Saturday, July 28, 2018

LỜI NGUYỆN CẦU TRÊN QUẢ CHUỐI (1)



Đến bịnh viện thì mới biết thầy Hiệu trưởng đã về nhà từ hôm qua. Vậy … còn nải chuối! Cả hai đứng tần ngần  giây lát rồi quay đi. Dù thế nào đi nữa, Thu là “lính mới” bằng mọi giá phải ghé thăm sức khỏe thủ trưởng,nhân tiện để thầy “nhớ mặt”, nó nói như ra lệnh cho  Xí , chị về nhà đi. Chị vừa ốm dậy, đi bộ nhiều mệt lắm. Em cứ từ từ, miễn trưa đến gặp thầy ấy là được.Xí  cười, thôi cứ đi rồi tính.  Bọn họ  đã cuốc bộ ba cây số từ nhà  ra đây, bây giờ quay trở lại cung đường cũ  với món quà là nải chuối ươm gần bốn ký, và thêm ba cây số leo dốc! Nhà vị Hiệu Trưởng nằm sát bên ngôi trường Xí  về trước Tuyết một năm , khu cây số sáu, mãi cuối con đường Xô Viết Nghệ Tĩnh ,vắt qua mấy quả đồi. Trời  mùa mưa cao nguyên  cùng sang với  hè, nhưng bỗng dưng sáng hôm ấy nắng chói chang như ngày xuân.  Bầu trời u ám chiều hôm qua đã nhường chỗ cho những tia nắng rực rỡ, nóng rát phả lên lưng, những bước chân lếch thếch, khiến hai chiếc áo khoác  nỉ dày phải cất vào túi vải. Nải chuối to được cột quàng qua một sợi dây mây, cứ trĩu xuống. 
              Lòng cô giáo trẻ  bỗng  bồi hồi.
              Năm nào, hình như mới đây thôi, họ cũng hớn hở kéo nhau qua con dốc này, một bên là nghĩa trang rậm rì những khóm quỳ tàn úa sau đông, một bên là những mái nhà thấp thoáng dưới lũng sâu, lác đác những bóng người cắm cúi giữa những luống rau. Nải chuối cũng vàng ươm, cũng được cột quàng bằng một sợi mây khá chắc, con nhỏ  học đệ tứ (lớp 9) trĩu vai bước  ra cổng,thì có một bàn tay từ đâu đỡ lấy. Ủa, ồ... Hai con  bé đi trước reo lên, cũng lúc đó Xí   mới nghiêng vành mũ, nhận ra một dáng người rất quen. Mấy cái con bé này ngốc bò tẹt. Sao không chia nhỏ  chuối ra, mỗi đứa “na” vài trái thôi, bắt mình con Xí nó tha ra đến Lạc Dương  là còn cái cuống! Giọng vừa nạt nộ,vừa  hài hước. Bốn   bóng người tạt vào vệ đường.  Ba con “lạch chạch”  đứng nhìn nhân vật  lúc nãy nhanh chóng lấy trong túi ra một vật nhỏ, bật “tách” rồi phút chốc, tay kia  đưa lên với một túm cỏ  đuôi chồn lớn, thứ cỏ chúng nó vẫn thường bứt về , đặt lên hai đầu những sợi thun căng giữa mấy chiếc cọc bé tí, rồi lấy dép đập, thun bên đứa nào rung nhiều, cái “ đuôi chồn”  bị đuôi kia đẩy rơi xuống trước là  thua. Hôm nay họ không dùng túm bông đuôi chồn tim tím ấy để đá cỏ, mà họ chọn cuống bông rất dài, bện lại thành mấy sợi dây  khá chắc . Cũng chiếc lưỡi dao”thần kì” ló ra từ một vật trông y hệt chiếc cắt  móng tay của Mỹ, loại to tướng  bán  đầy ở hàng đồ xôn, nải chuối thật lớn được chia làm bốn, không đều .Tre xách một túm vài trái, Vĩnh và Xí  được giao hai phần bằng nhau, độ năm sáu  trái, còn lại là chủ chiếc dao. Hai bà chị  hớn hở đi trước . Từ đây lên nhà  chị Vĩnh  còn xa lắm, nhưng có anh Đa đi cùng, nải chuối chia đều, quãng đường sẽ ngắn gần. Tre  tò mò. Mọi năm anh Đa luôn về quê cùng mẹ cúng ông bà. Có năm anh cũng ở lại .Và  bây giờ anh ở đây! Mồng hai tết. Tre đi sau, bàn tay với túm chuối của nó đã nhập chung với túm to của anh Đa, tay nó  như bíu chặt vào cánh tay đang đút túi quần của anh . Hai bàn chân có đôi xăng đan mới   sung sướng hất tung những cọng thông khô ven đường, miệng líu lo ngân nga những nốt nhạc rất quen …Ồ ô ô. A- vách mê xa bô . Tôi không quá tệ với đôi guốc gỗ của tôi đâu . Kể từ khi con trai của nhà vua yêu tôi với đôi guốc này của tôi, anh ấy đã cho tôi  một bó kinh giới ,tôi trồng trên đồng bằng. Nếu nó nở hoa, tôi sẽ là nữ hoàng. Anh Đa chúm môi huýt sáo đoạn nhạc tiếp theo và nheo mắt nhìn Tre. Họ đều  rất thích bài dân ca Pháp Đi qua vùng Lorraine  . Đó là một câu chuyện cổ tích và đoạn kết có hậu. Một cô gái  xấu xí , quê mùa, cùng đôi guốc gỗ qua vùng Lorraine. Có ba chàng sĩ quan gặp cô , chế giễu. Cô  chẳng ngần ngại mà khoe rằng: Hoàng tử đã chú ý cô rồi.Xí và Tre là những cô gái con nhà nông quê kệch, họ đang đến nhà những hoàng tử, nhà Vĩnh, con gái cưng của một thương gia, một phú nông. Ông  bố này  có những người con giàu sang, quyền thế. Chị Nhụy thường chê bai với giọng ghen tỵ, tụi bay  không có  ông anh Đa dẫn theo, sức mấy ông Tiến cho hai đứa bay  lên nhà ông ấy.  Mấy người con ông ấy thấy tụi mình là đóng cổng liền .Họ nghi  mình đi theo Vi Xi .Nhưng chị không tin Vĩnh lại rất bình dân. Chỉ vì mẹ nó cũng lam lũ như mẹ chúng mình.  Mà anh chị nó , xem ra  họ không hề hách dịch như chị nghĩ. Người chị làm ở Nha Địa dư cho Xí mấy tệp giấy cro-ki, trắng và dày, học các giờ Mỹ thuật  rất thích. Ông anh làm cho  chính phủ có lần tặng Tre một hộp thuốc bổ bự, nó uống cả năm, loại Algi-B, chỉ con nhà giàu mới có  thể mua được.Một ông mà anh Đa gọi là Cha tuyên úy đã  gửi cho nhà Tre cả hộp bánh bích qui dịp Nô-en, các cô gói kín để đến tết mới đem ra mời khách. Chị làm o-tét-đờ-le ( tiếp viên hàng không )thì gửi  quà sinh nhật Tre  mấy chiếc áo len dày và ấm.  Xí đã có mấy lần gặp  họ  trong tiệc  Rề-vi-dôn, có cảm giác họ thân quen như những anh, chị nhà mình .
      Bốn người bây giờ  đã đến một ngôi biệt thự Pháp khi qua hết con dốc ngắn. Ở đây dẫn đến khu Cité  Decoux, có ngôi nhà Vĩnh trọ học trong đó. Hôm nay tết nên đóng cửa nhà . Ngôi nhà họ dừng chân cổng mở rộng, bên trong thấp thoáng những bóng người áo quần đẹp đẽ. Một tốp người Thượng , chỉ có phụ nữ, bà lão và trẻ con ,từ trong đi ra,theo hàng một như cách đi rừng, vai đeo gùi, vẻ mặc hốc hác, tóc tai rũ rượi khoác những tấm chăn dày  cáu bẩn . Có người vừa đi vừa bóc bánh ăn, có người  đứng lại bên cổng, cẩn thận xếp một  mẩu giấy nhỏ, hẳn là tiền, nhét vào cạp xà rông.Có một bà cụ loay hoay với chiếc váy đầm hoa còn rất mới, ngắm nhìn giây lát rồi cáu kỉnh vất lên bờ rào nở đầy  bông đỏ. Đó là những người từ trên xã Lạc Dương, khu nhà Vĩnh ở, xuống đây đi chơi tết.  Chủ những ngôi  nhà  họ tạt vào thường lì xì  cho  họ. Bà cụ có lẽ không cần chiếc váy vào lúc này .Có chăng là những chiếc chăn thay cho áo len,áo măng tô nỉ .  Chợt anh Đa kêu to một tiếng Thượng, hình như tên một ai đó. Đúng rồi, một  phụ nữ ngẩng lên kêu  Ơi, chú Hoa. Ơ, cô  Vĩnh Tiến . Anh moi túi tặng họ  món tiền, dặn chị biếu lại cho  những người khác . Vĩnh đứng dẩu môi tiu nghỉu. Nó cũng muốn lì xì cho họ, những con người là “thần dân”trong thôn của bố nó ,những giáo dân  ngoan đạo nó vẫn gặp hằng ngày . Nhưng ban nãy nó đã “mừng tuổi “hết cho mấy nhóc tì nhà chị Nhụy rồi .Tre một tay đỡ túm chuối, tay kia đưa lên cao, đó là cử chỉ  lịch thiệp mỗi khi nó muốn tặng ai vật gì, nhưng  đám người  quàng chăn kia lắc đầu,nhăn răng  cười từ chối.  Với Tre, chuối này bà Tùng  dặn chị Xí và Tre mang lên biếu bà Tiến, cây nhà lá vườn, nhân tiện sáng nay Vĩnh được ông bố chở xuống chơi, lại rất thích ăn chuối già hương , là món quà quí giá lắm. Vĩnh  giải thích, họ có chuối rừng nhiều vô kể . Họ  chỉ cần tiền để mua gạo. Bố Vĩnh là Trưởng thôn nên ông hiểu  rất rõ tâm tư nguyện vọng của họ . Ông dẫn anh Đa đi rửa tội, theo đạo  để có  thêm một người con hay là cùng ông đi truyền giáo. Rồi biết đâu, ông còn tính chuyện "bắt rể "nữa ? Đó là nỗi hậm hực của chị Nhụy. Chị  tính toán một đằng, sự việc lại ra nhiều  nẻo  Từ khi lên đệ tam ( lớp 10) chuyển sang học ở trường nam công lập Trần Hưng Đạo, anh Đa có thêm một chỗ ở mới, nhà trọ của Vĩnh. Anh được ông Tiến thường xuyên đón lên nhà ông mỗi chiều,  sáng lại đưa xuống đi học,cứ thế. Chủ nhật anh mới về lại ấp Nghệ Tĩnh, ở tịt trong nhà anh Thạch,giúp anh tắm gội, giặt giũ, quét dọn, rồi thầm thì  với anh những chuyện gì mà cô bé Xí có tìm qua, cố tình lục lọi những kệ sách bên ngoài phòng khách, vừa dỏng tai nghe ngóng câu chuyện hai người đàn ông trao đổi bên kia vách, nhưng không nghe rõ, có khi  lọt thỏm đôi từ rất lạ tai. Rồi  thì anh  hối hả ra vườn,  hồng hộc  cuốc xới mảnh vườn của anh Thạch. Anh  cháu và ông cậu  ăn chia tứ lục ( cháu có đất  nhận bốn phần lãi, cậu với công sức nhận phần còn lại   ),anh Đa  làm chỉ để phụ giúp cả hai bên  . Buổi trưa mang cơm về cho anh Thạch, anh bê cả phần riêng của mình qua luôn .  Hẳn anh cũng muốn rủ rê ông  anh tật nguyền này đi  theo đạo luôn chăng .Anh này là người không tốt rồi. Nhưng thấy tồi tội. Một kẻ xa gia đình, đến miền đất lạ, làm con của mọi nhà, ăn nhờ, ngủ nhờ, một chốn riêng tư để đặt riêng cái giường không có, mà  tấm chiếu,cái chăn riêng cũng không có .Vậy, nếu đi học để ra làm công chức, tại sao phải vất vả như thế. ?Trong thôn cũng có nhiều chàng trai nghèo hiếu học từ miền trung vào. Họ thuê nhà trọ, kiếm thêm thu nhập từ việc cuốc  vườn,  dạy kèm, đi nhặt thuê quả cù ngoài sân gôn. Họ có thời gian dạo phố, ra rạp coi xi nê, có những bộ quần áo tươm tất, dù có thể ít hay nhiều  bạn bè. Còn anh chàng  này ? Anh ta có bạn đếm không xiết,đủ mọi thành phần xã hội. Ở thôn này, anh quen hết các chú làm  công  trong các nhà khá giả, dù có người đến từ tỉnh khác,huyện khác. Bạn học trường phổ thông anh cũng thân thiết nhiều,  bất  kể họ nhỏ hơn anh mấy tuổi. Lên đại học cũng thế.  Sinh viên sĩ quan từ hai trường đại học quân sự lớn trong thành phố, các tu sinh trong chủng viện, rất nhiều người là bạn của anh . Mỗi chủ nhật họ đến nhà  thăm anh Thạch, anh Đa  luýnh quýnh nhờ chủ nhà nấu cơm đãi. Một vài con cá giếc chiên giòn, một dĩa rau trộn trứng luộc và dầu giấm,những ly nước chè tươi đậm đặc, nhưng thực khách vui vẻ  . Chả ai chú ý, trừ hai chị em  cô bé tuổi thiếu niên và  bà chị “ tào lao”. Đúng rồi, do nhiệm vụ “ truyền đạo” nên anh Chút  phải “luýnh quýnh” như thế .
  Hai cô giáo đã lê lết đến “trạm bà Giao”, chính là ngôi biệt thự  chữ A đồ sộ, quét vôi hồng thắm, bờ rào bông bụt cao dày, cổng luôn khép kín năm nào , nay có tới ba  bốn lối vào, hàng giậu tàn úa, và trước cửa lớn  có  trương một tấm bảng to “Hợp tác xã nông nghiệp ấp Đông Tĩnh”, là nơi người dân tập kết rau củ về bán.Chủ tịch là một phụ nữ to béo, bà Giao. Cô Xí có mấy người quen làm việc trong đó, người   cắt gọt lại rau, người cân đong, người đóng bao,cô  đã đôi lần ghé đây xin nước uống lúc tan trường. Hôm nào cả nhóm du xuân cũng dừng ở đây ...
  . Nải chuối bây giờ được chia làm hai để  mỗi người đeo một nửa  .Trạm không  bao giờ thiếu dây. Lộ trình còn xa lắm, trời đã gần trưa, mà nắng vẫn cứ đuổi theo, bỏng rát mặt mũi . Có những làn gió nhẹ thoảng qua, thổi lồng vào áo vải, mang theo hương thơm dìu dịu , hăng hắc của lá  thông. Ồ, mát quá. Xí muốn "bói chuối" như hôm nào lắm, nhưng chuối đang mang đi biếu mà .
  Và bây giờ, họ đang trên đường trở về nhà. Nải chuối đã trao tận tay người ốm, vị thủ trưởng. Ông còn mệt. Khi khách đến, ông đang mơ màng ngủ. Bà vợ tiếp hai “cựu bình và tân binh”,nhiệt tình mời dùng bữa nhưng họ từ chối, lý do có bố (cô Thu ) có mẹ ( cô Xí ) đều tuổi già, đang  chờ cơm ở nhà. Bà không ngạc nhiên khi thấy nải chuối có hai phần, lại còn khen các cô giáo trẻ quá giỏi,luôn miệng xuýt xoa  tội quá , và không ngần ngại dùng dao tách đôi phần  chuối Thu mang ban nãy , tặng hai cô “quà đi đường”. Chuối già hương ngày ấy quí giá như táo nho nhập bây giờ.Hai cô ngượng ngùng từ chối, bà bèn níu tay chặt, nhét vào  sâu trong túi vải mỗi cô.
. Nhà cô Thu ở  ngay bên hông nhà thờ xứ.Cô giáo mới của trường Đống Đa thua Hoa Tre một tuổi, ngày nào cũng biết "tam nhân đồng hành " Vĩnh, Tre ,Xí, và biết "tất hữu ngã sư"là Vĩnh . Con đường dốc “cằm đụng đầu gối” này hôm nào anh Đa vẫn đi  học, còn Xí vẫn băng qua khu nhà Vĩnh. Hồ Vạn Kiếp dưới chân dốc đã bị lấp dần, mặt nước  tràn lênh láng ra những vuông rau, có mấy chú vịt con  lông vàng óng đang chổng mông sục sạo tìm ốc .Bao cảm xúc trào dâng.  Có lẽ mình qua đây lần này  rồi khó có dịp ghé lại. Ngôi trường cô sắp về nhận công tác ở ngọn đồi bên kia, phảng phất không khí phố xá, không xa mà rồi sẽ rất xa . Cô còn một việc phải làm,lẽ ra khi đứng    nghỉ trước cổng trạm bà Giao. Cô thở dài . Rồi những gì đến sẽ đến thôi mà .

              Sáng mồng hai tết năm ấy họ  bước vào hẳn khuôn viên   Dòng Chúa Cứu Thế, kế bên trường Minh Đức, mà bây giờ Thu sẽ về làm cô giáo, còn Xí chia tay. Cơ sở của nhà dòng nay thuộc phân viện sinh học, từ nhà thầy hiệu trưởng đi ngược lên dăm mét . Anh Đa đưa cao   túm chuối Tre đeo vai, nói to . Ăn bây giờ, chút lên nhà Vĩnh  mẹ sẽ mời chuối nữa, nên “dùng trước vẫn tốt”,được không, bà chủ ?. Con  nhỏ Vĩnh quai mồm  nhại giọng mẹ nó ,người  phụ nữ gốc  Vĩnh Bảo,Hải Phòng, quê hương của cụ trạng trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, một "chiêm tinh gia " : Chúng mầy ăn quả “toa” này, này, “ngoan” ra phết nhẩy. Tre ôm bụng cười . Chuối vừa được dấm với đất đèn, mẹ cô Xí  cất ra từ tối ba mươi, quả vàng ươm, thơm thơm mùi các bua, mùi quả chín. Họ ngồi hàng ngang trên thềm xi măng, trong không gian êm ắng của tòa nhà yên tĩnh, trong hương dìu dịu của thông, của tùng, trong làn gió mơn man một sáng mùa xuân,thấy lòng tràn ngập hạnh phúc . Anh Đa bảo, nào tụi bay có biết “bói chuối” không? Là sao ? Đây, anh chỉ vẽ . Con bé Vĩnh lì xì đi, mỗi đứa một trái, ừ, tao một trái, mày giữ một trái. Bây giờ chúng mày nhắm mắt cầu xin một điều gì đi trong năm mới này .Cả mai mốt nữa . Rồi sao nữa? Đừng có hối,thì cứ cầu xin đi đã. Sau đó, chiếc dao bấm độc đáo lại  thò lưỡi, xén đôi mỗi quả chuối. Anh cầm hai mẩu chuối đưa lên ngắm nghía phần ruột chín bên trong, bất chợt mỉm cười. Có thấy gì lạ không ? Con thấy có ba phần, để con tách ra ăn nghe.Đó là cách ăn chuối của Hoa Tre. Tay phải  bị liệt, bàn tay trái còn bé,  nên mỗi khi ăn chuối, các bà má   giúp nó  cắt đôi, nhưng Tre vốn mạnh mẽ, ngang ngạnh, lại tách dọc. Vĩnh Tiến reo lên, a tui thấy rồi, chữ i cờ rét. Ừ đúng. Anh Đa vui vẻ . Y có ý nghĩa gì nhỉ ? Là là …Vĩnh rất thông minh ,một  con chiên ngoan đạo, là  yêu thương, là  y xì xì… Anh vẫn lắc đầu. Tre reo lên , y tá.  Con bé hồi bốn tuổi bị sốt bại liệt, ra vào nhiều  bệnh viện, hình bóng  những chiếc áo bờ-lu trắng luôn ám ảnh nó .Anh vẫn lắc đầu, tiếng Anh đó . Cô bé Xí thích học môn Anh Văn hơn Toán, buột miệng  ,là Yes. Ừ, đúng rồi đó .Lời nguyện cầu nên ai nấy giữ bí mật nghe chưa . Cả ba người kia đều có một chấm đen thật to ngay giữa lòng quả chuối, thế là chuối không Yes , không nhậm lời cầu xin  của họ rồi.Trừ anh Đa.  Lời nguyện của anh Đa là gì ?  Tre thắc mắc lắm.Nó thì mong hai bà má xin thêm em bé nữa về nuôi . Vĩnh  mơ ước sẽ vào ngành kiến trúc , còn Xí tôi , là  … dành cho chị Nhụy: chị bớt tính Trương Phi .

    Hôm nay,cô phải ghé sân  nguyện đường trong xứ đạo này, hẳn lời  khấn  xin mới thiêng.
                                                                                                               nguyễn xuân 
                                                                                                                 (còn nữa ) 
                                                                                                        
                                                                                                            

No comments:

Post a Comment