalat là  toàn  nấu canh. Thứ bắp sú  chị kể thì  ngon nhất là  …luộc chấm trứng vịt  trắng dầm trong nước mắm thật cay !

  Giây lát sau như nhớ ra, bà già này thêm:

- A, còn món thịt vịt ăn với cháo trắng, có rất nhiều bắp cải    tròn này . Ăn dưới chợ Tùng  Nghĩa, Đức Trọng.

Tôi đi thăm  người  bệnh,  hỏi han :

-  Dì     trộn rau gì mà bị đau bụng ?

 Tôi chuẩn bị nghe câu “ bắp sú với thịt ba chỉ “,  nhưng không bất ngờ khi bà lão  cười :

- Rau xà lách  cô rôn, ở đây  gọi là  “ xà lách cứng “. Ôi sao mà tôi mê .!

 Cô con  gái  bực bội :

-  Người ta  ăn với phở , mà  ăn đôi cọng, lấy hương lấy hoa. Còn má tui hả, bả quất luôn  một ..thau !

 Loại xà lách này lá dài, cứng giòn và trắng xanh,   khi tước cọng tươi đã muốn đưa lên miệng,  mỗi cây có thể đầy một  chiếc thau nhỏ. Thêm dầu dấm và chút gia vị, thì cứ  ngồi mà  nhai, quả là mê. Tôi biết có  rất  nhiều   người  mê rau này, mỗi bận ăn phở  , phở nhà nấu, một  mình  cũng hết gần nửa cây rau !

 Bà cụ dấu dịu vì   phải  buộc cô con gái đưa đi bệnh viện lúc cô này   vừa từ cửa hàng về, ba giờ sáng, rồi mất mấy ngày  công của nó :

- Thôi bận sau …hổng ăn nữa !  Bệnh là do  khẩu nhập !

 Tôi an ủi :

-  Do  dì    thấy ngon mà, phải không ? Bận sau  dì nấu canh lên ăn, rau này nấu với tôm tươi rất  ngon,mà  ấm bụng.

 Bà cụ chỉ cười cười . Đã gọi là  xà lách, mà nấu canh thì còn gì là   ..xà lách.  Chờ bà vào nhà trong, Vân Thanh  bảo tôi :

- Vậy chứ thấy có bán ngoài cửa là ra mua vô,    nấu một món canh,bầu bí   gì đó,  rồi rau kia ăn kèm. Tui có cản cũng được.

 Hai mẹ con ở  chung, mà do cái cửa hàng tiện lợi nên xảy ra cảnh “ cơm một niêu ,lều  một gian “ ở  họ . Khi bà mẹ ăn sáng, ăn trưa thì  người con đang ngủ, đến xế xế,  bà mẹ còn lửng bụng, thì  người con ăn vội ăn vàng để kịp ra quán. Bà   lại ăn tối một mình .

 

 

 So với hai  đứa tôi, bộ ba    gồm bà bạn vườn chuối ( cứ gọi vậy cho dễ  nhớ ) bà  Xanh Mây và tôi,  thì bà này  có thể nói đã chu du khắp thiên hạ.  Nhà Vân Thanh  ở khu Bảy  Hiền,    trước giải phóng nơi này  một  xưởng dệt vải  lớn . Bà mẹ có hai đời  chồng, Vân Thanh  là  kết quả  mối tình của bà  thời  còn tuổi tròn trăng cắp sách đến trường . Đứa bé chào đời  , được gửi cho các ma  xơ  chăm để mẹ còn học hành. Khi   ông bà ngoại  gả cô con  gái   đi lấy chồng, thì họ đón cháu về. Vân Thanh bảo mình  không biết ăn  rau, ăn trái cây, mà chỉ    ưa món chả lụa, là  món thịt nạc được  xay ra   và hấp chín . Hồi đó món này   hiếm, nên hễ bữa nào mua không được là coi như  con bé bỏ ăn !  Saigon được giải phóng,  Vân Thanh khi ấy mới mười  bảy,   không cùng các  em    vượt biên theo bố mẹ, mà qua  ngoại, cùng các cậu, dì  đi thanh niên xung phong.

- Tui cũng là dân ‘ cẳng đau “  ( cao đẳng  sư phạm ) như mấy chị chứ bộ. Ở trong  liên đội thanh niên,tôi lanh lẹ nên  được ưu ái, được cho đi học bổ túc, rồi học sư phạm.

 Tôi nhướng mắt :

- Sao có  lần tớ  nghe bà  ở nhà kể bồ từng  vô  Chí  Hoà  ở …

 Gia đình chú ruột tôi  vượt biên   năm 79 cũng bị bắt, sau đó họ lại  đi tiếp. Hẳn bà này cũng thế . Nhưng câu trả lời đầy bất ngờ .

- Thì tại mình ham tiền . Hồi đó ra trường, tôi chạy  chọt  nên có chỗ dạy ngon, ngay bên thềm nhà! Có lần  mấy đứa bạn   dạy dưới  Sông Bé  ,mỗi bận   về Saigon, ôm theo lu bù vải  đem  bán, rồi mua  đồ linh tinh ở đây đem lên trên sóc bum,   cứ vậy,  sướng lắm .Bà  biết phải không,hồi đó  vải nhà  nước  bán cho  người dân tộc rẻ rề,mà họ đâu có mua, vậy là  mấy cô giáo  người Kinh gom hết,một lời ba bốn .. Tôi mê quá, đi mấy chuyến, quên hết  chuyện lên lớp. Ban đầu hiệu trưởng còn   bao che,  nhưng rồi, mình kéo theo mấy bà  thương  nghiệp ở dưới,  vậy là  thành từng chùm !

 Ra tù thì ông bà  ngoại không còn, nghề  nghiệp chỉ là hai bàn tay trắng,  Xanh Mây ta đi lấy chồng, để có chỗ  tựa nương,nói theo lời bà này, để chồng  nuôi. Sanh hai con thì mất cả hai,chồng theo vợ bé, Vân Thanh lại bơ vơ. Bà mẹ bảo lãnh qua   Úc,  nhưng sau đó bà lại cùng cô con gái tội  nghiệp hồi hương . Họ lên Dalat du lịch, rồi tìm mua nhà, mở  cái hotel nho nhỏ,  cứ vậy mà sống cho đến hôm nay .

 Vân Thanh hôm nay là  một bà  lão  ngoài sáu mươi, tóc hớt tém,nhuộm vàng để dấu  đi  màu thời gian, quần  jean,áo T-shirt, giày ba ta  diện bất kể mưa nắng, hút thuốc lá phì phèo và  khoản bia  thì các ông cũng thua xa .Khi tôi  mở cửa hàng, tìm  một kho  dự trữ  thì gặp bà này . Gặp lại thì đúng hơn,vì thuở  Xanh Mây vừa mất đứa con thứ hai, nguy cơ hạnh phúc đổ vỡ, bọn tôi,  có cả bà già vườn chuối,   cùng kéo về một nơi không mấy ai tìm đến : một đan viện . Ba  người ba số phận nhưng đều có một nỗi niềm ,đó là cùng rơi vào bi kịch. Bà  già vườn chuối thì  vừa   về quê, đứng lớp  chưa bao lâu đã ngả bệnh,rồi bị  thuyên chuyển , có  nguy cơ  buộc bỏ việc, tôi thì  cũng  muốn đổi  nghề,còn Vân Thanh   quyết định ra nước  ngoài .Tương lai mù mịt. Có ai lên Dalat mùa sương, mỗi sáng bước ra hiên,bao quanh tầm mắt là  những khối trắng bồng bềnh  như có một bàn tay tung ra từng mớ  bông  gòn khổng lồ, ẩm ướt, giăng mắc lên tất cả . Lạnh, ẩm ướt, buồn   bã . Con  người  rơi vào khối bông  gòn khổng lồ đó không biết hướng bước tới, còn bước lùi là vào  nhà  đóng cửa, trùm chăn !

 Đan viện ,nơi chúng tôi tìm tới,  là  một tu viện dành cho các  nam chủng sinh. Ông linh mục Minh Tiến,bố đỡ đầu của bà già vườn chuối,   năm nào cũng tìm cách đưa các chị hội viên  một tu hội đời do ông tổ chức ,đi tĩnh tâm một tu viện nào đó, để  , theo cách hiểu rất trần thế của bọn tôi, Xanh Mây và tôi, thêm xăng nhớt cho bộ máy của  cỗ xe hoen gỉ bao  nhiêu năm   .Mười lăm  chị, tuổi  từ ngoài ba mươi trở lên, đều có  mấy điểm đặt làm thừa  số chung, ế chơ ế chỏng  , thu nhập bấp bênh, sống nhờ vả gia   đình, tương lai vô  định. Ông  linh mục già ở mãi trời Âu   dành chút  tiết kiệm    giúp chúng tôi tiền  xe, tiền ăn một tuần tại  tu viện, tiền bút mực, còn chu đáo cậy nhờ  một linh mục  lớn tuổi tại đây  làm  người linh hướng, tức là   chỉ dẫn chúng tôi cách gột rửa mọi  nhọc nhằn  trong năm qua, chuẩn bị tốt cho năm tới .

Vị linh mục cao tuổi vui vẻ  đón tiếp,  dẫn chúng tôi đi tham quan một vòng đan  viện, miệng luôn cười nói,ông lại  rất hài hước khiến chúng tôi thấy dễ chịu. Vân Thanh  ba lô từ xa đến sớm , ngồi lừ lừ nhìn chúng tôi, cả khi ông  cha cố già   khôi hài, bà này vẫn không hề nhếch mép.

 Tôi theo đạo mẹ, được rửa tội vội vàng, hiểu biết về đạo  sơ sài,   nghe lời bà già vườn chuối mà đến, hơn nữa bố tôi động viên:

- Có thể chỉ  một tuần, nhưng    ở đó,con có thời gian nhìn lại mình,  dần dà sẽ   tìm ra lối đi cho ngày mai .

 Một tuần,chúng tôi  nghỉ chung một gian nhà  rộng, có  rất nhiều phòng  lớn , được tu viện  dựng lên để  đón tiếp thân nhân các tu sinh từ xa đến. Ra vào gặp nhau,nhưng không nhìn nhau,không hỏi han, mà cứ im lìm như những pho  tượng đá. Chỉ được phép gặp một  người  duy nhất, là viên linh mục già . Mỗi sáng, ông  tập trung chúng tôi, lật sách thánh  giảng  giải mấy điều, có liên quan giữa  chúng tôi và  thượng đế, rồi mặc cho chúng tôi tản ra, vào nhà nguyện, ra vườn cây,ngồi trầm ngâm suy nghĩ. Trong lúc đó, ông   đón từng chị đến xưng tội khi họ có nhu cầu.  Hết bài một, qua bài hai, ăn trưa,   nghỉ ngơi, rồi chiều,bài ba, bài bốn . Đã có chị khóc,mắt mũi sưng húp, có chị thì tối về  lịm đi . Viên linh mục già không còn nét vui vẻ mà  tia  nhìn đầy nghiêm khắc . Nhưng tôi  để ý là  bữa ăn có nhiều món ngon hơn , chúng tôi ngày nào cũng có thêm sữa, trái cây, bánh kẹo để  bồi dưỡng, bút vở bày sẵn thêm, ai có nhu cầu  thì tha hồ dùng, rồi thuốc men, vì đã có  người đau đầu ,mất  ngủ, sốt cảm. Quả là  một cuộc chiến.

  Đây là lần đầu tiên tôi đi xưng tội. Tôi  phải  mất  một đêm  nằm  sắp xếp mọi biến  cố  xảy ra trong đời, từ thuở có ý thức, tuổi học cấp  một,đến khi  làm cô giáo. Lúc này tôi đang  đứng ở một ngã ba,  nếu đi dạy thì làm sao, mà  bỏ dạy thì tôi làm gì,   tài chính  chưa có gì , người thân ở xa,  có ông bố già đã  bươn bả lo toan cho tôi mấy chục năm, nay cụ  đã luống tuổi, bệnh lão  và quả là quá mệt mỏi  vì tôi .

  Bên này khung gỗ có che một tấm màn mỏng,tôi   quỳ  gối, thoạt đầu nghe   tê tê  nhưng sau đó, mải mê kể lể rồi tôi quên hết cả . Ngồi bên kia, ông linh mục già kiên nhẫn lắng  nghe,  có khi  cầm bút ghi sột  soạt lên giấy thì phải,vì  câu chuyên của tôi có quá nhiều tình tiết,    mà hai bà bạn sau này có lúc chế giễu,xuyên biên giới,từ Bắc vào Nam, xuyên thế kỷ, từ  kháng  chiến chống Pháp đến chống Mỹ, và xây dựng hoà  bình  .

Trọn  cả giờ kiên nhẫn  nghe  tôi kể lể, ông  cụ già  sau rèm  cửa   đằng hắng, rồi khuyên tôi bằng ngôn ngữ ôn tồn, như lời người cha dành cho con . Ông   bảo tôi không nên về quê, vì   tôi đã có nhà, hơn nữa bố ốm, mẹ mất  rồi, chứ  ở đây  tôi có bạn bè .  Theo ông,  tôi còn trẻ, vì ba mươi mới là tuổi bắt đầu. Ông chỉ ra rằng nghề giáo là đề đòi hỏi cao, có sự sàng lọc lớn, lắm khi  nghiệt ngã và đau đớn. Theo ông, tôi có thể  chọn một nghề  khác. Rồi ông khuyên tôi hãy tự tin. Khi tôi  chuẩn bị đứng lên, ông  còn căn dặn : hãy  vững tâm, không dựa vào ai, mà chỉ dựa vào chính mình, sống ngay thẳng, lương thiện .

 Viên linh mục già cũng dành  nhiều thời gian cho các chị kia   xưng tội. Tôi nhớ  những  buổi giảng  ban đầu, giọng ông còn ôn tồn, nhưng càng về sau, thì ông trở nên  nóng nảy, có lúc cáu gắt. “ Lý lịch” từng chị,  thì ông Minh Tiến đã tóm tắt để ông này nắm, vì muốn dẫn đường và “ chữa lành “ thì phải biết bệnh nhân đang  rúc vào con đường hầm nào, bệnh tình ra sao chứ. Nhưng ông có vẻ đã mất kiên nhẫn.

 Sau một tuần, vẻ   nôn nao chờ đợi trên  gương mặt các  chị đã  biến thành nỗi mệt mỏi,phờ phạc. Có chị  nom như gầy đi vì  những đêm mất  ngủ . Chúng tôi đã     chiến đấu một tuần, với  mấy trăm tiếng đồng hồ và hàng ngàn giây phút, với  những cái tôi có lúc bi quan, lúc  ích kỷ, lúc chán chường, lúc yếm thế, thậm chí có  lúc  muốn buông xuôi , nhưng nay thì sao ..? Một nét chung là mắt  người nào cũng đỏ hoe,sưng húp.

  Buổi trưa cuối cùng,    chúng tôi tập trung trước sân nhà  nguyện  để nói lời chia tay.Ông cụ già  bây giờ trở về   vai  một  người cha  nhân từ,ân cần  dặn dò tiễn đưa. Đột nhiên ông nhỏ giọng,  mắt  nhìn từng chị :

-Khó mong gặp lại,vì   tôi sắp đi   an  dưỡng tận ngoài  Bắc . Cho nên, trước lúc chia tay, tôi  mong các chị  hiểu rằng … coi như tôi chưa nói gì cả !

Chúng tôi   trố mắt  nhìn ông rồi  nhìn nhau, khi quay ra tìm thì ông đã  khuất bóng sau khu nội vi, khu vực mà  bọn giáo dân như  chúng tôi không được phép  lai vãng. Chúng tôi lặng lẽ  vác  hành  lý lóc cóc đi bộ một đỗi cả cây số mới ra đến quốc lộ, vì tu viện nằm mãi trong rừng  sâu. Vân Thanh sẽ đón xe về Saigon,  nhưng  không ngờ khi bọn tôi lục đục chất lên một chiếc xe vừa trờ tới,  chị này cũng leo lên . Cô nàng trọ ở chỗ tôi mấy ngày, sau  đó   theo mẹ  ra đi . Chuyện xưng tội và  lời cha  giải tội là điều  dấu kín,  Vân Thanh chỉ tóm tắt : thì    ông cha  khuyên tớ  về suy  nghĩ .Việc níu kéo chồng quay lại là  không thể,  mà ở lại lẻ loi quá. Lúc đó tớ không hề có ý  nghĩ định cư  tại Dalat này như hôm nay,  mà chỉ đơn giản rằng,thôi cứ theo má, rồi  bả cho xu nào xào xu nấy.

 Còn bà già vườn chuối thì sao ?

 Hồi này bà ấy đã chuyển từ một trường vùng ven về ngay trung tâm thành phố,tôi thì  với học trò và phấn trắng bảng đen “ta chia tay nhau từ đây “. Bạn tôi  tiếc bao nhiêu năm đeo đuổi, làm sao bỏ, về nhà  làm nông lóng nga lóng ngóng,   đã phóng lao phải theo lao. Có lúc cũng muốn bỏ …

 Một buổi chiều mưa,tôi   đèo bà này lên trường . Hôm nay có  cán bộ tận ngoài Hà Nội vào dự  giờ bọn tớ, tớ có một tiết. Thấy bạn  lộ ra vẻ lo âu cùng cực, tôi an ủi :

- Chỉ là tiết tham khảo thôi mà , với lại bồ cũng đâu phải lính mới tò te !

 Dạy tiết   một, từ mười hai  rưỡi, mà  lúc mười giờ sáng tổ trưởng mới  tìm vào tận nhà báo tin. Bài rất mới, một đoạn truyện Kiều, lớp mười một. Bà này có  một năm lên lớp khi  rời trường đại học, nhưng chỉ dạy mười và mười hai,rồi ốm liệt, nay  quay lại trường thì bài mới, trò mới, mất tự tin nhiều thứ lắm,  hơn nữa  vừa rồi nhiều thành viên trong tổ dự giờ nhận xét rằng  đầy khuyết điểm , phong cách cấp hai,  cho viết ít quá, nói nhanh…

 Viên cán bộ Hà Nội  tuổi ngoài năm mươi,  trầm ngâm, lặng lẽ bước . Ông dự  nhiều  người, rồi  qua trường khác, sau khi gặp từng  người,  góp ý, mà cách gọi thông thường là “ rút kinh  nghiệm “.Hôm sau họp tổ, tổ trưởng  mang vẻ mặt đầy buồn lo,  nhìn qua  một loạt, bắt gặp  những tia  mắt   chán nản, có  người bực dọc, cả nét ánh lên sự thách thức . Đột nhiên viên cán bộ tận Hà Nội  nhẹ nhàng bước vào . Ông nói rằng mai ông mới mua được vé về Bắc, nên hôm nay,bỗng ông muốn quay lại. Đang trọ trên Sở, cách trường này khá  xa, mà ông bỏ công tìm đến, hẳn là … Mọi  người hồi hộp chờ đợi.Người thầy giáo luống tuổi ngập ngừng :

- Tôi cũng từng đứng  lớp như  các thầy cô ở đây,cũng  đón nhận nhiều lời góp ý .

 Vẫn cứ  ngập ngừng, nét mặt không còn tạo khoảng cách như mới hôm qua, mà bỗng gần gũi :

- Những điều tôi   gửi gắm là lời  chân tình của một đồng  nghiệp dành cho đồng  nghiệp. Còn như  ngược lại thì .., xin thầy cô hãy cứ xem như tôi.. chưa nói gì !  Điểm tôi cho cũng chỉ là tham khảo, không lưu vào hồ sơ thi đua của các thầy, các cô .

 Bà bạn  tôi ngày ấy vừa  qua  mùa hè tĩnh tâm   quyết  liệt,  nay thêm lời vị cán bộ Hà  Nội  mà theo bà, cho   mình một niềm tin lớn. Đồng  nghiệp chê “ phong cách cấp hai ư !” Thì tìm  mượn những  bộ giáo án mẫu mực cấp ba , xem họ soạn ra sao . Hễ có tiết dạy tốt nào cố thu xếp để dự, dự để học. Bỏ thời gian đọc  nhiều tài liệu. Thật tình cờ ông Minh Tiến tìm gửi tặng bộ  Từ điển văn học, hai tập, dày cả ngàn trang.   Bà này có dự tính mua, khi   ở trường cũ cả thư viện đồ sộ , đủ loại sách mà không có, về trường mới cũng thế.Cậy nhờ Cô Kê thì cô đành hẹn . Không  mượn được  giáo án thì tự soạn.   Đọc văn bản thật kỹ, nghiền ngẫm tìm ra thần thái  của nhân vật  truyện, trục cảm xúc chính của bài thơ… Cứ thế mà quên hết chuyện  rằng   khó khăn, bế tắc . Tôi an ủi theo lời bố tôi :

- Năm năm  là bồ sẽ làu giáo án  ba khối !

 Bạn tôi lắc đầu

-Có bài khi sắp  nghỉ hưu tớ mới tìm ra  cách giảng hợp  lý nhất đó !

  Dalat đã thực sự vào  hạ,khách du lịch từ bốn phương trời tìm đến rất đông, có lúc họ tràn vào, tiếp đón  không   xuể, Vân Thanh phải  năn nỉ bà má ra phụ lấy hàng, thu tiền. Tôi chỉ có  một khoảng thời gian rỗi   sau khi  ngủ bù,  ăn uống no, chờ ra  tiệm. Tôi luôn nghĩ về  một  người, không phải ông  xã, một nửa của tôi, mà  bà bạn vườn chuối.

 Có hôm hai đứa tôi đã   tìm đến gặp  người chị ruột gần sát nhà của  bà này .  Thật khó ngờ là bà kia  đon đả trước :

- Tính sai con Th  hỏi coi  dì ra sao ?

 Người con  gái là mẹ đơn thân  có nhà sát vách với mẹ láu táu :

- Tại Mợ P gọi điện lên, ngay nửa đêm, bảo mẹ con xuống đưa dì Bé đi nhà thương điên. Vì  đêm  hôm nổi cơn dậy đập phá nhà  người ta .

  Hai đứa chúng tôi im  lặng. Tôi   nhẹ nhàng bảo :

- Có gì đâu,  qua hết rồi !

 Gã  con trai bên kia bước qua :

-    Xế chiều con nghe dì ấy  gọi lên, bảo nhờ báo các chú công an trên Phường , nhưng mẹ con không cho,bảo cứ kệ bọn họ .!

 Rồi ba  người cùng xúm  vào :

- là có chuyện  gì ?

  Hai bà già đang ở thân phận  khách đưa mắt nhìn  nhau. Có lẽ như đọc được   tia nhìn ấy, rằng chẳng có gì, người chị mệt mỏi:

- Bà  Cầu Đất lâu nay , ba tháng rồi,cũng không   hỏi han trên này. Tui cũng buồn quá .

- … ?

- Tại bữa mồng hai, bà ấy và đám các cô con gái ban lệnh cho tui ra giêng đem sổ đỏ lên chia hai. Tui nói chờ khi nào   dì Bé chết đã.!

 À ,thì ra vậy.Chúng tôi đứng lên chào ra   về,   cả nhà bịn rịn tiễn. Người mẹ ân cần:

- Khi nào dì hết tiền chợ thì lên đây, tui bao ăn ba bữa,  muốn ở lâu thì phòng trọ lu bù đó, cho dì  một phòng,tha hồ bày biện, miễn phí điện nước .

 Tôi cười :

- Cả cái Giang này nữa chứ !

 Chị trừng mắt :

- Ông chồng mày  có cho phép không đã .

 Trên đường về, tôi nắm tay bà này. Thôi coi như tất cả chưa ai nói gì cả .

 Bà kia cũng hiểu .Hãy  vững tâm, không dựa vào ai, mà chỉ dựa vào chính mình, sống ngay thẳng, lương thiện .

           THU GIANG .

 

 

 

 

 

No comments:

Post a Comment