Thursday, November 3, 2016

RAU DALAT

                              
                              RAU DALAT .

Chủ ngôi nhà tôi về trọ học một năm ngắn ngủi ở trường Cao đẳng Sư Phạm TP Hồ chí  Minh vốn từng có một vựa rau củ rất lớn trong chợ Cầu Muối,là mối làm ăn với gần  như cả thôn tôi  .Khi cơ chế kinh tế được thay đổi sau ngày đất nước thống nhất, vựa cũng được đưa vào các hợp tác xã . Chủ vựa   tiếng tăm ngày nào ,nay vẫn có một vị trí quan  trọng trong Ban điều hành .Vị trí ấy hiện rất rõ qua gian bếp, tủ lạnh và bữa ăn hằng ngày : ê hề rau củ các vùng miền . Tôi để ý họ rất yêu chuộng rau từ Đalat về , điều đó khiến tôi có chút tự hào về quê mình .
                  Nhưng những ngày đầu, tôi  cứ thấy trong lòng thế nào ấy ,đó là cách gọi rất lạ về tên các loại rau, củ của miền đất đã trồng , có khi tôi còn có cảm giác chúng bị xem thường .Chẳng hạn ,tất cả những loại rau có lá, họ đều  đưa về một “thừa số chung ”: cải  và xà lách Chẳng hạn cải nồi, cải tròn (  người trồng rau gọi là sú)cải dài ( chúng tôi quen gọi là cải thảo ) cải hoa (  quê tôi gọi bằng tên Việt cũng khá…Tây : lơ )cải xoong ( bọn tôi bỏ từ  cải ) Rồi nào là xà lách mềm (   quê tôi có ba loại :xà lách búp, xà lách mỡ,xà lách cuốn) xà lách cứng ( người quê gọi bàng từ nguyên thủy : cô rôn ) , xà lách quăn ( ô dê)  Cà rốt họ cũng xếp vào họ cải : cải đỏ , để phân biệt với củ cải trắng thường được đưa từ Phan Rang vào .
                  .Bà chủ nhà  rất mê ăn sú ,loại rau đặc biệt chế biến được nhiều món qua bàn tay bếp  núc giỏi giang của bà : luộc chấm trứng, xào với tôm khô giã nhỏ trộn bún khô hay mì gói , nấu canh cuốn (từng lá  chần sơ nước nóng, cuộn thịt hoặc tôm vào trong ,nếu nấu chay thì cuộn nấm hay đậu hũ chiên, rồi thả vào nồi nước dùng ) xào thịt heo,và  nộm ( sú  để tươi, nguyên bắp, bào sợi, trộn với thịt ba chỉ, lạc rang, nước mắm chanh đường ớt tỏi,rắc lên ít rau thơm) hay món gỏi thịt vịt ( thịt vịt luộc, chặt nhỏ, trọn thêm nộm sú ), cả món dưa  chua rất dễ làm, mau ăn được, rất ngon  . Nhưng bà gọi nó là cải bắp .Cả cải thảo,bà cũng gọi na ná như thế ,  tức là … bắp cải  .Tôi nghĩ, thôi cũng hợp lý ,vì  nhìn kỹ chúng cũng có bàn con xa gần với …bắp ngô .Cũng thuôn thuôn, có nhiều lớp lá bao bọc xung quanh , cũng chắc nịch trên tay mỗi khi cầm . Cả màu lá cải thảo cũng một màu xanh hoe vàng,pha trắng  như màu lá bắp .
                Nhưng có lần tôi gặp rắc rối . Bà chủ    nhờ tôi trên đường đi học về thì ghé vựa mang về cho bà một cây bắp cải .Trong đầu tôi hiện lên cây cải thảo  và những món bà sẽ chế biến :  chấm trứng luộc, xào bún, nấu canh .Vựa không hề có một bóng phụ nữ .Họ ở đây  từ tinh mơ  hoặc xế chiều , là lúc bọn học trò  đang ngủ hoặc ở trên trường  : mua rẻ những mớ rau bầm dập mang đi về các chợ nhỏ ,hoặc gom lá hỏng vàng để nuôi heo gà , rồi  quét dọn .Đám thanh niên trong vựa những ngày đầu hễ thấy tôi là trêu chọc .Chỉ là những  tiếng huýt sáo,những câu hát bâng quơ . Tôi ở ngoại ô, gần kề lối xóm  có cô bạn thân sớm hôm lo sách đèn .Hai đứa chưa ước hẹn lấy một câu, chưa nghĩ đến mai sau. Hay táo tợn một tí Em ơi trái đất vẫn tròn, chúng mình hai đứa sẽ con gặp nhau  Bài hát ấy, với điệu Bolero rất quen , ngày nào các chú trong nhà tôi lại không một đôi lần ngâm nga . Cả cái điệu cha cha cha  rất dồn dập , nhưng nội dung nghe … bi đát  lắm : Tình là tình như không mà có ,tình là tình có cũng như không.
                    Bọn chúng tôi từ vùng đất quanh năm mát mẻ, được nuôi dưỡng bởi rau củ, cả cái chân chất của người sơn cước,mang về thành phố rộn ràng này một vài … đặc sản ,đó là  khuôn mặt đỏ hồng như táo, mái tóc đen huyền và đặc biệt, thấy đàn ông thanh niên ở đâu là ..lảng tránh, có  đứa còn thấy …sờ sợ (! ?). Từ bé đến giờ ở nhà chỉ thân thiết với cha và anh, đến trường chỉ phe ta ;tôi  có cơ hội  ra ngoài một tháng bốn lần sinh hoạt hướng đạo  không tìm ra đâu bọn vị đực( những anh chàng tuổi 15-18 thường bị vỡ giọng )  đi học thêm  thì cũng gặp  các mái  tóc dài  là chính  .Trường tôi học  ưu tiên cho các cô , từ Ban giám hiệu, các giám thị .Có  nhiều  thầy dạy những môn khó nhai nuốt với dân chuyên Văn và ngoại ngữ như chúng tôi nên ít gặp  ,  có dịp phải  đối diện  đều kính cẩn ,thưa thầy, chúng con , dù đôi  khi thầy chỉ hơn trò dăm ba tuổi  .Không chỉ  riêng trường Việt công lập, mà hệ thống trường Pháp, tư thục  trăm phần trăm dành cho diện con ông  cháu cha,    cũng  “phân biệt” và “kín cổng cao tường” như thế . Mục đích  chính là “nan nữ thọ thọ bất thân” .       

             Riêng tôi còn một lý do khá kỳ cục .Về đến đây,lần đầu tiên tôi bắt gặp  đàn ông …ở trần ! Tôi có hai người anh  gắn bó   gần như trọn cuộc đời với vùng đất được xem nóng bức nhì nhất Việt Nam ,Phan Thiết . Thế nhưng,  trong suốt  thời gian chứa cái lý do kỳ cục này, tôi chưa hề về  miền đất mới, bây giờ là quê ngoại các cháu tôi ,lần nào . Thuở bé, mẹ tôi không cho tôi đi  đâu xa . Đất nước  binh loạn, ra đường lính tráng, xe cộ, súng ống .  Các anh tôi có chụp nhiều hình dán trong album ,những chuyến ra khơi  đánh cá với học trò, đi tắm biển , chỉ thấy ông nào cũng trơ bộ xương cách trí ( hình mẫu bộ xương người trong sách giáo khoa ).Chứ về đến nhà mẹ,ông nào ông nấy khăn áo tùm hụp .
             Ở nhà tôi , mỗi năm cứ đầu mùa mưa, các chú cũng trần xì xuống ao tát bùn,  bắt cá để ao được sạch sẽ, chứa được nhiều nước cho những  vụ rau sắp tới . Họ lặn hụp cả buổi sáng, sau đó co ro chạy vụt lên sân, thoáng trông như những pho tượng đắp bằng bùn đen , ra chuồng heo,nơi đó có buồng tắm, có một cái bếp chất đầy mùn cưa, có nhiều thùng phuy chứa nước sạch . Cha tôi làm nhiệm vụ đun nước, kỳ lưng ,gội  đầu  cho  những bức tượng  ấy .
             Còn đám công nhân vựa rau thì quanh năm vai đồng da  sắt quanh năm .
             Cho nên hôm ấy, tôi len lén dựng xe đạp vào  một góc, bước vào  cuối  nhà kho mà biết rõ ở đó luôn có mớ rau ngon .Tôi thấy có sú lẫn cải .Tôi nhón lấy một cây cải thảo to, đặt lên giỏ xe, phóng chạy.Ra  khỏi khu vực “mất an ninh”, tôi hơi thấy tiếc,phải chi lấy thêm cây sú, vì nhà vựa vắng vẻ, vì giỏ xe còn rộng, vì chiều nay tôi rảnh rỗi , mà bà chủ thích ăn sú hơn .
              Rồi tôi ân hận thực sự , vì bà chủ cần sú chứ không cần cải thảo . Bà la toáng lên . Ông chủ từ nhà ngoài vội vàng chạy vào .Bà vợ phân trần .Tui biểu nó lấy bắp cải ,nó lại lấy… bắp cải (!?)Hiểu rõ đầu đuôi câu chuyện ,ông lật đật phóng xe ra vựa, đem về hai cây sú to .Ông dặn hai phụ nữ  . Bận sau , cả cô cháu phải thống nhất nghe : cải tròn  (sú) cải dài ( cải thảo )
              Tôi buồn lắm. Chiều hôm ấy,tôi mua một gói thuốc lá, kiếm một cuốn sổ và cây bút, rồi  đạp xe trực chỉ vựa rau .Tôi phải đi học tên gọi các loại rau.  Tôi nhớ lời cha dặn :  cái gì không biết thì phải học,phải hỏi.Tôi  phải ráng tự tin lên,thì  ban nhạc  ở vựa rau sẽ không có cớ trêu chọc
               Những con  người  ở đây , toàn là đối tượng tôi lảng tránh –đàn ông,ở trần-té ra lại rất dễ thương.Họ trêu vì thấy tôi cứ thập thò ngần ngại, thấy  ngồ ngộ  .Tôi ngồi giữa đám công nhân lưng trần đỏ au, chân cẳng mốc thếch,  áo quần vá chằng đụp ,có cảm giác chẳng khác chi cùng dọn cỏ, bắt sâu , nhổ rau với các chú, các chị làm công ở nhà .Họ cũng từ nơi khác đến Saigon này để mưa sinh ,Mỹ Tho,Định Tường, Nhơn Trạch .Anh chàng quê ở đây không nói được âm th,như nhỏ  bạn  đu đu của tôi chỉ dùng một thanh ngang . Ở đây không ai kêu cải ..hảo hết á . Cải dài, chị nhớ nghe ! Cải dài nấu với hịt băm, chờ nước sôi hì hả dzô  cả hai hứ .A! món này  ở nhà mẹ vẫn  hỉnh hoảng cũng nấu . Đã rành tên rau,họ  còn rành cả khâu chế biến ..  Vậy mai mốt các anh lên Đalat nhớ ghé chỗ tui chơi.Tui sẽ đãi món cây nhà lá vườn này .Họ cười .Tụi này sắp về quê hết rồi . Đi kinh tế mới với ông bà già, với mấy đứa em .Mà cô còn đi học , rồi đi làm , biết khi nào có nhà . Vâng, biết khi nào gặp lại họ . Tôi không nghĩ mình được về lại Saigon sớm thế  , đi thi rồi đi hoc tiếp . Ngôi trường  những ngày tôi về làm  sĩ tử ở  trong khu vực chợ Cầu Muối. Ngôi nhà  của chị Châu tôi trọ học suốt bốn năm ở đầu đường Calmette cũng gần chợ cháy trong chợ Cầu Muối , chuyên bán lá hạt  các loại cho các sản phụ ,người ốm xông  hơ .Tôi vẫn nhớ đến những chàng trai bốc xếp  rau củ ở đây .Họ đi đâu, nhưng các  anh ạ,trái đất tròn, rồi sẽ có ngày gặp lại .
           Cuộc sống và công việc,làm trò, làm thầy,lặp đi lặp lại cứ cuốn hút tôi, vẫn những trang sách ,con chữ, nhưng hình như  chưa hề cho tôi có cơ hội để tìm ra đáp án các từ  về rau cải,.Tại sao người Nam Bộ lại quen gom các thứ rau Đalat về cụm    từ ấy ?
            Tôi nhớ đến câu ca dao : Gió đưa cây cải về trời . Vậy là cải là thứ rau đã có từ lâu của người Việt .Mẹ tôi cũng kể quê ngoại thường ăn rau dưa tương cà quanh năm .Dưa được muối từ cải ngồng .  Có lẽ người miền Nam cũng quen với các loại cải tương tự như thế chăng ?
            Trong cuốn Ngành trồng rau Dalat từ 1928-58,tác giả cuốn sách luôn gọi tên gốc Pháp của các loại rau, nhưng về  giống “cải thảo ”thì ông để trống . Ông giải thích thêm : Người Pháp ít dùng, nhưng người Tàu rất ưa .Vậy giống cải mà người quê tôi gọi là cải thảo,người miền Nam gọi là cải dài, cải bắp , có nguồn gốc từ Trung Quốc chăng ?Lục tung các từ điển,một người bạn dạy ngoại ngữ trong trường không tìm ra gốc gác từ tiếng Anh hay Pháp  của cải . Bạn bảo,sú (chou ) người Mỹ gọi là cabbage , đọc chệch ra âm tiếng Việt nghe na ná …cải bắp !
 Rất nhiều người vẫn quen các gọi như bà chủ vựa năm xưa  .Có bận tôi đau dạ dày, một trang trên báo khuyên tôi ép nước cải bắp ra để uống .Tôi phân vân .Vậy sú hay cải .Tìm ra bức hình minh họa. Sú, cải tròn,  trời a.! Người Việt có cách chuyển âm thật tài .
                       Tôi nhớ ngày đi học,  cô giáo giải thích nghĩa gốc của từ “xì ke” . Danh từ  này có nguồn gốc là hai  âm tiết viết tắt C và G (đọc theo tiếng Mỹ là Xi Ji) Vậy CG là gì ? Là catch girls. Lính Mỹ sang Việt Nam tham chiến thường tìm dùng một loại thuốc  an thần .Nhưng  sau khi dùng , họ hễ thấy đàn bà con gái ( girl) là xông đến ( catch) .Thuốc ấy có tên CG là như thế đó .Người    Việt đọc nhanh là…xì ke !  Nay thì một chùm , xì ke ma túy .
                Tôi vẫn thích nghe cách gọi quen thuộc về các loại rau có một thời là top ten của Dalat. Sú ,lơ , cải .Trong ba loại,  lơ là loại rau có giá trị kinh tế cao nhất, và khâu gieo trồng,chăm sóc vất vả hơn hết thảy . Ngay từ giống, tác giả cuốn sách viết về ngành trồng rau ở Đalat buổi sơ khai kể rằng cha ông được công sứ Cunhac của Pháp biếu, sau đó thì mua từ người Hoa từ Sài gòn, từ người ấp Hà Đông mang tận Hà nội vào, và tự gây  giống những loại rau có giá trị   .Tuổi bé   ,tôi  thường bắt gặp cha tôi cầm một bó que đi khắp vườn đang vào vụ  thu hoạch cuối đông .Ông đang tìm  những cây  có bông  to trắng nhất để làm giống . Khi vườn rau chỉ còn trơ ra những luống đất, đó đây giữa vườn rải rác có những cây lơ được cắm cọc ,giăng giây cẩn thận,gốc được đắp đất chắc chắn . Chúng được tưới nước ,bón phân, trừ sâu kỹ lưỡng .Dù lúc  nỉa đập,làm luống, trồng vụ mới, những “nhân vật ưu tú”này vẫn sừng sững giữa vườn . Rồi đến một ngày, những bông trắng phồng to dần như chiếc bánh  gateau được phủ nhiều lớp kem, bỗng xuất hiện  nhiều chùm hoa vàng li ti xinh xắn .Hoa kết trái ,những quả nhỏ và dài như chiếc kẹp tóc bé tí của các quý bà giữ cho tóc không bung .Hạt  trong quả căng dần,có hình những chùm đậu tí hon . Vỏ đổi sang màu  vàng,nghĩa là đã chín .Cha tôi bỏ ngủ những buổi trưa, dùng con dao díp ( dao có cán thép hình cái nhíp nhổ râu )lưỡi nhỏ và bén cắt gọn từng chùm,đem về ủ kín trong những mảnh bao bố dày .Vỏ thật chín vàng, thế là đem phơi khô ,sàng sảy để lấy hạt .Lúc này, mẹ  sẽ tìm những chiếc chai có vỏ dày, đen để chứa hạt ,nút kỹ, tránh ánh sáng và sâu bọ .Các loại  rau khác ,người Nhật đã đóng sẵn trong những lon hình lon sữa bò ông thọ .Bất tiện vì trọng lượng hạt khá nhiều, hai ba nhà chung một lon, hoặc phải dán miệng lon bằng mấy lớp băng keo . Có hạt rồi,khi gieo cũng phải luôn canh chừng mưa gió,chim chóc ,cả sâu bọ, nên giàn làm cao ,che chắn rất chu đáo .
          Thường nghe nói “yêu hoa,” chứ mấy ai bảo “yêu rau củ” ! Nhưng những người nông dân quê tôi có một tình yêu mãnh liệt dành cho những luống rau, cho từng cây rau .

                                                         Nguyễn Xuân.

No comments:

Post a Comment