Rồi từ đó, mãi đến
mùa thi tốt nghiệp của bọn học
trò mấy năm sau, hai cô giáo mới được gặp lại nhau : họ cùng làm giám thị ở
Đức Trọng. Nhà trọ khá xa khu vực trường cấp ba huyện, cho nên phương tiện đi
về bốn bận trong suốt ròng rã mấy buổi
thi là “ô tô bước”. Tình cờ gặp nhau, cùng trọ một nơi, cùng có những buổi ra hành lang làm giám thị ba, cùng đi về trên
tuyến đường, cùng chung những bữa cơm vội vàng trong chợ, hai cô gái hỏi han từ
chuyện bố mẹ thế nào, công việc ở trường
ra sao, bà nội và thằng cu con ( Thu đã lập gia đình, ông chồng quen từ trong
trường đại học ) có…dễ chịu không, rồi đến chuyện một phần tư nải chuối ngày
nào . Mọi buổi thi, cả bọn cùng chờ nhau
ra về, nhưng bỗng dưng một trưa, hai
nàng giám thị này đều nộp bài khá trễ,
ra đến cổng mới ngơ ngác nhìn quanh sân trường vắng tanh. Đành rảo bước, may mà
có nhau, đời còn dễ thương. Con đường nhựa dưới nắng bốc hơi hầm hập.Hai cái
túi xách đã điệu đà hơn xưa, xăng đan ba
phân, áo dài thướt tha, hai cái dạ dày rỗng, cô Xí bỗng có cảm giác trong túi xách có vật gì đó cựa
quậy.Thu kể lể, hôm ấy bắc được siêu
thuốc cho bố, ra sân nhà thờ gọi chị thì
anh Hòa bên nhà bảo chị nhắn về rồi. Ừ thì mình tưởng ra đây ngồi chơi, nhưng thấy có mấy người đang cuốc cỏ ở đó,bèn quyết định vậy. Tại đói bụng
quá phải không ? Không ( vỗ vào túi xách )Chuối đầy một túi, tội gì không
vừa…đi vừa ăn .Ôi bà cô giáo, Thu gục đầu vào vai Xí cười.Xí cũng cười to, tự
nhiên cảm thấy có vị ngọt thơm của miếng chuối già hương trong miệng. Ngày
ấy từ nhà thờ quay ra chỉ có một con đường nhỏ ngoằn nghoèo vừa
bước chân một người đi, chạy từ sân nhà
thờ đến hông chùa Linh Giác, nằm sâu dưới một thung lũng khô cằn ,cỏ mọc
sát rạt mặt đất, rất ít người qua lại.Tớ cứ thế mà nhâm nhi
về đến nhà, bất chấp quãng đường sình lầy. Bà cụ thấy vẻ mặt tươi tỉnh,
hơi thở thơm nồng mùi chuối chín thì rất
ngạc nhiên.Ban sáng tớ khoe hôm nay hai đứa sẽ đi nhậu để “tống cựu nghinh
tân”, có lẽ xế chiều mới ló mặt ở cổng, nhưng bây giờ thì đã ngồi đây. Bà vội
vàng đi bắc cháo. Từ ngày ông bố đi xa,
rồi Xí ngã bệnh, bữa tối hai mẹ con chỉ ăn cháo vừng cho nhẹ bụng.Nhưng Xí
bảo,ơ thôi mẹ đừng nấu, con không ăn được nữa đâu. Mà tối chắc con cũng… đi ngủ
luôn. Cô xoa bụng. Một ký lô chuối, sáu trái ! Cơn đói từ lúc ra khỏi sân nhà
thờ khiến cô quên luôn chuyện quả chuối
có Yes hoặc là những chấm đen thui .
Bây giờ nhớ lại,
chắc chắc hôm ấy cô có tới sáu chữ Y.
Một buổi lang thang
trên đường 3 tháng 4 của Dalat, con
đường không hề có bất cứ hiệu sách nào, bỗng cô dừng bước trước một cửa
hàng tạp hóa và văn phòng phẩm. Ở đây có một quầy sách giáo khoa. Bìa cuốn sách hơi lạ,
đầy trịnh trọng đập vào mắt cô : Tuyển
tập 40 bài luận Anh Văn.
Người sưu tầm đã dụng
công chọn lọc những bài Làm văn của các cô cậu sinh viên năm thứ nhất chuyên
khoa các trường đại học quốc tế, sắp xếp
từ thể văn đơn giản nhất ( tự sự, biểu cảm ) đến thông dụng ( phỏng vấn ) và
phức tạp nhất ( bình luận )rồi cho xuất
bản dưới dạng song ngữ. Bà cô dạy Ngữ Văn chú ý phần thứ hai. Cô giáo ngẩn ngơ
suốt đường về .Cô vừa có trong tay nguồn tư liệu quý phục vụ cho những trang
giáo án lớp 10, vừa rưng rưng xao xuyến.
Trái tim cô bị đánh động bởi vài giòng ngắn ngủi từ một bài làm văn giữa cuốn sách. Vâng, cũng
nói về một lần ghé thăm ngôi nguyện đường. Với subject (đề tài) chỉ vỏn vẹn một
từ Places ( cảnh vật, nơi chốn ) , tác giả Sumiko Masaki, một sinh viên Nhật đã
kết hôn, “kể lại chuyến đi thăm một nguyện đường nhỏ ở Pháp. Chuyến đi đã thay
đổi nhân sinh quan của cô” (lời người sưu tầm). Sumiko vừa trải qua những chuỗi ngày tháng u buồn.
Với cô, trong cái đẹp luôn chứa một điều gì đó âu sầu. Dì ruột cô, một mệnh phụ
phu nhân nhan sắc, rất yêu hoa hồng trắng, vừa qua đời vì bệnh ung thư khi còn
rất trẻ. Rồi hai bà nội ngoại cũng ra đi
sau đó. Cô không nghĩ rằng giữa những ngày nắng đẹp trời lại đổ mưa giông . Và cô gái trẻ kết
luận : Tôi trở nên tin rằng không có hạnh phúc nào bất tận và không có cái đẹp nào vô biên ( I came to
believe that there is no happiness which
never ends and there is no beauty which has no limit ). Cùng chồng đến thị trấn Vence ở miền Nam nước Pháp, đích đến của họ là
ngôi nguyện đường do Henri Matisse (1869-1954)
trang trí với một
nguyên cớ duy nhất : chiêm ngưỡng tác phẩm nghệ thuật của người họa sĩ, điêu khắc,
đồ họa tài hoa của nước Pháp mà
cả hai đều rất ngưỡng mộ . Một tư
liệu đôi vợ chồng trẻ có trong tay cho biết Matisse đã thiết kế kính màu, tạo
dựng những bức bích họa và ngay cả lễ
phục cho giáo sĩ . Ngôi nguyện đường ở
thị trấn Vence này cách thành phố biển
Nice tươi đẹp độ ba mươi phút đi xe được bàn tay Matisse trang trí để đáp trả công lao chăm sóc của một nữ tu tại
đây lúc
tác giả lâm bệnh , và đây là một “ trong những tác phẩm vĩ đại nhất của
Matisse trong những năm tháng cuối đời” .
Thoạt tiên cô gái
thất vọng lắm. Dù ngôi nguyện đường được dựng trên đỉnh đồi, nhưng lọt thỏm
giữa nhiều tòa nhà khác, nên rất khó nhận ra. Một tấm biển nhỏ
bằng gỗ gắn trên bờ rào “Chapelle dé co ré e par Matisse” không khiến cô
vơi đi thất vọng .
Nhưng cô gái Nhật đã
luôn buồn đau bất chợt mỉm cười. Khi được hai nữ tu mở cửa đón vào, cô bắt gặp những khung kính qua cầu thang dẫn vào trong nhà nguyện có
hai màu xanh da trời và trắng, hiện lên hình ngôi sao, cá heo. Nó dễ thương
quá, trẻ con cũng có thể vẽ được . Bây giờ,
không gian ấm áp và đầy ánh sáng xuyên qua hai vuông cửa sổ khá rộng lồng
kính. Cô gái không phải là một người
theo đạo cơ đốc, một dịp đến nhà thờ chỉ
là chuyến ngoạn cảnh, nhưng cô bất ngờ: chưa từng thấy một nguyện đường ở vùng quê xa
xôi lại rực rỡ ánh nắng như vậy !Không
có buồng xưng tội âm u, không có không khí nặng nề, mà tràn ngập màu xanh mạ,
xanh dương, do ánh mặt trời xuyên qua lớp kính màu trên khung cửa đổ lên nền nhà lót gạch trắng . Đây là một
lớp học mẫu giáo và cô gái là em bé . Trên mặt kính hiện lên những cọng rong,
những cây tảo biển . Và cô cảm thấy đó là bông hoa của niềm vui .
Cảm xúc hạnh phúc
trào dâng khi cô bắt gặp ba hình
ảnh chỉ sử dụng nét mực đen trên
vách những bức tường gắn gạch men trắng . Một vị giáo sĩ trong áo
choàng lễ phục . Đức Mẹ đồng trinh bế hài nhi, vô số hoa lá bao quanh. Lễ Phục
sinh. Nhưng rất mộc mạc và chân thật. Cô
gái cảm thấy mình thật bé nhỏ , yên ổn và bình an tràn ngập . Cô tìm đến
ngồi ở một chiếc ghế nhỏ trong góc
nguyện đường . Đã bừng cháy trong tâm hồn cô một ngọn nến .
Buổi chiều, cô lại
trở về Nice, cùng chồng dạo bước trên bãi biển.Vẫn đấy thôi , hôm qua, hôm kia
và bây giờ, vùng biển này đang vào hạ vẫn luôn trải rộng như những phông vải
vàng óng . Nhưng hôm nay cô Sumiko Masaki mới nhận ra vẻ đẹp tuyệt mỹ đó . Cô
thấy những bông hoa vui sướng (flowers
of joy ) do Matisse vẽ tỏa sáng lung linh trên những lượn sóng vàng trong tâm
hồn cô. Cô đặt tên cho nguồn sống mới
của cô là “New horizon of beauty” ( chân trời mới của cái đẹp )
Cô Xí đã về với ngôi
trường mới, chính là mái trường của tuổi học trò, như người con đi xa về lại
ngôi nhà mình . Nỗi lo lắng “ rồi những ngày sắp tới sẽ như thế nào” cứ vấn vương khi cầm quyết định chuyển
trường, khi cùng cô bạn đồng nghiệp ôm nửa nải chuối đi qua con đường dốc ngút
ngàn, qua đi tự bao giờ. Cô chưa biết
Matisse ngày ấy,cô không biết Sumiko Masaki viết New horizon of beauty vào lúc nào, nhưng cô tìm được chân trời cho
riêng mình,khi một mình băng qua khu thung lũng dưới chân nhà thờ với một chiếc
túi vải nặng đầy những… quả chuối chín !
Xa dần sân nhà thờ, cô để lại phía sau khu hồ Vạn Kiếp của tuổi thơ, để
bước vào một cuộc sống mới , lao nhọc mà hân hoan. Cô cứ đi, ngôi trường tiểu
học, mái nhà thân yêu, con đường ra nơi công tác mới. Nhưng cô thấy hiện rõ
trong đầu một khu hội trường rất rộng,
mái lợp tranh, vách thưng sơ sài bằng
dừa nước, có vô số những hàng cột cao vọi, cô ngồi ở đó, trong la liệt những
băng ghế gỗ được chôn chặt xuống nên nhà
đầy cát , trông lên sân khấu có gắn hai chiếc loa lớn. Trông qua lớp vách thưng
dừa nước chỉ từ nóc xuống đến ngang đầu là những cánh đồng mênh mang nước, và
nước. Xa thật xa có đôi con trâu đang thong thả gặm cỏ. Hội trường ồn ào. Thân
nhân từ thành phố kéo đến thăm nuôi người nhà của họ đang học cải tạo ở đây, vùng Đức Huệ,Long An. Nhưng dãy nhà tranh như vừa dựng lên , có
những vuông cửa có mái che, có thềm nện
đất, có một chòi canh cũng từ tre tranh
khá cao, một doanh trại quân đội cô đã ghé ở Cát Tiên, Đồng Nai , khi đơn vị
này tổ chức lễ kết nghĩa với học sinh trường cô . Cô nhớ trên đường từ bến xe ở
Chợ Lớn đến đây, những ngôi nhà tranh đơn sơ này luôn là hình ảnh khiến cô đau
đáu. Ở vùng miền đông trên Đồng Nai, nhà nằm rải rác dưới chân đồi, xung
quanh là cỏ dại, đồi cát đá, những bụi chuối xác xơ,không thấy bóng người,mà áo
quần giăng trên những hàng cọc cắm ngang sân, nhưng về đây, nhà cửa san sát hai
bên bờ mương, lưng quay ra cánh đồng, đồ đoàn giắt vào vách hông nhà, trẻ con tung
tăng chạy nhảy. Trường cấp ba ngày ấy ngay huyện lỵ cũng được dựng lên trên nền đất mái lá, ở đây
cũng thế. Cô giáo bất ngờ khi bắt gặp tiếng kêu đầy kinh ngạc khi chúng
được xem hình ảnh khu phố sầm uất có ông bà chúng sinh sống những ngày xa xưa : những mái nhà tranh. Chúng
không thể tin rằng đất nước đi lên từ rơm rạ như thế, không tin được những Lê
Lợi Quang Trung cũng từ đấy mà ra đi, từ
đấy mà ý thức được trách nhiệm
công dân,từ đấy mà làng mạc bề thế như
hôm nay, có chúng như hôm nay. Chúng đâu biết rằng để có một Kinh Thành
Huế đồ sộ trở nên di sản, biết bao người
nông dân chân đất, sống trong những thôn trang chỉ là mái lá, tường thưng.Nhưng
nếu không có họ ?
Cô đi cùng với chị
bạn đồng nghiệp, hơn cô tới bảy tuổi, xuống thăm chồng sắp cưới, một bác sĩ
quân y vừa mới nhận nhiệm sở không lâu trước ngày 30.4.75. Cô gái còn có một lý do thứ hai để lặn lội từ Saigon xuống
vùng đất ngập phèn này : tìm xưng tội ở
một linh mục. Cô Xí ngạc nhiên lắm.
Người bạn giải thích rằng do
công việc, cô ít có dịp gặp linh mục ở
nhà thờ nơi cô ở để giải tỏa nỗi niềm. Vị linh mục từng
là cha tuyên úy, đóng chung đồn ở một sư đoàn với anh fiance ( người đã hứa hôn ) của cô. Không ngờ ông là người anh cả của cô
bạn Vĩnh Tiến ! Ông là Minh Tiến. Ông cũng là cha đỡ đầu của anh Đanuýp-xanh .
Đã có một lần anh con tinh thần dẫn ông bố này đến viếng hai ông bố khác : bố
cô Xí và ông Cửu Miên. Vị tu sĩ tuổi
ngoài ba mươi dáng gầy thấp chứ không cao to , vạm vỡ như ông bố đẻ và
hai em trai, nên trông ông có nét nghiêm khắc của một ông giáo . Nhưng
đôi mắt to luôn dò hỏi và hai khóe miệng có
môi trên mỏng, môi dưới lại dày ,
điều đó khiến người đối diện thấy ông gần gũi, vui vẻ . Ông vẫn giữ chất hóm
hỉnh ở ông bố già nua.Ông kể, ông cụ mê
cô em, nhưng gia đình buộc cưới bà chị,
thế là ông “ chơi luôn” , dù giáo lý Công giáo không chấp nhận chế độ đa thê.
Sau này lên Dalat mua vườn, ông bận bịu với cái xưởng cưa, gặp bà mẹ của Vĩnh
giỏi giang, bèn thuê bà làm quản gia, và… Để cho ba bà an tâm,kẻo lũ con đi
lạc, ông xâu hết vào cái tên Tiến, vào cái họ Ngô Đình, mà nhiều người cứ nghi
ngờ ông có máu của “gia đình trị họ
Ngô”. Bà chị sinh ông, thì bà em sinh một cô. Bà chị sinh tiếp một đôi nam nữ, bà em cũng thế. Các con cùng tuổi, cùng tên
Tiến ( chỉ khác chữ đệm: Ngô Đình Minh Tiến, Anh Tiến, Chí Tiến.. ) nên có khi
học hai trường, nhưng đi thi cả hai luôn
ngồi sát bên nhau, có lần đứa này sẵn sàng chỉ bài cho đứa kia !
Vị linh mục bây giờ
ở đây, vẫn đôi mắt dò hỏi và nụ cười
thân thiện, vui vẻ hỏi thăm cô giáo Xí, như thể cô được ông đến thăm. Ở đây, chiếc cổ cồn trắng lấp ló nơi vạt áo
chùng đã thay cho một chiếc sơ mi giản dị,
nhưng ông vẫn là một người đã
kết hôn ngàn đời với Đức Kito,
và luôn mong ở ánh sáng phục sinh. Ông xởi lởi hỏi Xí công tác thế nào,
cuộc sống ra sao .Ông khoe ở đây ông được phân công làm cấp dưỡng, công việc
tương đối nhẹ nhàng, nhưng chỉ tội là
suốt ngày lội trong nước phèn,
tối về ngủ mê vẫn đưa chân lên gãi . Ông còn khoe nơi này có một đầm sen đẹp lắm. Hoa sen nở rất nhanh
nhé. Mới thấy một nụ ,chỉ thoáng sau là ngào ngạt khắp vùng.Đã có lần ông ngồi … rình hoa nở ! Vì đây giáp Đồng tháp mười rồi , xứ sở của
hoa sen . Cô Xí hiểu lòng ông .Ông ồ ạt như thế để muốn cô vơi đi nỗi đau về
một người họ tránh nhắc đến : người con tinh thần của ông, người anh của cô và
cả em út ông. Gia đình có người làm ở sân bay nên di tản sớm lắm,ngay sau ngày
rời Dalat, đầu tháng tư, riêng ông đang sống cùng lính tráng, ông không
thể bỏ họ bơ vơ những lúc này .Hỏi thăm Vĩnh Tiến thì ông ngập ngừng : có thể
nó vào một nhà tu kín bên ấy. Vì bà mẹ Vĩnh có thân nhân ở đây . Ông hứa nếu có
dịp, ông sẽ chuyển lời thăm của Xí, cô
bạn bảy năm gắn bó,phải không Vĩnh ? Đến lúc
cô bạn gọi ra về, vị linh mục
nhìn cô, ngập ngừng như dặn dò: Này chị,
tôi luôn cầu nguyện cho chị và mọi người khỏe mạnh, bình an. Chúng ta còn có
một trách nhiệm rất lớn là, là làm tiếp phần dang dở mà người đi trước để lại
.Lớn và nặng nề lắm đấy, nhưng vì người ấy, chúng ta phải luôn cố gắng . Và
trên cao kia, ông đưa tay chỉ một đám
mây xám
đang vần vũ trên đầu : Anh ấy
luôn theo dõi mỗi bước chúng ta đi. Chị
cứ vững lòng. Cô gái bật khóc, như thể bao nhiêu nỗi nín lặng dồn nén quá lâu,
bỗng tuôn trào. Vị linh mục có lẽ đã
quen với hình ảnh này. Ông đưa tay chống cằm, khẽ quay đi .
Hai cô gái về
trường. Cô bạn được chuyển lên phòng giáo dục Huyện công tác.Ngày chia tay, cô
tặng người em bộ tiểu thuyết Lớp trẻ, ký tên bên dưới lời chức từng nét , thế mà đọc thì cứ thấy chữ Thỏ rõ
ràng ( tên Thới ).Học trò chả từng gọi cô Thỏ là gì . Cô Xí cũng tặng cô mấy
tập trong bộ Cuốn theo chiều gió , ký tên ,với họ Nguyễn là chữ N và X dính vào như chữ U. Học trò khi chưa biết tên
gọi là cô Nụ . Hoa,Nụ,Nhụy,là tam nhân
đồng hành. Chúng ta phải làm tiếp phần dang dở mà người đi trước để lại .Lớn và
nặng nề lắm đấy, nhưng vì người ấy, chúng ta phải luôn cố gắng
Bây giờ vị linh mục
xưa có dịp về lại Dalat. Vĩnh Tiến hiện sống trong một Dòng kín , khỏe mạnh,
nhưng mắc bệnh đãng trí . Cô bé thông minh ngày nào ! Ông anh vẫn xởi lởi : Tôi
có dịp đi Châu Phi nhé, thấy người ta ăn gạo Việt Nam mình đấy. Nhà nào ở miền quê có
vách ngăn bằng bao gạo có chữ Made in Việt Nam là bảnh lắm . Việt Nam mình giờ
thay đổi không ngờ. Hồi trước có nhiều món hàng không tìm thấy, giờ đâu đâu
cũng có có, lại dễ mua .
Nhưng cha à, Chúng ta phải làm tiếp phần dang dở mà
người đi trước để lại .Lớn và nặng nề lắm đấy, nhưng vì người ấy, chúng ta phải
luôn cố gắng.
No comments:
Post a Comment