Sunday, July 22, 2018

CHIẾC BÚT MÁY (1)

     CHIẾC BÚT MÁY .

Có món tiền  “bồi thường”  quá to lớn và vô cùng  bất ngờ khiến tôi như lơ lửng trên mây.Tôi cứ  cuống cuồng chạy  loanh quanh khắp nhà mà  không biết mình phải làm gì . Sau lễ cúng đình  mọi năm, Tre sẽ xuống cùng  các chú và tôi  lên chùa, qua nhà chị Hạ Em, chị Nhụy rồi về , nhưng sao chờ mãi mà không thấy nó nhỉ ? Thì ra cô bé đang ngồi chơi ngoài sân rồi, có cả chị Nhụy. Bà  chị thân yêu của tôi mọi khi  đến “xông đất”từ tinh mơ kia . Chỉ có con Mực đón  tiếp chị thôi. Chị nhẹ nhàng lướt qua khu nhà kho rồi về , đi một mình ,về một bóng . Nhà chị chưa có công trình phụ nên sáng chồng … qua nội, vợ… về ngoại.Ngày tết, chị đã mang lễ vật cúng ông bà vào trưa ba mươi, để có những nỗi niềm thì sẻ chia   cùng các o chú  trong sân năm cũ, đến sáng bố con  sang bên ấy  trọn ngày, chị  ở nhà nghỉ ngơi, tiếp khách, hoặc xuống nhà tôi nhổ lông quặm và tóc ngứa cho mẹ. Hôm nay chị đến quá muộn, hẳn bụng dạ chị có gì bất bình thường ? Tôi không hề biết đêm qua, sau  khi cúng giao thừa, các anh chị trong nhà đã kéo sang hết bên nhà anh Thạch . Chị Nhụy quay vào  nhà , gọi to : Con Xí có đi chùa không  kìa ?   Mẹ tôi bước ra,Tre rủ rê :  Bà đi chùa với tụi con không bà? Có anh Đa cũng đi nữa . Ở đây, có nhiều người gọi anh Chút  theo tên do ông Cửu Miên đặt. Đa là một phần của Đa –lat. Rất nhiều  người từ nơi khác đến sinh con ở đây cũng đặt tên này. Chị Hạ Em có một người anh rể tên Đa. Ông anh họ của bà Thiên lý nhãn cũng tên Đa. Bên ấp Hà Đông có hai anh tên này. Bạn tôi ở lớp, Nghiêm thị Huệ Đa học Toán rất giỏi, hơn cả Vĩnh ú của tôi nữa. Giòng Đa –nuýp xanh tận trời Âu có lẽ duyên nợ với nào là Đa Thiện, Đa Thành Đa Phú  gần vùng chúng tôi. Qua phường Một có Đa Thuận, Đa Cát, Đa Hòa, Đa Lộc; về Trại Mát có Đa Phước, Đa Thọ… Mẹ tôi  mừng tuổi cho Tre rồi cười,bà đi ai coi nhà cho .Tôi bước ra, bỗng miệng hỏi bâng quơ một câu mà tôi không tin ở tai mình : Không biết trên chùa có bán bút máy không hè ? Bút Pilot hay Paker ..? Ai nấy đều nhìn tôi ngạc nhiên, tưởng như nghe nhầm. Mấy giây sau, một chú cười: Chùa thì có nhang đèn thôi, còn bút phải ra tiệm. Trên quán bà Dương ngoài Ngã Năm Đại học có bút bic đó (bút bi hiệu Bic) không biết có bút máy không ?Mà bữa nay tết nhứt, ai người ta mở cửa tiệm ! Chị Nhụy  quắc mắt : Cái con ngược đời . Bút thước đâu trên chùa á ? Rồi chị lầm bầm, bước hẳn vào nhà, như không muốn nghe tôi   nói thêm điều gì : Suốt ngày cứ sách vở bút thước. Cả sáng mùng một cũng bút thước sách vở . Tôi thấy anh Chút đã dợm bước đi cùng Tre đã quay lưng lại. Cái đầu anh nghiêng hẳn về phía đám người  đang cãi cọ. Một cánh tay anh đưa lên,  chân hơi tập tễnh bước về phía tôi, anh hỏi : Mà sao con Xí cần mua bút máy ? Tôi ngắc ngứ, chết cha sao khi không mình lại nói chuyện này ta ? Bao nhiêu cặp mắt đang dồn về tôi, cả mẹ nữa. Rồi mọi người vây quanh tôi . ..
   Một chú cầm cây viết máy cháy đen, ngắm nghía. đưa lên mũi ngửi và cười to sung sướng: Bác ông chứ không ai hết ? Tại Bác quen xài bút Bic, hễ nghẹt mực thì kê vô ngọn đèn hơ cho nó ra mực. Đằng này bút máy không sẵn mực, nên bác càng hơ, nó càng chảy nhựa ra . Rồi chú quay sang chị Nhụy, nháy mắt trêu chị : Không có  sẵn mực lấy đâu mà hơ, phải không O Em. Chị Nhụy vốn rất nhạy cảm, bèn  quát, đầu năm đầu tháng, toàn nói chuyện tào lao thiên địa . Anh Chút nhìn  qua một vòng, như thể điểm danh đoàn người đi chùa,cười bảo : Giờ ra khu Hòa Bình coi xi nê nghe, biết đâu có tiệm sách mở  cửa hàng đầu năm thì mua bút cho cái con ngược đời này. Rồi chiều về ai thích qua chùa thì đi tiếp . Tết nhứt mà . Tre kéo tay tôi hớn hở chạy ù ra cổng, bỏ lại mọi người phía sau, như sợ anh Chút đổi ý. Mẹ tôi gọi theo, nè, có tiền chưa đó !
  Chúng tôi chuyển hướng, qua sân nhà Anh Thạch để trèo con dốc nhà anh, ra Phù Đổng Thiên Vương rất gần. Thật may có chiếc xe lam chỉ   duy   một thằng bé độ tuổi tôi  đang ngồi thu lu trong thùng, áo quần mới keng, hẳn con bác tài,chạy đến . Họ chở chúng tôi ra đến bến xe đi Đức Trọng, đối diện với quán Cà phê Tùng thì  đổ khách.  Cầu trời mua được bút . Tôi cứ khấn lầm thầm trong bụng. Đột nhiên anh Chút bảo : Tụi mình ghé chỗ bảo sanh viện Phan lạc Giảng  chút nghe . Bện viện tư của Bác sĩ  Giảng nằm trên  đường Hàm Nghi ngày ấy, nay là Nguyễn văn Trỗi,  chỉ cách chỗ chúng tôi xuống xe vài bước chân. Anh Chút rảo bước, tôi để ý là luôn có một chú đi sát bên. Chúng tôi được dẫn vào một dãy  buồng nhỏ nằm đằng sau ngôi biệt thự màu hồng, cửa đóng kín. Anh Chút hỏi thăm rồi gõ cửa. Một cô gái còn rất trẻ,  độ tuổi chị Nhụy, bận bộ đồ vải cô tông màu vàng,áo len đen, chân đi vớ , bước ra,hé nhìn giây lát ,có vẻ rất thận trọng rồi nhanh chóng mở cửa cho chúng tôi vào .Một cô khác đang trùm chăn kín, nằm nghiêng ủ em bé trong tấm khăn lông to màu trắng, quay ra nhìn. Thấy chúng tôi, nhận ra anh Chút, mắt sản phụ bỗng  vui tươi hẳn . Anh Chút moi túi quần ra mấy tờ giấy đỏ mười đồng, xếp như quân bài tứ sắc, chồng lên nhau, đưa cho cô gái  đang đứng,chân chỉ đi vớ , miệng nói rất nhanh và nhỏ : Hết nợ nghe . Tôi thoáng thấy một cạnh xé răng cưa của tờ giấy trắng lộ ra giữa  thứ tự các tờ giấy bạc, chắc là  phéc-tuya ( hóa đơn ) tôi vẫn thấy ông Mầu cột vào tiền hàng mỗi khi ông  trả tiền mua rau cho mẹ tôi . Anh lại moi túi khác ,   lôi ra tờ một đồng, đặt vào chỗ  em bé và sản phụ đang nằm , vui vẻ  : Mừng tuổi cho thằng cu mau lớn nghe . Cô gái đi  vớ  cúi xuống cầm chiếc bô không, sạch sẽ, bước lại góc giường xò dép mang và bước ra ngoài, anh Chút đi theo. Thấy chúng tôi đứng xớ rớ cuối giường, sản phụ cười, cung chúc tân xuân các anh, các em .  Và quay sang hai cô bé  đang tò mò nhìn vào khuôn mặt đỏ ửng, mắt nhắm nghiền của hài nhi, chị cười: nè, hai em bữa nay lên chức gì rồi ! Vừa ngay lúc đó, Anh Chút đi trước, cô gái theo sau  cùng chiếc bô ,lại đẩy xuống chân giường.  Mọi người kéo nhau đi ra .Tôi thoáng thấy anh Chút ưỡn ngực hít thở thật mạnh. Bây giờ chúng tôi sẽ đi tìm một rạp xi nê. Khu vực này có hai rạp.Rạp Ngọc Lan trên đường Thành Thái ( nay là Nguyễn Chí Thanh  ) hơi xa một chút, nhưng hẳn ít khách hơn Hòa Bình ngay trung tâm phố . Hai đứa tôi xăng xái đi trước . Đường phố người người chen chân. Tôi có cảm giác bao nhiêu cư dân của Dalat đều tràn ra đây  trong ngày đầu xuân này. Qua quán cà phê Tùng, có ba bốn người gầy gò, tóc dài phủ gáy đang ngồi uống cà phê, nhìn ra đường.Một người nhác trong thấy anh Chút bèn nhoẻn miệng cười, thoáng thấy đoàn  chúng tôi đi theo,họ quay vào trong . Vòng qua  phác-ma-xi ( tiệm thuốc tây ) Hoàng Huy Tuần, bất chợt anh Chút đứng lại, đưa mắt nhìn khu bùng binh bên kia đường, bùng binh Hòa Bình. Trong đám người qua lại,áo quần  đủ màu sắc , theo tia nhìn của  “thủ lĩnh” chúng tôi nhận ra một chàng trai độ tuổi  hai lăm,  mặc bộ áo dài trắng của người Ấn Độ. Chàng trai có mái tóc quăn, đeo kính cận, làn da ngăm đen, dáng người to cao lực lưỡng  tò mò khi chúng tôi kéo đến gần .Trên tay anh ta là chùm chìa khóa. Ven bờ đường có một chiếc Vespa màu xanh thiên thanh đang đậu sẵn . Cánh cửa  sắt của gian  hàng bán văn phòng phẩm sau lưng anh ta hé mở một khe nhỏ . Nó vẫn mở  rộng mọi khi, với hai ông chủ cũng to lớn, da ngăm, tóc đen,kính cận, tuổi độ năm mươi.Chúng tôi gọi là “tiệm hai ông chà và”, có nghĩa  là họ đến từ đảo Java của Inđô-nê-sia. Bên  trong có tất cả những thứ mà học sinh cần :   vở, giấy, phấn và tất nhiên không thể thiếu các loại bút.  Anh Chút bước lên trước, nói một tràng tiếng Mỹ. Người đàn ông lắc đầu,chỉ vào đồng  hồ  bảo rằng đã đến giờ anh ta phải đi rồi.Anh Chút đưa bàn tay năm ngón, chắc là xin mười  phút thôi, rồi một ngón, ý nói mua chỉ một món đồ  sáu người còn lại cũng đưa hết mười hai bàn tay lên. Người thanh niên  đảo mắt nhìn, bắt gặp  cánh tay trái của Tre cố gắng đỡ cánh tay phải , động tác nó vẫn làm khi giúp hai má xỏ chỉ,hoặc tự nó may những đường chỉ  đơm nút áo cho khách hàng . Vẻ mặt đang căng của anh bỗng chùng xuống. Anh ta gật đầu, ok.Bây giờ đến lượt tôi toát mồ  hôi. Moi hết hai túi quần , tôi vẫn không tìm thấy tờ tiền cha tôi cho ban sáng. Ôi chết rồi,tôi đã cất  kỹ nó vào trong rương áo, vì nghĩ ra giêng sẽ đi sắm bút mới! Các chú, anh Chút, rồi Tre nữa, đều lục hết túi trên túi dưới, gom lại được một vốc.Tre lại luôn mồm, vậy là không coi xi –nê được rồi, không coi xi-nê được rồi. Người chủ đã cầm cây bút như cây cháy ở nhà đặt trở lại chiếc hộp, xếp vào chỗ cũ, điềm nhiên nhìn chúng tôi quay đi. Anh Chút ra đến cửa bỗng quay lại, móc ví lôi ra chiếc thẻ căn cước. Anh bước lại quầy, nói một tràng tiếng Mỹ nữa,tôi nghe loáng thoáng là cây viết   bị vỡ  , mà my  young sister (cô em gái ) rất cần làm bài tập về nhà ( her homework).Anh chấp nhận bị phạt bằng tờ căn cước cùng tất cả món tiền. Bốn hôm nữa anh sẽ ra đền bồi . Vốn liếng môn Anh Văn lớp  tám của tôi còn nghèo nàn, song tôi như có một sức mạnh nào đó để phân trần : My father  had given me five hundred piastres, but I left  them  at home, I am sorry . Tre mới lớp hai thôi, chưa hề học một lớp sinh ngữ nào, dù nó được nhận rất nhiều những câu chuyện ngắn, giới thiệu về các vùng miền trên thế giới bằng tiếng Anh do bố mẹ nuôi người Mỹ gửi đến,cũng rối rít năn  nỉ , please, please!  Người chủ phân vân giây lát. Bỗng anh ta thò tay vào  tận đáy chiếc tủ kính rộng, cầm ra hai chiếc bút máy hiệu Pilot bóng  láng, chiếc màu nâu, chiếc màu xanh lá cây đậm, đăt bên trong hai chiếc hộp nhựa dài  và nhỏ, trong suốt. Anh trao cho Tre một chiếc,   chiếc kia đặt lên tay tôi, miệng trọ trẹ bằng tiếng Việt, mừng tuổi năm mới, chúc nhiều tốt lành . Các chú vỗ tay,  thanh you rối rít. Hai người thanh niên bắt tay tạm biệt. Tôi rơi nước mắt vì sung sướng. Có lẽ mai mốt tôi sẽ mua chuối về cúng ông địa như đã thầm khấn vái.
 Vào đến trong rạp xi-nê, lập tức anh Chút buông mình ngã dài người xuống ghế như thể sức lực anh  đã bị vắt kiệt. Sau đó tôi thấy anh  duỗi thẳng chân,nằm không động đậy. Rạp rất đông, nhiều người đứng tràn trên các lối đi trong rạp, có người  phải ngồi bệt phía gần  màn ảnh trên sân khấu.  Có một chú ngồi trong cùng đỡ nhẹ lưng anh Chút.Một chú ngồi kế bên cầm chặt 
  tay anh. Tre và tôi ngồi giữa.Chú  khỏe nhất đoàn ngồi ngoài,  vai thường xuyên bị những khán giả đứng tràn xô phải .Phim  hài Pháp “ Hai mươi bốn giờ lơ lửng trên cành” kể lại câu chuyện một đôi tình nhân cãi cọ trên xe trong một chuyến đi nghỉ hè, thế là anh chồng mất tay lái,cho xe “leo cây” .Bao nhiêu phiền toái đầy hài hước xảy ra trong  suốt một ngày một đêm.Rồi  phải cầu cứu đến một chiếc cần cẩu .Đang say sưa cười, đột nhiên Tre kêu : Ôi cái nón của em ! Trong ánh sáng lờ mờ từ màn  ảnh hắt ra, tôi thoáng thấy anh Chút mở mắt đầy lo lắng .Bốn chú đưa tay quờ quạng trên ghế. Tre bật dậy lôi tay tôi,em nhớ rồi, để quên nơi buồng em bé. Trời trưa nắng gắt, Tre kéo tôi chạy như bay qua con đường không một hàng cây, vòng lên dốc Hòa Bình, qua Hàm Nghi.   Chạy một đỗi, ngoái nhìn sau không thấy bóng dáng năm chú người lớn đâu, nhưng chúng tôi vẫn cứ chạy,  vì cái nón mới của Tre. Hằng ngày nó vẫn đội chiếc mũ len sặc sỡ bẩn thỉu tự đan .Tết nhất và tiết trời nóng, hai bà má  nó thay cho nó chiếc mũ vải mua ở chợ màu trắng, có chùm bông hồng nhựa. Có lẽ lúc vào thăm em bé, chúng tôi đã mở mũ ra chào sản phụ  cho phải phép.Rồi hối hả đi tìm mua bút, đi coi xi nê, ai nấy đều quên mất hình ảnh Tre với cái đầu không mũ.  Ở buồng nhà hộ sinh, chúng tôi tìm thấy vật duy nhất trong phòng là chiếc mũ, chiếc giường sắt và tấm nệm mút . Hai cô gái, em bé,đồ  đạc trong phòng đều đã biến đi đâu . Người quản lý, một phụ nữ độ bốn mươi  ,  dáng xồ xề hoảng loạn túm lấy  tay hai đứa tôi, quát nạt : chúng mày có bà con gì với hai con  mẹ đó ? Tôi ngơ ngác bảo  dạ không, tụi con …tự nhiên gặp   họ thôi. Vậy cái người đi đóng tiền ban nãy là ai? A, tụi con có biết đâu.Tre đã cầm nón chạy ra ngoài, tôi cũng vùng lên chạy theo .Chúng tôi leo lên con dốc trước cổng nhà thờ Tin Lành, cứ thế mà dìu  nhau chạy . Cuối cùng, chúng tôi về đến  kí nhi viện Nhị Trưng, trước cổng trường Bồ Đề. Hai đứa ngã chúi nhủi vào nhau, mệt muốn  đứt hơi. Lần đầu tiên tôi trèo đồi sau hai năm theo hướng đạo.Không ngờ Tre cứ dúi cái vai vào cổ như con chim cánh cụt mỗi khi nó muốn bày tỏ cảm xúc mà không thể vung tay được, thế mà chạy như bay ! Tre  mở   túi áo kiểm tra hai hộp bút tôi nhờ cất hộ . Nó cũng moi ra một nắm hạt mứt đậu,chia cho tôi mấy hạt.Mứt  cứng như hạt đào, nhưng bây giờ vừa đói vừa khát ngậm cho đường và bột đậu tan ra, thoảng mùi va ni, lại thấy ngon nhất trần   đời. Mứt này là thành phẩm lao động của tôi, một con bé lớp tám vụng về chuyện bếp núc. Đậu luộc không kĩ, đường bỏ hà tiện nên  hạt đậu se lại, như  viên đá, có thể liệng ..chó chết.  Chả ai buồn đụng đến , vì còn nào là mứt dừa,mứt gừng dẻo có đu đủ và dứa, mứt khoai lang.Nhưng Tre rất thích. Nó có thể nhét  đầy vành nón len, kiểu nón  có dạng hình chữ nhật, gập đôi lại, khâu kết chắc chắn  ra dạng một chiếc mũ,
gắn vào  hai cạnh  còn lại chiếc quai  như  một chiếc ruột tượng, có hai  sợi dây “ Ruột tượng” này được Tre biến thành một “két sắt”. Nhét tiền giấy xếp nhỏ, nhét những quả mai đào.Tết thì  dự trữ hạt dưa, mứt đậu .Hôm nay nón ấy được đi “dưỡng lão”, Tre nhét mứt vào túi áo  chiếc ca rô rộng rinh, tay dài, khoác ngoài áo len,vào túi quần tây . Có hôm Vĩnh ghé chơi tết rồi ở lại ngủ, bà bác về nhà trong ấp Trại Mát,  hai bà chị cứ lâu lâu lại thấy lưng ê ẩm vì cấn (đụng ) phải một cục đá.  Cứ chắc chắn đã năn nỉ Tre cất áo ca rô, cất mũ “két sắt”,cởi bớt quần dài , thì sẽ “tuyệt đường lương thực” của nó  , nào  dè con bé láu cá này nhét mứt hạt vào trong ve áo . Một tay lận,tay kia đỡ, mà nó chuồi vào trong những đường tà áo ngủ khá nhiều hạt “ liệng chó chết” ! Nhưng hôm nay,ve áo đó đầy ý nghĩa !  Tre ngậm  một mồm hạt đậu, trách tôi : Hồi sáng cái cô đẻ em bé cho chị lên "chức dì," sao chị hổng thích, mà mặt xị ra . Tôi ngạc nhiên, chị ấy hỏi tao đi hướng đạo lên "chức gì" rồi chứ bộ . Tao tuần vừa rồi đi họp vội vàng, quên cài cúc túi áo,bị cắt hết trơn, còn  bị vác gậy chạy mấy vòng. Muốn lên chức đội trưởng thôi cũng phải  học đến  đệ nhị cấp . Tre nói,ủa vậy cổ quen chị, sao hồi nãy chị chối beng ? Tôi cáu,tao có quen đâu. Mà quen cũng tội chi mà nói !  Tôi bỗng xấu hổ.Mình cứ ám ảnh chức tước, nên người ta chúc mừng đầu năm, mình lại nghĩ qua chuyện khác. Muốn gặp chị ấy để xin lỗi, nhưng có gặp được đâu ! Họ đã bỏ trốn, mang theo mọi vật dụng trong nhà thương , nên giờ biết đâu mà gặp , mà xin lỗi . Ủa, mà họ là ai ? Sao quen anh Chút nhỉ ?  Hay là, họ từ Sài gon trốn nợ, lên đây đi đẻ em bé? Mà ban nãy anh ấy nói :hết nợ rồi ! Anh Chút có hai người chị làm ở vũ trường, xì nách ba nào đó trong Saigon, nên mỗi lần anh về thăm đều được họ cho tiền , có khi rất nhiều, anh  đủ đóng tiền học, mua quần áo, sách vở ,còn  cho các chú vay khi  họ cần nữa .Người Saigon giàu vậy, sao lại..? Hai đứa ngó quanh,thấy  trong sân  kí nhi viện có một  vòi rô bi net, thế là tôi bèn lật mũ vải ra,hứng một mũ đầy, chìa cho Tre uống trước . Không có nó chắc hôm nay tôi không được tặng  bút,được coi xi nê chùa ( anh Chút bao cả ) được ăn hạt  đậu đá dằn cơn đói . Trời nắng quá,chân tay mỏi rã rời. Hai con  bé tựa vào vai nhau,  nép vào dưới chân bờ thành cao của tòa nhà kí nhi viên, thiếp ngủ .
 Bốn giờ chiều, chúng tôi về đến   nhà chị Nhụy.Cửa đóng cứng nhắc.Nhà Tre cũng thế. Tự dưng chúng tôi linh cảm có chuyện chẳng lành . Đúng vậy, nhà tôi cửa nẻo im lìm . Hai đứa bổ nhào sang sân nhà anh Thạch .  Gian phòng khách thoáng rộng, nơi tôi thường mò qua tìm truyện đọc trộm, mọi người ngồi đầy trên chiếc phản, vẻ mặt  đầy lo lắng .
Bên kia vách là buồng anh Thạch, có tấm rèm lay nhẹ, tiếng hai anh tôi rì rầm trao đổi.  Có t iếng người rên khe khẽ .Mùi thuốc tây
thoang thoảng.
 Chị Nhụy từ dưới nhà bước lên ,  tay lau   trong chiếc khăn mặt.Hình như  chị vừa giặt giũ xong.Thấy hai đứa tôi, chị túm lấy tay Tre, moi trong người nó ra mấy hộp bút, quẳng hết  ra sân. Con bé oằn người để tránh đòn. Mẹ tôi chạy vội lại can. Hai đứa tôi lao ra sân tìm bút. Tre đã nhanh chân  nấp sau một bụi chanh đầy gai. Chị Nhụy cú tôi một cái  đau  điếng, đay nghiến:  Đổi bút thước quẹt khu ( chết tiệt ) của tụi bay mà nguy một mạng người đó.
 Tôi cảm thấy như trời đất quay cuồng.
                                                                     Nguyễn Xuân
                                                                ( còn nữa )



No comments:

Post a Comment