Thursday, September 14, 2017

NGOI NHÀ MÀU TRẮNG (P4)

                              NGÔI NHÀ MÀU TRẮNG ( P4)

                Lần há miệng đó là tôi muốn  chia sẻ  một cảm nhận khá mới mẻ của tôi , về những phụ nữ người dân tộc  thiểu số ở Lâm Đồng,để “liên hệ” cụ thể hơn trong mạch đề tài tìm thân nhân của gia đình Hoa Tre .
            Tre  rất mê hoa cỏ, chim muông, cây lá, còn tôi thì mê  tiểu thuyết, thơ ca, đàn hát.  Nhớ hồi còn bé con,     tôi luôn thấp thỏm chờ được các chị làm công trong nhà dẫn đi coi tuồng hát bội mỗi đêm, khi   những đoàn hát rong này đến diễn ở “nhà thông tin”, một gian nhà rộng  như hội trường, chung cho cả hai ấp, bây giờ là vị trí đối diện với trường Phù Đổng, bên kia đường Lý Nam Đế. Diễn viên đa số còn rất trẻ, nam nữ khi ra sân khấu  tô son đánh phấn rực rỡ, xiêm y  của  tiểu thư công  tử thật lộng lẫy, nhưng ban ngày  họ lần xuống thôn tôi mua rau củ, mắm muối , có khi còn xin  que lẻ củi cây để nhúm bếp, trông họ gầy gò, xanh xao và tàn tạ .Họ có lẽ đến từ một miền quê, có cùng một giọng nói,  ai cũng xưng hô thân mật, anh em  ngọt lịm,chứ ở nhà tôi, chỉ có  ba tiếng ngôi  thứ nhất là “con”  với cha mẹ, người đứng tuổi , với thầy cô ở trường và “tui” với tất cả những người còn  lại, mi tau với bạn cùng lứa, bất kể nam nữ, chứ “em” là đại từ ngôi  hai  lẫn một hiếm khi dùng, có lẽ vì nó đi theo một ấn tượng đầy cảm xúc nào đó .
                Có một lần và từ đó tôi không được dẫn  đi coi tuồng nữa. Hôm ấy tôi rủ Tre qua chơi nhà một người bạn gần chùa Linh Giác, nằm trên ngọn đồi sau trường. Khi về thì mắc mưa, chúng tôi tạt vào mé hiên nhà thông tin để trú chân .  Khu  hội trường ban đêm chứa hằng trăm khán giả, ngồi lên những tấm ván kê trên  các bi củi lớn làm ghế, ban ngày các diễn viên  sắp xếp lại thành chỗ ăn ở .Hai chúng tôi khênh một bó mía ba bốn cây khá  dài mà cô  bạn  rủ ra vườn cho bẻ, nhưng vội chạy mưa , không kịp đốn ra nhiều đoạn, bây giờ nấp mưa nên một cây  bỗng vướng vào kẹt cửa .Tre  nghiêng cánh cửa khép hờ để chỉ dẫn cho tôi hướng kéo  ngọn mía ra, bỗng nhiên nó đột ngột  bỏ tay xuống, quay đi, miệng bảo tôi, thôi bỏ đi chị. Tôi ngạc nhiên  hỏi, ủa sao vậy, tao sắp lôi ra được rồi nè . Rồi tôi cũng thò đầu vào, nhìn há hốc. Trên sàn ván, những đôi  đào kép đang say ngủ,  có một người  đàn ông nằm nghiêng, bàn tay đút vào trong  ngực áo cô gái nằm ngửa bên cạnh. Hồi đó Tre học lớp hai trường làng, tôi đã là nữ sinh đệ ngũ (lớp tám ) rồi, mà cách hiểu về cuộc sống của tôi rất ngô nghê  .  Lát sau cả hai cũng lôi được ngọn mía ra, đứng chờ  mưa tạnh thì vác về, đọc đường cứ lo “bị lây bịnh”, vì theo Tre, cái kiểu như thế là đang …khám bệnh. Tối đến, vừa cơm nước xong, cha tôi đã sang bên nhà anh Thạch, các chị chuẩn bị  đèn đuốc,áo ấm  và tiền mua vé, tôi ngần ngừ từ chối khiến họ rất ngạc nhiên.  Vừa lúc đó cô Mười  lại hối hả xách đèn bão xuống,  thì thào với đám phụ nữ khá lâu.  Tôi thoáng thấy mặt mẹ tôi tái đi, còn các chú thì lại  cười cười  khó hiểu  Bây giờ,  tôi   thấy cảm thương  những con người sống tha phương cầu thực ấy, cùng một lứa bên trời lận đận . Dù sao  cũng là tình người cùng quê, cùng cảnh .

 Các “lão tăng” của chúng tôi là những tín đồ Tin Lành, sốt sắng việc đạo, việc đời, nhiệt tình “đi nhóm” ( là cách  gọi đi dự các buổi lễ được tổ chức tại nhà thờ ). Nhưng có những buổi họ không được đến, vì hội thánh chỉ dành riêng cho phụ nữ chúng tôi mà thôi.   Phụ nữ toàn tỉnh, từ thanh niên đến lão bà, hối hả trên những chuyến xe buýt dài ngoằng từ các huyện kéo về, có khi đến con số cả ba ngàn. Người các dân tộc  chiếm đa số. Họ  có chung một kiểu  trang phục duy nhất là váy xà rông đen  và áo sơ mi trắng .Họ có chung một trang sức là những chuỗi cườm kết thành những hoa văn đủ hình dạng, màu sắc chủ yếu là trắng đỏ, pha đen, vàng. Chung một kiểu tóc rẽ ngang trán,  buộc gọn đuôi tóc dài lửng sau lưng.Chung một dáng người cân đối, khỏe mạnh. Chung một tia nhìn chân thật, chung một nụ cười hiền lành,  đặc biệt chung một giọng hát rất cao, thanh và   thành kính .Với họ, hát là cầu nguyện. Tôi đã nghe thánh ca nhiều lần, nhưng đến đây thực sự là “xem thánh ca” .Họ hát bằng ngôn ngữ của dân tộc họ, khuôn mặt  lộ rõ sự cầu xin,tin tưởng, biết ơn khiến  người  đến dự đều hiểu và thấy xúc động.Họ sống giữa xã hội của người Kinh nhưng vẫn có những bức tường thành cho riêng mình, đó là cội nguồn giòng tộc. Các cô Mười và Út dẫu đã mấy chục năm làm người miền đông, qua cao nguyên trung bộ, rồi về  miền tây Nam Bộ, nhưng giờ biết gốc gác là vùng quê nắng gió Hà Tĩnh, mà không thể tìm về, thì buồn lắm chứ .
  Mẹ tôi  theo cha tôi và cả anh em chú bác bên chồng vào Dalat, thế là đành xa  quê vì  mưu sinh, rồi vì thời cuộc. Sau ngày  đất nước thống nhất, các anh cứ loay hoay lục tìm một địa chỉ nào đó để gửi thư nhưng cảm thấy thật mong manh. Cha tôi biết cụ thể về nơi công tác của người con trai của ông Cửu Miên, nhà văn Nguyễn Thái Huyền, công tác ở Ty Bưu điện Quảng Bình. Nhưng giữa bên nội và bên ngoại là một khoảng cách lớn. Bỗng nhiên có thư từ một người con lớn của cậu tôi. Anh  hơn các anh tôi một vài tuổi, khi mẹ tôi chưa xuất giá đã từng bồng bế anh, nay đang công tác ở Đoàn khảo sát thiết kế, cơ quan đóng ở Chúc Sơn, Chương Mỹ, Hà Sơn Bình, còn nơi anh sống là 135 Nam Đồng, Hà Nội . Vợ anh ở trong quê  Đô Lương,   cũng là  một cô giáo cấp ba , cùng  hai con nhỏ . Không còn gì vui  hơn. Thư anh gửi qua địa chỉ từ khi nhận được bưu thiếp cha tôi gửi trước năm 1954, nhà vẫn ấp Nghệ Tĩnh, còn giòng họ Nguyễn Thái thì đông đảo  …Mẹ tôi nôn nao chờ ngày về thăm quê, cũng mong    cậu hay dì vào thăm, nhưng chỉ gặp bà con bên nội .Người con trai cậu  giải thích là các o  ( các chị của mẹ tôi ) đều đã già  lắm rồi, vì mẹ là con út trong nhà, còn cậu thì qua thư, cậu tâm tình, muốn vô thăm các cháu, chỉ vì họ chứ không vì hàng.Có lẽ cậu tôi cũng bị tổn thương  bởi một ai đó . Mãi ngày giáp tết, người con cậu quyết định đón mẹ tôi về quê cũ. Hôm ấy, tôi vừa được trường Đống Đa cho nghỉ tết, nửa muốn xin đi cùng, nửa lo lắng vì chuyến đi sẽ kéo dài  qua rằm tháng giêng. Vợ chồng cậu Bé vừa sinh con gái đầu lòng, các anh tôi cũng bộn bề công việc nhà trường, chỉ ước giá chi là hè.  Thế nên mẹ tôi về quê một mình . Chuyến xe chỉ có ba người, anh tài xế trẻ và hai cô cháu. Các anh tôi bảo với  ông anh họ, mẹ đi xe “chì” lắm, anh không phải lo, dù  chiếc xe đón mẹ tôi thuộc dạng xe jeep, gió bốn bề lồng lộng, xe lên  đường trực chỉ về phương bắc, nơi  có một mùa xuân rét mướt đang về với bao kỷ niệm êm đẹp , ấm áp tình thân của mẹ tôi . Đó là chuyến hồi hương duy nhất trong đời mẹ tôi. Nửa đời tóc ngả màu sương, nhớ quê anh lại  lên đường thăm quê . Tố Hữu tìm về mảnh đất  chôn nhau cắt rốn của mình khi  đầu đã hai màu tóc, mẹ tôi lúc ấy cũng gần   ngoài sáu mươi .Và  đúng là ngay ngày đình  họ Nguyễn Thái cúng rằm  đầu năm,  mẹ tôi mới có mặt ở nhà . Cụ tìm thăm hai họ nội ngoại, gặp những con người thân yêu sau hơn nửa thế kỷ . Chuyến vào Nam ở tuổi đôi mươi, đi bằng xe lửa, mẹ tôi kể  lại trong những ngày mưa bão, con cái xúm xít ở  gian buồng  của cánh phụ nữ để vá   sửa quần áo, chần  ( may thêm một lớp vải mùng vào bên ngoài lớp chăn bông ) chăn, phải chầu chực ở ga Vinh nhiều đêm, lần đầu tiên mẹ tôi thấy bóng dáng “ông tây bà  đầm”; chuyến về có con cháu  đón đưa tận nhà, lại được ghé thăm những nơi mọi người mơ ước, lăng Bác Hồ, cầu Bến Hải,thành nội Huế , khi đất nước hoàn toàn độc lập. Tết năm ấy, mẹ tôi còn tranh thủ tạt qua Sài gon, ghé thăm và cám ơn vợ chồng ông chủ vựa rau ở Cầu Muối, gia đình chị Châu đã cưu mang tôi  những ngày tôi về đây làm học trò , điều này không ai nghĩ đến, thật là thấm thía. Mẹ tôi thì  bảo, có dịp nào đi nữa đâu. Chị Nhụy bảo, mẹ gan thật. Bà chị “ kiêng dấu ngã” của tôi chưa bao giờ dám về thành phố đô hội này một mình, dù đám con chị nay đang có ba người , tuổi đều ngót nghét ba mươi, ở trong đó . Mẹ tôi khi từ Nghệ  quay vào Nam, đến  Đông Hà thì  người cháu phải sang Lào,  mua vé cho  bà o  về  Dalat, lo lắng là chỉ có vé đến Sài gòn thôi, và nghĩ một bà lão cả  cuộc  đời chỉ quẩn quanh dưới mấy rặng thông, để bà lẻ loi giữa Sài gon trăm ngả, làm sao bà có thể mua được vé để đi  về cao nguyên? Mẹ kể, nhờ xe xích lô đưa đến chợ Cầu Muối, hỏi thăm vợ chồng Ông Lầu. Sau đó, lại nhờ ông đèo qua 71 Can mét ( đường bác sĩ Calmette), nhờ họ  chỉ nhà chị Châu. Đường nơi miệng chứ ở đâu. Ra đường thì hỏi kẻ tra ( già ) .  Nói người Sài gòn “xé áo lấy chỉ”, nhưng mình tử tế ,họ cũng tử tế với mình . Đó là triết lý sống của mẹ tôi . Bây giờ tôi mới thấy mẹ tôi thật “chì”.  Các con của mẹ thua xa nhé.
      Dịp tết năm nay, mọi người mới có cơ hội về thăm quê, cúng  viếng tổ tiên. Một đoàn đông lắm, riêng  hộ 41 của mẹ tôi  đã có các ông con trai, chị cả, rồi chị Hạ Em. Chị Thủy hàng xóm  cũng đi nhân tiện thăm thông gia ( cậu con trai chị cưới vợ ở Hưng Nguyên, Nghệ an ). Tôi cũng   muốn đi, bà Nhụy giận dỗi, ừ đi hết đi, tui ở nhà … chết một thân tui cũng được.  Chị ấy  đổ bệnh từ trước tết . Hai bà  chị tôi  đành   bảo tôi, thôi dì đi dịp khác. Bà Nhụy vui lên, rủ rê, bữa nào tao rảnh  hai  đứa mình đi Phan   Thiết với bà Canh, bà Kem.  Nhưng đến bây giờ vẫn chưa đi được. Chị tôi chưa rảnh .
    Một  bữa tôi đang lui cui dán hộp chợt có tiếng chuông báo điện thoại có tin nhắn. Chắc tin  báo nạp tiền khuyến mãi, hay các thứ linh tinh như thế, nên tôi không buồn lục túi mở xem. Tiếng chuông gọi.  Của  Tre. À, nó muốn mình đọc tin nhắn đây.  Sau tết chị em mình đi Daklak một chuyến nhé, em bao  . Chà, Tre quyết tâm tìm họ hàng cho hai bà mẹ đây. Lại một hồi nhắn tin liên tiếp, ba tin , với số máy rất quen. Toàn bằng tiếng Pháp,  đại loại, Toa  có  cái nhà trắng đẹp quá . Nhà chi của tui, của người ta chứ bộ. Moa  sẽ trọ bên ông Canh một tuần, và ông Kem một tuần. Kệ ông. Mắc mớ chi mà toa moa với tui.  Nước mắt tôi  bỗng dưng ứa ra, tức tối, tủi thân.Xây thành đắp lũy cho cố xác  vô . Có lẽ dùng tiếng Pháp để bà Đu Đủ không thể đọc ra.  Trước đây, họ đã  cự nự nhau một phen quyết liệt lắm rồi mà . Tôi cứ điềm nhiên  vớ lấy keo hồ, tính dán tiếp nhưng ông Nam   không ngờ đã theo dõi mọi  biến đổi trên khuôn mặt tôi, đứng dậy đi tìm hai cái nón bảo hiểm, khoác áo ấm và chuẩn bị đẩy  chiếc Dream cũ kỹ ra sân. Để tôi đưa cô về, xe đạp mai biểu ổng sang mà rinh . Tôi không thể ngồi thêm, vì ông Nam vốn thẳng tính, nói là làm . Tôi đành đứng dậy, thôi để tôi đạp xe về được mà.
  Tôi đẩy xe lên hết con dốc Mai Hắc Đế, đến  cổng nhà thờ Mai Anh thì va phải một người  khoác áo phao màu xám tro  đang đứng co ro ở đó, miệng cười hề hề . Tôi cứ đạp xe đi thẳng .
                                                 Nguyên Xuân.

                                            

Wednesday, September 13, 2017

NGÔI NHÀ MÀU TRẮNG (p3)

                    NGÔI NHÀ MÀU TRẮNG …( phần 3 )

    Tòa lâu đài màu  trắng như  một bức tường thành sững sững ngay trước cổng nhà tôi , mang đến cho nơi tôi ở một địa chỉ mới, lại mở ra  một con đường mới vào nhà . Lối  cũ chỉ  nện đất , nay đã được rải thêm mấy lớp xà bần, rồi đang đổ bê tông, đủ  rộng để ô tô  ra vào ngôi biệt thự có tới  ba mặt tiền này , ô tô cũng có thể lên đến tận sân nhà tôi. Muốn đi Sài gòn bây giờ chỉ cần xe gọi là ra cổng. Tôi hồ hởi khoe với  vợ chồng bà Đu Đủ và người thân của họ như thế  khi  cả ba đến thăm tôi và dùng  chung bữa  cơm  trưa .
               Người thân đó là ông bố dượng của bà vợ . Sau khi ổn định cuộc sống  gia đình,   bà bạn tôi liền tìm cách đón ông cùng về sống ở Dalat . Miệng thì bà ta bảo , đón ông vô “ đổi  gió” một thời gian, nhân tiện giúp ông cai thuốc lào,nhưng tôi biết  bà này không muốn ông cứ như chiếc lá dật dờ, lúc ra Bắc, lúc vào Nam, sống với gia đình hai người con trai cùng mẹ với Giang, là những   công chức, bộn bề việc chung, việc riêng . Bà Đu Đủ xòe tay , nhà tao bây giờ có đủ ba thế hệ nhé, U 80, 70, 60 đủ cả . Rồi thì thào, sẽ có U50 nữa .
               Thỉnh thoảng ghé quầy tạp hóa hay nhà riêng, tôi bắt gặp một phụ nữ độ tuổi Hoa Tre, khỏe mạnh, sắc sảo, là chủ kho hàng Giang thuê tháng để dự trữ đồ đoàn, sống đơn thân, có một  cô con gái thuộc lứa thích ô mai. Chị này còn là mối cùng bà Đu Đủ  thu mua  các loại quả  hồng - đang vào vụ -và dâu tây – dù trái vụ nhưng không hề khan hiếm , giới thiệu  mối để hai ông chủ trong nhà kinh doanh “cà phê sân”  và đồ uống, bánh kẹo cho những người muốn cai thuốc lá, lại nhận tiêu thụ các  loại hộp giấy  dựng  hồng, dâu  do các ông dán . Một chục hộp giá thành là hai  chục ( ngàn) , trừ   tiền keo hồ,   không tính công cán và khâu tận thu các thùng giấy cũ, thì cũng lãi hơn một nửa . Cà phê ly   một lời  một.  Ngôi nhà nhỏ của Giang  dựng đầu hiên nhà ông chú ( em ruột ông bố dượng)  chẳng rào chẳng cổng gì cả , vì  bà chủ suốt ngày lang thang ngoài đường ,tối về chỉ  để ngủ, như Chí Phèo ( lời Giang ) .Giờ là một gia đình lớn, có hai ông lão cứ  ngày ngày dẫn nhau đi dạo cũng buồn,   nên bà  này   đã bàn bạc cùng họ một công việc mà theo Giang, vừa phù hợp sức khỏe, lại vui vì  có bạn bè, khách khứa  lại có thêm thu nhập. Ông chú thoạt tiên từ chối tham gia, vì bà thím suốt ngày  với gian hàng khô trong chợ Dalat  là đủ, ông chỉ cần ở nhà “coi nhà” cho bà, mà ông  cũng thường xuyên nhức mỏi ; nhưng rồi sáng nào cũng lân la sang chơi, rồi  trở thành “ phụ việc” và  bây giờ là “ thành viên chính thức” . Khoảng sân rào lại, lợp mái che,  hợp tác cả sân nhà ông chú, thành một “ cửa  hàng” nho nhỏ . Ba ông lão bỗng trở nên khỏe khoắn, nhanh nhẹn, thấy yêu đời hơn.   Chị U50 bỏ mối cho Giang hằng chục  bịch hồng giòn gói trong những túi ni lông dày,có bọc giấy báo, cột kín bằng giây chun ,thêm vài chục  hộp nhựa dựng  dâu tây đỏ mọng, chẳng khác gì vải miền   Bắc xuất khẩu . Hồng  ngay tại vườn ở Cầu Đất là ba ngàn một ký, nếu mua nguyên cây; mua lựa thì mười ngàn, Giang bán cho khách  cứ ký mà tính, mười lăm ngàn . Tôi mua, thì tao tính mày một chục, mà mày ăn thì cho mày một bịch, tiền  nong gì  . Giang biết chị cả tôi có cả vườn hồng hằng mẫu ,  dạo này chị  đau ốm liên miên, giao hẳn cho vợ chồng cậu út. Họ  dựng một lều  sấy theo kiểu Nhật rất lớn, phải đi thu mua thêm hồng của hàng xóm, thuê thêm người hái, dấm, lột vỏ,  xỏ  giây, chẳng có thì giờ mang đi biếu , mà tôi nghĩ cất công đi bốn chục cây số để ăn một vài quả hồng giòn, thấy lười quá . Lòng nhủ lòng cứ chờ đến tết ông táo, các cháu sẽ mang hồng lên biếu dì cậu , mình cũng có phần . Tôi bảo, để tao đi qua nhà mày nhặt tai ( cuống hồng ) đóng hộp, dán hộp với các ông , kiếm hồng loại ( bỏ đi ) ăn cũng được. Tao  còn phải tha ( mang ) thêm cho mày mớ đậu ngự, trừ công mày đi lượm phân bò .Chị chủ nhà kho  cười, chị qua đây dán hộp  với  các ông, có cà phê bánh kẹo  phục  vụ tận nơi. Rồi nháy mắt,  chị nè,em sắp là thế hệ U50 của nhà này rồi đấy, con bé nhà em sẽ là U20 . Rồi cô cười nắc nẻ.  Đã có hôm tôi thấy họ trao đổi  với tôi, vừa đùa  vừa thật vô cùng sòng phẳng . Bọn chúng mình ( có cả tôi trong đó ) xa thì nhớ,  gặp thì chị em thân thiết vậy, chứ mà chung nhà là .. . có vấn đề .  Bà tiến sĩ  Đoàn Hương trên  TV cũng đã bảo  thế mà  !
               Tôi nhẩm tính, sáng bán cà phê,  chiều dán hộp, tối đóng  gói hồng dâu, vậy Giang để cho ba  ông lão nghỉ ngơi vào giờ nào ? Tôi chỉ  sang đây một chiều mưa, loay hoay cắt dán vài chục hộp,mà tối về vai mỏi nhừ rồi . Giang nhìn tôi cười, việc thời vụ thôi mà, cả quán cà phê cũng vậy,mai mốt khi các cụ chán, tớ cho người ta thuê lại  . Chủ yếu là sức khỏe của các vị ấy . Ông bố dượng bộc bạch, tôi thực tình  cũng coi hắn như hai thằng em hắn  , có khi  thấy chưa  tốt với hắn , mà giờ hắn  tốt với mình,chứ nhìn đi nhìn lại, mình chỉ là ông bọ hờ mà thôi . Nhưng bỗng dưng tôi thấy thèn thẹn với mình. Đã nhiều lần tôi có những lời lẽ không hay về cô bạn thân thiết này, đã khiến các  ông anh quở trách, nhưng Giang chẳng hề giận hờn tôi, vì theo nó, đó là sự thật, mà sự thật thì phũ phàng . Nhưng sự thật bây giờ trong Giang   đã  khiến  tôi hết lòng ngưỡng mộ . Khoảng cách dì ghẻ-con chồng tôi chỉ không thấy ở chị Hạ Em và bà Năm, bây giờ dù ông bọ bảo thế, nhưng với Giang, họ là cha con ruột rà .Khoảng cách cha  dượng –con vợ  không hề có ở Giang  .
  Tôi muốn kể điều này với Hoa Tre, dù có thể Tre sẽ cho tôi  lên mặt dạy đời . Đó là một buổi trưa gần giáp Tết, khi tôi  ở năm cuối đại học rồi. Cậu Bé nhà tôi hồi ấy đang công tác bên sở Nông Lâm  Thủy tỉnh Lâm Đồng, nhân chuyến  xuống thành phố họp, xin  cho tôi quá giang về quê ăn tết . Nhà chị Châu hôm ấy sao bỗng vắng tanh.   Chị  Châu sẽ đón tết ngoài Trung  nên  bây giờ hẳn đi mua sắm đâu  đó,   cả Tre cũng dạo phố với Lê từ sáng. Các sản phụ đã về nhà mấy hôm trước, khu họ nghỉ ngơi  là mấy chiếc giường vừa được quét dọn sạch sẽ, đang phơi phóng ngoài thềm ,  để lộ ra những vạt nền nhà nghe lạnh dưới bước chân, khiến ngôi nhà như rộng ra. Ở một góc phòng, trên chiếc chiếu  trải rộng,  ba  đứa bé  đang  nhè khóc đòi dỗ ngủ. Cô Út ngồi quay lưng ra ngoài,  búi tóc bới gọn để lộ vai áo cũ có một mụn vừa vá , thấm đẫm mồ hôi . Trên tay cô cũng có một tấm áo cũ  đang vá với một vị trí tương tự .  Vai áo va chạm nhiều với nắng gió, khi nằm cũng cọ vào gối chiếu, rất chóng rách   . Cô Mười đang ru cháu, không hiểu sao cũng chọn cái điệu  buồn thấm thía ấy . Chẳng thương cái cổ em có hột soàn,chỉ thương áo vá vạt, vá quàng là anh cũng thương

       Hai chị em từ dưới bếp đi lên, đến chào từ biệt chủ nhà . Sao hôm nay cả hai cô đều buồn. Có lẽ lời chúc tết sớm của chúng tôi  chưa phù hợp vào lúc này. Đúng thế, cô Mười  cười gượng gạo, tết đất khách, không vui cũng ráng mà vui, chứ hai cháu về nhà , có cha có mẹ, không gì vui bằng, chưa ăn tết cũng thấy đủ rồi.  Cậu Bé  tỏ vẻ ngạc nhiên rồi an  ủi : Hai cô ở đây có cả mấy mẹ  con  Hoa Tre là một gia đình lớn rồi, cũng là nhà là cửa, là quê, sao lại không vui hả cô . Tôi đế thêm : Hoa Tre mà không có hai cô, giờ không biết ra sao nữa .
            Cô Út buông tấm áo, ngồi thừ người, rõ ràng cô rất hiểu những lời chúng tôi trao đổi. Cô Mười ngậm ngùi . Ừ thì vậy, mà là con hờ, cháu hờ, má hờ, ngoại hờ . Rồi cô nhìn ra sân, giận dỗi. Đó, giờ nhà cửa bộn bề vậy đó, mà đường nó nó đi . Tôi ngồi xuống ôm lấy vai cô. Có nhiều buổi trưa nhà vắng, Tre  về cùng cô bạn ăn cơm để đi thư viện suốt chiều, có khi họ dạo phố với nhau,  chị Châu  nghỉ lại trong  cơ quan, bé con học bán trú , các sản phụ say ngủ, tôi cũng bắt gặp các cô ngồi thẫn thờ, mệt nhọc trên manh chiếu cũ trải ở một góc nhà, đám trẻ khóc nhè vòi vĩnh, lưng áo hai bà ngoại đẫm mồ hôi, Cô Út thấy tôi  thì cười như mếu, còn cô Mười thở dài, hồi trước gánh cả ngày hàng chục gánh đất đổ vườn mà không thấy mệt, giờ  ngồi không vậy mà rã rời . Tôi chỉ biết ngồi xuống cạnh hai cô, im lặng, như lòng tôi muốn nói, hai cô à,con rất hiểu, cuộc sống vốn vậy.
              Tôi chợt nhớ đến người chị kế tôi, chị Nhụy, nhân vật mà các chị dâu rất ngạc nhiên, sao O Em với O Xí cứ như mặt trăng với mặt trời, hễ gặp nhau là có chuyện . Hồi ấy vừa kết hôn là một đám nhóc con  xuất hiện, chị tôi phải lao ra vườn gồng gánh như  mọi người . Gánh đất mới bồi cho vườn là công việc hình như năm nào  cũng cần khi trời vào mùa khô nắng. “Đổ vườn” có nhiều mục đích, vừa có một lượng đất mới để bổ sung cho lớp đất cũ đã bạc màu,vừa có thêm những diện tích mới, vốn trước đây là đồi hay mép bờ vách ta-luy ,để  che chái thêm  khu vực nhà ở, chuồng trại, hay té thêm dăm ba luống rau. Cứ ngỡ đây là việc của các chú đàn ông, nhưng rồi các cô các chị cũng lao vào. Mẹ tôi kể dạo mới đến vùng đất  giá lạnh này lập nghiệp, cũng là lúc cơ sở trường  lít –xê (Cao đẳng sư phạm bây giờ ) mở rộng khu  vực chung quanh , cần nhiều phu làm la tách  , là làm đất, vỡ đồi, khiêng đi đổ, san nền…,thì  đám cư dân phương xa  cũng  khởi đầu cho một công cuộc mưu sinh, lập làng ở chốn đất lạ .
           Ban đầu, các chị  nhận công xúc đất đổ vào gánh ( chứ ít dùng xe cút-kít, vì đường dốc ngoằn ngoèo khó đẩy vô cùng ), nhưng không kịp cho giới mày râu quảy đi,  hơn nữa khâu bê từng tảng đất to nặng đặt  vào trong các mủng không hề nhẹ  nhàng đâu. Khi tôi “ vui thú điền viên” một mình “ gỡ đất vá hiên” trồng đậu, tôi mới thấm thía cái công việc lao động  đầy nặng nhọc này . Trong lúc cả  nhà lao vào việc “đổ vườn”, tôi có nhiệm vụ nấu một nồi chè đậu  đen lớn, ngọt và  thơm  mùi gừng, bê ra đặt trên hiên, bên cạnh là một  nồi nước chè tươi. Giữa vườn, mọi người cứ  kìn kìn lao ra từ một hốc  đồi, người ngợm lấm lem  bụi đỏ,nét  mặt đầy khí thế, nhưng tôi chú ý vẻ lửng thửng, rã rời  khi họ vừa trút đổ một mẻ đất nặng, đang trên đường quay về với mẻ tiếp theo  . Chị Nhụy có hôm đã vặn tôi như thách đố, có phần ghen tỵ, vì ở tuổi mười tám như chị, tôi vẫn chưa biết gánh gồng,  đó là đặt lên vai một chiếc đòn gánh tre, tha theo một đôi quang gióng, trong đó có thúng chứa  vài chục ký lô rau củ, nặng nhất là đất và nước ( nước thì cần thùng chứa ) quảy đi trên quãng đường cả cây số, mà vai không cảm  thấy có một vật nặng siết  chặt lấy vào xương, đau tận cổ , kêu oai oái như la làng, và còn biết đổi vai, nghĩa là trở đòn gánh chuyển   từ vai này sang vai kia . Câu đố của chị là, theo mầy “đi không” hay “ đi gánh” ( nghĩa là gánh đầy và  gánh chỉ có quang gióng ) thứ nào khỏe hơn? Tất nhiên là “gánh không” rồi. Chị nhìn tôi đầy khinh bỉ. Mi là đứa đẻ bọc điều, mai mốt cho mà  biết thân, chị còn hăm he như thế . Khi tôi phải “ở không” để chữa bệnh,  khi phải sang thư viện trường làm công  việc giới thiệu sách, hay khi vừa  được nghỉ hưu, rồi khi mẹ mất, rồi bây giờ, thấy ngày tháng thật dài, mới thấm thía thế nào là “ gánh đầy, gánh vơi” .
   Các cô ấy bây giờ  cũng như người quảy gánh đi mà thúng mủng trống không , vai thấy nhẹ mà lòng nặng lắm . Tôi nhớ mình đã nói với Tre như thế, khi chúng tôi nằm gác chân nhau trong căn phòng nhà trọ bình dân ở một con hẻm trên đường Lý thường Kiệt của thành phố Hồ  Chí Minh dạo cuối hè năm nay . Bà Đủ Đủ đang ngửa mặt nhìn trần nhà , tay dằn tờ báo to đặt trên ngực , vội  đặt trang báo rộng qua một bên, nghiêng đầu nhìn tôi , ánh mắt như muốn nói , sao tự dưng mày “liên hệ” lãng nhách vậy. Lúc ấy chúng tôi đang thuyết phục Tre hãy  đi tìm người thân cho hai bà mẹ nuôi của mình, cho cả chính mình  nữa , nhưng cô nàng cứ nhùng nhằng thanh minh rằng các bà sẽ chẳng vui đâu , vì thấy bà kia buồn. Bà  Đu Đủ đã nói hết nước miếng về chuyện nhà ông Ngọ, nhà   Tre.  Vợ chồng ông rời Đalat, lên Daklak  lập nghiệp, nhận nuôi một cô bé gái, không ngờ mấy năm sau bà sinh một cô nữa. Hai cô “ Gái chị và Gái em” được học hành tử tế, như Tre vậy, quyết tâm đi tìm giòng tộc cho  bố mẹ mình . Thì bây giờ mình cứ  lần theo dấu vết này, họ là đồng hương, tất  trong  số họ  sẽ có người biết được anh chị em, cháu chắt hai bà . Vậy mà Tre cứ ngập ngừng. Mới hay bên ngoài cái vẻ cứng  cởi, mạnh mẽ ấy, Tre vẫn có chút gì đó yếu đuối. Tôi há miệng định nói tiếp  nhưng bị bà Đu Đủ cấu một cái thật đau. Tôi nhớ  khi Tre vừa nán lại nhà tôi chơi ít hôm, bà này đã nhắn một mẩu tin chỉ có tôi hiểu . Go to WC, talk long . Trời đang mưa ( cho nên chủ quán mới rảnh ) .Tôi nhắn lại.  Tre is in it . Rồi tôi vội chui vào chăn, mở to loa. Tiếng bà bạn già lào thào,mi nói năng ý tứ nghe, tao biết những người … bà ta ngập ngừng .. như Tre thường rất hay tự ái, tủi thân. Tôi nói liền, họ có lòng tự trọng cao lắm. Bà ta  đáp Ô kê, rồi cúp máy. Khi Tre đã về đến Long Xuyên rồi, bà  Đu Đủ kể với tôi về một câu chuyện đã khiến bà có nhận định trên về những người mang số phận như Tre. Họ rất dễ bị tổn thương. Có một  phụ nữ giàu sang dự định sẽ giúp hội những người khuyết tật  một khoản tài chính lớn, nhưng  bà vô tình than thở sao đó, họ biết được, thế là họ từ chối , một mực.

                                       ( còn nữa )

Tuesday, September 12, 2017

ngôi nhà màu trắng (p2)

                       NGÔI NHÀ MÀU TRẮNG …( phần 2 )
               Lũ chúng tôi thường chọn “đi tắt” con đường này để đến trường vì còn một lý do nữa:ở đây có một người rất yêu diều sáo. Chiếc diều to dài  có thể đặt lọt vào mặt ghế trường kỷ  nhà ông Cửu Miên, phết bằng loại giấy để bọc xi măng( trước đây  mỗi bao đựng xi măng có tới sáu bảy lớp giấy vàng ố, dày và dai bền, gọi là giấy xi măng ). Giây thả diều cũng là một loại cước bền, hẳn kết lại từ năm sáu sợi giây câu. Nhưng chúng tôi ngẩn người trước chùm sáo gồm  năm đốt tre phân đều từ dài đến ngắn,  đặt vào giữa lòng chiếc diều . Đó là những  đốt tre nhỏ và già, được đẽo gọt rất  công phu, được đánh bóng nhẵn . Điều khéo léo đến tài tình là chủ nhân phải biết tính toán làm sao để những gió thổi có thể lọt vào, tạo ra chuỗi âm thanh êm êm không dứt . Cứ sau dịp lễ Giáng sinh, khi hoa dã quỳ nở vàng khắp xóm thôn,báo hiệu một mùa nắng đẹp nữa sẽ lại về, thì bất chợt một trưa vắng,  bỗng có tiếng u u ngân nga vang lên, không dứt, không ngừng nghỉ, kéo dài đến chiêù, đến tối, đến tận đêm khuya,đến sáng hôm sau, lại sau nữa, sau nữa, như một bản đàn  được hằng trăm con người vô hình tấu lên, cứ người này ngừng thì người kia tiếp . Chiếc  diều mang chùm sáo như hai cánh chim, hay như một chiếc lá chao động giữa trời cao quê tôi. Tiếng sáo đưa tôi đi học, dẫn tôi về nhà,ru tôi những giấc trưa nồng, đêm đêm thức cùng tôi bên trang vở, ngọn đèn , dẫn tôi vào cơn mơ đẹp . “ Đôi con diều sáo lộn nhào từng không”là một biểu tượng rất ý nghĩa về chốn quê hương thanh bình và cả một vùng trời tự do  của người chiến sĩ cách mạng, in sâu vào tâm hồn chàng trai Tố Hữu khi ông cảm nhận cả thế giới bên ngoài từ chốn ngục tù. “Đôi  con” còn có thể hiểu là nhiều con, cánh diều quê tôi thật lẻ loi nhưng mạnh mẽ. Khi bắt đầu được phóng lên, cánh  diều cũng vật vã  giữa từng không để  tìm cho được hướng gió . Những tháng ngày sống xa Dalat, mùa xuân ở Đồng Nai, ở thành phố Hồ Chí Minh là những ngày ngột ngạt, oi bức, nhưng chợt chỉ một giây lặng yên nào đó,tôi như nghe tiếng sáo diều u u mời gọi,và nhìn lên cao, tôi như bất chợt   bắt gặp một chấm đen rất bé, rất nhỏ, rất xa. Tôi bỗng nhớ nhà, nhưng cũng bỗng thấy lòng mình dịu lại, giữa bao bộn bề .
  Bà cụ Đồ đã đi xa, người yêu sáo  diều ngày nào cũng thế. Dãy nhà  ven đồi thôn bên kia làng tôi vẫn còn vài cây ngọc lan,  thỉnh thoảng tôi lại có dịp đi qua . Tôi có một người bạn dạo về công tác bên huyện Xuân Lộc của tỉnh Đồng Nai,nhà vẫn số 16 đường Xô Viết Nghệ Tĩnh,  tôi   chọn lối đi bộ nên lại “ đi tắt” đúng nghĩa qua con đường tuổi thơ, băng qua những vạt vườn vẫn dâu và hoa, thay vì đạp xe qua lối Nguyễn Công Trứ . Ngọn đồi một thời là nghĩa trang thành phố được cô bạn ví von là núi Chứa Chan của miền Đông Nam bộ, nơi Hương, tên bạn ấy, cũng bao tháng ngày gắn bó. Một chị đồng nghiệp làm dâu gần bên nhà ông Sắc, đôi khi   chúng tôi cũng tìm thăm nhau . Khoảng sân nhà chị ngày nào có thể từ  đấy trông sang mép hiên trước phòng mẹ  tôi, bây giờ đã khuất sau tòa nhà màu trắng to đẹp  rồi.Đứng  bên mấy chậu xương rồng hoa nở quanh năm, trông qua thấy rất rõ băng ghế  đặt sẵn ở đây, là nơi cha tôi và ông Sắc trò chuyện giờ giải lao, hay những buổi trưa chủ nhật, ba con nhóc Vĩnh, Hoa Tre và tôi ngồi đấy, dùng chiếc kẹp ba lá cạo vỏ những củ cà rốt còn sót lại ở vườn, chấm muối ớt, bàn… chuyện đời, để tránh các chú đang nghỉ ngơi ở   hiên bên kia .Có lúc cùng tập hát bài “ Học sinh là người Tổ Quốc mong cho mai sau”. Nhưng họ vẫn nghe  được .  Vĩnh  bị  trêu “ học sinh gì mà  mập ú như con heo quay”, trêu tôi “ học sinh mà lại dẹt lét như con tôm khô”,còn Tre vì nó ngổ ngáo, thường mặc một chiếc áo vải ca rô rất dày, đủ màu xanh đỏ, vốn là áo người lớn ở đống đồ bán xôn, hồi ấy gọi là hàng viện trợ , được các cô Mười Út sửa lại,có mấy túi to, hai tay và vạt đều rộng rãi nên các chú,có cả anh Đanuýp xanh nữa, lại ngân nga “học sinh cao bồi( hay  học sinh Sài gòn) - Tre nói giọng Nam Bộ - mặc áo sơ mi ca rô”.Thật lạ lùng, Tre cũng có liên tưởng như tôi, nó đang ư ử Học sinh xây đời niên thiếu trên bao công lao lớp lớp quốc dân tranh đấu hy sinh cho nền độc lập… Chúng tôi đang cùng nhớ đến một người . Chị đồng nghiệp  bảo giờ muốn thấy rõ giàn đậu của tôi, phải chạy ra tận ngõ ông Bồng, mà nay cũng là những mái ngói tím lịm, dịu mắt, thay cho chập chùng tre trúc thẫm xanh ngày nào . Chị là cô giáo dạy Sử và từng chủ nhiệm Hoa Tre. Khi chúng tôi đến thăm,  câu chuyện từ tòa nhà màu trắng bỗng là nguồn mạch cho  những đề tài về bờ giậu, cổng rào .Tre bảo nếu không có nếp nhà chữ L với một gian đầu hồi nhà nhìn ra cổng, thì  không thể tìm ra nhà cô giáo cũ,  vì quanh đây, nhà nhà đều có cổng, có sân riêng . Chị L, cô giáo của Tre cười,  cuộc sống làng lên phố là thế, ngay cả những nhà trông ra vườn và đang làm vườn. Bà Giang Đu Đủ bỗng nhớ đến Nguyễn Công Trứ, nhà thơ đồng hương của mình  từ một câu phú rất nổi tiếng “đêm năm canh yên  giấc ngáy o o, thời thái bình cửa thừơng bỏ ngỏ”,khiến ký ức tôi  luivề miền Phú Quảng ngày nào . Ở đây có những nếp nhà tranh rất mới, có nhà vừa dựng và lợp mái tháng trước, tháng sau đã  lợp lại vì cả nhà bị hỏa hoạn.Bốn  bức vách kín, không cần cửa sổ, chỉ hai tấm liếp, một hướng ra ngoài ảng nước từ bếp, một hướng ra sân, vừa là phên che nắng .Không cần ổ khóa, nếu sợ gió thổi  cuốn đi đồ đạc trong nhà hoặc chó mèo vào cắn phá thì chọn một sợi giây mây cột chéo hai bên mép là xong .Khách đến nhà nếu chủ đi vắng, cứ  việc  chống liếp lên cho mát và thoáng, rồi nằm lăn ra chõng tre ngủ một giấc, chờ chủ về .Khát thì cứ việc lại ấm trong bếp rót uống,  đói thì mở cái nắp đậy vài ba cái nồi treo tòong teng trên những chiếc gióng mây dài từ nóc nhà xuống, để tránh gián bọ hay gia súc lục lọi, trong đó luôn có mớ bắp hầm chín hay vài củ khoai sắn luộc,hay lại góc nhà,sau mấy lớp lá chuối khô phủ sơ sài, có thể bắt gặp một buồng chuối dựng ở đó,đã có vài trái chín bói, đôi trái vàng ngọt. Nhà khá giả  ngoài chõng tre thì có những  rương gỗ, vừa là va li,và là giường, khách cũng có leo ngồi chơi, nhưng đừng táy máy lục lọi dù rương không khóa. Bên trong chỉ có giấy tờ và áo quần mà thôi. Còn đa phần thùng chứa dầu hắc được xem là tủ của nhiều nhà. Đựng nước, đựng lúa . Tôi đã có lần thăm nhà một học sinh bị cháy. Đám bạn  trong trường rủ nhau đến giúp dọn dẹp, chìa cho tôi một bẹng ( mẩu lớn ) cốm chín vàng giòn thơm, đứa  khác trao cho tôi một tô nước lạnh. Đó là lúa để dành bị cháy. Cả ngày hôm ấy bếp cơm tập thể thừa suất trưa và tối. Tôi ra giếng gánh nước,  mang theo chiếc chìa khóa có cột một sợi giây và cục đá. Giếng trường được nhà trường thuê người nạo vét từ năm tôi vừa đến, sau đó thì họ sinh phụ các thầy dọn rửa những buổi lao động, luôn khóa kín.Mới thấy rằng chúng tôi chỉ đến để mà đi, nên tự lòng đã tạo ra “tòa nhà trắng” cách ngăn. Chị L bảo chứ vua An Dương Vương cho xây thành kiên cố , rồi thành nhà Hồ, thành nhà Mạc, thành nhà Nguyễn,  chính là bảo vệ dân, thì người dân từ xa đến họ cũng xây  cho nhau những bức thành vô hình để  bảo vệ nhau. Ở vùng Phú Quảng ấy, khu Nam Đường , đối diện với trường  tập trung hầu hết người gốc Quảng Nam,  còn Bắc Đường thì đi đâu cũng gặp người của ông thầy Hương, cán bộ bổ túc văn hóa xã, rặt giọng Quảng Trị.
 Bây giờ, mỗi ngôi nhà là một bức thành rồi . Bốn năm về vùng đất của người miền Trung Ngũ Quảng giữa núi đồi miền đông Nam Bộ, tôi lại như đặt bước chân mình qua “con đường tắt” thuở học sinh trường làng, cứ nhà này sang nhà khác, không cần gọi cổng và cả gọi cửa . Có lần tôi đến viếng một nhà học sinh  lúc chiều buông, hy vọng  sẽ kịp gặp   phụ huynh từ rẫy về .Vừa chống được cái liếp lên, bỗng nghe ngào ngạt một mùi thơm ngày giỗ : múi cà ri. Đó là mùi thịt nước xương heo được ninh nhừ, pha với mùi khoai củ, mùi nước dừa, cái món cà ri độc chiêu mà tuổi thơ chỉ biết mỗi khi nhà vào giỗ chạp . Mùi thơm ấy đã kéo bước chân tôi  xuống bên khu bếp tro  đăngg sau nhà, suýt nữa thì vấp phải khoanh củi to và dài, có một đầu chặt lam nham,  đầu kia vùi trong  tro,  đó là dấu hiệu bếp đang có than nóng. Mùi thơm  khiến tay tôi ngập ngừng trên cái nắp đậy một cái nồi to đầy khói đen, cái nồi thường dùng để luộc khoai bắp và tôi đã mấy lần được mời bốc bất cứ củ  trái nào mình thích từ trong nồi .
             Tôi chợt nhớ ra nãy giờ không  thấy bóng dáng con chó Vàng nhà này đâu cả . Hay là …? Chà, cái nhà thằng bé này !         Tôi bê một ca nhựa đầy nước ra mép hiên , thong thả ngồi bệt xuống đất , nhấp những ngụm nước mát lạnh, bỗng thấy bụng đói cồn cào . Chiều chủ nhật  buồn, ngồi bên một mái nhà tranh, ôi tiếng hát thiết tha của một buổi chiều… Bạn bè đang thưởng thức những món ngon của phố thị, còn mình thì ngồi  đây  . Ở thôn tôi, hàng xóm có  một người rất giỏi chế biến thịt cầy, đôi khi cũng giúp “ hóa kiếp” một con mực,  con vàng  già lão của nhà tôi , chỉ có một món duy nhất là kho ngọt ăn với cơm, tôi thấy các chú kéo nhau lên  đi tìm lá quýt, còn mẹ tôi nhờ người mua thêm ruốc, đường, chuẩn bị một chai nước mắm ngon . Những con vật ấy ngày ngày quấn quýt bên tôi, vì tôi có nhiệm vụ cho  chúng ăn, lót chuồng mùa mưa gió, hay đêm đông lạnh lẽo nên , hôm ấy tôi bê cơm vào buồng, ăn với tương kho sả và rau luộc.  Có lẽ tôi nên ra về . Tôi đứng bật dậy , phủi  đất bụi trên áo quần, đeo chiếc túi vải lên vai.


   Bóng người thấp thoáng  và tiếng lao xao vang lên   sau hàng cây lá chua  làm bờ rào, mà bây giờ người ta lại đặt cho nó một  danh từ  rất hay : hoa ắc-ti-sô đỏ . Vợ chồng chủ nhà và cả gia đình vừa từ rẫy về. Trong những bộ quần áo lam lũ, họ kẻ vác thanh củi to, người địu một gùi măng, có người tay ôm một bọc  bún tươi gói trong lá giẻ tỵ, người xách xâu bánh tráng, tay kia có một cái chai chứa chất nước tim tím, rượu nếp than .Không kịp nữa rồi, chắc chắn mười mươi tôi sẽ phải làm  một vị thực khách quan trọng . Tôi sẽ nhón nhén món bánh tráng nướng, ăn một chút bún, nói rằng mình… đang bị đau bụng . Tôi đến để gặp phụ huynh một đội viên, xin phép cho em này được đi tập huấn công tác đội mấy hôm trên  tỉnh cuối tuần này,  ảnh hưởng lớn đến  việc nương rẫy  .
 Tôi đành phải ngồi vào một chiếc bi củi làm ghế đặt hai bên mép bàn tre, trước mặt một tô bún nóng hổi thơm mùi cà ri. Cà ri voi !Mấy hôm rồi ở trường chúng tôi cũng nghe tin có một chú voi già  bị sập bẫy heo rừng và bị thương rất nặng ở tận bên kia sông . Một buổi liên hoan đơn sơ, nhưng khiến lòng tôi , cô giáo trẻ xa nhà giữa chiều hôm, về trường lủi thủi  một mình bên bếp vắng trong mái tranh khu tập thể , bỗng bồi  hồi . Tôi   đang nhớ đến không khí ngày giỗ  ở nhà mình, thường vào giáp tết. Mẹ tôi có đông con gái, con dâu, đó là những đầu bếp tài ba, tôi tự giác nhận công “ giữ em, đập  chó, lấy củi” hệt như  cảnh ngộ cuả anh chàng Củng trong  tiểu thuyết “Quê Nội” của nhà văn Võ Quảng . Món cà ri ở đây không có khoai tây và rốt, nhưng bù lại,  những miếng  khoai lang,  khoai sọ rất bùi. Rau sống không có những cọng xà lách  mỡ màng, mà là bắp chuối, thân chuối non, giá đỗ… vẫn giòn rụm trong miệng. Thấy cô giáo chân thành và cảm động, chủ nhà rất vui. Khách ra về còn được tặng thêm hai miếng da voi to, trông  như hai thỏi xốp kếch xù  dùng để cắm  hoa , được xỏ bằng một sợi giây lá chuối khô, cứ thế mà xách cùng một  xâu măng tươi. Măng sẽ dành cho bếp tập thể và thứ hai, còn những miếng da voi, như chị chủ nhà bày vẽ cẩn thận, tôi sẽ mang về  Dalat tặng mẹ để  bà vỗ béo đàn heo. Trong dịp hè ấy,  cứ mỗi bận nấu cám, mẹ tôi lại thòng miếng da voi vào nồi cám sôi sung sục trên bếp, rồi cất đi khi cám chín. Miếng da cứ  nhỏ dần, đàn heo hình như có vẻ… béo ra . Ba vị con trai cuả mẹ,  kẻ có nhiều năm nghiên cứu về heo gà, kẻ đã từng xắn tay áo thực hành,  tỏ ra hơi nghi ngờ . Nhưng những lời họ nói tôi không hề nhớ, cũng chẳng tự ái . Mẹ  tôi rất vui, gặp ai đến thăm đàn heo cũng khoe: có miếng da voi con Xí hắn na từ tận Định Quán về …
  Nếu chủ nhà hôm ấy   cũng cửa đóng then cài, kín cổng cao tường như hôm nay, tôi chẳng bao giờ có cơ hội được thưởng thức món cà ri voi và  biếu tặng mẹ món da voi. Tôi cũng được ăn món thịt nhím  rim, thịt cầy hương kho mặn. Món thịt nhím khiến tôi nhớ da diết  những bữa nhà có tiệc vào  ngày mưa, con cháu về đông đủ, tôi được nhận vài món quà để học tập, mâm cơm  với những  dĩa thịt vịt bầu, vịt xiêm tú hụ, có cha có con, có chủ  có tớ, ồn ào, vui vẻ,đầm ấm. Món cầy hương thơm lừng  lại như nhắc tôi, dù sống ở phương nào, thì “nơi nao dừng chân, chốn ấy quê nhà” .
                       (còn nữa )


NGÔI NHÀ MÀU TRẮNG (P1)

                          NGÔI NHÀ MÀU TRẮNG …( phần 1 )
 Tôi đặt hàng, đặt nhật báo Tuổi  Trẻ qua mạng, mấy lần  phải chỉ nhà loanh quanh. Nhà bà số 41 mà 41 nào? Có tới ba nhà số 41 lận. Nhà tôi dưới chân đình Nghệ Tĩnh .Con đang đứng chỗ nhà văn hóa làng hoa Hà Đông,  họ bảo  đây thuộc khóm Đông Tĩnh… Ôi, vậy anh chịu khó qua trường Phù Đổng, đi hết đường Lý Nam Đế , rồi đứng lại trước nhà hàng tiệc cưới Thảo Nguyên nhé, tôi sẽ ra đón. Có hôm tôi đứng trên hiên, luýnh quýnh chỉ đường  như thế thì  có hai  cô bé sinh viên mang quần áo đi phơi bảo tôi như trách cứ ,sao bà không  đăng ký rõ cho họ biết nhà mình gần đình , lát sau  lại  bày vẽ bà cứ nói ngay chỗ tòa nhà trắng mới xây đầu đường Lý Nam Đế, lên một đoạn đường đất là tìm ra. Con đón xe về Phan Rang nói vậy mấy lần, họ hiểu ngay.
  “Tòa nhà trắng mới xây” là ngôi là lầu ba tầng  đồ sộ  vừa được dựng lên trên mảnh đất  rộng sát bên vườn nhà tôi, mới hôm nào bà ĐuĐủ và tôi quảy quang gánh ra đây nhặt  phân bò về bón cho giàn đậu ngự . Vườn đã bị bỏ hoang khá lâu, từ khi người chủ qua đời và anh con trai độc nhất của ông bán đi .Hình như cả ngôi nhà ông sống mấy chục năm liền bên khóm Đông Tĩnh (ấp Hà Đông trước đây )  cũng đã có chủ khác . Tôi luôn nhớ hình ảnh một người đàn ông tuổi ngũ tuần, dáng tầm thước, trang phục luôn tươm tất như  các viên chức bình dân,  trong  đó có cha tôi mỗi khi ông phải lên Khu phố Đệ Cửu ( ủy ban Phường Tám bây giờ )làm việc, áo blouson kéo phéc mơ tuya tận cổ, quần tây phẳng phiu, xăng đan da . Ông người Hà Nội, có nhà bên ấp Hà Đông, nhưng được phân chia vườn bên ấp tôi .Ông cũng thuê nhiều người làm công, và có lẽ do ông sống độc thân nên  tất cả các chú, các chị  đều thuộc dạng hưởng lương ngày ( công nhật ) , sáng đến vườn , tối ai về nhà nấy, buổi trưa nhiều người mang cơm theo. Ngày nào ông cũng đến chơi nhà tôi,ngay khi mọi người đang vội vã ăn cơm sáng để ra vườn. Ông rít một điếu thuốc lào, tợp vài  hớp  nước chè xanh, rồi hấp tấp sang khu vực vườn mình .Ông không hề mó tay vào việc gì,  chỉ đứng trên bờ chỉ huy, nhưng vườn luôn trúng vụ . Giải vườn rộng từ ngang sân nhà tôi đến tận suối  cũng trồng toàn lê-guym ( rau củ ) thay vì hoa các loại và dâu như  lối trồng trọt bên thôn ông, có lẽ ông muốn “nhập gia tùy tục”.Mà đúng như thế, một năm xuân thu nhị kì, khi làng tôi  cúng đình, ông có chân trong ban tổ chức, chịu trách nhiệm mời gọi những người trong ấp ông , người cùng quê ông đã chuyển vào canh tác và sinh sống trong vùng Đa Thiện sang tế lễ  .Ông nói nhiều, luôn cười tươi, chưa bao giờ  thấy ông  quát tháo mắng mỏ ai . Cho đến khi ngoài tuổi năm mươi, ông  mới lập gia đình , một chị  y tá trên bệnh viện. Người phụ nữ  phố thị ấy chúng tôi chỉ gặp đôi lần, mỗi khi bà tạt qua vườn lấy rau vào thời vụ .
      Bây giờ thì tên gọi “ vườn ông Sắc”  đã được thay bằng một tên khác .
      Mảnh đất thật rộng, có thể đem đặt tất cả mấy ngôi nhà của các anh em chúng tôi   vào đấy,  giờ sừng sững một tòa nhà ba tầng  với vô số phòng lớn,  maí lợp ngói tím ấm áp, bờ rào gắn kính thủy lực trong suốt, có thể  nhìn rõ hàng hiên  rộng chạy quanh nhà, những bụi cây cảnh bày khắp sân vườn. Nhưng bây giờ từ sân nhà tôi nhìn xéo sang  để phóng tầm mặt được xa  hơn , sân trước đã có dãy nhà trọ án ngữ ,bây giờ là tòa nhà mới toanh này .
    Hôm nào chúng tôi ra đây nhặt phân bò, một ngày nắng khô hanh giáp tết , nhân bà Đu Đủ rảnh rang và đàn bò đi vắng  . Dù đã trùng trình vài hôm để chờ phân khô đi trong  nắng gió, nhưng vẫn có nhiều bãi còn tươi và hăng mùi cỏ nằm khuất  dưới đám rễ cỏ già . Những thỏi phân màu xanh mốc, tròn và cứng như những viên thuốc tể cực lớn,  hay những tảng  bèn bẹt và to như hai chiếc dép người lớn, chỉ một lần  dùng chiếc bay của thợ hồ và cái hốt rác bằng nhựa tùa và hứng, thế là có thể tính bằng một góc rá ngô khô . Con chó Na rất giỏi, nó đánh hơi  và suả to vài tiếng khi phát hiện ra kho báu.  Còn con Mum như giành  công với chúng tôi, có khi đã đổ vào thúng,nó lại bươi ra .Mấy con con chó đực ở bên  khu nhà cô Bi, con gái ông Cửu Miên,  cũng chạy sang nhập bọn. Chúng đuổi nhau   qua những bụi sim dại, cắn nhau kêu ăng ẳng. Cứ ngỡ chỉ có hai chúng tôi giữa khu  vườn hoang vắng vẻ, không ngờ lại ồn ã . Giang dùng bay gõ lên đòn gánh, hát theo điệu hô lô tô   trong hội  chợ Tết : Thì ra con  mấy, con mấy này đây. Thợ may ăn giẻ, thợ vẽ ăn hồ, thợ hốt cứt bò thì  ăn con mấy, con mấy nàng Xi…í … ta . Xita là một nhân vật trong sử thi Ramayana của Ấn Độ. Dạo này trên truyền hình phim Ấn được chiếu nhiều, hai phụ nữ luôn “kề vai sát cánh” với tôi   theo dõi đến mê mẩn. Chị Nhụy bảo Giang, nếu  người ta có tuyển diễn viên đóng thế, mi  đi thử vai coi .Giang có làn da ngăm ngăm mịn màng, mũi rất cao , mắt to đen, đúng là chị Nhụy có tầm nhìn của một  đạo diễn . Xita là bà ấy  .Da  Tre trắng hồng  như  người siêng trang điểm , với Giang, là do thượng đế khi nướng cục bột  Hoa Tre   non lửa quá,  còn bà ta   lại do ông ấy ngủ quên, để quá giờ hẹn . Tôi là kẻ may mắn, được nướng “ thơm ngon vàng giòn”. Có dạo tôi bị sốt, mặt mũi đỏ ửng, nóng bừng, bà này đùa, bữa nay ông trời bôi tương nướ ng mi hả , ngon quá ! Về chuyện vườn đậu,  tôi nhớ  đã bảo: thì  chia mày một  nửa giàn đậu đó. Giang rất thích ăn đậu ngự nấu xôi, hay hầm với xương heo  cùng  các loại củ .
   Không gian hôm đó thật yên vắng, nếu không có lũ chó rượt đuổi nhau, hay thỉnh thoảng vài chiếc xe gắn máy chạy qua, chúng tôi nghe rõ tiếng người gọi nhau từ dãy nhà nép mình dưới chân đồi  ở bên thôn láng giềng . Con đường Lý Nam Đế bao đời là một đường đất ngăn đôi hai làng. Những khu vườn ven đường đã “lên phố” với những cửa hàng, biệt thự,nhưng những nếp nhà lưng chừng đồi, dù đã được sửa sang kiên cố hơn xưa, nhìn xa vẫn không mấy thay đổi . Bây giờ lại gần  mới thấy khác .Còn bóng một vài cây hoa ngọc lan lá xanh thẫm suốt bốn mùa,  hoa búp trắng thơm nồng nàn, khoảng sân hẹp, nhà này sang nhà kia chỉ một bước chân, nay đã có giậu rào, cổng chắn, như bên thôn tôi vậy.Nhưng vẫn còn một con đường chạy quanh các nhà, vừa là sân, vừa là đường làng, nay  giữ trọn vị trí thứ hai, bên thôn tôi thì bỗng “ gần nhà xa ngõ” lâu rồi .
 Ngày bé chúng tôi đến trường Trung Bắc không chịu theo con dốc Lý Nam Đế  bây giờ,gọi là dốc bà Liên ( vì nhà bà có vườn ngay sát dốc ) mà  len vào đây, gọi là đi tắt, nhưng thực sự lại lòng vòng xa hơn .Qua nhà bà Quynh này, nhà ông Võ này, nhà ông Lý này, nhà ông Bái chủ tịch khu phố này, nhà bà cụ Đồ này,  rồi rẽ sang tay  phải, gặp ngôi đình làng nép mình dưới hai gốc ngọc lan xanh um tùm,  hương hoa ngào ngạt, chỉ nhận ra nhờ những hàng cột sơn đỏ và những câu đối chữ nho màu đen, ngoài thềm có hai con nghê đá, rồi qua nhà chị Gái, nhà ông Sắc, hàng xóm với vườn nhà tôi, đến nhà ông Việt có ba chị cùng độ tuổi và rất thân với chị Nhụy của tôi, một chị lớn, hai chị song sinh, đến nhà ông Uyển, thế là đụng cổng trường . Nhà chị Gái góa bụa có mở một quầy tạp hóa nhỏ, bán nhiều món hàng phục vụ cho lũ học trò : những viên mực nho nhỏ như viên  thuốc trị chứng cao huyết áp bây giờ,những tờ giấy thấm ( để nét mực chóng khô, không bị lem hoen ra )những ngòi viết   lá tre ( để viết nét đậm nhạt ) ngòi lá chuối ( viết nhanh), những cuốn vở dạng rẻ tiền, có bìa mỏng, giấy xấu,thế  mà bọn tôi rất thích, vì  mặt bìa in những thiếu nữ mặc áo dài “thả eo” ( không mặc áo len như các chị quê tôi ), tóc dài, yểu điệu, bên dưới ký tên Lê Minh, hẳn là   hoa sĩ,mặt cuối  hiếm có cuốn vẽ in bản cửu chương, kẻ sẵn một cái khung để người dùng viết thời khóa biểu, mà là những câu chuyện ( mãi về sau này tôi mới biết là truyện thơ dân gian ) được tóm tắt cực kì ngắn gọn mà  đầy đủ. Cả một tác phẩm đồ sộ được minh họa trong số mười mấy khung vẽ sống  động, bên dưới được chú thích bằng hai câu lục bát rất cụ thể . Tôi nhớ mãi hai câu “ Tào Thị độc ác tinh ma, tay đánh miệng chửi hành hà Nghi Xuân”( nhiều đứa tinh nghịch sửa thành Thị Xuân khiến tôi khổ sở bôi đi gôm lại mấy lần), còn bà Thiên lý nhãn, tên nó là Quý,hẳn  mẹ nó muốn nó  có cuộc sống đầy đủ như bây giờ, lại buồn bã vì nó có mẹ ghẻ, cũng có lúc bị đòn roi, dù không thể luôn vung mạnh roi, với vẻ mặt nanh ác, quất lên đầu một đứa bé gầy  gò, rách rưới, nép mình dưới chân chịu đòn, van xin và sợ hãi như mụ Tào Thị. Khi qua sân nhà bà cụ Đồ,chúng tôi thường chậm chân, nhìn vào  vuông sân, có khi bắt gặp bà đang nhặt những chùm hoa lan rụng, có khi thấy bà lui cui nhặt rau, bổ củi, hay  cặm cụi phơi những túm lá vối ra mẹt để làm trà . Những ngày ấy, bà là ngừơi  duy nhất của hai thôn có tuổi cao và còn mặc váy .Bên thôn tôi, các bà thường mặc quần “chân què”, loại quần có đáy rất rộng,như quần các chàng nài ngựa hay thích môn thể thao vượt chướng ngại vật bây giờ. Chị cả của tôi khéo may đan, nhưng mỗi khi muốn sắm một chiếc quần kiểu này cho mẹ, chị phải loay hoay vẽ cắt rất lâu . Khi tôi thắc mắc tại sao các bà, các mẹ yêu chuộng  kiểu trang phục này, Cô Mười mẹ Hoa Tre, một thợ may chuyên nghiệp  giải thích rằng phụ nữ xưa rất ý tứ và kín đáo. Chiếc váy bà cụ Đồ  mặc cũng  rộng thùng thình, dài trên mắt cá,vải dày và cũ, cứ sột soạt, phù hợp với dáng lưng còng và bàn chân giao chỉ hiếm hoi chỉ có ở bà.  Ông Sắc là người cùng họ Nguyễn Hữu với bà, kể rằng giòng họ ông  nhiều chi có cùng một bàn chân giao chỉ ( hai ngón cái chìa ra khỏi  bàn chân, như muốn  giao thoa với nhau ), rất giỏi mọi chuyện, khỏe mạnh, sống thọ .Tôi nhớ bà cụ Đồ có đôi mắt to rất sáng, hai dái tai trĩu xuống vì đôi khuyên vàng nặng. Lũ chúng tôi kéo nhau đi hàng một, vì lòng đường chỉ đủ rộng như thế, qua làng, như bộ đội đi hành quân,đứa nào cũng nhanh nhẩu, con chào bà, râm ran một quãng đường vắng, thì bà lão tám mươi cũng từ tốn, giỏi, đi học đấy à. Có khi bà dừng  chổi, chìa ra cái rá tre, trong đó có những chùm hoa ngọc lan trắng muốt, thuôn gọn như ngón tay út , thơm nồng.  Chúng tôi vội cất vào cặp, sau đó về nhà mới ngắt ra từng cánh, ép vào giữa những trang giấy, thơm rất  lâu, cả đến khi những cánh hoa trắng như sữa chuyển  sang màu nâu như cọng cỏ khô,mà hương thơm ngọt ngào cứ phảng  phất . Lúc giành nhau nhận hoa, có đứa tò mò  ý tứ nhìn xuống hai bàn chân trong đôi dép nhật mòn cũ của bà, bắt gặp những ngón chân cái dị dạng,  những ngón còn lại  cũng tỏe ra . Các bà trong thôn tôi thường đi guốc lúc rửa chân sau chiều muộn, còn khi ra vườn làm lụng thì đi chân đất, đi ủng. Mẹ tôi còn có dép nhựa, hay dép nhật như bà cụ Đồ,  vợ một ông thầy đồ chốn quê nhà . Bà mất khi tôi học đến cuối cấp ba, hẳn bà thọ nhất làng .
 ( còn nữa )