Hôm nay bà bạn già của tôi tái khám . Từ chiều bà này đã khăn gói qua bên nhà tôi, ngủ lại để bốn giờ sáng chạy qua bệnh viện nộp phiếu, rồi quay về nhà tôi ngủ tiếp, để chừng năm rưỡi qua nhận số.Tôi chưa một lần nằm viện,nhưng nhiều buổi đưa bố và chống đi chữa bệnh nên thấm thía với nỗi lòng các bệnh nhân.Toa thuốc dùng ba mươi ngày,nhưng mới đến mức hăm sáu,hăm bảy là người bệnh nơm nớp việc “ visit doctor”.Đi thăm bác sĩ thì ông thầy thuốc kia mới là người chuẩn bị đón khách, nhưng ngược lại .. Tiền vé xe, ăn ở đi lại, tiền thuốc,cả khoản đề phòng bị mất ví . Chị cả của bà già bệnh nhân này luôn bị ám ảnh một lần như thế, mà hồi ấy đi cùng chị thứ,hai bà được các nàng tiểu thư của bà chị thứ tình nguyện làm tài xế, đón từ bến xe vào tận bệnh viện, vậy mà bà chị lớn tuổi lớ ngớ, vì có bao giờ về phố, đeo chiếc túi vừa hành lý vừa tất cả tiền bạc, bọn cướp giật nhanh chóng phát hiện ra . Chị tiếc là bộ quần áo đẹp cô con gái bỏ công may, mang về phố lớn chưa kịp diện. Bà bạn già bảo, tớ cứ lủi thủi một thân, đôi khi Tre rảnh đi đón, nhưng phần lớn là “ đường ta ta đi” . Mất rất nhiều thứ, từ dép, đến võng , đến điện thoại, laptop,thức ăn đi đường, nói gì đến tiền,ví và áo quần,chỉ may có hai thứ do đeo lấy người nên không sao , hay chưa bị cuỗm,đó là giấy tờ,hồ sơ bệnh án và.. cái mạng bốn chục ký của tớ. Tôi thêm,còn mỗi ngày lương hơn hai trăm bạc, đáng giá lắm chứ, còn tớ mấy hôm nay cửa hàng đóng, một xu hào cũng không biết tìm đâu ra .Nói thế chứ thấy tôi ở không, ba ông lão chủ quán ( hai ông nhà tôi và ông chú, em ruột Bọ tôi ) giao cho tôi việc phù hợp với đôi chân đà điểu của tôi : sáng trưa giao hàng tận nhà, chiều thu ly tách và tiền, rồi đi chợ mua đồ ăn .Thế là dù làm bộ than vãn nhưng chiếc ví tôi luôn đeo bên hông lúc nào cũng xu hào rủng rỉnh .
Bà bạn dạo này xem ra có vẻ vui, là vì ít phải lặn lội đáp nào tàu bay,tàu hoả hay tàu ..cạn để đi thăm bác sĩ,lượng thuốc cũng ít dần,ăn ngủ cũng ổn dần.Chỉ còn một nỗi..Ông bọ là người lớn tuổi trong nhà, mỗi khi bà già này qua quán cà phê nhà tôi, chịu khó ngồi nghe ông nói chuyện. Ông bảo hai câu khiến chúng tôi, bọn hậu sinh khả uý , giật mình :
- Nhiều khi mình cũng là cái cớ cho người ta vấp phạm.
Và :
- Có câu này : có nhiều điều tốt ta biết nhưng không làm, còn điều xấu muốn tránh thì lại ..làm !
Thực ra đây là mấy lời có trong những buổi ông bố dượng của tôi đi lễ và nghe các ông cha cố giảng .
Bà bạn già thở dài :
- Ông bố Minh Tiến của tớ cũng luôn bảo : hãy nhìn mặt tốt của người ta để sống.Tớ cũng cố tập, nhưng vì mình sống rơi vào bi kịch nên bi quan, và lắm lúc rất … bi phẫn !Bây giờ, đúng như gã cháu rể hôm nọ mắng mỏ và mách tớ với chú công an,tớ ăn ở làm sao mà cháu chắt họ hàng không còn ai buồn ngó đến .
Tôi là kẻ rất ít xem tivi, lên mạng đọc báo hoặc là ngồi nghiêm túc trước một trang sách, nhưng tôi vẫn tỏ ra thành thạo :
- Ừ, thì bây giờ truyền thông vẫn chủ trương đề cao cái đẹp trong xã hội mà !Còn cháu con ư ? Rồi có một ngày họ sẽ hiểu .
Bà bạn già tái khám rồi về nhà. Tôi kịp đón ở cổng, chở bà này qua một khu chợ để mua cá trắm .Hôm đi tiêm chủng mua một con khá to , bà này nhận kho, rồi lại đưa hết cả nồi cho tôi, vì tôi lỡ mồm bảo muốn biếu bà Vân Thanh một ít.Hôm sau tính đi chợ thì bị “ thập diện mai phục “ nên cũng không dám điện cho cửa hàng cá mang đến tận nhà .Tre đọc trên blog thắc mắc : bộ cá kho bị cháy hay để mèo vục nồi, đến độ phải ăn chay khổ sở như vậy !Tôi làm bộ than thở : ai mà ngờ ! Giá như mày ở gần đây một tị thì đã không khốn khổ thế !
Hai bà già giúp nhau rửa cá, ướp rồi kho. Nhà bà bạn nằm giữa một khu ba bề bốn bên có hàng trăm khách trọ, nhưng rất yên tĩnh. Cửa phòng nào cũng im ỉm khoá, khách ra đi từ sáng và có người đến tối mịt mới về. Hai nhà hàng xóm cũng có lối sống kín cổng cao tường .Ngày cậu em còn sống,mỗi bận qua đây tôi gặp ông lão ngồi co ro phơi nắng, bây giờ thì khoảng sân trống vắng, thật buồn ! Chỉ đôi khi có giọng của nữ chủ nhân và người con rể cả là lanh lảnh . Người ta bảo có giọng sang sảng như vậy là rất khôn ngoan , tháo vát , giỏi quyền biến . Bên nhà tôi, bà thím nay cũng nghỉ ở nhà, giao cửa hàng khô dưới chợ Dalat cho hai cô con gái.Họ đều là những gia đình công chức,nhưng do đồng lương mẫu giáo eo hẹp của bà vợ ,mà lại vất vả,họ bèn hùn hạp và cuối cùng thì bà mẹ san cho,mỗi tháng họ trả cho bà một khoản chấp nhận được . Bà ở nhà, giúp ba ông những bữa ăn khi tôi xoay không kịp . Lãi quán chia ba, có tôi ké thì thì chia bốn . Giá như không có cái quán và khách, toàn là đàn ông, thì ba ông lão kia cũng sáng sáng ra sân phơi nắng như thế.
Đã là quán xá thì ồn ào,mịt mù trong khói thuốc. Mùi khói thuốc lá lấn át hương cà phê, tôi lo cho ba ông lão “ hút gián tiếp” nhưng biết làm sao .Ba ông lão tối về ngồi tập thở,tập thiền hơn cả giờ đồng hồ trước khi đi ngủ và sau khi thức dậy. Cũng may là không ông nào nghiện một thứ gì, rượu hay thuốc, cả trà . Nhưng họ đều nghiện một thứ :tivi. Từ hồi mở quán đến giờ đã sắm tới chiếc thứ ba ! Khách đến , có người vừa xuống giường, xỏ chân vào dép là bước ra đây ngay, coi tin tức ở khắp các đài, đài Nhân Dân, đài Công An, đài Việt Nam… là những nơi họ chọn,mà chính là vì đài mà họ nán lại, bàn bạc, sau đó khi mặt trời lên thì lửng thửng ghé vào một quầy ăn sáng.Cô con dâu của bà thím cùng em gái lại chung nhau mở một quán bún nho nhỏ, bún bò giò heo,mì quảng,bánh mì,bánh giò,bánh chưng … Bà bạn già của tôi lần đầu đến nơi này ngỡ ngàng. Bà này bảo hồi còn học ở trường nữ trong phố,có mấy lần qua đây,theo bạn ngủ lại đêm để sáng hôm sau lên khu nhà thờ trên đồi kia dự hội chợ Giáng sinh, nơi này là đầm nước,chỉ trồng rặt một thứ là cây cần tây, lác đác vài ngôi nhà gỗ cũ kỹ, ọp ẹp,và địa danh hồi ấy là “hố bà xơ” . Bà thím bảo , lẽ ra ban đầu,khi hai ông bà và mấy người con còn nhỏ theo anh con trai lớn rời quê vào đây, thì tính mua đất mãi bên khu Đống Đa, Tô Hiến Thành,phường mười, nơi ấy những năm tám mươi rừng thông heo hút đìu hiu lắm, anh con trai được cấp mấy sáo, rồi mua thêm, do dân cư thưa thớt, đất trống nhiều, xa phố , chẳng ai buồn ngó ,nói theo ngôn ngữ bà thím “ chẳng ai kêu của mi của tau “ . ! Sau đó, ông chú làm bảo vệ trong bệnh viện tỉnh, được bệnh viện cấp cho một lô ở đường Hải Thượng bây giờ,sát bệnh viện..
- Chú mày sáng nào không trực lại mò mẫm đi lễ, đi thấý xa , có người chỉ cho vùng này, thế là bán , anh con trai cũng thế, kéo cả “ ba ổ “ ( toàn gia đình đông đảo ) về đây. Bán đất hai lô,mà về đây,mua hai lô khác ,có tiền dư làm nhà,còn phần bán cho con Giang này nữa,mới xuống chợ mua một quầy hàng khô .
Một thung lũng nép mình dưới ngọn đồi thoai thoải,trông lên cao có ngôi nhà thờ,như một pháo đài tâm linh chở che, khiến những con người ngoan đạo thấy yên lòng lập nghiệp. Hồi đó vắng lặng đến độ mỗi tiếng người gọi đều vọng lên tận đồi,còn bây giờ thì ồn ã suốt ngày đêm, bốn mùa .
Khi tôi đi giao cà phê rồi đi chợ mua đồ ăn trong ngày, bước qua quầy, nơi có đặt chiếc tivi lớn, thấy mấy ông khách đang chăm chú xem, tôi cũng nán lại.Mục “ Người nổi tiếng “ giới thiệu một nhà văn kiếm hiệp Trung Quốc xưa,nhà văn Kim Dung. Ông lão phu quân của tôi mê loại tiểu thuyết kiếm hiệp của ông này lắm . Ông kể thuở bé, nhà nghèo mà em đông, có bà cô trong họ hiếm con, cứ mỗi năm dẫn ra phố một đứa, nuôi cho ăn học .Ông xã tôi do học chăm , đỗ vào trường công lập, nên ông bà cô dượng phá lệ, tức là mấy năm sau đó, ngoài ông này,nhận thêm đứa nữa . Hai vợ chồng có mấy chiếc xe đò chở khách từ nội đô ra ngoại thành,ông xã làm phụ xe,thu tiền, những buổi không phải đến trường..
- Vậy là đọc truyện ?
-Lo mà học bài, chứ rảnh đâu mà đọc .Hồi đó đâu có cảnh học thêm học bớt như bây giờ, cũng không có nhóm, có tổ,có đôi bạn cùng tiến gì cả, mạnh đứa nào đứa đó học. Vài nhà khá giả lắm mới thuê gia sư,mà ngoài Huế kìa, vì có sinh viên ở trọ.. Sách vở tài liệu hiếm vô cùng . Hồi đó con trai sợ đi lính nên gồng mình gồng cổ,học ngày học đêm !
Tôi rụt cổ, nhớ những ngày trốn học, vô lớp ngủ lơ mơ, vì đêm thức đọc vô số tiểu thuyết Liên Xô mà bố cho, ngày thì đi xem phim, còn ở quê thì tha thẩn ngoài đồi ngoài nương một mình, thế mà có người thì vừa lo kiếm miếng ăn, vừa chúi mũi dùi mài kinh sử,chỉ vì đã nhìn thấy trước mắt một tương lai hai lối rẽ :hoặc là học lên,hoặc là làm anh lính quân dịch .
- Ông dượng đặt báo ngày, báo nào cũng dành hẳn một góc để in thứ truyện này,hình như ông tác giả đó viết bằng tiếng Tàu là trong Saigon cho dịch ngay. Ông dượng đọc,mà hễ bữa nào báo trễ là nhấp nha nhấp nhổm khó chịu. Bởi truyện đến cảnh “mức “nhất thì .. “câu chuyện như thế nào,hạ hồi phân giải”Tức là họ chỉ in một cảnh,một phần của chương hồi, đủ diện tích trang báo, mà thôi. Mà truyện kiếm hiệp thì tình tiết éo le ,hồi hộp lắm, đã coi đang hay , tự nhiên bị cúp ngang xương, thấy tức,phải rán chờ bữa sau,mà bữa sau báo trễ,ôi thôi ổng điên lên.
Tui đọc ké,bởi mình tò mò là tại sao ông dượng vò đầu bứt tai. Lên trường có bận khoe với mấy đứa là tao đọc truyên chưởng hay lắm,tụi nó xì một hơi, tưởng gì, cả nhà tao ai cũng mê..
Tôi nhớ những ngày đất nước vừa thống nhất hai miền Nam Bắc, đài phát thanh có mục đọc Tam Quốc chí. Bố đẻ tôi có dịp vào miền Nam,mang về một chiếc radio cũ,nhưng còn tốt lắm, bèn biếu cho ông ngoại. Thế là cả xóm tối tối kéo đến nghe.Lý do mà họ say mê là hẳn ở đây, như một phát thanh viên đang đọc trên màn ảnh nhỏ : luật nhân qủa . Bây giờ có thể không mấy ai chịu ngồi bó gối ôm cổ lắng nghe chậm rãi lời đọc đầy truyền cảm của người phát ngôn viên ngày ấy, nhưng có thể sau buổi phát hình ngắn ngủi hôm nay,có thể một vài ông lão đó, cùng tuổi với ba ông lão chủ quán cà phê này, sẽ tìm xem, rồi suy gẫm.
Bà bạn già ban ngày không mấy khi mở ti vi, vì có lẽ bà dành thời gian ngồi thiền,ra vườn,rồi bếp núc,dọn dẹp nhà cửa, đọc sách. Dạo bà này chưa nghỉ hưu, cứ sáng lên lớp,nhưng trước đó cố rán coi mục thời sự. Tôi đi xe máy nên ung dung, chứ bà kia đạp xe, phải đẩy lên dốc, vén áo dài, chỉnh nón che, sửa xe nhét cặp, vậy mà rán ngồi chờ nghe cho trọn bản tin.Bà mẹ hối thúc :
- Thì lo đi cho kịp buổi,trưa tối về lại coi, có ai giành đài đâu!
Bọn tôi ra cổng , có khi đài còn đọc oang oang,bà cụ già hoảng hốt :
- Tắt đài đi đã chứ !
Tôi bảo :
- Để bác coi cho vui, tắt thì nhờ mấy đứa cháu .
Bà cụ lắc đầu :
- Không ,nỏ coi.
Tôi thuyết phục :
- Có nhiều thứ hay lắm , bác à !
- Ùi, toàn là những cô ở lỗ !
Bà cụ già chẩu mỏ, chê bai, còn hai bà “cụ trẻ “ thì đỏ mặt phì cười. Hôm ấy tôi được làm tài xế,vì xe đạp bà này bị xì bánh đem đi vá chưa kịp lấy về . Là vì có hôm hai bà cụ trẻ đang ngồi há hốc xem một buổi biểu diễn của các hoa hậu,màn “trang phục bikini” của các cô, bà cụ già đi qua, thấy hai bà kia ngẩn ngơ xem nên nhìn vào, rồi cụ bỏ đi ngay,buông một câu như thế. Hôm sau , lại có mục chiếu lại chương trình này …
Tôi không để tâm,nhưng bà bạn của tôi trầm ngâm :
- Khi con người ta lột hết những gì che đậy bên ngoài,thì có lẽ..ai cũng giống nhau.
Tôi chợt ngộ ra điều mà nhiều dịp đã nghe :“ bị lột trần “:
- Nhưng đó là sự thật sau những lớp mặt nạ .
- Phải,cho nên mới có câu “chiếc áo không làm nên thầy tu” .Vẻ bên ngoài chỉ là cái vỏ .
Tôi là đảng viên, từng dự nhiều buổi họp ở chi bộ khu phố và nghe không biết bao nhiêu lần : hãy sống vỏ đỏ ruột đỏ, đừng để rơi vào cảnh “cứ tưởng đỏ những không phải đã chín “.Tức là đừng che đậy, đừng sống giả dối.
Chiều nay tôi qua nhà bà bạn nhân tiện đi gom ly và tiền, bà này đang đứng ở ngay phòng khách và trước mặt là một chiếc thùng giấy to, mới trông như thể có món hàng vừa gửi từ xa đến . Toàn là vở học trò, bột mì ,bột men,thuốc bổ . Tre gửi cho . Thư emai của Tre hôm nào bảo : Chị nên trộn bột mì số 11, với bột ngũ cốc, làm bánh mà ăn. Chị bị thận nên không ăn sữa, thì bánh này ăn tốt đó.Chứ nướng bột mình ên hoài, ăn chán lắm . Còn tập vở này chị mang cho mấy đứa cháu nhà chị T.nhé. Cố lên thăm chị ấy.Em thấy chị này dạy con rất tốt, mấy đứa con đều học hành đâu ra đó,người ở nhà cũng sống có trước có sau, đặc biệt con rể và con dâu cư xử đúng mực.
Là do tôi khoe lâu nay vẫn cậy nhờ hai người này, do mấy người kia ở xa. Đóng tiền điện nước,mua thuốc hộ..
“Cái vỏ “ của họ có thể không khôn khéo, không xã giao, không giảo hoạt … như mọi người, nhưng họ thật thà, tốt bụng và biết đặt tình người lên trên tất cả . Có dịp nào đó, một người trong đám cháu bảo bà dì : cứ gây chuyện,rồi là nhận biến, không phải kiếp sau, mà ngay kiếp này. Nhân vật kia còn thấm thía : nhà nào cũng có chuyện, nhưng họ có cách để gỡ . Một người chuyên mở những trang video truyền giảng điều hay lẽ phải trên trang Youtube ,mà mấy ông lão nhà tôi khi rỗi cũng mở coi, khẳng định: mọi sự việc xảy ra,thì kết cục đều đi kèm .
Bà cụ già ngày xưa vừa rất quí,vừa e sợ cô con dâu một. Quí vì cô này khoẻ mạnh, cần cù, vén khéo, sống giản dị, tiết kiệm,miệng nói tay làm, nhưng dần dà,thì bà sợ, rồi kinh hãi. Kinh hãi vì bà lo lắng hai điều : cái vỏ dần lột ra hằng ngày và luật nhân quả sẽ đến ngay hôm nay. Và dù biết cảnh nhà nào cũng thế, nhưng tuổi tác, tháng năm không cho cụ có cơ hội để cùng các con làm điều “ thay đổi sơn hà “. Những sự kiện này đã giúp cô này, về sau thành một nữ chủ nhân tăm tiếng,hét một tiếng là bốn phương qui phục . Mẹ chồng,các chị chồng, rồi chồng con,ai ai cũng phải nể nang.Người đàn bà này tạo ra luật,tự cho mình có quyền sinh sát trong tay, hễ ai làm sai là trừng phạt ngay.
Nhưng rồi,như các ông lão nhà tôi,vì sao chọn nhà nằm nép dưới chân đồi, vì trên kia có một chốn che chở, thì nơi ở của bạn tôi, nay cũng có một pháo đài vững chải và những bàn tay thép chở che, Đồn Công An Phường . Họ không chỉ ban phát giáo điều, mà cũng như nơi tôi sống, họ hành động. Lớp vỏ bọc bao nhiêu năm , theo thời gian, rồi tự nó bóc tách,như thân cây cỗi phải thay áo mới .Chúng tôi nhận ra,hãy cứ “nhìn mặt tốt của người ta mà sống “. Có lẽ khao khát năm người của bà cụ , vốn kinh hãi những “ cô ở lỗ “ thì nay có người giúp cụ biến chúng thành hiện thực . Người hàng xóm của chúng tôi rất tốt,vì họ đã tạo ra thế hệ con cháu đang góp phần tạo dựng tương lai cho đất nước này.Họ chỉ vì con mà quên mình, và vì con mà .. quên cả người xung quanh, vì họ chỉ vì con cháu ! Khi bóc lớp vỏ thời gian, và họ cũng nhận ra, có bao người không đồng tình với quan điểm,lập trường của họ bây lâu,thì họ sẽ vui khi “ biết đủ là đủ “.
Tôi bảo :
- Hôm nào ta ghé thăm chị ấy, chứ tình hình sức khoẻ của chị, dù sao cũng lo .
Bà bạn già cười:
- Tớ đã thử một vài lần,nên..
- Là sao ?
- Chị ấy trong người không khoẻ ..Tớ sẽ gọi điện cho cô con dâu hoặc anh con trai lớn,rồi bọn trẻ con xuống khênh về . Tớ sẽ hái cho chúng nó túi trái mát mát.
- Ừ, để tớ bê qua cho chúng nó túi bánh “ nắm đấm”.
Cũng như dạo nào ở dưới vùng Định Quán , tôi lo chuyện ngoại giao,còn bà này thì “nội trị “. Từ mấy chậu cây cảnh mà các chú công an tìm đến, hai bà già này , cũng khoái xem các cô ở lỗ, không phải ở khía cạnh trần tục, mà tính thẩm mỹ của nó, và biết “ hãy nhìn mặt tốt của người ta để sống “ bởi luật nhân quả không đâu xa, ở ngay bên ta. Còn nội trị là “ đừng tạo ra cái cớ cho kẻ khác vấp phạm. Vì điều tốt ta muốn thì không làm, còn điều xấu không muốn thì lại làm “.
Ông bà ta xưa thường bảo :cha mẹ sinh con,trời sinh tính . Tôi chột dạ khi nghĩ đến mình.Bố mẹ tôi là những chiến sĩ Điện Biên dũng cảm, thời bình là những công nhân viên chức mẫn cán,còn tôi thì trái lại..Tôi thấm thía điều Bác Hồ nhận định :
“ Hiền dữ phải đâu là tính sẵn . Phần nhiều do giáo dục mà nên “.
Ở tuổi bà cụ như chúng tôi,thì tự giáo dục là điều cần thiết nhất. Cái thời vỏ bọc để tỏ quyền uy trước lớp trẻ đã qua, và tôi sợ hãi : cái luật nhân quả không chừa một ai cả .
Bà Vân Thanh gọi cho tôi,khoe bà cụ đã đỡ, dặn tôi đặt món nọ,món kia. Thế là công cuộc “ ngủ ngày cày đêm “ lại đến . Tôi vẫn sẽ kiêm nhiệm ngoại giao cho bà bạn , còn nội trị thì bà ấy liệu mà lo. Cố nhìn mặt tốt của người ta mà sống, đừng làm cái cớ cho họ vấp phạm.
THU GIANG .
No comments:
Post a Comment