LUẬT PHÁP!
Ba người mẹ của tôi bây giờ đang ở chung một nhà . Trình độ của họ có sự chênh lệch một trời một vực, người thì học đến trình độ giáo sư đại học từ trước 1975, người chỉ mới qua cấp một. Nhưng tôi hết lòng kính nể tất cả ,vì họ là những người mẹ của tôi.
Năm tôi vào lớp tư ( lớp hai bây giờ), được chuyển lên một vùng mà ở phố nhiều người ngưỡng mộ chuyến thiên di và biết rằng sẽ định cư lâu dài : đi nghỉ mát. Bởi miền đất này,dưới con mắt của những người ở khu lao động nghèo thành thị ven đô thành Saigon ngày ấy, là đất của giới nhà giàu, dành cho những người có tiền, đi ăn chơi sau những ngày làm lụng nơi “ xứ nóng “ này .
Người dẫn đường ngày ấy là một thanh niên mới ngoài hai mươi , sinh viên đại học trên đó, đi học , đi làm công nhật,làm kế toán, hay đi lượm gôn (nhặt bóng gôn ở sân cù ). Chú ấy có một người cô họ xa, có ông chồng là điền chủ, vườn nương đồng này đội nọ, cần thuê nhiều người lên làm mới xiết. Đàn ông thì nỉa đất, gánh gồng , tưới tắm vườn tược , còn phụ nữ tuổi còn rất trẻ như hai má tôi thì sẽ được giao cho việc : nhổ cỏ vườn . Trước kia, hai má được học nghề may, về vùng có đồn điền cao su tại Xuân Lộc thì làm phu cạo mủ, nay chỉ vì muốn cho tôi, đứa con chung của hai má, được học hành, họ quyết “đổi đời “. Họ giao phó tương lai mình cho một chàng trai có cái mã bảnh bao, và họ tin tưởng rằng cuộc đời cũng .. bảnh được chút nào hay chút đó. Đến bây giờ má Mười vẫn kể : có nhiều người cản.Nói mình hai chị đờn bà ,nách một đứa con nít,thằng kia cũng mới ngoài hai chục, khoe là đang đi học, thì lỡ lên đó, nó … bán vô các xì nách ba rồi làm sao ? Đó, bước ra đường là gặp lính Mỹ, là … Ngày ấy các quán rượu,gọi là snack bar được mở ra rất nhiều . Quanh khu đồn điền nhiều cô gái tuổi mới mười lăm, mười sáu, da dẻ xanh mai mái do khí hậu khắc nghiệt của rừng cao su, phải đi cạo mủ thâu đêm , ngày về ngủ, mà công cán không đủ thiếu gì, có chị mặt lưỡi cày,nhiều người chấm con dâu chê bai này nọ, rằng mặt đó thì .. rước nó về nó cày cho mà … nát cửa tan nhà, nhưng chỉ một bận theo mấy cô bận đầm, thoa son trét phấn tè le, lên Sài gon, ra Cấp ( Vũng Tàu ) là sau vài tháng thì gửi về nhà toàn mỹ kim ( đô la ) về, ông ba bà má hớn hở ra tiệm vàng đổi, mua bò, mua xe Suzuki đỏ rực. Nhưng cuối năm thì vác cái trống chầu về, nhà cửa đóng kín, chị con gái nằm ổ, có một đứa bé ,nhà thì trắng tươi như búp bê, nhà thì đứa bé đúng kiểu bà con ông Bảy chà quảng cáo kem đánh răng Hynos. ! Những đứa bé gửi cho ông bà, người mẹ lại ra đi ! .. Hàng xóm ghẻ lạnh với đứa nhỏ nhiều hơn là thương yêu như bao trẻ khác, mà đứa nhỏ cũng tội quá ! Đó, vậy mà không hiểu sao, thằng này nó cù một tiếng là nghe theo cái rụp.Nó cù rằng “ lên trên có nhà, có công tử tế cho hai cô kiếm gạo, có trường học cho nhỏ Tre”. Hiểu “tử tế “ là làm ăn đàng hoàng . Rồi nó dặn đi dặn lại mấy điều : nhớ không được làm chuyện phi pháp, mà phải thật thà, siêng năng, rồi thấy ai cực khổ thì đừng có giả lơ không biết. Tức là ba điều. Nhưng có một câu nó cứ nói đi nói lại, nói riết đến độ nhỏ Tư bị câm điếc từ hồi nào cũng ra dấu : thôi, cậu nói vậy là bọn chị thuộc đầy bụng rồi ! Đó là câu : không được làm chuyện phi pháp !
Cô Kê có học nên đồng tình ngay vế này . Cô sinh ra, lớn lên khi nước Việt còn đầy bóng người Pháp, sau đó thì chia cắt, hai chế độ,hai chính quyền,hai lực lượng quân đội.Sống theo pháp luật là điều mọi người nhất nhất phải làm,bởi vì chỉ sơ sẩy sẽ nhận ngay cái án khủng khiếp, đó là chống phá nhà nước .
Ngày bé,tôi đã bị khuyết tật ở tay sau một cơn sốt bại liệt, nhưng cái mồm thì ưa cãi cọ,nhiều người ôm đầu, thôi mai mốt mày đi học ra làm thầy kiện đi. Cái nghề đó chỉ cần cái mồm rộng cả gang tay như mày ! Nhiều người đồng tình, phải đó, phải đó . Tôi mơ làm một nhà văn,vì ngày bé, tôi có dịp được đọc rất nhiều sách. Tôi chỉ có hai bà má , còn lại thuộc diện bần cố nông, nhưng tôi lại thấy mình thảnh thơi hơn bọn trẻ cùng lứa, vì chúng nó phải giữ em,rồi đi kiếm cỏ cho heo,cho bò,gánh nước, bổ củi, ra vườn tưới rau…còn tôi,ngoài giờ học, đôi bữa đi theo hai má đi làm công nhổ cỏ,rửa cà rốt,tỉa rau,thì tôi ở nhà đọc sách. Xung quanh tôi có nhiều anh chị lớn, con cái những chủ vườn khá giả,họ được học hành và hẳn nhiên có tiền mua nhiều loại sách hay,họ không tính toán gì khi cho một đứa bé ham đọc sách như tôi,miễn là đừng làm rách,làm hỏng .
Nhưng rồi người tính đâu bằng trời tính,tôi lại là một cô giáo .
Ở ngôi trường tôi về nhận công tác thuộc vùng miền Tây sông nước, nam nữ tuổi học trò chỉ cố chống chèo lên đến hết lớp chín là ..thôi !Học cho lắm cũng dzậy ! Ở nhà có vườn đó, có ruộng, có ghe bầu, ra vô thiếu gì công ! Rồi lấy chồng,cưới vợ, sinh con . Làm thầy bà cũng bấy nhiêu tiền, tiếng là sạch sẽ, mà cực thấy mồ . Đúng là cực. Cái vất vả của nghề giáo đã có nhiều người nói đến, tôi bây giờ đã nghỉ hưu nên không nên nhớ lại làm gì,chọn những ký ức vui vui để giữ . Tuy nhiên có mấy chi tiết khiến tôi không thể không bị ám ảnh . Tổ Văn của tôi không chỉ rặt là giáo viên từ lò Sư phạm ra. Có một thầy học tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh, thi vào khó lắm, điểm lấy cao hơn ngành sư phạm, học cũng căng thẳng, và ra làm ông giáo ! Lại có một cô học Luật, có lẽ cũng có ước mơ thành một “ thầy kiện” như tôi, nay làm cô giáo. Người bạn tuổi nhỏ so với tôi, tâm sự : Em ở bển ngay sau khi ra trường, nhưng rồi mỗi ngày một bi quan. Là bởi ( cô bạn thì thầm ) mọi người đã bẻ cong ngòi bút khi thực hiện các phiên xét xử .Là một người dẫu sao cũng khá quen với chữ nghĩa, tôi hiểu hình ảnh “ bẻ cong ngòi bút” này . Cây bút mà bị bẻ cong ngòi,thì việc đáng xử đúng thì cho sai, kẻ sai lại là người đúng . Nhưng rồi, năm học sau,lại có một cô từ bỏ những đêm miệt mài bên giáo án, để chuyển qua làm bên ngành toà án ! Có một dịp gặp lại, cô vui mừng bảo : Em sợ nhất mấy việc ở trường . Đó là họp hội đồng. Ban giám hiệu đem hết người này đến người khác lên đoạn đầu đài, rất sợ,họp mà cứ nơm nớp như ra pháp đường . Thứ hai là bị dự giờ. Dạy học trò chứ đâu phải biểu diễn ca nhạc, có tiết này tiết khác, nhưng mấy chục con mắt thầy cô cứ chùm hum về mình, sau đó mọi kiến thức bị xới tung, chê nhiều hơn khen, dù mình cố gắng bám sách chuẩn kiến thức của Bộ…Thứ ba là thi đua trong chủ nhiệm.Hễ ai thân với ban giám hiệu thì được nhận lớp ngon, tức là ít học sinh cá biệt.Và thế là mình chỉ nhận toàn lớp bết bát, trò dở nên thầy cùng bị lĩnh án tồi tệ .Chứ qua bên kia … Cô này sung sướng kể một loạt những điều tâm đắc . Rồi cô kết luận : giá như hồi trước chị đi học luật, hẳn chị sẽ cảm thấy dễ thở hơn bây giờ . Tôi đành cười : nghề chọn mình, đành chịu.
Tôi tất bật làm việc, nuôi dạy ba đứa con, ngôi nhà có ba người lớn, cô Kê ở xa nhưng rất quan tâm, sau này có bà nội và mấy cô nữa,chị và em gái của ông xã tôi, cũng đều là phụ nữ, cũng ở vùng với cô Kê, tất cả đều đầu tắt mặt tối vì chúng nó.Họ hỗ trợ hai má và tôi chút đỉnh về tài chính, chứ để “ tả xung hữu đột “ với bọn nhóc này, là ba bà trong nhà .
Tôi nhớ những trang sử tuổi học trường làng “ Vua Gia Long lên ngôi,lập ra bộ luật Gia Long thay cho bộ luật Hồng Đức của vua Lê Thánh Tôn “. Thầy giáo giảng đại khái, rằng luật Hồng Đức của vua Lê Thánh Tôn có nhiều giá trị, nhưng khi vua Gia Long lên ngôi, xây dựng nhà Nguyễn, thì ông thấy có những điểm cần bổ sung . Để dạy dỗ một lúc ba đứa bé sinh ra cùng một thời điểm, mà bên cạnh có hai bà má với kiểu chăm trẻ năm 1945, tôi vẫn đùa, vì đó là thời điểm hai bà bị bán làm con nuôi, nhà giàu họ mua về để trông con nhỏ cho họ,vùng nông thôn Trung Bộ, thì phải định ra “ luật”. Hai má đã có lúc giận dỗi,má Tư hiền nên đắp chăn khóc và bỏ cơm, còn má Mười tính khí đàn ông thì đi .. đẩy ghe ra sông ! Tôi cứ theo luật mà làm. Tôi còn cầu cứu cô Kê, bà nội và các cô của bọn trẻ, và rồi thấy bọn trẻ răm rắp tuân theo, hai “ngoại” rảnh tay làm nhiều việc khác, nên luật của tôi đã thuyết phục được hai bà . Ở trường làm chủ nhiệm lớp,tôi cũng buộc học sinh chấp hành tốt nội qui của trường, và có thêm “ nội qui lớp” để cho các hoạt động trôi chảy. Tôi không chạy theo thành tích, ( dựa vào nội qui trường máy móc ) mà linh hoạt,bởi luật nào cũng mang tính nhân đạo cả .
Những ngày theo hai má lên vùng “ xứ lạnh” lập nghiệp,tôi đã lờ mờ học ra việc “ chấp hành luật “. Các chủ vườn ngày ấy chỉ là những nông dân Hai Lúa, nhưng tôi thấy cách họ tổ chức công việc ,giờ giấc,những qui định khá chặt chẽ và đầy tình người.Vườn rộng, trai bạn nhiều, việc bộn bề, nhưng bà chủ nhiều hôm vẫn có thể ung dung đi thăm con gái ở xa sinh con cả tháng, hay ông chủ sáng sáng cứ giao việc cho họ,còn ông, vốn có tật nghiện thuốc lào, nước chè xanh,lại hai vai gánh thêm việc một ấp trưởng, một thành viên của nhóm VC nằm vùng,nên ông cố tình lê la nhà nọ sang nhà kia, trọn buổi sáng, có khi cả buổi chiều, mà việc vẫn chạy. Có mấy điều hai má tôi vẫn nhắc : hễ đêm đến, trừ trường hợp hi hữu,còn lại trai bạn được ngủ yên giấc. Vào mùa cần “ đổ phân”tức là dọn nhà WC lấy phân ra ủ, thì họ không được giao cho khâu nào cả. Đi lấy nước từ suối về ao nhà những đêm mùa khô hạn thì ông và những người con. Cả việc bổ củi,gánh nước, ông bà giao cho con cái. Trông em nhỏ cũng vậy,nếu cần thì thuê một người khác . Qui định tiền lương, thưởng, quà tết, đau ốm .. rất chi tiết.
Tôi có dịp gặp lại một vài người con, thừa hưởng vườn tược gia tiên để lại, trở thành những chủ nhân mới . Khoa học phát triển nên nông nghiệp cũng được cơ giới hoá, tuy nhiên có nhiều khâu vẫn cần đến sức lao động cơ bắp.Đó là khâu “ vô chân”, bón phân.. Vô chân tức là lấy đất đắp vào chân gốc rau khi cây vừa qua giai đoạn phát triển, mục đích là giúp cây rau tăng trưởng nhanh chóng, có trọng lượng như ý muốn. Còn vô phân tức là ,cứ gọi là cho rau ăn thêm chất bổ vậy.Muốn “ vô chân” thì bước đầu tiên là chọn đất giữa luống, cuốc bung lên bằng một loại nỉa bốn chỉa . Dùng đất này,với một cây vá, xúc từng xẻng mà ý tứ đắp vào từng gốc cây, cẩn thận nếu không cây sẽ gảy, loại rau như bắp sú, hoa lơ, thân cao , to ,mà lại rất giòn. Tính toán diện tích vườn,số lượng cây khắp vườn mà thuê thêm công, bây giờ chủ yếu là công nhật chứ không mấy ai nuôi thợ trong nhà . Chủ một bên,thợ một bên.
Có chủ ra sức cuốc rất khoẻ, như vắt hết sức lực ra, rồi hối hả xúc đất,rồi vun gốc, rồi người thợ chưa kịp thở để đi uống nước, thì chủ đã thúc giục qua luống khác .. Hết ngày, người làm công đến tìm chủ, xin nhận tiền ( nguyên tắc, luật..vườn mà ) là sau đợt vô chân,bón phân thì chủ mới trả ) Chủ ngạc nhiên, chú làm công vờ gãi đầu : dạ, tại nhà có chút việc. Chủ gặng,việc gì , mày hứa làm cho tao xong đợt này mà .Chủ có linh cảm trực giác rằng hình như chàng làm công này muốn..thôi. Mày thôi thì tao kêu công ở đâu ? Dạ thiếu gì,chứ cháu bận thiệt mà . Rồi anh ta ù chạy, không kịp nhận tiền. Công cán đó, mai mốt sai vợ ra nhận.Mấy ngày bị chủ “ quần thảo “ anh chàng hãi hùng . Mà sao hai vợ chồng chú ấy giỏi thật,hùng hục cuốc vun, cứ như là mai… chết đến nơi. Mình xin bái, kiếm chỗ khác. Đi làm thuê lâu dài, cứ bị bóc lột như vầy,thôi xin chào !Chủ chạy đi tìm công, nhưng cứ như có những cú “tin nhắn mồm “ truyền đi rất nhanh, nên cuối cùng hai vợ chồng đành gồng mình lên mà cuốc,mà vun,rồi đổ bệnh ! Vườn nhà người tha thì đầy trai bạn, mà hễ năn nỉ đi tìm “ giúp cho vài bữa “ thì ai nấy tìm cách tránh như tránh hủi ! Bà mẹ già của hai vợ chồng chủ vườn ấy hiểu ra . Bà đay nghiến con trai : có cái luật đâu mà lạ ! Thuê người đến, chủ cố làm hết sức hết lực, tớ thấy buộc phải theo,nhưng một bữa một thôi.Con trâu con bò chúng nó còn nhận ra, mà đây là con người !
Chủ ngộ ra, nhưng đã muộn .Giao vườn cho con rể, và ..mất luôn vợ .Vì họ bỏ công ngày đêm bên vườn,quên cả sự có mặt của ông này .
Có lẽ vì cũng quen “ định ra luật “nên có nhiều người phải sống với “luật rừng “ hay “luật giang hồ”.
Người bạn cùng tôi gắn bó một thời niên thiếu là nạn nhân của những bộ luật mang khái niệm “luật rừng “ hay “luật giang hồ”này . Chị không kể,nhưng sự việc thì rõ ràng.Có nhà bố mẹ mà không được ở,vì “ nữ nhi ngoại tộc” chỉ do bà này và cậu em ở khung tuổi kỵ nhau ,em cầm tinh con heo mà chị là con khỉ, rồi con đầu lòng của người em chết non,thầy bói nói do kỵ với cô của nó, đang ở chung nhà (?) Khi được về ,thì tách hộ ra . Bà này mỗi dịp lễ lạc,tết nhất, được phụ huynh,học sinh tặng nhiều quà, thì cả nhà dùng chung.Cả nhà bây giờ là hai hộ,hộ kia có nhân khẩu gấp ba, thế mà bà giáo thấy vui, ít ra là làm cho bà mẹ, vốn rất yêu quí con trai một, vui vẻ. Nhưng khi bà này ra vườn hái vài trái su, giàn do hai vợ chồng dựng, cây cũng do họ trồng,thì hôm sau,giàn héo queo,rồi bị giật sập.Chị Giang có ăn mấy quả su ấy, lỡ nuốt vô bụng,mà nghe đắng chát. Chị bảo, lỗi ở tớ. Vì hôm ấy tớ ghé qua,nhà hết cơm, người bạn vội chạy đi kiếm quả su, chế biến cho bà này món mì xào , ngon lắm, vì những quả su non rất ngọt,thêm món mì và chút gia vị nữa thì cứ như đi rét tô răng vậy ! Tôi đùa : thì luật sờ sờ ra đó. Không dựng giàn, không gieo cây, ai cho phép hái . Còn quà tặng thì bà mẹ dùng, mang cho bọn trẻ,chứ đâu cho người lập giàn su ! Đúng luật là giá má giàn su ấy do bà mẹ trồng ! Hai bà lần ra vườn, lật tìm những cọng su ,cành lá héo rũ, mà nước mắt lưng tròng . Vì cái tội hành động phi pháp mà .. đã hại cuộc đời giàn su tội nghiệp !
( còn nữa )
No comments:
Post a Comment