Wednesday, November 2, 2016

cung đường và giòng suói

                           

                                   CUNG ĐƯỜNG VÀ GIÒNG SUỐI   
         Tình cờ hai bà già gặp nhau ở ngã ba đối diện với ngôi tháp sao đỏ của trường đại học  , bà “thiên lý nhãn ”rủ tôi đi chùa Vạn Hạnh, thắp nhang ngày rằm .Chùa nằm khu vực gần Dốc Đá cạnh trường tiểu học Đa Thiện, thế là chúng tôi phải cuốc bộ gần một nửa đường Trần Khánh Dư , từ đó bọc lên Phù Đổng Thiên vương, rẽ vào chùa . Nhà chị Nhụy nằm cách nhà tôi mấy số, rồi đến nhà bà này, nên từ lâu lắm rồi, tôi đi trên con đường này cũng chỉ đến đó  , không  có dịp đi sâu vào trong , dù ngay khúc bọc , vườn nhà tôi nằm ở đó, “vườn trong ”, lũ cháu con  các anh chị làm nhà, trồng trọt ở đây ,   để phân biệt với vườn trông xuống từ sân nhà  cha mẹ , “vườn ngoài”.
      Trong cuốn sách mang  tính chất nghiên cứu về Đalạt của mình, người con ông Xu Hiến, một nhân vật có công rất lớn với ấp Nghệ Tĩnh,viết mấy giòng :Sau khi các lô đất được  phân chia xong, tất cả các lô đều phải cử người làm một con đường tạm vòng xung quanh ấp , đủ rộng cho xe ngựa đi lại , vận chuyển vật dụng xây cất , phân tro …Đó là tiền thân của con đường Trần Khánh Dư ngày nay . Mốc số 1 của con đường nằm ngay dưới chân ngôi trường tiểu học Trung Bắc thân thương của lũ chúng tôi (hai nhóc út, còn các anh chị lớn đều phải đi học rất xa , qua khu giáp Bệnh viện Tỉnh ngày nay . )mốc số 79 (ấp ngày tôi  trưởng thành có ngần ấy hộ, nằm ngay trước cổng trường nữ  trung học Bùi thị Xuân của đám con gái trong nhà )Hai ngôi trường trên một con đường thôn.
     Bây giờ vẫn thế , dù hai bên làng mạc đã phình ra rất nhiều .
     Tuổi bà già này và tôi có hai cột mốc đáng nhớ . Biến có tết Mậu Thân,chúng tôi đang chuẩn bị thi vào lớp 6, biến cố hè 1975, chúng tôi sẽ chia tay ngôi trường ngói đỏ , nhấp nhô vô vàn ô cửa kính . Hai mốc đó cũng gắn với con đường. 
           Thuở  bé (dưới lớp 5)tôi hầu như  không được bước chân vào vườn trong .Có mùa hè thấy các chị rộn ràng mang rổ đi tỉa cây cà rốt,những cây cà rốt bé tí có thể bán được, làm một món rau rất dễ ăn,lạ miệng,  tôi khấp khởi đi theo, nhưng mẹ bảo : Ồ, con ở nhà, quét nhà, rửa chén. Công trạng chi mình mà vô vườn trong  .“Công  trạng chi mình”, nghĩa là không phải việc của tôi , con nít . Chị Nghĩa nheo mắt, như bảo , mi ở nhà cũng có phần mà !
                     Lên lớp 6, có những ngày trời nắng, thiếu một chân kéo dây,cầm vòi, mẹ cho tôi đi cùng .Vườn ngoài số 41,vườn trong số 23 , tôi cứ đếm lùi, những chủ nhân ông rất quen, đồng hương của gia đình . Nhà ông Cu Tâm, nhà bà Hoe Siên, bà Đĩ Khanh, Ông Cháu Trinh …  Cu  và Hoe để phân biệt nhà sanh con trai hay con gái đầu lòng, còn hai tên kia thì tôi chịu . Tất cả mọi ngôi nhà đều quay mặt ra vườn , lưng chừng đồi, để con đường mang tên một vị tướng tài ba đời Trần  chạy vòng quanh sau lưng nhà, mặt đường ngang mái tôn, dịp giáp tết và những ngày nắng to,  người nhà thường mang các lại củ làm dưa món củ kiệu , khoai lang luộc chín lên phơi, rất chóng khô; có khi gặp vài chiếc áo len giang hai tay như  áo mẫu , nhưng coi chừng kẻ trộm áo .
                 Từ nhà tôi đi vào,đáy thung lũng rộng hơn, vườn nhà nào cũng có nhiều mảnh bằng phẳng,ít bị taluy chia cắt như dân xóm ngoài, nên có lần tả quê mình, tôi nhớ chị  Nhụy hướng dẫn bọn trẻ so sánh với chiếc muỗng sứ Giang Tây , thường các bà bán tào phớ ( đậu hũ non ăn với nước đường )vẫn dùng khi mời khách .          Viền muỗng là con đường . Mép muỗng là nhà , vườn và ao nằm trong trong đáy muỗng .

                      Nhà nào cũng có một hoặc  hai ao , đào sát mương , được đào sau khi nhận lô đất chia . Mương chứ chưa đạt mức  “suối”. Mương nằm giữa đáy thung lũng, ranh giới cư dân hai bên mép muỗng, bắt đầu ở số nhà  79 và kết thúc ngay vườn nhà tôi bởi mảnh vườn này nằm ngay đường vòng mép muỗng, ngay vị trí chúng ta múc tào phớ cho vô miệng . Vườn trong nhà tôi không hề được mương đi qua, mà nằm một mép vườn,thế nhưng, nơi đây lại có một mạch nước ngầm vô cùng dồi dào . Cha tôi cho đào hai ao (dân ở đây lại  quen gọi là hồ )một lớn nối với mương, một nhỏ  nằm  giữa vườn, nơi đón giòng nước mạch từ chiếc giếng lộ thiên chảy từ ven đồi về .  Ao lớn nay đã bị lấp để tăng diện tích đất, dựng nhà lồng .Con cháu cứ chia nhau canh tác .
           Những ngày mới vào Đalat lập nghiệp,  đất trồng trọt  được cấp cho mỗi hộ  chỉ là mảnh nhỏ một   sào, trồng khoảng  dưới nghìn cây bắp cải, cách đo đạc của người dân quê tôi . Vì thế, cha tôi và dượng Trí, người anh rể , chạy vạy khắp nơi để thuê thêm vườn . Mục đích cao cả và  đầy trách nhiệm là  làm sao nuôi dạy đàn con trưởng thành .Vườn tận Sào Nam , cây số bảy .Vườn ở ấp Đa Thành,nơi có trường Đống Đa thân yêu của tôi ,  cũng cây số bảy (mốc là trung tâm khu Hòa Bình trên phố ). Vườn gần nhà . Mảnh vườn này  về sau cha mẹ tôi quyết tâm mua bằng được, dù hai cụ biết rằng giá cao .
            Học hết cấp ba, bọn tôi đều đi xa , mỗi  lần về thì  quanh quẩn vườn ngoài ,Bà bạn già lấy chồng tận Bảo Lộc, chỉ mới hồi hương khi ở tuổi “nhà nước cho nghỉ ”. Trước đó một năm, hai vợ chồng đi về, xây một biệt thự  trên đất   người cha chia phần .Tôi nhớ những ngày lửng thửng cùng các chị “đi vườn”(cách gọi ngắn gọn), tôi thường bắt gặp ông bố bét nhè của bà leo lên mái tôn ngồi co ro phơi nắng. Ngôi nhà dài như một trường học, chiếc ao sát bờ mương cũng dài như thế . Tôi thường trông xuống ao , bao giờ cũng gặp người bạn “có đôi mắt nhìn ngàn dặm” vớt bèo, hay giặt giũ, hoặc rửa cà rốt bên ao, áo quần luôn ướt sũng  . Vườn  cho hai ba chủ thuê . Nay ao đã lấp, vườn bán dần , chỉ còn một mảnh nhỏ, dành cho cậu em út không đi làm  nhà nước . Nhà cũng đã thay đổi, nhiều biệt thự xinh xắn , mặt quay ra đường, lưng nhìn xuống ao vườn ngày nào . Mọi nhà đều thế, trừ… nhà tôi .
          Khác với mọi hộ trong ấp, nhà tôi nằm dưới chân đình. Khi phong trào “thượng lộ”với mục đích cho sinh viên trọ học, nhà tôi … bí rị . Chỉ nhà cho đồng  nghiệp, tôi thường đóng mở ngoặc đơn “đi  theo con đường bên hông đình làng, thấy cái mái nhà có tôn bị gỉ đỏ , cửa sổ màu xanh .Không có  phòng trọ .”…Đại khái là thế .
        Ao nhà cũng bị lấp, nhưng lấp muộn nhất làng.   Không thể lập nhà trọ, vợ chồng Cậu Bé phải trồng trọt, chăn nuôi,rất cần ao .Chiếc ao mùa mưa nuôi cá ,thả lươn; ngày nắng nôi  dự trữ nước tưới vườn, nước rửa  dọn chuồng trại .
 Ngày  tôi tuổi thiếu niên, thôn tôi  ở có gần tám  chục   hộ  dân, tất cả đều làm nông, chuyện nước nôi là mối ưu tư hàng đầu . Mùa nắng, nước chỉ có một nguồn duy nhất dẫn về từ đập Đa Thiện, mà thơ ca  vẫn ví von là Thung Lũng Tình Yêu . Tình yêu thì cho không biếu không , nhưng hễ mùa khô đến,sự cho không biếu không ấy gây ra biết bao rắc rối . Nước tình yêu theo con suối lớn,chảy qua thung lũng, giữa những mảnh vườn của chủ nhân hai bên bờ. Vườn mọi nhà đều dành một diện tích bằng bốn chiếc chiếu cực rộng , gần suối, để đào ao . Đáy ao có một bộng cống dẫn nước to bằng cổ tay người lớn .Cống thông với suối. Suối chảy qua vườn ai,  nhà đó có quyền ngăn lại bằng một bờ đập  nằm theo chiều ngang suối để nước vào ao .Ao đầy, thì phải tháo đập, để  nước suối chảy xuống khu phận nhà bên cạnh .Rắc rối xảy ra là lắm khi bị tháo trộm khi ao chưa đầy, hoặc chủ có ao đã đầy nhưng không chịu tháo . Khi tháo đập trên, lại phải nhanh chóng đắp đập dưới thì thời gian nước vào ao sẽ ngắn đi  .Rồi canh ao đầy để còn bịt cống, nếu không muốn nước đã “lấy” được lại chảy ra suối.
    “Đi lấy nước”  vụ rau mùa nắng là những kỷ niệm đẹp của chị em chúng tôi . Khi tôi ở tuổi học lớp nhì ,nhất(lớp 4, 5 bây giờ ), tôi cứ thấy độ chừng ba bốn giờ sáng, lúc mọi người đang còn ngủ say, đã thấy cha tôi  thức dậy . Ông mặc áo ấm, khoác một tấm vải ni lông  đi mưa bên ngoài, chân mang ủng, đầu đội mũ trùm khăn kín mít, tay mang găng  cao su , lọ mọ xách chiếc đèn bão, tay kia  bưng khi thì rổ khoai đã luộc, hay cà mèn cơm rang, và một bọc chăn gối, đi trước . Chị cả, rồi chị Nhụy , rồi tôi,  cũng trang phục  y như thế , cũng tay mang đèn, tay kia  bưng khi ôm  bọc chăn gối , có khi cặp với đầy  sách vở  ,mò mẫm theo sau . Con đường dẫn xuống vườn ngày ấy rất hẹp, lại mấp mô, lại nằm giữa hai bờ ta luy cao, nếu trượt chân không chỉ dập  đầu gối mà còn lăn nhào xuống hố, gãy răng,dập mũi  . Điểm đến đầu tiên là “nhà máy ”,một căn chòi vuông bằng gỗ, có diện tích để đặt  hai bục gỗ, y như bục xây đặt bàn giáo viên trên lớp học, một để  đặt máy tưới, một trải chiếu làm  giường ngủ cho những người đi lấy nước .Một khoảng rộng cất các nông cụ, phân bón  và các thứ lặt vặt khác .Điểm đến thứ hai và sau cùng là bờ mương, lòng mương  . Ao lấp,nhà máy cũng bị tháo dở. Những chiếc máy hiệu Bernard  nho nhỏ chạy bằng xăng hay máy Kubota  kềnh càng chạy dầu diesel biến đi đâu cả . Người ta dùng mô tơ chạy điện, hoặc giàn phun tự động. Dùng mô tơ thì vất vả ở khâu  vận chuyển, nhưng chủ nhà không lo lắng kẻ gian đột nhập .Máy nhà tôi cũng bị ra chợ mấy chiếc.

     Nước suối ngày ấy chưa bị ô nhiễm như bây giờ, là một phần quan trọng trong sinh hoạt hằng ngày của mọi nhà, đặc biệt mùa nắng về . Nước tưới vườn, nuôi cá .Nước giặt giũ, tắm  rửa. Nước cho gia súc .Sau khi tưới vườn, người cầm vòi không quên tha sợi dây cao su dài và nặng lên nhà . Nước được bơm vào các thùng phuy đặt la liệt khắp sân trước, hiên sau . Nước ao xanh lờ lợ, thoảng tanh mùi rêu , đôi khi bơi lăng xăng những con  nòng nọc hay thản nhiên bám vách thùng những chú  ốc nho nhỏ,lũ lạc bầy .Chúng tôi thường tìm cách cho chúng về nhà, ra ao .Mọi người gọi chung là “nước rửa”, còn “nước ăn” thì sao ?
       Khi tôi đang độ tuổi mẫu giáo, nhà chưa làm lại, bể nước chưa có, ba người phụ nữ trong nhà tự giác nhận lấy công việc nặng nề ,khó nhọc này. Cả thôn chỉ có  ba giếng. Giếng xóm trong nằm gần vườn nhà bà “thiên lý nhãn”,cách nhà tôi độ một  cây số đi về , nhưng ngược đường. Giếng xóm ngoài ngần ấy  quãng đường .Còn một giếng bên vườn nhà ông bà Cửu Miên,chỉ cần băng qua hai vườn và ao, nhưng tha được đôi nước về nhà thì chỉ còn lưng thùng  Vì vậy , giếng nhà bà cửu của chúng tôi được bỏ bi, tráng xi măng,sạch sẽ, nhưng trừ người nhà, không mấy ai tìm đến . Giếng xóm trong chỉ là một cái hục bằng bàn thầy giáo,có đóng gạch đỏ  ngăn bùn, nước luôn ăm ắp .  Giếng xóm ngoài mới trông không hề khác ao chứa nước suối mọi nhà, còn rộng thì có thể sánh với nền một lớp học. Người tìm đến từ tinh  mơ đến tối mịt .Ban đầu là ao một nhà , sau trở thành giếng chung .
        Tôi đang sống trong ngôi nhà làm đi sửa lại nhiều lần . Tôi thấy mình đang tuổi lên năm,  ngồi trong  gian nhà bếp nhỏ và tối, trông ra mấy  dĩa hạt hoa păng xê chị Nhụy phơi bên hiên,canh  không cho gà đến mổ . Chị không thích mang đi chỗ khác, sợ gió thổi bay .Ở ảng ,  chị Nhụy đang ì ạch gánh nước về nhà .  Cạnh tôi có một bịch  bánh tai heo, nhưng  chỉ  còn vài chiếc, tôi muốn để dành cho chị cả , đi  học chưa về .Bất ngờ tôi nghe có tiếng chân lép nhép bước đến, tôi chưa kịp quay lại,thì bàn tay của bước chân ấy cầm gọn túi bánh,cho hết vào mồm,nhai rau ráu .Tôi há hốc nhìn, kinh ngạc,tức giận . Bàn chân kia đã nhanh nhẹn bước ra ,  tay không quên đóng sầm khung cửa nối nhà bếp ra ảng, mắt kịp ném cho tôi một tia nhìn chế diễu, miệng mở một nụ cười tinh quái . Phản ứng của tôi là nhón chân,chốt luôn que ngang,quyết không cho chị vào .Rồi tôi thút thít khóc, nhìn cái bị ni lông nằm lăn lóc một góc bếp, bên trong còn vương mấy mẫu vụn,thơm mùi bột,mùi dầu . Lũ gà từ đâu đến mổ lóc chóc những hạt hoa păng xê nhỏ xíu như hạt mè, sản phẩm chị Nhụy  loay hoay gây giống mấy tháng trời. Kệ,ai biểu ăn hết bánh của người ta .Lại tiếng bước chân lép nhép,tiếng thở hổn hển , tiếng tay thò ra giật mạnh của ,tiếng gọi  cấp bách ,giật giọng .Mặc kệ,tôi cứ ngồi như phỗng .
    Tôi nghe bước chân chuyển hướng: chị phải vòng ra  sân mới có thể vào bếp bằng cửa tôi đang mở . Tôi dợm chạy đi nhưng không kịp .Mắt chị long lanh khi trông thấy  mấy dĩa hạt giống đều bị lật úp .  Chị chận đường, hai bàn tay như có cả chục, thò ra , vơ lấy áo tôi . Chị bạt tai tôi hai cái  nảy lửa,sau đó là túm lấy hai bàn tay nhỏ xíu của tôi, tìm mông và phết liên tục mấy cái đau điếng .Vậy mà tôi không khóc. Chị hình như càng điên lên khi tôi cứ giương hai con mắt trên khuôn mặt đỏ ửng , ngang ngạnh nhìn chị . Nhìn quanh , nhìn dĩa hạt giống hoa nằm chỏng trơ,lật úp,hạt vương vãi lung tung, lại   nhìn quanh,có lẽ tìm một đoạn  roi .Tôi nhân cơ hội vùng lên chạy, va phải một bóng người từ ngoài thong thả đi vào . Một bàn tay đỡ lấy tôi,nhưng tôi cứ lao đi .
     Ra đến hiên trước,tôi chui vào nấp trong một khe hở giữa hai phuy đựng đầy nước ao . Lúc này mới thấy mặt tê buốt,mông rát rạt .
     Bữa cơm trưa hôm ấy,nhà tôi có khách,cái người thong thả đi vào, rồi đưa tay ra đỡ tôi . Nếu không có vị khách ấy, chị Nhụy sẽ không tha cho tôi đâu ,dù tôi có chạy lên trời .Khách gọi cha mẹ tôi là cậu mự, xưng anh với tôi ,anh Thạch . Có anh mà mọi chuyện ém nhẹm . Bao nhiêu bực dọc, chị Nhụy đã trút qua hết cho anh rồi  . Hình như trong bữa cơm ,mọi người bàn chuyện làm nhà, xây bể nước .Xế chiều, anh quay lại,mang cho chị Nhụy một gói giấy nhỏ, bên trong rất nhiều hạt giống hoa păng xê , và mấy chiếc bánh tai heo . Bánh hình như vừa làm , những  sọc bột mì trộn trứng màu đỏ,sọc không trộn nằm chen nhau một cách vụng về, nước dầu chiên  còn bám trên giấy . Có hề gì, vẫn là hình tai heo,chị cả thích lắm . Bà Nhụy thì lại  nhìn tôi như mọi ngày. Tôi nhớ anh bảo : hục hặc lắm, về già lại bám  lấy nhau. Chuyện đời là vậy mà .
      Sau tết, cha tôi dẫn chị Nhụy đi vô  Sai gon chữa bệnh thần kinh, tôi cũng được đi hộ tống . Ở nhà , mọi người rục rịch chuyện xây nhà mới , rồi năm sau, lại xây bể chứa nước mưa .  Giá thành hai thứ bằng nhau, mới thấy cái bể nước giá trị thế nào .Thực sự, xây bể cũng là có  thêm nửa  ngôi nhà khác nữa .
     Trước hết , phải dành  năm sáu  luống đất trồng chè mé chân đồi sát khoảng sân sau, khoét  sâu ba mặt,xây chắc chắn bằng đá .Mặt thứ tư của bể sẽ biến thành một bức vách  nhà . Người lạ sẽ không biết chiếc bể  vì nó được nằm trong lòng chân đồi . Khoảng trống giữa bể và hiên sau khá rộng,  được lợp tôn “sáng”,loại tôn nhựa , mặt trời suốt ngày lang thang trong nhà , có  ba bốn phòng ,có chỗ đặt bàn ăn,chỗ học tập ,ngày mưa có chỗ chơi lò cò,rải gianh , chỗ phơi quần áo.
               Đi chữa bệnh về,chị Nhụy bớt căng thẳng hơn xưa, nhưng do việc học bị gián đoạn, chị không còn húng thú mấy với việc đèn sách .Hết lớp 10,chị một mực nghỉ học,ở nhà làm vườn.  Việc đồng áng vẫn bộn bề như xưa, dù một số công đoạn đã có máy móc thay thế , chị không  phải chịu nhiều vất vả , nhưng tôi không hiểu nỗi niềm chị . Đi học vui vậy mà ! Chị ngày ra vườn,tối ngồi loay hoay vẽ vời  bằng bút chì,bằng sơn màu .Tôi nhớ cha tôi có hứa nếu chị học hết cấp ba,cha sẽ tìm cách gửi chị về Sai gòn thi và học ở trường Cao đẳng mỹ thuật Gia định , nhưng xem ra chị không hề  nhiệt tình chờ đợi  .Rồi  một hôm chị không ra vườn nữa .Chị xin tiền mẹ đi học đánh máy, học tiếng Anh để… đi làm .Mẹ không cho,chị đóng cửa buồng,nhịn ăn,xé nát mấy chiếc áo dài xanh đỏ, kiểu dáng  rất đẹp . Ngày ấy, áo nữ sinh  của tôi đều do chị cả may . Chị theo học lớp 4T trên khu phố , may được nhiều loại áo, áo bà ba cho mẹ,áo sơ mi cho cha , may quần tây cho các em, rồi áo dài . Kiểu  áo sau cùng hình như khó,tôi thấy chị chong đèn  mò mẫm nhiều đêm . Áo thường bị phồng lên một túm trước ức , có ủi cũng không chịu xẹp . Chẳng hề gì .Tôi chỉ cần hai vạt bay phất phơ dưới chân là đủ , vì tứ thời chúng tôi đến trường đều có những chiếc áo len dày khoác bên ngoài rồi. Người lớn như chị tôi thường thích “thả eo”,nghĩa là không khoác áo len,những hôm trời nắng đẹp .
          Mẹ cứng rắn cách mấy,cũng thua chị,khi chị tung ra chiêu cuối cùng: nhịn ăn, nhịn uống thuốc .Chị học một lúc hai thứ .  Những ngày làm học trò, chị chọn sinh ngữ chính là Pháp Văn, nay chuyển sang Anh,tôi ngạc nhiên khi thấy chị học rất vất vả . Cha tôi làm ấp trưởng nên được cấp một chiếc máy đánh chữ mới toanh  , mọi khi ông cho anh Thạch mượn,vì anh cũng giúp ông  soạn nhiều hồ sơ giấy má . Chị đòi về,rồi,lại bê sang nhờ anh Thạch chỉ vẽ nhiều  khâu .
          Đùng một cái,chị đi lấy chồng . Phu quân  là anh bạn học thuở trường làng, nhà nằm gần trường . Anh đang đi học trong Sai gòn,một hình thức trốn lính .Cưới xong ,chị sinh liền hai nhóc. Ngôi nhà tạm bợ của chị thường vắng tanh,vì ba mẹ con chị “đóng quân”nhà tôi thường xuyên. Gian nhà bể nước được chị tận dụng thành giang sơn của mình, chỗ trông con,chỗ soạn bài vở, cả chỗ tập “dạy nháp”, bởi bây giờ chị là giáo viên ấp tân sinh ,  công tác ngay ngôi trường  tiểu học  của tôi .
           Những quãng thời gian hai chị em “như chó với mèo”giữa chúng tôi tất nhiên chưa giảm, nhưng dạo chị làm cô giáo,tôi có phần  nể nang chị . Tôi thấy chị bị thanh tra , nay gọi là dự giờ, thường xuyên. Bọn tôi rất nhiều  đứa ,ngày tôi ở huyện,cho  đến khi về trường tỉnh ,thường tìm cách “gà ”bài trước. Chị thì không ,bởi  chị bảo mọi chuyện sẽ bị phơi ra,lúc đó xấu hổ lắm .Chị chỉ dặn lũ học trò nhà quê bẩn thỉu,nhếch nhác chịu khó tắm gội sạch sẽ,vì thầy cô đến lớp , sẽ  chê bai . Trường không có bảo vệ, không có tạp vụ . Một chú gần nhà tôi có nhiệm vụ giữ chìa khóa chung, mỗi sáng đến mở cửa nẻo rồi về .Chiều  quay đến đóng .Thầy cô khát nước  thì sai bọn trẻ về nhà bê lên,nước chè tươi,nước vối . Ly cối là loại ly thủy tinh sang trọng, dùng để tiếp khách,có hình như một quả trứng ngỗng,miệng và đáy đều nhỏ,thân phình ra, trơn bóng, rất khó bê .Bọn nhóc   vụng về thọc cả ngón tay cái đầy cáu ghét vào ly nước đầy,lễ mễ bê lên trường.Nhiều cô giáo nhăn nhó,hắt đổ phần nước bị ngón tay  bẩn thò  vào,nhưng chị Nhụy vui vẻ đón lấy,  điềm nhiên bưng uống .Gian bể ban ngày là lò bánh mì, đêm lại là một chiếc  tủ lạnh khổng lồ. Trần  không có la- phông, sương muối rơi lộp độp ,nhoèn cả trang vở . Vậy mà chị cứ ngồi đó,miệt mài từng  trang giáo án .
          Bể chứa nước mưa ấy là một báu vật vô giá  đối với mọi thành viên  trong nhà, đặc biệt với tôi . Tôi nhiều lần chứng kiến bà bạn già láng giềng này phải nặng nhọc gánh nước từ tuổi học lớp sáu,bảy, thấy bạn len lén múc nước giếng trong lu để hồ lơ chiếc áo dài trắng vừa giặt dưới ao lên, vì nước hôm  đó  do bà dì ghẻ gánh . Có lần bạn tôi bị giám   thị gọi  ra văn phòng vì chiếc áo hồ lơ (nước có pha mực xanh rất thoảng, giúp vải trắng giảm độ ố vàng nhanh )quá đậm . Tôi được một đặc ân bất thành văn là áo dài được giặt bằng nước bể,vào mùa nắng . Tuy nhiên ,phải rất tiết kiệm. Hàng xóm đôi khi không kịp ra giếng quảy nước, tạt vào nhà tôi xin một đôi , lẽ nào từ  chối .
       Tôi vẫn ao ước có một cái giếng đào như giếng nhà chị tôi ở Cầu Đất, như giếng nhà bà cửu Miên. Nhưng do  sợ động long mạch, cha tôi không cho đào.Sau ngày đất nước thống nhất, mẹ được ông cậu đón về  trước .    Quê ngoại thay đổi nhiều, và ấn tượng mạnh để lại cho mà là nhà nào cũng có riêng một chiếc giếng khơi bên hiên .Cha tôi nghe chuyện,vội vàng về thăm quê trong năm,mục đích phụ là … thăm cái giếng . Từ lâu, tôi đã nghe mẹ tôi than thở những năm về làm dâu, công việc nặng nề nhất chính là đi gánh nước xa,rất xa .
       Nhà chị Nhụy cách nhà tôi mấy căn, không có bể . Dạo tôi học lớp tám, cứ tối tối hai lần trong tuần,chị lại bê đồ đạc xuống nhà tôitổng vệ sinh. Phòng tắm nằm trong khu chuồng trại,có bếp đun và rất sẵn nước suối , chỉ  ngại là không có ..cửa che  ,vì không mấy ai tắm ban ngày,  và vì đã có một cánh cửa lớn,cửa chuồng . Có một hôm chị xuống muộn. Không hiểu sao,chị không chịu dùng giỏ rau chận cửa chuồng,hoặc kiếm tấm ni lông che màn buồng tắm ,như các chị làm công trong nhà vẫn làm,mà sai tôi canh chừng . Tôi ngồi chờ hồi lâu thì thấy buồn ngủ,bèn bụng bảo dạ rằng vào ngả lưng một tí thôi,chị gọi sẽ ra  mở cửa . Tôi bèn chốt lại,bên ngoài, ung dung chui vô mùng  .Rồi tôi ngủ quên!
       Anh chồng thấy chị về muộn, bèn  lần xuống  đón. Cả nhà tôi choàng dậy,  bật hết tất cả đèn đóm trong ngoài, bủa đi tìm . Tôi cũng bị lôi ra khỏi mùng, bị mẹ đét cho mấy cái đau điếng . Chị Nhụy được dẫn vào bếp, hong sấy, bôi dầu, ủ ấm. Nhưng chị khóc nức nở, khóc tức tưởi, khóc như lần đầu tiên được khóc, có lẽ là như bảo khóc cho đã .Anh chồng có vẻ ngượng. Mọi người trong nhà, cha mẹ, anh chị, tôi tớ, từ cảm thương đến bực mình, không hiểu vì sao chị khóc lâu và nhiều thế . Đến bây giờ tôi cũng không hiểu ! Nhưng từ đó về sau,  tôi chẳng hề thấy chị rơi lệ,cả ngày tiễn biệt những người thân yêu nhất .
      Tôi vẫn  nhớ anh Thạch  bảo : hục hặc lắm, về già lại bám  lấy nhau. Chuyện đời là vậy mà . Chị Nhụy bận bịu cháu nhỏ , một cô con gái vừa qua đợt ở cữ, sáng sáng đi làm, bế con gửi chị . Nhưng chân chị là chân đi, miệng chị là miệng nói ,mắt chị là mắt …dòm, chị cũng tìm cách tạt qua nhà, xem tôi thế nào .Các con của chị , có đứa sắm cho chị chiếc di động, đứa khác chịu nạp  cạc, chị thường xuyên gọi cho tôi, hỏi han vài câu trước khi đi ngủ . Có cây dây mới leo . Tôi ở gần các chị em dâu, nhưng lúc muốn nhỏ to, thì tìm chị . Hình như chị cũng hiểu điều đó nên bớt bẻ hạnh bẻ họe tôi . Có lần  đồng nghiệp kéo vào nhà tôi chơi rất đông, nhân thể đi ăn cưới ở nhà hàng  gần đấy . Chị Nhụy cũng ngồi vui  chuyện . Mọi người chia sẻ kinh nghiệm khi đi dự giờ : có nhiều người mấy chục năm vẫn một kiểu dạy, góp ý đâm ra xung đột. Thôi, không sửa được người khác thì…tự sửa mình . Một người khác triết lý : Ngoài ta ra, không ai hại ta cả .Dạy tốt,thao giảng ,dự giờ, nỗi ám ảnh kinh hoàng trong mỗi một người cầm phấn , đi dự đám cưới vui vẻ thế, vẫn … không quên !
      Nhưng tôi thấm thía một  điều .Phải, ngoài ta ra, không ai hại ta được cả !
      Những làn ao ,bờ giếng , cả chiếc bể nước mùa mưa chảy tràn như thác, ràn rụa qua bờ đá chỉ còn lại trong ký ức .Nhưng giòng suối và con đường thôn  như  chứng nhân cho bao thăng trầm mọi kiếp người, vẫn cứ  từng giờ đón đưa kẻ qua ,người lại  . Có những ngày buồn, nhưng còn nhiều tháng vui .
                                                                                                          NGUYỄN XUÂN .

    


No comments:

Post a Comment