Friday, July 17, 2015

 NHỮNG MIỀN QUÊ NƯỚC 

3. NƯỚC MÁY THÀNH PHỐ

... Còn bây giờ, tôi về thành phố để  học làm cô giáo .Tôi đang đặt bàn chân lên từng bước các anh chị đã đi qua ,trên con đường mà cha mẹ  tôi -,những nông dân chân chất, cả cuộc đời vì con cái nên lấy tình yêu  giọt nước,yêu  tảng đất làm lẽ  sống , - định sẵn .


.Mẹ chúng tôi hoàn toàn mù chữ, còn cha thì trình độ văn hóa của ông chỉ đủ  đọc báo ,làm bốn phép tính .Nhưng ông dồn tất cả niềm tin vào những người đem ánh sáng tri thức đến cho lũ con : người thầy .Trong tờ thông tín bạ cứ hai tháng một lần đám con đem về , ông đọc kỹ từng điểm số , rồi trịnh trọng viết giòng chữ “Trăm sự nhờ thầy” trước khi ký vào khung “ chữ ký của phụ huynh” .Có lần tôi thấy xấu hổ và khổ sở    vì bạn bè chế nhạo, nhưng  rồi thấy vui vui vì người anh lớn đã đi dạy bảo rằng, anh rất quý những bậc cha mẹ có tấm lòng như vậy .Thầy cô trên trường hẳn cũng thế , anh kết luận. Mẹ vất vả vì đàn con ,luôn an ủi : Thôi cứ  ngày đêm chổng khu (mông )mà đẩy  . Tôi xa nhà mang theo khao khát của cha ,mang theo hình ảnh mẹ , dường như trong công việc lao nhọc nào của mẹ cũng ở  tư thế hai chân luôn choải làm trụ, lưng và đầu cúi xuống,hai tay nắm chặt một công cụ lao động, khi vung lên , khi đập xuống đất : xúc đất đắp mương, khởi động máy tưới, nỉa xới đất, bơm thuốc trừ sâu cho cây, thu hoạch rau ,gồng gánh rau từ vườn lên đường cái quan ... Cha tôi gửi tôi tá túc nhà một người thường  mua bán rau cải với gia đình . Họ có một vựa rau ngoài chợ Cầu muối, nhà ở quận Tám,nhưng mọi sinh hoạt có liên quan đến nước nôi  của cánh đàn ông đều thực hiện ngoài vựa ,vì ở đây mới có nước máy .Còn nơi tôi trọ học ,hằng ngày, có một người chở xe nước đến bán đầu ngõ .Tôi ngạc nhiên khi thấy đường qua lối lại trong xóm chỗ nào cũng lắp xắp nước và bèo li ti,mà nước muốn dùng thì phải mua .Lần đầu tiên trong đời tôi mới hiểu nước cũng là hàng hóa 
           Về thành phố lớn, đầu óc tôi còn vỡ ra nhiều thứ , gợi cho tôi nhiều nỗi sầu thấm thía .Bấy giờ ,tôi mới hiểu thật sâu đậm thế nào là sự  hy sinh âm thầm, là sự vất vả lớn lao của cha mẹ dành cho con

            Ở trọ trong nhà một chủ vựa rau ,  tôi luôn được ăn những món chế biến từ các loại rau củ từ Dalat  quê rau của tôi ,loại hạng nhất, thơm tươi, mỡ màng, trong khi đó, bữa cơm của chính người trồng chăm ra nó là những mớ rau gần như  bị loại bỏ .dập nát, èo uột ,vì nỡ lòng nào, vì nó được xếp vào danh mục bán và tặng biếu  rồi !   Rau loại một được thu mua tại vườn với giá mọi người cho là cao, nhưng về đến đây,giá ấy được đội lên tới bốn năm lần, chỉ phù hợp với thu nhập  của người  khá giả . Có hôm rảnh rỗi cùng bà chủ  ra đây lấy rau,tôi thấy chỉ cần một động tác từ  bàn cân đặt xuống, họ đã  thu về một khoản lãi khá lớn, bằng số tiền  mẹ tôi gom góp sau mỗi vụ rau !  Tại sao lại có sự nghịch lý như thế ?Thì Karl Marx đã bảo mà ,quy luật thặng dư  của kinh tế thị trường .Tôi thấy thương vô cùng cha mẹ, thương những người dân quê tôi ,và dậy lên trong tôi một trách nhiệm của  cô gái vừa mười tám tuổi : tôi phải học thật tốt ! Còn một điều ấm ức  nữa, chủ nhà rất thành thạo  khi tận hưởng  rau vụ nắng ,vụ mưa .Theo bà, rau vụ nắng ngon hơn rất nhiều rau vụ mưa ,là điều mà đến tận bấy giờ tôi mới biết .

         Những buổi trưa nắng đổ lửa đạp xe đến trường, tôi như thấy trước mắt một vườn rau xanh với những cánh lá vừa trải .Đó là dấu hiệu chúng rất cần được tưới nước  thường xuyên .Tôi thấy mẹ tôi lom khom chui vào căn chòi  nhỏ ,nơi đặt chiếc máy bơm Kubota nặng nề .Mẹ  loay hoay cuốn vào trục máy một sợi dây cước khá to và dai,rồi trụ hai chân, lưng cúi xuống, hai tay ra sức quay,quay mãi cho  đến khi cái ống sắt gắn đầu bên kia  tuôn ra luồng khói đen khét lẹt mùi dầu. Cha lúc ấy bước vào,phụ mẹ “ bỏ e”,tức là cài chốt máy,dấu hiệu máy  đã nóng.Lập tức , một luồng nước cực lớn và  mạnh phun ra từ một cái ống thứ hai trong máy .Cha lao ra vườn trước ,mẹ hối hả chạy theo sau . Trong đầu tôi  hiện lên hình cha đầu đội nón lá , tay giương cao vòi tưới nước , đứng thẳng lưng giữa các luống  rau
, trên cao bầu tròi chói chang, trông hiên ngang như những người lính cứu hỏa , suốt mùa khô.Còn đứng cuối mỗi luống là mẹ và các chị, quần xắn cao,chân tay bê bết bun, căng thẳng vì hai bàn tay luôn phải đỡ sợi dây tưới nặng chình chịch như con rắn dài ngoằng,mắt phải cân nhắc để “rắn” không đè nát rau,tai phải vểnh lên nghe hiệu lệnh tiến lùi,mà tiếng máy dầu nổ ầm  ầm như át đi tất cả.Có khi còn bị nạt nộ, la mắng, khi  ông lính nổi nóng .Những luồng nước rơi rào rào trên từng lá rau . Nước, nắng,gió, cả không gian trong lành, và trong đó, có biết bao giọt mồ hôi  mẹ tôi,cha tôi đã chảy , để cho cây rau mát ngọt  , giòn tan trong miệng người  thành phố .Bù lại,chúng tôi có những đồng tiền  để đóng học phí, để sắm sanh áo quần, sách vở , để se sua  cùng bạn bè .

  Khóa đào tạo cao đẳng  sư phạm ngày ấy  chỉ kéo dài vỏn vẹn trong chín tháng. Chúng tôi hỐI hả  học sáng chiều, nhiều hôm tối tối phải  tụ hẹn nhà một đứa nào đó để tập “đứng lớp” .Gào thét khô cả cổ họng,nhưng nơi chúng tôi tìm đến giải khát không phải là chiếc xe nước sâm gần cổng trường mà là …vòi nước máy sát bãi giữ xe ! Nơi tôi trọ có một bình lọc nước lớn, trông như chiếc  bình bơm thuốc sâu ở nhà Dalat,nhưng nó rất sạch sẽ, và luôn luôn  đầy ắp nước ,nhưng không hiểu sao , chẳng bao giờ tôi có ý định đong vào một cái chai nào đó đem theo đến trường mỗi sáng sớm .Với chúng tôi ,giòng nước máy ở sân trường cao đẳng sư phạm là vô cùng tinh khiết rồi !
                                                                    Dalat  ,tháng 7. 2015 



.

No comments:

Post a Comment