ĐẤT VÀ NƯỚC .
Quầy tạp hóa của bà
bạn già nằm ở ngay đầu đường Nguyễn văn
Trỗi, chỉ thêm dăm bước chân là đến chợ
lầu, xuống chợ dưới,lên khu Hòa Bình,
qua các phố buôn bán sầm uất quanh quẩn đó… rất tiện cho việc mua sắm nếu như tôi muốn
tranh thủ ghé thăm . Nhưng tôi thấy xa xăm và gian nan. Dạo bà Đu Đủ còn đóng
đô trong một ki-ốt nhỏ bé cuối Vườn hoa thành phố, tôi chỉ việc cuốc bộ
hết một con dốc, bên này là Đồi cù, bên
kia là bờ rào trường đại học Dalat, có cây cối nhiều hơn bóng khách bộ hành, cả không gian yên tĩnh,âm u và mát lạnh, có vỉa hè rộng, tha hồ cho những
kẻ rảnh rỗi và thích lang thang như tôi
. Bây giờ, con đường một chiều, bắt đầu
đổ dốc ngã ba chùa Linh Sơn, thế là phải dắt bộ. Đã rắc rối từ khoảng dốc lài lài ngang ngôi trường Bùi thị Xuân một thời… Hình như cả quãng đường, chiếc xe đạp như một người bạn cùng đếm bước cho đỡ buồn trên dặm dài.Áo khoác ngoài, áo
len trong… đều phải cởi cất. Mồ hôi , khát nước !
Bỗng dưng hôm nay,
Hoa Tre lại chủ động chọn một lối khác .
Cũng như đợt ghé
vào mùa hạ hai năm trước, Tre vẫn mượn xe gắn máy của
các chủ nhà kế bên để “tải” tôi đi cùng . Bây giờ hỏi thứ gì khó, chứ mượn xe “
đi một hồi” là công việc vô cùng dễ dàng, nhanh chóng. Với Tre, chúng tôi phải
trần tình rằng dù tay Tre
có chút vấn đề, xe của nó ở Long Xuyên
đã phải “ độ lại” như thế nào đó, nhưng gã tài xế này vẫn có thể đưa tôi “ đi đến nơi, về đến chốn”.
Bây giờ, nhái tha
nhái, hai bà giáo về hưu rời nhà, xuống Lý Nam Đế, qua Nguyễn Công Trứ.
Tre quặt ra hướng
Phan Đình Phùng thay vì trực chỉ Ngã Năm Đại học. Chắc nó muốn đến một nơi nào đó ở vùng này trước khi ra tiệm bà Đu Đủ .
Xe rẽ vào khu
phố mới cuối đường Nguyễn Công Trứ rồi men theo một ngõ hẻm ở đây, ra đường lớn
. Phố là những ngôi nhà chỉ mới dựng lên
không quá vài năm, nhưng dấu vết những mảnh vườn rau dưới thung lũng, rải rác
căn nhà gỗ cũ kỹ , con đường qua xóm chỉ
vừa hai khách bộ hành tránh nhau, mái tôn
lấp ló sau bờ rào dâm bụt, mùa mưa nhiều vũng
nước đọng và bùn… bây giờ có lẽ chỉ còn trong ký ức của Tre và tôi .Cả
hai có nhiều bạn học ở nơi này.Tre cho xe chạy chầm chậm, vừa kể về một người
bạn nhà có lò bún hồi trước ngay đây, nhiều hôm sau tiết thể dục trái buổi ( nếu học chính
khóa vào chiều thì học môn này ở ban sáng và ngược lại ), bọn Tre
vác cặp qua đây, xin “ bún rách” để ăn, đó là những bánh bún bị đứt . Bún nóng hổi, ăn với nước mắm ớt cay xè, thích thú vô cùng.
Tôi cũng kể, bạn chị thì nhà có vườn, ngó qua bên kia. Tên nó là cả một vườn “ cây
trái thơm tho” : Lê Thị Hồng Đào , bốn thứ quả ngon. Tiếng Tre cười khúc khích , còn bạn em tên Chanh , mà ghét
thứ trái chua lè này, pha mắm ăn bún
với ruốc thì có thêm tí chanh mới
ngon phải không chị, mà nó dứt khoát không cho bỏ, thành ra phải riêng nó “ một
cõi một mâm”. Ở dưới An Giang tụi em có trái chúc, mùa mưa nhiều lắm, chanh gốc Thái , ngày nào em cũng pha nước uống, nhiều khi chợt nhớ bà chủ nhỏ
hàng bún một thời .Tôi nói, vậy mà đi là đi luôn, chị hai mày không lần mò tìm thì nàng lặn mất tăm. Tre phân trần,
đầu óc lu bu tối ngày, con cái có khi còn quên nữa là .
Ban
nãy,chúng tôi cho xe dừng lại trước một
nơi vốn là “ vương quốc tre trúc”
của nhà trồng tỉa, tiến sĩ nông học Nguyễn Văn Bồng, sát bên đền Linh Bửu của nhà cô Chi. Hai ông bà không
có con, đám cháu thay nhau ghé trọ học
một thời gian ngắn rồi đi nơi khác. Cô bạn ngày lớp 9 của tôi sống trong ngôi
nhà cổ này, một biệt thự độc đáo
nằm như xa lánh hẳn với làng mạc xung quanh. Ngôi nhà lưng quay ra con
đường nhỏ Nguyễn Công Trứ, ba bề giáp ranh
với những vuông vườn của nông dân quanh vùng, nhưng dù đến gần thật gần,
từ ngoài nhìn vào chỉ thấy mấy lớp thân
tre trúc che kín. Sau hai cánh cửa sắt hoen gỉ, nặng nề, thập thò một cái chuông như chuông lắc cà rem
của lũ trẻ đi bán kem dạo . Mấy khóm thông già đứng trầm tư làm cho không gian
thêm bí ẩn. Chờ một hồi lâu mới có người ra mở cổng. Lối đi đầy rêu xanh
giữa hai hàng trúc . Nắng hay mưa luôn dừng lại ở đây,trong nỗi tịch
mịch, lạnh buốt đến từng mạch máu. Đến sân, một không gian sáng bừng đến không
ngờ. Ngôi nhà nhỏ, mà khoảng hiên dài và
sâu, vạt sân có vô số chậu cây cảnh quí
hiếm, đây chính là mảnh vườn và là thế giới mở ra bầu trời cao rộng trên kia của chủ nhân.Ao cá cuối sân, bao quanh là những trụ đèn kiểu Pháp cổ, khiến khách
ghé thăm cứ ngỡ cuối ao sẽ dẫn đến một con đường dẫn ra phố lớn của
Dalat hay Hà nội xưa . Vườn Dalat vốn
hẹp do bị chia cắt bởi các vách taluy, nhưng khu vực thuộc địa phận nhà
ông Bồng lại phẳng như ruộng đồng bằng, vì vậy mà hình ảnh một vuông ao rộng,
nước trong xanh ngay bên sân nhà là một hình ảnh thật đẹp trong cảm nhận của chúng tôi . Tôi đã rủ
Tre đến đây chơi một đôi lần, ngồi
chơi bên hiên, trao đổi bài vở với cô bạn học , nghiêng cổ nghểnh đầu ngắm các trụ đèn , hay len lén dạo quanh
săm soi những chậu hoa quí bày la liệt trong sân. Một đôi khi tò mò nhìn
vào bên trong, chỉ thấy thấp thoáng qua
khung kính cửa những bộ bàn ghế bóng loáng, những tủ sách bày ra lớp gáy da quý phái , chữ nghĩa . Hai người khách bao giờ ra
về vẫn luôn mang theo tâm trạng vừa từ biệt một khu lâu đài bí ẩn của một lãnh
chúa giàu sang, quyền thế .Tôi chưa
hề được diện kiến vị chủ nhân ngôi nhà, nhưng Tre thì còn hơn
thế, được trò chuyện khá lâu với ông nữa , đó là những ngày tôi công tác xa
nhà, còn Tre đã lên cấp ba.Tre kể một đợt trại Đoàn của Tỉnh, bọn con trai tìm
đến khu lâu đài trong rừng trúc này để
mua tre nhưng chủ nhân không tiếp, lại sai người nhà ra đuổi, đó là hai thiếu
nữ trạc tuổi họ ,mặc áo len màu vàng
nghệ, đồng phục của học sinh trường chuyên Tỉnh ngày ấy. Cứ đứng ngâm nga
mãi một câu thơ trong Thu
điếu của Nguyễn Khuyến , ngõ trúc
quanh co, chủ vắng teo…, thì có đứa nghĩ
ra một kế, rằng cần có tre trúc để cắm cờ rủ vì nhà một đứa ông nội vừa mất..
Ông cụ đích thân dẫn một bọn lốc nhốc năm sáu đứa của khối, ngày thường thì sát phạt nhau chuyện cờ đỏ, nhưng hôm nay
bỗng thân tình ra rít , đi tìm những thân tre cao và đẹp nhất. Ông còn biếu
không,còn dặn dò khuân vác cẩn thận, còn ân cần gửi lời chia buồn nữa. Giữa vùng đất
giá lạnh này, xa quê đã lâu mà ông cụ
râu tóc bạc phơ vẫn trầm ấm một giọng Hà Nội rất dịu dàng, rất ấm, rất
sang trọng . Tưởng ém nhẹm, ai dè bị “lòi hèm” chị à . Hai con nhỏ áo củ
nghệ cùng dự trại của Đoàn trường chuyên, khu
vực đóng quân đối diện ngay với trường
mình . Chúng nó theo dõi, chụp hình hết trơn ,từ khi tụi em chặt tre, rồi vác
đi, cho đến khi dựng cổng, không sót một cảnh nào.Rồi còn gửi hình qua tặng nữa, sau khi trại tàn mấy ngày,
bọn em phải viết thư xin lỗi, năn nỉ đừng báo ông của chúng nó. Nhưng tụi nó
cũng dễ thương. Hồi lớp em có đứa nhà tận ga ( ga xe lửa Dalat ) cứ sáng lên
trường là có ông anh bị khùng đòi quá giang, nhiều bữa không trốn được lại bị trễ học. Đi dọc đường gặp hai nàng này đạp
xe xuống trường, bèn “ gửi gắm” ông anh. Họ
nhiệt tình đưa bệnh nhân đến tận cổng nhà . Mới đó mà giờ lên lão hết
trơn rồi. Có giữ liên lạc với đứa nào
trong đội trúc tre đó không ? Thì biết
tin thôi, mỗi đứa mỗi cảnh … Hè năm
2014,tình cờ lên trường để đăng ký đi tham quan Bạc Liêu, tôi thấy có khóa ra trường năm 80 tổ chức họp mặt. Em khóa 81
mà . Khóa tụi em hình như chưa có dịp họp mặt lần nào. Phải có một người
hay một nhóm “cầm càng”, như lớp C của
mày ở trường sư phạm. Đúng rồi, anh
Thanh luôn tìm cách giữ liên lạc với
từng đứa , tổ chức đi thăm viếng nhau,
chia sẻ nỗi niềm.

Nhưng tôi hiểu vì sao
Tre không muốn trở lại chốn cũ này. Tôi nhớ
dạo hè năm 1979, có một đứa bạn
cùng học chung suốt những năm tiểu học ,rồi phổ thông, cả trường cao đẳng sư
phạm, cùng về công tác chung tỉnh, chỉ khác huyện. Xã Xuân Tâm của huyện Xuân
Lộc có trường của nó không ngờ là quê
cũ của gia đình Tre. Cô bạn cũng kiêm nhiệm
hai ba việc như tôi , đứng lớp, chủ nhiệm, phụ trách Đội, nên “nhà nào có mấy
cái nồi cũng biết” không thua gì tôi, vì vậy mà gần như mọi phụ huynh, nó đều quen. Các cô
Mười, Út ngẩn ngơ bàng hoàng khi biết tin ông chủ nhà năm xưa vừa qua đời, do ông nằm ngủ quên trên xe bò
chở cây củi, rồi càng xe đập vô đầu . Ba con người cùng dắt díu nhau về thăm.
Một thôn vắng nằm ven ga xe lửa Gia Rây, chúng tôi xuống xe ở Sài gòn rồi đáp
chuyến tàu đi về Phan Thiết, đến ga còn khăn gói
đi bộ dăm cây số. Tôi theo cô
bạn sang khu tập thể của trường, cứ ngỡ hẳn sẽ lên La Ngà một mình, không ngờ
mờ sáng hôm sau đã thấy ba người đến tìm . Tôi nhớ lúc ấy bọn tôi ( có một chị
hiệu trưởng vừa vào sau khi về quê tận
ngoài Bắc để nghỉ hè ) đang rủ nhau đi… tham quan vườn sắn , nghĩa là đi… sáng
sớm .Ngôi trường lớp Một của bé Xá Xị đây,không được khang trang, không nằm
biệt lập trên đồi như trường tôi, mà bao
quanh là mảnh vườn rau cải, cây trái tốt
tươi, những mái nhà lợp tôn ,tường gạch, có những đoạn đường đổ nhựa bằng
phẳng, đôi khi bắt gặp người phóng Honda
chạy qua . Cư dân đã lập nghiệp ở đây lâu lắm rồi, từ khi các cô Mười và Út còn
bé, được đưa về đây để bế em cho các chủ .Cô
Út mắt đỏ hoe, cô Mười thì gượng gạo bảo, ghé thắp cho ông nén nhang, giờ về để con Tre kịp đi học,với lại …
Tre cũng buồn thiu. Cô bạn chỉ biết rằng
người vừa tạ thế vốn rất hiền lành,tốt
bụng từng có chân trong Ủy Ban xã, thường tạt qua trường thăm viếng. Ông có hai
vợ , một bà ở trên Sài gòn, một bà ở đây. Bà hai là bạn của các cô Mười Út.
Bộ ông Bổn chết, con bà lớn đuổi Cô Bảy, tiếp đãi lạnh nhạt nên cả nhà
mày mới bỏ về hả . Ôi chuyện dài lắm chị ơi, mà em cũng có dính líu đến, để từ
từ em kể . Biết đâu hai đứa mình dựng thành phim được . Một
chiều cô Kê đến đón các bà cháu nhà Tre, mẹ con chị Châu sang nhà cô ăn
giỗ , hai đứa tôi leo lên căn gác lửng
nhà chị, nơi giành cho khách đặc biệt,
tưởng trùm chăn ngủ,nhưng không hiểu sao cứ lăn qua trở lại . Tre bảo,
chị kể chuyện tình của chị đi, sao thấy
chị cứ “lặng lẽ bên đời” vậy, tôi bèn
nhớ ra câu chuyện mà ngày hai đứa ôn thi
Tre hứa kể để “dựng thành phim
được”, đòi Tre kể trước .
Ba cô gái mồ côi cùng lớn lên từ mái nhà của
ông Hương Tảo ( Hương là một chức sắc từ thời Pháp ), bố vợ ông Bổn.
Ông này giàu có, góa vợ , nên cô con gái lớn duy nhất được gửi lên Dalat học
trường đầm , trường Couvent des Oixeaux gần thác Cam Ly . Cô gái kết hôn sớm,
có hai con trai, rồi ly thân. Ông Bổn là tôi tớ nhưng lọt vào mắt xanh ông Lý , trở thành quản gia
và phò mã của ổng , mà ông Bổn lại để bụng thương cô Bảy lâu rồi. Họ có con, sinh ra trước ngày
các cô Mười Út đón Tre về mấy bữa thôi . Bà cả hay tin sai người xuống bắt cậu
con cô Bảy, nhưng các cô đã đem Tre ra tráo . Nếu mày là con trai, thì giờ mày đâu có ở đây, phải không ? Đó, cho
nên em bị bà lớn ghét lắm, hai má cũng bị lây, cô Bảy thì cứ ôm con trốn chui trốn chủi . Khi em
trộng trộng một chút, độ ba bốn tuổi , trước khi bị chứng sốt tê liệt, bà chủ
lại năn nỉ các má “để lại” em cho bả . Hai má kể hồi nhỏ em ngó vậy mà ngộ lắm.
Tôi nhìn Tre, nhưng
trong đầu hiện lên khung cảnh một đêm văn
nghệ ở Phường , ngày Dalat vừa được giải phóng, Đội thiếu niên ấp Nghệ Tĩnh của tôi đang
biểu diễn vũ khúc “Mùa thu rồi, ngày hăm ba”, đám trẻ tuổi sàn sàn mười
một, mười hai với Tre đều mặc áo dài đủ
màu, đầu vấn khăn vành, tay cầm tầm
vông,nhịp nhàng uốn lượn theo điệu nhạc
rộn ràng. Chị Nhụy là “ tổng đạo diễn” của tiết mục này, Tre là biên đạo múa,
tôi chỉ có một việc là chọn trang phục. Không thể tìm ra áo nâu, đành sửa lại
áo dài màu của các chị vốn rất dễ mượn, rồi thiếu vũ công nên Tre không ngần
ngại bổ sung bằng chính mình .Cuối buổi người khen , kẻ chê. Đó là những bài học quý báu cho công tác Đội và chủ nhiệm lớp của tôi mãi về sau này. Hôm ấy
Tre chen lẫn giữa đội hình mà vẫn nổi
bật vì chân cẳng nó dài hơn, mặt nó bầu
bĩnh, mắt nó sáng rỡ, và nhất là tấm áo
dài đỏ rực nó khoác trên người. Tre có nét
pha trộn giữa Á và Âu, mà đến hôm đó tôi mới nhận ra, do thường ngày
nó luôn đội mũ len trùm kín đầu cổ, lại
có khi rất bẩn thỉu .
Vì vậy mà bỏ quê, cùng với
sự qui định nghiệt ngã của lệ làng.
Khi nhà em về thăm, chủ cũ thấy mình xơ xác lôi thôi quá, cứ lo sợ mình nhờ vả điều gì . Hai má em lại
có lòng tự trọng rất lớn, cho nên phải trốn cô Bảy mà đi . Với cha mẹ chị
Dalat, hẳn các cô cũng nghĩ vậy, khi về Long Xuyên, phải không ? Thì… chị biết
đất khách quê người, cả đùm rong rêu cứ tấp vào đâu thì phải cố bám lấy đất,
lấy nước mà sống. Em cứ nghĩ chị yên bề gia thất rồi, các anh chị cũng có cuộc
sống riêng, ông bà đến tuổi khuất núi,em đưa con cái về phải kể lể khai báo,
lại hình dung ra nét ghẻ lạnh hồi nào ở
xã Xuân Tâm nên..thôi. Thì cũng viết cho tao cái thư! Ôi em có trăm thứ muốn
kể, chị nghe thêm nặng bụng. Mày xạo, mày cặp kè nhỏ Lê, con cái
còn “dẹp tiệm” nữa là tao.Tre cười, ôi ai cũng một thời. Rồi bây giờ thì
sao? À nàng vừa dọn ra nước
ngoài sống , đi cùng các em . Cũng gửi thư than thở rằng đang “mình ên” ở bển .Vậy cái nền nhà tính mở viện dưỡng lão, sao chị
thấy người ta xây lên ba bốn tầng kinh doanh rồi. Bán rồi chị
à, Lê có biếu em một chút làm qùa . Chợt Tre đột ngột đề nghị : Hay chị xuống
em “ đổi gió” một thời gian. Em từ nay trở
đi là sẽ rảnh vô cùng. Có chị để em chọc khùng, cũng đỡ buồn. Nhưng mày còn
chăm người nhà cô Kê nữa mà. Thì cho hai bà
ở với nhau. Tôi đổ tự ái , thôi mày, tao còn “tự biên tự diễn” được
nhiều thứ nghe em hai. Tre nhìn tôi, bà
đúng là “ chuyên gia tự trọng”.Tôi cũng nhìn Tre, cười cười và nó hiểu tôi muốn
nói: mày có khác tao đâu.
“ Chuyên gia tự trọng”. Tôi nhớ
ngày mẹ tôi mất , có rất nhiều người từ xa
tìm đến viếng thăm, phúng điếu một món tiền . Đến ngày giỗ mãn
tang mẹ, dù đám con cháu chúng tôi không mời, cũng có người tìm về .Chị
Nhụy thì thào : họ muốn trả nợ hồi trước
vay mẹ mình .Gia đình tôi chỉ là những
trung nông, cần cù và tằn tiện. Nhưng nhìn quanh vẫn thuộc diện khá giả, có
nhà xây, có bể nước, có xe gắn máy,có
bàn máy may, có radio… khi làng trên xóm
dưới nhiều người phải quần quật nai lưng chỉ đủ cơm cháo qua ngày.Người ta gầy
huê hụi, mẹ tôi cũng góp một vài suất, rồi giao cho chị Nhụy, cô con gái giỏi
tính toán và miệng mồm đi đóng hụi, hốt hụi. Đóng thì nhanh nhưng hốt thì vất
vả. Mẹ
tôi từ chối những chủ hụi sau đó,
nhưng có người bà cũng vừa thương vừa nể
tình làng xóm, đó là chung một suất, và rồi dừng lại ở đây . Tre thành thạo các suất hụi
ấy ,chắc hẳn do các cô Mười Út kể lại, vì mẹ tôi không biết ghi vào
sổ sách, nhưng bà nhớ rất giỏi, có khi vui miệng kể với các cô, còn các cô thì
chung hụi là để tiết kiệm, nuôi Tre ăn
học .
Dạo cùng chung trường sư phạm, trọ
chung nhà, có chung bạn bè, sao lắm lúc
tôi ghen tỵ với Tre. Nó có biết bao
người quan tâm, trong khi tôi đầy áp lực Vậy bộ em không có lòng đố kị với chị
hả. Cuộc
đời chị như mấy cái hộc tủ ông
trời sắp sẵn, cứ cần hộc nào rút ra hộc
đó, chứ còn em phải tự tạo lấy những cái hộc tủ cho mình.Chị
thấy bỗng dưng ở đâu lù lù một lúc ba
đứa con nít , mà có khi cứ nghĩ đó là… con hàng xóm ! Lại bao nhiêu mặc cảm đè lên vai, nên đành
ngẩng cao đầu mà bước. Chị có bao người
thân, chứ em đôi lúc cũng ngậm ngùi rằng
mình từ đâu đến.
Em kể chuyện này chị có tin
không, dạo mới về miền Tây, khoảng năm 87-90, có nhiều người đến tìm em nhận con, để chi, để họ cùng … sang Mỹ đoàn tụ với ông bố . Trời ! Em tức muốn điên
lên. Bây giờ xem chương trình tìm kiếm người thân trên ti vi
đó, em chẳng mong có người nhận ra mình. Cứ nghĩ lúc đó các má sẽ buồn hay vui,
tất nhiên là buồn nhiều. Trong sổ hộ khẩu nhà em, hai má là chị em ruột, em là
con đẻ của một má, nếu một trong ba có
họ tộc mới, có ai vui không ? .Có thể là em ích kỷ,nhưng em chấp nhận bị kết án như vậy! Tôi tò mò, vậy gốc gác hai má mày là ở đâu , không
phải miệt Long Khánh hả.? Không, mà hình như là miền Trung, khu Nghệ Tĩnh nhà
chị .Chị biết nước mình trước đây nhiều nhà nghèo phải bán con đi cho các hộ
giàu, rồi chủ vào Nam lập nghiệp, cũng đưa các cô này đi cùng, có khi bị sang
nhượng cho chủ khác, đúng nghĩa một món hàng .Chị có nhớ ông Ngọ , chủ nhà
em ở không, cũng đồng cảnh ngộ với hai má của em. Ổng kể người
Pháp lập khu dinh điền trên Ban- mê- thuộc,người Hà Tĩnh được giao cai quản các
đồn điền cao su, cà phê cho chủ tây, ổng
cùng các má lên đây. Con cái ổng vừa tìm
ra họ tộc vùng Đức Thọ, Hà Tĩnh . Hai má
mày là… đồng hương của bà Đu đủ đó !
Thôi, em cứ muốn em là dân …An Giang .Mà ở đâu
cũng là đất và nước mình .Nhờ vùng Long Khánh mà em được chào đời, đùm
bọc, nhờ quê Dalat của chị mà em trưởng thành, rồi nhờ miệt Long Xuyên này em
vui sống, sống có ích.
Ở đâu
cũng là đất và nước mình. Tre có bà con bên nội của đám nhóc đang sống
ở huyện Bình Chánh, thành phố Hồ Chí
Minh. Ở đây ven sông mọc đầy những cây
bần, trái có hình dạng của trái cà dừa (
trái to gấp nhiều lần cà pháo), thơm nồng nàn
hương ổi chín, hai bà mẹ gốc miền
Trung nhặt về làm dưa, người dân ở đây ngạc nhiên và nhanh chóng kết luận : dân
Dalat . Bần chín rụng chỉ để làm thức ăn chơi cho cá, nhưng bây giờ thành một
món rau có thể để dành ăn dần,mang đi xa không
lo sợ bị hỏng, có thể chế biến với cá hoặc thịt, có khi chỉ là nước mắm
hay xì dầu, mà vẫn đưa cơm. Lúc đầu cô
con gái cứ nghĩ các bà chịu ảnh hưởng
chất “ tương cà” nơi bà mẹ xứ Nghệ của tôi, nhưng qua ông Ngọ, Tre bồi hồi xúc
động. Dòng máu chăm chỉ, hay lam hay làm của người dân quê cha đất mẹ đã thấm vào tận sâu trong huyết quản của họ .
Có một quê hương ra đi và mang theo, thì
đi đến đâu cũng sống với sức mạnh đất tổ
ban cho, nên miền đất nào, con sông nào, cũng là quê mình .
Chị có biết thời gian mới về Long Xuyên,
em làm gì ngoài giờ lên lớp không ? Đi
kiếm lá gói bánh giò . Trên Dalat , đây là hàng quà phổ biến, nhưng về vùng
này, người ta gọi “ bánh chay ”. Vì cách
chế biến đơn giản quá, chỉ có lớp nhân là thịt đùi băm với nấm mèo, chen vào giữa một cục bột gạo to,
ăn nguội lại bị vữa như hồ dán giấy. Ngày đầu
làm vài chục cái mà đành mang về
cho bọn nhỏ ăn trừ cơm. Thấy chúng nó lè ra do ngán, em chợt nhớ đến một hình
ảnh , đố chị hình ảnh gì ? Đó là lần chị mang một cây bắp sú to từ dưới vườn
lên, khi vụ rau ế ẩm, bắp sú tròn căng
nghiêng ngó như hàng trăm ông mặt trời
vẹo cổ trêu chọc chủ vườn, xót xa lắm. Các má em lo khiếp luôn, chị biết
rồi, tiền công cán, tiền cơm áo, trăm thứ của nhà em cũng dựa vào những ông mặt
trời vui tính này . Em thấy bác bà (mẹ
tôi ) mắng chị rất nặng, chị trốn ra bể nước ngồi khóc, em đi theo bị chị đuổi.
Má Mười em giải thích, bác bà giận vì O
Xí không biết quý trọng thành quả lao
động của nhiều người . Em đánh bọn trẻ,
nhưng rồi tìm cách làm cho bánh ngon hơn, hợp khẩu vị với người vùng sẵn cá sẵn
gạo này. Dần dần , người “ăn chay” từ nhiều nơi tìm về đây làm việc, họ lại
chuộng khẩu vị xa xưa của đất mình, rồi
người nơi đây cũng thấy quen miệng, thấy có chút gì đó
“ rẻ tiền, dễ ăn, dễ tiêu hóa”.
Tôi không
nhớ nhiều dạo Bà Đu Đủ cùng tôi quá giang đoàn tham
quan miền Tây của trường cũ để đi thăm
Tre,chúng tôi được ăn những món gì đậm chất miền sông nước này .Ăn hũ tiếu Mỹ
Tho ,rồi hình như là ăn rất nhiều món cá khi đi chơi ở vùng giáp ranh Tiền Giang và Bến Tre. Ra mũi Cà Mau có ăn
cua. Buổi tối trước khi về lại Dalat có ăn một món gọi là rau bồn bồn, có hương
vị là lạ so với rau củ xứ sương mù .Còn
lại vẫn là canh chua, thịt kho…Tre dụ
dỗ, chị phải xuôi miền sông nước của em
vài chuyến nữa, chứ như vậy đã thấm vào đâu. Nè, xuống em đi, cơm tấm, bún cá
Long Xuyên nổi tiếng khắp lục tỉnh xưa nghe, có lẩu mắm, có cá leo nướng muối ớt, có
bò bảy món nè, lòng bò luộc, bò đun bánh
hỏi, cháo đầu bò, bò khía bánh mì, bò xào lá vang, bò bít tết và bò lúc lắc.
Thịt bò xào lá giang có ớt cay nồng , có
đậu phộng rang bùi ,có nước cốt dừa béo ngậy, ăn một miếng là… rung
rinh .Chị thích ăn gà thì có món gà ta hấp lá chúc và bắp chuối, chấm muối ớt. Em sẽ dẫn chị đi chơi vùng Thất Sơn, ăn món bò cạp lăn
bột chiên bơ, bò cạp chiên với rượu ngâm.Ăn cho biết “ tung lò mò”, rồi “cà na
đập” nữa. Tôi tò mò, tung tò tò hả, món
gì vậy. Tung lò mò,lạp xưởng bò,chị ơi, không phải tung tò tò đâu. Lạp
xưởng này của người Chăm, làm bằng thịt với mỡ bò, có trộn cơm nguội lên men,
khi ăn chỉ cần nướng chín, kèm rau sống, bún,chấm muối tiêu chanh hay là tương
ớt, ngon hết ý .Còn “cà na đập” là trái cà na xanh dần nát rồi ngâm đường chứ
gì, tao không ăn cũng biết .Già cả rồi ăn quả xanh đau bụng . Ai bắt chị ăn no,
chỉ nếm cho biết hương vị quê em, như tụi bạn em lên đây đi lượm trái thông
ngửi cho biết mùi thôi mà . Tre cười, thôi nếu chị không thích cà na thì có
trái mây gai, phải tận An Giang mới có
nghe .Nó thơm thơm mùi mít,lại chua chua ,ăn cả rổ cũng không ngán.
Còn có món xôi phồng, có món bánh phồng cá
linh, dứt khoát không thể tìm ra ở
xứ nào khác . Tôi bảo, xôi phồng
tớ được thấy rồi, được ăn rồi. Nó
to như cái bóng đèn đường chứ gì ,ăn với
tương ớt, xì dầu, đùi gà quay.Ăn có mùi xôi chiên .Vậy bánh phồng cá linh, đừng
nói là “ tao ăn rồi nghe” .! Tôi thản nhiên, mày cứ tả, để tao có gặp ai, tao
bảo là con Tre nó ăn nhiều lắm rồi, tui ăn… tưởng tượng. Tre cười rũ ra, có lẽ
không ngờ cái bà lão trông ủ rũ thế mà
cũng “ chịu đèn”, cũng biết đùa . Bánh này ăn thì mau, nhưng làm là một công trình . Có phải cá linh trộn nếp nấu thành xôi, rồi đem ra quết, sau đó cán lát đi phơi…? Tre
lại phì cười, đây là cách chế biến của chị, chứ dưới em người ta phải xay cá,
trộn lòng trứng nè, có đủ gia vị thơm ,mặn,cay, rồi trộn với bột
mì, gói tròn như bánh tét, hấp chín. Sau đó mới cắt lát, phơi khô. Muốn
ăn phải chiên lên mới ngon . Chà, nghe
kể đã rỏ giãi . Nếu Giang ngồi đây sẽ kết luận như thế. Chưa hết đâu, quê em
còn nổi tiếng là “vương quốc mắm” mà ,
đủ loại hấp dẫn như mắm cá sặc, ba khía,
cá trèn, cá linh, cá lóc, chị thích ăn cá dứt khoát không thể ăn một lần
mà quên.
Miền đất
có gạo trắng nước trong ấy đã giúp Tre cùng hai bà mẹ già nuôi những đứa
con trưởng thành. Tôi vẫn ao ước muốn ghé nơi này một lần , chờ Tre được nghỉ hưu thật sự . Có hôm tôi
bật một kênh TV có tới ba chữ số, bắt gặp ký hiệu AG, bỗng thấy nao nao . Nhớ thuở cùng đỗ đại học, tôi cứ
hình dung hai đứa sẽ về công tác một trường, hay những nơi quanh quẩn trong Dalat, không ngờ Tre lại
về một miền quê thật xa, dù cô Kê bảo nơi đây cũng bề thế không kém gì Cần
Thơ, Tây Đô .Đất lành chim đậu,
nước trong cá về, là thế .Ồ, ở quê Tre, rau các loại cũng có thua kém gì quê cũ
nhỉ. Cũng có cải thảo kìa, cải xoăn, khoai lang , có những vườn trồng hoa
vào vụ tết, có đủ các loại cây cảnh xanh tốt. Đài đang chiếu một phiên chợ rau vào hoàng hôn, người người
hối hả tới lui để đóng gửi sang chợ tận
Camphuchia .Tre tự hào, ở dưới em có những loại rau mà trên đây không có: kim thất, rau ngành ngạnh, càng cua, lá gối, dâu rừng,
bằng lăng, sộp, quỷnh, chồi mòi, lá cách, lá gối, đinh lăng, cẩm xuyên, đọt bứa
,đọt muối, sung, sộp, hồng đào , cát lồi , tam lan .Lá cát lồi trị chứng suy thận , đinh lăng trị
nhức mỏi, còn kim thất thì bổ máu
. Các loại rau dại, rau rừng rất
sạch, lại ngon, dễ gì Dalat có. Rồi cô nàng đắc thắng . Ở em có một thứ trái mà
ai cũng nghĩ chỉ cao nguyên mới có, đố
chị biết trái gì . Tôi nói ngay: mít. Và
lật đật bổ sung : ổi, cam . Tre phì cười, sao chị tham lam quá, một thứ
thôi mà. Thì mày cứ việc chọn một trong
ba thứ đó, à còn … chuối nè, đào tiên nè, chi nữa hè. Tre vẫn lắc đầu. Tôi bỗng
nhớ đến một buổi hái dâu hôm nào và cái miệng chị Mừng, à trái…Tre bực bội, bà
này, cái đầu thúi hoắc , tôi bèn chống chế, nhà mày giờ có ai, toàn rặt phe ta.
Trái gì hôm qua tụi mình mới mua, em
cũng tính hôm nào về mua theo một ít làm
quà cho cô Kê. Ôi, trái bơ ! Bấy giờ thì tôi kinh ngạc thật sự, không khác nào
lần đầu tôi nghe một bác phụ huynh quê Quảng Trị bảo rằng ở đó có trái avocado ( bơ ). Bơ vùng Thất Sơn ( Bảy núi ) dẻo như sáp nhé chị,
đừng quên! Nhưng có mấy loại, bơ sáp, bơ nước,
bơ sượng, bơ vỏ xanh, vỏ đỏ , bơ…vơ ? Thôi đi bà, lại đâm thọc rồi . Bà
thiên lý nhãn của tôi làm dâu vùng chuyên canh bơ Bảo Lộc mấy chục năm , cứ hè đến là vác gậy đi thua mua
bơ các vùng ( muốn hái phải có cây sào cột theo một bộng bẻ trái ), vừa bỏ mối các
chợ, vừa chở xuống Vũng Tàucho mấy người em cùng cha khác mẹ bán lẻ dưới đó, mà luôn phân trần với tôi
: khó phân biệt bơ ngon dở lắm, y như
mặt lợn con .Có khi đã chẻ ra xem mà vẫn bị lừa. Chỉ nuốt vô bụng mới biết. Rồi
bà ta kết luận đột ngột khiến tôi cứ ngỡ bà ta bóng gió mỉa mai mình. Con người
cũng vậy, cứ nhìn bề ngoài là mắc lầm to !
Xe cứ bon bon, chưa hề leo hay đổ một con dốc nào, nếu
đi xe đạp cũng không hề hấn gì . Đã ra đến đường Phan Đình Phùng, tôi không
thấy Tre làm hiệu băng qua đường mà tấp vào lề, chạy rề rề như thể muốn rẽ vào một con hẻm nào đó. Nó
đã lần ra một đường dốc nối lên Nguyễn Văn Trỗi, mà mấy chục năm rồi, người dân
ở đây vẫn gọi là đường tắt khách sạn Mimosa, vì ngay đầu đường thuở
chúng tôi học phổ thông, có một ô-ten
(khách sạn )rất lớn . Cũng không có độ chênh hơn dốc ngã ba chùa Linh Sơn, lại
vắng người qua lại. Tôi vui mừng hỏi sao
mày nhớ ra hẻm này, Tre lại thản nhiên, đường trong tay chứ đâu mà. Đường trong tay, đường trong miệng, đường
dưới chân. Chúng tôi cho xe leo lên dốc
, chạm đường Nguyễn văn Trỗi . Đây, tôi
tuổi 18 và Tre 12, đang đứng ở đây gặm bánh kẹp, một loại bánh có bột mì và trứng đường được tráng thật mỏng, nướng dòn đến độ cong lại, chỉ chạm vào là vụn ra, nhưng để nguội lại rất
cứng.Đó là một chiều mưa mùa hạ như hôm nay, chúng tôi được phép ra phố để mua
sắm dụng cụ học tập và coi xi-nê. Tre được Hội cha mẹ nuôi quốc tế có cơ sở ở Đalat tặng hai vé coi phim hoạt
hình tại rạp Hòa bình dịp hè,lại được bà
mẹ nuôi tận Mỹ tặng tiền và bút vở cho
năm học mới , bây giờ chỉ sắm thêm vài thứ lặt vặt. Tháng trước, khi biết tin
Tre đủ điểm vào lớp 6 trường tôi, các cô
Mười và Út đã lo mua sắm đồng phục cho
nó, hai bộ áo dài trắng và xanh biển
đậm, bộ mùa mưa, bộ mùa nắng, hai áo len
để thay đổi, rồi áo mưa, rồi xăng đan.Tôi tỏ vẻ không thích chiếc áo mưa màu tím hoa cà của nó, vì tôi
có kinh nghiệm “ xương máu” sáu bảy năm
rồi, là màu này rất dễ dính bùn, rất mau bẩn và cũ . Tre giải thích là má Mười
nó cứ gọi màu xanh biển đậm đồng phục là màu tím, nên nó dặn màu tím thì Cô
Mười không nghĩ là màu đồng phục, mà ngỡ nó thích màu tím. Cô Út có lần ra chợ
cũng chọn cho Tre đôi dép nhựa màu tím pha hồng ! Tôi bảo,để mùa mưa năm sau,
tao sẽ dẫn mày mua được màu “ tím” như
mày thích. Nhưng sang năm chị học trường khác rồi. Ơ, thì tao sẽ ghi danh học
ở đại học gần nhà mình, chứ đi đâu xa
cho mệt. Cho đến hôm nay, chúng tôi lại
cùng về lại con đường này . Tiệm chè Tuổi Ngọc ở số 97, cuối con đường, giáp
chùa , bây giờ là cửa hàng bán tranh thư pháp,
rồi hàng cơm chay. Hiệu may Chí Công nơi đám con gái trong nhà thường
lui tới sắm áo dài. Tiệm sách Khải Minh
in dấu trong rất nhiều trang sách tôi
học suốt thời áo “ tím”. Tôi có Nga ở chè Tuổi Ngọc suốt những năm đệ nhất cấp, có Quỳnh Liên trong
ngôi nhà số 6 đối diện với hiệu may Chí Công có Kim Liên, có Dương thị Thuận
, Bích Ngọc, Tường Vi bên khu Hòa Bình, từ nơi nay đi thêm một
quãng ngắn. Thỉnh thoảng mới gặp Kim Liên mà thôi. Bích Ngọc vừa chuyển
về Sài gòn cùng mẹ già. Thuận định cư ở nước ngoài. Vi mất từ lâu, tro
cốt thờ trong chùa Linh Phong ở Trại Hầm. Nga và Quỳnh Liên giờ ở đâu, cuộc
sống thế nào… Bây giờ đứng bên Tre trên con đường này, bỗng dưng tôi có cảm
giác như đang cùng bạn bè xúm xít quanh đây .Em chưa có điều kiện đi đây đó, chỉ mong hằng năm được về thăm chốn cũ . Vùng đất này bình yên
quá. Không nghe nói hạn hán, lũ lụt. Không thấy lời chê bai môi trường ô nhiễm.
Dịch xuất huyết đang lan tràn khắp nơi, ở đây vẫn an toàn. Mùa mưa không bao giờ có một cây bắp sú, vậy mà bây giờ,
nhà lưới tận Cầu Đất, vùng nhiều mưa ít nắng nhất của Dalat cũng có sú tím. Chị
đang sống trong một miền đất miễn nhiễm,
sao chị không tận hưởng .Chị có một con đường bằng phẳng để đi thăm chị
Giang, sao chị lại phải leo những con
dốc cằm đụng đầu gối chi cho mệt.
Tre ơi, mày nói hay, sao mày cứ rủ tao đi “nhà
hàng An Giang” của mày ?
Nguyễn Xuân.