Sunday, July 23, 2017

ĐÉN KHI NHẮM MẮT XUÔI TAY

                                          ĐẾN KHI NHẮM MẮT XUÔI TAY

   Đứa cháu tạt qua chơi. Tốt nghiệp khoa Vật Lý hạt nhân nhưng tạm thời thì đi phục vụ cho một nhà hàng -khách sạn sát bên siêu thị Big C, lương bình quân mỗi ngày bằng… gần nửa (ngày )lương hưu của bà bác già, nhưng dù sao   trong người cũng có xu  hào rủng rỉnh. Đứa  cháu nội  út ít của mẹ tôi, hôm nào  theo bà đi du lịch thác Giang Điền ở  Đồng Nai, tôi cầm que lùa nó từ dưới thác lên, nhưng vừa  quay đi thì  lại thấy nó ở dưới thác rồi. Hồi bé nó  như đứa bị còi, nhưng bây giờ chàng trai  tân cử nhân cũng tướng tá  không kém ai.   Tôi vừa xuất viện, nhờ  nó mua hàng siêu thị, bây giờ thì nhờ làm thư ký cho bà . Trời mưa bão, có lẽ nó cảm thương bà bác lủi thủi trong ngôi nhà lạnh  như nhúng nước đá nên đồng ý. Nó bảo, con đọc blog của  O Xí kể chuyện bà nội là tức cười nhất . Giỗ bà mới cách đây mấy tuần, cô cháu chở nhau  đi viếng mộ. Mẹ à, lũ cháu thấy bà tức cười,  là luôn thương nhớ  bà nhiều.
 Một mùa lễ Thương Binh liệt sĩ lại về . Bảy mươi năm, những con người  chào đời  vào ngày tháng ấy bây giờ  đều ở tuổi cổ lai hy. Lòng tôi da diết nhớ thương …
    Hai tháng nay, bà Đu Đủ không còn ghé ăn cơm trưa với tôi nữa.
  Có cửa hàng mới mà  , bận rộn lắm, hay nói theo ngôn ngữ miền sông nước của Hoa Tre , công việc đăng đăng đê đê .Người  tìm đến từ sáng sớm đến tận khuya, không chỉ là khách du lịch , mà   là mọi người qua đường, những ai cần mua các thứ nhu yếu phẩm hằng ngày, kẹo bánh, đường sữa, mắm muối.  Gian hàng chật hẹp, có lẽ bằng  một phần dãy hành lang nhà tôi, nhưng hàng họ  hình như không thiếu một thứ gì . Giang đã san nhượng  ki-ốt trong Vườn   Hoa thành phố , đổi lấy cửa hiệu này nhờ sự  hỗ trợ hai hướng . Một tín hữu trong họ đạo của  hai vợ chồng    cần bán  để  xây  homestay,  những người con bên kia bờ đại dương biếu bố món tiền dưỡng già . Tôi suýt soa,  năm nay có phúc hưởng nhiều lộc quá nghe   . Nhưng vẻ mặt  bà ta vẫn thản nhiên,có vẻ như muốn dấu niềm vui, đó là con người biết kiềm chế cảm xúc , mà  còn là một sự thật : nhận thì  phải trả, bà già ơi ! Hoa Tre từ Long Xuyên đi tham quan ( vừa nghỉ hưu nên được trường bao trọn gói ) đứng sững chứng kiến cảnh khách vào ra nườm nượp , Giang liền miệng liền tay trao hàng thối tiền, đút ngay  vào  một chiếc túi da kiểu khách du lịch cất tư trang đeo bên hông. Mới hai tháng mà đã tăng mấy cân, người béo tròn nhưng da sạm đen, hễ ngồi nghỉ là thở dốc. Cô nàng “ độc thủ đại hiệp” hỏi tôi như cảnh giác : chị có tính hùn hạp không. Bà ấy giỏi giang, chứ chị “ ba bảy hai mươi mốt giây” là  đưa đơn từ chức ngay.Tôi rụt vai ra vẻ ta đây không cần thu nhập cao, nhưng thực tế đúng như Tre biết. Tôi quen thơ thẩn ra vào ngôi nhà vắng, lại có một thời khóa biểu cố định, còn chung lưng với Giang,   mười một giờ mỗi đêm mới về đến nhà , tôi không thể làm được. Tre còn hiểu thêm : chị tính toán chậm, coi chừng đổ nợ .   Chị Nhụy cũng lên tiếng , dì có ai  đâu mà  phải lo bươn chải . Mà cũng may,  chị Xí mày làm lụng bao nhiêu  đều dồn cho hết  cho  thuốc men  nhưng không thấy nợ nần ai cả .Có khi ,chị cười lỏn lẻn, tau phải vay nóng tiền tiết kiệm  của hắn  .
   Không ai thấy tôi vướng  chuyện vay mượn  tiền bạc với ai, nhưng  tôi luôn thấy mình mắc nợ nhiều người .
  Từ khi biết học cách làm văn Nghị luận, tôi luôn nhớ một câu , không biết của ai “Mỗi một người  chúng ta đều là con nợ của xã hội”.Nhưng khi tôi đem điều này chia sẻ với học trò, nhiều đứa lập tức kéo áo nhau giễu cợt, nè mày mắc nợ tao mấy tờ giấy làm bài chưa trả nghe. Có đứa thắc mắc đến độ ngây thơ như trẻ mẫu giáo .Con được sinh ra, được ăn học , như vậy con chỉ mắc nợ bố mẹ thôi . Còn những thứ khác, thì bố mẹ cho con tiền để mua . Có nghĩa là câu nói  của ai đó hoàn toàn sai . Giang đu đủ bảo tôi, mày đem chuyện đó ra nói là học trò nó bóp méo ngay thấy không. Tụi nhóc bây giờ khó dạy lắm .
 Hoa Tre ghé thăm tôi, đi lòng vòng quanh nhà,  vui mừng gặp lại cảnh  cũ người xưa.  Cái “ old cottage” này của chị  tuyệt vời quá rồi. Ừ thì không có ông bà để phần, tao  chỉ có nước  ra bờ mương . Tre có hai mẹ già, ba người con một thời  “ không  có một chỗ chui ra chui vô”. Nàng Em Hoa tâm sự , thì chị nghĩ coi, lương ba đồng ba cọc, hai má ngày một già, ba nhóc thì lớn vùn vụn, xoay chuyện ăn chuyện học cho tụi nó toát mồ hôi.  Nếu hồi đó Cô Kê không cho mượn  cái nhà ông bà cổ để lại, tụi em chắc làm dân vạn đò . Tre vì thế mà luôn tìm cách san sẻ những gì trong tầm tay cho mọi người. Cô Mười kể hồi mới về đây, sáng nào đến trường Tre cũng chở chị bán  xôi đến trường. Bà bầu sắp nằm chỗ, thúng xôi to, ngồi chễm chệ đằng sau chiếc xe đạp mi ni cũ kỹ, mặc cho Tre  gồng mình leo cầu, đổ dốc. Mấy ông ngồi uống “ xây chừng” trong quán trêu ghẹo, ê ê, nhái chở cóc kìa , Tre chẳng thèm ngoái cổ nhìn, nhưng có dịp ghé quán, cô giáo lên lớp : mắt mấy chú để đâu, để trên mặt hay sau gáy . Việc chở thím ấy lẽ ra mấy chú phải làm phụ  . Còn không, mấy chú đi chỗ khác chơi . Tre bảo, hăm cho  đỡ ghét mấy thằng cha ngồi không, nhưng đó là cách Tre trả những món nợ được nhận một cách “ nhưng không” từ nhiều người . Tôi cũng mắc nợ Tre. Hồi đi học ở khoa Sư phạm, tôi cũng có nhiều nỗi buồn, Tre bảo, một bữa hai đứa  đứng trên hành lang giảng đường  nhìn trời nhìn đất. Nè, chị có thấy đám mây xám kia không . Nó có đứng yên mãi đâu, nó phải bay đi. Kìa, nó tan dần đó. Hai bà giáo tương lai chăm chú theo dõi đám mây cứ dạt về cuối trời, không  nhớ rằng có những nỗi buốn lảng vảng đâu đây. Rồi sẽ qua tất cả .

 Năm nào lễ Thương Binh liệt sĩ cũng mưa. Mùa mưa và mùa tri ân.   Những buổi lễ trang trọng được tổ chức khắp nơi, những tấm lòng thành kính .Và những giọt nước mắt, những giòng lệ nóng tuôn trào. Tôi rất muốn rủ chị Hạ Em đi Côn Đảo, nhưng chị bây giờ lại xuống Bình Dương để cùng bà Dì Năm thăm con cháu. Chị điện cho tôi : nè có bà Chủ tịch Quốc hội đi thăm Côn Đảo đó, không một ai quên những người nằm  ngoài ấy đâu.Coi  như bà ấy thay chị em mình đi thăm H. rồi. Chị dặn thêm , mi tối tối nhớ sang nhà tao thắp nhang cho H . nghe.
 Đêm hôm qua có một buổi lễ ngoài Côn Đảo. Một vị cán bộ nữ  có giọng nói Nam Bộ rất giống  Hoa Tre từ  thành phố Hồ Chí Minh ra đây dự lễ,  bật khóc, khiến tôi cũng khóc theo. Chị ạ,  chúng ta hãy cố gắng  sống làm  sao cho xứng đáng  với những người đã nằm xuống vì chính chúng ta, con cháu  chúng ta . Hãy hứa cùng  nhau Quyết Tâm, như tên của chị,chị nhé .
    Tôi thấy đứa cháu đang  đọc một trang tin trên báo 40 năm khắc khoải một lời thề . Ngày đất nước hòa bình, người nào còn sống thì đi tìm mộ của người đã hy sinh. Bằng giá nào cũng phải đưa nhau về được quê cha, đất mẹ…” - Giữ trọn lời thề, lời hứa ấy, 40 năm qua ông Đỗ Thanh Bình (thị trấn Ea T’ling, huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông) không ngừng thôi thúc mình đi tìm mộ đồng đội.

Công việc của tôi chỉ  có thể làm cho các anh chị liệt sĩ là viết những trang  blog tri ân họ    cho đến khi nào tôi phải  chấm dứt cuộc hành trình dương gian này …

                                                                   Nguyên Xuân
                                                         Lễ Thương Binh Liệt Sĩ 2017


No comments:

Post a Comment