Thursday, August 10, 2017

NHỮNG CHÚ MÈO CON

      NHỮNG CHÚ MÈO CON .
  Mùa nghỉ hè, đám cháu chắt của tôi  lại kéo về quê, vui chơi với vườn tược, hoa cỏ .Trang phục mặc trong  nhà xứ nhiệt đới thật  gọn nhẹ, quần  cộc áo ngắn,có vẻ không hợp với thời tiết  giông bão miền cao nguyên.Các bà mẹ  cũng  đã sắm cho con những chiếc áo ấm , nhưng bọn trẻ chỉ mặc lúc vừa chui ra khỏi chăn hay buổi tối có dịp đâu đó .Cái lạnh cố hữu ở đây  càng  khiến   lũ cháu thêm thích thú.
  Hoa Tre không trở về Long Xuyên theo đoàn tham quan của trường mà nán lại thêm mấy tuần . Có thể  vì bà Đu đủ  thuyết phụcTre  dẫn bà ấy đi Sài gòn  đi khám cái dạ dày ở một bác sĩ  mà Tre biết tiếng, hay cũng có thể vì muốn thăm nhiều chỗ ở  nơi này, một vùng trời trong lòng Tre với bao kỷ niệm buồn vui ,  cũng có thể vì “phải ghé  dự một đám cưới dưới Bình Chánh nữa, trước khi về nhà ”, hay vì như đề nghị “ huỵch tẹt” của chị Đu đủ : mày ở  chơi với  bà già trầu của mày mươi bữa được không . Năm tới là hưu , bài vở lo gì cho lắm .Tre tuổi cọp nhưng khai mèo, chỉ vì hồi Cô Mười ẵm về, ai  cũng bàn ra tán vào chuyện một cô gái mới đôi mươi mà na theo  một hài nhi bỏ rơi, rồi làm  sao mà đi lấy chồng, cho nên  đến khi được làm khai sinh, Tre đã “thôi nôi” rồi . Tôi vốn tham lam nên  tiếc, phải hồi đó khai trụt cho mày vài tuổi nữa thì  mày còn bán cháo phổi thêm ít năm .Bà Đu đủ lên tiếng không nể nang ,  trời, cái mặt nó già đanh như vậy mà còn  đòi khai trụt cái gì nữa , bây giờ mà đã y như bà  trầu . Bà già trầu là tôi .  Tôi có một thói quen là rất thích đội mọi loại mũ, nón, trùm mọi kiểu khăn ,bất kể nắng mưa ,đêm ngày, do có  một thời gian bị bệnh phải vô hóa chất, tóc rụng  sạch bách, đỉnh đầu luôn thấy lạnh như có ai kê cục nước đá lên trên. Dạo ở Đồng Nai, những chuyến  từ Dalat xuống hay về thăm nhà  đều bắt buộc “em ra đi khi gà chưa gọi sáng” ( một câu vọng cổ Tre ca rất ngọt )nên phải có mũ len , khăn choàng  vải dày .  Khăn áo khiến  tôi quả không khác “ bà già trầu” bao nhiêu. Có lần ở bến xe trên huyện ủy Tân Phú ( nay là Định Quán ) một anh phụ xe đã nghĩ tôi là … má Hoa  Tre, còn  cô nàng này là một hot boy . Tôi thì khó chịu  còn Tre lại khoái lắm  , vì từ đó, hễ có dịp giới thiệu  tôi, nó không quên biệt danh này . Tre vẫn gầy như dạo nào, nay có tuổi trông càng hom hem hơn, nhưng “ được cái trời thương, em chưa để bác sĩ bắt nhập viện ngày nào,trừ hồi sanh  sắp nhỏ” . Trang phục vẫn một kiểu của những năm làm sinh viên : áo dài tay, tròng đầu, cầu vai phồng,  rộng lùng thùng, lại nhờ vải dày và có nhiều hoa văn sặc sỡ nên  rất phú hợp với  Tre. Valy hành lý không hề có một chiếc váy nào cả , dù là váy mặc nhà . Tre kể, em cũng có thử một vài kiểu, tiêu chí là tay dài, nhưng mình lại còm nhom, nên ngó giống … mấy bà phước người Pháp hồi xưa làm y tá trong nhà thương. Bà Đu đủ nêu quan điểm , giờ đi du lịch mang đầm là tiện nhất ,  gọn nhẹ , mang được nhiều kiểu, lại mát mẻ . Nhớ hồi nào Giang và chúng tôi chỉ mơ ước có một  chiếc váy kiểu cách của phu nhân tổng thống Kennedy.
                        Nhưng bất chợt tôi thấy Tre đưa mắt nhìn  ba đứa cháu gái tuổi sàn sàn chín mười đang chơi trên hiên , có vẻ suy nghĩ.  Chúng cũng từ miền nhiệt đới lên  vùng ôn  đới này,   kiểu áo váy mặc nhà  không hề xa lạ với Tre: áo hai dây, quần phồng , mỗi  một cử chỉ  đều  hồn nhiên  nhưng  gây chú ý cho người ngoài . Tôi bỗng nhớ một ngày hè , khi ba chúng tôi  đứng chờ xe buýt ở một trạm trên đường lớn trong thành phố Hồ Chí Minh, có một bé gái đi cùng người bà lớn tuổi, cũng có kiểu áo hai dây, còn quần  vải  jean may dạng short.Xe đến, mọi người giành nhau bước lên, bà cụ luống cuống kéo tay cháu nhưng cô bé đã có một người đàn ông trung niên,  ăn vận khá tươm tất , bế lên xe. Một tay  hắn ta  gần như ôm  sát mông cô bé, tay kia sờ soạng trên vai. Thoáng thấy ánh mắt Giang hằn lên sự bực dọc, còn Tre  như muốn lầm thầm một câu phê phán nào đó.  Người đàn ông nhanh chóng giành được hai ghế. Cô bé mười tuổi ngồi trên chân hắn. Bàn tay  vị khách đồng hành đặt thản nhiên lên bắp đùi trắng hồng của bé .  chúng tôi  bất lực   và  bị đẩy về phía cuối xe. Cuối trạm, bà bà già tập tễnh bước xuống, bà cụ  cũng lập cập nắm tay cháu  bước đi.  Chợt cô bé kêu lên: ui, ai dán kẹo xinh-gum vô quần con nè .Bà cụ run  rẫy gỡ một viên vo tròn, dẻo quẹo từ  dưới đáy quần bé ! Tre thốt thành lời đầy uất hận lẫn đau đớn : Thằng cha già mắc dịch !
     Các con Tre  đều cùng tuổi ngoài ba mươi rồi,  đã xây dựng một cuộc sống riêng cho mình .Mới thấy thượng đế  thật công bằng, không bao giờ đẩy  con người  vào bi kịch. Hai anh con trai thì  bà nội và các cô chú “xí phần”, lập nghiệp trên thành phố cùng họ tộc. Có khi nào tụi nó thắc mắc về tía má  không ? Ý bà Đu đủ muốn nói  mối duyên phận hai người.Tre bảo, ổng bỏ đi biệt tăm tích. Và cô ta cười. Giờ có gặp em cũng hổng biết là ai cả . Tôi để ý Tre rất nhạy cảm với những  vấn đề có liên quan đến cảnh ngộ của mình. Một lần ở Đồng Nai, khi chúng tôi cùng giúp nhau ôn thi đại học, Tre tâm sự : Em gây ra chuyện , như kiểu mình mất tiền bạc vì không biết cất giữ cẩn thận . Bữa đó em  diện mini-juyp chị ạ. Tại mấy đứa trên trường cứ kêu em “lại đực” , nên có bữa má sắm váy cho em,để cho ra con gái . Hai má làm thuê cuốc mướn, cắc củm từng hào, nhưng rất chiều chuộng em. Mặc váy quá ngắn, lại đi coi xi nê một mình, ra khỏi rạp thì trời chiều muộn ,rồi mắc mưa. Chị nhớ hồi đó từ nhà mình ra rạp Hòa Bình là xa y như đi mấy chục cây số vậy, bến xe lam vắng tanh.Em lại rất mê bông hoa, hễ nghe ai nhắc đến hoa là  quyết đi coi . Thế là …Thành ra bây giờ em rất dị ứng với váy áo  các kiểu .
   Những ngày Tre đến chơi, chúng tôi có thêm một nghề : nuôi mèo hoang . Dạo trước ấp tôi không nhà nào không  có một hai con chó ( giữ nhà ) con mèo ( bắt chuột ) Khi “thế hệ nhà ván, nền đất” ra đi, thay vào đó là  “thời đại nhà  lầu, nền gạch” lũ mèo bỗng dưng “ không chốn nương thân”. Chỉ vì lũ chuột bây giờ khó đột nhập vào nhà như xưa, và vì giống mèo thường “ dơ” . Dơ không phải chúng bẩn ( giống mèo  thuôc diện chải  chuốt số một )mà vì chúng đi  wc rất không đúng chỗ, lại rất nặng mùi .Chúng không đói, do một khu chợ khá sầm uất ở mé đồi trường đại học, với rất nhiều hàng tươi sống,  xương xẩu da vảy các thứ được tập kết trong các đống rác, thùng rác . Dọc con đường Trần Khánh Dư cũng có vô số xe  trữ rác từng xóm nhỏ .Đã có một dạo tôi hàng tháng phải về thành phố Hồ Chí Minh khám bệnh, ra đi nửa đêm để sáng kịp gặp bác sĩ , xe trung chuyển thường dừng rước tôi gần một khu để rác. Tôi đứng nôn nao chờ ở đó,  bắt gặp những người đi nhặt rác và vô số những chú mèo thậm thụt kiếm ăn . Chúng rất nhát, hễ thấy bóng người hay một tiếng động nhỏ là lẩn trốn ngay.Lũ mèo gần nhà tôi cũng thế. Chỉ vì những chủ nhà mới chất ngổn ngang tôn cũ, tủ bàn bỏ đi vào khu  đất là “ mảnh  vườn xưa” của tôi, bỗng là một mái nhà êm ấm cho lũ mèo gồm một mèo mẹ, hai mèo con và số mèo bố thì có tới ba . Giang sơn bây giờ của tôi bị thu hẹp lại, tôi chẳng buồn lần mò ra thăm vườn chuối, nhưng có một hôm cần vài tàu lá, tôi  bất chợt như thấy bóng một con vật nhỏ xinh trắng toát chạy vụt qua , rồi biến mất dưới đống tôn cũ .Ban đầu tôi ngỡ nhà hàng  xóm hoặc sinh viên nuôi, nhưng hôm sau, khi tôi mang mớ  thức ăn thừa đổ vào gốc cây, thì quay đi, thấy bóng chú mèo ngồi chờ bên  một gốc đậu, có tới ba con , hai con bé nhỏ, và con mẹ thì tôi đã gặp.Ba con mèo mới đẹp làm sao. Con mẹ  có bộ lông trắng mềm như lông thỏ, lưng điểm vài sọc vàng, còn hai đứa con  thì một vàng chạch như bôi nghệ, một lại pha nào là trắng, xám, vàng .Ba ông bố ba màu, một đen tuyền, một trắng vàng, một vàng nghệ . Bữa cơm từ đó, chúng tôi bỏ thêm một nhúm gạo để đãi gia đình mèo .Dạo  Lu về Cầu Đất,  rồi Na cũng chuyển “nhà” xuống đó, tôi bỏ ý định kết bạn với các chú khuyển.Bây giờ thì có lũ mèo . Hôm nào chúng tôi “dọn bữa” muộn là chúng kéo đến chờ. Có đứa còn lân la tận khu bếp nằm ở sân sau. Có  đứa mạnh dạn trèo lên khung cửa sổ mở rộng, leo lên nằm trên  ghế phòng khách như thể đến chơi, xem hai bà già sống thế nào . Lúc đó thì phải đuổi đi. Tre bảo, nó vô nhà mang theo vi trùng đó chị. Tôi biết có người bị mèo quào mà phải đi tiêm chủng phòng ngừa .

  Đám sinh viên cũng thường bắt gặp gia đình mèo ra phơi nắng trên khu “ biệt thự” của chúng, có  khi cả mấy mẹ con leo hẳn lên yên xe gắn máy các loại. Yên bọc da,xe dựng ngoài nắng nên rất ấm. Hai nhóc tì luôn lẳng nhẳng bên mẹ để bú tí . Hồi xưa nhà tôi có mèo đẻ, mẹ tôi luôn giữ lại con bé nhất đàn, nhưng cuối cùng nó lại là đứa phổng phao, vì nhờ sữa  mẹ ngày đêm . Có anh chàng sinh viên muốn “ bẫy” một trong hai bé đáng yêu để tặng cô bồ, nhưng đành chịu thua . Chúng chạy rất nhanh,và lại, ai cũng  phải dè chừng, những móng vuốt sắc  hơn dao và  rất độc của chúng . Con mèo mẹ cũng rất đáng gờm . Bữa ăn nào , tôi cũng thấy nó chờ hai bé của mình ăn trước, rồi nó  mới thong thả vào nhặt từng hạt, nhai nhón nhén, cũng là lối ăn “như mèo” . Sau đó, ba ông bố đang kiên nhẫn nồi chờ bên ngoài mới lần lượt vào ăn. Không hiểu tại sao chúng không cùng ăn như heo gà nhỉ ? Mèo mẹ dữ tợn xù lông, bốn chân trụ xuống đất, mắt đổ lửa, miệng nó gầm gừ mà chúng tôi quen gọi là “ thẹt lửa” để bảo vệ con .Những lúc như thế, không ai dám đến gàn chúng  
    Tre và tôi bỏ nhiều buổi ngồi thò đầu ra cửa sổ ngắm đàn mèo .Mắt có con nâu nâu,có con xanh biếc,có con đen long lanh, nhỏ xíu, hơi xênh xếch, rất  cân đối trên khuôn mặt nhỏ gọn,   mũi  đỏ hồng duyên dáng. Hai vành tai như luôn dựng đứng , trông như   những chiếc nơ cài đầu kiểu cách. Có lẽ trong các loài thú còn bé, mèo con có khuôn mặt đáng yêu, bởi đôi mắt xếch và vành môi tròn đỏ, thảo nào người  xưa thường dùng tên này như một danh từ chung để chỉ nhân tình của những gã đàn ông trăng hoa .
    Có một bữa lũ mèo bỗng dưng biến mất, tôi lo lắng nghĩ hay là ai đuổi đi, nhưng lại nghe tiếng “ uỵch” trên tôn. Những tiếng gào rú thất thanh. Đó là cảnh mèo đực tranh gái. Có khi phải vác đòn gánh đi “ giải hòa”, nhưng  Tre và tôi là hai  bà lão rồi, cứ mặc cho chúng gào .  Rồi chúng lại xuất hiện, nhưng thiếu một một cô vàng chạch.Có tiếng mèo con rên rỉ trên mái nhà , như sợ hãi,  như van lơn.Con mẹ và thằng anh cũng  đứng nhìn và kêu meo meo cảm thương, nhưng  kẻ trên  mái nhà cứ van lơn, kẻ dưới  sân cứ kêu đáp trả ,cứ điềm nhiên ăn uống. Nó đã chui xuống dưới máng xối, mò ra đến khung giàn đậu, thì cứ việc nhảy  xuống ! Nhưng nó khiếp sợ. Tôi  tìm được một đoạn tre dài, lén đến sau lưng thọc mạnh vào bụng cô mèo  bé con, ngỡ nó sẽ rơi xuống, không ngờ nó lại đu lên , cả bốn chân bám chặt vào khung sắt, sau đó biến mất . Hai ngày sau nó vẫn không ngớt rên rỉ, thật tội nghiệp . Hai bà lão hì hụi bắc thang gác gói cơm vào kẹt mái  nhà cho nó, hy vọng lúc vắng người nó mò ra ăn. Tre bảo, chị đừng lo, con chó nhà em có bận nhịn bốn ngày đó.Nó ngủ trong kho, rồi không ai biết ,nhốt nó luôn . Ba chàng sinh viên đã leo lên mái nhà ( vốn ngang bằng với sân của dãy nhà trên đồi) nhưng không tài nào giăng tấm mùng rách để bắt con mèo nhỏ , cũng  một phần e sợ bộ răng và móng  vuốt của nó . Đám nữ sinh viên ở nhà trên đồi ùa ra  xem, cứ mơ làm sao cô mèo biến thành một con pet nhồi bông. Tre nảy ra ý kiến :  cột một cái chậu thật to vào dưới  khung sắt giàn đậu,  rồi đặt cơm vào đó, con mèo vào ăn thì … tháo chậu ra . Đúng là  con mèo bé con đã nhảy vào chậu nhơi cơm khá lâu, nhưng khi hai bà già  đã bỏ công rình rập ra  lật úp cái chậu thì con mèo  đã nhanh chân vọt lên khung sắt cao, biến mất.
   Thua, thôi khôn hồn thì xuống, còn không thì tìm  đường qua ở với bọn sinh viên. Chợt một buổi sáng , sau ngày để con lại trên nóc nhà, con mèo mẹ lại lên đấy , nằm phơi nắng cùng con và con vàng chạch. Hai bà già vui mừng,  tin tưởng  má nó sẽ đến rước về . Nhưng đến giờ cơm trưa, lại vẫn có hai con. Con bé kia lại cứ rên rỉ trên mái nhà. Nó đã ngủ trong kẹt mài nhà bốn năm hôm rồi, mà  mưa chiều luôn luôn ập đến không nghỉ . Tôi căm tức con mẹ, bảo Tre, cái con mẹ  tướng tá  dữ dằn vậy mà ngu. Tre cười,có vậy  nó mới làm … mèo !
   Chị Nhụy ghé chơi. Chị bận coi cháu nhỏ nên chỉ cuối tuần , chị mới được “ đi phép hăm bốn  giờ” . Thấy cái chậu giặt to tướng nằm đu đưa dưới giàn đậu,chị rất ngạc nhiên .Bộ  tụi bay cho chim sẻ ăn hả .Ừ ta, chuyện đơn giản thế này mà sao không ai nghĩ ra : dựng chiếc thang vào dưới giàn đậu , sát với mái nhà, lập tức chỉ  vài phút sau, con mèo bé tí đã chậm rãi nhảy từ mái nhà xuống  khung giàn  sắt, qua chiếc thang dựng đứng, tụt xuống đất. Ôi  trời !
     Bây giờ chúng tôi đang ở giữa đất sài thành hoa lệ.  Chuyến xe đêm qua thả “tam bà bà” xuống bến , những chiếc áo ấm dày cộm phải nhét vào tận đáy ba lô.Trong chiếc áo vải mỏng, không khí  giữa nơi nóng bức này bỗng mát mẻ, dù chúng tôi đều mặc áo dài tay, riêng Tre còn cài khuy cẩn thận .Kế hoạch là sẽ  cùng bà Đu đủ đi thử máu. Hồi đêm, bà  giải thích dài dòng khi có người trách: sao không thử ở đây( Dalat) Ở đây xét Cortison chờ lâu lắm , tới  ba ngày . Sau đó thì kiếm một chỗ trọ để… ngủ ( đi xe ai cũng thức trắng ), rồi trưa tạt qua  lấy kết quả, rồi lại chờ khám vào lúc bốn giờ chiều .Ở phòng xét nghiệm, có người chỉ chúng tôi một nhà trọ bình dân. Đang mùa nghỉ hè, trẻ con xúm xít trong vuông sân nhỏ.Những bộ quần áo kiểu cách đủ loại màu sặc sỡ, các bé gái vẫn kiểu áo giúp bé mát và dễ chịu. Hôm qua Tre lên mạng để tìm mua mấy bộ đồ trẻ em tặng cho cháu cô Kê đang ở nước ngoài, và ra chợ, nom vẻ Tre khá hài lòng.   Chúng tôi cùng đọc một bài  giới thiệu về hướng thiết kế trang phục cho trẻ. Có người quan niệm: đồ mặc  ra ngoài lúc dạo chơi cũng không khác đồ mặc nhà . Riêng  một hiệu có tên là Ngọc Thu lại chia sẻ mấy giòng thôi nhưng chúng tôi rất thấm thiá. Cần giữ  cho trẻ được kín đáo và an toàn trước đám đông . Mà hình như trang phục cho trẻ bây giờ có phần chưa đáp ứng được mong mỏi này .
       Nói là chợp mắt nhưng “ nhắm mắt để đó” . Tôi lắng nghe Tre và bà Đu đủ thì thầm . Tre  sẽ còn ở lại thành phố Hồ Chí Minh  trọn tuần, để ăn cưới, rồi  ghé thăm cô Kê, đón người con gái lớn   của cô về Long Xuyên nghỉ hè .Cô đã ở tuổi năm mươi, nhưng bị sang chấn tâm thần nên  luôn cần  người chăm nom. Đã tốt nghiệp đại học, đi làm rồi,ly hôn   ,  cô con gái nay đang sống ở Mỹ ( sinh  em bé Tre vừa mua quà )nhưng rồi… Có bận cô vừa bị xe tông, chân bó  bột, đang lò dò xuống bếp tìm nước uống thì bắt gặp một tên trộm. Hắn trói cô vào góc bếp. Cô con gái tuổi  trăng tròn nghe động chạy xuống. Trong áo ngủ mỏng mảnh, lùng nhùng, cô cũng bị tên trộm trói. Hắn còn làm nhục cô ngay trước mặt mẹ . Người mẹ cứ nghĩ,giá như  tấm áo con không vướng vào một ngách cầu thang, thân thể không lộ ra, sẽ không gây kích động cho tên trộm, hơn nữa, cô có thể trốn đi .Người mẹ đau khổ đến mức  điên cuồng .Vậy mọi chuyện là do  cái áo ngủ à . Giang nói như một nhà diễn thuyết: có một nhà văn đã viết thế này, là khi đàn ông ở rừng lâu ngày,  mọi người phụ nữ trước mắt họ đều trở nên gợi cảm .
  Giá như cô bé có móng và hàm răng sắc như của mèo, hay biết lẩn tránh khi thấy không an toàn

   Lũ cháu lại trở về các thành phố ồn ào nóng bức miền nhiệt đới . Bộ trang phục mặc nhà, ra phố  giúp các bé gái   thoải mái khi ngủ nghỉ, khi chạy nhảy vui chơi , nhưng  có  kích thích sự  tò mò của người khác phái?
                                                                                 nguyên xuân 

No comments:

Post a Comment