Thursday, July 19, 2018

THANH THẢN

Một người bạn học thuở ấu thơ đến mấy chục năm sau tôi mới có dịp trò chuyện . Trong phòng tiệc cưới rộng, ông lão ngoài  lục tuần này, mái tóc hoa râm vừa hớt, râu cũng mới cạo,   vóc người vốn gầy như càng phô ra  hết tất cả bao nhiêu xương xẩu trong bộ đồ vét may không khéo mấy bằng  vải  xanh xám, càng làm cho làn da nâu đen như  đậm màu hơn, cà vạt thắt vụng về, cứ ngồi thẳng lưng trên ghế đối diện với dãy bàn tôi ngồi với lũ cháu, mắt mở to nhìn sững ,miệng luôn tủm tỉm cười. Tôi nhớ lúc chung chuyến xe  đưa dâu từ Dalat về đây, ông lão này cũng ngồi  ở  băng ghế bên cạnh đám chúng tôi, vui vẻ nhìn ra khung cảnh bên ngoài. Bây giờ trên chuyến về, tất nhiên ai chỗ nấy, chúng tôi lại cùng ghế này. Mấy đứa cháu nhỏ sau một ngày được mặc quần áo đẹp, được ăn uống chạy nhảy thỏa thích, bây giờ thiu thiu ngủ. Mà  nhiều người lớn trên xe cũng thế,  chỉ ông bạn vẫn bâng quơ nhìn ra ngoài xe, miệng luôn giữ nụ cười.
   Xe qua Di Linh, một trường tiểu học, ông lão bỗng xoay người nhìn dáo dác  như tìm kiếm ai. Tôi cũng đưa mắt nhìn theo. Xe chạy qua một  đỗi, ông lão kể lể, vừa như tâm sự,  có chút tiếc nuối : Hồi trước tôi dạy ở đây. Bây giờ thay đổi nhiều quá .Mấy chục năm rồi. Tôi bảo, chứ bộ không vô ra  Sài gòn thăm con hay sao mà thấy lạ? Thì đi, mà toàn đi đêm, về đêm, trời đất tối thui . Lên đến Đức Trọng, ông lão lại bâng khuâng nhìn ra ngoài. Ông Dũng giờ ở với con gái khu này. Chân cẳng bại liệt, không đi đâu được.May nhờ đứa con khá giả, thằng rể tốt. Tôi ngơ ngác nhìn ông lão. Mụ còn nhớ thằng  Thái ngô Dũng con nhà ông Nuôi . À à, nhà ông Nuôi sát bên “vườn trong” nhà tui. Ừ đúng rồi đó. Lại đưa tay chỉ : Lối này vô Lâm Hà nè.Thằng Vũ Hoa Long giờ  có vườn trong này. Hồi bảy lăm nó theo ông chú ngoài Hà Nội vô đây lập khu kinh tế mới, khổ sở không sao kể xiết, mà bây giờ khá nhất trong mấy thằng. Có bữa gặp nhau  tụi tôi  nhắc đến mụ .Nhớ hồi lớp Ba học thầy Anh ... Tôi à to, hèn chi mà lão này luôn tìm cách ngồi gần mình, còn nhòm loi loi, cười cười suốt ngày. Tôi nổi giọng tức giận : Hồi đó mấy ông là một đám thằng khùng. Không có ông Huồng chắc còn quậy tui tới bến. Ông lão quay sang nhìn tôi , đôi mắt hấp hem đầy ngạc nhiên : Ông Tôn Gia Huồng hả, làm gì có . Mà « ông già » mụ  đó !
    Cha tôi ngày ấy là bạn đồng hương, đồng nghiệp với các lão nông mà « ông lão ngoài lục tuần » vừa nhắc đến,trừ bố của anh chàng Hoa Long ở bên ấp Hà Đông. Mỗi bận từ vườn nhà vào vườn trong này, cha tôi luôn thu xếp chút thời gian để tạt vào nhà một trong các cụ để uống chén chè, hút điếu thuốc lào . Lũ con chào đời, lớn lên cùng độ tuổi, học chung ở ngôi trường làng Trung Bắc, đùa nghịch, chòng ghẹo nhau. Hồi đó tôi khiếp đảm « tam nhân vườn đào » này. Lớp Ba của thầy Anh có con trai nhiều hơn con gái, còn thầy trạc năm mươi , người phốp pháp, đeo kính cận gọng vàng ,đau ốm thường xuyên, đi dạy cưỡi  chiếc Vespa khá mới từ ngôi nhà nhỏ ngay trước cổng trường Bùi Thị Xuân bây giờ, đến trường bằng con ngõ  có lát đá nối từ  tận ngoài đường cái chen giữa ấp Hà Đông, gửi xe ở đó, rồi dắt con chó  béc-giê lông lá đi theo lên trường. Cách dạy của thầy là  sai một đứa đọc cho bạn chép,hoặc thầy chép lên bảng, còn đứa khác cầm thước đi lòng vòng quanh lớp, canh chừng những  đứa nghịch ngợm. Có hôm  thì có thầy cô khác dạy thay. Không khí  lớp học  vô cùng tẻ nhạt. Tôi được thầy giao cho nhiệm vụ thu giữ tiền báo. Các anh chị ở  nhóm Thanh niên Thiện chí của trường Đại học Dalat thường mang báo Trẻ Việt đến bán, mỗi tuần một số.  Độc giả đọc đã đời rồi mới trả tiền, mỗi tờ một đồng. Rất nhiều đứa mua, tiền bạc phân minh, trừ ba thằng quỷ này. Chúng nó đóng,rồi đòi. Nếu tôi không đưa lại, chúng vẽ bậy lên tập vở, hắt cả mực vào áo quần, có hôm còn làm rách tung  cả chiếc mũ vải xinh đẹp của tôi nữa. Khổ sở nhất là những vết mực trên áo quần. Lũ  chúng tôi hồi ấy ở nhà mặc gì, ra trường mang theo. Con gái có những bộ đồ bộ vải trắng,  dệt hoa văn nào là ca rô, là chim cò các thứ, nếu bị giây vào một vết mực là rất khó giặt sạch. Tôi không thể mách thầy vì thầy ít  khi có mặt, ít quan tâm đến lũ học trò quê kệch này. Chị Nhụy hồi ấy cũng được dạy một lớp tư (lớp Hai ) nhưng tôi thừa biết  chị vốn nể thầy, sẽ không lên tiếng giúp tôi đâu. Tôi cứ âm thầm chịu đựng.
   Một ngày  , bỗng ông Huồng có mặt ở  nhà tôi.   Dù cha tôi ghé bên  ông thường xuyên, nhưng ông đến « gia trang »  tôi đúng một lần trong năm, để ... chơi bài chắn. Ông mê  món giải trí này, nên hễ nhà ai tàn buổi giỗ, ông sẽ khoác chiếc ba-đờ-xuy to dày, khăn nón,và túi căng phồng ,đến « đậu chớn ». Nhà nào quen biết mời giỗ thì tất nhiên ông đến sớm hơn.  Ngày ấy nông dân thôn tôi làm lụng vất vả quanh năm,đồ ăn thức uống cũng hiếm,chỉ có khoảng thời gian ngắn rảnh rỗi, trong nhà có chút xôi thịt,  đó là sau bữa giỗ .    Các bà ra về, nhưng các ông ở lại một hoặc hai ngày,cho thỏa máu đỏ đen. Chủ nhà sẽ có « xâu » nên không mấy tính toán. Ồng ở tuổi  là bậc cha chú của cha tôi ( ông là bạn buôn của ông Cửu Miên  những ngày mới vào Dalat, khi các anh của tôi chưa chào đời ), dáng cao gầy,  môi thâm tím, luôn trầm ngâm suy tưởng,   làng trên xóm dưới nể trọng vì ông giàu có bậc nhất ở đây, con cái đều học hành giỏi giang.Tôi còn khám phá ra một bí mật : các thầy cô ở ngôi trường Trung Bắc của tôi cũng rất kính nể ông. Ngày tôi học lớp Ba, cô con gái út của ông học lớp cuối, ông là chủ tịch hội phụ huynh học sinh. Ông rất thường xuyên  đến  trường, đi quanh một vòng , gặp thầy hiệu trưởng trò chuyện  hồi lâu, rồi sẽ có một người con đáp chiếc xe Honda đen bóng, đón ông về . Tôi nhớ một lần ông tạt qua trường, chiếc xe Honda đen dừng ở cổng, ông thong thả đi vào, thì thầy giáo tôi đang ngồi thẫn thờ bỗng đứng bật dậy, ra bảng hăng hái viết, rồi  thao thao giảng, rồi  đi   từng bàn,  săm soi tập vở từng đứa. Bọn tôi ngạc nhiên và vui mừng lắm. Hẳn hôm nay thầy đã khỏe. Thực ra chúng tôi biết nhà thầy chuyên nấu cơm tháng cho công chức và cho vay lấy lãi, thầy phải phụ giúp gia đình nên ít có thời gian nghỉ ngơi. Thầy vừa lui cui kiểm tra tập vở từng đứa ,vừa đưa mắt nhìn ra thềm ,thấp thỏm ; có khi thầy giật thót mình  bởi một bóng người, một bước chân,một giọng nói của ai đó. Cuối cùng thầy quyết định sai trưởng lớp ,chính « ông lão » này, vờ đi vệ sinh, nhân tiện giúp thầy xem thử « ông Huồng còn không » .Điều này thầy dặn nhỏ nhưng bọn con gái chúng tôi ngồi ở bàn đầu nghe rõ lắm .Thầy lại ra dáng lui cui cần mẫn xem ngắm tập vở học trò, hỏi han đứa này, cú đầu đứa kia,đúng là hình ảnh một ông giáo tận tâm, tận tụy, và  đứng thẳng dậy thở phào nhẹ nhõm khi trò trưởng lớp bước vào báo tin « không thấy ai cả ».Như trút được gánh nặng, thầy trở lại bàn,đùa với con chó béo tốt, mặc cho chúng tôi quậy phá ngay trước mặt .Tôi sẽ nhờ cậy ông chủ tịch hội trình bày « nỗi khổ » của tôi với thầy .Nhưng tôi không  dám tìm gặp trực tiếp ông đâu, mà tôi cậy  vào ông bố đẻ đáng kính của mình .Tám tuổi, tôi đã mơ hồ nhận ra sức mạnh của quyền lực.
  Tôi kể lể chuyện này với cha tôi sau bữa cơm tối, khi ông ôm chiếc radio của ông, ban ngày vẫn cho chị em chúng tôi mượn, mang về buồng riêng tận cuối nhà trên.Một tay bưng cây đèn dầu bốc khói , tay ôm chiếc  radio nhỏ, ông rất ngạc nhiên khi thấy tôi lẽo đẽo theo sau đến tận giường .Ông tỏ vẻ bất ngờ khi nghe trọn câu chuyện,rồi ông tủm tỉm cười ,chính là nụ cười của « ông lão bạn học » của tôi hôm nay .Ông xoa đầu cô con gái nhỏ,  dịu dàng,ừ, để cha đi nhờ ông Huồng thưa thầy giúp con.Ông nớ cũng quen  cha hai cái thằng tê .Còn cái thằng bên ấp Hà Đông hả, à ừ, để cha nhờ ông luôn .Chỉ sau đó một hôm, ba cái thằng  quỉ sứ này mang đủ tiền báo đến  đóng cho tôi. Cả ba đứa đều thuộc những gia đình khá giả,chúng nó cứ vòi tới vòi lui để trêu cho tôi khóc ,để cười hí hố mà thôi .Nhưng từ hôm ấy,chúng cứ lắm lét nhìn tôi, mà hễ thấy tôi là chúng rủ nhau lảng tránh .Năm học lớp ba trôi qua nhanh .Sau này làm cô giáo, tôi biết tuổi lớp ba bốn, lớp tám và lớp mười một là tuổi « dễ nổi loạn », nhưng chương trình học lại dồn rất nhiều kiến thức, kỹ năng trọng tâm cho các lớp này, để làm nền tàng cho các lớp thi chuyển cấp sau đó . Tôi lên lớp sáu trường tỉnh, học ngoại ngữ mới phân biệt cụ thể các loại từ, vị trí, giá trị,vai trò của nó, mới biết kết cấu tổ chức câu,đoạn... các thứ,mà nhẽ ra bọn tôi phải được học từ thuở lớp ba .Nhưng chúng tôi không hề trách thầy .Có lẽ bây giờ thầy đã ra người thiên cổ rồi. Ngôi nhà nhỏ có mảnh vườn cây trái của thầy nay là  những nhà hàng, khách sạn sang trọng.Chúng tôi ghi nhớ những bài  học sâu sắc qua qua tập báo mỏng Trẻ Việt ngày ấy : thằng cu gỗ Pi-nô-chi-ô và lòng trung thực, nàng công chúa da lừa với  niềm tin vào chân thiện mỹ trong cuộc sống... Thầy được chuyển trường vào năm học sau,chị Nhụy của tôi cũng thế. Các thầy cô mới về,thầy Phúc,cô Thúy,Cô Bình,thầy Quí...được đào tạo chính quy,tâm huyết với nghề .Những ngày lớp Ba  cùng bao chuyện vui buồn tôi cất giữ vào kỉ niệm, đó là trang kí ức đẹp của tuổi học trò .
  Tôi hỏi : Rứa bữa nớ cha tui nói chi mà mấy ông  đâm ra đàng hoàng tử tế với tui vậy ?
 Ông lão mỉm cười : Ông già của  mụ canh 
bọn tui tan trường thì dẫn ra phía sau chùa Linh Giác vắng người qua lại, đi mé mé về phía nhà thờ Hà Đông, đến đứng dưới ngôi nhà lầu gỗ ..
 - Trường mẫu giáo Thánh Tâm của mấy sơ... Tôi chen vào . Mà dẫn đi loanh quanh làm  chi cho mệt ta !
- Ổng có ý đồ mà . Kè đi như kè tù như vậy, bọn tôi đủ chết khiếp. Nhưng ông làm như không hề biết chuyện gì .Ông vui vẻ cho mỗi thằng một đồng, hỏi thằng nào thiếu tiền nộp báo cho Thầy thì ông cho mượn, bao giờ tết đến có tiền mừng tuổi thì trả cho ông cũng được. Bây giờ ông  ra vẻ buồn rầu hỏi thăm  có  đứa nào biết kẻ đã bôi bậy lên tập vở con gái ông,  vấy mực làm bẩn quần áo, cả xé mũ nó ,thì ông  cho thằng đó ... tiền thưởng.Ba thằng tôi cũng được thưởng nữa . Ba thằng đứng như trời trồng, gió buốt lạnh mà mồ hôi tuôn dầm dề .Biết ăn tiền của ông này là mắc họng,biết ba ông bố ở nhà cũng rõ mười mươi câu chuyện.Sẽ no đòn đây Mà rồi sẽ bị thầy hiệu  trưởng đuổi học nữa . Mỗi thằng sợ hãi chĩa một ngón tay lên trời, lập cập hứa từ nay sẽ không tái phạm .Chờ ông quay đi, bọn tôi ù chạy một mạch.Lối đó về nhà thằng nào cũng gần .Hôm sau đi mua kẹo kéo,ba thằng đều quay vô mấy số chín mười không hè .Ba cây dài,chập vô thành cả thước,chia hết cho bọn con trai đi quét lớp bữa đó .
 - Như vậy sao cứ thấy tui đâu là né !
 - Là vì trước khi cho bọn tui về,ông hăm : Từ nay về sau, bất cứ đứa nào  trêu chọc con ông,ông sẽ báo cảnh sát ..xẻo cu !
 Tôi bật cười : hèn chi mà lâu ngày gặp tui,ông cứ nhòm nhòm,cười cười .
 Ông lão đính chính : Sao mà lâu ngày được ?Bữa mụ đi bỏ phiếu,rồi mới tuần rồi  lên bưu điện lĩnh lương hưu ...
 À hôm đi bầu cử .Trên tay tôi có tới sáu chiếc thẻ cử tri : của mẹ, bà dì Năm,chị Hạ Em hai chị dâu. Hai bà cụ không biết chữ, mùa  bỏ phiếu nào tôi cũng tự giác nhận lấy chức vụ « thư kí  riêng » cho các cụ,còn ba bà chị trình độ đầy người nhưng đi chữa bệnh vắng nhà .Phòng phiếu rất đông,dù tôi đã chọn thời điểm giữa trưa, lúc mọi người nghỉ ngơi.Có lẽ ai cũng «  tính  toán » như tôi , nên hàng xếp thật dài. Cậu Bé nhà tôi có chân trong tổ bầu cử, nhưng lúc đó đang bận tiếp khách,hình như
ở đài truyền hình về .Thôi đành  phải xếp hàng vậy. Chợt có một bàn tay  sần sùi,đen đúa ở đâu thò ra giật lấy xấp thẻ của tôi,tiếp theo là giọng ồ ồ như quát : Đưa coi nà ,
,mình mụ mà bỏ chi cả xứ  ri ! Tôi líu ríu đi  theo  bóng một  dáng người gầy gò, nhỏ thó,chân mang giày da bảnh bao. Những người đứng mặt nhìn vào gáy kẻ khác quay ra
 xì xào,ê ê ai cho chen ngang, ai cho bỏ giùm đó ,người ta xếp hàng từ mai chừ (ý nói lâu lắm ).Tôi luýnh quýnh bước,tay đưa cao xấp thẻ dày,miệng cười lỏn lẻn :Thôi thôi xí xóa,thông cảm  chút đi mà .Tui đại diện cho  các bà lão trong nhà, bảy tám bà lận .Có một giọng rất to : Có một bà già đẻ ra mình mà dám kêu bảy tám bà !
  Tôi hớn hở ra về . Nhưng thực ra mãi đến  dịp đi đưa  cô con gái chị Nhụy
xuống
nhà chồng tận Bảo Lộc,tôi mới có cơ hội cùng ông bạn học hồi tưởng lại giòng kỉ niệm
xưa . Ngày ấy,qua tuổi mười một, chúng tôi đứa trường nam, kẻ trường nữ, đứa hướng tây, kẻ hướng đông , ở cùng xóm mà chẳng hề gặp nhau .
Mười tám tuổi chúng tôi cùng sinh hoạt thanh niên  trong thôn khi quê hương được giải phóng ,nhưng thỉnh thoảng mới
có dịp đi lao động, họp hội, biểu diễn văn nghệ chung với  bọn « tiểu yêu » này,do 
tôi được phân công phụ trách Đội thiếu nhi , suốt ngày nhảy nhót với bọn nhóc như Hoa Tre Rồi đi sư phạm, tôi về tận Đồng Nai, ông bạn ở lại Lâm Đồng,dạy một trường huyện.Góa vợ,nuôi hai con , vất vả lắm . «  Ta lớn lên rồi xa trường huyện, trang vở ngày xưa xếp để dành » ( thơ Trần Ngọc Hưởng ) Trang vở của chúng tôi tuổi trường làng cũng xếp kín ở một góc nào đó, để dành, cho đến lúc  tóc người nào cũng hai màu, mặt mũi hom hem, mới dần mở ra .
  Ông bạn bây giờ có các con đều trưởng thành,cha làm công việc quản lý một quầy thuốc nông nghiệp, chuyên trị bệnh, phòng bệnh cho cây cối,công việc không liên quan đến tôi.
 Lĩnh thêm lương tháng,rồi có vườn nữa, hăng hái  việc thôn trên ấp dưới .Tôi biết như  thế vì ông ấy là em họ anh rể tôi,chồng chị Nhụy .
-          Tôi thấy tức cười vì nhớ lại cái hồi tụi mình  học lớp ba thầy Anh.Hồi nớ mụ đi học ưa xách  to òng teng cái bình mực, điệu đà chảy nước .Mà làm tàng bỏ cha .Còn tụi tôi thì bẩn thỉu vô cùng,cả năm tắm táp mấy lần thôi, lại nghịch như quỷ, thấy mụ là muốn chọc  khóc cho bõ ghét .
-           Cho nên mới bị hăm he ,chết khiếp, cho đáng đời.
-           Nhưng  thấy mụ bây giờ tui nhận ra liền. Mấy thằng quỷ kia có đứa không nhớ đó .Ông lão khoe như kể công. Tôi nhớ có hôm lên trạm xá Phường Tám để chích thuốc vì cái tay bị thương,có một ông lão ngẩn người nhìn tôi khá lâu, bỗng vỗ đùi đét một cái : Ôi trời,con Xí hồi ở trường Trung Bắc ... nhưng dù  tôi  bảy tuổi hay bảy mươi thì vẫn là tôi !
   Ông bạn già tâm sự : Hồi tôi xin  chuyển về Dalat,mấy ổng kêu, nè anh còn trẻ quá,chưa đủ
ủ tiêu chuẩn đâu, chịu khó chờ thêm vài năm nữa đi .Cạy cục về đến đây, có ông lại phán : Anh có tuổi rồi,phải ưu tiên cho lớp trẻ chứ .Thua ! Thôi ở đâu cũng cố làm hết cái cảnh trẻ già của mình .Bây giờ các cụ qui tiên cả, có mấy ông cớ Canh Kem nhà mụ thuộc diện cao niên, mình lại được coi là trẻ .Còn đi với lớp ông Bé nhà mụ, thì tui diện già .Ôi sao cũng được.
 Trẻ hay già, đâu phải chỉ mình ông mắc nạn. ?Khi bọn Dalat chúng tôi mới về công tác ở Đồng Nai, đứa nào cũng vừa rời trường phổ thông, bị chê là « non choẹt »,bởi đồng nghiệp đều là những thầy cô đã có thâm niên trong nghề,còn bạn cùng khóa  rất nhiều người đã từng là sinh viên các đại học Khoa học, Văn chương giữa Saigon mấy năm liền .Gồng mình để ít ra đỡ bị chê . Nhưng khi tôi  trở lại làm học trò,tôi tất nhiên biết mình thuộc diện « quá đát » rồi. Hoa Tre và tôi hồi đi học làm cô giáo có chung nhiều kỉ niệm, thôi bây giờ cứ cho là đẹp vậy, dù hồi ấy thì buồn đau lắm. Hai đứa tôi quen với một sinh viên  từ  tỉnh lên, hơn Tre độ dăm tuổi, tất nhiên trẻ hơn tôi rất nhiều, do ở  trọ chung phố, cùng đi thư viện, và ,có bữa xe anh chàng này bị khóa chung một chùm xích sắt với Tre .Số là hai đứa tôi có tật khóa chùm « cho tiện » mỗi khi đi học,đi thư viện,đi ra phố , cả khi đi chơi đâu đó .Có một bữa tôi đau nằm nhà, Tre một mình giong ruổi. Theo thói quen, hễ cứ dựng xe vào một cái cột nào đó là... xỏ khóa luôn chiếc xe đạp
kế bên.Hôm ấy anh kia đang đi học bỗng phải ra về, mà Tre thì đang vùi đầu vào trang sách, cho đến khi thư viện đóng cửa .Họ đụng độ nhau ở nhà xe .Cô nàng đãng trí bị sợi xích sắt to đùng quật vào tay đau điếng,lại phải nhẫn nhịn xin lỗi rối rít .Trời nhá nhem, không ai nhận ra ai, nhưng chủ nhân chiếc xe đạp cao kềnh nhận ra đối phương có gì đó là lạ, nên tò mò theo dõi. Hồi đó tôi có một chiếc nón vải nhung rộng vành rất đẹp, có hai lớp nâu và đỏ, đội bên nào ra ngoài cũng được, món quà tỉnh đoàn Đồng Nai tặng dịp về thủ đô dự đại hội cháu ngoan Bác Hồ với bọn trẻ ,Tre cũng sắm một chiếc tương tự như thế ; áo quần hai đứa
c
ùng kiểu, cùng màu vải giống nhau, mỗi đứa đều đeo ở cổ tay một cái còng thép trừ tà ,túi xách đi học cũng sắm một kiểu giống hệt nhau, nên đôi khi mới thoáng trông, đã có một vài người nhầm .Nhưng chàng sinh viên thì phân biệt rất rõ sau một vài lần về cùng đường với chung tôi : một bà già, một con què !Có thể là nhẫn tâm, nhưng anh ta nói to rõ sự thật,thì mọi chuyện bỗng trở nên bình thường . Tre thản nhiên đón nhận. Tre bảo, từ này em nghe lâu, riết quen, từ hồi em  còn bé xíu kia . Tre đã đón nhận không chỉ một lần, riêng tôi thấy ngộp thở .
  Nhưng tôi đã thở hắt ra, chỉ một thời gian ngắn sau đó.Hai đứa bỗng nhiên phải nhập viện  vì bị sốt cao .Trong giấc ngủ lơ mơ giữa đêm khuya,tôi nghe có tiếng cười đùa  của những sinh viên trực : sư phạm năm hai gì mà già khú đế,còn cái con này chỉ có một tay thôi  mày ơi, sao ra đi dạy được !Tôi thấy Tre nghiêng người, úp mặt xuống gối .
   Tôi về lại Dalat, lớp đồng nghiệp cùng khóa nhỏ hơn tôi sáu tuổi, đều thuộc diện « chưa có kinh nghiệm đứng lớp » trong khi những người cùng một độ tuổi với tôi đều đã  có thâm niên, đã vào biên chế, đảm nhận những chức vụ quan trọng   trong tổ, trong trường .Nhiều người đến dự những tiết dạy của tôi, nhận xét thẳng  thắn
:, còn mang phong cách cấp hai .nghĩa là còn non nghề lắm .Tôi hiểu,vì tôi từ đấy mà ra đi .Tôi tập cho mình không nên buồn,mà tự an ủi :  đây là cơ hội để cho mình cố gắng.Kẻ chê phải là thầy ta đó .Một năm nghỉ chữa bệnh, năm sau tôi về trường mới, ngôi trường  nữ bảy năm đèn sách trong lao nhọc và hân hoan,với biết bao tình nghĩa thầy cô trao trọn vẹn một tấm lòng,tôi được một bậc đàn anh nhận xét, một hiệu phó chuyên môn, và tôi xem đó như là phần thưởng :không phải cô giáo cấp hai mới ra trường đâu. Có thể tôi kiêu ngạo, dù lúc đó tôi đã chọn một con đường đi có vẻ ngược chiều với mọi người, ngược đời nữa, con đường hạ mình, vâng lời, nghèo khó . Nhưng tôi biết ,trong cái non trẻ, tôi có cái chất « tra » và ngược lại .
 Ông bạn kết luận lúc xe gần về đến nhà : Bây giờ tôi lại thấy quí cái tuổi lên bảy trong tuổi gần bảy mươi của mình. Nó hồn nhiên,trong trẻo và thanh thản.
  Thôi tôi xin lại của ông một từ thôi : thanh thản .

                                                         Nguyễn Xuân.

No comments:

Post a Comment