Thursday, March 16, 2017

HIỆP SĨ ÁO XANH (2)


HIỆP SĨ ÁO XANH. (tiếp theo)

Nhưng anh chàng góp ý : Cái ông hoàng tử đó nằm dài người ra,làm sao mà dõng dạc được cô. Phải là “ thều thào chứ” . Tôi nghĩ cu cậu học Văn tốt đây.

Nhưng qua năm sau, anh chàng theo học ban Hóa bên trường chuyên của tỉnh . Việc Khúc theo học trường này,gia đình cũng bất ngờ. Mùa bầu cử hè năm ấy, gặp người mẹ đi bỏ phiếu, tôi nán lại nghe chị kể kể . Bà nội đổ bệnh rồi đi, nhà lại đang lo cưới vợ cho anh nó, cưới chạy tang , mọi thứ rối mù, nó thi cử ở đâu ,chẳng ai để ý . Áo len nâu đồng phục, nó âm thầm nhờ con chị nó lấy chồng tận Xuân Thọ đan cho , rồi đi học thì cứ áo nu-dông ( blouson ) hồi lớp cũ mặc ngoài. Xe đạp thì cà xịch cà đụi, đường xa gấp đôi, cứ lủi thủi đi về. Miết đến bữa họp phụ huynh, ba nó mới ngã ngửa ra . Lên đại học, Khúc đi du học. Một lá thư dịp 20.11 gửi thăm bà giáo già “bán tự vi sư” , Khúc tâm sự, câu chuyện cô kể đã ám ảnh con một thời gian dài. Con thấy bạn bè quanh con sống che đậy, thủ thế ,mới thấm thía rằng văn học là nơi nhà văn thổ lộ những ước mơ mà trong cuộc sống họ không thấy, không làm được . Mấy năm sau, vẫn chưa về . Người anh bảo, nó đang đi nghiên cứu chất trung thực và dũng cảm Bây giờ ông thầy Hóa đang giảng dạy tại một đại học của thành phố Hồ Chí Minh, và hẳn lại đang miệt mài với điều “ trong cuộc sống cần có “ . Ông bố chép miệng, có ai nghĩ nó đi dạy đâu . Nhưng làm thầy là hợp. C ái thằng thật quá mà !
Hình ảnh mang tính chất minh họa

Thật ! Đó là từ mà lũ con cháu gán cho mẹ tôi .Mùa hè năm thằng cháu nội con cậu Bé chuẩn bị đi thi đại học, tôi đăng ký cho mẹ và một đứa cháu nữa –em thằng đi thi – du lịch miền Đông một chuyến. Thằng nhóc mười lăm tuổi có nhiệm vụ hộ tống bà, sau đó sẽ ở lại đón bố và và anh vào. Rồi họ sẽ xuôi biển Vũng Tàu tắm nóng nữa . Còn tôi nghĩ nhân tiện Nhà trường đưa khách về khu Đại Nam ở Bình Dương, sau đó đi Sài gòn,sẽ kết hợp đưa cụ đi khám sức khỏe tổng quát. Trước đó, không bao giờ cụ chịu đi bệnh viện. Có lần thấy mẹ tôi có vẻ mệt mỏi, tôi rủ rê, đi bệnh viện thử máu coi nghe mẹ . Tai nghễnh ngãng,cụ ngỡ đi chợ, thế nên vui vẻ lắm . Hai bà già thong thả đi bộ gần bốn cây số đến bệnh viện, mẹ tôi đòi về . Các bà ở đó năn nỉ,hăm dọa,dỗ dành,cụ chịu ở lại xét nghiệm. Cụ bảo, hồi trước tau khám ở ông Su-dê ( một bệnh viện tư của người Pháp, nay là nhà nghỉ công đoàn, ở ngay đường Yersin ), cũng lấy máu nhiều như ri, cả xa-ranh, có đau ốm chi mô . Tôi giải thích, nhưng hồi nớ mẹ còn trẻ. Trẻ chi,cụ cãi, sáu đứa con rồi. Lần sau, tôi cũng rủ cụ đi. Cậu Bé thương hại hai vị khất sĩ lang thang nên sai đứa con gái lớn chở tôi đi trước bốc số, cậu sẽ chở bà lên sau. Tôi rốt ruột chờ . Hồi đó cả nhà chưa ai có di động , cả điện thoại bàn như bây giờ , nên cứ rán ngóng cổ nhìn ra cổng bệnh viện . Sắp đến lượt khám thì cậu xuất hiện, vẻ phờ phạc. Cậu thở dài, thôi tui chở o về .Mẹ tôi không chịu đi . Chuyến này, tôi cố gắng làm công tác tư tưởng thật chu đáo, mẹ tôi nhẫn nại nghe, mỗi câu tôi nói,cụ đều chấm bằng một từ “ầy” và cái gật đầu. Thế là ổn . Mẹ tôi vốn chuộng sự thật nên tôi thấy không việc gì phải đánh lừa cụ, nhưng giá như hồi ấy tôi hứa, mình đi Vũng Tàu thăm chị Huề ( con gái lớn của cậu ruột tôi,từ Hà Nội vào định cư ở đây ) luôn, hẳn cụ sẽ không làm vỡ hết chương trình của hai cô cháu. Trước hết là cụ nhất định không uống,nước lọc,sữa, hay bất cứ loại nước giải khát nào. Cụ cứ lắc đầu bảo không khát. Sau đó, cụ nhất định không ăn,bảo không đói. Mọi người trong đoàn lo lắng, hay cụ mệt trong người, hay là thế nào ! Nhưng người mệt là tôi . Buổi chiều, xe dừng ở thác Giang Điền để mọi người xuống ngoạn cảnh, mẹ tôi nhất định không đi đâu cả , cứ ngồi ngay sát cửa xe . Thằng cháu biến mất dạng . Nó có một đứa bạn học,con một cô giáo trong trường , tình cờ cả hai gặp nhau,như cá và nước, nó dầm thác trọn buổi.Mẹ tôi đứng ngồi không yên,cứ nằng nặc bắt tôi đưa cháu về, rằng bà sẽ cho nó trăm bạc ( !)Đồng nghiệp tôi dỗ dành,cho nó đi chơi chút bà, không sao đâu, dân Dalat quen leo thác mà . Có thầy ngạc nhiên bảo,cô dắt bà đi, đưa chi tới hai đứa cháu cho mệt. Trời, một cháu , một bà,tôi đã sắp muốn khùng rồi . Đến bây giờ, tôi cũng không biết thác Giang Điền mặt mũi thế nào nữa ! Mẹ tôi vốn quen với không gian mát mẻ của nhà mình, xuống đây nhiệt độ tăng cao, cụ lại không chịu ăn uống,tôi cũng lo lắm lắm . Cứ khấn vái thầm cho chuyến đi… bình an !


Quả là bình an mọi thứ,vì chiều tối hôm sau,khi cả đoàn về đến Sài gòn, thì mẹ và tôi cũng về đến… nhà .Cụ bỗng thư thả, như gặp lại người thân sau một thời gian xa cách rất lâu . Lũ cháu có đứa tạt qua láu táu, bà đi du lịch vui không? Đi chơi những đâu ? Tôi kể: thác Giang Điền ở huyện Trảng Bom, rồi về Biên Hòa. Vậy là đi hết Đồng Nai rồi.Ừ, hết cả Sài gòn luôn nữa . Đêm ấy , ba giờ sang,tôi phải nhờ khách sạn gọi taxi đưa cụ lên bệnh viện . Cả đêm cụ chẳng hề đặt lưng xuống giường,chỉ vì cái máy lạnh . Tắt thì thằng cháu kêu nóng . Thôi chỉ còn nước … Tôi chỉ kịp vội ghi mấy giòng cho trưởng đoàn… Bây giờ,được ngồi trong ngôi nhà của mình,cụ chẳng tỏ ra mệt mỏi. Tôi vội vã đi nấu cơm, nấu cháo ( cháo phần tôi,cơm phần cụ già .Mẹ tôi không chuộng món thứ hai cho lắm ) Đứa cháu lại bảo : Đi du lịch,ăn nhà hàng không sướng hơn về ăn cơm trứng luộc à . Cụ bảo ,ăn mà chi, uống mà chi,chỗ đâu mà đi đấy,đi ẻ .Ai nấy rú lên cười. Đó là tôi chưa “ tường thuật “ lại thời khắc trước đó .Ở bệnh viện Hòa Hảo,hai mẹ con kéo nhau đi hầu như không chừa một ngõ ngách nào ở đây,vì đều khám tổng quát. Mọi thứ, cụ đều đạt yêu cầu hơn tôi, kể cả huyết áp . Đến mục thử nước tiểu,cụ và tôi giống nhau trăm phần trăm , vì… Sau đó,tôi phải gọi điện cho cô chị- đang theo học ở đây- của thằng nhóc ra đón nó. Thằng bé gần hơn chục tiếng đồng hồ ngồi ôm mớ hành lý ,mấy chai nước lọc và bọc bánh kẹo, nay như được xổ lồng, tôi lại dúi cho mấy trăm , cười khoan khoái .Nó,cái thằng quỷ sứ, tấu trình với bố rằng cô Xí đưa bà đi Bình Dương,thành ra con phải ghé chị Dung . Có biết đâu tôi còn đầu óc nào mà đi Đại Nam Đại Bắc nữa . Xe rộng rãi, ghế ngồi, mẹ tôi cứ lang thang khắp nơi, có chút loạng choạng ,nhưng xem ra không làm cụ ngã .Lý do: Xí, xuống con,xuống mà đi chặt ( cắt )sú .Chú ơi, chú tài ,cho tui xuống tui đi vanh ( rọc bớt lá vàng ) sú cải ( cải thảo, cải bắp ) .Bác tài rất tâm lý, luôn miệng dỗ dành,cụ ơi, cứ chịu khó chờ, khi nào có vườn rau là con dừng xe cho cụ xuống ngay tức thì . Chớ đây đang ở Ngã Ba Giầu Dây,chưa có ai trồng sú cải hết trơn .Anh lơ thì bực bội vì phải luôn đi theo canh chừng bà,sau đó thì chịu thua. Bác tài an ủi,má tụi mình mai mốt cũng vậỵ. Một bà khách đế vào: Sợ còn hơn bà nữa . Phải, còn hơn nữa, bà Đu đủ cũng an ủi tôi như thế . Nó thêm, mi khi nớ chắc cũng kêu, ung ơi,cho tui xuống chỗ cây số 108 quốc lộ 20 , tui đi đào khoai mì với Liên đội nì. Tôi cũng không chịu thua ,bèn nhái giọng nó. Xuống Xí,xuống chỗ phòng giáo dục huyện, chỗ cây số 112 ,tao còn có mấy tiết đứng lớp …khuya ni . Hai bà lăn ra cười mà chảy nước mắt ,chỉ thương mẹ tôi một đời lam lũ, một đời chỉ biết đi cắt bỏ lớp lá vàng để dành lá xanh cho con ,sống chân chất thật thà .

No comments:

Post a Comment