SỢ NGƯỜI .
Dạo ấy, những buổi
chiều được rảnh rỗi trong tuần, tôi
thường đón bọn trẻ về dạy kèm .Lớp học miễn phí, bởi lẽ tất cả chúng đều là đám cháu chắt trong dòng
họ, con em những nhà hàng xóm và đồng nghiệp ở cơ quan . Căn phòng nhỏ nhưng
rất thoáng, vì có tới hai cửa sổ và hai cửa lớn.Đứng ở bảng,tôi có thể ngó
chừng mẹ đang hái rau ở sân bên, hay thơ thẩn dạo chơi hiên trước, hay lúi húi
nấu ăn trong bếp, có khi vật bụng con mèo già ở dãy thềm sau để bắt bọ chét cho
nó .Cụ hồi ấy đã gần chín mươi lăm , răng
rụng dần, nhưng còn minh mẫn lắm . Cụ thường mang cho bọn trẻ những mớ cây trái trong vườn ,có hôm còn chiêu đãi
chúng tôi món xắp xắp , gồm gan heo chiên xé sợi, trộn với nhiều rau thơm cùng nước mắm
chanh đường ớt tỏi cay xé họng.Không có
đu đủ bào như công thức chung , cụ thay bằng những sợi gộc (phần gần
rễ)ắc-ti-sô xắt nhuyễn, cũng trăng trắng
xanh xanh ,cũng ngòn ngọt, dòn dòn , cũng dai dai đăng đắng, nhưng tàn tiệc thì mồm
miệng thực khách đen thùi lui!. Cho nên mỗi khi thấy bóng cụ thấp
thoáng hiện ra từ bốn hướng, tất cả thầy trò đều ngóc đầu lên, hồi hộp chờ đợi .Nhưng hôm ấy, hai
tay cụ chắp sau lưng , thong thả từ bếp lên.Đứng sữ ng người nơi khung cửa
trước ,cụ nhìn tôi với tia mắt đầy ngạc nhiên như lần đầu chứng kiến tôi làm công
việc này.Sau đó cụ lửng thửng ra sân, vì đi vừa lầm bầm nhưng cũng đủ cho chúng
tôi nghe rõ :Hay thiệt ! Có cái nghề cứ nói tới nói lui nơi
cửa miệng mà cũng kiếm ăn được ! Đám học trò cười ồ lên, đầy bất ngờ , còn
tôi chết điếng trong lòng .Tôi nhớ lúc ấy tôi đã lặng người đi, tim như ngưng
đập .Tôi cho tiết học dừng lại .Bọn trẻ rón
rén kéo nhau ra về , còn tôi, tôi ngồi lại một mình, khá lâu .Đêm ấy tôi
trằn trọc đến tận khuya .Không biết tôi đã làm điều gì khiến cho người mẹ già
buồn và giận !Mẹ tôi xưa nay vốn hiền lành,thương yêu con cái vô bờ , rất công bằng .Cụ cũng không có thói quen
nói nhiều như các chị em tôi trong nhà , và nhất là chẳng bao giờ chì chiết một
ai cả .Từ khi đám con cái lớn của cụ lần
lượt ra riêng , rồi cha tôi qua đời, căn nhà nhỏ chỉ còn lủi thủi hai bóng người, nương tựa nhau, che chở bảo bọc nhau và vui sống ,mẹ già tôi bỗng dưng… thích nói .Nội
dung những câu chuyện cụ kể đều là giòng hồi ức chuỗi năm tháng tuổi trẻ, lúc
cụ còn con gái, đến khi lấy chồng,ngoài Nghệ an, nơi chôn nhau cắt rốn của cụ .
Toàn là những chuyện mới toanh . Tôi quá bận rộn với công
việc của mình,hết giờ lên lớp thì về nhà là vùi đầu vào bài vở, sổ sách,giáo án
.Mẹ luôn lẽo đẽo một bên ,kể lể .Có lúc bực , tôi cáu : Mẹ vô Đà lạt hơn bảy
chục năm,mà ai cũng tưởng mẹ mới vô bữa qua .Cụ cụt hứng .Nhưng rồi , lại kể .
Có lẽ vì vậy mà bây giờ cụ giận tôi chăng !Thôi, nếu mai cụ thích tâm tình
“ngày xưa Hoàng thị” , thì mình cũng sẽ
chiều vậy .Nhưng từ hôm ấy, cụ không còn
tìm đến ngồi bên cạnh mỗi khi tôi ở nhà
.Cụ lần xuống khu nhà lồng trồng hoa và rau của các ông anh , dò dẫm len vào từng luống, rờ rẫm từng cành, vẻ mặt im lìm .Đôi
khi tôi gợi chuyện, cụ dừơng như không nghe thấy.Có lần ,tôi bắt gặp cụ đứng
trước gương, trò chuyện với. ..bà lão trong ấy .Họ cùng cười ,nhưng lòng tôi se
sắt và lo sợ .Rồi một chiều mưa, sau cơn ốm nhẹ ,mẹ già đã đi xa , thật xa .Cụ
tìm về quê cũ,nơi đong đầy những kỷ niệm mà cụ ôm kín trong tim .Cô con gái ế muộn của cụ cũng được về hưu .Ngôi
nhà vốn nhỏ như rộng ra ,một mình tôi ,một bóng .Nước mắt tôi chảy rất
nhiều ,trong đêm.Tôi ân hận .Đến tận lúc
này ,tôi hiểu được nỗi lòng của mẹ thì đã muộn .Mẹ già một đời vất vả vì
chồng,vì con . Quãng đời đẹp đẽ nhất mẹ không biết kể cùng ai, vì có ai chịu
ngồi nghe, mà mẹ cũng quá bận rộn với bao nhiêu công việc vườn tược,nhà của,
con cái để có nhiều thời gian rỗi rảnh
mà tâm sự .Bây giờ ,hình ảnh của cụ lại
hiện lên trong tôi rất rõ . Này bộ phản cũ kỹ, tối tối mẹ tôi vẫn ngồi đó, lặng
lẽ têm trầu bên ngọn đèn hột vịt leo lét, thỉnh thoảng đưa mắt trông sang lũ
con sáu đứa chen chúc nhau ngồi học bài
ở chiếc bàn kê ở góc nhà, đó là nơi vừa làm bàn ăn,là nơi tiếp khách .Buổi tối,
đây là nơi sáng nhất , vì có tới ba chiếc đèn dầu, hai lớn , một nhỏ , cũng là nơi ồn ào nhất trong nhà Đứa em trai út vừa
vào lớp sáu , còn tôi lớp chín, chúng tôi vẫn mang nguyên xi cách học bài của
trẻ tiểu học đi theo : muốn bài chóng
thuộc thì phải đọc thật to .Nhưng người bên cạnh cũng không chịu thua .Đành bịt tai mà gào !Mẹ
sau khi têm xong trầu cho đủ ăn ngày mai, thì
bê đèn đi quanh một vòng khắp nhà để kiểm tra cửa nẻo phòng kẻ trộm đột
nhập, có khi vào phòng cha tôi nằm tận cuối nhà trên, yên tĩnh trong bóng tối, tắt giùm ông chiếc
đài Philip mà ông nghe và ngủ quên , rồi
mang đèn lại bàn cho chúng tôi mượn . Thấy hai đứa nhỏ đang gồng lưng lên, tay bịt tai, miệng đọc
ông ổng , mẹ cười ,có chút thông cảm,có chút tự hào , chà ôi, học mòn mồm. Đứa em tôi bất giác đưa lên tay lên môi đụng phải những chiếc răng mẻ vì suốt ngày gặm
mía và ổi xanh , khiến chúng tôi bật cười . Này khu bể nước còn mấy chiếc chõ
cũ mẹ thường ủ giá đậu , bây giờ tôi bỏ dớn vào đấy , treo lên hiên thành những
chậu lan cách điệu độc đáo . Nơi này mẹ
tôi cùng đám con gái lớn giặt giũ, rửa dọn,chế biến dưa cà từ rau củ mang lên
từ vườn .Chị cả con ông chú có khi sang chơi , giúp một tay . Câu chuyện
râm ran, rồi tranh cãi .Chị cùng tuổi với chị thứ của tôi ,đang phấn đấu đẻ trở
thành những giáo viên . Cả hai cùng có
một điểm chung : nói rất nhiều .Vì nói nhiều,không kịp suy nghĩ nên lắm lúc nói
sai, nói bừa ,mà lại luôn khẳng định
mình đúng, luôn giành phần thắng về mình nên bà nội tôi đã gán cho họ những
tính từ mỹ miều: cù nhây, nhọn mồm, mỏng mép . Mẹ tôi thì thủng thẳng bảo : Chúng mày nói nhiều như thế , mai mốt chỉ khổ thằng
chồng .Khi các chị bướng bỉnh và cố chấp, mẹ than thở : Nói nhiều thế, còn sức
đâu mà làm lụng , hả con !.Đó, mẹ già tôi như thế đó . Mẹ bận bịu không ngơi
chân ngơi tay, khi vườn rau ,khi chuồng lợn,khi nhà dưới nhà trên, chắt
chiu từng xu hào, giành hết mọi vất vả
để con cái được học hành tử tế .Nhưng
khi chúng tôi đều đã trưởng thành,có ai khen thì cụ chỉ mỉm cười và một câu nói
quen thuộc - chà ôi, học mòn mồm .Mẹ
chẳng hề kể lể công lao nuôi dạy của
mình .Bây giờ ,khi đã ở tuổi gần đất xa trời, có những điều mẹ tôi muốn nói,tôi lại không mở lòng đủ rộng để lắng nghe .Thế mà những
tháng ngày còn đứng trên bục giảng ,tôi đã từng căn dặn học trò , những đứa cá
biệt thường bị các giáo viên chủ nghiệm
ghé nhà mách tội cùng hai đấng sinh thành , rằng không được để thầy cô đụng đến cha mẹ mình, đó là cách báo
hiếu ý nghĩa nhất ,khi chúng ta chưa làm ra tiền bạc để phụng dưỡng họ . Nhưng
tôi , tôi đã chạm tới nơi dễ tổn thương nhất của mẹ mình .Và tôi bất chợt giật
mình . Cái nghề cứ nói tới nói lui nơi cửa miệng mà cũng kiếm ăn được ! Lũ chúng tôi,
trừ người em út học nông nghiệp, đều theo một nghành duy nhất là sư phạm
, chỉ vì thời cuộc đẩy đưa. Có lúc nào họ khám phá ra bi kịch nghề nghiệp đầy phũ phàng
này, rằng mọi lời tưởng là khuôn vàng thước ngọc chỉ là hình thức , là rỗng
tuếch ,là chỉ dừng lại nơi miệng ông thầy !Dường như đám con cháu của chúng tôi biết rõ điều đó . Chẳng
đứa nào nối nghiệp cha mẹ,cô chú .Hỏi sao thế, chúng rụt vai, lè lưỡi , ngụy biện
rằng ,thôi con sợ con chửi mắng học trò,tụi nó ghét . Hai chị gái thân yêu ngày
nào đã gần tuổi thất thập, trong mình mang thêm một đống bịnh tật . Ngỡ tôi
thèm người nên họ ghé thường xuyên . Những câu chuyện . Có tranh cãi .Và cứ thế
.Đến khi phát hiện ra tôi không ngồi ở đấy
nữa,họ mới chịu đứng dậy ra về . Có hôm họ rủ tôi đi thăm vợ một người
hàng xóm bị tai nạn lao động, gãy
chân . Vào đến nhà , lập tức họ chia
làm hai phe .Một chị chui tọt vào phòng
bệnh nhân ,đóng đô luôn ở đó mấy tiếng đồng hồ .Ngoài phòng khách , anh chồng
và chị kia chia sẻ cho nhau hằng trăm kinh nghiệm sau khi xây xong ngôi nhà.Tôi chỉ còn biết ra sân ngắm
trời đất cỏ cây. Anh rể của tôi bị tật lãng tai, còn bà thím mà chị họ tôi đón về chăm nom dạo này đã lẩn. Có lẽ đó là lý do họ cần tìm
đến nhau để .. nói ! Một bạn học cũ tình cờ mua đất làm nhà gần miền quê này
.Nó theo gia đình đến tỉnh khác sinh sống gần ba chục năm, nay hồi hương .Cô
bạn học cũ vớ được tôi mà mừng như gặp vàng ,bởi lẽ bạn tôi có rất
nhiều điều nhưng không biết chia sẻ cùng ai .Ba đứa con của cô bạn này đều định cư tận trời Âu .Chồng thì miệt mại
lái xe đưa khách đi du lịch liên tỉnh.Bạn tôi về quê cũ,ra vào chứng kiến những cảnh mà trong con
mắt một cô giáo- lại thêm một cô giáo nữa !-bên nội, bên ngoại , có nhiều nét
tiêu cực,nói ra thì không nên,mà để
trong bụng thì ấm ức lắm ,phải tìm chốn
xả . Tôi thực tình ngài ngại ,vì từ chỗ
thèm người , tôi thấy sợ người ,những
người thích nói . Nhưng vì thời gian thì nhiều ,lòng trống trải , tôi đành chiều chiều ghé nhà nó, rồi cùng đi lang
thang qua những con đường rất đẹp và yên tĩnh trong thị trấn , đường đồi cù ,khu viện đại học ,
khu vườn hoa thành phố . Trước đây,hàng ngày tôi vẫn đạp xe qua đây , lên
trường, ra chợ, đi thăm học trò , hay băng qua đồi đại học chơi cùng chị cả có nhà
gần đó .Dạo ấy luôn ở trong tư thế vội vội vàng vàng . Tôi gặp nhiều người
thong thả đi bộ trên đường. Đó là môn thể dục có vẻ thuộc dạng xa xí phẩm đối
với tôi . Những người ấy bây giờ gặp tôi thì chận lại, hỏi han,có người kể lể ,
tâm tình .Hình như họ đang muốn có người lắng nghe . Cô bạn lịch sự đứng né một bên, kiên nhẫn chờ, sau cùng thì bỏ đi, tôi đành cáo từ
khách này để lật đật đuổi theo khách kia .Hôm sau chúng tôi đổi lộ trình
,không đi ra nữa mà đi vào . Quê tôi thơ mộng và
yên bình . Chúng tôi đi qua ngôi trường tuổi nhỏ nằm khuất sau rặng
thông ở lưng chừng đồi. Trường là ranh giới hai thôn có dân cư từ vùng Nghệ Tĩnh,vùng Hà Nội vào đây lập nghiệp từ những
năm 30 của thế kỷ trước , nên mang một cái tên rất đoàn kết : Trung Bắc. Bọn
trẻ chúng tôi thường qua lại chơi đùa ,có khi còn được mời ăn cơm . Các bà cụ
bên làng Hà đông (Bắc ) đều vấn tóc đặt lên đỉnh đầu, bên tôi thì họ búi gọn
sau gáy . Nhà bạn tôi thường uống nước vối thay cho chè xanh bên tôi .Vườn bạn trồng nhiều dâu và hoa , bên xóm tôi chỉ chuyên rau
các loại . Những ngày lễ tết, bên tôi cúng đình, các cụ ông lịch lãm trong
những bộ trang phục tươm tất , được mời sang dự . Họ cùng chú bác bên tôi hút
chung ống điếu thuốc lào, chứ hằng ngày
họ quen với chiếc bát .Họ nói năng,từ tốn, và cũng như người già trong thôn tôi
,họ cũng rất kiệm lời , trái với lũ chúng tôi bây giờ . Đây rồi , nhà văn hóa
làng hoa .Nó nằm quay lưng với trường tôi, mặt trông sang cổng chùa làng . Ngôi
nhà có kiến trúc kiểu cách như một biệt thự cổ của Dalat, bên trong phảng phất
không khí một bảo tàng viện, có nhiều nông cụ lao động,những vật dụng gắn liền
với sinh hoạt hằng ngày của người nông dân xưa . Trên tường treo nhiều ảnh chụp
nhà cửa , vườn tược , đường ngõ trong thôn . Bây giờ , vẫn làng cũ đó, ngôi
trường khang trang hơn, có nhà chùa làng rất bề thế,có giáo đường nhỏ bé ,màu
vôi hòa với sắc trời chiều, có lớp lớp dãy nhà lồng lợp ni lông trồng rau hoa,
trông như lán trại của dân du mục trong
sa mạc .Bảy mươi năm rồi đó. Cha mẹ tôi cũng cùng người làng
hoa này , từ xa xôi ngàn dặm lặn lội đến
đây ,hai bàn tay , sức lao động , biến
một vùng hoang vu lạnh lẽo thành miền quê mới đẹp như tranh vẽ . Chỉ thế thôi .
Có người suốt quãng đời lam lũ, từ xa
đến dừng chân ở đây, và gởi chút tro tàn lại đây . Họ không đi ra như lũ trẻ chúng tôi . Họ cũng
không bao giờ nói nhiều .Họ hành động. Họ đi
vào .Nào sâu hơn nữa, tôi gặp lại
ngôi trường các anh trai tôi đã đeo đuổi thời trung học , rồi Thung lũng tình
yêu , ngọn nguồn của dòng nước mát tưới xanh tươi mát bao luống rau hoa cho hai
thôn . Cây cỏ, khe suối, núi đồi, làng
mạc, im lặng , nên con người sống giữa
thiên nhiên êm đềm ấy cũng điềm tĩnh , trầm tư, và thanh thản . Điều sau cùng
này dường như chúng tôi đã đánh mất khi đi
ra .Lòng tôi chợt ấm lên như kẻ đánh
mất chìa khóa nhà và vui mừng tìm lại được .Làm sao để sống đơn giản hơn, an bình hơn ? Hãy nói ít hơn ,
và nói điều con tim mách bảo .
Dalat ngày
4.7.15
No comments:
Post a Comment