. Kính Dâng Hương Hồn Những Người Trẻ đã ngã xuống cho Tổ Quốc .
Tôi nhớ lại tôi đã ngồi lặng người
nơi bàn học rất lâu, và chắc còn lâu hơn nữa nếu không có tiếng í ới gọi ăn cơm của thằng em
út.Thôi rồi, tiêu đời cây bút máy đẹp đẽ của mình ! Mà không biết ai đã đối xử
tàn tệ với nó như vậy ? Ai chứ ?
Tôi đau khổ tìm một tờ giấy, cẩn thận cuộn kín cây viết lại, bỗng nhớ có lần tôi đã
tìm vải vụn đắp kín thi thể con mèo con bị bệnh chết, rồi đem
chôn. Tiếng gọi ra ăn cơm của thằng em
vẫn dóng dả bên ngoài , tôi lật đật nhét cây bút vào sâu trong hộc bàn, thấy mi mắt cay cay .
Lễ cúng sáng mồng
một tết đã tàn nhang, mọi người xúm lại bê dọn mâm cỗ xuống nhà dưới. Cơm trắng
dẻo đơm đầy trong bốn chén kiểu bằng sứ mỏng tang, bên ngoài vẽ hoa văn chùa
chiền, tráng men xanh lam.Thịt nạc kho ngọt,
thịt bò kho cắt lát, thịt heo luộc ngâm nước mắm ngon, chả thủ , cá thu
chiên xốt cà chua, canh miến nấu gà, xúp lơ và đậu hòa lan xào thịt nạc, bánh
tét, dưa kiệu, dưa cải chua .Các thứ dưa
mẹ sai tôi gắp từ thẩu, từ khạp ra . Tôi
thò đũa
vào chiếc khạp men da lươn bóng láng, kéo lên những cọng dưa cải vàng
ươm, mùi thơm chua chua dìu dịu, mà cứ mong
có một phép lạ nào đó, gắp được… cây viết máy . Ôi! Cây viết máy của tôi
.Nó không còn mới, nhưng nó đã gắn bó với tôi hai năm rưỡi rồi. Nắp viết màu
vàng, thân màu nâu ánh lên tia đèn
trong đêm, tia nắng bên cửa sổ , bây giờ chỉ còn lớp vỏ thôi . Cái họng lưỡi gà
để gắn một mẩu ngòi mỏng mảnh như cọng cỏ đã cháy queo, chảy nhựa, biến dạng
đến độ thủ phạm hẳn phải vất cả lắm mới
đun được vào trong phần nắp rỗng . Ngòi
màu vàng như thể được mạ cũng cháy đen, trở thành một mẩu thép quăn queo, chẳng
khác gì moi từ bếp tro ra .
Hồi đêm, lúc ai
nấy cùng kéo ra sân cúng giao thừa,tôi ngồi nấn ná trong buồng học, chỉ vì muốn
nghe cô xướng ngôn viên thông báo kết quả cuộc thi thơ trên đài phát thanh Saigon . Giải
nhất thuộc về một người lính đóng ở đồn xa,
đâu như tận Đức Cơ. Rồi cô Hồng Vân
ngâm bài thơ này, da diết đến nao lòng . Người lính chỉ mơ ước một điều rằng xuân này sẽ là xuân thanh bình . Bỗng
dưng tôi muốn viết đôi điều lên nhật kí. Nhưng mẹ đã gọi tôi ra đón giao thừa .
Tiếng pháo nổ râm
ran, có đôi tiếng súng từ xa vọng về .
Ban thờ cúng giao thừa có
bình nhang, đèn cầy cắm trên hai cái đáy
tách nhỏ úp ngược, một bình bông bẻ ngoài vườn. Một dĩa trái cây, con
gà, cộ xôi nếp trắng.Ly rượu. Cha tôi vận áo dài khăn đóng khẽ khàng đốt nhang,
hai anh cả đứng kế bên. Thằng út và mẹ đứng sau lưng,tôi đứng cùng hàng với các
chú trong nhà. Từ khi hai chị lần lượt
đi lấy chồng, mấy năm rồi lễ giao thừa nhà tôi cũng ngần ấy người. Vắng bóng các chị làm công . Họ giờ
này cũng đang đón giao thừa ngoài quê, ra giêng mới quay vào.Các chú đã từ ngày vào đây chưa về ăn tết. Họ không thể về, chỉ vì e ngại chuyện bị bắt đi quân dịch.
Món tiền để dành cả năm, các chị, hoặc anh Chút về quê,sẽ chuyển giúp họ. Đôi
khi cũng có chú về thăm quê khi nhà có giỗ kị, hay cưới xin, ma chay. Trong đêm
giao thờ ở xứ người, vẻ mặt mỗi chú một nét trầm tư .
Bỗng tôi có cảm giác
như một ai đó đang lặng lẽ đến đứng sau lưng tôi, chắc một chú nào đó . Tôi
chăm chú nghe cha tôi lầm bầm khấn nguyện, rồi giật mình khi các anh châm ngòi
vào dây pháo treo đu đưa dưới một cành tre cao cắm ngang hiên. Xuân đã về .Lại
một xuân nữa đến trong khói lửa chiến tranh.Mùa xuân vẫn xanh… Chiếc bàn đặt lễ
vật cúng giao thừa được khiêng trả lại nơi phòng khách, tôi thoáng thấy một bóng người tập tễnh đặt bốn chiếc ghế nhỏ vào đúng vị trí nơi bàn. Không phải anh Chút chứ
? Anh đã về Saigon ăn tết cùng các chị từ mấy
hôm trước rồi mà .
Nhà cửa bây giờ tối
om, chỉ còn ánh sáng leo lét của ngọn đèn dầu nơi bàn thờ. Cha tôi vẫn trong bộ
áo dài khăn đóng cúng giao thừa cầm đèn
pin đi khắp nhà để xông đất . Bắt đầu từ sân,
ông bước qua khung cửa chính giữa nhà, lại buồng mình, qua buồng các con
trai, phòng khách, rồi buồng vợ, phòng học, khu con gái, tôi tớ, nhà bếp, bể nước, nhà kho,
chuồng trại… Ai nấy dù chưa ngủ cũng phải chui hết vô mùng, tuyệt đối
không để ông chủ nhà đang tự “xông đất năm mới” nhà mình thấy mặt . Có năm lúc cha tôi ra đến nhà kho, có một chú
đêm hôm bỗng phải "đi nặng " đành liều mạng
nhảy ùm
vào trong ngăn heo ở,
thế là sau đó vừa phải “dọn nhà”cho heo, lại phải lịch kịch đun nước … tổng vệ
sinh ! Đây là một phong tục mà Vĩnh bảo rằng nhà nó không có, tuy nhiên tôi vẫn
thấy hay hay, vì sáng mồng một chẳng phải
canh chừng ai vào nhà mình sớm nhất để rông cả năm.
Vậy thủ phạm khiến
cây bút máy của tôi bị cháy queo đen như thế, chẳng lẽ là ..? Ngay đầu sáng
mồng một tết thế này, tôi không thể vác bộ mặt bí xị đưa ra trước mọi người,
cũng không được để lòng nặng nề vì cứ mãi ngờ vực ai đó . Có chăng, phải chờ
đến hết mồng ba, khi tiễn ông bà về trời, mà mẹ tôi gọi là lễ đốt vàng .
Ngày tết nhà tôi
vắng bóng các chị làm công, nhưng có thêm các anh ở xa về. Mâm cơm để bê qua
cho anh Thạch bây giờ do hai anh lớn
nhận lấy . Sáng nay tôi bỗng thấy có thêm một tô cháo. Anh Thạch đã bị
đau rồi sao, hôm qua mới thấy các chú
nhà tôi, hai anh kéo qua bên ấy hớt tóc, đun nước tắm gội, ủi chải áo quần, có tiếng
anh Thạch hát vui vẻ lắm mà. Từ trưa họ đã
mang mấy tờ báo cũ của anh Thạch về cắt dán tạo thành một chiếc áo
khoác, tròng vô thân trên để tóc không
vương vãi ra áo quần. Hằng ngày trong thôn có một chú làm nghề “cúp “ dạo, đeo
một chiếc hòm vuông đi quanh làng, hay ghé vào nhà tôi buổi trưa, tranh thủ lúc
các chú được nghỉ ngơi. Nhưng bây giờ có thợ “cây nhà lá vườn” vẫn thích thú
hơn chứ.
Trước đó, họ đã cật
lực với bao công việc cuối năm. Một chiều cuối năm ở quê luôn bận rộn. Phải
tưới cây cho thật đẫm,vì tiết trời ra
giêng rất nắng, và chịu khát suốt mấy ngày tết. Phải gom cất gọn gàng các nông nụ. Vườn tược,nhà cửa gọn
gàng .
Anh Thạch đau, hay là … ? Chiều tôi hôm qua, tôi thấy các
anh mang bông băng, kim tiêm qua nhà bên ấy, khi về bê theo một xô nước loang
loáng đỏ, đầy bông băng. Tôi thấy cha tôi lặng lẽ vắt khô mớ bông ấy, tẩm dầu
lửa đốt rồi sai thằng cu con ngồi canh chừng, vẻ mặt ông có chút lo âu căng
thẳng . Chắc bên anh Thạch lại có ông bạn nào
đi cưa củi, bị cây đè nên u đầu, què chân chăng , nên ghé nhà anh nghỉ
ngơi. Nhà anh Thạch vốn rộng hơn nhà tôi,có tới bốn năm bộ phản bằng gỗ lim , gụ lên nước bóng
loáng,thường được che kín để tránh bụi
bằng những tấm vải rộng can lại từ những
bao vải đựng bột mì do Mỹ viện trợ,ai chưa quen mắt bước vào mọi phòng chỉ thấy
ngập một màu trắng. Tôi đã có lần xem xi
nê thấy bàn ghế chủ nhà phủ vải trắng
khi họ đi xa, cho nên lại cảm thấy gần
gũi . Các chú có khi cất tấm che, leo lên thực hiện các món võ “vật”.Ở nhà tôi
nếu vật như thế thì tối đến không còn giường để mà ngủ ! Có lần tôi thắc mắc
sao anh Thạch không cho sinh viên trên Viện Đại học thuê trọ. Con dốc bên hông
nhà anh được lát đá khá sạch sẽ, chứ không lầy lội như con đường làng dẫn lên đình phía nhà tôi. Đường lên
Viện cũng không xa.Anh Thạch ở một mình cũng buồn, lâu lâu anh Chút mới ghé.
Anh ấy là con cha tôi, là cháu ông Cửu Miên, là con ông Tiến bố Vĩnh, còn con
một ông cha cố nào đó nữa,nên anh có rất
nhiều chốn dừng chân trên bước đường lữ thứ, anh bảo thế . Nhưng khi nghe tôi
đề nghị như thế, cha tôi nạt: Cha mi, khôn ngược !
Sau bữa ăn sáng đầu
năm, các chú xúm nhau phụ mẹ tôi dọn dẹp rồi
kéo ra sân vừa cắn hạt dưa vừa phơi nắng. Bên nhà bà Cửu Miên, mọi người
sẽ xúm xít với canh bạc và vận đỏ đen.
Có năm các chú nhà tôi đã cháy túi, đến độ đổ nợ.
Một năm được nghỉ
ngơi khi thời tiết thật đẹp, các chú sẽ đi chùa. Họ choTre với tôi, hai con oắt con đi cùng . Thằng
cu sẽ theo cha vô đền họ tộc Nguyễn Thái
trong ấp Tân lạc cùng các anh và ông Cửu
Miên cúng đầu năm . Còn bây giờ, một mình cha tôi lên đình. Ông bận chiếc sơ mi
đẹp các anh mang về làm quà, khoác chiếc áo len ghi lê hai ông con đổ mồ hôi
đan thử trên chiếc máy đan cổ lỗ sĩ, có lẽ từ thời Napoleon để lại,bận thêm
chiếc áo dài đen cũ kĩ từ tận xứ Nghệ . Trông ông tươm tất. Tôi chăm chăm nhìn
vào lưng áo : thủ phạm là đây chứ không
ai hết . Nhưng để qua mùng bốn tết đã . Nhưng tại sao đang yên đang lành cha tôi lại đi đốt cây bút
của con gái ? Chà, đau cái đầu!
Tôi ra sân, nhưng
không ngồi trên băng ghế đặt mé sân với các chú,các anh , mà đứng thẫn thờ bên
phuy nước đầy ắp được bơm dưới ao lên
chiều hôm qua . Nước trong nhờ nhờ, thoang thoảng mùi rêu tanh, có mấy con ốc
con bé tí như đầu móng tay bám vào thành, à có một hay hai con cá lượn
tung tăng. Cá này chắc thằng út vợt
ngoài ao thả vô sau khi các chú bơm nước đầy. Tôi sẽ cố đếm ra con thứ ba.Nếu
có con này, thì cây bút của tôi… lại cây bút .Tôi lắc đầu.
Nắng đổ trên tóc nghe
ran rát. Chưa có một ngày nào trong năm mà thời tiết đẹp như vậy.Mọi người
thường ngày vẫn chăm chăm vào nắng ở đâu
để phơi cỏ, phơi củi, phơi phân tro giống máy, để phơi phóng áo quần, để canh
chừng che chắn cây cối, để mở cửa lớn
cho nắng vào, khép cửa nhở để khỏi ai kêu “nắng quá” . Bây giờ người ta đang
thả hồn vào nắng để tận hưởng một ngày đầu năm. Trong đầu tôi chợt vang lên giọng đọc rất êm
ái của cô giáo “Ánh sáng ùa đến từng luồng lớn khiến tôi ngập trong sắc vàng chói lói. Màu nắng vàng tươi,
không nồng lắm và trong như lọc. Da trời xanh lơ lơ, thứ màu xanh e lệ của một
thời tiết muốn đẹp nhưng còn ngập ngừng”.Đó là một đoạn văn tả bầu trời trong
nắng xuân của nhà văn Bùi Hiển . Tôi lại nhìn vào thùng phuy nước.Kìa, con thứ
ba. Không, vẫn chỉ hai con .Cái cây bút máy . Ôi ai có phép màu cho nó trở về
như cũ không ? Phải dành dụm rất lâu mới mua được cây khác . Nhưng nếu không có
bút thì đi học làm sao ?
Trên đình có tiếng
trống thùng thùng vang lên, tiếng “thượng bái” xướng rất rõ.Các cụ đang tế tự . Tôi sẽ nói gì khi ông ấy về ? Mặt nước thoáng
xao động soi rõ khuôn mặt tôi, một đôi mắt không phải của tôi, nó ủ dột làm sao
? Thôi, một ngày đầu năm…
-
Lý Bạch ngắm mặt
trời trong thùng phi hả ?
Tôi giật mình ngẩng đầu nhìn lên.Ồ, anh Chút .
Anh đã đi Saigon , sao giờ lại ở đây ? Cái đầu mới hớt cao nên trông khuôn mặt
anh hiền hiền, dại dại. Ngang vành tai có một vết trầy, có lẽ lúc cạo tóc, chủ
nhân sơ ý quẹt lưỡi dao lam. Anh lần ra phía cổng ,nơi hai anh và các anh chú đang ngồi ngắm cảnh, hình như lưng hơi vẹo về
một bên, bước chân tấp tểnh . Anh cũng bận áo quần tươm tất như các anh tôi,
chỉ khác là đi dép da. Mặt anh đỏ ửng, môi khô xám như người đang bị sốt. Cả ba
kéo nhau lên hiên, vô nhà,tôi thấy các
chú đưa mắt nhìn theo. Tôi quay vào, dự định sẽ đến bàn thờ thắp nhang , nhưng
thấy cánh cửa lên nhà trên đã khép hờ, anh Chút quay lưng ra ngoài, hai anh tôi
vạch áo anh ngắm
nghía, có tiếng một anh thì thào tôi chỉ nghe
lõm bõm : thì đi… người ta nghi .
Vậy là anh Chút về từ chiều qua.Có lẽ bị tai nạn
xe cộ trong ấy. Chị Nhụy đã vào ra Saigon nhiều bận thăm chồng, trước đó còn ở đây cả năm để
chữa bệnh, xuýt xoa : Ui cha trong nớ xe nhiều hơn người, mà ra đường xe tránh người
chớ người không tránh xe . Tôi luôn nghe trên radio quảng cáo bán xe “ An toàn trên
xa lộ, thanh lịch trong thành phố, tiện lợi khi vào ngõ hẻm, và nhất là làm cho
bà xã hài lòng vì nó bền chắc . Đó là chiếc suzuki lý tưởng”.Rồi tiếng cười khanh
khách của một phụ nữ, và giọng nam hấp tới giới thiệu địa chỉ Ngô Hảo 58 Pasteur .Ở ấp tôi đã có người trốn lính,
vào đây đi học,rồi ngã xe, gãy chân, chữa
trị rất tốn kém.
Thằng cu em chạy xộc vào nhà, cuống quýt gỡ chiếc nón vải máng trên móc,
hấp tấp đội lên đầu. Đó là dấu hiệu cho
biết cha tôi từ đình đang về, sẽ dẫn nó đi vô đền . Tôi nhìn ông đang từ từ
bước qua khung cửa chính trước bàn thờ ,
lại buồng cởi áo. Hình như đôi mắt của tôi đã nói lên tất cả . Ông lên tiếng
sai thằng cu xuống bếp rót cho ông ly nước chè, phải là nước cốt ở ấm trong bếp, chứ nước mời khách thì đã
bày sẵn ra bàn rồi . Ngay lúc đó,ông gọi tôi vào buồng học. Đó là một nửa gian
buồng của mẹ, cha tôi đã cho ngăn vách, đặt vào đó bàn ghế, bảng đen , kệ sách để hai đứa nhỏ có một góc học tập
đàng hoàng . Rồi ông lập cập moi tận sâu trong túi quần tây ra mấy tờ giấy bạc, toàn những tờ năm trăm
màu xanh rất mới, đó là tiền mẹ đưa,tiền
các anh biếu. Ông nhìn tôi, ân hận. Này, con cầm cái ni.. bữa mô đi học… mua
cây bút mới… Còn thì mua truyện mà coi, mua sách mà học, hay đi xi nê với cái
con bé nhà ông Tiến. Ban nãy, khi tôi thấy ông nặng nề đi trước,chậm rãi mở cửa
phòng, lưng gù xuống,tiếng thở mệt nhọc,
tôi biết rõ ông là thủ phạm và đang tìm cách xử lý, tôi thấy thương ông
quá . Đứa con rơm rớm nước mắt , lắc đầu, thôi con không lấy của cha đâu. Con
viết đỡ bút Bic rồi con bỏ heo..mua … Thì phải mua mà học chứ . Ông dúi tiền
vào tay tôi, tại cha lỡ tay,cha không biết là bút thứ ni thì khác thứ tê. Con
cứ đi mua một cái, cái mô đẹp mà con thích nhất, để đi học cho đàng hoàng như
người ta . Tôi nhìn những tờ tiền mới trong tay ông . Ông lại đưa thêm một tờ
nữa .Đây, cha cho con… thêm vô mà mua …
mua đôi xăng đan loại tốt mà đi học. Tết ni mẹ chưa sắm cho con phải không
? Trên tay ông chỉ còn một tờ . Ngày
tết, cha tôi cũng tạt vào nhà ai đó có sòng bài, nhập hội vài giờ rồi về, tiêu
chuẩn của mẹ là như thế : khi mô hết tiền thì về . Nhưng hình như ông không để
cạn túi .Có năm ông còn mừng tuổi thêm cho bọn tôi nữa . Đến lúc này thì tôi
quay đi.Tôi nỡ lòng nào kia chứ !
Bây giờ bốn người đàn ông trong nhà tôi đang
băng vườn, qua nhà ông Cửu Miên để cùng đi đền. Ông Cửu có xe gắn máy mà thiếu
tài xế, trong nhà tôi thì ngược lại :
một anh sẽ chở cha và chở em, anh kia chở ông chú. Tôi thấy thằng em út lon ton
chạy trước, cha đi sau, hai anh đi cuối cùng. Khi gần đến nhà ông Cửu, họ dừng lại vì có tiếng chó sủa ồm ồm. Một anh bước nhanh
lên để che hù con chó, anh kia bước đến để
sợ em út té ngã. Cha tôi đứng sau cùng. Bóng dáng gầy guộc của ông đổ lên bóng ba người con
, trong đó như có bóng của tôi.
No comments:
Post a Comment