Sunday, May 7, 2017

CÂU CHUYỆN TỪ NHỮNG CHÚ CHÓ (4)

       CÂU CHUYỆN TỪ  NHỮNG CON CHÓ … (tt )
  Bây giờ, hành lang nhà tôi  đêm đêm có hai cô nàng Na - Mum ra vào . Chị bốn tuổi, mang bầu ngay sau  vài tuần chuyển hộ khẩu, còn em  rất bé, đang tập sủa . Ông Đông về thành phố giúp các con  sửa sang nhà cửa suốt  những tháng trước và sau tết. Nhà  vắng một người, nên bóng hai   cún đáng yêu này bỗng là đôi bạn thân  mến .
    Na có nhiều nét giống Lu: lông trắng nâu sát da,  thân săn chắc,  tiếng sủa cũng sắc .Mum lông màu da bò, dáng tròn trĩnh, khỏe mạnh. Hai nàng từ hai nơi đến. Mum “quê” vùng đèo Prenn,còn La là “dân  gốc” Thung Lũng Vàng .

  Hôm tìm đến  phố Cité des Pics, bỗng nhiên tôi đổi ý. Hồ  không còn một dấu  vết gì , ngoài vườn, nhà , nhà lưới . Những con người cũng xa lạ . Từ sau khi  chia tay với ngôi trường của tuổi  học trò, chúng tôi bặt tin nhau. Nghe đâu Vĩnh đã định cư ở một nước vùng Châu Âu. Hẳn nơi có nhiều hồ . Riêng trong tôi vẫn giữ mãi hình ảnh ngôi nhà  trong mơ , ngôi nhà của phố Cité des Pics,có căn gác trông xuống vườn và một thời thiếu nữ tươi đẹp .
   Chủ cũ của Na, cô giáo trong thung lũng Vàng, thỉnh thoảng gọi điện thăm hỏi .  Những điều cô gửi gấm, tôi đã cố nhớ:  bà  đừng cho ai …nó nhé. Nếu thế, bà trả lại cho con . Và : bà  để cho nó đẻ một lứa , rồi … Cô sắp nằm ổ, thai nặng, chân phù , người mệt mỏi .  Con không chăm nó được  bà à. Mẹ con mới ở tận Madagui lên nuôi con vài tháng, chứ ông xã con làm kiểm lâm,đóng tận trạm đầu nguồn Đạ Sa,cả tháng mới về thăm con một lần .Cô âu yếm nhìn Na co mình lim dim  trên xa lông . Ban nãy thấy chúng tôi vào, nó xông ra sủa ầm ĩ, nhưng bây giờ nằm yên cho tôi vỗ nhẹ lên đầu . Ngôi nhà nhỏ, phòng khách, phòng ngủ,nhà bếp, gọn gàng,ngăn nắp, sạch sẽ . Nhưng tôi hơi ngạc nhiên khi thấy kệ sách có  hai ngăn , thì một ngăn đầy những dép giày phụ nữ. Ngăn còn lại, tất cả đều  là tiểu thuyết của nhà văn Chu Lai  . Cô giáo cười ngượng ngịu. Nhà con hơi chật nên phải  gác dép lên cao . Truyện hả bà? Của bố chồng con . Ông cụ là bộ đội, mê truyện của ông Chu Lai lắm. Ông xã con cũng thích .  Con thì , cô gái lại cười, thích xem phim  hơn .  À, vừa rồi có vở kịch của ông Chu Lai nè, bố chồng con khen lắm. Bà  đã được xem chưa? Không biết trên mạng có không ? Vở “ Biệt đội báo đen” phải không ? Con chưa xem, chỉ thấy báo chí đánh giá cao lắm .

  Vở kịch tôi chưa được xem, nhưng như một “ cú hích” để tôi giãi bày nỗi oan về bao vết thương cay  đắng,hận      thù  mà  ông thầy bói nghiệp dư  đã trao lời tiên tri  đúng ba mươi năm trước . Giang đu đủ lại hiểu khác : Chắc ông “Tăng Đông” động viên hả. Tôi  nổi nóng: ông ấy chả biết  “ngày hôm qua   thân ái” của tao méo tròn thế nào cả . Mà việc gì tao phải kể lể ! Tôi   thực sự cám ơn nhà văn  giàu lòng cảm thông Chu Lai .
    Mang Na về, độ một tuần sau có cô học trò cũ  gọi điện “ Cô  đi đón Mum không cô ?” Cô nàng đang học  trên trường đại  học, thỉnh thoảng ghé chơi.  Nga có hai chị Lan và Thủy là “ đệ tử” dạo tôi sang thư viện mấy tháng, làm công việc “ giới thiệu sách” theo quyết định của nữ hiệu trưởng .  Hai đứa bé, lớp tám và bốn, đều học buổi chiều,nên sáng  nào cũng vô thư viện trường  học bài . Nhà chúng nó tận vùng đèo Prenn, nhà trọ thì sát trường, nhưng vì  chủ nhà nhường cho một góc trong bếp để đặt giường,  phòng khách nhà chủ luôn   tiếp đón người lạ, hai bé chỉ còn cách vào đây, nơi cô chị theo học.  
   Mấy bận Nga đến chơi, thấy vắng Lu, rồi lại thấy Na, nó rủ rê: Cô nuôi thêm một con để con Na có bạn, nghe cô. Chó cái hả, thôi, nhà nuôi một con là được. Thì cô đem nó đi triệt sản. Nó không đi lung tung, lại dễ bảo .
     Tôi lại mang tâm lý muốn ngao du sơn thủy nên đồng ý. Nga dắt tôi đi nhờ xe khách của bác tài chủ ngôi nhà nó trọ. Ông đưa một nhóm toàn nữ đi viếng chùa Linh Phước ở Trại Mát, họ từ tận miền Tây lên đây. Hai cô trò chúng tôi ngồi băng ghế sau,rộng rãi . Mười giờ sáng, nắng nhạt, xe chạy qua những rặng thông,bên kia là bầu trời trong xanh, nhưng tôi luôn có cảm giác   đấy là mặt nước hồ .Nga nhắm mắt ngả đầu ra sau ghế, hẳn khung cảnh này  thật quen thuộc với Nga, tuần hai lần  đi về .Không hiểu sao nó lại “ hăng hái” mang chó đi cho đến thế !
     Mọi người trong nhà Nga, bố mẹ, ông bà ngoại, thằng em học lớp 11… vui mừng đón tôi . Tôi cũng đã được  Nga đưa về đây một  vài lần .  Hôm nay nán lại hơi lâu, chờ ông chủ đánh xe qua thì lại quá giang. Tôi đi lang thang ra cổng .

 Lại những khóm thông trước sân, đầu hồi như nhà cũ của Na. Hình như đã lâu tôi mới có dịp ngắm thông gần đến thế .Những lớp vỏ sần sùi  đắp rất mỹ thuật theo hình  thoi, hình  thang như có bàn tay cần mẫn của con người dùng keo dán lên. Vỏ rất dày,  bọc quanh một thân cây thẳng tắp, cao vút như trụ điện, thế là cụ thông này ở đây lâu lắm rồi . Có một nhà văn trong nhóm Tự Lực Văn Đoàn đã nhiều lần đến vùng này, từng thổi sáo cho thông nghe và ngẩn người rất lâu trước những cây   thông đứng lặng yên đợi gió .Một cây thông  giữa trời ,lá như reo trên kia ,  thật hạnh phúc  Ồ, một ngôi biệt thự cũ kỹ,  vắng lặng cuối đường. Hình như không có người ở .
  Hình như  cô bé Lan có lần kể   vùng nó ở có một ngôi nhà ma .Tôi tò mò đến gần. Kiểu nhà của  khu phố Cité des Pics đây mà. Ngôi nhà trong giấc mơ của tôi ! Sân đầy cỏ dại. Một  cây mimosa đứng lẻ loi trong góc sân, thân uốn éo như vũ công , cành lá sum suê dễ khiến người ta liên tưởng đến  hình ảnh người vũ công đang biểu diễn với một chiếc mâm đầy lễ vật trên đầu . Tôi nhớ đến  khóm mimosa được trồng và chăm sóc chu đáo, trong một vuông xi măng đẹp, ở  trước sân thư viện trường tôi. Rất nhiều buổi sáng tôi ngồi trong thư viện nhìn ngắm nó,những chiếc lá cứ ngỡ thiếu nước ,màu xanh xám,cứ co lại. Hoa từng chùm như những hạt cườm vàng đính lên cành, chỉ    đưa tay rũ là rụng  hết. Mùi hoa thơm  dìu dịu . Nhà không có người ở, nhưng cây mimosa vẫn lặng lẽ nở hoa .Gió thổi lành lạnh. Ở  thung lũng Vàng và  thung lũng thác Prenn này,  không gian  thoáng đãng hơn nơi tôi ở . Na và Mum rồi sẽ quen thôi mà .
    

     Nhưng   hai người bạn của tôi không được mọi người quý mến như chàng Lu ,chỉ một tội: cả hai rất mê gặm… giày dép. Tôi mới hiểu vì sao những người chủ cũ cứ muốn… chuyển nhà   cho chúng .  Khu nhà trọ của vợ chồng cậu Bé nườm nượp khách ra vào, các loại dép lê, săng đan,   giày đủ kiểu  đi mưa,đi nắng … đều nằm lăn lóc trên hiên, trước cửa phòng , những lúc khách trọ về đây nghỉ tối . Đó cũng là thời điểm hai chị  không bị xích .
   Một buổi sáng thức dậy, tôi  như hoa mắt khi thấy trước sân có bốn năm chiếc dép,giày, săng đan  trên sân, mỗi góc một chiếc,   đều thay hình đổi dạng . Có một chiếc bata kiểu cách còn rất mới và nguyên vẹn.  Động tác đầu tiên của tôi là nhặt từng chiếc còn nguyên vẹn  dắt lên dãy lưới B40 làm bờ rào,còn chiếc bị hỏng thì … dấu đi . Rồi đi tìm hai chị Na-Mum xích lại. Trong đầu tôi hiện lên hình ảnh cha tôi cầm xác một con gà vừa ra ràng ( mới nở được mấy ngày ) dứ  dứ trước mặt con Mực , sau đó ông trót một roi rất đau lên miệng.    Con  vật kêu lên đau đớn. Từ đó thấy  gà là lảng đi chỗ khác . Không có sẵn roi mây, à thì bẻ một cành dâu tằm sau bụi chuối . Tôi làm y như  ngày nào  cha tôi dạy chó.
    Nhưng hôm  sau, sân vẫn rải rác vài chiếc dép, giày.
     Làm sao bây giờ ? Không thể xích cổ  chúng nó suốt cả ngày đêm,cũng không thể  treo một tấm bảng ngày cổng “ Coi chừng chó tha dép” .Chà, thật mệt  với tụi  bay .  Tôi chưa nghĩ ra cách thì thật bận rộn tiếp những người đi … tìm giày dép . Bà ơi,bà có thấy  chiếc dép tím của con đâu không ? Chiếc săng đan con mới mua …. Có đứa đến ngay cửa bếp, hăm he : Con sẽ chém chết mấy con chó của bà đấy !.
     Tôi nhờ Quang  lên mạng rao. Anh chàng bảo,  hay để con chở lên trả cho cô Dung nhé. Bà mẹ Dung không thích chó, dù là  loại  không… mê dép giày.
     Chỉ có cách là xích nhiều giờ. Ông Đông về thăm nhà, suốt ngày ngồi ngoài hiên canh chừng .Cứ hễ thấy chúng leo lên khu nhà trọ là ông lùa về. Giang bảo,để cho ông ấy có việc làm , không  lo thất nghiệp.!
      Hôm nay tôi tiếp một lúc hai người bạn,  bà Đu Đủ và một cô bạn đồng nghiệp khá thân  thiết từ trường cũ ghé qua . Biết tôi có tới hai  con  cún nên họ chịu khó gói theo những bọc xương gà .Bạn tôi còn năm năm nữa mới nghỉ hưu. Cô nàng đã ly  dị, nuôi con trai  đang học năm cuối cấp ba . Xinh đẹp,thời trang, giỏi giang nhiều thứ, cũng là bạn  tri âm của bà Đu đủ .Họ có rất nhiều cuộc điện thoại gọi đến, có khi phải ra hiên trao đổi hàng giờ. Đấy, lại một cuộc gọi. Cô bạn  nhìn thoáng qua và dập máy. Giang  nhoài người cầm lấy : Ai mà không trả lời trả vốn vậy chị hai xinh ? Rồi sau đó cả hai tủm tỉm cười. Cô bạn  đồng nghiệp nhìn tôi nói như phân trần : Hồi xưa   khác bây giờ rồi, phải không chị. Tôi không hiểu mô tê ất giáp gì cả .  Bà Đu đủ ghé tai tôi thì thào .

    Bạn tôi, cô bạn đồng nghiệp ấy cũng là cái phao khi tôi  trôi ra giữa giòng nước xoáy. Về trường được vài năm, bỗng một hôm tôi quyết định viết mấy  đề nghị về công tác Đoàn Đội và chủ nhiệm gửi lên Ban Giám Hiệu .Người nhận là thầy Hiệu phó, một thầy giáo hiền lành,hát hay , giọng nói dịu dàng, khi tôi  vừa về trường ông đã giúp tôi trong công việc chủ nhiệm rất nhiều.  Dường như linh cảm sẽ có  điều không hay xảy ra,tôi xin thầy  giữ  kín tên người gửi . Nhưng  chỉ loáng vài hôm,tôi đã bị thầy Hiệu trưởng, phụ thân của cô bé Ly “ không mời ăn giỗ” kêu ra gặp và cảnh cáo: Cô ngu  vừa thôi nghe . Tôi không quên ánh mắt long lên giận dữ của thầy. Tôi biết mình đã tự  đưa mình lên đoạn đầu đài. Quả là như thế. Cao điểm là khi nữ hiệu trưởng, người đàn bà thép về nhận công tác, tôi lập tức  có tên trong sổ đen.
  Ở thư viện, có khi tôi được gọi sang bếp đun nước cho thầy cô,có khi đi xếp đề  thi . Tôi vẫn lẳng lặng làm . Thầy Hiệu phó  có một lần  tình cờ gặp tôi khi tôi qua đây làm đề thi,ông nhìn tôi cười khinh bỉ và chế giễu  : Sao,bây giờ còn kiện nữa không ? Và tôi cũng không quên nụ cười ấy.
    Khi bạn tôi về nhận công tác, bỗng nhiên hai con người này khá thân thiết với nhau. Công việc của tôi luôn bộn bề như mọi người, nhưng  luôn được “ chiếu cố” vì … độc thân vui tính . Có những khi muốn có người hỗ trợ,chỉ biết cách cầu cứu cô này . Coi kiểm tra tiết năm ư ? ( trường tôi luôn tổ chức cho học sinh  kiểm tra tập trung các môn cơ bản,chính ban, nên chọn tiết cuối  vào thứ năm hàng tháng ). Muốn nghỉ để nấu cơm cho mẹ,chỉ  biết cầu cứu cô bạn .Muốn chỉnh thời khóa biểu ư? Theo nguyên tắc thì phải làm đơn  gửi Ban Giám Hiệu. Tôi đi  vào văn  phòng Hiệu  Trưởng. Ông lạnh lung tiếp tôi,đọc nhanh lá đơn . Rồi ông vội vã đứng dậy bước ra ngoài, sau khi buông một câu ngắn: Việc này  thuộc Hiệu phó. Thực ra tôi cũng không muốn viết đơn . Mẹ tôi ngày ấy đã lẫn .Có hôm cụ đổ gạo vào nồi   cơm, nhưng không phải ruột nồi,mà là cái vỏ. Giờ chơi, sao  ruột gan tôi nóng như lửả .Ba chân bốn cẳng về nhà . May mà nồi chưa bị hỏng nhiều.  Chị Nhụy bảo :  Cha nhắc mi về đó ! Tôi  xin được về sau giờ ra chơi, như thế không có quyền nghỉ hai ngày trọn vẹn trong tuần. Cái đơn đầy đủ lý do lý trấu  này bẹp dí trong cặp. Cô bạn biết được,bảo :  Chị đưa đây cho em. Tuần sau đó, cứ mỗi khi học trò  ra chơi,thì tôi cũng “ hết tiết” .
   Năm cuối, có một việc cô bạn không thể giúp tôi được nữa. Một giáo viên trẻ về trường, tôi nhận bàn giao. Cô  giáo mới dạy lớp 12, lớp có học sinh đi    thi,  sẽ có nhiều tiết dạy phụ đạo, thù lao rất khá. Tôi xuống lớp 10 . Cô bạn an ủi,  thôi  thế cũng khỏe chị ạ .Thầy Hiệu phó gặp tôi, bảo : Do phụ huynh đề nghị . Tôi biết  họ sẽ nói thế. Phụ huynh là tất cả .

     Cô bạn lại vội vã phóng xe đi. Bà Đu Đủ cũng chuẩn bị ra về. Đột nhiên khi ra đứng trước hiên, nhìn  Na – Mum đang bị xích nằm co quắp ở góc thềm , bà ta bảo : Nè, nói đừng giận nghe.Kiếm ai cho  tụi hắn đi. Xích thấy tội quá .Nếu chưa biết cho ai thì tao tìm giùm .
      Lúc tôi kỳ cạch gõ những giòng chữ này, Na đã về  rẫy cà phê, đang ở cữ. Nó sinh năm baby,xinh xắn lắm. Đám bạn Cầu Đất của chàng cháu rể hoan hỉ : anh ấy đãi  tụi con mỗi đứa “ nhiên thân” mười  chai .! Còn Mum thì cũng ở gần chỗ tôi. Chủ mới lại khen :  Con kiếm đầu bò trên tiệm phở cho nó gặm . Nó ngoan và khôn lắm.
   Hồ  Vạn Kiếp không còn.  Những bụi cỏ me chua chua cũng không có cơ hội đi nhổ lại và nhai cùng  Vĩnh. Tôi cũng sẽ khép lại những chuỗi ngày gõ đầu  bọn trẻ cấp ba  không vui nhưng dù sao,tôi không ân hận vì  lời hứa của tôi ngày nào với một người,  thì tôi đã cố gắng hoàn thành .

  Trong gương, bầu trời ánh lên sắc bạc . Còn bầu trời ngoài cửa sổ thì xám ngoét như chì. Đó là những ngày đã qua. Nhưng bây giờ thì tôi thấy bầu trời ngoài cửa sổ ánh lên sắc bạc .
                                                            NGUYỄN THỊ XUÂN
                                                                    Dalat .

Thursday, May 4, 2017

CÂU CHUYỆN TỪ NHỮNG CON CHÓ- P3 ( tt )

               CÂU CHUYỆN TỪ NHỮNG CON CHÓ…(tt)
 “ Hoàn  cảnh tác động  nhiều đến con người, nhưng ngược lại, con người cũng có thể cải tạo hoàn cảnh” . Tôi không nhớ ai đã nói câu này, còn theo Giang đu đủ, chính là Các  Mác. Câu nói đó rất hợp với cuộc sống  cô bạn nhỏ của  tôi .
  Khung cảnh “ khu phố Ngọn cây” ngày ấy đìu hiu vắng vẻ vô  cùng .   Chị Thủy bảo nơi này có tất cả 52 ngôi biệt thự, nhưng bây giờ, sau gần ba chục năm, ngoài những khu biệt riêng cho  việc lập dựng trường, vài căn có người ở, còn lại đều bị bỏ hoang . Nhà văn Lại Văn Long cũng đã đến sống ở đây lúc năm tuổi , trong một ngôi biệt thự trông ra hồ. Cảm nhận đầu tiên của ông về hồ nước mênh mông, lặng lẽ giữa thung lũng hoang vắng này là nỗi sợ hãi . Ông kể nhiều buổi cùng người chị   mười một tuổi, độ tuổi chúng tôi ngày ấy, ra đồi thông  ven  hồ để lượm củi . Không một bóng người . Hai  đứa bé đi dọc theo khu nhà hoang bốc mùi ẩm mốc, lạnh lẽo,, dùng than vẽ bậy bạ lên  vách, hay đi săn những con ốc sên bám trên các móng nhà xây bằng đá phủ rêu xanh, ghè   vào nhau, con nào bể vỏ thì thua  . Chán  làm họa sĩ và đá ốc sên, thì  đi hái  những đóa hoa ngũ sắc mọc um tùm quanh nhà,ven hồ,  ra sức hút chất nước ngòn ngọt trong từng cuống hoa, hay  bứt những đóa bồ công anh thổi tung  những sợi tơ  trắng lên trời ,  rồi nhổ những bụi cỏ me hé  bông vàng thắm, có rễ  hình củ cải nhỏ xíu bằng nửa cây bút chì , rửa dưới nước hồ Vạn Kiếp và  chia  cho đứa em, cả hai  vừa nhai vừa nhăn mặt vì vị chua chua của nó . Hồ rộng ba héc ta, mênh mông, giá buốt , quạnh quẽ, những ngày mùa mưa càng buồn vắng và lạnh lẽo hơn bao giờ .
  Tôi đã đến  ngôi biệt thự Vĩnh trọ học trong một ngày vào hè,  trời Dalat mưa dầm dề . Bầu trời xám xịt, những đám mây đen nặng triũ nước, như chờ “ có ai thọc gậy là ào ào chảy xuống”. Mặt hồ như càng rộng hơn, nước cuồn cuộn sóng ,có khi vật vã như có thủy quái đang sống trong hồ . Vĩnh  đưa tôi ra ban công, vừa ăn bắp rang, vừa giải những bài tập Toán khó, ngắm nhìn những luống rau muống cạn mà bố con nó đã bỏ nhiều ngày công vỡ luống, gieo hạt Chỉ mới gieo khi trời vào đầu hè, mà bây giờ cọng nào cọng nấy căng tròn , mỡ màng.Mùa mưa rất hợp với loại rau này Vĩnh hứa tạnh mưa sẽ xuống cắt cho tôi một bó to mang về  xào  tỏi  . Trong nhà, bố Vĩnh đang tiếp khách . Ông có dáng người vạm vỡ, khuôn mặt hồng hào,. khỏe mạnh  , hai hàng ria mép vểnh lên, rất hợp với chiếc mũ rộng vành, bẻ ngược lên của những kỵ mã ,giọng nói ồm ồm, hay bông đùa. Một con người  thân thiện . Ông kể ông đã từng đi lính cho Pháp, giống như ông Cửu Miên,  người chú ruột  giàu có của cha tôi .Có lẽ vì thế mà tôi không lấy làm ngạc nhiên khi ông quen biết anh   Chút ,  chàng thư sinh đang trọ nhà  ở nhà ông Cửu . Khách cũng chính là nhân vật này . Họ trao đổi với nhau về môn vẽ mà Vĩnh đang  mong mỏi được học thêm , bởi nó đang nuôi ước mơ trở thành một kiến trúc sư . Không biết từ đâu mà  họ có một bức ảnh chụp những họa sĩ trẻ nổi tiếng  ngày ấy, Đinh Cường, Trịnh Cung , và   cả những nhân vật  được nhiều người biết đến , yêu mến, ca sĩ Khánh Ly và nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Cô giáo dạy  môn Mỹ thuật ở ngôi trường anh  Chút đang học cũng có mặt trong bức hình này.Cô được đứng giữa , nhân vật quan trọng .




Có lúc tôi thấy họ trầm ngâm trước một bức ảnh mà theo tôi không có gì đặc biệt. Hình như ở phi trường . Nhiều người đàn ông trang phục lịch sự đang vây quanh một người bận com -lê,đội mũ đen,tay ôm cặp ,có vẻ là một chính khách . Những người trong  ảnh và hai người già trẻ này có mối liên quan gì với nhau ? Tôi hơi tò mò, nhưng đó là “ chuyện của người lớn” .


Hè 2014, khi ra Quảng Ngãi thắp nhang cho anh Chút ở nhà mẹ đẻ , tôi  lại thấy bức ảnh này được phóng to hơn, lồng trong khung kính mới nguyên, treo trang trọng trên ban thờ gia tiên, ngang hàng với ảnh của những người thân yêu  trong gia đình .Câu hỏi năm xưa, nay tôi mới tìm được đáp án . Năm ấy, tình cờ tôi đọc được nhiều trang tả cảnh Dalat của người đội nón,ôm cặp   trong ảnh ấy , vị đại tướng tài ba ,từ cuốn sách   Những chặng đường  lịch sử  .

          Xuống sân bay, thấy thời tiết khác hẳn. Khi chúng tôi ở Pắc Xế, trời nóng bức. Không khí ở đây thì mát lạnh như một ngày cuối thu. Đà Lạt là một nơi nghỉ mát, một thành phố du lịch dành cho người Pháp và những người Việt Nam thuộc giới gọi là “thượng lưu”. Khắp nơi đều thấy những biệt thự lớn, nhỏ, những khách sạn, những con đường để dạo chơi ngắm cảnh. Chung quanh thành phố là những đồi thông nối tiếp. Một thành phố xinh đẹp. Đoàn ta ở khách sạn Lang Biang. Khách sạn này trông ra một cái hồ yên tĩnh, có những hàng cây bao quanh. Bên kia hồ là núi.
Ngày 18 tháng Tư(1946), hồi 9 giờ sáng,
. Một người Pháp  rủ tôi chủ nhật tới sẽ cùng đi trèo núi. Buổi chiều, tôi đi dạo một lát trên bờ suối Cam Ly
… Đường đi ngập lá thông. Bên bờ suối, nhiều hoa sim dại. Thành phố yên tĩnh, không khí trong lành, quang cảnh lại đẹp. Đà Lạt thật là một thắng cảnh của đất nước ta. Chỉ muốn đi mãi trên con đường có gió mát và tiếng thông reo
Đêm hôm đó, sau buổi hội ý trong đoàn, tôi thức khuya. Nhìn ra cửa sổ trời tối đen. Không còn nhận ra đâu là hồ, đâu là núi. Những quả đồi thông xinh đẹp, những cánh rừng hoang vu của cao nguyên Lang Biang chìm trong bóng đêm. Cuộc chiến đấu của đồng bào ta, của các chiến sĩ du kích trong những mỏm núi cao, những khu rừng rậm nơi xa kia đang tiếp tục và sẽ còn phải tiếp tục
 Cứ muốn đi mãi trên con đường có gió mát và tiếng thông reo..
.Anh Chút rất thân thiết với họ . Năm bọn tôi vào lớp sáu thì anh  thi đậu vào lớp đệ tam ( lớp 10 ) trường công lập Trần Hưng Đạo,  sau bốn năm chăm chỉ ở trường tư thục Bồ Đề, ngôi trường có những người thầy dạy hè rất tuyệt vời của tôi . Anh học buổi sáng, nhiều bữa ghé  ăn cơm  trưa  với Vĩnh, có hôm nó phải lên trường sớm lại cất phần cho anh trong   gạc-măng –giê rất chu đáo . Đôi khi , Vĩnh kể , bố nó phóng xe từ Lạc Dương xuống , chở anh đi đâu , không ai biết, có khi đi suốt đêm . Những tối như vậy, Vĩnh chỉ biết cuộn chăn ngủ kỹ .
 Tôi thường qua nhà  Vĩnh chơi  vì bỗng dưng tôi rất thích nơi này, nhất là từ khi đọc trong tạp  chí Văn (  báo văn nghệ ngày ấy, mỗi tháng có hai số ) truyện ngắn  Trăng soi đáy nước  của nhà văn người Nhật từng được giải Nobel là Kawabata . Người vợ trẻ xinh đẹp đón người chồng mang  bệnh phổi nặng về đây an dưỡng, một miền quê vùng núi của đất nước phù tang . Ngôi nhà họ trọ cũng có căn gác trông xuống sân, nơi có mảnh vườn nho nhỏ của người vợ , mảnh vườn rực sáng ánh nắng chiều và những luống rau mướt xanh như ngọc.  Cô giúp chồng ngắm cảnh vật thật thơ mộng xung quanh bằng  chiếc gương soi nhỏ  mà cô dùng để  có thể nhận  xem búi tóc bối sao gáy thế nào Trong gương, anh còn được ngắm cả bầu trời cùng những áng mây hồng đang thong thả trôi xuôi trên những đỉnh núi xa xa,
, cả cảnh tuyết rơi, và cả những rặng núi xa xa cùng dải rừng thưa gần đó. Được nhìn thấy cả vầng trăng, những đóa hoa hồng và những đàn chim di trú qua ngang trời. Trong gương còn phản chiếu cả khách bộ hành đi lại trên đường cùng bầy trẻ nô đùa trước sân. 
Người  chồng thậm chí còn nhìn thấy cả việc Kyoko, người vợ  lần bắt từng con sâu hại lá cho mỗi cọng rau , được dịp ngắm vợ cuốc lật đất vườn



Trong gương, anh thấy rõ cả lũ giun, lúc  người  vợ  cuốc lật đất lên , thích thú được ngắm nàng diện chiếc quần rộng ống màu xanh lơ điểm lấm tấm những nốt tròn trắng muốt ấy, để cuốc đất dưới vườn. Điều kỳ  diệu là Trong gương, bầu trời ánh lên sắc bạc , còn bầu trời ngoài cửa sổ thì xám ngoét như chì . Sắc cây in bóng trong gương cũng xanh tươi hơn, so với màu thực có. 
 Với người vợ,   việc chăm sóc mảnh vườn còn gieo vào lòng nàng những niềm hi vọng trong trẻo khả năng chồng nàng sẽ bình phục. Đó cũng là một cách kín đáo đế lộ tình yêu của nàng đối với người chồng phận hẩm. . Tôi bỗng ấp ủ một ước mơ nho nhỏ: rồi có ngày mình cũng sẽ  được sống trong ngôi nhà có tầng gác nhìn xuống vườn ra , trông ra hồ nước . Mình sẽ … Tôi bỗng đỏ mặt xấu hổ
Vĩnh thì tò mò tìm đọc  tập tiểu thuyết Vòng tay học trò của nhà văn nữ Nguyễn Thị Hòang, bởi có lần anh Chút kể có một cô giáo dạy  trung học đệ nhất cấp  ( cấp trung học cơ sở ) từng sống trong khu biệt thự cổ này, yêu một người học sinh có trường trong  khu này, một chàng trai tuổi mười bảy . Có lần tôi cũng lật ra, đọc ngay đoạn cô giáo đi cuốc đất trồng rau trước sân nhà


  Năm tháng cứ trôi qua. Một ngày  cuối tháng mười , Vĩnh lấy xe solex mới được bố  mẹ sắm cho chở tôi về nhà nó ngay sau buổi học. Ngày mai  mồng 1 tháng 11 là quốc khánh, chúng tôi đều được nghỉ học . Hồi ấy, hai con bé lớp  sáu năm nào nay đã leo lên đến lớp 10. Vĩnh không “ ú nần” như xưa mà cao hơn, thanh mảnh hơn. Nó có đôi mắt đen rất đẹp, chân mày đen gọn gang như cầm bút vẽ, đôi môi đỏ chúm chím .Nó rất giỏi Toán nên theo ban B, tôi qua C vì có thể học được một số môn xã hội, nhưng chúng tôi vẫn gắn bó với nhau “ như sam” ( lời chị Nhụy ). Hai cô nàng vừa mở  xong khóa cửa thì ông anh  Chút ở đâu trờ tới. Bấy giờ anh đang học năm  thứ ba trên viện đại học .Anh kêu lên sung sướng, ôi hên quá, đang đói bụng muốn chết thì chủ nhà về .  Ba anh em xúm lại làm cơm, nhưng cuối cùng tôi thấy cả hai cứ lóng ngóng đứng ngoài để ông anh sai vặt. Đầu tiên,anh xộc vào bếp ( nằm sau  khu nhà, ở tầng trệt )  nhóm củi, rồi đặt lên bếp một ấm nước .  Cách anh nhúm  lửa còn  thiện nghệ hơn dân hướng đạo chúng tôi. Anh chẻ củi thật nhỏ, xếp đều lên bếp, rồi dùng  một mẫu rễ thông chấm lửa khẽ khàng  đặt  xuống dưới. Đầu bếp sau đó chổng mổng thổi phù mấy cái, thế là ngọn lửa to cháy bùng lên. Anh vội vã xếp  những thanh củi dẻ lên, không quên nhét mấy miếng vỏ củi để có than ủ cơm. Trong khi đó, hai thiếu nữ được phân công nhặt hành . Đó là những cây hành đực , nhổ  từ vườn nhà   Vĩnh . Hành cái sẽ lớn,  biến thành những củ hành tây đỏ hoặc trắng, còn những cây không thể phát triển, thân cứ ốm nhom,cần nhổ đi để lấy chỗ cho cây cái đẻ củ .Một đống hành , rễ đầy những đất đỏ, quện  rất chặt , rồi lá vàng rối rắm  . Vĩnh  bảo , lặt in ít thôi cũng  được. Tao có nhiều đồ ăn lắm, cá thu kho thịt mỡ đủ ba mạng ba lát , rồi mẹ tao cho chả lụa ăn chưa hết, để lâu sợ thiu .
   Nước đã sôi, anh đầu bếp đổ vào soong gạo đã vo sạch, quay sang nhìn các cô nàng  cứ  nhón nhén tước từng cọng hành, thì sốt ruột.Ôi trời, chắc đến tết mới có rau mà luộc.  Anh kêu to rồi  đẩy  hai đứa ra, thoăn thoắt   xếp tách bạch  những phần  rể  ngọn về hai phía . Chỉ nháy mắt, trong tay  anh  đã có một bó hành to , gọn gàng. Anh đem  hành ra phía  chum nước mưa ngoài hiên , múc vào một chậu đầy , nhúng  phần rễ bó hành vào trong  chậu,xổ mạnh .   Đất bùn   dính  chặt từ rễ trôi ra trong  chậu nước . Ồ,  đống hành  đủ màu sắc bây giờ chỉ còn hai màu rắng muốt của rễ và màu xanh của lá .  Chưa hết, anh lại thổ mạnh bó hành xuống đất,  hai đứa tôi chưa hiểu động tác tiếp theo sẽ là gì,thì anh ngồi xổm xuống, tay đè bó hành to,tay kia dùng dao xén ngọt  đám rễ . Tôi thấy anh cố tình xén sâu vào thân cọng hành,nên mỗi  nhúm rễ mang theo một phần thân củ bằng móng tay.Cả hai cô nàng cùng xuýt xoa, uổng quá, uổng quá. Anh chẳng nói gì, nhặt lấy một cọng đưa lên như ra lệnh .Bây giờ tụi bay tước cho sạch  lá vàng nhe. Tao cắt hết rễ rồi, tước mau mà dễ . Cứ ngồi đếm từng cọng biết đến khi nào có cơm mà ăn. Tôi nhe răng,đến tết,  bị cú một cái  đau điếng .Vĩnh cũng bị cú đau khi nó cứ xuýt xoa , chỗ củ này mới ngọt mà phang cha  cái  đầu con người ta . Anh tính toán với nó,nè , dồn lại thành một cây hành chứ  mấy,đúng không ? Mai tao đền, chịu chưa .  Thấy hai phụ bếp xuôi xị, anh dịu giọng, cuộc sống có khi phải hy sinh phần tốt nhất để cứu  được nhiều phần tốt khác. Có khi hy sinh một người mà cứu được nhiều người, thì vẫn tốt hơn, phải không ? Vĩnh nháy mắt với tôi như muốn nói,đó,lại giảng đạo đức rồi !
 Cơm trưa dọn ra , tươm tất .Ba anh em tranh nhau cọng hành,miếng cá . Lần đầu tiên tôi  được ngồi bệt dưới sàn , gắp chung một đĩa thức ăn với mọi người. Ở nhà tôi, ai có phần nấy . Mỗi người có tô canh, dĩa cá riêng,vì ăn xong  bát đũa của ai người nấy rửa,  các chị  có thể kéo dài thời gian nghỉ trưa,nghỉ tối.  Mâm cơm nhà tôi cũng đôi khi có cá thu, mỗi người chỉ được một phần tư  lát cá to. Cá phơi khô, có ướp muối nên vừa cứng,vừa mặn, nhưng đó là của để dành. Vào  mỗi vụ cá thu, các anh tôi nhờ người mua  cả giỏ cần xé, gửi  xe đò mang lên nhà. Ai cũng nhâm nhi nhón nhén, nếu thiếu thì luôn  có sẵn những lọ nước mắm ớt tỏi đã giã sẵn, hay tương  bần “ đặc sản xứ Nghệ” mẹ tôi làm rất ngon, kho với sả chiên thơm ,có  những mẫu “ tiêu táng đường” bỏ vào, sang trọng thì cho thêm ít xác mỡ heo ,ăn ngòn ngọt ,mằn mặn, hay  muối sả là món “ gia truyền” gồm bốn thứ ruốc, thịt nạc xay,  sả , muối, tất cả rang khô, trộn lại  với nhau,  nhưng nếu tham lam thì  cả ngày chỉ làm được một việc là đi… kiếm nước uống. Hai món này rất đưa cơm.
 Nhưng không thú vị bằng bữa cơm hôm nay.Lần   đầu tiên tôi được thưởng thức hương vị trọn vẹn của thức ăn khi được “ ăn vả” cả miếng cá  to và một khoang chả lụa .  Anh Chút chia đều miếng  cơm cháy vàng rụm .  Thoạt đầu tôi cứ lo lo, cái kiểu  nấu cơm của  ông anh này  rồi ra sao đây  . Cơm sôi độ mười phút, anh bèn đậy nắp,vùi vào đống chăn mềm to sụ của chủ nhà ,bao nhiêu gối cũng mang ra đậy điệm. Bếp lò( chỉ có một cái duy nhất ) bây giờ có nhiệm vụ luộc hành . Đã có sẵn nước  sôi đun ban đầu,cất vào bình thủy, nên hành rất mau chín. Nồi cơm được bê ra, đặt lên lò,  sau khi củi bị dẹp đi,nhường chỗ cho mớ than đượm.  Tôi thở phào.
  Trong lúc ăn,ông anh căn dặn từng đứa,như thể anh sắp đi đâu xa . Với Vĩnh, mày  bớt nhõng nhẽo với bố mày đi,cũng đừng ăn hiếp mẹ mày. Kiếm được đồng tiền cho mày ăn học, bố mẹ mày trầy vi tróc vảy ra đó.  Vĩnh  ngồi nghiêm trang lắng nghe , nhưng sau đó nó bảo tôi,làm như bố mẹ tao là … cá vượt  thác  Đăn Kia ! Còn tôi thì , mi cũng bớt cằn nhằn bà Nhụy. Bà ấy ngó  vậy chứ khổ lắm đó.  Vĩnh mở to mắt, nhưng em thấy chị có chịu thua ai đâu ! Ừ,thì chính vì khổ tâm nên mới như vậy .Kẻ hung hãn là vỏ bọc của  một tâm hồn yếu đuối
 Đó là bữa cơm cuối cùng của anh với chúng tôi  .
 (còn nữa )




Wednesday, May 3, 2017

CÂU CHUYỆN TỪ NHỮNG CON CHÓ ( 2)


  CÂU CHUYỆN TỪ NHỮNG CON CHÓ ... (  tiếp theo )


   Quang, chàng  trai có máu nghĩa hiệp  đưa tôi đi “ coi mắt chó” cho xe  chạy từ từ, bởi vì đầu  luôn quay ra sau để hỏi tôi mấy 
câu :
-          Cô, có  hai người  rao, ở bên Vạn Kiếp với tận  thung lũng Vàng. Cô thích đi “lộ” ( chỗ )mô trước?
Anh chàng khai gia đình đang sống ở trên Gia Lai, nhưng gốc gác tận Huế . Không biết rời quê bao  lâu, mà còn mang nguyên âm hưởng của đất thần kinh ? Nhưng tôi rất  có thiện cảm với anh em  họ .
-           Hả? À, đi Vạn Kiếp   trước đi. Gần đây mà .
Vạn Kiếp có nhà bà ngoại chị Thủy ở đó, bây giờ mẹ chị về đây sống với bà. Mới tuần  trước chị Thủy rủ tôi qua thăm  hai bà, nhưng tôi từ chối . Người con trai đầu của chị, kỹ sư nhà máy điện Đa Nhim mới tậu được ô tô, đưa cả bố con anh Nhu từ Nha Trang lên. Tôi không thích cô con gái có ánh mắt và ngôn ngữ lúc nào cũng  đậm tính “ phân biệt chủng tộc” của anh Nhu  . Lòng hơi tiêng tiếc, nhưng lại tự an ủi: rồi sẽ có dịp đi.
 Dịp đó là  hôm nay.  
  Suốt bảy năm học phổ thông , tôi có một người bạn gái rất thân . Bước vào lớp đệ thất ( lớp 6)  cô giáo xếp  tôi  ngồi gần nó, không ngờ ra về , suốt quãng đường từ  trường về đến khu nhà tôi, tôi luôn thấy dáng một con bé mập tròn , hai cẳng chân ngắn chủn nhưng bước đi rất nhanh, tôi đi sau mà như muốn chạy theo mới kịp . Đến lúc tôi mệt quá, vì lần đầu tiên trong đời phải mang  theo nón áo lỉnh kỉnh, tôi chưa quen , bỗng tôi thấy con bé kia đi chậm lại, như muốn chờ tôi .Ôi, cái   đứa ngồi cùng bàn với mình !.Hình như tên nó là Vĩnh .Nó cũng nhớ tên tôi. Nhà nó ở khu Vạn Kiếp này, chỉ ở nhờ nhà ông chú  để đi học  cho gần ,chứ  nhà chính tận  Đa Phú, miệt sát Lạc Dương .Tôi chỉ nhà tôi cho nó . Thế là chiều hôm sau nó đến rất sớm, khi cả nhà tôi đang ăn cơm trưa .Còn hơn một tiếng nữa mới đến giờ vô lớp mà. Thấy  tôi có vẻ trách   , nó bảo, tại tao ở nhà một mình buồn, sang mày chơi rồi lên trường giờ nào cũng được.Tôi bèn dắt nó vô … buồng ngủ ( vì  sợ dẫn nó lên phòng khách vắng tanh tận nhà trên, nó  ngại  ), tìm  cho nó một cuốn truyện . Rồi tôi tiếp tục ra bếp ăn uống, rửa ráy sạch sẽ . Lúc tôi  chui vô buồng tìm áo dài để mặc, tôi chợt thấy mùng  buông kín,cô bạn bé con đắp chăn tận cổ,  ngủ khì , còn cuốn sách được đặt ngay ngắn trên mặt rương!.
 Chủ nhật hôm ấy, để “ đáp lễ”,tôi sang nhà nó.Và tinh mơ đã thấy cô bạn thật dễ thương  sang đón. Vĩnh   kể  bố nó chở đến tận  đầu đình, trên dốc  nhà tôi . Ông muốn   đón tôi    đi cùng nhưng Vĩnh muốn đi bộ cùng tôi,chỉ vì tôi  đã khoe với nó một con đường đi tắt qua khu nhà nó. Thực ra ,tôi không hề biết con    đường “không tên” này ,  chỉ  thấy sáng chiều  đám thanh  thiếu niên lộc  ngộc từ tận  ngoài phố băng qua vườn nhà tôi,rồi lên  ngọn đồi nằm sau ngôi trường Trung Bắc, thuở tôi học cấp 1 ,và biến mất . Anh Chút nhà tôi  cũng hòa trong đoàn quân áo len xanh nước biển đậm này .Anh bảo có một lối đi từ trường  trung học Trần Hưng Đạo  về nhà mình , đó là băng qua bờ hồ Vạn Kiếp, rồi lên một con dốc “cằm đụng ngực”, thì sẽ gặp một con đường mòn nối xóm đạo nơi này với nhà thờ ở trên đỉnh đồi .
 Thế là chỉ trong một loáng, tôi nghe tiếng  Vĩnh kêu lên sung sướng “ Ôi,tới hồ rồi kìa. Nhà tao bên kia hồ” .

 Tôi mở to mắt  ngỡ ngàng, tưởng như lạc vào một khu cổ tích .  Một thung lũng rộng trải dài hút tầm mắt là một làn nước phả hơi sương  buốt lạnh. Rừng thông xanh cao vút . Những ngôi biệt thự quét vôi đỏ  nằm ngăn nắp bên hồ , im lìm say ngủ trong bình minh .



Chị Thủy từng kể với tôi rất nhiều chuyện về nơi này. Đây là khu dinh thự người Pháp xây từ năm 1942, dành cho những gia đình người dân họ có thu nhập thấp, đông con .  Đến khoảng năm 1957, lúc tôi vừa chào đời, thì người ta dành phần lớn để lập ra trường có hai cấp trung học, mang tên Bảo Long , con trai cựu hoàng Bảo Đại,rồi  đổi thành Trần Hưng Đạo . Những ngôi biệt thự còn lại làm khu  cư xá cho giảng  viên   Viện Đại học Dalat. Chị bảo  suốt thời gian   vất vả từ cây số 9( cách trung tâm thành phố chín cây số, như vậy chị phải đi về mỗi  ngày gần mười hai cây ) xuống trường Bùi Thị Xuân học, chị luôn ao ước phải chi có lớp cho con gái ở trường Trần Hưng Đạo thì thật  sung sướng biết bao,vì ngoại chị có một căn nhà nhỏ  bên hồ ,chỉ đi dăm phút là  đến trường .
. Khu Cite Deoux, gọi tắt là khu Decoux, tên một quan chức Pháp , còn thông thường,   Vĩnh vẫn bảo : tao ở khu hố tùng. Hẳn xưa nơi này có nhiều tùng lắm . Trường  Trần Hưng Đạo nay là Đại học Yersin,  con đường qua trường mang tên một vị bác sĩ lừng danh của Việt Nam : bác sĩ Tôn Thất Tùng .

Tấm bản đồ này  ra đời  có lẽ vào thời điểm 1942, khi hai ấp Hà Đông và Nghệ Tĩnh được gọi bằng một tên chung , khu Trung Bắc, thì  nơi Vĩnh ở bấy giờ còn có một tên khác : cite de pics ( phố Ngọn núi )còn hồ Vạn Kiếp được gọi là Lac de Da Thanh ( hồ Đa thành ) dù ấp Đa  Thành nằm tận bên kia con đường Nguyễn Hoàng , nay là Xô Viết Nghệ Tĩnh 

Dalat ngày  ấy  xanh ngát rừng thông. Vườn  cha tôi thuê trên khu Đa Phú cũng biếc xanh dịu mắt . Nhưng xóm tôi ở, cây cối thưa dần, dành chỗ cho nhà,  cửa, vườn rau. Nhà tôi lại luôn luôn đông người,  nên  cả ngày chủ nhật ấy bên nhà Vĩnh,tôi thấy thích thú vô cùng .



Dalat ngày  ấy  xanh ngát rừng thông. Vườn  cha tôi thuê trên khu Đa Phú cũng biếc xanh dịu mắt .. Nh
Một ngôi biệt thự  , dù đã xuống cấp, nhưng vẫn đẹp. Hai tầng,có ban công nhìn ra hồ, không gian  im ắng đến độ có lẽ chỉ thở cũng nghe tiếng vọng sang tận bên kia đồi.  Chủ nhà là hai vợ chồng trẻ đi tu nghiệp bên Nhật, giành cho bố con  Vĩnh  toàn  bộ  căn gác rộng . Bố   mẹ Vĩnh  cũng là nông dân như cha mẹ tôi,  ông bố cũng  đang là trưởng ấp trên ấy,như cha tôi,chỉ  khác mấy điều, ông biết đi xe gắn máy, có ba  vợ và nấu ăn rất ngon. Vĩnh kể hai  mẹ lớn là chị em  ruột, có tất cả sáu người con, đa số đã có gia đình riêng, đi học,làm công chức , nên   việc vườn tược mẹ  Vĩnh,  trước kia là chị làm công trong nhà,  đảm trách . Mẹ chỉ sinh mình nó,rồi mổ nên nó trở thành con cưng . Bố rất  chiều chuộng nó .Nó đòi ở   trọ để tự đi học , không muốn bắt ông bố luống tuổi phải ngày ngày chở cổ con gái trên những quãng đường rất xa ,nên ông dành mượn nơi này.Mỗi chủ nhật nó sẽ về , mang theo  đồ ăn mẹ  đã chế biến. Mà lo gì,  Vĩnh bảo, sáng sáng bố tao phóng xe lên số 9 đi làm,tối về  đây với tao , mẹ cho gì thì ông mang  theo luôn. Ừ, thế cũng thích, tự dưng tôi cũng muốn “ một  mình một cõi” như nó. Nhưng tôi   thấy lo lo . Mày có… sợ ma không, nhà gần hồ. Vĩnh cười, ơ làm gì có ma, tao không tin, không sợ.  Đúng là nó không sợ ma . Có nhiều hôm  nó phải ngủ trong nhà một mình, vì ông bố bận công việc không xuống được. Dạo hai đứa chúng tôi cùng đi Hướng Đạo và được tuyên hứa, tôi thực sự tin  Vĩnh rất gan lỳ. Hôm đó,  cả lũ con gái tuổi mười ba tập trung ngủ lại trong Đạo Quán, ngôi nhà nhỏ chơ vơ ven hồ. Không ai dám hỏi lý do,chỉ biết rằng có một thử thách sẽ đến .   Trưởng Đoàn buộc chúng tôi mặc ấm, chân trong giày vớ  gọn gang, chờ lệnh là ..xung phong . Rồi chúng tôi say ngủ. Nửa khuya, bỗng tôi thấy  có một bàn tay  đánh thức.  Trong lúc nửa mơ nửa tỉnh ,tôi nghe lệnh phải ra sân,đi thẳng lên   Đồi Cù. Mặt  đồi sáng nhờ nhờ dưới ánh trăng hạ tuần, bỗng tôi thấy xuất hiện  ba bốn bóng trắng , không chân, không đầu,  múa  may  quay cuồng trước mặt.  Tôi nghe tim đập rất to, cổ họng như nghẹn cứng, hai chân muốn khụy xuống . Sau lưng vẫn có tiếng  thúc  giục phải đi tiếp, tôi  chống cây gậy Hướng Đạo thật thẳng, rồi  bám  vào cây, hít một hơi thật sâu, lấy  bĩnh tĩnh.Mồ hôi nhớt trong lưng túa ra khiến tôi có cảm giác muốn xỉu,  nên ôm gậy thở tiếp mấy nhịp  Chợt như dưới đất trồi lên một  bóng người đen thui,tròn quay, ngay bên cạnh tôi .Bóng đen ấy đưa tay đỡ cây gậy để tôi bám lấy mà thở . Sau đó,có tiếng chân nặng nề bước đi . Đám con ma không đầu, không chân   cứ lien tục nhảy múa, rên rỉ ,kêu gào trước mặt. Tôi đã tỉnh ngủ, biết rằng mình đang   gặp ma, nhưng tin chắc cái bóng đen tròn quay vẫn   gần đâu  đó, cũng  đang bị ma nhát như tôi.  Tôi  bước theo gậy, cứ thế mà phăm phăm lên đồi . Kỳ lạ, lũ ma nhường đường cho tôi. Chợt có một con  xông đến,túm lấy tôi,con  khác bịt mắt tôi  bằng một chiếc khăn mỏng. Có hiệu lệnh  bằng morse   buộc chúng tôi quay xuống .Bây giờ lại nương vào gậy, bước thấp  bước cao . Một con ma có lẽ thấy tội nghiệp, đến mở khăn  cho tôi .    Một chị trong ban tổ chức .  Bây  giờ tôi thấy hai chân mỏi nhừ  . Bóng đen tròn quay  cũng như từ dưới đất lên. Chìa ra một đầu gậy,  rồi bước lên trước. Tôi nắm chặt phần gậy không có đinh, cứ thế mà  bước, bỗng thấy cơn nhức tan  biến. Về đến nơi, tôi nằm lăn ra thở. Một lát sau,có  bóng đen đến   gần, thì thào: nè, mày có muốn uống nước ấm không ? Giọng của Vĩnh !

(còn nũa )