Thursday, September 3, 2015

hạt đậu nành p3

                 NHỮNG HẠT ĐẬU NÀNH (PHẦN 3)
                          Giữa  tết Tre sinh con xứ Đà,
                                       Tha xuống Saigon lúc cuối hè .
                                       Xá Xị đôi chín mẹ ba nhóc
                                       Út Mười bốn chục ngoại tam ngoe .
                                       Cà Rốt, Cà Phê, Cà Kiu , duyệt
                                        Hoa Thuận, Hoa Hiếu, Hoa Nghĩa ,chà .
                                        Kê ,Châu, Xí, Lê giành nhau bế
                                        Bởi mẹ  mê chơi, ăn ngủ(cũng ) phê .

Bài thơ này Tre viết lúc tổ chức sinh nhật thứ ba cho các bé ,cũng là lần thứ tư chúng tôi  tiễn ông táo về chầu thiên đình từ thành phố náo nhiệt này .Con dốc chúng tôi leo để đến với bục giảng đã được bảy phần tám , biết bao lao nhọc, khi tôi là kẻ làm trò muộn,còn Tre lại nhận luôn chức làm mẹ sớm .Suốt đời tôi không quên câu nói đầy ám ảnh của mẹ tôi từ quê nhà,thuở tôi còn bé .Cụ bảo rằng đời người có hai cái khổ , đó là đi cày và đi học .Muốn thoát cảnh đi cày chỉ có con đường đi học , còn ngược lại, thì chịu khó về đi cày .Cảnh “cày đồng giữa trưa, mồ hôi tuôn như mưa” cả tôi và Tre ít nhiều đã chứng kiến, đã nếm trải .Bây giờ , cày từng con chữ, nỗi cơ cực ấy dường như chồng chất , chồng chất .Hai lòng bàn tay tôi có những ngôi sao be bé hiện lên dưới chân ngón tay trò ,  theo tử vi đó là ngôi sao may mắn . Đúng là một phần tư cuộc đời đã qua , tôi chỉ  mới chiêm niệm được một chút ý nghĩa của hai ngôi sao này , nhưng chuyện học hành thì có nhiều khi không phải chỉ dựa vào hên xui may rủi


Tre cũng tin thế . Lòng bàn tay phải bị dị tật của nó , bé xíu, mềm oằn , trắng muốt duy nhất  hiện lên hai đường chỉ nối nhau như chữ T, còn lòng bàn tay trái to bè , gân guốc như tay đàn ông thì la liệt những đường rối mù .Nhưng Tre vẫn luôn cho rằng mình có nhiều sao may mắn , may mắn đủ mọi chuyện .Tre đã gặp một lúc hai bà mẹ có trái tim nhân ái như tim Phật để cho Tre có tình thương,có sự sống .Bây giờ về đây vừa học hành , vừa phải nuôi con ,  lại vừa …cặp bồ ,Tre đã được nhận bao nhiêu cánh tay thật dài vươn ra , đỡ nâng .Hôm trên chuyến xe đò từ Biên hòa về Sài gòn để thi đại học cùng tôi, có một túi đậu nành của mấy người buôn chợ đen nhét trên kệ sát trần xe bỗng nhiên bị thủng, một nắm hạt chắc cứng rơi xuống cổ áo Tre .Nó moi ra và chia hết cho tôi,chỉ giữ lại một hạt .Nhưng ngực áo sơ  mi của cô nàng có chiếc túi khá to,tôi lại nhét vào đó . Những hạt may mắn .
               Tre về lại Dalat tưởng sẽ phải âm thầm vượt cạn trong tủi hổ, đắng cay ,nhưng những người nông dân quê tôi lại dành cho nó những nghĩa cử  ăm ắp tình người . Họ vui mừng khen “mẹ cú con tiên” khi rủ nhau lên bệnh viện tỉnh thăm nó .Ba đứa bé kháu khỉnh lập tức  được làm khai sinh hợp pháp với ba người mẹ , riêng Tre còn có hôn thú đàng hoàng .Bố đứa bé trai con Tre, thằng bé Cà Rốt Hoa Nghĩa là một thanh niên độc thân đi cưa gỗ lậu và bị cây đè chết .Cô Mười nhận làm mẹ bé gái Cà Kiu Hoa Hiếu. Cô nói  thành lời ý nghĩ của cô, rằng cô muốn Tre mai kia lấy chồng thì đứa con trai sẽ sống chung bình an với dượng ghẻ hơn.Cô Út mắt long lanh, mặt đỏ bừng hạnh phúc vì ước nguyện có kẻ chống gậy khi nằm xuống đã thành hiện thực .Ba đứa trẻ, ba người mẹ nhưng vẫn là anh em ruột thịt một nhà .Thượng đế đã ưu ái cho Tre hạt đậu nành thứ nhất .

              Khi bầu đoàn thê tử nhà Tre về thành  phố, hai nhân vật mà Tre liệt kê trong bài thơ Đường …cục của mình là Kê, và Châu lại là hạt đậu thứ hai,ba .Chị Châu chủ ngôi nhà mà tôi ấn tượng nhất bởi hầm nước dưới đáy nhà bếp , vốn là bạn thân thiết với các anh tôi thời đại học, nên chị cũng xem chúng tôi như em út, người nhà .Chị chỉ giữ lại một  phần ba căn nhà rộng rãi và yên tĩnh của mình làm chỗ nghĩ ngơi và tiếp khách, còn lại là để cho chúng tôi thuê với giá vô cùng đặc biệt .Các cô mẹ của Tre về đây được bà giáo Kê, người giám thị tốt bụng và hiểu biết hôm nào ,tìm cho một công việc khá phù hợp với “chuyên môn” của họ lúc này : chăm sóc các sản phụ tại gia .Mấy hôm đầu,sáng nào hai cô Mười và Út phải thay nhau đến từng nhà sản phụ để chăm sóc họ, có khi còn bế theo một bé để xin bú nhờ . Họ phải đáp mấy chặng xe buýt, lưng địu tay bế, rồi mưa nắng bất chợt .Hai “hạt đậu nành” này lại vắt óc, vắt tim tính toán

.             Tre học hết năm hai thì bỗng dưng bị lọt vào mắt xanh của  nữ lớp phó học tập Thu Lê .Và đây là hạt đậu nành thứ tư .Cô gái dáng nhỏ nhắn, hiền lành, chăm chỉ ấy hầu như ngày nào cũng có mặt ở nhà Tre . Giúp Tre giặt giũ, trông bé, dỗ bé ăn, bé ngủ, cả tắm táp cho các bé, rồi cùng Tre học , việc nào Lê cũng rất nhiệt tình . Mùa thực tập , trong lúc chúng tôi phải nhờ người quen đi mượn áo dài , thì Lê đã lặng lẽ may cho Tre một chiếc rất đẹp ,lấy cớ là tay Tre không phù hợp với các áo mượn, khuy cài lại không thuận bên trái .Các  cô , nhất là bà sản phụ nhanh chóng nhận ra họ là một “cặp đôi … hoàn cảnh”.Lê quê Đồng tháp, trọ học ở nhà người cô ruột ,mong ước sẽ cùng  đại gia đình  Tre hồi hương một mai vinh qui bái tổ .


                     Nhưng cô Kê đã “đặt cọc” trước rồi .Cô có một người bà con ở Long Xuyên , nhà rộng, gần chợ , gần trường cấp ba, lại bỏ không .Cô quen biết nhiều thầy cô ở  Ty (sở ) giáo dục tại đây, có thể xin cho Tre dạy tại đây .Hai bà ngoại trẻ sẽ buôn bán nhỏ trong chợ .Thế là những ngày giáp hè, khi chúng tôi đang rối bời chuyện thi tốt nghiệp , các cô đã đưa ba bé về dưới ấy, sau một chuyến cô Mười đi tiền trạm .Chị Châu cũng “theo chàng về dinh” lần hai , ngôi nhà nhiều kỷ niệm của chúng tôi sang nhượng cho chủ khác .Tre sang tá túc nhà Lê , còn tôi cũng xin trọ trong một nhà người bạn từng công tác ở huyện với tôi , nay chị đã được chuyển về Sai gon .Tôi chỉ còn thỉnh thoảng gặp Tre ở giảng đường. Tre học khác lớp với tôi, trước đây chuyện chia nhu yếu phẩm,Tre cũng chỉ chung với Lê .Tôi thoáng buồn, như  thể bị bỏ rơi .Tâm trạng ấy tôi mang về tận Dalat, khi công việc đã ổn định.


Rồi những chao đảo chuyện hôn nhân , sức khỏe, gia đình, người thân , tôi dường như không liên lạc với ai .Những giao tiếp cần thiết tôi cố gắng chỉ dừng lại ở mức tối thiểu . Cùng khóa về Lâm đồng ngày ấy chỉ có một cô ,không chung lớp với tôi và Tre ,lại định cư ở huyện xa ; lâu lâu gặp gỡ qua những chuyến công tác , tôi luôn thấy nhớ Tre nhưng không thể nào hỏi thăm được .

                          Tôi về sống lại trong ngôi nhà nhỏ thời thơ ấu .Con đường  từ nhà  ra đến ngõ bên hông ngôi đình làng vẫn ngập ngụa bùn vào  mùa mưa ,chỉ được đổ bê tông khi tôi vừa về hưu .Căn nhà gạch xây tạm bợ mà Tre từng ở nay  được dùng làm kho chứa  vật tư nông nghiệp , nhưng chủ vẫn ưu ái cho tôi một góc cuối hiên để dấu đôi ủng bết bùn , có nhiều hôm còn cho tôi gửi nhờ  xe . Các khung cửa sổ được bịt kín bằng bao tải đựng gạo ,còn hai cánh cửa  gỗ ra vào đã thay bằng cửa sắt kiên cố .Tôi vẫn thấy Tre đứng trên hiên ,lăng xăng  giúp tôi đẩy xe vào góc nhà, đôi mắt ti hí ánh lên tia cười ranh mãnh sau cặp kính cận , Ô, xin  chào dũng sĩ diệt …xe đạp , chào buổi sáng tốt lành . Đó là giọng điệu luôn châm chọc của Tre .Nó cũng biết tôi dị ứng với các loại xe mà mọi người vẫn gọi chung là gắn máy,vì ,cánh tay phải của Tre .Tuổi học phổ thông,bọn tôi cuốc bộ rất giỏi , con nhà vườn mà .

Khi tôi về Saigon học Cao đẳng sư phạm, cha tôi tìm mau cho tôi một chiếc xe đạp .Khung xe sơn màu đồng lấp lánh, nhưng tôi vừa leo lên tập đã ngã nằm một đống : khung xe bị gãy .Chủ nhà  tôi ở trọ   nghĩa hiệp cho tôi mượn dài hạn một chiếc mi ni cũ kỹ nhưng khá chắc chắn, xe của một nhà giàu có đi di tản  sau ngày 30.4 bỏ lại .Chiếc xe đã giúp tôi hoàn thành khóa học sư phạm cấp tốc ấy .Về xã công tác, do phải đi lại giữa hai cơ sở cách nhau hơn năm cây số, tôi bèn “giác ngộ” ( nói theo kiểu người ở đây,hễ thấy ngồ ngộ thì ..vác )chiếc xe  mi ni cũ  vốn là của hồi môn của bà chị dâu .Bốn năm , xe đã một phần giúp tôi được trở lại giảng đường đại học .Rồi bốn năm làm học  trò, tôi cũng “đày đọa” thêm hai chiếc nữa .Tất cả những chiếc xe một thời “dọc đường gió bụi” với tôi nay hẳn cũng đã gone with the wind ( cách nói của Tre )Trở  về với bục giảng,tôi cũng cố tậu một chiếc Charley, nhưng một bữa đỏ dốc, tôi ngã nhào; xe hỏng tùm lum, còn tay tôi bị bó bột suốt hai tháng hè .Thế là tôi thề gắn bó trọn kiếp với xe đạp .Tôi sợ nếu rủi ro chân tay mình  bị thương tật , liệu tôi có được sự mạnh mẽ, lạc quan, tếu táo, ranh mãnh và ngay thẳng như Tre không ? Có  thời gian  dài tôi phải vất vả để điều trị một căn bệnh mọi người cho là nan y , tôi rất nhạy cảm với những ai tỏ ra quan tâm, tôi cũng dễ bị kích động.Tre dường như không  bao giờ . Nó dễ mở lòng với người tốt, nhưng với kẻ tâm địa,có lẽ do vết thương quá lớn đầu đời, Tre lạnh lùng từ chối .

Tôi cứ ngày hai buổi qua lại trên con đường làng nhỏ hẹp ấy,qua cổng nhà xưa của Tre .Có một khóm dã quỳ mọc ở góc bếp, người ta nhiều lần đốn tận gốc, nhưng qua một mùa mưa.lá cành lại um tùm,rồi hoa nở, đông đến, xuân về .Tôi không còn cảm giác ngai ngái của hoa ,cũng không ngỡ ngàng khi thấy có người  bẻ quỳ về cắm Cây mai anh đào trong sân trước, mỗi dịp tết lại rộ lên sắc hồng dịu dàng, tinh khiết, như thể ai  choàng lên cây chiếc khăn voan mỏng kiêu sa.Hè đến,hoa kết thành trái .Nhưng chùm quả chín đen sẫm nhỏ bằng đầu ngón út trông như những chùm cườm kết dưới lồng đèn , tôi thấy Tre đang trèo lên cây, một tay bíu lấy cành, chân giữ thế ,còn chân kia thì thò ra … bẻ quả .

Tre hái ổi, hái mận, chanh dây, đều bằng chân, rất giỏi .Tôi chỉ việc dứng há hốc , hồi hộp, kiên nhẫn chờ .Bên kia đường là ngôi đình  làng cổ kính , có tuổi cùng với các anh lớn của tôi , mà nay họ đều đã thất thập .Những bụi cà kiu ( một loại cà chua dại ) luôn bám kín bờ rào ,trái lúc lĩu, đỏ ửng .Tre thường mang rổ ra đây hái về nấu canh .Có năm, Tre còn bứng  nguyên bụi bỏ chậu chưng trong phòng khách ngày tết , trông rất độc đáo
Một hôm tôi đi dạy về, thấy của đình mở rộng .Cậu em tôi có nhà dưới chân đình nên được giao giữ chìa khóa và tiếp khách, thì thầm bảo tôi : Con cháu ông Phạm Khắc Hòe đến thắp nhang .Đó là người có công khai phá nên mảnh đất này .Rồi cậu nhờ tôi khóa cửa đình hộ,vì đang bận chút việc .Một phụ nữ luống tuổi  bước ra . Bà Phạm thị Thành , nghệ sĩ nhân dân. Bà từ  Hà Nội vào, hình như tổng đạo diễn festival hoa ở đây. Một vài người nữa .Và kìa ,Hoa Tre ! Cũng áo blouson rộng, tóc cắt tém, dáng lộc  ngộc, nụ cười tinh quái sau làn kính cận, săng đan không cài khóa .Anh chàng ra sau cùng , xách theo hai trái sầu riêng to vừa cúng đình. Rất lịch thiệp và ý tứ, chàng trai trẻ trao tặng tôi quả  có vẻ  tươi hơn, bắt mắt hơn .Đi sau cùng , đầu hơi cúi xuống, một tay bỏ túi quần, đó là dáng của  Tre .Tre, giờ ở đâu ?Sắp rằm tháng bảy âm lịch rồi, đình có nghi lễ cúng cô hồn .Tre có nhớ năm nào một chiếc đuôi heo luộc bị rơi và mất hút  giữa bùn trên con ngõ ngang đình này .Bao nhiêu người sục sạo lội bùn đi tìm, nhưng Tre mò mẫm sau cùng, lại tìm ra .Mọi người ồ lên vui mừng, bảo rằng rồi gia đình Tre sẽ gắn bó thật lâu dài với miền quê này .Vậy mà bây giờ …


Bây giờ đã đúng ba mươi năm tôi rời trường sư phạm, cũng bặt tin Tre ngần ấy năm .
        Một chiều tháng sáu  tôi tạt qua khu Vườn hoa  thành phố thăm người bạn  ở  quầy bán hàng lưu niệm tại đây . Có chiếc xe dài ngoằng đậu sát cổng vào, khách í ới gọi nhau lên xe, tôi vấp phải một người đàn ông dáng cao to, áo quần nón giày đều trắng bốp, trông như một tảng bột khổng lồ .Khối bột ấy bất ngờ chận tôi lại, rít lên mừng rõ :Ôi, chị Xí! Tôi vô cùng ngỡ ngàng, vì hẳn từng ghé nhà mới biết được cái nickname đặc biệt ấy của mẹ dành cho tôi .Người đàn ông tay mở nón, tay nắm chắc ghi đông xe tôi ,nhe răng cười .Ồ, anh Thanh ,lớp trưởng của Tre .Thật không còn niềm vui nào bằng ! Tôi nhớ câu đầu tiên tôi hỏi anh , sau hàng loạt câu anh hỏi tôi :Anh có biết Xá Xị giờ ở đâu không ? Tôi  vẫn mong tre an lành. Ở trường tôi có một cô giáo mắt bị hiếng, thế là phải chuyển sang công tác ở bộ phận thư viện . Còn Tre,với cánh  tay như thế …  Anh vỗ vỗ trán rồi đội nón lên đầu, mắt nhìn lên những người ngồi trên xe đang hối  thúc .Anh vội móc túi rút ra chiếc các vi dít ,dúi vào tay tôi rồi nói  nhanh : Cửa  hàng hoa trong chợ Bạc Liêu,hỏi cô Năm .

            Giữa tháng bảy, tôi cùng chồng theo trường cũ đi tham miền tây .Đoàn sẽ đến tận Cà mau ,Bạc liêu , trên đường  về có khá nhiều người tạt qua Sài gòn . Tôi chỉ có một mong mỏi duy nhất là tìm thăm Tre

         Tôi nhắc đến ngôi nhà Dalat,Tre mỉm cười , cô và Lê đã mua trả góp .Mai kia về hưu ,họ sẽ đến đây , mở một nhà dưỡng lão . Ngôi nhà bên đình mọi người kiêng kỵ ,cú kẻ đến lại người đi, rồi sẽ có một sinh khí mới .

                                                       Dalat tháng 9.2015




No comments:

Post a Comment