TRANG TRẠI BẮP .
Một bữa chị Lạc, người phụ nữ cùng đều là hai “dũng sĩ diệt xe đạp”ở nhà thờ với
tôi ghé chơi, mang cho tôi mấy trái bắp
“cây nhà lá vườn”. Bắp nếp, dẻo lắm. Tôi xuýt xoa, bây giờ ra chợ ít
thấy có bắp thứ này, toàn bắp ngọt, luộc mau chín nhưng ăn bắp nếp vẫn thú
vị hơn. Thế là ý định lập “ trang trại
bắp” ra đời . Tôi sẽ dọn sạch rác, mua
độ dăm lạng hạt giống bắp trắng,rồi trỉa. Độ ba tháng là có bắp ăn. Chịu khó
tưới nước những hôm trời nắng. Tưới nước đóng nên cũng chịu khó qua “báo cáo
xin phép” cậu Bé một câu ( vì cậu là chủ bồn nước này ).Muốn có ăn thì tất
nhiên lúc nào cũng phải “chịu khó” .
Đó là
những ngày giáp tết . Bà Năm và Chị Hạ Em từ Bình Dương lỉnh kỉnh hành lý trở
về để kịp cúng giỗ anh Thạch và tống
tiễn năm con gà, đón rước năm con chó, hy vọng nhiều điều thuận lợi hơn sẽ đến.
Nhiều tháng trước , do bà Năm lẫn chị Hạ
Em bị đau ốm liên miên, sớm chiều đi cấp cứu, hai anh con trai của bà Năm quyết
định đón mẹ và chị út xuống để tiện chăm
nom. Bây giờ thì họ rủ nhau hồi hương. Trước khi đi, chị Hạ Em nhờ khênh chiếc
ti vi to tướng sang gửi tôi, nhà(của Bà
Năm và của chị ) thì mở homestay, giao cho một đứa cháu gái coi ngó. Kế hoạch
rồi sẽ bán đi, mang tiền xuống Bình
Dương tậu một căn hộ nho nhỏ, vừa cho hai
nường ( bà Năm tiếng là mẹ thứ nhưng chỉ hơn chị Hạ Em độ dăm tuổi, luôn
tự xưng như thế ) sống tuổi già, gần con
cháu, có bệnh “ hung” ( nặng ) thì lên Saigon “ gần vô cùng”. Rồi bước tiếp
theo là “bán nhà, vô nhà dưỡng lão”. Sao bây giờ lại “ trở về mái nhà xưa” ?
Trước sau gì cũng đi “Thị Nghè” hay “ Củ Chi” ( những nơi có viện dưỡng lão)
nên về Dalat tiện hơn. Bà Năm than “ ở trong nớ nóng quá , ăn ngủ kém, mà ít người quen”. Bà cùng quê với anh Chút nhà tôi, bây giờ thành
người Dalat rồi. Bà nói có đi đâu rồi cũng muốn về “cái ổ chuột” của mình . Chị
Hạ Em thì chiều bà . Đó là người thân gần gũi bao nhiêu năm của chị và chị
luôn tôn trọng như mẹ
ruột rà .
Tôi bắt đầu dẹp máy tính, lục tủ
moi ra những bộ quần áo bảo hộ lao động,giày ba ta cũ, mua thêm mấy đôi găng tay vừa cao su vừa vải,
nhờ cậu Bé tra lại cuốc, lọ mọ giũa sắc mấy cái liềm. Cô cháu lâu nay
quản lý homestay cho chị Hạ Em hứa sẽ phụ tôi mấy hôm.Nó thuận tay trái
nên lại nhờ người “nấn”( uốn lại )một
cái liềm con ngược về bên phải . Rồi thuốc diệt cỏ. Qua quán bánh kẹo gần nhà
mua một hộp quẹt ga, thứ quẹt mấy người hút
thuốc lá luôn mang trong túi, nhưng không có, đành mua luôn cả một lố
(có mười thay vì mười hai cái nhỏ, lố mà ) bao diêm . Tha hồ mà đốt nhé. Không biết có nên “thủ” thêm ít xăng không ?Trời
nắng khô cong, phơi xương người muốn dòn, một mồi là tiêu sạch, xăng nhớt làm
chi . Bà Đu Đủ tạt qua chơi, phát biểu như thế.
Nhưng
chẳng có ma nào phụ tôi cả, vì ai
đâu bỗng dưng bỏ công bỏ sức đi dẹp “tàn
tích”. Tôi cứ lẳng lặng làm một mình . Ông Đông đã thân hành ra đón tôi về Saigon cùng ông chăm
cháu, nhưng tôi trốn lên lại, phần vì ,
cũng như hai “nường” thân yêu của tôi, tôi cũng có lý do “ở trong nớ nóng quá , ăn ngủ kém, mà ít người quen”.
Phần vì tôi đã có một “kế hoạch” mới : làm vườn. Tôi sẽ gác việc viết blog sang một bên. Viết
thì ít người đọc, khen chê tôi chấp nhận hết , nhưng chỉ toàn được
cho ăn cà chua thối và trứng thối! Hoa Tre cùng các cô Mười, cô Út lại trở về thành phố Hồ Chí Minh, sống chung
với má con Cô Kê “ tuổi già sớm hôm rau cháo có nhau”,như nguyện vọng của chủ
nhà, vì cô Kê nay tuổi cũng cao, lủi thủi ra vào với người con gái thường xuyên đi bệnh viện
tâm thần , ngôi nhà ở Long Xuyên lại giao cho gia đình cô bé Hoa Thiện của má Tre. Tre động viên tôi , thì chị cứ
viết, khi không bỏ cuộc, uổng quá. Biết đâu mai
mốt được ...in, có chút tiền chị
em mình đi du lịch. Đi Hà Nội , Hạ Long thôi.Hồi nào đến giờ chỉ
đến vài nơi, em chưa đi đâu ra đâu cả. Trước thì kéo theo đám nhỏ, bây giờ thì “đám lớn”.Nhưng đi với
chị thì em đi được. Tre luôn tha thiết mỗi một điều này, tội quá . Hè năm ngoái
hai bà giáo hẹn hò tết sẽ lên Đắc Lắc tìm gốc tích họ hàng cho các má, nhưng nhờ vợ chồng ông Ngọ, họ
hàng đã vô Saigon, xuống Long Xuyên, gặp gỡ, đoàn tụ, Tre không phải lặn lội
khăn gói lên Tây Nguyên nữa .Tre ạ, rồi có dịp tao mày “Bắc du” một chuyến,
bằng món tiền lao động chân chính này của tao. Có lẽ tao sẽ chuyển cách viết để…
ít va chạm,thì sách mới có thể … Nhà ở đường Nguyễn Thông, Quận Ba, một trong
những quận trung tâm của Saigon, rộng rãi, có vườn,có cây ăn trái, có giếng
nước trong, đi chợ, đi chùa, và đặc biệt
ra bệnh viện, rất gần, rất tiện.Nhưng con người có máu “manly” trong Tre vẫn
muốn ngao du sơn thủy lúc về trí nhàn thế này. Chị Hạ Em bảo, bà Năm với tao
đăng ký tạm trú nhà Cô Kê mỗi khi về đây an dưỡng,phong cho con Tre làm “tiểu đội trưởng nữ dân quân”.
Tiểu đội này nếu tính cả hai thành viên từ Dalat đến thì mới có bảy. Tre xòe
tay : rồi ả Xin (chị lớn của tôi ) chị Nhụy, rồi ba bà Thiên lý nhãn, Đu Đủ và Xí nữa . Tre
quả là mang con mắt của một “độc
thủ đại hiệp” có tầm nhìn xa . Tôi bảo, vậy không cho các ông gia nhập hả, lỡ
có bà muốn dẫn ổng theo... Tre phùng má, không ! Chị Nhụy thương cảm . Nào giờ
chị vẫn chùng lòng khi nhắc đến Tre: cái
con giỏi thật, mà sống có trước có sau . Tre về đây đều được hàng xóm gọi là
Chú Xá Xị . Nó tặng hết áo dài cho đồng nghiệp,tóc cắt ca-rê y chang một
đấng nam nhi . Thì tại hồi còn có học trò, mình phải thướt tha yểu điệu
thục nữ cho tụi nó khỏi chòng ghẹo. Giờ
có ai nói gì cũng mặc kệ.Cứ sống miễn sao thấy dễ chịu là được ! Nhưng viết thì phải có ý, và điều quan trọng
là phải có cảm xúc, mà cảm xúc tích cực kia . Thôi đành “xếp bút nghiên theo
việc cuốc cày” cái đã.
Rác
thì đã được phân loại từ lâu, nhưng muốn đốt cần phải phơi thật khô. Tôi hì hục
lôi tôn đi cất. Khi bắt đầu đậy rác, đậy
cỏ, tôi cứ tha hồ kéo từng tấm to dày đã được chất gọn thành đống cao quá đầu,
nhưng bây giờ, một mình tôi không thể nào
bê xếp lên được.Dựng vào bờ rào, đụng vách, tróc vôi nhà hàng xóm. Dựng
vào bụi chuối, vào khóm chanh, cây sẽ chết. Cũng may ở cuối góc vườn,hai bên
đều là những vách ta-luy cao, nơi tôi đã
từng trồng được cả luống hoa artichaux
tươi tốt,nay thì sau mấy tháng , mấy
công trình mọc lên, nơi đây là đống xà bần, vôi vữa. Tôi bèn ì ạch lôi và đẩy tôn đến đây. Cũng gian nan lắm.
Trời nắng,ít gió, mồ hôi mồ kê túa ra che mờ cả đôi kính lão . Bây giờ tôi mới hiểu tại sao
các chị lúc làm việc giữa nắng thường
cột ngang trán một chiếc khăn
mỏng .Lộ trình cả chục mét, tôi cho tôn “ đi và lăn” . đại khái là tôi
cứ dựng lên một tấm, lại hất xuống, y hệt lấy tôn đo vườn. Tiếng tôn đổ rầm
rầm, chủ các nhà trọ trên cao thò đầu ra xem rồi thụt vào thật nhanh . Chỉ là một bà già vô
công rồi nghề “tập thể dục”.! Tôn cũ nát, nhiều chỗ quăn mép,cạnh rất sắc,tôi
chỉ sợ tay chân bị trầy trụa, vừa rồi đã
phải phẫu thuật,chích ngừa thuốc phong đòn gánh, mà bây giờ lôi thôi
thì... khỏi ăn tết, vì vậy tôi rất cẩn thận,cứ từ từ cho tôn kêu ầm ầm cả khu
vườn vắng vẻ .
Bây giờ đến khâu xịt thuốc diệt cỏ. Chị Thủy tạp vụ ngoài trường Bùi thị
Xuân ghé qua, mang cho tôi một túi cháo
bồ câu, bảo nghe chị “bị dứt tay”, ăn cho lại sức, kêu toáng : Ối, có cho tiền
em cũng không làm đâu! Độc hại vô cùng
nghe chị.Chị nhờ đứa cháu có vườn,có
bình xịt, hôm nào nó tiện tay “ phun” một nhát là ổn mà . Tiện tay nghĩa là sau
khi họ đã xịt diệt cỏ vườn nhà mình .
Nhưng bây giờ , vườn tược nhà nhà gói
kín trong những lồng lưới, bờ mương đã sang mùa nắng, lấy cỏ ở đâu ra mà “tiện tay”.? Tôi chạy đi mượn ở
nhà bà Thiên lý Nhãn chiếc bình phun
nước cho cây cảnh.Bà này được ông chồng cưng chiều trồng cho mấy giàn dâu
tây trước hiên nhà, ngày ngày tưới tắm dâu bằng chiếc bình nho nhỏ này.
Nhưng nửa đường, tôi quẹo lên Phù Đổng Thiên Vương, trực chỉ “cửa hàng vật tư
nông nghiệp”,năn nỉ mua chịu một cái bình
như thế, có loại của Việt Nam , loại của Hàn Quốc. Loại nào bền bền một
chút con à, cô mua về để bơm diệt cỏ (
cách nói của nông dân ở đây), tôi phân trần với chủ tiệm, vốn là học trò cũ .
Đã “xẹp” mà còn chơi “xộp” ! Tôi nhủ thầm,nhưng
dù sao mình cũng là “ dân xịn” ít ra về mặt tư cách . Có thể bà Thiên lý
Nhãn không từ chối, nhưng rồi hoạt chất
Glyphosate sẽ còn lưu lại trong bình,rồi theo nước tưới đọng lại trên quả dâu,
trời ôi, thôi...Chàng chủ tiệm nhìn tôi thông cảm, có cái bình ông nội con
mới đem ra sai con sửa lại “béc”
( vòi phun) con mượn cho cô xài đỡ.Chớ
loại bình tưới cây cảnh này, vòi ngắn, thuốc bay rất độc hại ,cô à !.Hồi mới mở
“ trang trại sả” tôi cũng tậu hẳn một cái bình có thể chứa hơn chục lít
nước,dây đeo vai, có chiếc vòi dài,ra dáng “ dũng sĩ diệt cỏ” lắm, nhưng lâu
rồi không dùng lại, chỉnh sửa các thứ rất mất thời gian và tốn kém. Anh ta
dợm quay đi thì một người đúng hẳn đã
xông thẳng từ vườn đến đây, áo
quần lao động, khẩu trang, găng tay, mũ nón ,ủng cao su. Anh ta hỏi chân tình,
như thể quen tôi từ lâu,vườn cô rộng không,
gần đây hay ở xa. Anh chủ tiệm
quơ tay chỉ, anh này vội giắt tiền vô túi ( đi đổi tiền lẻ về cho con
)hối hả leo lên chiếc xe Dream cũ đầy bùn đỏ, không quên quay đầu dặn tôi chờ
năm phút. Tôi được xe đưa về tận nhà cùng một chú nông dân đang phun thuốc dở dang cho “cỏ dã” vườn ao nhà mình và bình thuốc đang đầy trên
vai của chú. Và tôi chỉ việc đứng khép nép bên hiên tận lầu cao nơi khu nhà trọ
của cậu Bé, ngắm người nông dân tốt bụng như
ngắm một vị cứu tinh.Anh ta
thoang thả tới lui trên mảnh đất
hơn hai trăm mét vuông; đám cỏ dày và
cao quá đầu gối, không thấy mặt đất đâu cả,thoáng chốc đã loáng ướt . Bụng tôi như reo mừng, đúng là “cầu
được, ước thấy”,còn chàng Lục Vân Tiên ngắm nghía công trình của mình một lát
rồi căn dặn :cô giáo chịu khó chờ độ một tuần là cỏ rụi hết. Tôi dùng thuốc
“dẫn” chứ không dùng thứ “cháy”. Cháy thì mau nhưng hại đất lắm. Anh ta nhìn
trời. Tiết này không mưa, chứ ông trời lắc rắc (mưa nhỏ ) cho vài hột, nước nó
“dẫn” thuốc thì cỏ mau rục hơn. Mà thôi, từ từ là nó tiêu hết, cô dọn vườn mau
thôi . Rồi anh ta lại phóng xe đi, nhưng
cũng kịp cho tôi hỏi tên tuổi, vườn nhà ở đâu. Anh ta cười khi tôi rối rít cám
ơn, không xịt cho cô thì tôi cũng mang đi đổ. Ban nãy trật tay nên pha hơi bị
lố. Vậy là bữa nay tôi có duyên với cái
bình t huốc nhà anh. Lại cười.
Vâng,
tôi dọn vườn rất mau, vì sau đó tôi mải
mê đi đốt rác, nhìn quanh thấy mặt đất
lộ ra dấu vết hôm nào đánh luống trồng
sả hiện lên như có nhiều bàn tay ban đêm mang cuốc đến dọn cỏ
hộ .Tôi dồn rác ra vạt đất trống giữa vườn, e sợ có ngọn gió vô tình thổi một
mẩu tàn tấp vào cây cối đang lên hay nhà ai đó, thì cây sẽ chết còn nhà cửa
thì... Để cho rác cháy đượm, tôi moi
những que cành vương vãi sau mấy đợt làm nhà, nhặt được một đôi nạng gỗ
của ai đó gác bên bờ rào, chắc của khách trọ tạm dùng khi bị tai nạn, và nhất
là đám cành lá quỳ từ đống rác cũ nay đã khô dòn, rất đượm lửa . Cả một tấm
chăn cực lớn khách trọ cuộn lại nhét vào khe rào lưới B 40, dấu hiệu
“bỏ đi” tôi cũng tấp lên lửa luôn .Những cuộn khói đen đặc bốc lên cao dần, khét lẹt. Tôi chui vội
vào nhà ngồi, lâu lâu mới đi ra xem chừng ,tay cầm một cái khăn dày đã nhúng
nước. Mấy đấng đàn ông trong nhà cũng
lần ra xem rồi nhìn xung quanh, vẻ mặt tỏ ra yên tâm, may sao O Xí không... đốt nhà là được ! Có tiếng
chuông điện thoại reo,tiếng một chị chủ nhà từ trên lầu cao : Trời ơi, tết nhứt
rồi cô đốt rác làm chi, khói lên đen nhà em hết trơn, em vừa thuê quét vôi lại
tốn mấy triệu bạc.Tôi đành cười, thì rác trên chị bay xuống, mà sức tôi giờ không gánh đi đổ được, để thì gớm quá,
phải đốt. Rồi tôi thêm, có thấy nhà đen tí nào đâu, tại gió thổi nghe khét một
chút mà. Mà đen mai mốt mưa trôi hết thôi. Bụng tôi lẩm bẩm, rác bay, rác dọn không ngó, rác đốt lại càm
ràm . Thế nhưng tôi cũng có “tinh thần lắng nghe”. Tôi đã chờ thời điểm khách
trọ về quê ăn tết mới ra quân . Rác tôi
chia làm nhiều đống nhỏ để lúc đốt khói
không đậm đặc .Tôi chỉ “khai hỏa” vào
giữa trưa, khi mọi người đóng cửa đi ngủ sau bữa cơm no .Tôi đã cố gắng để mức
độ “góp ý” được hạn chế đến mức tối
thiểu , nhưng vẫn “được” nghe những câu la làng .Nhưng nhìn màu đất đỏ cứ hiện
dần lên,tôi cảm thấy trong lòng vui vui.
Những
buổi đi dọn rác, trong đầu tôi không một mảy may ý đồ sẽ vác cuốc trồng trọt tiếp.Mảnh đất “đụng
đâu đá đó” chỉ hợp một loại cây duy nhất, cây sả, nhưng “gầy” giống bây giờ khó khăn hơn trước nhiều. Tôi nhớ khi
giàn đậu vừa đâm quả, một vài người
khách đến chơi cảnh giác, coi chừng rắn. Và họ chỉ vẽ, dù họ chưa hề chăm
sóc một giàn đậu ngự và thấy rắn sống ở đấy bao giờ : trồng sả nhiều nhiều
dưới gốc đậu. Thời điểm năm bảy năm trước, tôi cứ mang chiếc túi “cái bang” đi
một vòng quanh thôn là “quyên” được cả ôm sả to,trồng kín vườn, nhưng bây giờ,
chả ai còn trồng nhiều. Vườn lưới không ai nghĩ đến chuyện mang sả vào. Giắt
mép bên mương nước chỉ có vài chủ nhà, đủ để “kho thịt gà”, nếu đem biếu tôi thì lúc mua gà phải nhớ mua thêm vài
nghìn bạc sả. Tôi lên khu chợ sau trường đại học mua một ký, ngắm nghía đầu
đuôi và bâng khuâng lo lắng: liệu có củ
nào ra rể trong số mớ sả này ? Bởi người làm sả đã cắt tiệt gốc,gọt sạch sẽ
“cho dễ bán” Mới năm ngoái, tôi cũng nhổ hết sả để đem bán khi chủ đất đòi lại
,rồi chỉ làm nhà một phần hai . Một kí lô sả, độ trong ngoài hai mươi lăm củ, chăm bẵm sáu tháng liền chứ ít gì , đó là
mùa mưa, còn dài hơn khi trời chín độ nắng, chỉ được bảy nghìn đồng ! Bây giờ
tôi mua thì mười lăm ( đó là chủ quán bảo mua từ vườn đem ra ) ở chợ Dalat là
hai chục nghìn .Gọt lột sạch đến mức đem
về nấu lẩu chỉ việc rửa sạch,đập dập, cho vào nồi. Tôi ươm sả vào mấy cái thùng xốp đầy đất đặt dưới
hiên, tưới nước, bón phân cẩn thận. Dạo mẹ còn sống, đất quanh nhà thứ thì chia
cho các con xây biệt thự,lập nhà trọ, thứ thì làm nhà lưới, và khoảng sân rộng
tôi chưa có “tối kiến” dựng giàn đậu, hai mẹ con đã phải lập những mảnh vườn
mini trong các thùng xốp,mẹ tôi cũng trồng vài bụi sả. Cắm xuống,tưới nước, vài
hôm từ cọng sả mập mọc lên mấy chiếc lá mỏng manh như lá lúa,rồi dài ra, rồi um
tùm cây mẹ,cây con. Còn bây giờ? Tôi ngẩng đầu, thoáng như thấy bóng mẹ tôi trong chiếc áo len màu mận chát ,mắt hấp hem nhìn tôi cười nhẹ nhàng, vọc chi cho mệt, hả con ! “Vọc” nghĩa
là bỏ công sức nhưng lại không có hiệu
quả. Một vài cây nẩy mầm lá lúa. Những cây khác khô dần, chuyển sang màu
nâu,thối và gục xuống .Chăm cẩn thận như thế mà cây cũng chết, thì làm sao ra
ngoài kia , dù “ dưới đá là đất”,sả sống
được ?
Ngày
20.3 dương lịch, tôi bắt đầu trỉa bắp.
Trong tôi hiện lên hình ảnh lớp học chỉ lác đác dăm ba đứa, nhìn ra khoảng sân đất
mênh mông, lớp buị đỏ đã lắng xuống. Bầu trời có nhiều đám mây đen.Mùa mưa ở
mảnh đất miền Đông Nam Bộ đã về, những ngày cuối tháng tư. Có mưa, nhà nhà đổ
quân đi trỉa bắp, lớn việc lớn,nhỏ việc nhỏ, đám học trò ,mọi khi chỉ đi rẫy
sau buổi sáng lên trường , bây giờ phải ra nương cả ngày.Cả tuần như
thế.. Rồi bọn trẻ lại đến trường, học xong vội vàng đi vô rẫy ngay, cách trường
hàng chục cây số,có khi cắt rừng mà đi, thay bộ đồ lao động người nhà đã mang theo,nuốt vội bát cơm, lao
ra cuốc cỏ,vô chân cho bắp chóng phát triển bộ rễ. Bài học sau đó thầy cô phải
giảng lại, hoặc gom hai ba bài vào một bài cho kịp chương trình, nếu là bài dễ
học. Tháng bảy,thầy cô về trường để tập
trung đi học chính trị, học trò lại mang bắp luộc đến biếu. Mỗi cô ăn hai trái
là no kềnh ,thay cho cả một bữa cơm. Học trò sau mùa bắp da dẻ hồng hào, tóc
tai mượt mà . Áo quần, sách vở cũng từ bắp mà có . Bắp già để khô, hầm ăn lúc
giáp hạt. Bắp khô còn thay cho món đậu phụng rang giã nhỏ trộn muối khi ăn với xôi khoai mì,
xôi đậu đen nữa . Vì đậu phụng có giá cao hơn, dành dụm đổi những món quan
trọng . Bây giờ chưa qua tháng tư , mùa mưa cao nguyên cũng chưa về,tôi dành
hai giờ mỗi ba buổi chiều trong tuần để tưới. Những chiếc lá xanh non
vươn lên rất nhanh, đúng như văn chương mô tả, lớn vùn vụt . Bắp trổ cờ, kết
trái. Nhưng mỗi bắp chỉ to bằng nắm tay trẻ con, không chịu lớn, hạt không có
nhiều. Hết nắng ,mưa về . Có những con bọ không biết từ đâu đến bám đầy quanh
vỏ từng trái bắp, đầy kín đến độ chỉ sờ
vào là vuốt theo cả nhúm. Chúng hút hết chất ngọt trong bắp rồi . Hôm nay là đúng
ba tháng ròng . Một hôm ,anh chàng Quang bên khu nhà trọ ra vườn ngắm nghía,
nhìn vườn bắp cảm thương, thiếu phân cô nà, mà chừ vô mần răng mà kịp. Đất trả cho người ta, nên cô ... không tính chuyện
bỏ phân. Tưởng bắp cũng như sả... Tôi ngập ngừng. Ở quê ngoài Huế, Quang cũng
từng trồng khoai sắn, làm thực thụ chứ đâu phải “ vọc” như tôi. Quang cười,
nhìn tôi như bảo, rứa cô bỏ công tưới tắm làm chi ! Anh chàng hôm nay được chủ
cho nghỉ vì điện cúp. Thợ mộc bây chừ không có điện là cua tay,chứ không như
hồi trước. Rồi Quang bỏ đi,trước khi an ủi : Mai mốt cô trồng... đậu đi. Đậu
trắng tết làm mứt. Thứ đậu nớ dễ trồng. Ừ, tôi sẽ trồng đậu. Tôi có rất nhiều
thời gian. Quang bần thần bỏ đi. Tôi nhìn
theo,cám ơn nhé. Nhờ nơi Quang làm không có điện mà tôi có một lời chỉ vẽ tận tình. Cuộc sống là thế, đằng sau
nỗi buồn bao giờ cũng manh nha một niềm vui, dù có khi niềm vui của người này
là nỗi buồn của người khác .
Mảnh
vườn luôn có khách đến thăm từ khi bắp bắt
đầu được trỉa cho đến bây giờ.Một lỗ hai hạt thôi,chị Lạc bày vẽ qua điện
thoại. Bắp lên độ vài gang, chị Nhụy
tìm xuống vườn ngắm nghía, phải tỉa bớt
đi dì Xí, mỗi hốc một cây, trái mới đẻ được. Mấy đứa cháu tận Saigon cũng ra “xem vườn bắp O Xí”, ô mai mốt O
lên mạng bán đi, trái chắc... to lắm.
Chị Nhụy đi Saigon dự đám cưới đứa cháu
gái bên chồng,bẻ theo một mớ quả non vô trong nớ nấu chè. Phố xá làm chi mua được thứ bắp như ri. Chà,
lần đầu tiên trong đời từ khi cha sinh
mẹ đẻ tôi mới được chị Nhụy khen.Mà có đâu, chị khen trái bắp ! Thôi cũng được
.
Nhiều người hỏi thăm “lý lịch trích ngang” của
chú rể, Chị Nhụy khoe : Hắn làm nghề “lái phi công” . .Những người nghe hơi ngớ ra,có
gì ngờ ngợ . Sao lại là “lái phi công” mà không là “lái máy bay”. Trong đầu tôi
hiện lên hình ảnh một cô gái tuổi hai mươi , tóc thề đen mượt, áo dài hoa, guốc cao gót, áo len vàng dệt không cài
khuy, ngồi nép bên con em áo len xanh
biển học trò , học đánh vần tiếng Anh.Trò chuẩn bị đến một trung tâm học tiếng
Anh, còn cô giáo thì vừa về từ trường, chưa kịp thay đồ và cơm nước . Pai lật.
Sao không đọc là pi- lốt. Dân pi lốt đó. Thằng Chút có một người bạn đi lính
ngành này, thuộc “dân” này mà . Đó là
cách đọc của người Pháp, còn tụi Mỹ đọc y như con Xí là đúng Anh Chút cùng hai người bạn đang
ngồi thắt gióng mây với mẹ tôi,xen vào .
Ừ thì pai lật . Cô giáo dù đói bụng rã rời nhưng vẫn kiên nhẫn giảng giải thêm một quy tắc chung : tiếng Anh đôi khi có chữ i thì đọc là ai nghe chị .
Bà chị hối thúc : thôi thôi, cái nớ để thầy Tụy (
giáo sư Nguyễn Bạt Tụy bấy giờ là
một học giả nổi tiếng. Chị Nhụy đã vòi
mẹ một khoản tiền rất lớn để theo học ông giáo sư này, với niềm tin “thầy giỏi
thì trò sẽ chóng giỏi…kịp thầy!” )bày cho tau sau .Mi cứ bày tau đọc là được. Và con bé lớp đệ thất bỗng dưng được làm trợ lý cho thầy ,ngao ngán lắm . Lát sau, con em cô giáo hoạnh họe kiểm tra ngược, để
xem bà chị học trò có thuộc bài hay
không : pai lật là gì . Bà chị học trò đáp nhanh : lái phi công . Hả ? Thì “lái
phi công” . Mi có điếc đâu mà bắt tau nhắc lui nhắc tới. Học trò bỗng dưng nổi
nóng . Chị Nhụy ở trường chọn sinh ngữ
chính là Pháp văn, nay đang học tiếng Mỹ
để có thể nghỉ học, ra đi làm Sở Mỹ . Cô giáo
lạị chọn Anh Văn là sinh ngữ chính, mà nó làm le, vì bài này trên trường
nó đã học qua .Bà cô nhỏ bé hơi ngớ ra
và ngờ ngợ như bây giờ .Một người bạn học của anh Chút, đang ngồi chẻ mây với
anh, cất giọng Nam Bộ, đưa mắt nhìn anh thứ ba cũng đang loay hoay thắt một cái
nút hoa nơi cổ gióng : Cái người mà làm nghề “ lái phi công” phải là “chị hai
của phi công”. Họ ré lên cười. Theo tao
thì phải là “xa phăm”( vợ hắn ) mới “lái” được phi công chứ .Anh thứ ba khẳng
định .Lại cười ồ .Tôi lúc đó chưa hiểu “xa phăm” là gì, nhưng nhìn vẻ mặt ba gã
đàn ông cùng tuổi với chị Nhụy, tôi biết họ đang trêu chị . Chị có ông bồ
tèo hiền lành, biết đâu họ ám chỉ anh.
Nhụy ta vốn nhạy cảm.Chị cáu: Ừ,thì tui cứ
kêu chữ nớ là “ lái phi công” đó,được không ? Hai anh kia lại giả giọng
lơ lớ như các chú chệt trong Chợ Lớn : Bác tài ơi, dừng cho tui “lái” chút đi , không thì
tui “lái” cả xe . Lại cười rung rinh
.Anh Chút sai, con Xí lấy sách xuống đây . Tôi ba chân bốn cẳng chạy lên nhà
trên, nơi có tủ kính cất cuốn từ điển Hán Việt, khệ nệ ôm xuống Đây, phi công là người lái máy bay,tiếng Pháp
là pilot . Anh Chút nâng lấy cuốn sách
to,dày và nặng chỉ ngón tay vào một hàng chữ
giữa trang sách mở rộng: thưa bà chị, đây , nói có sách, mách có chứng .
Cho nên một là nói: lái máy bay, hai là nói phi công.ba nói “lái phi cơ” cũng được . Dùng tiếng Hán
Việt hay thuần Việt đều được. Có lẽ chị quen từ “phi cơ” nên chuyển sang” lái
phi công” luôn ! Nhìn “học trò Nhụy”,anh
vừa cười vừa bực bội: sao bà cứ có cái tật ôm vô cho thêm nặng đầu. Cái gì bỏ
bớt thì bỏ.Nhưng cái gì mọi người dùng thì nên tôn trọng . Chân lý cuộc sống nó
vốn rất đơn giản . Nhưng mấy chục năm rồi,
chị vẫn cứ “ôm” .Hôm nào chị cãi
quyết liệt với tôi cái chuyện mà theo mọi người “ cứ để cho chị em chúng nó cãi”. Có một cô
nấu bếp rất giỏi,được đài truyền hình mời lên hướng dẫn cho các bà . Tấm phông
sau lưng in giòng chữ , có thể là địa
chỉ cơ quan của chị: Quán Sứ. Chị Nhụy tấm tắc khen: Ồ, cái cô này giỏi lắm, nấu ăn cho cả ... đại sứ quán. Không ai nói
gì, nhưng tôi thì ngạc nhiên. Dạo tháng 8.1981, bọn học trò Đồng Nai được ra
Hà Nội.Chúng tôi đã đi ngang phố Quán
Sứ,nhiều đứa ngỡ ngàng trước số 58 Quán Sứ, địa chỉ đài Tiếng nói Việt Nam,nơi
phát đi những bản tin trong chiến tranh bố mẹ nó phải lén lút nghe dưới hầm sâu,trong đêm tối
,xung quanh bao mối hiểm nguy đang rình
rập . Rồi đi qua chùa Quán Sứ , tôi thấy
hiện lên lớp học và bài thơ Đường luật của nữ thi sĩ Hồ Xuân Hương . Cả bọn
cười rúc rích vì lối nói lái vừa tục vừa thanh của nhà thơ. Tuổi phổ thông,chị
Nhụy đau ốm nhiều, việc học hành đứt đoạn nên
có thể bài thơ này chị không biết. Tôi nêu ý kiến của mình, nhưng
chị,cuối cùng, vẫn dành phần thắng : thì tau cũng nói có sai chi mô. Cũng là
“đại sứ” cả mà ! Nhụy vốn “ kiêng dấu ngã” nên những gì chị nói đều đúng! Tôi
đành im lặng.
Mấy
tháng liền chăm nom mảnh vườn , thu hoạch có thể là “đơ –dem cùi bắp”, nhưng
tôi thấy lòng dịu lại sau những “chấn thương tâm lý”.Có thể mọi người sẽ chê
bai, nhưng chị Nhụy khen, mang vô tận Saigon,
thì mùa ngô vẫn được vụ .Cả việc bỏ ra mấy tháng liền của tôi cũng không hề vô ích. Mùa ngô đã cho tôi cảm
xúc để mang laptop ra, ngồi kỳ cạch gõ từng giòng chữ. Có bị cho ăn cà chua hay
trứng tôi cũng đủ “dũng khí” để đón nhận .Và biết đâu,Hoa Tre ở Saigon, quen
biết được người này người kia, những giòng chữ này sẽ được ... in. Chúng tôi hy vọng một chuyến trở lại Hà Nội,
qua phố Quán Sứ. Hãy cứ hy vọng, như mùa đậu sắp tới .
Nguyễn Xuân.
No comments:
Post a Comment