Monday, September 7, 2015

người cha tốt

                                         NGƯỜI CHA TỐT
             Nghe cô bạn đồng nghiệp luôn miệng gọi “Ông  Bác sĩ Cầm, ông  Bác sĩ Cầm” ,tôi cứ hình dung trong đầu một người luống tuổi, tóc pha muối tiêu, mắt phải dùng kính lão, đi lại chậm chạp , nói năng từ tốn . Đó là những vị bác sĩ thú y có một dạo thường ghé nhà tôi ,khi trong khu chuồng trại luôn có bầy heo vài chục con , cũng ngần ấy  của đàn  gà, thêm con bò cái lấy sữa.Họ giúp cha tôi và cậu em út chữa trị những căn bệnh  các con thú này mắc phải , mà chủ trại chỉ là nông dân thuần túy, nuôi gia súc tay ngang (cậu em đã tốt  nghiệp trung cấp nông lâm súc Bảo lộc, nhưng lại chuyên đo đạc, quản lý đất đai ) phải bó tay .Họ được mọi người trong nhà kính nể , có vị còn trở nên gắn bó như người thân , ngày giỗ tết cha và cậu em thường mời họ đến uống chén rượu . Bẵng đi một thời gian , tôi không còn gặp họ .Có lẽ họ đã nghỉ hưu,một phần vì cậu em không còn đầu tư cho chăn nuôi nữa .
              Nhưng hôm nay , lại xuất hiện một bác sĩ thú y khác .Vì tôi có nuôi mấy con mèo , một con chó  và đàn gà vài ba mống !
              Viên bác sĩ này người nhỏ thó, trắng trẻo,thoạt trông cỡ như cậu học trò lớp mười tôi gặp trên trường phổ thông .Tất nhiên là số tuổi anh ta phải gấp ba . Anh ta luôn tươm tất , gọn gàng, từ tóc tai, trang phục , giày dép .Chiếc dream của anh luôn bóng loáng và oằn mình vì bốn túi xách khá to anh ta thường xuyên  mang theo , túi đựng đồ nghề, túi áo quần (bác sĩ  giải thích rằng do địa bàn “công tác” của mình rất rộng , bao trùm toàn tỉnh Lâm đồng, xuống các huyện của Nha trang , Phan rang, Đaklak… giáp ranh với Lâm đồng, vì hễ thân chủ  của chó  mèo bò heo gà  có nhu cầu gọi đến là anh ta không từ chối , bất chấp thời tiết,  giờ giấc , do đó phải mang theo hành lý ) Vì thế, có cả túi đựng đồ ăn, nước uống .Chiếc túi cuối cùng là rau củ, hoa quả chủ nhà  biếu , lúc nào cũng căng phồng .Tôi hỏi , chắc nhà anh đông người lắm hả .Anh ta thản  nhiên đáp , có ông bà nội , các cô chú .Có cô em kế là ni sư bên  tận Miến Điện .  Vợ anh làm việc ở khách sạn Palace, còn cô con gái duy nhất đang học lớp bảy .Túi đồ nghề  mở ra đầy đủ kim tiêm , bông băng , thuốc đỏ, anh giải thích rằng thỉnh thoảng gặp những người bị tai nạn dọc đường, xe tông, cây đè, anh có thể giúp họ .Tôi nhìn anh lòng đầy ngưỡng mộ .Anh là một bác sĩ tận tụy , gia đình anh thật hạnh phúc . Có một điều tôi hơi ngạc nhiên là anh còn trẻ , sao không công tác trong cơ quan nhà nước như những bác sĩ thú y trước đây ,nhưng tôi  tự nhủ không nên tò mò .
                Con mèo nhỏ của tôi bỏ ăn , anh ghé chích ba lần , trong suốt một tuần . Con mèo không qua  khỏi .Anh tìm mua cho tôi  hai con khác,lớn hơn ,rồi hai con nữa . Lần này thì chúng khỏe mạnh , sinh ra một đàn năm sáu con .Mèo lang thang khắp nhà, khách đến chơi la làng vì ở nhà trên, xuống nhà dưới đều vấp phải mèo .Trong xóm , nhà cửa được xây cất kiên cố, nhưng chẳng mấy ai chịu cho giống vật yểu điệu này ở chung .Chỉ có hai mẹ con tôi làm chủ một căn nhà xuống cấp , “ông kẹ” chạy khắp nơi nên phải nhờ mèo đe nẹt . Tôi rất sợ chuột .Ngày còn làm việc ở Đồng nai , có một ổ chuột “làm nhà” trong rương hành lý của tôi .Rương chỉ có chiếc áo len dày, mặc mỗi khi về thăm nhà, và gia đình chuột đã ủ đàn con đỏ hỏn trong ấy !.Rồi có đêm , những vị khách  này chui vô mùng..ngủ chung ! Vị bác sĩ thú y trẻ hình như hiểu được “ nỗi lòng” của tôi , nên tận tình giúp đõ , theo cách của anh ta .Khi đàn mèo trong nhà đông đảo như thế ( nhiều người khuyên tôi mang ra đồi cù , gần  hồ Xuân Hương để nó … tự lập) anh tìm chủ mới cho nó . Anh ta còn chiêu dụ tôi mua thức ăn cho mèo,  thuốc diệt  bọ chét cả vòng cổ  trừ bọ chét .Giá khá cao .Lý do vì phải năn nỉ mua lại của … công an (?)Tôi rất ngạc nhiên

               Tôi cảm  thấy mình không có tay nuôi mèo , vì chúng kén ăn èo uột , phải thuốc men thường xuyên ,lại khá tốn kém .Tôi nhớ nhà mình trước đây luôn có một con mèo già, béo ụ , khỏe mạnh, bắt chuột giỏi .Mỗi bận , xương cá sau bữa ăn nó chỉ được phần nhỏ, phần lớn ưu tiên cho con Mực .Lâu lâu, mẹ tôi nhân tiện ra chợ  thì mua cho nó một gói bột màu vàng như nghệ để diệt giun .Một lần vị bác sĩ thoái thác vì bận khách tỉnh xa , tôi lọc cọc đạp xe chở một con mèo ốm ra phòng mạch thú y  ngoài phố, theo lời hướng dẫn của cậu em . Và tôi tá hỏa .Ở đây, người ta chỉ chích cho nó một mũi duy nhất, trong chiếc xiranh  khá to , mà giá chỉ bằng một phần tư của “bác sĩ gia đình”, còn  anh ta dùng loại bé xíu như ngón tay hài nhi , chích ròng rã ba buổi .Cả các loại “phụ kiện” cũng được bác sĩ tính bằng giá trên trời . Tôi buồn , nỗi buồn của một cô giáo phát hiện ra đứa học trò lười học, dối trá .Thực ra  , từ lâu , tôi vẫn biết mình bị “chém”, nhưng tôi vẫn cứ để cho anh ta lợi dụng ,vả lại tôi không tin lối “chém” của anh ta dữ dội như thế .Bởi con tim  có những lý lẽ của nó .
                Thực ra anh không có một gia đình hạnh phúc như anh kể .Vợ anh bị bệnh tâm thần nặng và đang điều trị tận ngoài quê  Đà nẵng từ  khi bé con anh chưa được cai sữa .Đang làm cán bộ thú y nhà nước, anh phải bỏ ra ngoài, vì như thế mới có điều kiện chăm con .Anh chị em trong nhà giành hết phần lớn gia sản cha mẹ để lại , anh phải che chắn một gian riêng cuối  vườn .Ngôi nhà chênh vênh bên bờ taluy , anh phải ki cóp từng viên đá để xây bờ vách cao .Rau củ kiếm được , anh đem đổi thức ăn cho con .Tôi biết được  tường tận như thế vì có  hôm tìm thăm một em học trò, không ngờ họ là hàng xóm láng giềng của nhau .. Ngôi nhà của anh dù không có bàn tay phụ nữ mà rất sạch sẽ, ngăn nắp .Bé gái con anh xinh xắn, tươm tất , lém lỉnh. Tôi hỏi  mai mốt con có học bác sĩ thú y như ba không , nào ngờ nó bĩu môi , nghề ba khổ  thấy mồ . Nó thích đi công an . Ông bố đỡ lời .Tôi bật cười .Mới lớp bảy mà mục tiêu thật rõ ràng .
                  Ai cũng có tấm lòng, nhưng khi bị  xem thường quá thì cũng dễ  gây  tổn  thương. Đó là lý do  dẫn đến sự kết  thúc quan hệ của viên bác sĩ này với chúng tôi . Thôi thì cứ xem tôi là  khách hành, thuận mua thì vừa bán . Hôm ấy con chó của tôi đến đợt chích ngừa dại lần hai .Năm ngoái , anh bác sĩ ghé nhà chích , tôi  cứ nghĩ rằng giá tiền  sẽ rẻ , vì thuốc miễn phí như thông tin tôi nắm được . Nhưng khi cầm tờ hóa đơn, tôi thấy choáng váng .Đành bấm bụng chấp nhận . Lần này, đúng một năm sau ,anh ta đến rất bất ngờ , ra lệnh cho tôi phải xích con chó lại để cho anh tiêm phòng dại .Tôi  từ chối, vì biết  ít hôm nữa phường sẽ cử người đến tiêm miễn phí .Nhưng anh ta cương quyết tiêm cho bằng được . Con chó vốn rất quen anh, nhưng hôm nay nó không hợp tác .Thế là anh ta đổ thuốc vão dĩa thức ăn để sẵn góc chuồng .Rồi ung dung ngồi xuống hiên kê hóa đơn , gác lên cửa, và bỏ đi .Liên tiếp nhiều ngày sau, anh ta phóng xe đến để thu tiền , vẫn con số đã khiến tôi một lần choáng váng . Sau đó anh chàng còn nhiều lần tạt qua, mục đích là kiếm rau củ quanh nhà, nhưng tôi không tiếp đón .Con chó từ đó hễ thấy ai mặc trang phục toàn màu đen và phóng xe vào sân là nó rượt đuổi inh ỏi .Cả mấy con mèo trong nhà cũng bị nó dí chạy lên tuốt trên  mái .Đành phải đóng vai “điền vào chỗ trống” ,con chó nhỏ học bắt chuột,nay thì đã thành thạo .
                   Ngày tháng trôi qua .
                 Lâu nay thường có một cô gái rất trẻ và xinh đẹp , trang phục đúng mốt, cứ sáng sáng lại chạy xe đến gian phòng trọ sát khu vườn sả của tôi . Rồi một lát sau cô chở cô gái con chị khách trọ, cũng chưng diện không thua kém , ra sân , lên đường cái quan . Người mẹ gần năm mươi, mệt nhọc quảy đôi quang gánh trên vai, lặng lẽ đi sau .Chị làm nghề buôn đồng nát , dẫn con đến trọ ngay từ khi dãy nhà vừa được dựng lên, là tám năm rồi .Có nhiều người đến rồi đi, nhưng tôi vẫn thấy hằng ngày hai mẹ con ở gian phòng này ,có lẽ vì bên hông nhà có một khoảng đất  trống sạch sẽ, kín gió , có chỗ nấu nướng ngoài trời và chỗ cất chứa hàng để dành của chị . Họ rất tiết kiệm . Nước uống, nước đun tắm, cơm canh , đều đun nấu từ củi cành que lẻ chị nhặt nhạnh lúc đi mua bán hàng .Nước lạnh thì  hứng ở bồn chứa nước giếng khoan bên vườn sả . Đêm đến  gian nhà tối om , chỉ le lói một ngọn trái ớt trên bàn thờ , còn cô con thì  sang học ké ở các gian bên cạnh . Nhiều nữ sinh viên con nhà khá giả thuê riêng một phòng  và thường thức rất khuya ,luôn sẵn lòng chia sẻ .Cô con gái của chị đang ôn thi đại học . Hỏng thi  ,cô gái đi làm . Nhưng từ đó, tối tối , trong nhà luôn vang ra tiếng khóc của người mẹ , tiếng cằn nhằn của người con ,rồi có hôm xô xát, khiến vợ chồng cậu em tôi phải sang can gián . Cô gái đã đi làm, có thu nhập  nhưng vẫn thích  mẹ “bao cấp” như xưa ,người mẹ lại muốn con giành giụm để mai kia có chút tư trang khi lên xe hoa . Gian nhà lại vẫn tối om,vì cô con gái đi làm về muộn ..           
            Hôm nay tôi đang lúi húi dọn cỏ trong vườn, bỗng hai cô gái tìm đến . Cô khách lên tiếng chào như đã quen biết từ lâu ,khiến ban đầu tôi rất ngỡ ngàng .Ô, thì ra là cô con gái rượu của bác sĩ Cầm ngày nào .Tôi hỏi , con có thi vào ngành công an không,kết quả thế nào . Cô bé nhún vai .Thi công an khó lắm cô ơi ,  phải cao mét sáu, phải có lý lịch tốt . Vậy giờ học khoa gì trên này ( khu nhà tôi rất gần với trường đại học Dalat )?Cô bé mím môi, cô bạn đỡ lời , nó chưa xong lớp 12 , đang học uốn tóc , còn rảnh  thì đi  bán túi xách trên mạng . Vậy ra là lỗi do ngành công an yêu cầu cao quá nên cô bé đành  … chuyển ngành .
                Tôi đưa mắt nhìn ra xa, qua những dãy đồi ,nơi người cha ,người mẹ của hai cô gái trẻ này đang  
     đổ từng giọt mồ hôi ,nứơc mắt và cả danh dự để gom nhặt từng xu hào nhỏ , đắp vào những khoảng trống mà vợ họ , chồng họ không thể làm được  . Và theo họ , đó là  tất cả  . 
                  Tôi không dám trách họ .Tôi không biết đó là lỗi của nhà trường hay xã hội ?
                  Bác sĩ Cầm,ông là một người cha tốt nhất của con mình .         

No comments:

Post a Comment