Ông Bọ của chúng tôi nay ở tuổi chín mươi ba, nhập viện mấy hôm rồi vì bị chứng tắc hoàn toàn động mạch cảnh trong bên trái. Cụ có hai con trai đều nghỉ hưu, một từng sống và làm việc tại Hà Nội, người kia thì định cư ở Thành phố Hồ Chí Minh mấy chục năm, nay đều đến sống trong một chung cư, người anh ở cùng cô con gái út gần ba mươi sắp kết hôn, vợ phải ra Hà Nội chăm dâu sinh con so, người em thì hai vợ chồng có một cơ ngơi riêng.Họ vẫn lên thăm ông cụ thường xuyên, và những lúc mà cụ thấy có thể đi chơi hoặc là những dịp lễ lạc của gia đình, ông con lại gặp nhau dưới đó.
Sau đám hỏi cô cháu dạo tháng tám năm nay, cụ lại xuống vì một đứa cháu đi công tác tại cao nguyên, ghé qua năn nỉ “ ông xuống chơi “, rồi cụ bị đột quị.
Cụ được chẩn đoán nhồi máu não cấp do tắc động mạch cảnh trong trái giờ thứ ba và được chỉ định can thiệp lấy huyết khối bằng dụng cụ qua đường động mạch.
Sáu mươi phút kể từ khi vào viện, mạch máu của cụ được tái thông hoàn toàn. Cụ tiếp tục được điều trị, chăm sóc tích cực.
Sau ba ngày,ông bọ của chúng tôi tỉnh táo, tiếp xúc tốt. Hiện, người bệnh đang được tập phục hồi chức năng tích cực
Các bác sĩ ở bệnh viện bảo đây là ca bệnh khó bởi là người cao tuổi, thành mạch đã yếu,
mạch máu đã "xuống cấp", và có biến dạng.
Cụ sẽ phải điều trị lâu dài hơn, do não tổn thương bị "chết"đi, cần thời gian điều trị tái tạo tế bào não.
Đột quỵ là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong và tàn phế trên toàn thế giới, đặc biệt là đối với người cao tuổi.
Tôi nghe những người đàn ông trong nhà, hai cậu em, các con của họ, rồi hai ông lão nhà tôi, chú Q. và ông xã, toàn là những thuật ngữ chuyên môn ngành y khó hiểu, khó nhớ, mà tính tôi lại chậm tiếp thu, nên đành nhờ ông xã cóp cho một đoạn trên internet. Có một điều tôi chú tâm, là câu cuối trong văn bản :"Người già có quá trình lão hóa cao hơn quá trình tái sinh nên việc điều trị sẽ kéo dài so với người trẻ". Như vậy thời gian để ông cụ tôi được về gặp các khách hàng thân quen trong quán cà phê ở Thung Lũng Cần Tây này hẳn còn xa lắm . Việc đầu tiên là chúng tôi chuyển tất cả những khoản tiết kiệm cụ có cho hai người con của cụ, sau đó là đi tìm thuê một người phụ việc. Chú Q. sáng sáng đi dự thánh lễ sớm , mọi khi thỉnh thoảng ông vẫn đi, dốc lòng cầu nguyện cho người anh hiền lành mạnh mẽ chịu đựng những con đau và theo ông “ kiên trì vác khổ giá của người già “
Tôi ngồi mở trang word và gõ ngay những từ đầu tiên, đó là “ bây giờ sức khoẻ là kim cương”.
Bà bạn thân thiết của tôi nhớ lại : năm 2010, ông bố đỡ đầu có được một khoản dôi dư do nhiều năm dành dụm lương hưu , mới quyết định tặng bà này ,mục đích của ông là “ để phòng lúc ốm đau”. Bà bạn hỏi tôi nên gửi tiết kiệm hay là làm sao ? “ Làm sao “ có nghĩa là “ mua vàng để dành “. Vì số tiền lúc ấy có giá trị bằng sáu tháng lương ì ạch dẫn xe đạp leo dốc đến trường của bà này ( dù mỗi tháng năm triệu là khoản thu không hề tồi ) Tôi đùa : thôi bồ mua .. kim cương đi ! Bà này bèn hỏi ý kiến nhóm học sinh ,từng là đội viên thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh mấy chục năm trước,nhân chuyến họ lên cao nguyên nghỉ mát vào đầu năm học năm ấy,một nhân vật tên Chiến, khuyên ngay : để dành bằng vàng là tiện nhất.
Bọn tôi chưa bao giờ được trực tiếp ngắm một viên kim cương ( có biết sơ qua trên tivi,hay báo chí ) cả hột xoàn,hay ngọc trai thật.Bạn tôi còn nói nửa đùa nửa thật: mãi đến khi bán một phần nhà vào thời gian cách ngày ấy năm năm ,tớ mới có cảm giác cầm trong tay …một trăm triệu. Phải,với những kẻ nhọc nhằn mưu sinh nhờ đồng lương nhỏ nhoi thì những món gọi là cao cấp như thế mấy khi mà được chạm đến, hoặc có nghĩ đến cũng chẳng bao giờ .
Bà bạn cầm món tiền ấy rủ tôi dạo một vòng phố thị, cuối cùng thì rồi sắm được khá nhiều những chiếc
nhẫn đeo tay, và không ngờ, với món nữ trang quí giá ấy, bà già này đã có thể cầm cự trong những tháng ngày dài nằm viện vì chứng bệnh nan y khó chữa và tốn kém . Tôi lại đùa, giá mà mua kim cương như tôi chỉ vẽ hẳn còn có nhiều công dụng hơn nữa. Nhưng bà bạn bỗng trầm tư suy tưởng. Người Việt Nam, nhất là các ông bà cụ luôn có tâm lý : làm khi lành để dành khi đau. Dù ngoài món nữ trang quà tặng đắt tiền , thì cả gian nhà phải ra đi để đổi lấy sự sống thể xác và tinh thần của chính bản thân mình. Mới thấy sinh mạng con người quí giá ngần nào .
Sau ngày lễ Quốc Khánh, nhà người chị của bà bạn tôi đang rộn rịp con cháu ở xa về,khách ghé homestay để “ đổi gió” bỗng vắng lặng. Bọn tôi ghé đây để hẹn bà bạn vì … không dám tạt qua nhà . Bà chủ kế bên luôn có sẵn một cây chổi ở hiên, lập tức bước ra quét và theo dõi khách là ai từ khi họ thò đầu vào cổng rào , bao nhiêu người, đến để làm gì , ngồi chơi bao lâu . Khi không tiện vừa quét hiên vừa đón khách thì bà chủ sẵn sàng lên hàng lang trên tầng lầu,nhìn chòng chọc và khuôn cửa kính ra vào, và kiên nhẫn chờ chúng tôi bên trong … Bọn tôi phòng xa không phải cho chúng tôi,mà cho bà bạn già . Biết đâu rồi .. Thôi tôi không dám nghĩ tới, bởi Hoa Tre ở xa mấy trăm cây số không quên nhắn tin nhắc mỗi tối trước khi bà lão Đu đủ này đi ngủ :Hôm nay chị có hỏi han chị B, xem chị ấy thế nào không ? Chị gái bà bạn gặp chúng tôi thì thở dài : xóm mình mới thoáng mà đã ba người đi về với ông bà . Hai cụ là thế hệ kế tiếp thân sinh các bà lão này, như vậy người chị đã vươn lên thế hệ “ dẫn đường “rồi . Tôi đùa, nhưng chị nghiêm trang bảo : còn tới mấy người nữa ấy chứ , rồi chị đọc tên ra . Chị ngậm ngùi bởi cô gái thứ ba vừa đi xa,chỉ mới tuổi ngũ tuần, là một hàng xóm khá thân thiết với chị. Chị bảo, từ lúc cô này ốm liệt,chị bỗng ngại đi khám hằng tháng, vì không có ai đi cùng . Thảo , cô con gái lớn che miệng bảo nhỏ : chứ đâu có kêu là tao sợ tốn tiền . Thảo kể như muốn cho khách biết trọng trách mình được các em, bốn người-,mà ba đã có gia đình,con cái,- giao cho, rằng phải nhớ mỗi tháng đưa mẹ đi tái khám.Nếu sợ chờ lâu thì khám ở “phòng yêu cầu..” Hẳn nhiên tài chính thì cả mẹ và Thảo không phải lo. Vậy thì ổn quá rồi.
Gặp bà bạn này ở nhà chị gái, bà kể : tớ từng trồng hẹ sau khi ăn hết hành dạo sau tết - à,trồng vào ngày 1.6. 24 , cái ngày bọn tôi bị bắt làm con tin- nhưng do mưa nên không lớn, tớ bèn chuyển sang trồng cây rau ngót. Trồng vào tháng tám , nay hẳn bén rễ rồi . Một thứ bảy tôi mò đến để giúp bà này lau nhà,quét dọn,vì sau một trận ốm, bà này than thở , tôi thấy tội nghiệp quá. Hồi trước , khi còn ra lớp, tôi làm việc bên Vườn Hoa thành phố, bà này vẫn cố thu xếp qua “ tổng vệ sinh “ hộ tôi. Tôi có một “ ổ chuột “ nho nhỏ, vì đi lang thang cả ngày, tối mới mò về chỉ để báo cáo cho ông bà trên bàn thờ biết mình có mặt và .. hết, nên tôi không mấy bận tâm nhà cửa thế nào . Một hôm bà bạn ghé chơi, kinh hồn khi thấy tôi bày biện tứ tung, như một gian hàng xén, và sững sờ hơn khi hễ bà ấy cần món gì, là giữa trận đồ bát quái ấy, tôi vẫn nhặt ra món cần cho mình và cho khách. Bà bạn kia khen : Hồi tớ đi sinh hoạt hướng đạo,có trò chơi Kim,tức là bọn tớ được dẫn đến một gian bày hằng trăm món, rồi ngắm nghía và phải nhớ, sau đó khai báo lại. Có một đứa xuất sắc vô cùng, ờ bà Vĩnh Tiến ấy. Không ngờ bây giờ lại có kẻ thứ hai - Nhưng khi bà này đi tìm chiếc khăn mùi soa để quên cả tháng, đầy bụi bám thì ..le lưỡi .. vì thấy khăn vẫn nằm y nguyên chỗ cũ .
Tôi trở lại câu chuyện vườn ngót . Thấy vườn rau ngót đầy cỏ, hình như từ lúc trồng đến nay chưa hề chăm sóc . Trời thì mưa, và người thì bệnh.Mở ti vi nghe bão lụt kinh hoàng ngoài Bắc, nhà đổ, cầu sập, người chết,thật đau lòng . Chúng tôi ngẩn ngơ nghe những bản tin thấm đẫm nước mắt,lòng người này cũng cảm nhận rõ những nỗi xót thương, đồng cảm, chia sẻ trong lòng người kia . Bà bạn bỗng bồi hồi nhớ lại những dạo hè chuyển qua thu như thế này,ngoài Trung lụt khủng khiếp, bọn học trò bê những chiếc thùng giấy cứng đi khắp các hang cùng ngõ hẻm trong thành phố để quyên góp cứu trợ. Mỗi người tặng tiền được nhận một mẩu giấy in nho nhỏ,có khi được cài luôn lên áo . Tôi nhớ khi ngồi xếp đống sách báo cũ ở nhà chú thím Toàn, lúc họ bỏ đi vượt biên, để lại ngôi nhà trống hoác và rất nhiều sách, có một chị làm ở ngân hàng ngoài đường Hàm Nghi cùng với chị Châu đến giúp, bỗng vơ phải một cuốn “ Em học vần” lớp năm ( lớp Một bây giờ ), có từ năm 1963, và chị lật ra một trang , đọc to : Trời làm lụt lội/ dân đói lầm than/ hạt cơm ta bớt/ dân làng đỡ lo . Bài học ghép vần L thật khéo léo, vì vừa dạy văn hoá vừa giáo dục lòng nhân ái. Sáu chị kia cùng ngồi thần người ra.Họ đang sống giữa năm 1979, với biết bao bận tâm về một thành phố vừa hồi sinh sau chiến tranh . Bây giờ,mấy chục năm sau, gặp lại các chị lạc quan hơn, vững lòng hơn, và mừng mừng tủi tủi . Bởi qui luật cuộc sống là thế, để có một nền thịnh trị thì hẳn có một giai đoạn giao thời với nhiều biến cố khó lường. Dịch hoạ từ Covid 19,nay thì thiên tai, mà con người vùng đất “ sáng chắn bão dông, chiều ngăn nắng lửa” vẫn kiên gan cùng năm tháng”.
Vườn cây rau ngót, bọn tôi , Tre và hai đứa tôi, quyết chăm cho tốt, để có rau ăn,mà cũng để an ủi bà lão, vì vườn chuối vốn không phải là sở hữu của mình,chỉ là mượn thôi, nay có mấy buồng chờ ngày chín, thì cả bọn cùng nhất trí, thôi trả cho người ta.Chăm vài chục bụi rau là được. Ở đây còn có mấy gốc chanh, chưa ra hoa, có cây chanh leo,rồi mấy bụi lá mơ…
Tôi bỗng nhận ra một điều , đến khi Hoa Tre thổ lộ,tôi mới hiểu, rằng ở thành phố này, xứ ngàn hoa, mà không mấy khi bắt gặp những chiếc xe đạp đưa hoa từ vườn ra phố bán cho khách, còn cư dân ở đây có mua hoa thì mua loại hoa để thờ cúng, chả bao giờ ,tôi hiểu không biết đúng hay sai, mua hoa về bày biện mà ngắm.Hẳn bước ra hiên là đã có hoa nở đầy mé sân, lối cổng, hai bên ngõ vào nhà rồi.Bà bạn tôi cũng không trồng lấy một bụi hoa,có hai khóm hoa cứ lâu lâu mới nở,là những cánh hoa lan rừng, và hoa leo.. sao tôi bỗng quên tên nhỉ, một màu đỏ , một màu trắng,còn trong nhà thì có nhiều bình hoa hồng vàng bằng vải và nhựa. Lý do thế nào, tôi không dám hỏi. Ai cũng có những nỗi niềm không thể ngỏ cùng ai . Bạn tôi chỉ bày hoa giả trong nhà, không dám trồng hoa thật vì hẳn hiểu rằng hoa thì chóng tàn . Có lẽ vậy.
Hôm qua, một sáng nắng đẹp, bà bạn ra dọn cỏ.Lúc ấy tôi gọi điện hỏi han,do rỗi ở quán cà phê, độ chín giờ.Bà này bảo : Sao biến mất đi đâu độ năm sáu cây. Lối này tớ trồng trước nhất khi người ta giao cây, nên chọn cây khoẻ . Bỗng nhiên như có thần giao cách cảm,Tre cũng gọi ra . Thống nhất là : sâu cắn . ! Hoa Tre vốn nhiệt thành, vội hỏi han : hồi trước chị đặt mua chỗ nào, giờ gọi họ giao cho vài cây trồng ngay cho kịp lớn, với lại đang mùa mưa nè. Xướng lên như thế có nghĩa là “ em sẽ mua ủng hộ chị”. Tôi bèn hùa theo: mà tớ thấy trồng ở vườn cách quãng xa quá, dễ làm chỗ cho cỏ mọc. Cấy thưa thì thừa thóc, nhưng cấy dày thì cóc được ăn . Vậy thì ..ừ thì trồng dày lên, cho đỡ cỏ. Tre chốt đơn. Giờ đặt mua thêm, trồng dày, cây nhiều, vì như thế tiền ship sẽ nhẹ bớt. Xem ra bà già vườn rau ngót có vẻ vui, ừ để nhổ cỏ xong rồi tính,có thể phải đến mai mới tính ra. Tối đến Tre gọi cho tôi, giọng thì thào nghiêm trọng : chị có sợ mua thêm cây cho chị ấy, thì .. “ sâu cắn “ cây tăng lên không ? Em hơi lo, vì chỗ ấy gần xịt bên sân hàng xóm hà . Tôi cũng thì thào, cứ như có ai đó ngồi rình nghe lỏm, thì phải trồng chứ , lỡ mà “ sâu cắn “thì lại kiếm cây dặm vào . Tre hơi xót, một cây năm ngàn chứ chị, vì người ta ươm ra bầu cứng cáp lắm rồi .. Tôi làm bộ liều : kệ, sâu cắn tới đâu, thì trồng lại tới đó . Tôi còn nói ra vẻ như chị hai của Hoa Tre : bà ấy giờ còn niềm vui nào mấy câu rau ngót. Bọn mình không thể thấu hết những đêm nhức buốt ruột gan, những cơn sốt chảy máu cam của bả, thì tiếc chi mấy cây rau nhỏ xíu đó. Đây là cách xoa dịu những cơn đau của bả.Giờ bả còn ai đâu,ngoài tụi mình .Có nhà bà chị kế, nhưng tụi mình ghé thăm nhiều lần,mỗi lần về là lòng nặng ưu tư. Bởi gia đình của chị với nhiều lo toan đặt cả lên đôi vai gầy của chị,làm sao là chỗ dựa cho cô em bệnh hoạn này được . Hoa Tre dường như gật đầu thấu hiểu .
Bà bạn xem ra bình tĩnh hơn chúng tôi, vì đã có nhiều kinh nghiệm, cái quí nhất là cây ngót,nhưng quí hơn là con người . Đâu vì năm cây rau giống bé tí bị “sâu cắn “ mà mất ngủ .. Sáng ra, bà này đi đặt cây trên shop mãi ngoài vùng Phú Thọ,phải lần tìm vì đặt đợt trước rồi làm lạc số điện thoại shop này. Có nghĩ là bị “ sâu cắn “ đâu cơ chứ ! Rồi ung dung ra vườn đào lỗ,chờ cây giống mới sẽ về sau dăm ngày nữa .
Nhưng bên kia có người mất ngủ . Sáng dậy, sương mù giăng trắng xoá như có người tung bông gòn ra dựng hoạt cảnh chốn thần tiên, báo hiệu chiều sẽ có một cơn dông, họ hối hả tìm người gắn camera mới toanh, chĩa vào luống rau nhà bên. Bà bạn tôi cứ từ tốn nhổ cỏ, đào lỗ, bón phân, và lòng thấy nhẹ nhàng, vì có người ủng hộ cây giống,nay lại có mắt thần canh chừng.
Tôi nhớ khi chúng tôi ngồi nhắc đến món quà đầy ý nghĩa đó của người cha tinh thần năm xưa, dạo sau lễ Quốc Khánh năm nay, thì mọi biến cố - từ sau khi người em trai bà bạn đi xa- đến và bây giờ thì, theo cảm nhận trực giác của tôi, đã đến hồi kết . Tôi tấu trình với Hoa Tre như Táo Công ngày hăm ba tháng chạp dâng lên Ngọc Hoàng : bà lão này đã khoẻ lại sau một trận bị rối loạn tiêu hoá , thời khoá biểu như mọi ngày, sáng đi bộ, chiều tập thiền, viết mỗi ngày một vài trang bịa chuyện trên trời, dưới đất, rồi làm vườn . Tôi không quên bổ sung : hai tháng rồi có người đóng tiền điện cho, chắc chắn không phải tôi, Hoa Tre hay những người đứng tên trong hồ sơ, người con chị thứ.Hẳn chính quyền địa phương đã thấu cảnh ngộ của bà này . Ba người chúng tôi vui vô cùng, niềm vui khó tả thành lời . Chúng tôi không thể không nhớ nguồn cảm xúc trào dâng khi nghe vị Bí thư Tỉnh Uỷ hứa “ sẽ đem nắng đến “. Xin chân thành cám ơn Ông.
Khi giao chiến, hẳn ai cũng mong phần thắng về mình . Nhưng bọn tôi cảm thấy mình thua và lại nghĩ : thua như vậy mà lại hay . ! Chắc chắn tôi sẽ không bao giờ quên tiếng khóc nấc như oán trách, tức tưởi , như dồn nén vì một nỗi đau đớn cùng quẫn , bế tắc, cam chịu, cả bất lực,khi tôi có ý định nhắn tin cho một người,- mà tôi thì biết rõ anh ta nhưng có thể người bạn này sẽ bảo khi gặp “ con không nhớ nổi,lâu rồi cô à”- thì lại bấm nhầm qua nút gọi. Tôi ân hận lắm, vì chính chúng tôi, và cả đấng sinh thành ra người thanh niên trẻ trung này, có lỗi đẩy bạn ấy vào cảnh ngộ bi thương này .
Nhưng tôi đành thú nhận: tôi làm thế vì muốn kéo dài sự sống cho một người mà tôi vô cùng yêu mến. Đó là người thứ năm sau hai ông bố và mẹ tôi,cùng ông xã .
Vì tôi hiểu, không có gì quí bằng sự sống của con người .
Dalat, ngày cuối thu 2024.
Thu Giang .
No comments:
Post a Comment