Monday, July 20, 2015

NGƯỜI THẦY SAU BỨC VÁCH

                     NGƯỜI THẦY SAU BỨC VÁCH


        Thấy nhà chị Hạ Em sửa sang lại gần xong,tôi bèn hỏi đùa nhân một hôm qua chị chơi :Có ăn mừng tân gia không chị ?Tưởng chị cũng đùa lại , đại loại: Sao không mày! Phải có quà độc và hiếm đó nghe ! Nghĩa là không tiệc tùng gì đâu  .Không ngờ chị trả lời với vẻ mặt rất nghiêm trang :Có chứ .Và giọng chị hơi ngập ngừng : Chừng cuối năm , đến giỗ anh Thạch,thì làm luôn thể  ,vì phải chuẩn bị vài thứ .Cuối năm,  con cháu  sẽ có dịp về đông đủ  
      Đột ngột chị đứng dậy rủ tôi ra một quầy phô tô gần nhà .Chị cặn kẽ hỏi giá in từng trang, một mặt, hai mặt, chèn hình màu hay đen trắng ,cách phục hồi ảnh quá cũ , giá cả  khi đóng thành tập bốn chục trang, giá in năm chục cuốn…Tôi nghĩ thầm: có lẽ hội cựu chiến binh của chị đang ra tập san, hay các ông bà cùng nhau viết hồi ký, rồi giao cho chị khâu in ấn . Chị Hạ Em của tôi trước  giải phóng từng học ở   đại học Y đàng hoàng, nhưng do anh Thạch ốm, chị phải nghỉ học giữa chừng  , rồi  chị vừa chăm sóc anh,vừa làm giao liên. Sau ngày đất nước thống nhất,tôi thấy  chị công tác trong ngành công an .Bây giờ chị đã nghỉ hưu với  khoản lương khá cao so với chúng tôi .Tôi định hỏi :Chị tính in sách gì vậy,nhưng chị lại hỏi tôi : Mắt mày độ này đỡ khô chưa ? Đánh máy được không ? Thấy bài mày trên blog ..Tôi cười . Thì viết cho vui .Phải nhờ con bé Dung nó gõ cho,rồi bế con ,giặt giũ phụ nó .Dung là con út ông anh tôi, đang về nhà mẹ nghỉ hộ sản.Chị băn khoăn .Chà,mà nó sắp đi làm lại rồi .Cả tôi và chị cùng  có một lực lượng  cháu chắt khá hùng hậu,vì ngày trước các cụ đều sinh nhiều con .Nhưng khi cần nhờ vả việc gì đụng chạm đến quỹ thời gian của chúng nó   thì …hơi bị khó .


 Bất ngờ chị lại hỏi tôi : Mày  viết được hồi ký chứ ?  Cô giáo Văn mà ! Thấy mày viết blog cũng có câu có cú …Tôi chột dạ , nhủ thầm , chết cha, mình đoán không sai , các ông bà ấy đang “chiếu tướng” mình. Tôi bèn chối đây đẩy .Khó lắm chị ơi . Đâu phải cứ dạy văn là viết văn hay .Tụi em đọc và chê bai văn người khác thì giỏi,nhưng ,nói thiệt với chị, có nhiều đứa cả đời chưa hề viết một đoạn cho ra hồn .Kẻ d ạy văn khác nhà văn …Chị ngẫm nghĩ ,gục gặc ,ừ , có lý Rồi chị  chuyển sang chuyện khác .Chiều hôm sau, khi tôi đang ăn cơm ,chị gọi điện, bảo tối sẽ sang ngủ ké một bữa .Từ hôm sửa nhà, chị dọn đồ đạc  qua bên bà Năm, người vợ thứ của cha chị  , tá túc.Bà có hai con trai đều đang đi làm xa nên có chị sang cũng vui .Thường ngày họ vốn rất thân thiết với nhau , một  điều hiếm thấy so với các quan hệ dì ghẻ con chồng khác
 

Dường như tối hôm ấy cả hai chị em đều thao thức .


Mẹ anh Thạch và chị Hạ em là chị ruột của cha tôi .Năm 1939, theo đoàn người  từ Nghệ an vào  đất Dalat này lập nghiệp, vợ chồng cô  được cấp đất, rồi dựng nhà, mở vườn  sát bên  vườn nhà chúng tôi .Họ có tới chín người con nhưng chỉ duy anh Thạch là con trai. Sau khi sanh chị Hạ em  cô  tôi bị bệnh và qua đời . Dượng ở vậy nuôi dạy đàn con gần chục đứa . Nhưng khi anh Thạch hai mươi và chị Hạ em mười tám thì ông cưới bà hai, bây giờ chị Hạ em gọi là Dì Năm,chúng tôi cũng gọi  theo .Bà  người từ miền trung  vào đây làm công giúp việc cho gia đình .Ông dượng nhờ bà chăm sóc anh Thạch .Anh ngã xe và  thận bị tổn thương nặng ,khi anh đang theo học đaị học


Quê tôi thuộc vùng cao nguyên, điạ hình đồi dốc trùng điệp.Phương tiện di chuyển trong thành phố là xe lam và … đi bộ .Cả xóm chỉ một vài nhà khá giả mới có xe gắn máy của Nhật .Xe đạp cũng thế . Cha tôi và Dượng Trí –cha anh Thạch- sắm xe đạp cùng một  thời điểm , nhưng vừa mang xe về đến nhà là …treo lên vách !Hai ông anh song sinh của tôi,nhỏ hơn anh Thạch dăm tuổi  , ra vào ngắm chiếc xe thèm thuồng, nhưng đành nín chịu .Anh Thạch cũng thế .Nhưng có một lần cả nhà đi vắng, anh đã đỡ xe xuống và tập chạy thử .Nơi anh tập là vạt vườn trên đồi, sau lưng nhà .Các luống đất vừa đánh rãnh, anh cho xe chạy vào giữa, vì  theo anh , xe sẽ không bị đổ lăn kềnh, và anh còn có thể chống chân được .Xe giàn tay ngang,  hiệu Peugeot rất chắc chắn nhưng khá cao và nặng. Anh Thạch bị ngã .Không ai biết chuyện gì đã xảy ra ,nhưng sau một thời  gian dấu nhẹm thì tay cua rơ ấy phải nhập viện, rồi nghỉ học .Cha tôi hoảng quá, bèn ..hạ thổ chiếc xe nhà mình, năn nỉ hai anh con đi tập dưới sự giám sát của ông .Mấy nhà trong xóm có xe đạp và con trai nhỡ nhỡ đều làm như thế .


             Phòng của anh  Thạch được cơi nới khá rộng,ngang với chiều dài của khoảng sân bên đồi , ngăn làm hai bằng một bức các tông mỏng , rất sáng sủa vì cửa kính gắn ba bề bốn bên, trên nóc còn trổ thêm hai tấm tôn nhựa  trong suốt như gương thay cho mái và la phông. Những giò lan rừng treo lủng lẳng khắp nơi,trong nhà, ngoài hiên, trước sân .Dãy chuồng bò dưới thung lũng cũng được dời đi chỗ khác, thay vào đó là mảnh vườn vùa  có mấy luống rau ăn hằng ngày, vừa cứ lớn dần những cây táo quả hai màu xanh hồng, những quả quýt đỏ rực ,những chùm hoa bưởi ngào ngạt giữa đêm khuya . Sáng  sáng anh thường ra đây phơi nắng, đọc sách, trò chuyện với người thân bạn bè. Nếu  khách là phái nữ  thì anh  lui vào phòng, tiếp chuyện họ từ bên kia vách . Anh từng học ở Sài gòn suốt những năm phổ thông và đại học nên có rất nhiều bạn .Họ đến ,một đoàn khá đông hoặc  nhóm vài người ,có khi trò chuyện cùng cười ha hả, nhưng có khi thì thầm ,rồi thân mật chia tay . Làng tôi trước 1975 thuộc vùng gọi là “xôi đậu”,nghĩa là có những hoạt động ngầm của cách mạng bên cạnh các tổ chức của  chính quyền  cũ . Cha tôi suốt thời gian ấy  thường được dân chúng bầu chọn làm trưởng ấp . Ai đến đi ông đều biết .


Rồi anh Thạch phải ở mãi trong gian phòng đầu hiên nhà , trông ra đồi thông . Dượng Trí đột ngột qua đời, Dì Năm bận rộn hai thằng nhóc tì, chị Hạ Em đành  bỏ dỡ việc học, về chăm anh  .Mọi người ai cũng buồn rầu,lo lắng ,nhưng kẻ đem lại sự bình an cho mọi người lại chính là Anh Thạch !
              Những người lạ đến thăm anh Thạch đều là bạn học cũ, bạn tốt ,theo nhận xét của ông .Anh Thạch có sách báo nhiều  vô kể, đủ các loại, ngày một tăng  ,lớp thì chị Hạ em đặt qua đường bưu điện, lớp bạn bè gửi tặng, lớp thì những người đến chơi nhà mang làm quà ,  tất cả đều được anh bảo quản rất cẩn thận, bày đầy ba dãy kệ trong nửa gian phòng của anh . Nguyện  ước  mai kia  là anh sẽ tặng cho thôn thư viện nho nhỏ này . Còn tôi ,ngày ấy tôi mới lên lớp Đệ thất ( lớp 6) học buổi chiều ,buổi sáng thường được cha sai mang sách báo gửi về từ phường ( hồi đó chưa có bưu tá như bây giờ, mọi ấn phẩm qua đường bưu điện đều tập trung về cơ quan hành chính này )tối hôm trước ,mang qua cho anh



Tôi lại vốn “ mê  truyện” ( cách nói của mẹ )nên nấn ná trong phòng khách nhà anh  thêm .. .vài tiếng đồng hồ , dù  sáng ra  vườn mẹ luôn dặn nhớ về coi nhà, về nhặt rau nấu cơm, về cho anh nghỉ .., dù bước chân ra cửa với ôm sách báo, , tôi đã vâng dạ ngoan ngoãn .Nhưng thế đó .Anh Thạch  có vẻ chú ý người khách không mời mà đến  này .Thoạt đầu, anh chỉ ừ hử đón tiếp, nhưng thấy tôi ngày nào cũng lục lọi các kệ sách và ngấu nghiến đọc những gì vớ được, anh soạn sẵn cho tôi một vài cuốn hay trước khi tôi đến ,còn cho tôi mượn mang về ,nhưng không quên căn dặn chỉ đọc khi rảnh rang .Có hôm tôi bận học hành hay cảm sốt không qua được,cha tôi phải thay  tôi mang sách báo cho anh,anh lo lắng hỏi thăm . Mẹ tôi bảo anh đang dưỡng bệnh, có lẽ buồn ,nên chính thức “cấp giấy phép” cho tôi  “sang bên anh đọc sách”, nhưng luôn dặn dò không được làm phiền anh . Tôi nghe tiếng anh cười nói rất khỏe, rất ấm ,giống giọng các anh tôi , nhưng luôn tiếp đón tôi qua bức vách,ở  nửa phiá trên có giăng rèm  ,không biết anh bị bệnh gì .


Thế là cứ mờ sáng, có hôm mọi người chưa kịp xuống vườn,  tôi đã lò dò vác cả chiếc cặp sang nhà anh . Nửa gian nhà vắng vẻ, thoáng đãng, thơm ngát hương hoa lan, tôi ngồi làm bài ,lầm thầm học bài; bên kia vách anh nghe radio,viết lách  gì đó, hay ra sân  tập thể dục ,có khi hỏi chuyện tôi ,những chuyện ở nhà ,ở trường .Một con bé “la nhà quê” vừa ra tỉnh học như tôi,có biết bao chuyện để kể .Chẳng hạn chuyện tôi đánh vần tiếng Anh từ glass, cả lớp bò lăn ra cười, mà bà giáo cũng cười .Anh bảo tôi “spell” lại cho anh nghe .Qua bức rèm,tôi cũng nghe tiếng anh phì cười .Thì ra tôi mang cả giọng Nghệ an nặng có góc có cạnh của mình khi phát âm hai phụ âm s đi liền nhau .            Có hôm tôi nhờ anh chỉ cho tôi cách tô con bướm. Tôi mang theo một chú bướm  còn đang vẫy cánh rất to, toàn thân chỉ có  một  màu đen tuyền .Anh chê xấu . Từ sau màn,một cái que trúc nhỏ thò ra , đầu que đỡ hai cánh bướm đưa lên đưa xuống .Ừ,nó xấu thật .Anh hứa sẽ nhờ người bắt bướm rừng cho tôi , rất đẹp .Anh có bạn ở trong đó hả ? Anh không đáp, mà lảng sang chuyện khác  .Vài hôm sau , như đã hứa ,anh tặng tôi mấy con cánh sặc sỡ, rất sinh động .Nhà hôm ấy chị Hạ em đi học y tá tận Nha trang  cả tháng, mẹ tôi nấu cơm,cha mang sang và ở lại đêm với anh ,vậy ai vô rừng bắt bướm để anh tặng tôi ?



Tôi vốn rất dốt các môn học tự nhiên như Toán Lý .Ở nhà là cơ hội cho hai bà chị cú  đầu đau điếng ,là cớ để hai ông anh  sai vặt và vay tiền heo đất .Có hôm tức quá tôi bảo : Chẳng cần,mai qua nhờ anh Thạch bày . Hai mỏ các bà chị chu ra , ừ , anh ấy còn cho mày ăn lươn . Nhưng anh nhẹ nhàng,tỉ mỉ hướng dẫn tôi làm bài . Anh nhờ chị Hạ em sắm một bộ sách giáo khoa ,bảng là mặt sau tấm lịch có dán lên vài tờ giấy nháp , thước là chiếc que trúc nho nhỏ đã lên nước ,những vật ấy cứ chui qua lại bức rèm vải đung đưa, có khi gõ nhẹ lên đầu tôi (que trúc)khi óc tôi quá mít đặc .Anh giảng rất dễ hiểu , chẳng khác gì thầy cô ở trường .


       Mà có lẽ anh cùng độ tuổi với họ .Anh hơn tôi mười lăm tuổi .Quãng thời gian anh sống ở quê nhà rất ít, vì thuở anh mới chào đời, mẹ anh đã mắc bạo bệnh,  người cha đã phải gởi anh về quê nội ở Nha Trang .Lâu lâu về quê ngoại,anh chỉ trò chuyện với các anh ,các chị tôi,còn tôi đã có lúc anh nhầm với đám cháu,con các chị gái của anh .Tôi nhớ dáng anh cao gầy, mặc sơ mi trắng, bên ngoài là chiếc áo len màu xanh lá cây đậm ,cổ thuyền, mẫu do anh vẽ, đám chị đã phải xúm lại đan mấy ngày đêm để cho anh kịp  mặc đón tết quê nhà .Tết ấy,tôi đang học lớp 1 .


       Có hôm tôi nhờ anh giúp cả cái môn học xem ra cực khó với anh : Môn Nữ công .Tôi than thở với anh rằng cả nhà tôi ai cũng kêu bận . Mỗi khi tôi chìa mớ vải vụn cùng kim chỉ ra là mọi người đều la làng !Tôi kể lể rằng bà cô trên trường khó tính lắm .Chiếc cổ áo tôi bỏ ra mấy đêm luồn vắt nhưng bị bà chê :Trời ơi, không thể nào xấu hơn được nữa à ,trò !Còn hai ống quần,không hiểu thế nào mà ráp lại thì ống ngắn,ống dài , bà cô  ôm đầu ! Bên kia màn,có tiếng anh cười cùng cục từng hồi .Anh bảo tôi ngồi chờ .Lát sau anh chuyền qua màn cho tôi một chiếc áo cũ nhưng có  ba vạt rất rộng , cùng một cuốn sách dạy cắt may .Chiếc que trúc lại cùng tôi dò từng nét vẽ trên vải mẫu, rồi vải thật,tùng nét cắt,từng đường khâu .Bên kia màn, giọng trầm trầm vang lên , rằng ,vì sao thợ thuyền họ giỏi ? Ngoài sức lao động,họ là người kiên nhẫn có bằng cấp .Theo anh,tôi vụng về chỉ vì thiếu kiên nhẫn mà thôi .



 Rõ ràng,anh đã   nhìn rõ tôi ,thấu hiểu tôi ,dù tôi không hề trông thấy anh,và có thể chưa hiểu anh  .Nhưng tôi biết  anh có một đôi mắt đen,hơi lé kim một chút ,nên tia nhìn vừa ngỡ ngàng, vừa thân thiện ,đó  ,đôi mắt của cha và các anh tôi,luôn chú ý mọi động tác của tôi . Anh có giọng trầm trầm, có tiếng cười cùng cục trong cổ nghe vui vui. Hẳn anh cũng móm như các anh tôi, nhai nuốt trệu trạo ,lắm khi các  “hột táo”lại tông vào nhau rất buồn cười . Những người như thế thì khổ, vì  luôn biết nghĩ và sống cho người khác , mẹ tôi bảo vậy .Thật kỳ lạ là họ cũng có cách cầm viết giống nhau: quản viết kẹp giữa hai ngón trỏ,giữa, thay vì ngón cái .Cây viết trong tay trở nên rất chắc chắc ,thẳng đứng .Anh Thạch đang ôm giữ lấy sự sống như thế, dù cuộc sống hiện tại của anh có thế nào đi nữa …

    Và cứ thế, những tháng ngày chồng chất bao nhiêu niềm vui, nỗi buồn tuổi học trò cứ trôi qua . Bạn bè tôi đều ở ngoài phố, nên tôi chỉ có một người bạn láng giềng sau bức rèm đó .Bạn tôi có nhiều gia sư,tôi cũng có một gia sư , ngày đêm gieo cho tôi mầm chữ, xây đắp cho tôi lẽ sống cao quý, dù tôi không hề biết mặt .


             Tôi nhớ có lần vào một buổi sáng trời nắng đẹp hè lớp 7, tôi leo lên nóc bể nước ngồi chơi, bất chợt nhìn qua  khoảng sân sau  nhà anh Thạch,tôi bắt gặp một dáng thanh niên gầy gò ,mặc trang phục trắng toát, bên hông  hình như lủng lẳng những ống cao su,đang đứng tập thể dục   .Tôi đang sửa soạn đứng lên để xem  cho rõ thì bất chợt có một bàn tay chắc khỏe ấn vai xuống .Cha tôi ! mặt ông đỏ bừng,tức giận, tay kia lăm lăm ngọn roi .Tôi vô cùng kinh hãi vì chưa bao giờ bắt gặp hình ảnh cha như vậy.Sau lưng ông,mẹ tôi cũng đứng đó,vẻ lo lắng . Tôi rón rén lên quỳ ở một góc nhà trên .Mẹ dừng lại trong  bếp,còn cha ngồi lên phản , cây roi đặt b ên cạnh .Tôi úp mặt vào vách,hai chân tê dần mà không hiểu mình phạm tội gì .Cha tôi ngồi thừ người một lúc lâu .Sau đó, ông nhẹ nhàng bảo : Thôi con xuống nhà phụ chị nấu cơm





Tối hôm ấy ông sang nhà anh Thạch chơi  đến khuya .Hôm sau ,ông lại sai tôi mang sách báo qua cho anh .Tôi ngạc nhiên ,hôm qua ông đã đến đây  rồi ?.Nhưng tôi chỉ lẳng lặng làm theo lời ông .Tôi rất muốn sang nhà anh chơi, vì anh có chiếc radio rất tốt, sáng chủ nhật nào tôi cũng sang  tập hát cùng anh qua đài .Anh hát và đàn rất hay .Tôi cũng muốn sang tặng anh món quà,một cuốn sách hay được mua bằng khoản tiền tôi dành dụm khi phụ các chị thêu áo gối cho khách hàng .



Thò đầu vào, tôi đã thấy trên bàn một bức ký họa bằng bút chì rất ngộ nghĩnh .Mới nhìn trông tưởng  hề Sạc lô,nhưng nhìn lại thì …rất giống các anh tôi. Đôi mắt xếch,cái miệng móm, hạt đào to đùng nơi cổ .Anh Thạch !Có tiếng cười dòn bên kia màn .Sao, yết kiến dung nhan mùa hạ của đại hiệp rồi, tiểu muội thấy thế nào ?Anh tiếp ,tại bên anh luôn tỏa mùi am mô ni ác nên anh  phải giữ kẻ chút xíu trước phụ nữ .Đó là cách tôn trọng họ .

Nước mắt,nước mũi  tôi  tự dưng từ đâu chan hòa ,như con suối dềnh lên mùa lũ .Tôi đã thấu hiểu nỗi khổ của anh qua lời mẹ kể hồi đêm .Anh sẽ chịu đựng căn bệnh này suốt đời, sẽ không đi đâu được.Anh lại vốn rất nhạy cảm .Tôi cũng khóc vì tủi thân . Tôi sẽ không có ai chỉ bảo chuyện học hành .Mà hôm qua, tôi chỉ vô tình ,thế mà suýt nữa thì tôi bị đòn oan


Ngày  tháng thoi đưa .Tôi đã lên cấp ba, vẫn ngày ngày mang sách báo qua cho anh ,thay vì sáng là những buổi chiều . Mật độ vắng nhà của chị Hạ em dày hơn .Chị học làm y tá ở Nha trang , cha tôi cắt nghĩa với những ai hỏi thăm chị . Nhà anh có nhiều khách lạ hơn .Có những đêm thức giấc,tôi nghe có những tiếng bước chân đi,tiếng người thì thào đầu hiên nhà anh ,nơi tiếp giáp với nhà tôi , tiếng mẹ khẽ lay cha dậy .Có lần cha tôi bị bịt mắt dẫn đi giữa đi khuya ,một  tuần sau ông về, dáng lặng lẽ nhưng bình tĩnh hơn .Anh Thạch vẫn ân cần và vui vẻ với chúng tôi như mọi ngày .

Đất nước thống nhất, tôi về thành phố học sư phạm rồi đi dạy xa .Anh Thạch tặng tôi một cuốn sổ dày đóng bằng toàn những tờ giấy pơ-luya xanh đỏ trắng vàng ,trang đầu ghi mấy câu thơ của Tố Hữu,nét chữ của anh rất đậm,in hằn mấy trang sau :Yêu Bác lòng ta trong sáng hơn .Xin nguyện cùng Người vươn tới mãi ..Có lẽ anh đã gom  góp giấy và tự đóng tặng tôi .Tôi ghi nhật ký , chép những điều hay lẽ phải  vào đó .Những lúc chao đảo trong cuộc sống ,cuốn sổ lại nhắc nhở tôi phải vững vàng .Bạn bè, đồng nghiệp kẻ vượt biên,kẻ bỏ cuộc ,kẻ chuyển  trường , tôi cũng bị giao động  song cứ nhớ đến chiếc que trúc nhỏ xíu của anh ,tiếng anh cười cùng cục trong cổ,tôi lại cảm thấy xấu hổ .

Rồi anh vĩnh viễn đi xa,một chiều đông .Ngày ấy, tôi được về  nhà đón năm mới .Anh đi,thật lặng lẽ. Người  người đến thăm anh lần cuối ,nhưng chỉ có những khuôn mặt bình lặng ,vì có lẽ họ hiểu,anh chỉ đi với họ một quãng đường .Chỉ có lẽ một mình tôi đứng úp mặt sau bức vách hiên nhà anh với hai  dòng lệ tuôn trào .Sẽ chẳng còn dịp hè nào,tết nào gặp  lại anh và nghe tiếng anh cười . Căn phòng đọc sách lạnh lẽo. Khu vườn nhiều quả chín chờ xuân ngập tràn những sợi tang trắng

Lễ đưa tang ảm đạm quá . Tôi nhớ lúc chuẩn bị di quan , một ông bác hỏi khẽ : Có cô nào khóc trước cho chú ấy một tiếng  không ? Lặng  một  giây,rồi một cánh tay rụt rè đưa lên .Tôi thoáng thấy trong đám cháu gái trẻ trung,xinh đẹp của anh,có một đứa khẽ cúi đầu rụt cổ  cười , vì trong đầu nó hiện lên cảnh “ đưa tay xung phong lên bảng”    trường , nó phân trần sau này , nhưng nhăn mặt đau đớn khi bị mẹ nó thụi cho một cú đau  điếng .Tiếng khóc nức nở  của  bà lão ấy đã khiến mọi người bàng hoàng xúc động .Phải,  chúng tôi đang tiễn biệt một con người mãi mãi đi xa !


Nhà có nhiều giỗ trong năm nhưng con cháu  ít người có điều kiện về cúng  kiến, chị Hạ em và bà dì Năm quyết định tổ chức giỗ  lớn vào  ngày giỗ anh Thạch .Năm nay, là ngày mừng nhà mới của chị . Chị muốn dịp này nhắc nhở lớp con cháu tưởng nhớ một con người  chúng không được phép quên.Tôi đã thấy  cảnh các cháu chị Hạ em về ăn giỗ  hằng năm .Chúng kéo theo rất đông bạn bè thành phố ,trang phục đẹp đẽ, nam mang  từng thùng bia, nữ  bê theo những hộp bánh kẹo đầy màu sắc. Họ cười nói vui vẻ như thể  đang đi dự hội .Chỉ một vài đứa qua  gian nhà thờ thắp nhang,còn lại đứng háu chuyện ngoài sân . Ông cậu mày đẹp trai nhỉ .Chết trẻ hả .Xe tông hay bị  thuốc lắc  đè .Những tràng cười vô tư,nhưng tim tôi nhói đau



Không trách bọn trẻ vô cảm ,mà buồn vì chúng ta không có cơ hội nhắc nhở cho chúng biết .Chị Hạ em buồn rầu bảo . Cũng như tôi,những ngày lễ  tết sum vầy, mọi người trong dòng họ lại nhìn chúng tôi bắng ánh mắt thương cảm, ánh mắt của  người  đủ đầy hạnh phúc  ban cho kẻ chịu chút thiệt thòi .Có một bà bác nói trắng ra : Họ Nguyễn Thái nhà mình nhà nào cũng có một đứa ế chồng .Nhìn quanh quả đúng như thế .Một vết dớp mà tư duy của  xã hội phong kiến không biết bao giờ mới xóa bỏ .Nhưng chị Hạ em,người  chiến sĩ  cộng sản,ung dung đón nhận .Chúng tôi không quy ra số phận ,mà xem đó là một cách lựa chọn đầy chủ động . Chị đang giữa lúc gánh nặng việc nhà mà vẫn làm tròn việc nước . Và con người luôn bên cạnh,cho chúng tôi sức mạnh là anh Thạch , người cộng sản trung kiên của đất nước, người thầy nhân hậu và bao dung sau bức vách của tôi .

Như mong mỏi của chị , giỗ cuối đông năm nay,chị Hạ em sẽ tặng cho lũ cháu những cuốn hồi ký, ghi lại đầy  chân thực cuộc đời  tuổi trẻ ,ngắn ngủi nhưng thật đẹp đẽ và cao quý một con  thân yêu nhất trong dòng họ : MỘT CON NGƯỜI CHÂN CHÍNH 
                       
                                                    Dalat  Lễ Thương binh Liệt sĩ 2015 .


                                                



Friday, July 17, 2015

 NHỮNG MIỀN QUÊ NƯỚC 

3. NƯỚC MÁY THÀNH PHỐ

... Còn bây giờ, tôi về thành phố để  học làm cô giáo .Tôi đang đặt bàn chân lên từng bước các anh chị đã đi qua ,trên con đường mà cha mẹ  tôi -,những nông dân chân chất, cả cuộc đời vì con cái nên lấy tình yêu  giọt nước,yêu  tảng đất làm lẽ  sống , - định sẵn .


.Mẹ chúng tôi hoàn toàn mù chữ, còn cha thì trình độ văn hóa của ông chỉ đủ  đọc báo ,làm bốn phép tính .Nhưng ông dồn tất cả niềm tin vào những người đem ánh sáng tri thức đến cho lũ con : người thầy .Trong tờ thông tín bạ cứ hai tháng một lần đám con đem về , ông đọc kỹ từng điểm số , rồi trịnh trọng viết giòng chữ “Trăm sự nhờ thầy” trước khi ký vào khung “ chữ ký của phụ huynh” .Có lần tôi thấy xấu hổ và khổ sở    vì bạn bè chế nhạo, nhưng  rồi thấy vui vui vì người anh lớn đã đi dạy bảo rằng, anh rất quý những bậc cha mẹ có tấm lòng như vậy .Thầy cô trên trường hẳn cũng thế , anh kết luận. Mẹ vất vả vì đàn con ,luôn an ủi : Thôi cứ  ngày đêm chổng khu (mông )mà đẩy  . Tôi xa nhà mang theo khao khát của cha ,mang theo hình ảnh mẹ , dường như trong công việc lao nhọc nào của mẹ cũng ở  tư thế hai chân luôn choải làm trụ, lưng và đầu cúi xuống,hai tay nắm chặt một công cụ lao động, khi vung lên , khi đập xuống đất : xúc đất đắp mương, khởi động máy tưới, nỉa xới đất, bơm thuốc trừ sâu cho cây, thu hoạch rau ,gồng gánh rau từ vườn lên đường cái quan ... Cha tôi gửi tôi tá túc nhà một người thường  mua bán rau cải với gia đình . Họ có một vựa rau ngoài chợ Cầu muối, nhà ở quận Tám,nhưng mọi sinh hoạt có liên quan đến nước nôi  của cánh đàn ông đều thực hiện ngoài vựa ,vì ở đây mới có nước máy .Còn nơi tôi trọ học ,hằng ngày, có một người chở xe nước đến bán đầu ngõ .Tôi ngạc nhiên khi thấy đường qua lối lại trong xóm chỗ nào cũng lắp xắp nước và bèo li ti,mà nước muốn dùng thì phải mua .Lần đầu tiên trong đời tôi mới hiểu nước cũng là hàng hóa 
           Về thành phố lớn, đầu óc tôi còn vỡ ra nhiều thứ , gợi cho tôi nhiều nỗi sầu thấm thía .Bấy giờ ,tôi mới hiểu thật sâu đậm thế nào là sự  hy sinh âm thầm, là sự vất vả lớn lao của cha mẹ dành cho con

            Ở trọ trong nhà một chủ vựa rau ,  tôi luôn được ăn những món chế biến từ các loại rau củ từ Dalat  quê rau của tôi ,loại hạng nhất, thơm tươi, mỡ màng, trong khi đó, bữa cơm của chính người trồng chăm ra nó là những mớ rau gần như  bị loại bỏ .dập nát, èo uột ,vì nỡ lòng nào, vì nó được xếp vào danh mục bán và tặng biếu  rồi !   Rau loại một được thu mua tại vườn với giá mọi người cho là cao, nhưng về đến đây,giá ấy được đội lên tới bốn năm lần, chỉ phù hợp với thu nhập  của người  khá giả . Có hôm rảnh rỗi cùng bà chủ  ra đây lấy rau,tôi thấy chỉ cần một động tác từ  bàn cân đặt xuống, họ đã  thu về một khoản lãi khá lớn, bằng số tiền  mẹ tôi gom góp sau mỗi vụ rau !  Tại sao lại có sự nghịch lý như thế ?Thì Karl Marx đã bảo mà ,quy luật thặng dư  của kinh tế thị trường .Tôi thấy thương vô cùng cha mẹ, thương những người dân quê tôi ,và dậy lên trong tôi một trách nhiệm của  cô gái vừa mười tám tuổi : tôi phải học thật tốt ! Còn một điều ấm ức  nữa, chủ nhà rất thành thạo  khi tận hưởng  rau vụ nắng ,vụ mưa .Theo bà, rau vụ nắng ngon hơn rất nhiều rau vụ mưa ,là điều mà đến tận bấy giờ tôi mới biết .

         Những buổi trưa nắng đổ lửa đạp xe đến trường, tôi như thấy trước mắt một vườn rau xanh với những cánh lá vừa trải .Đó là dấu hiệu chúng rất cần được tưới nước  thường xuyên .Tôi thấy mẹ tôi lom khom chui vào căn chòi  nhỏ ,nơi đặt chiếc máy bơm Kubota nặng nề .Mẹ  loay hoay cuốn vào trục máy một sợi dây cước khá to và dai,rồi trụ hai chân, lưng cúi xuống, hai tay ra sức quay,quay mãi cho  đến khi cái ống sắt gắn đầu bên kia  tuôn ra luồng khói đen khét lẹt mùi dầu. Cha lúc ấy bước vào,phụ mẹ “ bỏ e”,tức là cài chốt máy,dấu hiệu máy  đã nóng.Lập tức , một luồng nước cực lớn và  mạnh phun ra từ một cái ống thứ hai trong máy .Cha lao ra vườn trước ,mẹ hối hả chạy theo sau . Trong đầu tôi  hiện lên hình cha đầu đội nón lá , tay giương cao vòi tưới nước , đứng thẳng lưng giữa các luống  rau
, trên cao bầu tròi chói chang, trông hiên ngang như những người lính cứu hỏa , suốt mùa khô.Còn đứng cuối mỗi luống là mẹ và các chị, quần xắn cao,chân tay bê bết bun, căng thẳng vì hai bàn tay luôn phải đỡ sợi dây tưới nặng chình chịch như con rắn dài ngoằng,mắt phải cân nhắc để “rắn” không đè nát rau,tai phải vểnh lên nghe hiệu lệnh tiến lùi,mà tiếng máy dầu nổ ầm  ầm như át đi tất cả.Có khi còn bị nạt nộ, la mắng, khi  ông lính nổi nóng .Những luồng nước rơi rào rào trên từng lá rau . Nước, nắng,gió, cả không gian trong lành, và trong đó, có biết bao giọt mồ hôi  mẹ tôi,cha tôi đã chảy , để cho cây rau mát ngọt  , giòn tan trong miệng người  thành phố .Bù lại,chúng tôi có những đồng tiền  để đóng học phí, để sắm sanh áo quần, sách vở , để se sua  cùng bạn bè .

  Khóa đào tạo cao đẳng  sư phạm ngày ấy  chỉ kéo dài vỏn vẹn trong chín tháng. Chúng tôi hỐI hả  học sáng chiều, nhiều hôm tối tối phải  tụ hẹn nhà một đứa nào đó để tập “đứng lớp” .Gào thét khô cả cổ họng,nhưng nơi chúng tôi tìm đến giải khát không phải là chiếc xe nước sâm gần cổng trường mà là …vòi nước máy sát bãi giữ xe ! Nơi tôi trọ có một bình lọc nước lớn, trông như chiếc  bình bơm thuốc sâu ở nhà Dalat,nhưng nó rất sạch sẽ, và luôn luôn  đầy ắp nước ,nhưng không hiểu sao , chẳng bao giờ tôi có ý định đong vào một cái chai nào đó đem theo đến trường mỗi sáng sớm .Với chúng tôi ,giòng nước máy ở sân trường cao đẳng sư phạm là vô cùng tinh khiết rồi !
                                                                    Dalat  ,tháng 7. 2015 



.

Thursday, July 9, 2015

                 NHỮNG MIỀN QUÊ NƯỚC 

  2. DÒNG NƯỚC TÌNH YÊU
 Chị cả  theo chồng về quê nước, cha tôi thiếu mất cô con gái giỏi giang giữa mùa khô hạn . Hai ông anh đi dạy xa ,chị thứ phải đảm nhận luôn công việc vất vả,khó nhọc này,đó là  đêm đêm suốt năm tháng liền  theo cha đi tháo nước,đắp nước,lấy nước . Thôn tôi  ở có gần tám  chục   hộ  dân, tất cả đều làm nông, chuyện nước nôi là mối ưu tư hàng đầu . Mùa nắng, nước chỉ có một nguồn duy nhất dẫn về từ đập Đa thiện, mà thơ ca  vẫn ví von là Thung lũng tình yêu . Tình yêu thì cho không biếu không , nhưng hễ mùa khô đến,sự cho không biếu không ấy gây ra biết bao rắc rối . Nước tình yêu theo con suối lớn,chảy qua thung lũng, giữa những mảnh vườn của chủ nhân hai bên bờ.Vườn mọi nhà đều dành một diện tích bằng bốn chiếc chiếu rộng , gần suối, để đào ao . Đáy ao có một bộng cống dẫn nước to bằng cổ tay người lớn .Cống thông với suối. Suối chảy qua vườn ai,  nhà đó có quyền ngăn lại bằng một bờ đập để nước vào ao .Ao đầy, thì phải tháo đập, để suối chảy xuống khu phận nhà bên cạnh .Rắc rối xảy ra là lắm khi bị tháo trộm khi ao chưa đầy, hoặc chủ có ao đã đầy nhưng không chịu tháo . Khi tháo đập trên, lại phải nhanh chóng đắp đập dưới thì thời gian nước vào ao sẽ ngắn đi  .Rồi canh ao đầy để còn bịt cống, nếu không muốn nước đã lấy được lại chảy ra suối .Chị thứ hoàn thành rất xuất sắc nhiệm vụ vẻ vang này,vì công việc vừa cần người biết … đấu lực ( phải nhanh chân nhanh tay tháo nước,đắp bờ)đấu đấu trí ( biết tính toán thời gian để không phải ngồi thu lu canh nước trong chòi giữa đêm khuya tối tăm,lạnh lẽo,bụng đói,mắt buồn ngủ )và biết đấu.. võ mồm ,vì chuyện tranh chấp nguồn nước, dù không ai muốn,vẫn thường xuyên xảy ra .!

 
.Nước ao xanh lờ lợ, thoảng tanh mùi rêu  được bơm lên chứa trong các thùng phuy đặt  khắp sân trước,hiên sau . Nguồn nước này chỉ dùng để  tắm rửa,giặt giũ mà thôi. Đứa bạn tôi nhà không có máy bơm,phải  mang đồ đạc xuống tận suối ( giặt  trong ao ,xà bong sẽ làm cá chết ).Có hôm lơ đễnh,nước cuốn một chiếc áo xuống  tận thác Cam ly !. Ở nhà , hằng ngày hai chị lớn  phải oằn vai quảy nước ăn cho gần chục con người và gia súc,mà mỗi  cái giếng  đều cách nhà đến     non cây số ,thế mà không một gia đình nào chịu đào giếng,vì sợ dòng họ khó phát triển
(!?)Chúng tôi luôn khao khát  một ngày kia nhà tôi  sẽ có  bể chứa nước mưa  như một vài nhà khá giả trong thôn .  Chi phí lớn lắm .Bởi phải dành  năm sáu  luống đất trồng chè mé chân đồi sát khoảng sân sau, khoét  sâu ba mặt,xây chắc chắn bằng đá .Mặt thứ tư của bể sẽ biến thành một bức vách  nhà . Người lạ sẽ không biết chiếc bể  vì nó được nằm trong lòng chân đồi . Khoảng trống giữa bể và hiên sau sẽ biến thành ba bốn phòng ,có chỗ đặt bàn ăn,chỗ học tập , và đặc biệt ,có một buồng tắm nho nhỏ ,mà lâu nay, nó nằm ngoài chuồng heo, sát bên hố xí ,mỗi lần tắm táp phải đun nước rồi ì ạch bê ra, rất nhiêu khê . Trong xóm có vài ba cái giếng , do chủ  nhà đào ao trong vườn mình,nhưng may mắn  trúng mạch nước ngầm,thế là cả làng trưng  dụng .  Có ao  giếng ,chủ nhà chịu   thiệt một chút , không được thả  cá ,nhưng bù lại ,mùa nắng hạn, vườn rau của họ vô cùng tươi tốt .Bọn tôi không mơ mộng chuyện được dùng nước máy, dù bên kia đường làng là khuôn viên trường đại học,là trường trung học công lập, có những khu cư xá bề thế, người ta dùng nguồn  nước giá trị ấy để tưới những chậu cây cảnh ngoài hiên , rửa những chiếc ô tô bóng loáng .Nhưng nhiều lúc tôi cũng ghen tỵ với bạn bè ngoài phố. Chúng nó có những chiếc áo dài trắng tinh,không bao giờ phải hồ lơ như kẻ ở quê ra . Hồ lơ là thả áo ngâm vào trong một dung dịch nước pha  loãng với mực xanh, giúp áo bớt bị ố vàng .Tôi luôn “tranh thủ” khi các chị giặt đồng phục thì “quá giang”, vì sau khi giặt bằng nước “tình yêu”,họ đều ra giếng gánh nước về xổ lại. Cũng lắm lúc tôi ăn trộm nước trong lu vại , vì chiếc áo, lòng áy náy vô cùng ..
Nhưng trang sách nhà trường và  cha mẹ hằng ngày vẫn dạy chiếc áo chỉ là hình  thức , còn việc học mới quan trọng,điều đó khiến tôi luôn lạc quan.,. Đến trường, chúng tôi vẫn có những quyển sách giá trị để học,có những trang vở thật trắng,có ngòi viết máy loại tốt, có đầy đủ mọi phương tiện học tập cần  thiết Tôi rất thấu hiểu và thấm thía, rằng những thứ ấy, đến từ cọng rau ngoài vườn,từ con gà lợn trong chuồng, từ mồ hôi gian khó cha mẹ,anh chị đổ ra , từ nguồn nước dù tanh,dù ngọt đất trời mang đến .Tôi không bao giờ được phép quên .
Và tôi đã sống trọn quãng đời  niên thiếu  như thế .

  

NHỮNG MIỀN QUÊ NƯỚC (1-2)

                             NHỮNG MIỀN QUÊ NƯỚC
     1. VƯƠNG QUỐC NƯỚC

          Chị cả lấy chồng tận Cầu Đất .Ngày ấy, địa danh này chưa có trên bản đồ trà, cà phê của Việt Nam, mà  nhắc đến ai cũng thoáng chạnh lòng, chốn sơn cùng thủy tận .Không đường sá điện đóm,  xa  trường học ,xa chợ, xa bênh viện . Muốn đến thăm chị, phải đón  xe lam từ nhà ra chợ,rồi từ đó bị nêm trong chiếc xe đầu heo,lắc lư hơn  hai chục cây số đường gập ghềnh, ngoằn nghoèo, rồi cuốc bộ rã rời,qua những con đường lởm chởm đá, vắt qua những ngọn đồi chập chùng,hai bên mọc đầy cây chổi đót . Khí trời buốt giá quanh năm .Bước đi đâu cũng gặp và chỉ gặp  màu xanh rì của đồi thông, đồi chè,đồi susu . Một đập nước lớn như tấm gương khổng lồ giữa làng cũng phản chiếu màu xanh cây lá càng làm cho cả không gian thêm xanh, thêm lạnh .Nhưng  đó  lại là điều duy nhất để mẹ an tâm : Nước .Nước từ đập theo hệ thống ống sắt dẫn về từng nhà . Nước đập phục vụ cho việc   tưới cây cối , vườn tược, giặt giũ,rửa ráy. Những buổi trưa nắng to,nước rất ấm , mở vòi trong buồng tắm, gội đầu thoải mái như thể hôm nay đang ở  trong một tiệm  làm tóc ! Ở đây cũng còn giữ phong tục kiêng đào giếng vì sợ chạm  long mạch như quê mẹ, nhưng có lẽ vì  đào ao dự trữ  nước đập mà họ đã gặp mạch  nước ngầm ,thế là một vục nước rất  nhỏ, nằm ngay sau bếp, luôn đầy ắp và trong vắt,dùng cho mọi sinh hoạt ăn uống .Ở ảng rửa bát, nhà chồng chị có xây sẵn một cái bể gạch ,chứa chừng chục đôi nước mưa , chỉ để nấu chè xanh và nấu cơm, sắc thuốc . Xuống nhà chị , có lúc  rửa vài cái bát ăn cơm, tôi cũng có thể thả vào chiếc chậu đồng to đầy nước, khoắng sung sướng .Ở nhà,chắc chắn bị mắng vì tội lãng phí nước,vì con gái rửa chén bát mà y như khua vỏ ốc.Chị cả, cô giáo tiểu học, của hồi môn cha mẹ dành cho chị là cuộc sống quen chân lấm tay bùn ,tài sản nhà chồng là nguồn nước Với tôi,chị là cô nàng lọ lem đến làm dâu ở vương quốc , gắn bó cuộc đời với hoàng từ chè ..Chị sẽ đượ hạnh phúc giữa chốn quê chồng,một vùng  thuần nông  .Mọi người  luôn nghĩ về chị như thế.  

Friday, July 3, 2015

                   SỢ NGƯỜI .
 Dạo ấy, những buổi chiều  được rảnh rỗi trong tuần, tôi thường đón bọn trẻ về dạy kèm .Lớp học miễn phí, bởi lẽ  tất cả chúng đều là đám cháu chắt trong dòng họ, con em những nhà hàng xóm và đồng nghiệp ở cơ quan . Căn phòng nhỏ nhưng rất thoáng, vì có tới hai cửa sổ và hai cửa lớn.Đứng ở bảng,tôi có thể ngó chừng mẹ đang hái rau ở sân bên, hay thơ thẩn dạo chơi hiên trước, hay lúi húi nấu ăn trong bếp, có khi vật bụng con mèo già ở dãy thềm sau để bắt bọ chét cho nó .Cụ hồi ấy đã gần chín mươi lăm , răng  rụng dần, nhưng còn minh mẫn lắm . Cụ thường mang cho bọn trẻ những mớ  cây trái trong vườn ,có hôm còn chiêu đãi chúng tôi món xắp xắp , gồm gan heo chiên  xé sợi, trộn với nhiều rau thơm cùng nước mắm chanh đường ớt tỏi  cay xé họng.Không có đu đủ bào như công thức chung , cụ thay bằng những sợi gộc (phần gần rễ)ắc-ti-sô xắt nhuyễn,  cũng trăng trắng xanh xanh ,cũng  ngòn ngọt, dòn dòn  , cũng  dai dai đăng đắng, nhưng tàn tiệc thì mồm miệng thực khách   đen thùi lui!. Cho nên mỗi khi thấy bóng cụ thấp thoáng hiện ra từ bốn hướng, tất cả thầy trò đều ngóc  đầu lên, hồi hộp chờ đợi .Nhưng hôm ấy, hai tay cụ chắp sau lưng , thong thả từ bếp lên.Đứng sữ ng người nơi khung cửa trước ,cụ nhìn tôi với tia mắt đầy ngạc nhiên như lần đầu chứng kiến tôi làm công việc này.Sau đó cụ lửng thửng ra sân, vì đi vừa lầm bầm nhưng cũng đủ cho chúng tôi nghe rõ :Hay  thiệt ! Có cái nghề cứ nói tới nói lui nơi cửa miệng mà cũng kiếm ăn được ! Đám học trò cười ồ lên, đầy bất ngờ , còn tôi chết điếng trong lòng .Tôi nhớ lúc ấy tôi đã lặng người đi, tim như ngưng đập .Tôi cho tiết học dừng lại .Bọn trẻ rón  rén kéo nhau ra về , còn tôi, tôi ngồi lại một mình, khá lâu .Đêm ấy tôi trằn trọc đến tận khuya .Không biết tôi đã làm điều gì khiến cho người mẹ già buồn và giận !Mẹ tôi xưa nay vốn hiền lành,thương yêu con cái vô bờ  , rất công bằng .Cụ cũng không có thói quen nói nhiều như các chị em tôi trong nhà , và nhất là chẳng bao giờ chì chiết một ai cả .Từ khi đám con cái lớn của cụ  lần lượt ra riêng , rồi cha tôi qua đời, căn nhà nhỏ chỉ  còn lủi thủi hai bóng người, nương  tựa nhau, che chở bảo bọc nhau  và vui sống ,mẹ già tôi bỗng dưng… thích nói .Nội dung những câu chuyện cụ kể đều là giòng hồi ức chuỗi năm tháng tuổi trẻ, lúc cụ còn con gái, đến khi lấy chồng,ngoài Nghệ an, nơi chôn nhau cắt rốn của cụ . Toàn là  những  chuyện mới toanh . Tôi quá bận rộn với công việc của mình,hết giờ lên lớp thì về nhà là vùi đầu vào bài vở, sổ sách,giáo án .Mẹ luôn lẽo đẽo một bên ,kể lể .Có lúc bực , tôi cáu : Mẹ vô Đà lạt hơn bảy chục năm,mà ai cũng tưởng mẹ mới vô bữa qua .Cụ cụt hứng .Nhưng rồi , lại kể . Có lẽ vì vậy mà bây giờ cụ giận tôi chăng !Thôi, nếu mai cụ thích tâm tình “ngày xưa  Hoàng thị” , thì mình cũng sẽ chiều vậy .Nhưng từ hôm ấy, cụ không  còn tìm đến ngồi bên cạnh mỗi  khi tôi ở nhà .Cụ lần xuống khu nhà lồng trồng hoa và rau của các ông anh , dò dẫm len vào  từng luống, rờ rẫm từng cành, vẻ mặt im lìm .Đôi khi tôi gợi chuyện, cụ dừơng như không nghe thấy.Có lần ,tôi bắt gặp cụ đứng trước gương, trò chuyện với. ..bà lão trong ấy .Họ cùng cười ,nhưng lòng tôi se sắt và lo sợ .Rồi một chiều mưa, sau cơn ốm nhẹ ,mẹ già đã đi xa , thật xa .Cụ tìm về quê cũ,nơi đong đầy những kỷ niệm mà cụ ôm kín trong tim  .Cô con gái ế muộn của cụ cũng được về hưu .Ngôi nhà vốn nhỏ như rộng ra ,một mình tôi ,một bóng .Nước mắt tôi chảy rất nhiều  ,trong đêm.Tôi ân hận .Đến tận lúc này ,tôi hiểu được nỗi lòng của mẹ thì đã muộn .Mẹ già một đời vất vả vì chồng,vì con . Quãng đời đẹp đẽ nhất mẹ không biết kể cùng ai, vì có ai chịu ngồi nghe, mà mẹ cũng quá bận rộn với bao nhiêu công việc vườn tược,nhà của, con cái  để có nhiều thời gian rỗi rảnh mà tâm sự .Bây giờ ,hình ảnh của cụ  lại hiện lên trong tôi rất rõ . Này bộ phản cũ kỹ, tối tối mẹ tôi vẫn ngồi đó, lặng lẽ têm trầu bên ngọn đèn hột vịt leo lét, thỉnh thoảng đưa mắt trông sang lũ con  sáu đứa chen chúc nhau ngồi học bài ở chiếc bàn kê ở góc nhà, đó là nơi vừa làm bàn ăn,là nơi tiếp khách .Buổi tối, đây là nơi sáng nhất , vì có tới ba chiếc đèn dầu, hai lớn , một nhỏ , cũng là  nơi ồn ào nhất trong nhà Đứa em trai út vừa vào lớp sáu , còn tôi lớp chín, chúng tôi vẫn mang nguyên xi cách học bài của trẻ tiểu học đi theo : muốn bài chóng  thuộc thì phải đọc thật to .Nhưng người bên cạnh  cũng không chịu thua .Đành bịt tai mà gào !Mẹ sau khi têm xong trầu cho đủ ăn ngày mai, thì  bê đèn đi quanh một vòng khắp nhà để kiểm tra cửa nẻo phòng kẻ trộm đột nhập, có khi vào phòng cha tôi nằm tận cuối nhà trên,  yên tĩnh trong bóng tối, tắt giùm ông chiếc đài Philip mà ông nghe và ngủ quên  , rồi mang đèn lại bàn cho chúng tôi mượn . Thấy hai đứa nhỏ  đang gồng lưng lên, tay bịt tai, miệng đọc ông ổng , mẹ cười ,có chút thông cảm,có chút tự hào , chà ôi, học mòn mồm. Đứa em tôi bất giác đưa lên tay lên môi  đụng phải những chiếc răng mẻ vì suốt ngày gặm mía và ổi xanh , khiến chúng tôi bật cười . Này khu bể nước còn mấy chiếc chõ cũ mẹ thường ủ giá đậu , bây giờ tôi bỏ dớn vào đấy , treo lên hiên thành những chậu lan cách điệu  độc đáo . Nơi này mẹ tôi cùng đám con gái lớn giặt giũ, rửa dọn,chế biến dưa cà từ rau củ mang lên từ vườn .Chị cả con ông  chú  có khi sang chơi , giúp một tay . Câu chuyện râm ran, rồi tranh cãi .Chị cùng tuổi với chị thứ của tôi ,đang phấn đấu đẻ trở thành những giáo  viên . Cả hai cùng có một điểm chung : nói rất nhiều .Vì nói nhiều,không kịp suy nghĩ nên lắm lúc nói sai, nói bừa ,mà lại   luôn khẳng định mình đúng, luôn giành phần thắng về mình nên bà nội tôi đã gán cho họ những tính từ  mỹ miều:  nhây, nhọn mồm, mỏng mép   . Mẹ tôi thì thủng thẳng bảo : Chúng mày  nói nhiều như thế , mai mốt chỉ khổ thằng chồng .Khi các chị bướng bỉnh và cố chấp, mẹ than thở : Nói nhiều thế, còn sức đâu mà làm lụng , hả con !.Đó, mẹ già tôi như thế đó . Mẹ bận bịu không ngơi chân ngơi tay, khi vườn rau ,khi chuồng lợn,khi nhà dưới nhà trên, chắt chiu  từng xu hào, giành hết mọi vất vả để con cái được học hành  tử tế .Nhưng khi chúng tôi đều đã trưởng thành,có ai khen thì cụ chỉ mỉm cười và một câu nói quen thuộc - chà ôi, học mòn mồm .Mẹ chẳng hề kể lể công lao nuôi dạy của  mình .Bây giờ ,khi đã ở tuổi gần đất xa trời, có những điều mẹ tôi  muốn nói,tôi lại không  mở lòng đủ rộng để lắng nghe .Thế mà những tháng ngày còn đứng trên bục giảng ,tôi đã từng căn dặn học trò , những đứa cá biệt thường bị các giáo viên chủ nghiệm  ghé nhà mách tội cùng hai đấng sinh thành , rằng không được để thầy cô đụng đến cha mẹ mình, đó là cách báo hiếu ý nghĩa nhất ,khi chúng ta chưa làm ra tiền bạc để phụng dưỡng họ . Nhưng tôi , tôi đã chạm tới nơi dễ tổn thương nhất của mẹ mình .Và tôi bất chợt giật mình . Cái nghề cứ nói tới nói lui nơi cửa miệng mà cũng kiếm ăn được !  Lũ chúng tôi,  trừ người em út học nông nghiệp, đều theo một nghành duy nhất là sư phạm , chỉ vì thời cuộc đẩy đưa. Có lúc nào họ  khám phá ra bi kịch nghề nghiệp đầy phũ phàng này, rằng mọi lời tưởng là khuôn vàng thước ngọc chỉ là hình thức , là rỗng tuếch ,là chỉ dừng lại nơi miệng ông thầy !Dường như đám con  cháu của chúng tôi biết rõ điều đó . Chẳng đứa nào nối nghiệp cha mẹ,cô chú .Hỏi sao thế, chúng rụt vai, lè lưỡi , ngụy biện rằng ,thôi con sợ con chửi mắng học trò,tụi nó ghét . Hai chị gái thân yêu ngày nào đã gần tuổi thất thập, trong mình mang thêm một đống bịnh tật . Ngỡ tôi thèm người nên họ ghé thường xuyên . Những câu chuyện . Có tranh cãi .Và cứ thế .Đến khi phát hiện ra tôi không ngồi ở đấy  nữa,họ mới chịu đứng dậy ra về . Có hôm họ rủ tôi đi thăm vợ  một người  hàng xóm  bị tai nạn lao động, gãy chân   . Vào đến nhà , lập tức họ chia làm hai phe .Một chị  chui tọt vào phòng bệnh nhân ,đóng đô luôn ở đó mấy tiếng đồng hồ .Ngoài phòng khách , anh chồng và chị kia chia sẻ cho nhau hằng trăm kinh nghiệm sau khi  xây xong ngôi nhà.Tôi chỉ còn biết  ra sân ngắm  trời đất cỏ cây. Anh rể của tôi bị tật lãng tai, còn  bà thím mà chị họ tôi đón về chăm nom  dạo này đã lẩn. Có lẽ đó là lý do họ cần tìm đến nhau để .. nói ! Một bạn học cũ tình cờ mua đất làm nhà gần miền quê này .Nó theo gia đình đến tỉnh khác sinh sống gần ba chục năm, nay hồi hương .Cô bạn học cũ  vớ được tôi   mà mừng như gặp vàng ,bởi lẽ bạn tôi có rất nhiều điều nhưng không biết chia sẻ cùng ai .Ba  đứa con của cô bạn này  đều định cư tận trời Âu .Chồng thì miệt mại lái xe đưa khách đi du lịch liên tỉnh.Bạn tôi về quê  cũ,ra vào chứng kiến những cảnh mà trong con mắt một cô giáo- lại thêm một cô giáo nữa !-bên nội, bên ngoại , có nhiều nét tiêu cực,nói ra  thì không nên,mà để trong bụng thì ấm ức lắm ,phải tìm  chốn xả  . Tôi thực tình ngài ngại ,vì từ chỗ thèm người  , tôi thấy sợ người ,những người thích nói . Nhưng vì thời gian thì nhiều ,lòng trống trải , tôi  đành chiều chiều ghé nhà nó, rồi cùng đi lang thang qua những con đường rất đẹp và yên tĩnh trong  thị trấn , đường đồi cù ,khu viện đại học , khu vườn hoa thành phố . Trước đây,hàng ngày tôi vẫn đạp xe qua đây , lên trường, ra chợ, đi thăm học trò , hay  băng qua đồi đại học chơi cùng chị cả có nhà gần đó .Dạo ấy luôn ở trong tư thế vội vội vàng vàng . Tôi gặp nhiều người thong thả đi bộ trên đường. Đó là môn thể dục có vẻ thuộc dạng xa xí phẩm đối với tôi . Những người ấy bây giờ gặp tôi thì chận lại, hỏi han,có người kể lể , tâm tình .Hình như họ đang muốn có người lắng nghe . Cô bạn  lịch sự đứng né một bên, kiên nhẫn  chờ, sau cùng thì bỏ đi, tôi đành cáo từ khách này  để lật đật đuổi theo  khách kia .Hôm sau chúng tôi đổi lộ trình ,không đi ra nữa mà đi vào . Quê tôi  thơ mộng và  yên bình . Chúng tôi đi qua ngôi trường tuổi nhỏ nằm khuất sau rặng thông ở lưng chừng đồi. Trường là ranh giới hai thôn có dân  cư từ vùng Nghệ  Tĩnh,vùng Hà Nội vào đây lập nghiệp từ những năm 30 của thế kỷ trước , nên mang một cái tên rất đoàn kết : Trung Bắc. Bọn trẻ chúng tôi thường qua lại chơi đùa ,có khi còn được mời ăn cơm . Các bà cụ bên làng Hà đông (Bắc ) đều vấn tóc đặt lên đỉnh đầu, bên tôi thì họ búi gọn sau gáy . Nhà bạn tôi thường uống nước vối thay  cho chè xanh bên tôi .Vườn bạn trồng  nhiều dâu và hoa , bên xóm tôi chỉ chuyên rau các loại . Những ngày lễ tết, bên tôi cúng đình, các cụ ông lịch lãm trong những bộ trang phục tươm tất , được mời sang dự . Họ cùng chú bác bên tôi hút chung ống điếu  thuốc lào, chứ hằng ngày họ quen với chiếc bát .Họ nói năng,từ tốn, và cũng như người già trong thôn tôi ,họ cũng rất kiệm lời , trái với lũ chúng tôi bây giờ . Đây rồi , nhà văn hóa làng hoa .Nó nằm quay lưng với trường tôi, mặt trông sang cổng chùa làng . Ngôi nhà có kiến trúc kiểu cách như một biệt thự cổ của Dalat, bên trong phảng phất không khí một bảo tàng viện, có nhiều nông cụ lao động,những vật dụng gắn liền với sinh hoạt hằng ngày của người nông dân xưa . Trên tường treo nhiều ảnh chụp nhà cửa , vườn tược , đường ngõ trong thôn . Bây giờ , vẫn làng cũ đó, ngôi trường khang trang hơn, có nhà chùa làng rất bề thế,có giáo đường nhỏ bé ,màu vôi hòa với sắc trời chiều, có lớp lớp dãy nhà lồng lợp ni lông trồng rau hoa, trông như lán trại  của dân du mục trong sa mạc  .Bảy mươi  năm rồi đó. Cha mẹ tôi cũng cùng người làng hoa  này , từ xa xôi ngàn dặm lặn lội đến đây ,hai bàn tay , sức lao động ,  biến một vùng hoang vu lạnh lẽo thành miền quê mới đẹp như tranh vẽ . Chỉ thế thôi . Có người suốt  quãng đời lam lũ, từ xa đến dừng chân ở đây, và gởi chút tro tàn lại đây . Họ không đi ra như lũ trẻ chúng tôi . Họ cũng không bao giờ nói nhiều .Họ hành động. Họ đi vào .Nào sâu  hơn nữa, tôi gặp lại ngôi trường các anh trai tôi đã đeo đuổi thời trung học , rồi Thung lũng tình yêu , ngọn nguồn của dòng nước mát tưới xanh tươi mát bao luống rau hoa cho hai thôn . Cây cỏ,  khe suối, núi đồi, làng mạc, im lặng ,  nên con người sống giữa thiên nhiên êm đềm ấy cũng điềm tĩnh , trầm tư, và thanh thản . Điều sau cùng này dường như chúng tôi đã đánh mất khi đi ra .Lòng tôi chợt ấm  lên như kẻ đánh mất chìa khóa nhà và vui mừng tìm lại được .Làm sao để sống  đơn giản hơn, an bình hơn ? Hãy nói ít hơn , và nói điều con tim mách bảo .
                                     Dalat ngày 4.7.15