Thursday, September 14, 2017

NGOI NHÀ MÀU TRẮNG (P4)

                              NGÔI NHÀ MÀU TRẮNG ( P4)

                Lần há miệng đó là tôi muốn  chia sẻ  một cảm nhận khá mới mẻ của tôi , về những phụ nữ người dân tộc  thiểu số ở Lâm Đồng,để “liên hệ” cụ thể hơn trong mạch đề tài tìm thân nhân của gia đình Hoa Tre .
            Tre  rất mê hoa cỏ, chim muông, cây lá, còn tôi thì mê  tiểu thuyết, thơ ca, đàn hát.  Nhớ hồi còn bé con,     tôi luôn thấp thỏm chờ được các chị làm công trong nhà dẫn đi coi tuồng hát bội mỗi đêm, khi   những đoàn hát rong này đến diễn ở “nhà thông tin”, một gian nhà rộng  như hội trường, chung cho cả hai ấp, bây giờ là vị trí đối diện với trường Phù Đổng, bên kia đường Lý Nam Đế. Diễn viên đa số còn rất trẻ, nam nữ khi ra sân khấu  tô son đánh phấn rực rỡ, xiêm y  của  tiểu thư công  tử thật lộng lẫy, nhưng ban ngày  họ lần xuống thôn tôi mua rau củ, mắm muối , có khi còn xin  que lẻ củi cây để nhúm bếp, trông họ gầy gò, xanh xao và tàn tạ .Họ có lẽ đến từ một miền quê, có cùng một giọng nói,  ai cũng xưng hô thân mật, anh em  ngọt lịm,chứ ở nhà tôi, chỉ có  ba tiếng ngôi  thứ nhất là “con”  với cha mẹ, người đứng tuổi , với thầy cô ở trường và “tui” với tất cả những người còn  lại, mi tau với bạn cùng lứa, bất kể nam nữ, chứ “em” là đại từ ngôi  hai  lẫn một hiếm khi dùng, có lẽ vì nó đi theo một ấn tượng đầy cảm xúc nào đó .
                Có một lần và từ đó tôi không được dẫn  đi coi tuồng nữa. Hôm ấy tôi rủ Tre qua chơi nhà một người bạn gần chùa Linh Giác, nằm trên ngọn đồi sau trường. Khi về thì mắc mưa, chúng tôi tạt vào mé hiên nhà thông tin để trú chân .  Khu  hội trường ban đêm chứa hằng trăm khán giả, ngồi lên những tấm ván kê trên  các bi củi lớn làm ghế, ban ngày các diễn viên  sắp xếp lại thành chỗ ăn ở .Hai chúng tôi khênh một bó mía ba bốn cây khá  dài mà cô  bạn  rủ ra vườn cho bẻ, nhưng vội chạy mưa , không kịp đốn ra nhiều đoạn, bây giờ nấp mưa nên một cây  bỗng vướng vào kẹt cửa .Tre  nghiêng cánh cửa khép hờ để chỉ dẫn cho tôi hướng kéo  ngọn mía ra, bỗng nhiên nó đột ngột  bỏ tay xuống, quay đi, miệng bảo tôi, thôi bỏ đi chị. Tôi ngạc nhiên  hỏi, ủa sao vậy, tao sắp lôi ra được rồi nè . Rồi tôi cũng thò đầu vào, nhìn há hốc. Trên sàn ván, những đôi  đào kép đang say ngủ,  có một người  đàn ông nằm nghiêng, bàn tay đút vào trong  ngực áo cô gái nằm ngửa bên cạnh. Hồi đó Tre học lớp hai trường làng, tôi đã là nữ sinh đệ ngũ (lớp tám ) rồi, mà cách hiểu về cuộc sống của tôi rất ngô nghê  .  Lát sau cả hai cũng lôi được ngọn mía ra, đứng chờ  mưa tạnh thì vác về, đọc đường cứ lo “bị lây bịnh”, vì theo Tre, cái kiểu như thế là đang …khám bệnh. Tối đến, vừa cơm nước xong, cha tôi đã sang bên nhà anh Thạch, các chị chuẩn bị  đèn đuốc,áo ấm  và tiền mua vé, tôi ngần ngừ từ chối khiến họ rất ngạc nhiên.  Vừa lúc đó cô Mười  lại hối hả xách đèn bão xuống,  thì thào với đám phụ nữ khá lâu.  Tôi thoáng thấy mặt mẹ tôi tái đi, còn các chú thì lại  cười cười  khó hiểu  Bây giờ,  tôi   thấy cảm thương  những con người sống tha phương cầu thực ấy, cùng một lứa bên trời lận đận . Dù sao  cũng là tình người cùng quê, cùng cảnh .

 Các “lão tăng” của chúng tôi là những tín đồ Tin Lành, sốt sắng việc đạo, việc đời, nhiệt tình “đi nhóm” ( là cách  gọi đi dự các buổi lễ được tổ chức tại nhà thờ ). Nhưng có những buổi họ không được đến, vì hội thánh chỉ dành riêng cho phụ nữ chúng tôi mà thôi.   Phụ nữ toàn tỉnh, từ thanh niên đến lão bà, hối hả trên những chuyến xe buýt dài ngoằng từ các huyện kéo về, có khi đến con số cả ba ngàn. Người các dân tộc  chiếm đa số. Họ  có chung một kiểu  trang phục duy nhất là váy xà rông đen  và áo sơ mi trắng .Họ có chung một trang sức là những chuỗi cườm kết thành những hoa văn đủ hình dạng, màu sắc chủ yếu là trắng đỏ, pha đen, vàng. Chung một kiểu tóc rẽ ngang trán,  buộc gọn đuôi tóc dài lửng sau lưng.Chung một dáng người cân đối, khỏe mạnh. Chung một tia nhìn chân thật, chung một nụ cười hiền lành,  đặc biệt chung một giọng hát rất cao, thanh và   thành kính .Với họ, hát là cầu nguyện. Tôi đã nghe thánh ca nhiều lần, nhưng đến đây thực sự là “xem thánh ca” .Họ hát bằng ngôn ngữ của dân tộc họ, khuôn mặt  lộ rõ sự cầu xin,tin tưởng, biết ơn khiến  người  đến dự đều hiểu và thấy xúc động.Họ sống giữa xã hội của người Kinh nhưng vẫn có những bức tường thành cho riêng mình, đó là cội nguồn giòng tộc. Các cô Mười và Út dẫu đã mấy chục năm làm người miền đông, qua cao nguyên trung bộ, rồi về  miền tây Nam Bộ, nhưng giờ biết gốc gác là vùng quê nắng gió Hà Tĩnh, mà không thể tìm về, thì buồn lắm chứ .
  Mẹ tôi  theo cha tôi và cả anh em chú bác bên chồng vào Dalat, thế là đành xa  quê vì  mưu sinh, rồi vì thời cuộc. Sau ngày  đất nước thống nhất, các anh cứ loay hoay lục tìm một địa chỉ nào đó để gửi thư nhưng cảm thấy thật mong manh. Cha tôi biết cụ thể về nơi công tác của người con trai của ông Cửu Miên, nhà văn Nguyễn Thái Huyền, công tác ở Ty Bưu điện Quảng Bình. Nhưng giữa bên nội và bên ngoại là một khoảng cách lớn. Bỗng nhiên có thư từ một người con lớn của cậu tôi. Anh  hơn các anh tôi một vài tuổi, khi mẹ tôi chưa xuất giá đã từng bồng bế anh, nay đang công tác ở Đoàn khảo sát thiết kế, cơ quan đóng ở Chúc Sơn, Chương Mỹ, Hà Sơn Bình, còn nơi anh sống là 135 Nam Đồng, Hà Nội . Vợ anh ở trong quê  Đô Lương,   cũng là  một cô giáo cấp ba , cùng  hai con nhỏ . Không còn gì vui  hơn. Thư anh gửi qua địa chỉ từ khi nhận được bưu thiếp cha tôi gửi trước năm 1954, nhà vẫn ấp Nghệ Tĩnh, còn giòng họ Nguyễn Thái thì đông đảo  …Mẹ tôi nôn nao chờ ngày về thăm quê, cũng mong    cậu hay dì vào thăm, nhưng chỉ gặp bà con bên nội .Người con trai cậu  giải thích là các o  ( các chị của mẹ tôi ) đều đã già  lắm rồi, vì mẹ là con út trong nhà, còn cậu thì qua thư, cậu tâm tình, muốn vô thăm các cháu, chỉ vì họ chứ không vì hàng.Có lẽ cậu tôi cũng bị tổn thương  bởi một ai đó . Mãi ngày giáp tết, người con cậu quyết định đón mẹ tôi về quê cũ. Hôm ấy, tôi vừa được trường Đống Đa cho nghỉ tết, nửa muốn xin đi cùng, nửa lo lắng vì chuyến đi sẽ kéo dài  qua rằm tháng giêng. Vợ chồng cậu Bé vừa sinh con gái đầu lòng, các anh tôi cũng bộn bề công việc nhà trường, chỉ ước giá chi là hè.  Thế nên mẹ tôi về quê một mình . Chuyến xe chỉ có ba người, anh tài xế trẻ và hai cô cháu. Các anh tôi bảo với  ông anh họ, mẹ đi xe “chì” lắm, anh không phải lo, dù  chiếc xe đón mẹ tôi thuộc dạng xe jeep, gió bốn bề lồng lộng, xe lên  đường trực chỉ về phương bắc, nơi  có một mùa xuân rét mướt đang về với bao kỷ niệm êm đẹp , ấm áp tình thân của mẹ tôi . Đó là chuyến hồi hương duy nhất trong đời mẹ tôi. Nửa đời tóc ngả màu sương, nhớ quê anh lại  lên đường thăm quê . Tố Hữu tìm về mảnh đất  chôn nhau cắt rốn của mình khi  đầu đã hai màu tóc, mẹ tôi lúc ấy cũng gần   ngoài sáu mươi .Và  đúng là ngay ngày đình  họ Nguyễn Thái cúng rằm  đầu năm,  mẹ tôi mới có mặt ở nhà . Cụ tìm thăm hai họ nội ngoại, gặp những con người thân yêu sau hơn nửa thế kỷ . Chuyến vào Nam ở tuổi đôi mươi, đi bằng xe lửa, mẹ tôi kể  lại trong những ngày mưa bão, con cái xúm xít ở  gian buồng  của cánh phụ nữ để vá   sửa quần áo, chần  ( may thêm một lớp vải mùng vào bên ngoài lớp chăn bông ) chăn, phải chầu chực ở ga Vinh nhiều đêm, lần đầu tiên mẹ tôi thấy bóng dáng “ông tây bà  đầm”; chuyến về có con cháu  đón đưa tận nhà, lại được ghé thăm những nơi mọi người mơ ước, lăng Bác Hồ, cầu Bến Hải,thành nội Huế , khi đất nước hoàn toàn độc lập. Tết năm ấy, mẹ tôi còn tranh thủ tạt qua Sài gon, ghé thăm và cám ơn vợ chồng ông chủ vựa rau ở Cầu Muối, gia đình chị Châu đã cưu mang tôi  những ngày tôi về đây làm học trò , điều này không ai nghĩ đến, thật là thấm thía. Mẹ tôi thì  bảo, có dịp nào đi nữa đâu. Chị Nhụy bảo, mẹ gan thật. Bà chị “ kiêng dấu ngã” của tôi chưa bao giờ dám về thành phố đô hội này một mình, dù đám con chị nay đang có ba người , tuổi đều ngót nghét ba mươi, ở trong đó . Mẹ tôi khi từ Nghệ  quay vào Nam, đến  Đông Hà thì  người cháu phải sang Lào,  mua vé cho  bà o  về  Dalat, lo lắng là chỉ có vé đến Sài gòn thôi, và nghĩ một bà lão cả  cuộc  đời chỉ quẩn quanh dưới mấy rặng thông, để bà lẻ loi giữa Sài gon trăm ngả, làm sao bà có thể mua được vé để đi  về cao nguyên? Mẹ kể, nhờ xe xích lô đưa đến chợ Cầu Muối, hỏi thăm vợ chồng Ông Lầu. Sau đó, lại nhờ ông đèo qua 71 Can mét ( đường bác sĩ Calmette), nhờ họ  chỉ nhà chị Châu. Đường nơi miệng chứ ở đâu. Ra đường thì hỏi kẻ tra ( già ) .  Nói người Sài gòn “xé áo lấy chỉ”, nhưng mình tử tế ,họ cũng tử tế với mình . Đó là triết lý sống của mẹ tôi . Bây giờ tôi mới thấy mẹ tôi thật “chì”.  Các con của mẹ thua xa nhé.
      Dịp tết năm nay, mọi người mới có cơ hội về thăm quê, cúng  viếng tổ tiên. Một đoàn đông lắm, riêng  hộ 41 của mẹ tôi  đã có các ông con trai, chị cả, rồi chị Hạ Em. Chị Thủy hàng xóm  cũng đi nhân tiện thăm thông gia ( cậu con trai chị cưới vợ ở Hưng Nguyên, Nghệ an ). Tôi cũng   muốn đi, bà Nhụy giận dỗi, ừ đi hết đi, tui ở nhà … chết một thân tui cũng được.  Chị ấy  đổ bệnh từ trước tết . Hai bà  chị tôi  đành   bảo tôi, thôi dì đi dịp khác. Bà Nhụy vui lên, rủ rê, bữa nào tao rảnh  hai  đứa mình đi Phan   Thiết với bà Canh, bà Kem.  Nhưng đến bây giờ vẫn chưa đi được. Chị tôi chưa rảnh .
    Một  bữa tôi đang lui cui dán hộp chợt có tiếng chuông báo điện thoại có tin nhắn. Chắc tin  báo nạp tiền khuyến mãi, hay các thứ linh tinh như thế, nên tôi không buồn lục túi mở xem. Tiếng chuông gọi.  Của  Tre. À, nó muốn mình đọc tin nhắn đây.  Sau tết chị em mình đi Daklak một chuyến nhé, em bao  . Chà, Tre quyết tâm tìm họ hàng cho hai bà mẹ đây. Lại một hồi nhắn tin liên tiếp, ba tin , với số máy rất quen. Toàn bằng tiếng Pháp,  đại loại, Toa  có  cái nhà trắng đẹp quá . Nhà chi của tui, của người ta chứ bộ. Moa  sẽ trọ bên ông Canh một tuần, và ông Kem một tuần. Kệ ông. Mắc mớ chi mà toa moa với tui.  Nước mắt tôi  bỗng dưng ứa ra, tức tối, tủi thân.Xây thành đắp lũy cho cố xác  vô . Có lẽ dùng tiếng Pháp để bà Đu Đủ không thể đọc ra.  Trước đây, họ đã  cự nự nhau một phen quyết liệt lắm rồi mà . Tôi cứ điềm nhiên  vớ lấy keo hồ, tính dán tiếp nhưng ông Nam   không ngờ đã theo dõi mọi  biến đổi trên khuôn mặt tôi, đứng dậy đi tìm hai cái nón bảo hiểm, khoác áo ấm và chuẩn bị đẩy  chiếc Dream cũ kỹ ra sân. Để tôi đưa cô về, xe đạp mai biểu ổng sang mà rinh . Tôi không thể ngồi thêm, vì ông Nam vốn thẳng tính, nói là làm . Tôi đành đứng dậy, thôi để tôi đạp xe về được mà.
  Tôi đẩy xe lên hết con dốc Mai Hắc Đế, đến  cổng nhà thờ Mai Anh thì va phải một người  khoác áo phao màu xám tro  đang đứng co ro ở đó, miệng cười hề hề . Tôi cứ đạp xe đi thẳng .
                                                 Nguyên Xuân.

                                            

No comments:

Post a Comment