Thursday, December 10, 2015

ngọn đèn và bếp lửa - phần 2

                                    NGỌN ĐÈN VÀ BẾP LỬA 
            Phần 2 : NHỮNG NGƯỜI PHỤ NỮ XỨ LẠNH


                Tôi thấy mình bị đẩy lên chiếc xe Mẹc vuông đậu cuối đường .Trên xe đã đầy đặc người ,những khuôn mặt đồng nghiệp quen thuộc ngày nào .Một chị nhích vào trong nhường chỗ cho tôi .Chị loay hoay cởi bớt chiếc măng tô nỉ dày đang khoác trên người,tay chị đụng phải chiếc túi vải tôi mang theo .Chị nhìn xuống rồi à lên một tiếng ,như tiếc rẻ -Trời, sáng mình cũng để sẵn bó nhang trên bàn, mà vội đi ,quên mất .Chút cho mấy cây nhé. Có nhiều giọng lao xao phía sau : Xin thì lấy luôn , chút rồi biết đâu mà tìm .Rồi tôi có cảm giác ba bốn ngón tay dí vào lưng :Chia cho tụi em với .Chị có cả bó mà .
         Chờ tôi vừa moi bó nhang ra,chị ôm áo măng tô giành ngay  lấy ,chia đều cho băng sau,băng trước, cả bác tài .Còn độ chừng chục que, chị gói lại, trả cho tôi .Chúng tôi đang trên một chuyến xe đưa tang .Nghĩa địa tận Trại Mát , chị bạn đồng nghiệp của chúng tôi được an nghỉ chung với đại gia đình nhà chồng, còn quê chị tận Long An . Khu vĩnh biệt  này trước đây chỉ dành cho dân cư quanh vùng, nhưng từ khi nghĩa trang  thành phố  được giải tỏa,  thân nhân các mộ chí hoặc chọn nghĩa trang Thánh Mẫu ( gần Thung lũng tình yêu ) hoặc nghĩa trang Trại Mát này làm nơi an nghỉ cho người thân .
            Dòng họ Nguyễn Thái của tôi có nhiều bậc cao niên lập nghiệp tại Trại Mát, họ cũng đưa hài cốt ông bà về đây cho tiện việc thăm viếng .Các vị nam đinh nhà tôi ( con trai gia đình ) vẫn ghé đây mỗi khi tết về,ngày giỗ đến.Con gái là nữ nhi ngoại tộc ,họ còn phải gánh vác giang sơn nhà chồng nên được miễn .Tôi thì,bây giờ là một mụ o, vẫn bị liệt vào danh sách “con gái là con người ta”,nhưng nhân chuyến đưa tang đồng nghiệp về đây, tôi cũng muốn viếng mộ ông bà tổ tiên .Và còn một người rất thân thiết mà tôi quý mến như cha mẹ mình . Bà Bác .
           Bà là vợ cả của một người trong họ mà cha tôi gọi bằng bác . Họ cũng “Dalat tiến”vào cuối thập niên ba mươi của thế kỷ trước .Nhà ông bác (chúng tôi gọi thế ) giàu có còn hơn cả ông Cửu Miên .Ông có nhiều mảnh vườn  rộng tít tắp chuyên trồng cây artichaux và mận đắng –loại mận dùng để làm mứt và chế biến rượu.Ông lại có năm sáu chiếc xe Deseto 10 tấn chở phân cá ,nước mắm từ Phan Thiết lên và đưa rau củ Dalat xuống .Tôi tớ trai gái đầy nhà .Bây giờ, hẳn ông sẽ được tuyên xưng là phú nông và thương nhân thành đạt .Nhưng ông có nỗi buồn giống ông Cửu Miên : không có con cái bên cạnh .Ông Cửu Miên còn nhiều hy vọng gặp lại con sau khói lửa ,nhưng ông bác thì không .Bà Bác không sinh được con .Còn một nỗi niềm nữa .Bà không hề giúp  được ông chút gì trong công việc làm ăn bộn bề của ông .
          Mẹ tôi kể rằng bà là con gái  của  một địa chủ ở quê ,là hàng xóm láng giềng của nhà ông bác. Ông chấp nhận cưới bà để được hưởng tài sản, dù biết bà vụng về trăm chuyện . Người xưa đã đúc kết những bài học  rất thấm thía về cảnh hậu hôn nhân : thứ nhất vợ dại trong nhà ,thứ hai nhà dột, thứ ba nợ đòi .Ông cưới bà hai , người phụ tá xuất sắc hằng ngày của ông .Bà nhanh chóng sanh cho ông một quý tử .Quyền hành trong nhà, tay hòm chì khóa từ đấy hoàn toàn thuộc quyền bà hai .Bà bác bị đẩy xuống vị trí ngang hàng tôi tớ .
       Bà bác ốm nặng phải nằm viện hằng tháng trời. Ông bác cậy nhờ me tôi chăm nom, vì nhiều  lý do lắm .Mẹ là cháu dâu .Bà bác có quan hệ thông gia với họ ngoại của mẹ ( đại để là một người cháu của bà cưới chị gái mẹ tôi )Nhà tôi không neo người như nhà ông bác,lại rất gần “nhà thương ông Phán ” (bênh viện tư ). Bệnh viện sang trọng này nằm cuối đường Phan Đình Phùng, giáp ranh với đường Nguyễn Công Trứ, trước mặt vườn  nhà tôi .                      
         

    Hồi ấy tôi mười tuổi ,tôi thường theo các chị mang cơm ra cho bà, giúp bà vệ sinh cá nhân , hay ngồi chơi với bà .Chị lớn đã 22 tuổi, chị thứ 19, hai chị đều xinh đẹp ,  gặp chị nào bà cũng ngẩn ngơ,xuýt xoa : Tau mà có được một đứa như ri thôi, nỏ cần con trai . Có hôm bà nắm chặt chiếc cổ tay còng queo như que củi của tôi , năn nỉ : Thôi con ở đây với bà .Nhà mẹ mi con ni  sọi nhứt đây .Rồi bà khóc tức tưởi khiến tôi hoảng sợ giằng ra ,chạy núp vào lưng chị .Tối đến, hai ông anh đã là thầy giáo tỉnh xa về nghỉ hè, đùa . Mê đọc truyện mà không biết đi với  bà bác là uổng .Để bọn anh theo  bà ,khỏi phải đi làm khó nhọc, lương thấp, lại có truyện đọc suốt ngày  .Hai ông nháy nhau , rồi mọi người cười ồ lên ,càng làm con bé lên mười mê  sách phân vân .        
           Bà khỏe lại , không về Trại Mát nữa ,mà về ở hẳn nhà tôi .Mẹ phải mất thời gian làm công tác tư tưởng  với tôi khá lâu, vì thoạt đầu tôi không vui lắm khi biết tin rằng : Bà sẽ ở chung phòng với tôi .Đấy là chốn khuê phòng của hai ả tố nga trong nhà  ,tôi thuộc thành phần dự bị .Gọi là phòng, thực ra nơi  này thuộc  một trong hai căn buồng rộng ở  dãy nhà ngang, chung một cửa ra vào, ngăn cách bằng tấm vải rộng làm màn , đằng sau màn  có  một chiếc giường thước sáu được kê dưới khung cửa sổ lớn  .Đầu giường đặt hai ba chiếc rương gỗ chồng lên nhau, áo quần, tư trang của các thành viên trong phòng , là chị em tôi và các chị ngoài Trung  đến làm công  suốt năm ..Buồng nhìn ra sân của mẹ,  có tủ gương luôn khóa kín, bên cạnh những chiếc rương gỗ to,cũ kỹ .Cậu em út được ngủ chung với bà . Tôi  hầu như đêm nào cũng khổ sở vì hai chị .Nếu nằm giữa thì bị hai bà biến làm gối ôm, còn nằm ngoài hay trong  thì thường xuyên bị kéo hết chăn .Hai chị lại than thở sáng nào  thức giấc cũng thấy tôi nằm ngang trên đầu họ , người ê ẩm vì những mái tóc dài của họ  được tôi dùng làm nệm,còn gối của họ thì tôi làm chăn. Chị cả lên xe hoa, bà chị thứ ưu tiên cho tôi việc giăng và dọn mùng.Tối đến  chị chùng chình đi ngủ muộn và sáng chui ra thật nhanh, trước tôi .Nhưng rồi chị cũng  leo lên xe hoa .Tôi được làm vua một cõi ,chưa lâu ,nay lại …Còn mấy lý do tôi lưỡng lự . Dạo vừa thi đậu vào lớp sáu trường nữ,  tôi  được chị cả dẫn ra phố mua sắm và xem phim .Phim Quan Công phò nhị tẩu .Trước đây thỉnh thoảng tôi cũng được  đi cùng  ,nhưng toàn là phim tình cảm Pháp, những mối tình rắc rối  .Tôi say sưa theo dõi cảnh Quan Công suốt đêm  đứng bên chuồng ngựa  ôm một cây nến cắm trên một chiếc que to dài,nước nến nóng bỏng  chảy xuống bàn tay mà ông vẫn bình tĩnh làm tròn nhiệm vụ ,còn hai phu nhân thì yểu điệu dịu dàng, váy áo thướt tha ,  mỗi bước đi đều phải có người dìu .Nếu đón bà bác về, tôi chẳng thể nào ôm cây nến suốt đêm  canh cho bà ngủ-vì bà cũng là đệ nhất phu nhân mà -,cũng không làm sao kè kè bên cạnh để dìu bà .

     Tôi còn bao nhiêu việc phải làm .Buổi chiều đi học .Buổi sáng , dành  hai tiếng sang học bên nhà anh Thạch, rồi về vội vàng phụ các chị làm công  nấu cơm trưa .Có một số việc  mà nếu tôi không làm thì … không ai làm cho mỗi sáng, mỗi tối, mỗi tuần .Nhà tôi có rất nhiều cánh cửa gỗ gắn bên ngoài các khung kính,tối đóng kín để ấm nhà, để đề phòng kẻ gian, sáng lại đi một vòng quanh nhà mở cho bằng hết, nếu không ngôi nhà sẽ lạnh và tối om om. Thu gom các đèn dầu đặt trên bàn, cất cẩn thận vào một góc nhà ;nếu thấy đèn nào  bóng bị lẹm khói, bình bị vơi dầu  phải lo mà chùi lau, tra dầu .Rồi đổ ống nhổ cốt trầu, bã trầu cho mẹ ,chùi rửa sạch, úp vào góc chân giường cho mẹ (tôi không rõ mẹ thức vào những  giờ nào để nhai trầu, mà sáng ra ,ống nhỗ luôn đầy lủm )Rồi lên dông (đồi cao ) bẻ chè tươi ( nếu các chị làm vườn quá bận,không tìm bẻ hộ tôi được) để tối tối, cha tôi có ấm chè mới nhâm nhi.sáng tinh mơ mấy ông lão hàng xóm qua ngồi sưởi lửa.Rồi dọn  bếpvà chẻ  củi, công việc  này thực hiện cuối tuần .Củi tạp được mua từng xe nguyên cả khối bi to .Cha tôi đã thuê vợ chồng ông Ngọ (chủ ngôi nhà mẹ con bé Hoa Tre sau này tá túc ) bổ nhỏ,chất đầy cuối hiên nhà, nơi mưa gió không tạt vào   .Nhưng muốn đun bếp thì phải chẻ nhỏ thêm lần nữa..Nhà tôi nhiều người ,nấu bằng những chiếc  sắt kiềng, rất tốn củi .Bên  ông cửu Miên có một chiếc bếp kiểu Pháp,   chỉ chụm ít củi mà lửa rất đượm, lại có thể đun nấu  một khi  cơm canh và cả nước nóng để rửa ráy nữa . Chiều chủ nhật nào, tôi cũng đặt chiếc mẹt to bên cạnh cái tảng đá ( đã được chôn chặt xuống nền nhà )bên trong là một cuốn vở  mở rộng đã chép đầy bài học ở trường, rồi tay  chẻ ,miệng đọc .Bài thuộc làu làu mà đôi khi đống củi chưa cao. Bà bác ,như mẹ kể ,là tiểu thư lá ngọc cành vàng ,chắc không biết chẻ củi , hay bẻ chè, hay đổ ống nhổ , hoặc là “chuyên gia ánh sáng ”như tôi . Hay có khi bà giống bà Cửu Miên, suốt ngày vào ra ,chỉ chỏ,  quát tháo .Tôi đã nhiều lần bắt gặp mẹ con anh Nghĩa , tôi tớ của bà, là sui gia với gia đình tôi sau này ,bị bà lấy chổi đánh lên đầu  .Ôi , như thế thì khủng khiếp lắm . Mẹ điều đình, bà sẽ ngủ bên buồng  mẹ.Thằng út lên với cha .Thôi vậy cũng được  .Vả lại, đây là chuyện của ngừơi lớn .Anh Thạch cũng nhắc nhở tôi như  thế .  

       Bà  bác đến .Hành lý của bà  chất đầy trong  một cái rương gỗ mỏng, sơn đen đã bạc màu ,gồm mấy bộ đồ vải  ,áo dài, áo len, khăn trùm đầu, tất cả đều rất mới; một chiếc va ly gỗ sơn màu nâu còn mới, có mấy chiếc răng cọp bịt bạc, một chùm xà tích  bạc và hai chiếc còng đeo cổ bằng vàng .Cả hai  chiếc rương và va ly đều không có ổ khóa .Nhưng bà còn mang theo hai vật không thể ngờ được : chiếc bếp nấu ăn kiểu Pháp   và chiếc đèn măng sông . Có lẽ đó là tài sản mà ông chia cho bà chăng !
         Tôi nhớ ban đầu hai đồ vật giá trị và sang trọng ấy được đưa vào một ngăn trong chuồng heo và dùng bao ny lông bọc kín . Ngày ấy , gần như  mười nhà trong thôn thì chín nhà dựng chuồng trại kiên cố hơn cả nhà ở như nhà tôi. Căn nhà cao ráo , dài bằng ba lớp học, được xây ắc lô (những khối gạch đúc bằng xi măng to và dày như chiếc cặp học trò ) .mái lợp tôn , nền nhà cũng được tráng xi măng sạch sẽ. Trong đó, sẽ có một buồng là toa lét, một ngăn làm buồng tắm ,ngăn chứa cám, ngăn  chứa cỏ khô ( vừa che cây con, vừa ủ phân) ngăn cỏ rau cho lơn gà,  ngăn dự trữ  củi vào mùa mưa,ngăn cất giữ rau củ đã thu hoạch nhưng chưa kịp bán , và nhiều ngăn cho heo ở .
           Nhưng bà bác không chịu. Bếp, bà bắt đặt vào chỗ có ba ông kiềng và đầy tro.Đèn, bà bắt treo lên giữa gian nhà chính .Bà bảo : Các thứ này lâu nay của tôi .Giờ tôi mang theo .
            Bây giờ, sống với tuổi sáu mươi của bà ngày xưa,  tôi mới hiểu tại sao mọi người chê bai bà ,nhất là khi người chị kế luôn miệng gọi tôi bằng biệt danh “bộ trưởng bộ lù đù !”

          Chiếc bếp rất đẹp . Đó là một chiếc bàn thì đúng hơn, vì cao ngang tầm một người đứng, có nhiều hộc : hộc chụm lửa, hộc nấu  nước lạnh, hộc chứa củi .Tất cả đều có nắp sắt, tháo đậy chắc chắn.Mặt “bàn” có tất cả năm lỗ .có chu vi bằng với các đáy nồi . Một lỗ trực tiếp với củi, còn các lỗ khác “ăn theo” ,dùng để vần cơm khi đã cạn, để ủ nóng  thức ăn, nước uống .Thật là hiện đại .Chỉ tiếc một điều : các ông không thể ngồi sưởi ấm mỗi sáng tối , nhất là ngày mưa .Mẹ tôi biết thế nên đã đặt một ông kiềngViệt  vào kế bên chiếc bếp tây , rồi chuyển than từ lò xuống ,mỗi khi nhà có khách sang uống nước chè tươi .Gian bếp vẫn thoáng bởi mùi khói khét lẹt không quẩn trong nhà, mà lại vẫn ấm như mọi khi .
            Măng-sông cũng là một chiếc đèn cực đẹp . Giống như chiếc bếp Pháp, cả làng  trên xóm dưới ,mới một vài nhà có .


 (phiên âm từ tiếng Pháp Manchon) là loại đèn được thắp bằng xăng hay dầu hỏa, ngọn đèn có chụp( bóng đèn ) hình ống,bằng thủy tinh đặc biệt  rất sáng, tim đèn  là một cái lưới bằng chỉ cô-ton có tẩm loại hoá chất đặc biệt, khi cháy phát ra ánh sáng trắng tự nhiên  Đèn nầy dùng dầu lửa ở độ nóng cao biến thành hơi để đốt. Đèn có quai treo .Ngày đầu tiên, bà bác nhận lấy việc thắp đèn , rồi hướng dẫn cánh đàn ông trong nhà . Thoạt đầu tôi thấy bà mở nắp đựng bình dầu, rút chiếc que đo gắn trong nắp ra ngắm nghía .Mực que ướt đến đâu ,đó là lượng dầu còn trong bình . Sau đó ,bà nghiêng cổ bật một chiếc nút dưới đáy bóng đèn, lập tức chiếc trụ tròn bằng thủy tinh được đẩy lên cao độ nửa gang tay .Bà dùng một chiếc bình bé như hộp diêm , chứa xăng, có chiếc vòi nhỏ xíu, rót vào một “cái dĩa” được gắn chặt dưới đáy đèn. Bà gọi là mồi .Rồi bà ngắm nghía  kiểm tra túi lưới cô tôn .Nếu túi bục quá thì phải thay,như thay tim đèn vậy.Nhưng tôi thấy là thắp cả nửa năm mới thay một lần .Mà một tháng thắp  năm bốn lần, những dịp các ông thầy trẻ về  thăm nhà ,hoặc có khi những ông bạn già hàng xóm cao hứng rủ rê cha tôi mở sòng tổ tôm .Sau đó châm lửa vào chén xăng mồi .Ngọn lửa uể oải cháy .Bà bắt đầu vặn lỏng  phần trên nắp ban nãy kiểm tra dầu, đó là van, rồi bà gồng người lên bơm, như bơm bánh xe đạp  . Đến lúc này, các anh lao  giành lấy. Cả hai thay nhau hì hục bơm độ hơn mười phút, vừa bơm vừa coi chừng độ “chín”của tim đèn.Chiếc túi cô tông bé y hệt một chiếc bong bóng  chưa thổi căng dần ra, sáng lên , và rồi , căng tròn .Ngọn đèn bừng sáng .Ngọn đèn được treo lên cao ,ánh sáng trắng tràn ngập cả gian phòng,cả ngôi nhà nhỏ, hắt ra sân ,chiếu một vệt dài đến tận cổng .
Nhà khoa học bảo rằng  nhờ măng-sông nên ngọn lửa phát ra ánh sáng trắng có độ sáng mạnh đến khoảng 500CP, tương đương với 400 Watts. Lâu lâu, độ vài chục phút, đèn được hạ xuống để “bơm”tiếp ,nghĩa là
số lượng dầu và không khí phải được điều hoà theo mức cố định, điều khiển bởi một "hệ thống chỉnh" bằng tay. Một lít dầu lửa có thể đốt, ở độ sáng cao nhất, được khoảng 10 tiếng đồng hồ. Những đêm từ đó về sau , cả khi bà đã đi xa ,trước khi làng tôi có diện,năm tôi học lớp 10,  mỗi khi ánh đèn măng sông phủ khắp ngôi nhà, mọi người thật hạnh phúc .Ai nấy thấy gắn bó với nhau , dễ tha thứ cho nhau hơn .Con người có cảm nhận  điều này rõ nhất là tôi
           Bà về nhà tôi , cha  mẹ tôi cố gắng không để bà phải đụng chân đụng tay như khi bà còn là một “đệ nhất phu nhân”ở Trại Mát .Nhưng rồi chị cả đi lấy chồng, chị thứ nối tiếp năm sau,tôi còn bé quá ,bà phụ giúp mẹ  mọi việc nhà .Tôi quên béng nỗi lo phải đóng vai Quan Công phò nhị tẩu hôm nào , vì  vừa đến nhà, bà đã tỏ ra rất “đắc nhân tâm”với tôi .Bà  gọi ông Còi chuyên bán dạo kẹo kéo, kẹo cau mua cho tôi mấy sợi ăn ngay, lại thêm hai túm kẹo thơm lừng mùi gừng và mè cất rương ăn dần . Mọi khi tôi vẫn dành dụm tóc rối của cánh phụ nữ trong nhà để đổi .Tôi gói kỹ, ở   đây ngày ấy chả hề có lấy một con kiến ,nhưng tôi vẫn cảnh giác thằng em  .Tôi  vui vẻ cho  bà vào buồng mình .Từ đó , mọi việc lặt vặt mẹ giao cho tôi ,bà chia sẻ phần lớn .Bà không có một nét nào giống bà cửu Miên,dù hai bà cùng độ tuổi, cũng dáng người gọn ghẽ , cũng có những bộ trang phục đẹp ,nhẫn vòng đầy tay.Vẻ mặt bình thản , lặng lẽ  ,thỉnh thoảng bà  cười mỉm một mình.
        Gần như suốt thời gian trong ngày, bà quanh quẩn trong bếp và khu chuồng heo .Bà chế biến thường xuyên hơn món ruốc sả,cho nhiều thịt nạc và  ít muối hơn mẹ.Bà ngồi hằng giờ bên một thân chuối già ,hai chân dạng ra ,một chân đè giữ chặt  thân cây chuối ,bắp đùi chân kia đỡ  cả  chiếc cán dao có lưỡi nhỏ, dài bằng cả cán sao, sắc lẹm .đầu hơi cúi, tay trái đặt nhẹ lên  cây chuối , tay phải thong thả đẩy lôi lưỡi dao .Những khoanh chuối đều đặn chất đầy  chiếc thúng mây ,cây chuối ngắn dần .Xắt rau heo kiểu “nhà nghề” ấy, bà chị “kiêng dấu ngã” vài lần thử và  bị dao lẹm bay một mảng găng tay cao su to !
         Bà thấy tôi thường lén lấy những chiếc giỏ thép dùng để gánh rau,lật úp đáy lên, rửa sạch đất bùn để phơi những chiếc áo len,nhưng rồi nhanh chóng bị các chú làm vườn đòi lại ,vì đó là công cụ lao động của họ.Chiếc áo bị vắt lên giây thép, rũ ra ,tội nghiệp .Nếu muốn  áo không bị chảy thì có thể mang lên phơi trên nắp bể nước,nhưng phải canh chừng kẻ trộm .Bà bèn về thăm nhà và mang theo một chiếc  còn mới .Ai cũng cười chê bai, vì làm sao mà gánh .Hôm sau ông bác sai người mang ra thêm một chiếc .Tôi có đủ đôi , tha hồ phơi phóng nhưng hễ  lơ là , đã thấy áo lên giây, giỏ ra vườn ! Bà bèn về thăm nhà .Lần này thì tôi có đủ hai chiếc giỏ thép… thủng đáy .Bà đã năn nỉ một chú làm công đan theo thiết kế đó .Đôi giỏ có vất đi đâu cũng không ai màng. Mẹ tôi một vài lần  mượn để sấy cau, sấy cá khô vào mùa  mưa , rất tiện .
    
Rảnh rỗi ,bà thích sang chơi cùng anh Thạch, vì đấy là người láng giềng  duy nhất trong thôn không đâm thọc cảnh ngộ của bà .Chúng tôi ngồi ở gian ngoài, anh Thạch tiếp khách từ bên kia vách . Giọng bà rất to, anh Thạch giải thích là bà bị nghễnh ngãng nên cứ nghĩ người khác cũng giống như mình .
    Ngày tháng qua, đứa bé trong tôi lớn dần Trong đầu tôi luôn có câu hỏi : sao ông bác  chê bà lù đù ? Sao ở nhà ông, bà như chiếc bếp không có chỗ đặt , bà như  chiếc đèn không được dùng đến ,còn ở nhà tôi , bà là nguồn sáng và hơi ấm tuyệt vời .Cha tôi hằng tháng đưa bà qua thăm nhà ,lúc về dúi vào tay mẹ những tờ giấy bạc in hình Đức Thánh Trần (mệnh  giá 500)ông còn có một tờ, thỉnh thoảng  chở thằng nhóc đi hớt tóc và ăn phở mà không cần hỏi mẹ .Mẹ có bà để kể lể những kỷ niệm thời con gái ở quê nhà cho vơi nỗi nhớ .Mẹ không hề có một người thân thích tại miền đất mới, ngoài bà bác .Các chị làm vườn trưa nào cũng xõa tóc nhờ bà bắt chấy , diệt trứng Anh Thạch có bà thường qua thăm nom . Các chị làm vườn trưa nào cũng xõa tóc nhờ bà bắt chấy , diệt trứng .Mấy chú đàn ông  nếu lỡ ngủ dậy muộn do đêm say con bạc hay thất tình ,thì bà chống chế cho  .Hai chị em tôi có thêm tấm quà  từ bà . Các nhóc tì của chị thứ  được bà bồng bế.Các anh chị ở xa luôn an tâm khi nhà vắng  người mà không hề  thiếu người . Ông ốm nặng,bà được đón về để chăm sóc ông .Bà hai theo con ra định cư ở nước ngoài .
   Bây giờ trong khu nghĩa trang này có một đồi thông hai mộ . Hôm nay tôi ghé viếng ông bà .
       Người chủ nhà tết năm nào cô cháu chúng tôi đến mà họ không thể tiếp  , một sáng sớm ghé thăm  tôi .Ông dắt theo cái anh chàng của câu chuyện “cháo bắp,mắm ốc”để mua bếp lò và chiếc đèn ngày xưa .Họ kể rằng họ đã tìm xuống “cây số bảy,Trại mát” nhờ giới thiệu . Đó là nơi bà bác đã sống và ra đi .
      Chiếc bếp, cây đèn lâu nay bị chất xó trong gian nhà kho của mẹ tôi .Mấy chiếc xe đạp cũ, những khung giường, máy bơm …giữ lại thì luôn thấy bộn bề , bỏ đi thì  không nỡ .Trước đó,có một người cũng tìm đến hỏi mua để về bài trí trong khu sinh thái của ông ta tận khu vực đèo Prenn.Ông tỏ ra vui mừng vì hai vật ông cần đều  tương đối còn mới .Nhưng bỗng dưng tôi lại không muốn bán
         Chàng trai,thầy giáo hụt ,nay đã bốn mươi tuổi rồi, bảo rằng anh ta cùng một người lập khu nghỉ dưỡng gần thác Prenn này …Anh vẫn làm nhà thầu xây dựng .Bà mẹ mê lửa ,mê đèn  lắm ,nên anh muốn bày những vật này trong ngôi nhà của mình . Họ đưa tôi đến thăm bà .Vẻ mặt bình thản , lặng lẽ  ,thỉnh thoảng bà  cười mỉm một mình.Ôi, đó là hình ảnh của bà bác ngày nào !


 Bà hỏi tôi : Lâu nay có vô trong sông La bá để thăm thác Đất làng không ?Bà vỗ nhẹ lên hai cẳng chân ,tôi lâu nay hễ trời lạnh là mỏi ,không đi xa được nữa .Thác Đất Làng trên giòng sông La bá nằm gần rẫy cà phê nhà chị cả tôi .Lâu rồi rồi, thời tuổi hai mươi thiếu nữ , tôi có về đây và đi chơi thác  .Những đồi thông chập chùng, người ta trồng hồng và cà phê  bên những vạt đất  vừa phở ( cuốc rộng ) đỏ au .Chỉ thỉnh thoảng, tôi mới gặp một vài người cắm cúi làm việc .Nhưng tuốt bên kia  đồi,có bóng những chú bò đang gặm cỏ , một dáng  người gầy nhỏ ngồi tựa lưng vào thân cây , nhìn  chăm xuống đồi,màu áo xanh cỏ hòa lẫn vào màu cây .Ban  sáng, cô gái này đã lùa bò đàn bò mấy chục con sang cổng ngõ nhà chị tôi để đón đôi bò nhà chị .Cô chăn bò , chăn rẽ (chia hoa hồng ) cho nhiều nhà hàng xóm trong thôn .Tóc cô cắt gọn y hệt kiểu đàn ông, áo lính ngụy rộng thùng thình, giày ba ta , túi vải đeo vai, căng phồng với  hăng gô cơm ,chai nước và chiếc đèn pin .Nếu không biết bố mẹ cô,chủ nhân đàn bò đông đúc và béo tốt này, thì nhìn ngoại hình và nghe gọi tên Long , tôi cứ ngỡ đây là một ..chú bé chăn bò .Khuôn mặt dấu kín dưới vành nón lưỡi trai rộng ,nhưng tôi cũng bắt gặp hai gò má trắng hồng và một đôi mắt đen sâu thẳm .Chẳng bao giờ thấy Long cười .Đi chăn bò từ khi học hết lớp 5.Một năm thì hết 360 ngày lang thang trong rừng thông này với đàn bò . Sáng đón mặt trời trước mặt,chiều tiễn tà dương sau lưng .Về đến nhà đã mệt lữ .Tắm rửa, cơm nước qua loa là vùi đầu vào giấc ngủ. Không  bạn bè, không giao tiếp .Không nói năng,không suy nghĩ . Không biết đến ánh sáng  mùi thơm của ngọn đèn dầu, của bếp củi tạp .Không cảm nhận được sức nóng của mặt trời ,vẻ êm dịu của đêm trăng,vì rừng thông xanh trên đầu chỉ có một  màu xanh. Người mẹ xót xa lắm ,nhà được đàn bò, nhưng gia đình đã mất một người con . Một bữa áp tải đôi bò đực lên tận Dalat để phối giống .Xe ô tô thả bò xuống ven rừng ,chúng nó bị  đứt  giây mũi, lao đi như gió .Rồi chui vào một cái hầm chữ A được đào sâu vào chân đồi.

                 Bà bác , cô gái chăn bò , và tôi , nếu không có một ngọn đèn và bếp lửa trần gian , ủ nóng những con tim trần gian ,thì bà bác bị chê là dại, cô gái mang bệnh điên và tôi , bộ trưởng bộ lù đù . Bà bác đã đi qua cuộc đời này, còn hai chúng tôi đang vươn vần những tu hội tràn gian , nơi để cho những kẻ mến thế gian này được yên ổn,bình an .
                                                                           (còn nữa )

Wednesday, November 25, 2015

NGỌN ĐÈN VÀ BẾP LỬA -Đốm lửa tình yêu

                            NGỌN ĐÈN VÀ BẾP LỬA.
                                1. Đốm lửa tình yêu
      Những năm còn ở Phan Thiết, mỗi dịp về Dalat, dù còn độc thân hay đã đùm đề thê tử, các anh Canh Kem luôn mang sách báo về cho tôi đọc .Đa số  là những cuốn vừa mua ,tôi là người được ưu tiên .Sau đó các anh mới mang đi . Cũng có cuốn các anh phải để lại,chẳng hạn như bộ tiểu thuyết  “Cuốn  theo chiều gió”. Vì trang nào cũng bị tôi “đánh dấu” bằng một vỏ hạt dưa . Ngày tết mà , tôi chỉ  có mỗi công việc đó , để rồi còn xuống Đồng  nai với 1001 công việc,ngay cả trang báo cũng không có thời gian mà đọc...Công việc bộn bề của một cô giáo cấp 2 .
              Hai ông anh ngồi kiên nhẫn rũ bỏ từng vỏ hạt  được nửa cuốn thì .. .đầu hàng. Bộ truyện có tới bốn tập, mỗi tập 500 trang ! Tôi mừng húm nhưng làm ra vẻ hối lỗi .Hè về, hai ông  phải đọc vội đọc vàng vì còn phải trả sách trở lại  ngăn tủ trong …buồng riêng của tôi .

          Một  dịp tết khác ,  họ mang về rất nhiều báo xuân .Cả hai đang làm hiệu trưởng , báo  trong thư viện được ưu tiên cho lãnh đạo . Có tờ họ mua . Tôi lăm le “chôm ” cuốn “Văn nghệ quân đội ”, dù biết anh Kem đã đặt hàng tháng để đóng bộ   . Tôi có dự định như vậy, vì tôi muốn cắt trong báo một câu chuyện  có liên quan đến  bếp lửa và ngọn đèn trong thơ văn Việt Nam , đề tài tôi ấp ủ viết một “xê-mi -ne” cho luận văn tốt nghiệp .-tôi đang học  năm cuối đại học .Nhưng cuốn báo mới, dày và đẹp bỗng biến mất một cách đầy bí mật . Thì ra chính tôi… đánh mất .
               Mồng hai tết    mấy đứa cháu trong nhà  và sáu bảy  thằng  bé nữa, láng giềng , vác ba lô  sang cái hang ở đồi thông khu Đa Phú (qua khu vực  trường Đống Đa một quãng  ) cắm trại .Chúng cho tôi đi theo .Trước đây, cha tôi đã thuê mảnh vườn gần hang để trồng rau .Ông và những người có vườn gần đó thường vào hang ăn trưa, trú mưa ,hay cất giữ rau củ khi đã thu hoạch mà chưa kịp bán . Để mấy ngày cũng không hề bị mất một cọng lá . Sau này, chủ cho người khác thuê .Người này nghe kể từ Quảng Trị vào , thuê vườn nhằm mục đích nuôi dấu một người em là lao công đào binh bỏ ngũ (lao công đào binh là lính đã đào ngũ của chế độ cũ,bị bắt lại,phải ra trận ).Sau này,người em đó đã được móc nối đi theo cách  mạng.
               Bây giờ, cái hang lại trở về với chức năng ban đầu của nó .

               Mọi  thứ chúng tôi đã chuẩn bị từ chiều mồng một tết ..Trước giờ khởi hanh, tôi ôm túi bánh trái  lên  phòng khách nhà mình (hồi đó,các anh chưa có nhà riêng,mỗi bận về thăm đều sống chen chúc trong căn nhà cũ của mẹ) ,thấy cuốn báo ,hình như ai đó  đang đọc dở , vất lăn lóc trên ghế salon , tôi bèn nhét vào  trong túi . Tôi chợt  có linh cảm sẽ không còn có dịp gặp lại cuốn  báo nếu tôi không  cất giữ nó lúc này .
                  Lần đầu tiên trong đời được chui vào một cái hang trong lòng núi đồi  nên tôi cảm thấy hơi hồi hộp
             Năm ngoái,một người bạn thời  cùng  học phổ thông đang làm phóng viên bên Anh , viết cho tôi một lá thư dài, kể lại những ngày được sang Hy lạp, lang thang trên các đảo vắng, có hôm được đến thăm một cái hang mà ai cũng biết tên , hang của người khổng lồ Xi-clop, có gã khổng lồ Poliphem đã bắt giữ chàng Uy-lit-xơ và đồng đội của  anh chàng . Bạn tôi bất ngờ vì cửa hẹp vô cùng, một người nhỏ nhắn như cô gái Việt nam còn phải lách mình vào , thì không hiểu làm sao gã khổng lồ chột mắt có thể vào ra được . Hang hẹp ,tối, đầy mùi phân dơi, nói chung là cô bạn tôi hơi thất vọng . Trên đảo đá có rất nhiều đàn sơn dương sinh sống. Chúng leo núi giỏi vô cùng,nhưng lại rất nhút nhát ,hễ thấy bóng người mon men đến gàn chụp ảnh là chúng thót lên những mỏm đá cao vút ,cheo leo .Quần đảo thật hoang vắng, vì chỉ duy nhất một gia đình sống ở đây để bảo vệ đàn sơn dương .Hai vợ chồng ngoài bốn mươi,có cô con gái 17 tuổi đang trọ học ở  Athen ,thỉnh thoảng mới về thăm .Bạn hẹn mai mốt về hưu ,nếu muốn, hãy sang đây (?), vì chỉ có trời và biển, biển và trời .Ừ, thì cũng thú vị .


         Chúng tôi hăng hái đạp xe lên bốn năm con dốc, đổ thêm hai dốc thì đã thấy một dãy đồi thông xanh rì, sẫm tối hiện ra từ xa  . Gửi xe ở sân nhà người quen gần đường cái , vì còn phải băng qua một khu vườn rộng nữa dưới thung lũng,mới đến chân đồi   

          Thấy có tiếng lao xao .Hai thanh niên ,con trai chủ nhà vác mô tơ và cuộn ống cao su dẫn nước thong thả xuống vườn .Ở đây cũng như chỗ tôi ,mọi hoạt động chỉ ngưng trong ngày mồng một tết mà thôi .Vườn cậu Bé nhà tôi thì đã tưới rất đẫm trong chiều ba mươi, để sáng mồng ba mưới tưới lại.Nhưng sáng mồng  hai,cô vợ đã ra vườn thu hoạch rau ,mang ra chợ bán lấy  lộc đầu năm . Còn chiều ba mươi, có lẽ hai chàng này say  sau tiệc tất niên  nên không kịp cho  rau cải uống nước .

           Anh  vác mô  tơ kể, giọng hài hước :
- Kẻ trộm đột nhập, khuân đi mấy gói mì, lại ăn nhẵn soong  cháo cho ..chó  Tết nhất đã ghé nhà, thì ít ra cũng nên kiếm cho được cây bánh tét chứ .
      Anh kia tiếp :
   -Cái can dầu lửa hai lít  trong kho cũng không còn .Cả cây đèn dầu ở bàn thờ ông công ngoài sân  .Kẻ trộm chắc quanh đây ,mấy thằng bụi đời .
       Tôi cười:
    - Đầu năm nhà mình có mối lì xì rồi .Năm nay làm ăn thuận lợi đấy.
      -Ừ .thì san sẻ cho người, trời lại cho mình .Đi chùa cúng kiếng cũng vậy .
             Anh vác cuộn  ống cao su  tiếp lời tôi .Đầu năm,ai cũng nói những lời tốt đẹp .
       Riêng mấy đứa trẻ học lớp năm lại  thắc mắc :
          -Sao anh biết  kẻ trộm  ăn hết soong  cháo cho  chó . Hay là kẻ trộm dắt theo chó ?
          -Thế này nghe .Anh vác mô trả lời phân tích  .Con chó nhà anh chiều ba mươi bị một ông đi nhậu say về tông xe , nó bỏ ăn , nằm trong nhà kho .Nồi  cháo  ông này (anh vác mô tơ  ) bưng vô nhà kho rồi  bưng  ra, lại để ngay sau bếp,chỗ vẫn thường cho chó ăn.Cơm chó ngày tết mà, một nồi  cháo gà,đầy gan lòng, ngon lắm . Tối khuya anh ra thăm con chó , thấy còn cái nồi  không nằm lăn lóc ,  có cả cái muỗng .Chó làm sao biết cầm  muỗng ?Phải không ?

        Lũ nhỏ rụt vai ,le lưỡi . Có lẽ trong đầu chúng đang hiện lên hình ảnh một “cái soong cho chó ăn” mà nhà nuôi chó nào cũng có . Sứt quai ,méo vành, đầy bụi đất, có đường kính luôn rộng hơn đầu một con chó trưởng thành , thường  nằm lăn lóc ở một góc chuồng chó, hay đầu hiên nhà kho . Cái  soong ấy, dù có chứa món gì ngon hơn cả  cháo gà ngày tết  thì …Chúng thì thầm : Vậy chú kẻ trộm chắc đói lắm,hay ..bị điên .Mà chắc con chó quen người đó  nên không sủa, cho dù đang bị ốm  . Tôi nhìn đám trẻ .Thông minh đấy, vì tôi cũng nghĩ như chúng .
                       Mặt trời đã lên .Không lúc nào  thời tiết Dalat đẹp bằng lúc đất trời  vào xuân . Bầu trời ẩm ướt của những ngày mưa dầm đã tan hết , nhưng vẫn vương vấn làn gió se lạnh .Nắng không gắt ,chỉ đủ mang hơi ấm khi cất bớt áo khoác .Nắng khiến rau hoa thêm xanh, thêm đậm .

                Chúng tôi đi hàng một, men theo lối đi hẹp ven các ô vườn . Cả không gian thật trong lành, đâu đâu cũng thoảng một mùi thơm của cây.của lá,của hoa cỏ .Người ta bảo Dalat là thành phố của hương thơm, nhưng có lẽ phải tìm về những nơi  như ở đây, những luống rau xếp nếp thoai thoải bên sườn đồi như những  bậc thang , thấp thoáng một vài bóng người ,  trước mắt là rừng thông , sau lưng là một vài ngôi nhà thật xinh xắn , thì cả một vùng bao la ,tôi hít thở mạnh và cảm nhận thật rõ ,hương thanh bình . Một lần được ăn cháo yến Nha trang,một lần ghé Dalat, là xem như đã sống nửa đời người .Có nhà văn nào đó đã nói vậy . Không quá lộng ngôn ,nếu khách du một lần đến đây, vào thời điểm này .


             Chúng tôi đã đến hang , sau gần nửa giờ đi loanh quanh qua các vuông rau  và tìm đến chân đồi  .Ồ, chỉ là một cái hầm chữ A , nhưng rộng bằng cả lớp học,đủ chỗ cho ba bốn chục người cùng vào . Tôi không hề thất vọng như người bạn phóng viên đến Hy lạp. Cửa hầm rộng, bên trong nền đất trơn nhẵn, trần được cừ chắc bằng những tấm ván thông khá dày .Hầm tối đen , sạch sẽ , mùi ẩm mốc của đất, của rêu , và khá lạnh vì mặt trời còn lấp ló sau rặng thông , và sương đêm vẫn còn bám trên từng tấm ván cừ nóc hang .Có một thanh niên đã ẩn náu hằng năm  trong hang .Hẳn phải có bếp lửa,có chăn , và tin tưởng có người  che chở mình . Bọn trẻ cẩn thận soi đèn pin và treo lên vách một ngọn đèn bão .Tôi nhìn quanh , bắt gặp một hình ảnh vừa quen vừa lạ : Một ban thờ cuối hang .Có bát nhang với mấy que nhang đã tàn .Hai cọng nến bé tí . Trên mặt gỗ, có chùm quả thông còn tươi, những mắt thông xanh thơm mùi nhựa .Chắc là  hai chàng đi tưới ban nãy đã bày biện bàn thờ cúng tết đầy sáng tạo như thế .
       Bọn trẻ  xếp gọn đồ đạc , cởi bớt áo khoác rồi  ùa ra ngoài , mang theo quả bóng  đá .Chúng tôi sẽ kiếm lá thông khô ,cỏ khô  lót hang, rồi kiếm cành khô nấu bữa trưa .Buổi chiều sẽ “thám du” lên đồi cao, có thể lấn qua vùng của Thung lũng Tình yêu bên Đa thiện .Tối lửa trại .Kế hoạch là như thế .Lũ trẻ đều là đám trẻ “ đẻ bọc điều”, là  từ phố thị về ( hai nhóc  cháu tôi, dân Phan thiết ),là trẻ những nhà khá giả trong thôn tôi , chưa đến tuổi bố mẹ  sai chuyện vườn tược , nhưng tỏ ra khá tháo vát . Mưa dừng rơi từ đầu tháng chạp âm,nên lá thông khô rụng nhiều, dày và dai ,mùi hăng hắc dễ chịu .Cành thông khô , quả khô vương vãi khắp nơi ,chỉ mỗi đứa gom một ít cũng đủ cho bữa trưa dã chiến .Tôi cố tìm một quả thông tươi nhưng không hè gặp . “Mâm quả cúng” trong hang quả là hiếm và độc đáo .
           Chợt có đứa phát hiện ra một tổ  trứng chim sẻ rơi dưới gốc thông già .Sáu chiếc trứng bé tẹo, xinh xắn như sáu viên bi nhỏ .Cả mấy chục con mắt cùng hướng lên ngọn thông .Cao quá .Chắc phải nhờ các chú đi tưới ban nãy .Thế là lập tức bốn đứa phóng vườn .Ba đứa ở lại phụ một chú tưới, còn một đứa dẫn đường, xăng xái đi trước .Thế nhưng chú kia cũng đi theo,giao vườn rau, vòi tưới cho bọn trẻ .Hẳn họ đã có một đôi lần cứu tổ chim .Họ biết phải có hai người công kênh thì mới trèo lên cây cao được. Thông có cành nhiều vảy, lắm nhựa , rất khó trèo .
              Bọn trẻ hò reo ầm ĩ một góc đồi khiến cho mấy  đứa tưới thay cũng cứ nôn nóng ngóng theo .Tiếng reo vọng lên dãy nhà ven đường , nghe như tiếng đàn vui .Một vài người mở cửa nhìn  sang  đồi .Cả không gian đang vô cùng  êm ả một sáng xuân bỗng trở nên rộn rã .
             Lúc đang ngửa cổ lên trời, tôi bỗng thoáng thấy có một bóng người nhỏ bé vụt qua .Chắc họ xuất hành ngày tết, chọn hướng lên đồi,như chúng tôi vậy .Tôi nghĩa đến đống ba lô và đồ đoàn trong hang . Trừ những chiếc áo khoác thì không có gì là đáng giá .Nhưng tôi vội trở về hang cùng hai ân nhân của một gia đình chim sẻ nào đó . Đồ đạc vẫn không thay đổi .Tôi thở nhẹ .

        Cả bọn lại xúm xít cơm trưa . Bánh tét chiên . Nhà tôi trưa hai lăm tháng chạp giỗ ông nội,nên bánh đã nấu trước đó một ngày .Mà cả thôn hình như nhiều nhà cũng thế. Để cúng vườn,cúng chuồng ,cúng xóm … Trời lạnh, bánh cũng nhanh lại nếp (cứng ).Món bánh chiên này dẽ làm giữa trời,mà bọn trẻ cũng khoái .Để có món “giải nhiệt”  thì mì gói ăn với chả và rau (vừa mang đi,vừa xin từ vườn ).Trái cây .Chúng tôi tìm được ba hòn đá nằm lăn lóc ngoài cửa hang .Tôi có cảm giác âm ấm và ngửi thấy mùi nhựa thông còn vương trên đá .Hình như …đã có người đun bếp ở đây  trước chúng tôi không lâu .Cũng có thể người đi vườn.
           Buổi chiều, lũ chúng tôi tha thẩn dạo chơi trên đồi, đi khá xa khu vực hang .Có đứa  phát hiện ra một vạt nấm mèo, thể là rủ nhau đi tìm .Những chiếc nấm xoắn xuýt, mềm và ẩm như tai chú mèo con , thoảng mùi gỗ mốc .Lâu lắm rồi tôi mới có dịp được cầm một chiếc nấm tươi trên tay .Tôi thấy lòng mình thật bình yên .Nhưng vẫn có cảm giác,có người lạ nào đó cùng hái nấm .Lúc tôi đưa mắt nhìn quanh,họ lại lẩn mất .
         Valle d’amuor hiện ra xa xa, bên kia đồi,thấp thoáng những bóng người . Nhiều khoảng trống thay cho rừng thông. Tôi vẫn yêu thích khu đồi không tên này .

         Hoàng hôn .Có khói bếp nhà ai .Cũng như ở Cầu đất, tôi ngỡ ngàng khi thoáng bất một làn khói bếp mỏng manh ôm ấp mái nhà nhỏ bé.Còn gì, thanh bình, hạnh phúc hơn nhỉ .  


          Tối đến ,bọn trẻ đã mệt lử , đã đám bị hai thanh niên ban sáng lùa về nhà họ .Chủ nhân ,bố mẹ các anh , đang đi chúc tết tận cây số bảy (gần Trại Mát ) Cả bọn bị mê hoặc bởi mâm bầu cua cá cọp không biết ai đưa ra .Tôi ngồi xem TV .Gian phòng khách nhỏ và ấm áp. Trên vách bên cạnh tấm lịch  treo duy nhất một bức ảnh chụp cả gia đình . Hai thanh niên khi ấy đang độ tuổi bọn trẻ bây giờ . Một phụ nữ duy nhất ngồi ghế cùng hai đứa trẻ .Ba người đàn ông đứng sau .Một người rất trẻ , cười hiền lành .Người anh lớn hơn cả chục tuổi , mặt nghiêm nghị,ôm lưng  em .Ông chủ nhà đặt một tay lên vai vợ .Có lẽ họ khá thân thiết nên mới được chủ nhà treo ở một vị trí trang trọng trong phòng khách .Chàng thanh niên ấy là người đã từng sống trong hang và đã đi theo cách mạng. Người anh  đã từng thuê khu vườn này .Tôi liên tưởng lời kể của cha tôi ,còn hai thanh niên giải thích gọn lỏn : bạn bè của ba mẹ .

         Sáng hôm sau ,khi thu xếp đồ đạ để ra về, tôi mới nhớ đến cuốn tạp chí .Không thấy đâu cả .Vậy là rơi ngoài hang rồi .Tôi không dám nói với bọn trẻ tên cuốn báo, vì như thế có khác gì “lạy ông tôi ở bụi này” . Một người ,thanh niên vác mô tơ hôm qua,cùng lũ nhóc lại rồng rắn kéo qua hang .Không thấy đâu cả .Tôi được an ủi : Thôi, về Saigon mua cuốn khác (tôi khai dối là một cuốn … sách giáo khoa ).Chợt có đứa la to  .Một mẩu giấy , xé ra từ bao nhang .
. “Tôi mượn cuốn báo .Xang năm sẽ chả, nếu các bạn còn ghé hang ”

         
. Trong đầu tôi hiện lên một gã đầu bù tóc rối nào đó ,  trình độ chưa hết lớp năm, tết nhất đi rình con nít !Tôi rất tức giận . Bỗng dưng mất đi tập tư liệu quý báu. Bao nhiêu áo ấm đẹp , bao nhiêu thức ăn ngon không láy,lại đi lục lọi một cuốn báo .Mình đã bỏ công “đi chôm”lại có kẻ “đi chỉa ” Nhưng  rồi tôi  lại ân hận . Cuốn báo anh Kem chưa xem , ý đồ đóng  thành bộ của anh không trọn .Anh sẽ phải tìm mua cuốn khác . Nhìn quanh hang,chúng tôi còn phát hiện ra vài điều lạ .Ba hòn đá chúng tôi đặt làm bếp ngoài hang , giờ đã được ai đó mang vào hẳn trong hang. Vài nhánh củi cháy lem nhem ,hơi tro còn ấm bàn tay . Trên ban thờ , có một cây đèn  hột vịt ,khói lem một mảng trên chiếc bóng đã được lau chùi rất sạch  .Có người đã mang đến ,đốt sáng .
  Chúng tôi nhìn quanh ,cảm thấy một luồng gió lạnh chạy qua lưng :Hồi đêm,lúc chúng tôi ở trong ngôi nhà gạch ấm áp, thì có người  đây,  nhúm bếp, thắp đèn .Lũ trẻ cũng lấm lét nhìn nhau ,như thể đột nhập nhà một người mà không được phép .Riêng hai thanh niên cầm mẫu giấy, nhìn chiếc đèn,nhìn bếp tro thì bỗng trầm ngâm, có chút gì đó ngậm ngùi, lẫn thành kính . Trông  ánh mắt và vẻ mặt ấy,  tôi  hiểu hình như họ nhận ra người đã vào hang đêm qua . Họ là bạn cùng trường Nông lâm súc Bảo Lộc với cậu Bé nhà tôi .Bố mẹ họ cũng lại là bạn thời tiểu học với các anh tôi .Họ hiền lành, cần cù ,hiểu  biết .Nhưng lúc này, cả hai chỉ lặng lẽ quay mặt đi .     

           Tôi ra trường ,đi dạy . Chương trình Văn lớp 12 có bài “Mộ” (Chiều tối) của Bác Hồ . Bài  thơ chữ Hán chỉ có 28 chữ,  học trong hơn 45 phút, thế nên ở lớp nào, năm nào tôi cũng cố vót vét thời gian để “liên hệ cuộc sống”, đó là tóm tắt…nửa  câu chuyện “Cháo trân châu và mắm mắt phượng ”cho học trò .Dù đang nhấp nha nhấp nhổm, nhưng nghe đến “chuyện cổ tích ”là cả lớp ngồi nín thở ngồi  im . Tất nhiên tôi phải kể nhanh giọng,tóm tắt .Đại khái là  nước kia có một hoàng tử .Năm 18 tuổi, chàng được vua cha truyền ngôi . Sau ngày đăng quang,hoàng tử trẻ một mình một ngựa vào rừng săn thú  .Nếu ngay phút đầu gặp thỏ, thì  đó là điềm lành : đất nước chàng trị vì sẽ yên bình . Ngược lại ,nếu gặp cọp  : đất nước nhiều nạn binh đao . Chàng đi mãi, đi mãi,  trời tối dần ,không gặp  thỏ hay cọp, mà … đi lạc. Khát nước, thèm cơm .Nhớ lời thầy giáo trong kinh đô dạy : trèo lên cây cao, mắt nhìn tám hướng, nơi chiếu ánh đèn , ấy là sự sống 
.
Chàng hoàng tử vội vàng làm theo .Quả nhiên từ một góc rừng cuối chân trời, giữa màn đêm mịt mùng, hiện lên một ánh sáng le lói .Chàng vội vàng phi ngựa đến . Một túp nhà tranh .Bếp lửa .Dĩa đèn dầu .Có hai bóng người nhỏ nhắn.Nhà  hẹp đến nỗi một người trong nhà phải bước ra để người khách lạ có thể bước vào …Tôi dừng lại. Có lẽ hình ảnh “lô dĩ hồng”(lò lửa thế là đỏ rực)được bọn  quái vốn không ưa chuộng mấy môn Văn cũng thấm  thía rằng đó là sự sống, là hy vọng ,là sự bình an .Chuyện còn một đoạn nữa ( cháo và mắm ) . Khách lỡ đ ường được chủ nhà  mời cơm tối .Trên chiếc mâm gỗ chỉ lỏng chỏng hai chiếc bát ,bát lớn đựng một thứ nấu đặc, có nhiều hạt lổn nhổn .Bát nhỏ thơm mùi mắm, màu sâu, sền sệt . Hoàng tử ăn và bất ngờ vì thấy rất lạ, rất ngon  Hỏi tên gọi  thì bà lão cho biết : cháo trân châu,mắm mắt  phượng .

 Sáng hôm sau , hoàng tử từ biệt người chủ nhà tốt bụng và mới nhớ ra nhà có hai người . Một thiếu nữ tuổi trăng tròn từ trong rừng đi ra , ý tứ chào khách .Bà lão giới thiệu : cô Chè, cháu nội .Bố mẹ đã mất . Hoàng tử về kinh đô , ngỏ lời muốn ăn lại món đó .Nhưng các đầu bếp trong cung bó tay . Một cuộc thi diễn ra , tất nhiên cuối cùng cô Chè đến dự và  đoạt giải .Món  ăn đó đơn giản chỉ là cháo bắp và mắm ốc rừng .Dĩ nhiên cô trở thành hoàng hậu. Đám “thính giả” của tôi ồ lên thích thú với kết thúc có hậu của chuyện .
           Nhưng  phần này tôi để dành minh họa cho một bài dạy khác .Có khi còn trống dăm phút sau một buổi học khác , học trò đề nghị kể tiếp đoạn sau ,tôi cũng chiều chúng .
               Câu chuyện này tôi đã đọc được từ cuốn tạp chí “Văn nghệ quân đội” và đã bị đánh cắp một cách đầy bí ẩn .Năm sau ,chúng tôi không thể “đến hẹn lại ..vô hang”tìm lại cuốn  tạp chí, vì bọn trẻ nay lại có niềm vui ngày tết khác , cả tôi cũng vậy .Riêng tôi,cứ mỗi khi dạy đến bài thơ “Mộ” ,hình ảnh ba hòn đá nằm chơ vơ trong hang lạnh và những thanh củi thông cháy dở ,cùng chiếc đèn hột vịt có bóng cháy lém ở căn hầm chữ A năm nào lại hiện lên .Người mang đến ngồi một mình trong hang giữa  đêm xuân lạnh lẽo là ai ?
           Một lần, tôi được dự tiết dạy thực tập của một giáo sinh Thầy  giáo tương lai được giáo viên  hướng dẫn cho dạy  lớp 12 thì hẳn có thành tích học tập tốt lắm , tôi nhủ thầm . Tổ trưởng chuyên môn của chúng tôi   không tiếc lời  khen ngợi,lúc chúng tôi tập trung ở hành lang, chờ chuông reo vào lớp : có năng khiếu đấy .Hôm trước ở lớp 11 dạy bài… rất xuất thần .Trong cuộc đời làm thầy, tôi chưa gặp em nào như thế … khiến chúng tôi càng tò mò, hồi  hộp .
            Tiết dạy trôi chảy,bài bản .Kiến thức minh bạch,hợp lý .Một giáo sinh mà vững vàng như thể đã từng làm thầy, điều này khiến khách  đến dự rất hài lòng .Đến hình ảnh “lô dĩ hồng”, thật bất ngờ,  người thầy giáo trẻ này chọn ngay những chi tiết trong  câu chuyện tôi ấp ủ năm nào .Đám học trò cũng thắc mắc về món ăn lạ lùng ấy, thì ông thầy trẻ lục cặp đưa lên một cuốn sách cũ kỹ .Ôi ,tôi có nhìn lầm không .Cuốn tạp chí  của anh Kem,có chữ ký của anh ngay trang bìa , và cả con dấu anh khắc bằng gỗ  !  Người đang đứng trên bảng khoe rằng đây là  quyển báo mẹ anh rất thích đọc ,cho nên ,nếu bạn nào muốn mượn anh sẽ cho,nhưng nhớ trả lại .Mẹ ? Có thể đúng . Ông thầy trẻ này có lẽ cũng độ tuổi với  lũ nhóc học lớp năm đi chơi tết ngày ấy .Tôi nhớ đến bóng người nhỏ bé thấp thoáng lẩn hiện trong rừng thông, lúc chúng tôi mải mê cứu tổ chim .Nhưng bà ấy là ai ?  Tôi rất muốn chạy lên hỏi thăm,nhưng nhớ mình đang ngồi trong một lớp học với bốn chục học sinh và mấy chục đồng nghiệp, giáo sinh . Tôi đành đứng đợi ở nhà xe .

Mọi truyện cổ tích đều kết thúc có hậu.
Câu chuyện tôi “”thóc mách” có đoạn cuối ,theo tôi , là tốt đẹp . Chàng sinh viên thực tập đi phô tô cuốn tạp chí ,nhưng tôi  phải nhận bản sao, vì bà mẹ khăng khăng giữ bản chính: đó là kỷ vật tình yêu của  bà . Những đêm dài  gã lao công đào binh trốn trong hang, cô thôn nữ một lần trú mưa đã gặp anh .Kết  quả của mối tình ấy là chàng tuổi trẻ hôm nay .Người bố không trở lại .Người mẹ điên dại ,nhưng rất mực thương con và thủy chung .


     Chàng trai đã tìm gặp ông bác .Ông hướng anh sang nghề xây dựng ,là công việc của ông ở  một thành phố lớn  .Một gia đình êm ấm . Người mẹ già, đôi vợ chồng trẻ, hai em bé .
                                                                                        (còn nữa)

                       

Saturday, October 17, 2015

một thời để nhớ và để quên

                                           MỘT THỜI ĐỂ NHỚ  VÀ ĐỂ QUÊN . ĐỂ
            Hôm nay là giỗ bà Miên già , bà thím ruột của cha tôi . Bà mất lâu lắm rồi , hơn  ba mươi năm .  Ngày bà đi xa , tôi đang  học  làm cô giáo ( để được lên  cấp .. 2+1  ) . Chẳng ai nhớ để điện báo tôi về, dù trong  một lúc bất chợt nào đó , những ngày xa quê, tôi  nghĩ đến bà và  biết rằng , bà bây giờ như chuối chín cây . Tuổi của bà ngày một  cao .

        Bà là vợ thứ hai của ông Cửu Miên ( cả xóm ai cũng gọi ông như thế , vì trước đây ông từng đi lính cho Pháp,  thăng chức Cửu ) Ông là chú ruột của cha tôi . Lũ chúng tôi gọi ông Miên , để phân biệt ông với  ông nội. Còn bà ,  có người gọi bà là bà Hai (bà là vợ thứ hai của ông ) . Tên bà Miên già xuất hiện khi ông cưới thêm bà ba , rất  trẻ,vốn là    chị giúp việc vườn tược nhà ông bà .Tên trên bia mộ của bà  là cụ Lê thị  Mưa .
          Sao mỗi lần nghĩ về bà, tôi đều bâng  khuâng buồn . ?
           Ông bà giàu có nhất thôn Nghệ Tĩnh ở Dalat  của tôi ngày ấy . Bắt đầu từ việc ông mua được nhiều xương nai,cọp,khỉ … do bọn  quan Tây đi săn về bán lại . Ông bà có kỹ thuật nấu cao ,trở thành bí kíp, nhiều người phải tìm đến học, nhưng chất lượng các loại cao không sao bằng nhà ông . Hồi ấy thuốc bổ, thực phẩm chức năng không có nhiều như bây giờ . Nhà nào càng  khá  giả , con cái càng khỏe mạnh, không phải chỉ nhờ được ăn uống đầy đủ ,mà nhờ có cao .

              Tôi chỉ biết rằng lâu lâu  mẹ tôi lại  ngồi nặn từng xấp tiền xếp nhỏ từ một chiếc ruột tượng bằng vải  cất kín dưới đáy rương  , rồi cha tôi lễ mễ ôm sang nhà,cậy cục nhờ ông bà cho “ chung” vài chục lượng cao các loại . Nhà tôi không có điều kiện nấu riêng . Phải có chỗ đặt bếp .Có chỗ giăng mùng chặt xương (để xương khỏi văng ra ngoài ). Phải có thợ giúp việc  tin cậy để canh bếp hằng đêm ( nếu không , họ sẽ ăn cắp cao  bằng cách nhúng những cùi lá chuối -đã rọc bỏ lá – hút cao nóng chảy trong lò . Một cùi là có được vài ba lượng, có diện tích hinh khối chữ nhật,dài độ 5cm, rộng 3cm, dày 2cm , đủ cả nhà năm miệng ăn  đong gạo cả tháng .Mà lòng bàn tay người lớn chỉ đủ đặt hai lượng .Phải có kinh nghiệm nấu như ông, đặc biệt là bà . Anh em chúng tôi rất biết ơn những lượng cao ấy, nhất là …tôi . Tôi xa nhà, cả nước sau ngày thống nhất, khó khăn trăm bề .Miền đất   tôi đến không xa chốn quê nhà là bao,mà lại là nơi rừng thiêng nước độc :  chiến khu D .Thực tế tôi chỉ về đây trong tám tuần sau ngày ra trường  để làm công tác xóa nạn mù chữ , rồi sau đó được nhận quyết định về đứng lớp tại một xã gần khu vực cầu La ngà , nhưng đây cũng là “ổ sốt rét”- cứ mỗi sáng qua quốc  lộ 20 để mua  thức ăn trong ngày, bọn cô giáo trẻ chúng tôi chết  khiếp với những xác người được đặt ngay hiên trạm xá xã , thân đắp chiếu,những cẳng chân thò ra , đen thui ! Tôi về  đấy ,có lẽ nhờ những  miếng cao bé tí, rất cứng và dai ,mẹ đã chặt vụn để mỗi lần dùng  có thể nuốt chửng cùng mật ong ( nếu ngậm đường thì lại sợ giun sán trong bụng … giành cao !) nên không bị sốt rét hay cảm vặt như đồng nghiệp .Cả  khi về sau này, khi có nhiều thày cô bị nhiễm chất độc da cam rất nặng,  cái thứ “thuốc diệt cỏ” khủng khiếp và tàn bạo ấy cũng tan bớt trong máu tôi ,nhờ cao ,cao khỉ và cao nai , chứ cao xương cọp chỉ dành cho các sản  phụ  và các cụ già  .
            Có một lần, tôi đón chị đồng nghiệp cũ từ Saigon lặn lội lên tận nhà ông bà Miên để mua cao .Chị giải thích với bà là dưới thành phố cũng có nơi bán ,nhưng chỉ ở bà, chị mới tin đó là cao không bị làm giả .Nhưng dù chúng tôi năn nỉ, van xin – nói theo kiểu bây giờ - đến gãy lưỡi, bà cũng chỉ “ để lại” cho chị số lượng đủ đặt vào trong lòng bàn tay luôn nhơm nhớp mồ hôi của chị . Chúng tôi vừa ra cổng , một bà to béo, trang phục diêm dúa bước vào .Chỉ lát sau bà bước ra .Ban nãy bà đi tay không.Bây giờ tay kia cầm theo một túi giấy  nhỏ ,căng lên với những hình khối chữ nhật ,bước tung tẩy .Chúng tôi vừa chạy đến thì bà đã leo lên một chiếc Suzuki đỏ chói chờ bên đường .  Chị bạn tôi đã mất .Chị bị  ung  thư máu ,bắt nguồn từ những năm ở bên cạnh tôi thuở  tuổi đôi mươi .
            Ông bà có vườn rộng ở khắp các miền chuyên trồng rau hoa nổi tiếng của Dalat . Nhiều người dân quê trong làng là con nợ của ông bà  .Nhà tôi  cũng thế .Chỉ một ngoại lệ  đặc ân  là không phải chịu lãi . Cũng từ số “vốn” ông bà giúp ban đầu, vườn nhà tôi có hai thứ quan trọng : phân và giống .Sau mỗi vụ rau ,dù  thiếu thốn đến đâu,mẹ cũng dành một khoản lớn  trả nợ,theo  bài học tổ tiên dạy “cháo húp quanh,nợ trả dần” .

           Trong con mắt một đứa trẻ lên mười, nhà ông bà Miên thứ gì cũng nhất . Nhà rộng ,có mấy bức bích họa vẽ trên tường rất đẹp, cảnh một phiên chợ tết ,một chiều  các nàng tiên xuống trần ,một đêm trăng sáng trên sông .Chưa thấy tranh ở đâu rộng và đẹp như thế .Nhà ông bà có rất nhiều trai bạn ,gọi nôm na là kẻ ăn người ở ,và sách vở gọi là tá điền, trong nhà . Vì  thế,  chạn ở bếp ,các hũ to,có nắp nặng bao giò cũng đầy lủm  mỡ heo đã  thắng , đông cứng như kem .Thỉnh thoảng cha tôi sang thăm,ông sai bà “gửi chút quà cho cháu” .Bà xắn cục mỡ to gói vào lá chuối – nếu như ngày ấy có túi ni lông thì tiện biết mấy .Thế là ông bố phải ba chân bốn cẳng chạy về , băng qua hai  dọc vườn của hai nhà , và một con suối nhỏ , để mỡ chưa kịp tan .Có hôm ông  vấp cục đá , móng chân trỏ bong ra, mấy tháng liền chưa lành ! Còn có nhiều thẩu  to  chứa đầy tôm khô,mua thẳng từ  Phan Thiết . Những con tôm con cứng , to bằng ngón cái  chúng tôi , thơm lừng mùi nắng,mùi muối và  mùi..tôm . Chỉ mơ thôi .Có lần tôi trông thấy chú Bông ,cháu gọi bà bằng cô ruột,lâu lâu vào Dalat nghỉ mát,đổi gió , túi quần căng phồng tôm .Lâu lâu lại moi một con cho vào miệng,nhai nhóp  nhép . Nhiệm vụ của chúng tôi là “ đứng ngẩn trông vời … chú tôm khô” (thơ ..Huy Cận ) mà  thôi .Một túi tôm như  thế, mẹ tôi nấu canh ăn cả  tuần .
               Ngày tết, hai đứa nhỏ nhất trong nhà tôi  sang  thắp hương cho tổ tiên , mừng thọ ông bà. Lần đầu khấp khởi chờ bà  mừng tuổi (lì xì ) Nhưng về sau thì .. tắt hết hy vọng.Có mấy đứa cùng  độ tuổi, con những nhà khá giả,vai vế trong ấp .được bà gọi vào nhà ngang ,nơi bà tiếp những khách riêng của bà …

               Cái năm tôi 19 tuổi, về thành phố Saigon học cao đẳng, vườn bà đầy những quả hồng xanh rụng khắp nơi .Giống hồng dẻo ngày ấy rất hiếm . Bà sai người vác sang cho tôi hẳn một bao đầy ,loại bao  đựng 20 ký  gạo ,gọi là mang về “xứ nóng” (cách bà quen gọi ) làm quà .Hai ông anh làm thày giáo,người còm nhom, ì ạch thay nhau khuân ra tận bến xe cho tôi .Đến nơi,có lẽ hồng xứ lạnh không hợp xứ  nóng (!) , dù tôi có nhờ bà chủ nhà là dân vựa rau,thông thạo rau trái , mua đất đèn về dấm ,mà … Hồng mỗi ngày thối hỏng một nhiều.Cuối cùng đành mang đổ.Theo tôi, vì lũ nhóc nhà chủ cứ hàng ngày mở ra xem nên hồng “ mắc cỡ” (ở nhà dấm chuối, mẹ thường bảo thế )Tôi rất xấu hổ với chủ ,vì khoe cả bao quả hồng Dalat mà không mời họ được quả nào .
          Bà là bà hai ,vì ông có bà cả tận ngoài Nghệ an,ly biệt do chia cắt .Ông đã bốn người con lớn ngoài  ấy . Bà lấy ông nhưng không có người con nào .Nhưng bà có buồn không , vì những người gọi bà là cô,là dì ruột từ miền Trung xa xôi, quê bà ,luôn đến thăm bà. Có người còn trọ học hằng  chục năm .Cứ kẻ đi thì người đến. Rồi lâu bà lại về quê  để “ xây nhà” hay “ mua bò” cho em, cho cháu .Điều này bà chẳng hề dấu diếm .

           Ông có bà ba .Người  thiếu nũ  xinh đẹp này thật bất hạnh ..Chị chỉ  sinh được  cho ông một cô con gái rồi mất . Bị sót  nhau (hai ông anh  giáo viên Sinh  học lý giải) Y học ngày ấy chưa tiến bộ như bây giờ . Mọi người an ủi rằng ,thôi , bà lớn tuổi ,có đứa con chồng bên cạnh  cũng vui,có cây dây mới leo .
              Nhưng bà yêu đứa bé theo cách của bà : gởi xơ (nhà trẻ do các nữ tu phụ trách ) . Đến lúc nó   bảy tuổi,bà đón về, chúng tôi ,lũ cháu của cô bé ấy, vì  thân sinh  tôi là anh chị của bé ,  gọi là cô Bi . mới được gặp lần đầu . Cô bé không được mang họ cha là họ Nguyễn Thái chúng tôi . Cô không được chạy nhảy vui chơi như những đứa trẻ cùng lứa , mà tan học là phải về nhà , quanh quẩn bên bà , để  bà “ sai vặt” (lời bà ),nhưng còn để nghe những lời bà dạy ,mà  đứa em út nhà tôi ,9 tuổi, luôn thắc mắc . “ hình hài giống cha, nết na giống mẹ” nghĩa là gì . Không một ai dám mở miệng giải thích .
              Bà ốm nặng . Chiếc giường bà nằm không có nệm , vì trước đó bà đã  bán lấy tiền  để thuốc thang . Bà nhờ cô Bi tìm người  bán  cho bà chiếc bàn ủi than hình đầu gà .Bây giờ có điện rồi, không mấy ai dùng nữa .
             Những ngày bà hấp hối,mẹ tôi kể cô Bi đón bà về nhà mình để khách đến viếng cho tiện,vì nhà bà đã cắt bán hết rồi . Những người em,người cháu gọi bà là cô ,dì … chỉ đến một nhoáng rồi …không thấy tăm hơi đâu nữa

              Giỗ bà,  năm nào cô Bi cũng  đứng ra biện (dọn mâm cúng ) rất tươm tất , rồi bao giờ cũng sang mời  gia đình tôi ,các anh  chị con bà cả ( vào Dalat sau ngày 30.4 )Họ chỉ được hưởng một phần rất nhỏ  tài sản ông để lại ,vì tất cả, bà đã gửi về quê ngoại của bà ,nên chỉ một năm mới ghé nhà cô Bi ,chỉ để  cúng giỗ bà .Họ luôn nghi ngờ tấm lòng cô Bi,kẻ được bà chăm bẵm từ bé .Nhưng cô ấy cũng không khác gì họ .Xóm làng ai cũng biết rõ điều đó .

            Tôi đau liệt giường cả  tháng trời,chỉ vì tội  đam mê vườn sả .Giữa mưa mà ra vườn vét mương, dọn cỏ , đồ điên ! Ai đến thăm cũng mắng mỏ tôi như thế . Có hôm tôi nằm mơ thấy bà .Bà vẫn gọn gàng, tươm tất, sang trọng như xưa .Bà chỉ mỉm cười .Tôi tỉnh dậy,toát mồ hôi .

              Có nhiều tấm gương trong sử sách,trong cuộc đời ,tôi luôn ghi nhớ ở hai thái cực ,âm và dương . Bà có lẽ thuộc thái cực đầu .
                                        Dalat , giữa tháng 10.2015  
t

Wednesday, September 23, 2015

chuỗi thời gian - áo len tặng mẹ

                        CHUỖI THỜI GIAN

                          1.CHIẾC ÁO TẶNG MẸ

      Một trưa  chủ nhật gần sang đông, tôi phải lên tận Vạn Thành ,làng hoa nổi tiếng của Dalat , cách nhà tôi hơn   hai giờ đồng hồ đạp xe lọc cọc đi về, để tìm thăm học sinh chủ nhiệm . Nhà  các em ở trong mãi  Tà Nung (từ Vạn Thành phải đi vô thêm mấy cây số nữa) sống trọ trong một nhà trẻ , cũng là cơ sở của các chị tận hiến giữa đời. Người giám hộ của đám học trò tôi ,chị phụ trách dòng tu ,hứa sẽ chở tôi đến tận nhà chúng , trực tiếp gặp bố mẹ .Tôi đến khá sớm. Khi chú xe thồ thả tôi ở ngay địa chỉ cần tìm thì cổng nhà trẻ  vẫn đang im ỉm khóa . Tôi bỗng thấy …Tôi cố lết lên một con dốc ngắn , vòng qua sân sau của khu nhà thờ xứ, nhủ rằng nơi đây sẽ có chỗ … miễn phí .Nhà thờ ba bề bốn bên cửa đóng then cài , trong  sân không một bóng  người, chỉ có những chú chim sẻ chốc chốc vụt bay lên . Tôi chợt nhớ ra, cũng như nhà  thờ Hà Đông bên xóm tôi và các nhà thờ làng đều không hề có công trình phụ .Đã có lần tôi phải “quá giang” nhà một chị giáo dân gần đấy . Nhưng ở đây tôi không quen ai cả . Hai bên đường làng hoa có nhiều ngôi nhà đẹp , cổng vào giữa trưa đều đóng kín . Trông ra xa xa có hai bà cụ đang dắt nhau qua đường, tạt vào một cánh cổng , tôi vội vàng đi theo. Một bà mặc áo len màu xám tro đã cũ, bà kia khoác chiếc mới toanh màu mỡ gà có kiểu đan với những hoa văn vô cùng độc đáo ,hiện lên từ thân áo, tay áo .Họ nhẹ nhàng ngồi xuống một chiếc ghế đá đặt ở mé sân, bên dãy chậu cảnh đầy hoa sặc sỡ , lưng quay ra ngoài .Từ trong nhà bước ra một phụ nữ, dáng cao gầy , tóc túm gọn sau gáy ,trạc tuổi tôi,nhưng trong chiếc áo trắng cổ tròn tròng đầu  kiểu đàn ông ,hoa văn đan chi chít, mà phương tây gọi là áo aran , trông chị khá đầy đặn,trẻ trung 
Chị trao cho hai bà cụ chiếc  túi ni lông trong suốt, nhìn thấy rõ một cuộn len  tiệp với màu áo mới của một cụ.Thấy tôi trờ tới, vẻ mặt đỏ ửng thẹn thùng, miệng ấp úng thì chị hiểu ngay .Chị dẫn tôi men theo mép hiên bên hông nhà , chỉ cho tôi một căn nhà gỗ nhỏ khuất sau khu nhà lồng  trồng hoa .Chị còn đi thêm cùng tôi một đoạn,qua hai cái trụ sắt cao giăng dây phơi đồ.  Có một đôi gióng mẹt đung đưa dưới sợi dây  thép to , dài và chắc . Lòng mẹt  ngập nắng trưa ,ngập lên hai chiếc áo len  được trải rộng , những ống tay áo thò ra ngoài .Chưa bao giờ  tôi thấy kiểu phơi áo len độc đáo như thế . Tôi cũng  nhanh chóng nhận ra có một chiếc đồng màu, đồng dạng cỡ  ,đồng hoa văn với một áo cụ bà trong sân đang mặc .Chà, các cụ bây giờ mà cũng biết chơi “áo cặp” nữa chứ . Gần nửa giờ sau , khi tôi hoàn thành “sứ mạng” ,tìm ra vòi nước trước sân rửa tay thì mọi người đều biến mất .Đôi gióng mẹt bên hông nhà cũng không còn . Bỗng dưng tôi thấy tiếc rẻ , bởi tôi đang có dự định sẽ học chị các đan mẫu hoa văn này . Bà chị con gái  dượng Trí có nhờ tôi đan cho mẹ chồng chị một chiếc áo mới , đổi lại chị sẽ bỏ công may cho tôi chiếc áo dài đi dạy. Tôi đưa ra mấy mẫu kiểu hoa văn nhưng chị đều không ưng ý .Nhưng  bây giờ tôi biết làm sao . Chị giám hộ đã nhá điện thoại,  chiếc Honđa cũ đã dựng bên bờ rào nhà thờ .Tôi còn một trách nhiệm lớn lao phải hoàn thành trong chiều nay . Côn g việc của  tôi sau đó  diễn ra trôi chảy .Tôi còn được chị phụ trách nhà trẻ dẫn đi thăm khu vườn cà phê sum suê, ngút ngàn của họ trước khi về lại  bên  cuối bờ rào nhà thờ Vạn Thành . Tôi đã hẹn chú xe ôm ở đây .Đồng hồ chỉ bốn giờ rưỡi ,chỉ dăm phút nữa có xe sẽ đón tôi về .Tôi đứng khép người sau một bụi cây to để tránh chia trí  những người ở trong  nhà thờ dự lễ chiều.Nắng trưa đã tàn tự bao giờ .Bầu không khí buốt lạnh ẩm hơi nước trùm lên quanh tôi, thốc vào mặt , nghe tê cả lòng bàn chân .Tôi một tay ôm ngực, tay kia chống cằm , túi xách đeo chặt một bên vai ,mắt đăm đăm nhìn về phía cuối đường, nơi sẽ  xuất hiện chiếc xe thồ đến đón . Đã có lần tôi cũng đứng ở đây và khốn khổ tìm xe . 

         


   Hôm ấy do mãi  lân la đi thăm mấy nhà phụ huynh, khi tôi chợt nhớ ra đã đến giờ về thì trạm xe thồ ngay ngã ba này không còn  đưa đón khách nữa  .Tôi vô cùng hoảng sợ .  Nơi  đây vẫn là một phường nội thành của Dalat mà sao lại cách trở đến thế . Tôi chỉ cần ra  khỏi nơi này sớm nhất, vì tôi biết ngay đầu thác Cam ly cách đây dăm cây số  có một khu chợ nhỏ , dân cư khá đông, có hẳn một trạm xe thồ .Nếu họ chém chặt vì lý do chiều muộn, trời gió lạnh thì tôi cũng sẵn lòng chấp nhận. Tôi  rất muốn quay lại nhà một trong những phụ huynh ban chiều ,  mong  họ giúp đỡ , nhưng như thế tôi lại phải cuốc bộ vài  cây số nữa .Tôi cứ đứng co ro bên  cuối rào nhà  thờ như hôm nay  ,bên trong mọi người đang sốt sắng dâng lễ,còn tôi lại rất muốn khóc . Vừa lúc ấy, một thanh niên độ chừng ba  mươi tuổi thong thả đạp xe qua .Tôi  mừng hết lớn, há miệng định gọi thì tự nhiên anh ta đã dừng lại, giọng hỏi han như đã từng quen biết tôi  Một người học trò cũ ! Hơn chục năm rồi , anh ta vẫn còn nhận ra tôi ,nhưng tôi thì quả là tôi không nhớ .Tôi không phải giải thích gì thêm .

          Chợt có một bàn tay  đặt nhẹ lên vai khiến tôi giật mình .Chị chủ nhà ban nãy .Chiếc áo aran  trắng với dày đặc hoa văn đẹp chị mặc ban trưa  đã được khoác lên một chiếc jacket may bằng vải jean dày , khuy  cài kín , ấm áp . Miệng chị mỉm cười , và tôi thì mừng rỡ . Chị hứa sẽ  chỉ vẽ thật cụ thể các mẫu áo tôi cần, bằng cách nhờ các em trọ nơi nhà trẻ chuyển thư hộ .Lễ chiều đã tan , một đám trẻ ùa ra cổng ; kìa hai chiếc áo mỡ gà ban trưa 
!.Bây giờ các cụ mặc nó ngoài chiếc áo dài màu nâu đậm, như càng tôn hai  chiếc áo len rất vừa vặn, rất dày, rất ấm và rất đẹp .Họ trùm khăn nhung  đen ,một món tóc bạc phất phơ trong gió chiều. Hai cụ đi qua tôi, nắm chặt tay nhau ,đôi gò má đỏ au ,khỏe mạnh .Có một cụ tay cầm chiếc que sắt nhỏ xíu .Tôi sững sờ .Cả hai đều mù .Họ đi xa dần ,lưng còn thẳng lắm, như hai thiếu nữ .Chị áo cardian giải thích , đó là hai bà cô song sinh của chị .Các cụ đã tám tư, mộ đạo, vui vầy bên con cháu .Chị nói nhỏ ,miệng tủm tỉm ,thích ăn mặc đẹp lắm .Có đứa cháu gởi len về cho là nằng nặc nhờ đan .Tôi chợt thấy nhớ mẹ .  Đã lâu lắm tôi chưa đan áo mới cho cụ  .Có lẽ sau cBẵng đi một thời gian, tôi không có dịp trở lại Vạn Thành,  vì một lý do đơn giản, trường chuyên  của tỉnh nằm tương đối gần khu vực này đã mở thêm  nhiều lớp thuộc  hệ không  chuyên .Tôi đã đan được áo mới cho mẹ . Cụ có nhiều áo len đẹp nhưng tỏ ra  yêu thích chiếc áo mới đó lắm , có dịp đi đâu là lấy mặc .Những lúc ấy,tôi lại thấy trong đầu hiện hai “thiếu nữ” đáng yêu của tôi .Cầu mang các cụ luôn khỏe mạnh .

         Mẹ tôi đi xa . Trong quan tài nhỏ,  đám con cháu gửi theo cho cụ những bộ áo quần mới của cụ , áo dài, áo len, cả chiếc áo mới  tôi tặng . Vẻ mặt mẹ bình thản .Vâng ,mẹ đã hoàn tất đời người, đã chấm hết cuộc hành trình làm mẹ .Nước mắt chúng tôi tuôn rơi.Nguyện xin  ở nơi xa, mẹ luôn vui và ấm áp


Mấy tuần sau , có chị hàng xóm đến thăm, dẫn theo một người khách .Ôi, chị  ở Vạn Thành.!Không ngờ chị vẫn còn nhớ tôi .Hôm nay trời ấm hơn,chị mặc áo len màu xanh biển đậm , đan trơn kiểu áo cardigan , mà ở đây  chúng tôi vẫn gọi là áo bà lai .Hôm trước cha xứ bên nhà thờ  ghé thăm gia đình tôi  cũng khoác  một chiếc màu lông chuột rất mới với kiểu như thế , rồi sau thánh lễ chủ nhật tôi cũng thấy ông khoác ngoài áo chùng ra tiếp khách ở sân , các bà  già xúm xít khen cha có áo đẹp, khiến ông cha xứ ngoài bảy mươi cứ cừơi mãi .Người ta bảo “già được bát canh, trẻ được manh áo”,đó là hạnh  phúc lớn lao nhất .Nhưng già có áo len mới thực sự là

 

niềm vui nhỏ nhoi cuối đời của họ .Chị Vạn Thành sung sướng cười to ,ồ thế hả ,vui nhỉ .Hình như suốt buổi chị liến thoảng mãi  điệp khúc ấy , vì câu chuyện của chúng tôi mãi xoay quanh chiếc áo len. Áo cha xứ nhà thờ xóm tôi  do chị đan .Chị còn nhận đan áo cho các ni sư trong các chùa .Chị kể có dạo các ni cô  trong một chùa nhận nuôi trẻ mồ côi thỉnh thoảng  lên nhờ chị cách tháo áo len cũ để đan lại . Áo len  mua chợ thường tháp lại bằng máy, nếu không biết rõ “kỹ thuật” của họ sẽ làm hỏng cả chiếc áo  .Khi nghe tôi khen kiểu  áo đẹp của các cụ  ở đây,chị kêu lên,ô ở nhà thờ con gà ( nhà thờ chính tòa ,ngay trung tâm thành phố )cũng có nhiều cụ mặc áo hoa văn độc đáo lắm .Chịu khó đi lễ ở đây vài lần, tìm ngồi sau lưng các cụ,ngắm nghía một lát  là học được  kiểu ngay .
 Nhưng tôi nhận ra chị hàng xóm suốt buổi hầu như rất ít nói ,nhất là đề tài về len,áo len .Hai  chị vốn từng là bạn thân thiết từ thời cùng học khóa  sư phạm áo nâu ,là khóa  đào tạo giáo viên tiểu học căn cơ nhất của tỉnh tôi ngày ấy .Họ cùng tuổi với người chị kế tôi , làm cô giáo từ khi tôi mới tập tễnh lên lớp sáu .Gọi là khóa sư phạm áo nâu vì đồng phục của họ là chiếc áo len nâu đỏ,đỏ yên chi  cùng màu với áo của học sinh trường chuyên tỉnh  hôm nay . Họ bây giờ cùng  cảnh góa bụa, phải bươn chải nuôi con ,nhưng còn một điều nữa, cả hai đều bỏ việc rất sớm, cũng vì hoàn cảnh gia đình .Đó là thế hệ thầy cô giáo ưu tú, bởi lẽ rất nhiều bạn bè họ đều giữ những vị trí cao trong trường,trong ngành giáo dục trước khi về nghỉ hưu .Nhưng tôi nhận ra chị hàng xóm suốt buổi hầu như rất ít nói ,nhất là đề tài về len,áo len .Hai  chị vốn từng là bạn thân thiết từ thời cùng học khóa  sư phạm áo nâu ,là khóa  đào tạo giáo viên tiểu học căn cơ nhất của tỉnh tôi ngày ấy 

.Họ cùng tuổi với người chị kế tôi , làm cô giáo từ khi tôi mới tập tễnh lên lớp sáu .Gọi là khóa sư phạm áo nâu vì đồng phục của họ là chiếc áo len nâu đỏ,đỏ yên chi  cùng màu với áo của học sinh trường chuyên tỉnh  hôm nay . Họ bây giờ cùng  cảnh góa bụa, phải bươn chải nuôi con ,nhưng còn một điều nữa, cả hai đều bỏ việc rất sớm, cũng vì hoàn cảnh gia đình .Đó là thế hệ thầy cô giáo ưu tú, bởi lẽ rất nhiều bạn bè họ đều giữ những vị trí cao trong trường,trong ngành giáo dục trước khi về nghỉ hưu .

Tôi tiễn khách ra về , qua cổng nhà  hai ông  anh đầu , lên đến tận đường lớn.  Bà chị dâu  cả đang loay hoay bày   mấy  chiếc nhựa ra sân để phơi một chiếc áo len lớn, cổ lọ và hai ống tay vắt ra ngoài. Đó là cách  giữ cho áo không bị chảy. Bây giờ nhà vườn ít phải gánh gồng , trong nhà không tìm đâu ra quang gióng để phơi theo kiểu Vạn Thành .Chiếc áo đàn ông ,màu xanh cô ban , còn mới và rất đẹp, lọai  len tốt nên áo chưa khô nhưng vẫn óng lên nhưng sợi lông trắng g .


     
Đó là áo của một ông khách bạn  của các anh tôi ,từ Nha trang lên chơi mấy hôm nay .Có lẽ khách sắp về nên mới mang áo giặt .Tôi rất ngạc nhiên và thích thú vị khách ở một vùng biển trời  nóng bức quanh năm,lại làm  chủ một chiếc áo sành điệu và đầy đặc trưng của miền đất lạnh này .Nhưng trong lúc tôi và chị Vạn thành dừng lại săm soi ,thì chị khuôn mặt chị hành xóm bỗng tái ngoét ,toàn  thân như co lại .Chị bước lập cập theo sau chúng tôi,đầu cúi gầm .Ra đến ngoài cổng,chị vẫn như chưa hoàn hồn .Khách và tôi phải đẩy  xe lên một đoạn  dốc ngắn,  nặng nề đẩy theo. Chúng tôi lo lắng hỏi han thì chị mệt nhọc bảo , tại thời tiết thôi . Rồi chị cứ dáng vẻ thẫn  thờ như thế cho đến khi chia tay tôi,  buồn bã ra về .Tôi đứng ngơ ngác nhìn theo .   (còn nữa )