NGÔI NHÀ MÀU TRẮNG …( phần 2 )
Lũ chúng tôi thường chọn “đi tắt” con đường
này để đến trường vì còn một lý do nữa:ở đây có một người rất yêu diều sáo.
Chiếc diều to dài có thể đặt lọt vào mặt
ghế trường kỷ nhà ông Cửu Miên, phết
bằng loại giấy để bọc xi măng( trước đây
mỗi bao đựng xi măng có tới sáu bảy lớp giấy vàng ố, dày và dai bền, gọi
là giấy xi măng ). Giây thả diều cũng là một loại cước bền, hẳn kết lại từ năm
sáu sợi giây câu. Nhưng chúng tôi ngẩn người trước chùm sáo gồm năm đốt tre phân đều từ dài đến ngắn, đặt vào giữa lòng chiếc diều . Đó là những đốt tre nhỏ và già, được đẽo gọt rất công phu, được đánh bóng nhẵn . Điều khéo léo
đến tài tình là chủ nhân phải biết tính toán làm sao để những gió thổi có thể
lọt vào, tạo ra chuỗi âm thanh êm êm không dứt . Cứ sau dịp lễ Giáng sinh, khi
hoa dã quỳ nở vàng khắp xóm thôn,báo hiệu một mùa nắng đẹp nữa sẽ lại về, thì
bất chợt một trưa vắng, bỗng có tiếng u
u ngân nga vang lên, không dứt, không ngừng nghỉ, kéo dài đến chiêù, đến tối,
đến tận đêm khuya,đến sáng hôm sau, lại sau nữa, sau nữa, như một bản đàn được hằng trăm con người vô hình tấu lên, cứ
người này ngừng thì người kia tiếp . Chiếc
diều mang chùm sáo như hai cánh chim, hay như một chiếc lá chao động
giữa trời cao quê tôi. Tiếng sáo đưa tôi đi học, dẫn tôi về nhà,ru tôi những
giấc trưa nồng, đêm đêm thức cùng tôi bên trang vở, ngọn đèn , dẫn tôi vào cơn
mơ đẹp . “ Đôi con diều sáo lộn nhào từng không”là một biểu tượng rất ý nghĩa
về chốn quê hương thanh bình và cả một vùng trời tự do của người chiến sĩ cách mạng, in sâu vào tâm
hồn chàng trai Tố Hữu khi ông cảm nhận cả thế giới bên ngoài từ chốn ngục tù.
“Đôi con” còn có thể hiểu là nhiều con, cánh
diều quê tôi thật lẻ loi nhưng mạnh mẽ. Khi bắt đầu được phóng lên, cánh diều cũng vật vã giữa từng không để tìm cho được hướng gió . Những tháng ngày
sống xa Dalat, mùa xuân ở Đồng Nai, ở thành phố Hồ Chí Minh là những ngày ngột
ngạt, oi bức, nhưng chợt chỉ một giây lặng yên nào đó,tôi như nghe tiếng sáo
diều u u mời gọi,và nhìn lên cao, tôi như bất chợt bắt gặp một chấm đen rất bé, rất nhỏ, rất xa.
Tôi bỗng nhớ nhà, nhưng cũng bỗng thấy lòng mình dịu lại, giữa bao bộn bề .
Bà cụ Đồ đã đi xa,
người yêu sáo diều ngày nào cũng thế.
Dãy nhà ven đồi thôn bên kia làng tôi
vẫn còn vài cây ngọc lan, thỉnh thoảng
tôi lại có dịp đi qua . Tôi có một người bạn dạo về công tác bên huyện Xuân Lộc
của tỉnh Đồng Nai,nhà vẫn số 16 đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, tôi
chọn lối đi bộ nên lại “ đi tắt” đúng nghĩa qua con đường tuổi thơ, băng
qua những vạt vườn vẫn dâu và hoa, thay vì đạp xe qua lối Nguyễn Công Trứ .
Ngọn đồi một thời là nghĩa trang thành phố được cô bạn ví von là núi Chứa Chan
của miền Đông Nam bộ, nơi Hương, tên bạn ấy, cũng bao tháng ngày gắn bó. Một
chị đồng nghiệp làm dâu gần bên nhà ông Sắc, đôi khi chúng tôi cũng tìm thăm nhau . Khoảng sân
nhà chị ngày nào có thể từ đấy trông
sang mép hiên trước phòng mẹ tôi, bây
giờ đã khuất sau tòa nhà màu trắng to đẹp
rồi.Đứng bên mấy chậu xương rồng
hoa nở quanh năm, trông qua thấy rất rõ băng ghế đặt sẵn ở đây, là nơi cha tôi và ông Sắc trò
chuyện giờ giải lao, hay những buổi trưa chủ nhật, ba con nhóc Vĩnh, Hoa Tre và
tôi ngồi đấy, dùng chiếc kẹp ba lá cạo vỏ những củ cà rốt còn sót lại ở vườn,
chấm muối ớt, bàn… chuyện đời, để tránh các chú đang nghỉ ngơi ở hiên bên kia .Có lúc cùng tập hát bài “ Học sinh là người Tổ Quốc mong cho mai sau”.
Nhưng họ vẫn nghe được . Vĩnh bị
trêu “ học sinh gì mà mập ú như con heo quay”, trêu tôi “ học sinh mà
lại dẹt lét như con tôm khô”,còn Tre vì nó ngổ ngáo, thường mặc một chiếc áo
vải ca rô rất dày, đủ màu xanh đỏ, vốn là áo người lớn ở đống đồ bán xôn, hồi
ấy gọi là hàng viện trợ , được các cô Mười Út sửa lại,có mấy túi to, hai tay và
vạt đều rộng rãi nên các chú,có cả anh Đanuýp xanh nữa, lại ngân nga “học sinh
cao bồi( hay học sinh Sài gòn) - Tre nói
giọng Nam Bộ - mặc áo sơ mi ca rô”.Thật lạ lùng, Tre cũng có liên tưởng như
tôi, nó đang ư ử Học sinh xây đời niên
thiếu trên bao công lao lớp lớp quốc dân tranh đấu hy sinh cho nền độc lập…
Chúng tôi đang cùng nhớ đến một người
. Chị đồng nghiệp bảo giờ muốn thấy rõ
giàn đậu của tôi, phải chạy ra tận ngõ ông Bồng, mà nay cũng là những mái ngói
tím lịm, dịu mắt, thay cho chập chùng tre trúc thẫm xanh ngày nào . Chị là cô
giáo dạy Sử và từng chủ nhiệm Hoa Tre. Khi chúng tôi đến thăm, câu chuyện từ tòa nhà màu trắng bỗng là nguồn
mạch cho những đề tài về bờ giậu, cổng
rào .Tre bảo nếu không có nếp nhà chữ L với một gian đầu hồi nhà nhìn ra cổng,
thì không thể tìm ra nhà cô giáo
cũ, vì quanh đây, nhà nhà đều có cổng,
có sân riêng . Chị L, cô giáo của Tre cười,
cuộc sống làng lên phố là thế, ngay cả những nhà trông ra vườn và đang
làm vườn. Bà Giang Đu Đủ bỗng nhớ đến Nguyễn Công Trứ, nhà thơ đồng hương của
mình từ một câu phú rất nổi tiếng “đêm
năm canh yên giấc ngáy o o, thời thái
bình cửa thừơng bỏ ngỏ”,khiến ký ức tôi
luivề miền Phú Quảng ngày nào . Ở đây có những nếp nhà tranh rất mới, có
nhà vừa dựng và lợp mái tháng trước, tháng sau đã lợp lại vì cả nhà bị hỏa hoạn.Bốn bức vách kín, không cần cửa sổ, chỉ hai tấm
liếp, một hướng ra ngoài ảng nước từ bếp, một hướng ra sân, vừa là phên che
nắng .Không cần ổ khóa, nếu sợ gió thổi
cuốn đi đồ đạc trong nhà hoặc chó mèo vào cắn phá thì chọn một sợi giây
mây cột chéo hai bên mép là xong .Khách đến nhà nếu chủ đi vắng, cứ việc
chống liếp lên cho mát và thoáng, rồi nằm lăn ra chõng tre ngủ một giấc,
chờ chủ về .Khát thì cứ việc lại ấm trong bếp rót uống, đói thì mở cái nắp đậy vài ba cái nồi treo
tòong teng trên những chiếc gióng mây dài từ nóc nhà xuống, để tránh gián bọ
hay gia súc lục lọi, trong đó luôn có mớ bắp hầm chín hay vài củ khoai sắn
luộc,hay lại góc nhà,sau mấy lớp lá chuối khô phủ sơ sài, có thể bắt gặp một
buồng chuối dựng ở đó,đã có vài trái chín bói, đôi trái vàng ngọt. Nhà khá giả ngoài chõng tre thì có những rương gỗ, vừa là va li,và là giường, khách
cũng có leo ngồi chơi, nhưng đừng táy máy lục lọi dù rương không khóa. Bên
trong chỉ có giấy tờ và áo quần mà thôi. Còn đa phần thùng chứa dầu hắc được
xem là tủ của nhiều nhà. Đựng nước, đựng lúa . Tôi đã có lần thăm nhà một học
sinh bị cháy. Đám bạn trong trường rủ
nhau đến giúp dọn dẹp, chìa cho tôi một bẹng ( mẩu lớn ) cốm chín vàng giòn
thơm, đứa khác trao cho tôi một tô nước
lạnh. Đó là lúa để dành bị cháy. Cả ngày hôm ấy bếp cơm tập thể thừa suất trưa
và tối. Tôi ra giếng gánh nước, mang
theo chiếc chìa khóa có cột một sợi giây và cục đá. Giếng trường được nhà
trường thuê người nạo vét từ năm tôi vừa đến, sau đó thì họ sinh phụ các thầy
dọn rửa những buổi lao động, luôn khóa kín.Mới thấy rằng chúng tôi chỉ đến để
mà đi, nên tự lòng đã tạo ra “tòa nhà trắng” cách ngăn. Chị L bảo chứ vua An
Dương Vương cho xây thành kiên cố , rồi thành nhà Hồ, thành nhà Mạc, thành nhà
Nguyễn, chính là bảo vệ dân, thì người
dân từ xa đến họ cũng xây cho nhau những
bức thành vô hình để bảo vệ nhau. Ở vùng
Phú Quảng ấy, khu Nam Đường , đối diện với trường tập trung hầu hết người gốc Quảng Nam, còn Bắc Đường thì đi đâu cũng gặp người của
ông thầy Hương, cán bộ bổ túc văn hóa xã, rặt giọng Quảng Trị.
Bây giờ, mỗi ngôi nhà
là một bức thành rồi . Bốn năm về vùng đất của người miền Trung Ngũ Quảng giữa
núi đồi miền đông Nam Bộ, tôi lại như đặt bước chân mình qua “con đường tắt”
thuở học sinh trường làng, cứ nhà này sang nhà khác, không cần gọi cổng và cả
gọi cửa . Có lần tôi đến viếng một nhà học sinh lúc chiều buông, hy vọng sẽ kịp gặp
phụ huynh từ rẫy về .Vừa chống được cái liếp lên, bỗng nghe ngào ngạt
một mùi thơm ngày giỗ : múi cà ri. Đó là mùi thịt nước xương heo được ninh nhừ,
pha với mùi khoai củ, mùi nước dừa, cái món cà ri độc chiêu mà tuổi thơ chỉ
biết mỗi khi nhà vào giỗ chạp . Mùi thơm ấy đã kéo bước chân tôi xuống bên khu bếp tro đăngg sau nhà, suýt nữa thì vấp phải khoanh
củi to và dài, có một đầu chặt lam nham,
đầu kia vùi trong tro, đó là dấu hiệu bếp đang có than nóng. Mùi
thơm khiến tay tôi ngập ngừng trên cái
nắp đậy một cái nồi to đầy khói đen, cái nồi thường dùng để luộc khoai bắp và
tôi đã mấy lần được mời bốc bất cứ củ
trái nào mình thích từ trong nồi .
Tôi chợt
nhớ ra nãy giờ không thấy bóng dáng con
chó Vàng nhà này đâu cả . Hay là …? Chà, cái nhà thằng bé này ! Tôi bê một ca nhựa đầy nước ra mép hiên
, thong thả ngồi bệt xuống đất , nhấp những ngụm nước mát lạnh, bỗng thấy bụng
đói cồn cào . Chiều chủ nhật buồn, ngồi bên một mái nhà tranh, ôi tiếng
hát thiết tha của một buổi chiều… Bạn bè đang thưởng thức những món ngon của
phố thị, còn mình thì ngồi đây . Ở thôn tôi, hàng xóm có một người rất giỏi chế biến thịt cầy, đôi khi
cũng giúp “ hóa kiếp” một con mực, con
vàng già lão của nhà tôi , chỉ có một
món duy nhất là kho ngọt ăn với cơm, tôi thấy các chú kéo nhau lên đi tìm lá quýt, còn mẹ tôi nhờ người mua thêm
ruốc, đường, chuẩn bị một chai nước mắm ngon . Những con vật ấy ngày ngày quấn
quýt bên tôi, vì tôi có nhiệm vụ cho
chúng ăn, lót chuồng mùa mưa gió, hay đêm đông lạnh lẽo nên , hôm ấy tôi
bê cơm vào buồng, ăn với tương kho sả và rau luộc. Có lẽ tôi nên ra về . Tôi đứng bật dậy ,
phủi đất bụi trên áo quần, đeo chiếc túi
vải lên vai.
Bóng người thấp thoáng và tiếng lao xao vang lên sau hàng
cây lá chua làm bờ rào, mà bây giờ người
ta lại đặt cho nó một danh từ rất hay : hoa ắc-ti-sô đỏ . Vợ chồng chủ nhà
và cả gia đình vừa từ rẫy về. Trong những bộ quần áo lam lũ, họ kẻ vác thanh
củi to, người địu một gùi măng, có người tay ôm một bọc bún tươi gói trong lá giẻ tỵ, người xách xâu bánh
tráng, tay kia có một cái chai chứa chất nước tim tím, rượu nếp than .Không kịp
nữa rồi, chắc chắn mười mươi tôi sẽ phải làm
một vị thực khách quan trọng . Tôi sẽ nhón nhén món bánh tráng nướng, ăn
một chút bún, nói rằng mình… đang bị đau bụng . Tôi đến để gặp phụ huynh một
đội viên, xin phép cho em này được đi tập huấn công tác đội mấy hôm trên tỉnh cuối tuần này, ảnh hưởng lớn đến việc nương rẫy .
Tôi đành phải ngồi
vào một chiếc bi củi làm ghế đặt hai bên mép bàn tre, trước mặt một tô bún nóng
hổi thơm mùi cà ri. Cà ri voi !Mấy hôm rồi ở trường chúng tôi cũng nghe tin có
một chú voi già bị sập bẫy heo rừng và
bị thương rất nặng ở tận bên kia sông . Một buổi liên hoan đơn sơ, nhưng khiến
lòng tôi , cô giáo trẻ xa nhà giữa chiều hôm, về trường lủi thủi một mình bên bếp vắng trong mái tranh khu tập
thể , bỗng bồi hồi . Tôi đang nhớ đến không khí ngày giỗ ở nhà mình, thường vào giáp tết. Mẹ tôi có
đông con gái, con dâu, đó là những đầu bếp tài ba, tôi tự giác nhận công “ giữ
em, đập chó, lấy củi” hệt như cảnh ngộ cuả anh chàng Củng trong tiểu thuyết “Quê Nội” của nhà văn Võ Quảng .
Món cà ri ở đây không có khoai tây và rốt, nhưng bù lại, những miếng khoai lang,
khoai sọ rất bùi. Rau sống không có những cọng xà lách mỡ màng, mà là bắp chuối, thân chuối non, giá
đỗ… vẫn giòn rụm trong miệng. Thấy cô giáo chân thành và cảm động, chủ nhà rất
vui. Khách ra về còn được tặng thêm hai miếng da voi to, trông như hai thỏi xốp kếch xù dùng để cắm
hoa , được xỏ bằng một sợi giây lá chuối khô, cứ thế mà xách cùng
một xâu măng tươi. Măng sẽ dành cho bếp
tập thể và thứ hai, còn những miếng da voi, như chị chủ nhà bày vẽ cẩn thận,
tôi sẽ mang về Dalat tặng mẹ để bà vỗ béo đàn heo. Trong dịp hè ấy, cứ mỗi bận nấu cám, mẹ tôi lại thòng miếng da
voi vào nồi cám sôi sung sục trên bếp, rồi cất đi khi cám chín. Miếng da
cứ nhỏ dần, đàn heo hình như có vẻ… béo
ra . Ba vị con trai cuả mẹ, kẻ có nhiều
năm nghiên cứu về heo gà, kẻ đã từng xắn tay áo thực hành, tỏ ra hơi nghi ngờ . Nhưng những lời họ nói
tôi không hề nhớ, cũng chẳng tự ái . Mẹ
tôi rất vui, gặp ai đến thăm đàn heo cũng khoe: có miếng da voi con Xí
hắn na từ tận Định Quán về …
Nếu chủ nhà hôm
ấy cũng cửa đóng then cài, kín cổng cao
tường như hôm nay, tôi chẳng bao giờ có cơ hội được thưởng thức món cà ri voi
và biếu tặng mẹ món da voi. Tôi cũng
được ăn món thịt nhím rim, thịt cầy
hương kho mặn. Món thịt nhím khiến tôi nhớ da diết những bữa nhà có tiệc vào ngày mưa, con cháu về đông đủ, tôi được nhận
vài món quà để học tập, mâm cơm với
những dĩa thịt vịt bầu, vịt xiêm tú hụ, có
cha có con, có chủ có tớ, ồn ào, vui vẻ,đầm
ấm. Món cầy hương thơm lừng lại như nhắc
tôi, dù sống ở phương nào, thì “nơi nao dừng chân, chốn ấy quê nhà” .
(còn nữa )
No comments:
Post a Comment