Monday, July 20, 2015

NGƯỜI THẦY SAU BỨC VÁCH

                     NGƯỜI THẦY SAU BỨC VÁCH


        Thấy nhà chị Hạ Em sửa sang lại gần xong,tôi bèn hỏi đùa nhân một hôm qua chị chơi :Có ăn mừng tân gia không chị ?Tưởng chị cũng đùa lại , đại loại: Sao không mày! Phải có quà độc và hiếm đó nghe ! Nghĩa là không tiệc tùng gì đâu  .Không ngờ chị trả lời với vẻ mặt rất nghiêm trang :Có chứ .Và giọng chị hơi ngập ngừng : Chừng cuối năm , đến giỗ anh Thạch,thì làm luôn thể  ,vì phải chuẩn bị vài thứ .Cuối năm,  con cháu  sẽ có dịp về đông đủ  
      Đột ngột chị đứng dậy rủ tôi ra một quầy phô tô gần nhà .Chị cặn kẽ hỏi giá in từng trang, một mặt, hai mặt, chèn hình màu hay đen trắng ,cách phục hồi ảnh quá cũ , giá cả  khi đóng thành tập bốn chục trang, giá in năm chục cuốn…Tôi nghĩ thầm: có lẽ hội cựu chiến binh của chị đang ra tập san, hay các ông bà cùng nhau viết hồi ký, rồi giao cho chị khâu in ấn . Chị Hạ Em của tôi trước  giải phóng từng học ở   đại học Y đàng hoàng, nhưng do anh Thạch ốm, chị phải nghỉ học giữa chừng  , rồi  chị vừa chăm sóc anh,vừa làm giao liên. Sau ngày đất nước thống nhất,tôi thấy  chị công tác trong ngành công an .Bây giờ chị đã nghỉ hưu với  khoản lương khá cao so với chúng tôi .Tôi định hỏi :Chị tính in sách gì vậy,nhưng chị lại hỏi tôi : Mắt mày độ này đỡ khô chưa ? Đánh máy được không ? Thấy bài mày trên blog ..Tôi cười . Thì viết cho vui .Phải nhờ con bé Dung nó gõ cho,rồi bế con ,giặt giũ phụ nó .Dung là con út ông anh tôi, đang về nhà mẹ nghỉ hộ sản.Chị băn khoăn .Chà,mà nó sắp đi làm lại rồi .Cả tôi và chị cùng  có một lực lượng  cháu chắt khá hùng hậu,vì ngày trước các cụ đều sinh nhiều con .Nhưng khi cần nhờ vả việc gì đụng chạm đến quỹ thời gian của chúng nó   thì …hơi bị khó .


 Bất ngờ chị lại hỏi tôi : Mày  viết được hồi ký chứ ?  Cô giáo Văn mà ! Thấy mày viết blog cũng có câu có cú …Tôi chột dạ , nhủ thầm , chết cha, mình đoán không sai , các ông bà ấy đang “chiếu tướng” mình. Tôi bèn chối đây đẩy .Khó lắm chị ơi . Đâu phải cứ dạy văn là viết văn hay .Tụi em đọc và chê bai văn người khác thì giỏi,nhưng ,nói thiệt với chị, có nhiều đứa cả đời chưa hề viết một đoạn cho ra hồn .Kẻ d ạy văn khác nhà văn …Chị ngẫm nghĩ ,gục gặc ,ừ , có lý Rồi chị  chuyển sang chuyện khác .Chiều hôm sau, khi tôi đang ăn cơm ,chị gọi điện, bảo tối sẽ sang ngủ ké một bữa .Từ hôm sửa nhà, chị dọn đồ đạc  qua bên bà Năm, người vợ thứ của cha chị  , tá túc.Bà có hai con trai đều đang đi làm xa nên có chị sang cũng vui .Thường ngày họ vốn rất thân thiết với nhau , một  điều hiếm thấy so với các quan hệ dì ghẻ con chồng khác
 

Dường như tối hôm ấy cả hai chị em đều thao thức .


Mẹ anh Thạch và chị Hạ em là chị ruột của cha tôi .Năm 1939, theo đoàn người  từ Nghệ an vào  đất Dalat này lập nghiệp, vợ chồng cô  được cấp đất, rồi dựng nhà, mở vườn  sát bên  vườn nhà chúng tôi .Họ có tới chín người con nhưng chỉ duy anh Thạch là con trai. Sau khi sanh chị Hạ em  cô  tôi bị bệnh và qua đời . Dượng ở vậy nuôi dạy đàn con gần chục đứa . Nhưng khi anh Thạch hai mươi và chị Hạ em mười tám thì ông cưới bà hai, bây giờ chị Hạ em gọi là Dì Năm,chúng tôi cũng gọi  theo .Bà  người từ miền trung  vào đây làm công giúp việc cho gia đình .Ông dượng nhờ bà chăm sóc anh Thạch .Anh ngã xe và  thận bị tổn thương nặng ,khi anh đang theo học đaị học


Quê tôi thuộc vùng cao nguyên, điạ hình đồi dốc trùng điệp.Phương tiện di chuyển trong thành phố là xe lam và … đi bộ .Cả xóm chỉ một vài nhà khá giả mới có xe gắn máy của Nhật .Xe đạp cũng thế . Cha tôi và Dượng Trí –cha anh Thạch- sắm xe đạp cùng một  thời điểm , nhưng vừa mang xe về đến nhà là …treo lên vách !Hai ông anh song sinh của tôi,nhỏ hơn anh Thạch dăm tuổi  , ra vào ngắm chiếc xe thèm thuồng, nhưng đành nín chịu .Anh Thạch cũng thế .Nhưng có một lần cả nhà đi vắng, anh đã đỡ xe xuống và tập chạy thử .Nơi anh tập là vạt vườn trên đồi, sau lưng nhà .Các luống đất vừa đánh rãnh, anh cho xe chạy vào giữa, vì  theo anh , xe sẽ không bị đổ lăn kềnh, và anh còn có thể chống chân được .Xe giàn tay ngang,  hiệu Peugeot rất chắc chắn nhưng khá cao và nặng. Anh Thạch bị ngã .Không ai biết chuyện gì đã xảy ra ,nhưng sau một thời  gian dấu nhẹm thì tay cua rơ ấy phải nhập viện, rồi nghỉ học .Cha tôi hoảng quá, bèn ..hạ thổ chiếc xe nhà mình, năn nỉ hai anh con đi tập dưới sự giám sát của ông .Mấy nhà trong xóm có xe đạp và con trai nhỡ nhỡ đều làm như thế .


             Phòng của anh  Thạch được cơi nới khá rộng,ngang với chiều dài của khoảng sân bên đồi , ngăn làm hai bằng một bức các tông mỏng , rất sáng sủa vì cửa kính gắn ba bề bốn bên, trên nóc còn trổ thêm hai tấm tôn nhựa  trong suốt như gương thay cho mái và la phông. Những giò lan rừng treo lủng lẳng khắp nơi,trong nhà, ngoài hiên, trước sân .Dãy chuồng bò dưới thung lũng cũng được dời đi chỗ khác, thay vào đó là mảnh vườn vùa  có mấy luống rau ăn hằng ngày, vừa cứ lớn dần những cây táo quả hai màu xanh hồng, những quả quýt đỏ rực ,những chùm hoa bưởi ngào ngạt giữa đêm khuya . Sáng  sáng anh thường ra đây phơi nắng, đọc sách, trò chuyện với người thân bạn bè. Nếu  khách là phái nữ  thì anh  lui vào phòng, tiếp chuyện họ từ bên kia vách . Anh từng học ở Sài gòn suốt những năm phổ thông và đại học nên có rất nhiều bạn .Họ đến ,một đoàn khá đông hoặc  nhóm vài người ,có khi trò chuyện cùng cười ha hả, nhưng có khi thì thầm ,rồi thân mật chia tay . Làng tôi trước 1975 thuộc vùng gọi là “xôi đậu”,nghĩa là có những hoạt động ngầm của cách mạng bên cạnh các tổ chức của  chính quyền  cũ . Cha tôi suốt thời gian ấy  thường được dân chúng bầu chọn làm trưởng ấp . Ai đến đi ông đều biết .


Rồi anh Thạch phải ở mãi trong gian phòng đầu hiên nhà , trông ra đồi thông . Dượng Trí đột ngột qua đời, Dì Năm bận rộn hai thằng nhóc tì, chị Hạ Em đành  bỏ dỡ việc học, về chăm anh  .Mọi người ai cũng buồn rầu,lo lắng ,nhưng kẻ đem lại sự bình an cho mọi người lại chính là Anh Thạch !
              Những người lạ đến thăm anh Thạch đều là bạn học cũ, bạn tốt ,theo nhận xét của ông .Anh Thạch có sách báo nhiều  vô kể, đủ các loại, ngày một tăng  ,lớp thì chị Hạ em đặt qua đường bưu điện, lớp bạn bè gửi tặng, lớp thì những người đến chơi nhà mang làm quà ,  tất cả đều được anh bảo quản rất cẩn thận, bày đầy ba dãy kệ trong nửa gian phòng của anh . Nguyện  ước  mai kia  là anh sẽ tặng cho thôn thư viện nho nhỏ này . Còn tôi ,ngày ấy tôi mới lên lớp Đệ thất ( lớp 6) học buổi chiều ,buổi sáng thường được cha sai mang sách báo gửi về từ phường ( hồi đó chưa có bưu tá như bây giờ, mọi ấn phẩm qua đường bưu điện đều tập trung về cơ quan hành chính này )tối hôm trước ,mang qua cho anh



Tôi lại vốn “ mê  truyện” ( cách nói của mẹ )nên nấn ná trong phòng khách nhà anh  thêm .. .vài tiếng đồng hồ , dù  sáng ra  vườn mẹ luôn dặn nhớ về coi nhà, về nhặt rau nấu cơm, về cho anh nghỉ .., dù bước chân ra cửa với ôm sách báo, , tôi đã vâng dạ ngoan ngoãn .Nhưng thế đó .Anh Thạch  có vẻ chú ý người khách không mời mà đến  này .Thoạt đầu, anh chỉ ừ hử đón tiếp, nhưng thấy tôi ngày nào cũng lục lọi các kệ sách và ngấu nghiến đọc những gì vớ được, anh soạn sẵn cho tôi một vài cuốn hay trước khi tôi đến ,còn cho tôi mượn mang về ,nhưng không quên căn dặn chỉ đọc khi rảnh rang .Có hôm tôi bận học hành hay cảm sốt không qua được,cha tôi phải thay  tôi mang sách báo cho anh,anh lo lắng hỏi thăm . Mẹ tôi bảo anh đang dưỡng bệnh, có lẽ buồn ,nên chính thức “cấp giấy phép” cho tôi  “sang bên anh đọc sách”, nhưng luôn dặn dò không được làm phiền anh . Tôi nghe tiếng anh cười nói rất khỏe, rất ấm ,giống giọng các anh tôi , nhưng luôn tiếp đón tôi qua bức vách,ở  nửa phiá trên có giăng rèm  ,không biết anh bị bệnh gì .


Thế là cứ mờ sáng, có hôm mọi người chưa kịp xuống vườn,  tôi đã lò dò vác cả chiếc cặp sang nhà anh . Nửa gian nhà vắng vẻ, thoáng đãng, thơm ngát hương hoa lan, tôi ngồi làm bài ,lầm thầm học bài; bên kia vách anh nghe radio,viết lách  gì đó, hay ra sân  tập thể dục ,có khi hỏi chuyện tôi ,những chuyện ở nhà ,ở trường .Một con bé “la nhà quê” vừa ra tỉnh học như tôi,có biết bao chuyện để kể .Chẳng hạn chuyện tôi đánh vần tiếng Anh từ glass, cả lớp bò lăn ra cười, mà bà giáo cũng cười .Anh bảo tôi “spell” lại cho anh nghe .Qua bức rèm,tôi cũng nghe tiếng anh phì cười .Thì ra tôi mang cả giọng Nghệ an nặng có góc có cạnh của mình khi phát âm hai phụ âm s đi liền nhau .            Có hôm tôi nhờ anh chỉ cho tôi cách tô con bướm. Tôi mang theo một chú bướm  còn đang vẫy cánh rất to, toàn thân chỉ có  một  màu đen tuyền .Anh chê xấu . Từ sau màn,một cái que trúc nhỏ thò ra , đầu que đỡ hai cánh bướm đưa lên đưa xuống .Ừ,nó xấu thật .Anh hứa sẽ nhờ người bắt bướm rừng cho tôi , rất đẹp .Anh có bạn ở trong đó hả ? Anh không đáp, mà lảng sang chuyện khác  .Vài hôm sau , như đã hứa ,anh tặng tôi mấy con cánh sặc sỡ, rất sinh động .Nhà hôm ấy chị Hạ em đi học y tá tận Nha trang  cả tháng, mẹ tôi nấu cơm,cha mang sang và ở lại đêm với anh ,vậy ai vô rừng bắt bướm để anh tặng tôi ?



Tôi vốn rất dốt các môn học tự nhiên như Toán Lý .Ở nhà là cơ hội cho hai bà chị cú  đầu đau điếng ,là cớ để hai ông anh  sai vặt và vay tiền heo đất .Có hôm tức quá tôi bảo : Chẳng cần,mai qua nhờ anh Thạch bày . Hai mỏ các bà chị chu ra , ừ , anh ấy còn cho mày ăn lươn . Nhưng anh nhẹ nhàng,tỉ mỉ hướng dẫn tôi làm bài . Anh nhờ chị Hạ em sắm một bộ sách giáo khoa ,bảng là mặt sau tấm lịch có dán lên vài tờ giấy nháp , thước là chiếc que trúc nho nhỏ đã lên nước ,những vật ấy cứ chui qua lại bức rèm vải đung đưa, có khi gõ nhẹ lên đầu tôi (que trúc)khi óc tôi quá mít đặc .Anh giảng rất dễ hiểu , chẳng khác gì thầy cô ở trường .


       Mà có lẽ anh cùng độ tuổi với họ .Anh hơn tôi mười lăm tuổi .Quãng thời gian anh sống ở quê nhà rất ít, vì thuở anh mới chào đời, mẹ anh đã mắc bạo bệnh,  người cha đã phải gởi anh về quê nội ở Nha Trang .Lâu lâu về quê ngoại,anh chỉ trò chuyện với các anh ,các chị tôi,còn tôi đã có lúc anh nhầm với đám cháu,con các chị gái của anh .Tôi nhớ dáng anh cao gầy, mặc sơ mi trắng, bên ngoài là chiếc áo len màu xanh lá cây đậm ,cổ thuyền, mẫu do anh vẽ, đám chị đã phải xúm lại đan mấy ngày đêm để cho anh kịp  mặc đón tết quê nhà .Tết ấy,tôi đang học lớp 1 .


       Có hôm tôi nhờ anh giúp cả cái môn học xem ra cực khó với anh : Môn Nữ công .Tôi than thở với anh rằng cả nhà tôi ai cũng kêu bận . Mỗi khi tôi chìa mớ vải vụn cùng kim chỉ ra là mọi người đều la làng !Tôi kể lể rằng bà cô trên trường khó tính lắm .Chiếc cổ áo tôi bỏ ra mấy đêm luồn vắt nhưng bị bà chê :Trời ơi, không thể nào xấu hơn được nữa à ,trò !Còn hai ống quần,không hiểu thế nào mà ráp lại thì ống ngắn,ống dài , bà cô  ôm đầu ! Bên kia màn,có tiếng anh cười cùng cục từng hồi .Anh bảo tôi ngồi chờ .Lát sau anh chuyền qua màn cho tôi một chiếc áo cũ nhưng có  ba vạt rất rộng , cùng một cuốn sách dạy cắt may .Chiếc que trúc lại cùng tôi dò từng nét vẽ trên vải mẫu, rồi vải thật,tùng nét cắt,từng đường khâu .Bên kia màn, giọng trầm trầm vang lên , rằng ,vì sao thợ thuyền họ giỏi ? Ngoài sức lao động,họ là người kiên nhẫn có bằng cấp .Theo anh,tôi vụng về chỉ vì thiếu kiên nhẫn mà thôi .



 Rõ ràng,anh đã   nhìn rõ tôi ,thấu hiểu tôi ,dù tôi không hề trông thấy anh,và có thể chưa hiểu anh  .Nhưng tôi biết  anh có một đôi mắt đen,hơi lé kim một chút ,nên tia nhìn vừa ngỡ ngàng, vừa thân thiện ,đó  ,đôi mắt của cha và các anh tôi,luôn chú ý mọi động tác của tôi . Anh có giọng trầm trầm, có tiếng cười cùng cục trong cổ nghe vui vui. Hẳn anh cũng móm như các anh tôi, nhai nuốt trệu trạo ,lắm khi các  “hột táo”lại tông vào nhau rất buồn cười . Những người như thế thì khổ, vì  luôn biết nghĩ và sống cho người khác , mẹ tôi bảo vậy .Thật kỳ lạ là họ cũng có cách cầm viết giống nhau: quản viết kẹp giữa hai ngón trỏ,giữa, thay vì ngón cái .Cây viết trong tay trở nên rất chắc chắc ,thẳng đứng .Anh Thạch đang ôm giữ lấy sự sống như thế, dù cuộc sống hiện tại của anh có thế nào đi nữa …

    Và cứ thế, những tháng ngày chồng chất bao nhiêu niềm vui, nỗi buồn tuổi học trò cứ trôi qua . Bạn bè tôi đều ở ngoài phố, nên tôi chỉ có một người bạn láng giềng sau bức rèm đó .Bạn tôi có nhiều gia sư,tôi cũng có một gia sư , ngày đêm gieo cho tôi mầm chữ, xây đắp cho tôi lẽ sống cao quý, dù tôi không hề biết mặt .


             Tôi nhớ có lần vào một buổi sáng trời nắng đẹp hè lớp 7, tôi leo lên nóc bể nước ngồi chơi, bất chợt nhìn qua  khoảng sân sau  nhà anh Thạch,tôi bắt gặp một dáng thanh niên gầy gò ,mặc trang phục trắng toát, bên hông  hình như lủng lẳng những ống cao su,đang đứng tập thể dục   .Tôi đang sửa soạn đứng lên để xem  cho rõ thì bất chợt có một bàn tay chắc khỏe ấn vai xuống .Cha tôi ! mặt ông đỏ bừng,tức giận, tay kia lăm lăm ngọn roi .Tôi vô cùng kinh hãi vì chưa bao giờ bắt gặp hình ảnh cha như vậy.Sau lưng ông,mẹ tôi cũng đứng đó,vẻ lo lắng . Tôi rón rén lên quỳ ở một góc nhà trên .Mẹ dừng lại trong  bếp,còn cha ngồi lên phản , cây roi đặt b ên cạnh .Tôi úp mặt vào vách,hai chân tê dần mà không hiểu mình phạm tội gì .Cha tôi ngồi thừ người một lúc lâu .Sau đó, ông nhẹ nhàng bảo : Thôi con xuống nhà phụ chị nấu cơm





Tối hôm ấy ông sang nhà anh Thạch chơi  đến khuya .Hôm sau ,ông lại sai tôi mang sách báo qua cho anh .Tôi ngạc nhiên ,hôm qua ông đã đến đây  rồi ?.Nhưng tôi chỉ lẳng lặng làm theo lời ông .Tôi rất muốn sang nhà anh chơi, vì anh có chiếc radio rất tốt, sáng chủ nhật nào tôi cũng sang  tập hát cùng anh qua đài .Anh hát và đàn rất hay .Tôi cũng muốn sang tặng anh món quà,một cuốn sách hay được mua bằng khoản tiền tôi dành dụm khi phụ các chị thêu áo gối cho khách hàng .



Thò đầu vào, tôi đã thấy trên bàn một bức ký họa bằng bút chì rất ngộ nghĩnh .Mới nhìn trông tưởng  hề Sạc lô,nhưng nhìn lại thì …rất giống các anh tôi. Đôi mắt xếch,cái miệng móm, hạt đào to đùng nơi cổ .Anh Thạch !Có tiếng cười dòn bên kia màn .Sao, yết kiến dung nhan mùa hạ của đại hiệp rồi, tiểu muội thấy thế nào ?Anh tiếp ,tại bên anh luôn tỏa mùi am mô ni ác nên anh  phải giữ kẻ chút xíu trước phụ nữ .Đó là cách tôn trọng họ .

Nước mắt,nước mũi  tôi  tự dưng từ đâu chan hòa ,như con suối dềnh lên mùa lũ .Tôi đã thấu hiểu nỗi khổ của anh qua lời mẹ kể hồi đêm .Anh sẽ chịu đựng căn bệnh này suốt đời, sẽ không đi đâu được.Anh lại vốn rất nhạy cảm .Tôi cũng khóc vì tủi thân . Tôi sẽ không có ai chỉ bảo chuyện học hành .Mà hôm qua, tôi chỉ vô tình ,thế mà suýt nữa thì tôi bị đòn oan


Ngày  tháng thoi đưa .Tôi đã lên cấp ba, vẫn ngày ngày mang sách báo qua cho anh ,thay vì sáng là những buổi chiều . Mật độ vắng nhà của chị Hạ em dày hơn .Chị học làm y tá ở Nha trang , cha tôi cắt nghĩa với những ai hỏi thăm chị . Nhà anh có nhiều khách lạ hơn .Có những đêm thức giấc,tôi nghe có những tiếng bước chân đi,tiếng người thì thào đầu hiên nhà anh ,nơi tiếp giáp với nhà tôi , tiếng mẹ khẽ lay cha dậy .Có lần cha tôi bị bịt mắt dẫn đi giữa đi khuya ,một  tuần sau ông về, dáng lặng lẽ nhưng bình tĩnh hơn .Anh Thạch vẫn ân cần và vui vẻ với chúng tôi như mọi ngày .

Đất nước thống nhất, tôi về thành phố học sư phạm rồi đi dạy xa .Anh Thạch tặng tôi một cuốn sổ dày đóng bằng toàn những tờ giấy pơ-luya xanh đỏ trắng vàng ,trang đầu ghi mấy câu thơ của Tố Hữu,nét chữ của anh rất đậm,in hằn mấy trang sau :Yêu Bác lòng ta trong sáng hơn .Xin nguyện cùng Người vươn tới mãi ..Có lẽ anh đã gom  góp giấy và tự đóng tặng tôi .Tôi ghi nhật ký , chép những điều hay lẽ phải  vào đó .Những lúc chao đảo trong cuộc sống ,cuốn sổ lại nhắc nhở tôi phải vững vàng .Bạn bè, đồng nghiệp kẻ vượt biên,kẻ bỏ cuộc ,kẻ chuyển  trường , tôi cũng bị giao động  song cứ nhớ đến chiếc que trúc nhỏ xíu của anh ,tiếng anh cười cùng cục trong cổ,tôi lại cảm thấy xấu hổ .

Rồi anh vĩnh viễn đi xa,một chiều đông .Ngày ấy, tôi được về  nhà đón năm mới .Anh đi,thật lặng lẽ. Người  người đến thăm anh lần cuối ,nhưng chỉ có những khuôn mặt bình lặng ,vì có lẽ họ hiểu,anh chỉ đi với họ một quãng đường .Chỉ có lẽ một mình tôi đứng úp mặt sau bức vách hiên nhà anh với hai  dòng lệ tuôn trào .Sẽ chẳng còn dịp hè nào,tết nào gặp  lại anh và nghe tiếng anh cười . Căn phòng đọc sách lạnh lẽo. Khu vườn nhiều quả chín chờ xuân ngập tràn những sợi tang trắng

Lễ đưa tang ảm đạm quá . Tôi nhớ lúc chuẩn bị di quan , một ông bác hỏi khẽ : Có cô nào khóc trước cho chú ấy một tiếng  không ? Lặng  một  giây,rồi một cánh tay rụt rè đưa lên .Tôi thoáng thấy trong đám cháu gái trẻ trung,xinh đẹp của anh,có một đứa khẽ cúi đầu rụt cổ  cười , vì trong đầu nó hiện lên cảnh “ đưa tay xung phong lên bảng”    trường , nó phân trần sau này , nhưng nhăn mặt đau đớn khi bị mẹ nó thụi cho một cú đau  điếng .Tiếng khóc nức nở  của  bà lão ấy đã khiến mọi người bàng hoàng xúc động .Phải,  chúng tôi đang tiễn biệt một con người mãi mãi đi xa !


Nhà có nhiều giỗ trong năm nhưng con cháu  ít người có điều kiện về cúng  kiến, chị Hạ em và bà dì Năm quyết định tổ chức giỗ  lớn vào  ngày giỗ anh Thạch .Năm nay, là ngày mừng nhà mới của chị . Chị muốn dịp này nhắc nhở lớp con cháu tưởng nhớ một con người  chúng không được phép quên.Tôi đã thấy  cảnh các cháu chị Hạ em về ăn giỗ  hằng năm .Chúng kéo theo rất đông bạn bè thành phố ,trang phục đẹp đẽ, nam mang  từng thùng bia, nữ  bê theo những hộp bánh kẹo đầy màu sắc. Họ cười nói vui vẻ như thể  đang đi dự hội .Chỉ một vài đứa qua  gian nhà thờ thắp nhang,còn lại đứng háu chuyện ngoài sân . Ông cậu mày đẹp trai nhỉ .Chết trẻ hả .Xe tông hay bị  thuốc lắc  đè .Những tràng cười vô tư,nhưng tim tôi nhói đau



Không trách bọn trẻ vô cảm ,mà buồn vì chúng ta không có cơ hội nhắc nhở cho chúng biết .Chị Hạ em buồn rầu bảo . Cũng như tôi,những ngày lễ  tết sum vầy, mọi người trong dòng họ lại nhìn chúng tôi bắng ánh mắt thương cảm, ánh mắt của  người  đủ đầy hạnh phúc  ban cho kẻ chịu chút thiệt thòi .Có một bà bác nói trắng ra : Họ Nguyễn Thái nhà mình nhà nào cũng có một đứa ế chồng .Nhìn quanh quả đúng như thế .Một vết dớp mà tư duy của  xã hội phong kiến không biết bao giờ mới xóa bỏ .Nhưng chị Hạ em,người  chiến sĩ  cộng sản,ung dung đón nhận .Chúng tôi không quy ra số phận ,mà xem đó là một cách lựa chọn đầy chủ động . Chị đang giữa lúc gánh nặng việc nhà mà vẫn làm tròn việc nước . Và con người luôn bên cạnh,cho chúng tôi sức mạnh là anh Thạch , người cộng sản trung kiên của đất nước, người thầy nhân hậu và bao dung sau bức vách của tôi .

Như mong mỏi của chị , giỗ cuối đông năm nay,chị Hạ em sẽ tặng cho lũ cháu những cuốn hồi ký, ghi lại đầy  chân thực cuộc đời  tuổi trẻ ,ngắn ngủi nhưng thật đẹp đẽ và cao quý một con  thân yêu nhất trong dòng họ : MỘT CON NGƯỜI CHÂN CHÍNH 
                       
                                                    Dalat  Lễ Thương binh Liệt sĩ 2015 .


                                                



No comments:

Post a Comment