Wednesday, September 23, 2015

chuỗi thời gian - áo len tặng mẹ

                        CHUỖI THỜI GIAN

                          1.CHIẾC ÁO TẶNG MẸ

      Một trưa  chủ nhật gần sang đông, tôi phải lên tận Vạn Thành ,làng hoa nổi tiếng của Dalat , cách nhà tôi hơn   hai giờ đồng hồ đạp xe lọc cọc đi về, để tìm thăm học sinh chủ nhiệm . Nhà  các em ở trong mãi  Tà Nung (từ Vạn Thành phải đi vô thêm mấy cây số nữa) sống trọ trong một nhà trẻ , cũng là cơ sở của các chị tận hiến giữa đời. Người giám hộ của đám học trò tôi ,chị phụ trách dòng tu ,hứa sẽ chở tôi đến tận nhà chúng , trực tiếp gặp bố mẹ .Tôi đến khá sớm. Khi chú xe thồ thả tôi ở ngay địa chỉ cần tìm thì cổng nhà trẻ  vẫn đang im ỉm khóa . Tôi bỗng thấy …Tôi cố lết lên một con dốc ngắn , vòng qua sân sau của khu nhà thờ xứ, nhủ rằng nơi đây sẽ có chỗ … miễn phí .Nhà thờ ba bề bốn bên cửa đóng then cài , trong  sân không một bóng  người, chỉ có những chú chim sẻ chốc chốc vụt bay lên . Tôi chợt nhớ ra, cũng như nhà  thờ Hà Đông bên xóm tôi và các nhà thờ làng đều không hề có công trình phụ .Đã có lần tôi phải “quá giang” nhà một chị giáo dân gần đấy . Nhưng ở đây tôi không quen ai cả . Hai bên đường làng hoa có nhiều ngôi nhà đẹp , cổng vào giữa trưa đều đóng kín . Trông ra xa xa có hai bà cụ đang dắt nhau qua đường, tạt vào một cánh cổng , tôi vội vàng đi theo. Một bà mặc áo len màu xám tro đã cũ, bà kia khoác chiếc mới toanh màu mỡ gà có kiểu đan với những hoa văn vô cùng độc đáo ,hiện lên từ thân áo, tay áo .Họ nhẹ nhàng ngồi xuống một chiếc ghế đá đặt ở mé sân, bên dãy chậu cảnh đầy hoa sặc sỡ , lưng quay ra ngoài .Từ trong nhà bước ra một phụ nữ, dáng cao gầy , tóc túm gọn sau gáy ,trạc tuổi tôi,nhưng trong chiếc áo trắng cổ tròn tròng đầu  kiểu đàn ông ,hoa văn đan chi chít, mà phương tây gọi là áo aran , trông chị khá đầy đặn,trẻ trung 
Chị trao cho hai bà cụ chiếc  túi ni lông trong suốt, nhìn thấy rõ một cuộn len  tiệp với màu áo mới của một cụ.Thấy tôi trờ tới, vẻ mặt đỏ ửng thẹn thùng, miệng ấp úng thì chị hiểu ngay .Chị dẫn tôi men theo mép hiên bên hông nhà , chỉ cho tôi một căn nhà gỗ nhỏ khuất sau khu nhà lồng  trồng hoa .Chị còn đi thêm cùng tôi một đoạn,qua hai cái trụ sắt cao giăng dây phơi đồ.  Có một đôi gióng mẹt đung đưa dưới sợi dây  thép to , dài và chắc . Lòng mẹt  ngập nắng trưa ,ngập lên hai chiếc áo len  được trải rộng , những ống tay áo thò ra ngoài .Chưa bao giờ  tôi thấy kiểu phơi áo len độc đáo như thế . Tôi cũng  nhanh chóng nhận ra có một chiếc đồng màu, đồng dạng cỡ  ,đồng hoa văn với một áo cụ bà trong sân đang mặc .Chà, các cụ bây giờ mà cũng biết chơi “áo cặp” nữa chứ . Gần nửa giờ sau , khi tôi hoàn thành “sứ mạng” ,tìm ra vòi nước trước sân rửa tay thì mọi người đều biến mất .Đôi gióng mẹt bên hông nhà cũng không còn . Bỗng dưng tôi thấy tiếc rẻ , bởi tôi đang có dự định sẽ học chị các đan mẫu hoa văn này . Bà chị con gái  dượng Trí có nhờ tôi đan cho mẹ chồng chị một chiếc áo mới , đổi lại chị sẽ bỏ công may cho tôi chiếc áo dài đi dạy. Tôi đưa ra mấy mẫu kiểu hoa văn nhưng chị đều không ưng ý .Nhưng  bây giờ tôi biết làm sao . Chị giám hộ đã nhá điện thoại,  chiếc Honđa cũ đã dựng bên bờ rào nhà thờ .Tôi còn một trách nhiệm lớn lao phải hoàn thành trong chiều nay . Côn g việc của  tôi sau đó  diễn ra trôi chảy .Tôi còn được chị phụ trách nhà trẻ dẫn đi thăm khu vườn cà phê sum suê, ngút ngàn của họ trước khi về lại  bên  cuối bờ rào nhà thờ Vạn Thành . Tôi đã hẹn chú xe ôm ở đây .Đồng hồ chỉ bốn giờ rưỡi ,chỉ dăm phút nữa có xe sẽ đón tôi về .Tôi đứng khép người sau một bụi cây to để tránh chia trí  những người ở trong  nhà thờ dự lễ chiều.Nắng trưa đã tàn tự bao giờ .Bầu không khí buốt lạnh ẩm hơi nước trùm lên quanh tôi, thốc vào mặt , nghe tê cả lòng bàn chân .Tôi một tay ôm ngực, tay kia chống cằm , túi xách đeo chặt một bên vai ,mắt đăm đăm nhìn về phía cuối đường, nơi sẽ  xuất hiện chiếc xe thồ đến đón . Đã có lần tôi cũng đứng ở đây và khốn khổ tìm xe . 

         


   Hôm ấy do mãi  lân la đi thăm mấy nhà phụ huynh, khi tôi chợt nhớ ra đã đến giờ về thì trạm xe thồ ngay ngã ba này không còn  đưa đón khách nữa  .Tôi vô cùng hoảng sợ .  Nơi  đây vẫn là một phường nội thành của Dalat mà sao lại cách trở đến thế . Tôi chỉ cần ra  khỏi nơi này sớm nhất, vì tôi biết ngay đầu thác Cam ly cách đây dăm cây số  có một khu chợ nhỏ , dân cư khá đông, có hẳn một trạm xe thồ .Nếu họ chém chặt vì lý do chiều muộn, trời gió lạnh thì tôi cũng sẵn lòng chấp nhận. Tôi  rất muốn quay lại nhà một trong những phụ huynh ban chiều ,  mong  họ giúp đỡ , nhưng như thế tôi lại phải cuốc bộ vài  cây số nữa .Tôi cứ đứng co ro bên  cuối rào nhà  thờ như hôm nay  ,bên trong mọi người đang sốt sắng dâng lễ,còn tôi lại rất muốn khóc . Vừa lúc ấy, một thanh niên độ chừng ba  mươi tuổi thong thả đạp xe qua .Tôi  mừng hết lớn, há miệng định gọi thì tự nhiên anh ta đã dừng lại, giọng hỏi han như đã từng quen biết tôi  Một người học trò cũ ! Hơn chục năm rồi , anh ta vẫn còn nhận ra tôi ,nhưng tôi thì quả là tôi không nhớ .Tôi không phải giải thích gì thêm .

          Chợt có một bàn tay  đặt nhẹ lên vai khiến tôi giật mình .Chị chủ nhà ban nãy .Chiếc áo aran  trắng với dày đặc hoa văn đẹp chị mặc ban trưa  đã được khoác lên một chiếc jacket may bằng vải jean dày , khuy  cài kín , ấm áp . Miệng chị mỉm cười , và tôi thì mừng rỡ . Chị hứa sẽ  chỉ vẽ thật cụ thể các mẫu áo tôi cần, bằng cách nhờ các em trọ nơi nhà trẻ chuyển thư hộ .Lễ chiều đã tan , một đám trẻ ùa ra cổng ; kìa hai chiếc áo mỡ gà ban trưa 
!.Bây giờ các cụ mặc nó ngoài chiếc áo dài màu nâu đậm, như càng tôn hai  chiếc áo len rất vừa vặn, rất dày, rất ấm và rất đẹp .Họ trùm khăn nhung  đen ,một món tóc bạc phất phơ trong gió chiều. Hai cụ đi qua tôi, nắm chặt tay nhau ,đôi gò má đỏ au ,khỏe mạnh .Có một cụ tay cầm chiếc que sắt nhỏ xíu .Tôi sững sờ .Cả hai đều mù .Họ đi xa dần ,lưng còn thẳng lắm, như hai thiếu nữ .Chị áo cardian giải thích , đó là hai bà cô song sinh của chị .Các cụ đã tám tư, mộ đạo, vui vầy bên con cháu .Chị nói nhỏ ,miệng tủm tỉm ,thích ăn mặc đẹp lắm .Có đứa cháu gởi len về cho là nằng nặc nhờ đan .Tôi chợt thấy nhớ mẹ .  Đã lâu lắm tôi chưa đan áo mới cho cụ  .Có lẽ sau cBẵng đi một thời gian, tôi không có dịp trở lại Vạn Thành,  vì một lý do đơn giản, trường chuyên  của tỉnh nằm tương đối gần khu vực này đã mở thêm  nhiều lớp thuộc  hệ không  chuyên .Tôi đã đan được áo mới cho mẹ . Cụ có nhiều áo len đẹp nhưng tỏ ra  yêu thích chiếc áo mới đó lắm , có dịp đi đâu là lấy mặc .Những lúc ấy,tôi lại thấy trong đầu hiện hai “thiếu nữ” đáng yêu của tôi .Cầu mang các cụ luôn khỏe mạnh .

         Mẹ tôi đi xa . Trong quan tài nhỏ,  đám con cháu gửi theo cho cụ những bộ áo quần mới của cụ , áo dài, áo len, cả chiếc áo mới  tôi tặng . Vẻ mặt mẹ bình thản .Vâng ,mẹ đã hoàn tất đời người, đã chấm hết cuộc hành trình làm mẹ .Nước mắt chúng tôi tuôn rơi.Nguyện xin  ở nơi xa, mẹ luôn vui và ấm áp


Mấy tuần sau , có chị hàng xóm đến thăm, dẫn theo một người khách .Ôi, chị  ở Vạn Thành.!Không ngờ chị vẫn còn nhớ tôi .Hôm nay trời ấm hơn,chị mặc áo len màu xanh biển đậm , đan trơn kiểu áo cardigan , mà ở đây  chúng tôi vẫn gọi là áo bà lai .Hôm trước cha xứ bên nhà thờ  ghé thăm gia đình tôi  cũng khoác  một chiếc màu lông chuột rất mới với kiểu như thế , rồi sau thánh lễ chủ nhật tôi cũng thấy ông khoác ngoài áo chùng ra tiếp khách ở sân , các bà  già xúm xít khen cha có áo đẹp, khiến ông cha xứ ngoài bảy mươi cứ cừơi mãi .Người ta bảo “già được bát canh, trẻ được manh áo”,đó là hạnh  phúc lớn lao nhất .Nhưng già có áo len mới thực sự là

 

niềm vui nhỏ nhoi cuối đời của họ .Chị Vạn Thành sung sướng cười to ,ồ thế hả ,vui nhỉ .Hình như suốt buổi chị liến thoảng mãi  điệp khúc ấy , vì câu chuyện của chúng tôi mãi xoay quanh chiếc áo len. Áo cha xứ nhà thờ xóm tôi  do chị đan .Chị còn nhận đan áo cho các ni sư trong các chùa .Chị kể có dạo các ni cô  trong một chùa nhận nuôi trẻ mồ côi thỉnh thoảng  lên nhờ chị cách tháo áo len cũ để đan lại . Áo len  mua chợ thường tháp lại bằng máy, nếu không biết rõ “kỹ thuật” của họ sẽ làm hỏng cả chiếc áo  .Khi nghe tôi khen kiểu  áo đẹp của các cụ  ở đây,chị kêu lên,ô ở nhà thờ con gà ( nhà thờ chính tòa ,ngay trung tâm thành phố )cũng có nhiều cụ mặc áo hoa văn độc đáo lắm .Chịu khó đi lễ ở đây vài lần, tìm ngồi sau lưng các cụ,ngắm nghía một lát  là học được  kiểu ngay .
 Nhưng tôi nhận ra chị hàng xóm suốt buổi hầu như rất ít nói ,nhất là đề tài về len,áo len .Hai  chị vốn từng là bạn thân thiết từ thời cùng học khóa  sư phạm áo nâu ,là khóa  đào tạo giáo viên tiểu học căn cơ nhất của tỉnh tôi ngày ấy .Họ cùng tuổi với người chị kế tôi , làm cô giáo từ khi tôi mới tập tễnh lên lớp sáu .Gọi là khóa sư phạm áo nâu vì đồng phục của họ là chiếc áo len nâu đỏ,đỏ yên chi  cùng màu với áo của học sinh trường chuyên tỉnh  hôm nay . Họ bây giờ cùng  cảnh góa bụa, phải bươn chải nuôi con ,nhưng còn một điều nữa, cả hai đều bỏ việc rất sớm, cũng vì hoàn cảnh gia đình .Đó là thế hệ thầy cô giáo ưu tú, bởi lẽ rất nhiều bạn bè họ đều giữ những vị trí cao trong trường,trong ngành giáo dục trước khi về nghỉ hưu .Nhưng tôi nhận ra chị hàng xóm suốt buổi hầu như rất ít nói ,nhất là đề tài về len,áo len .Hai  chị vốn từng là bạn thân thiết từ thời cùng học khóa  sư phạm áo nâu ,là khóa  đào tạo giáo viên tiểu học căn cơ nhất của tỉnh tôi ngày ấy 

.Họ cùng tuổi với người chị kế tôi , làm cô giáo từ khi tôi mới tập tễnh lên lớp sáu .Gọi là khóa sư phạm áo nâu vì đồng phục của họ là chiếc áo len nâu đỏ,đỏ yên chi  cùng màu với áo của học sinh trường chuyên tỉnh  hôm nay . Họ bây giờ cùng  cảnh góa bụa, phải bươn chải nuôi con ,nhưng còn một điều nữa, cả hai đều bỏ việc rất sớm, cũng vì hoàn cảnh gia đình .Đó là thế hệ thầy cô giáo ưu tú, bởi lẽ rất nhiều bạn bè họ đều giữ những vị trí cao trong trường,trong ngành giáo dục trước khi về nghỉ hưu .

Tôi tiễn khách ra về , qua cổng nhà  hai ông  anh đầu , lên đến tận đường lớn.  Bà chị dâu  cả đang loay hoay bày   mấy  chiếc nhựa ra sân để phơi một chiếc áo len lớn, cổ lọ và hai ống tay vắt ra ngoài. Đó là cách  giữ cho áo không bị chảy. Bây giờ nhà vườn ít phải gánh gồng , trong nhà không tìm đâu ra quang gióng để phơi theo kiểu Vạn Thành .Chiếc áo đàn ông ,màu xanh cô ban , còn mới và rất đẹp, lọai  len tốt nên áo chưa khô nhưng vẫn óng lên nhưng sợi lông trắng g .


     
Đó là áo của một ông khách bạn  của các anh tôi ,từ Nha trang lên chơi mấy hôm nay .Có lẽ khách sắp về nên mới mang áo giặt .Tôi rất ngạc nhiên và thích thú vị khách ở một vùng biển trời  nóng bức quanh năm,lại làm  chủ một chiếc áo sành điệu và đầy đặc trưng của miền đất lạnh này .Nhưng trong lúc tôi và chị Vạn thành dừng lại săm soi ,thì chị khuôn mặt chị hành xóm bỗng tái ngoét ,toàn  thân như co lại .Chị bước lập cập theo sau chúng tôi,đầu cúi gầm .Ra đến ngoài cổng,chị vẫn như chưa hoàn hồn .Khách và tôi phải đẩy  xe lên một đoạn  dốc ngắn,  nặng nề đẩy theo. Chúng tôi lo lắng hỏi han thì chị mệt nhọc bảo , tại thời tiết thôi . Rồi chị cứ dáng vẻ thẫn  thờ như thế cho đến khi chia tay tôi,  buồn bã ra về .Tôi đứng ngơ ngác nhìn theo .   (còn nữa )
      

Monday, September 7, 2015

người cha tốt

                                         NGƯỜI CHA TỐT
             Nghe cô bạn đồng nghiệp luôn miệng gọi “Ông  Bác sĩ Cầm, ông  Bác sĩ Cầm” ,tôi cứ hình dung trong đầu một người luống tuổi, tóc pha muối tiêu, mắt phải dùng kính lão, đi lại chậm chạp , nói năng từ tốn . Đó là những vị bác sĩ thú y có một dạo thường ghé nhà tôi ,khi trong khu chuồng trại luôn có bầy heo vài chục con , cũng ngần ấy  của đàn  gà, thêm con bò cái lấy sữa.Họ giúp cha tôi và cậu em út chữa trị những căn bệnh  các con thú này mắc phải , mà chủ trại chỉ là nông dân thuần túy, nuôi gia súc tay ngang (cậu em đã tốt  nghiệp trung cấp nông lâm súc Bảo lộc, nhưng lại chuyên đo đạc, quản lý đất đai ) phải bó tay .Họ được mọi người trong nhà kính nể , có vị còn trở nên gắn bó như người thân , ngày giỗ tết cha và cậu em thường mời họ đến uống chén rượu . Bẵng đi một thời gian , tôi không còn gặp họ .Có lẽ họ đã nghỉ hưu,một phần vì cậu em không còn đầu tư cho chăn nuôi nữa .
              Nhưng hôm nay , lại xuất hiện một bác sĩ thú y khác .Vì tôi có nuôi mấy con mèo , một con chó  và đàn gà vài ba mống !
              Viên bác sĩ này người nhỏ thó, trắng trẻo,thoạt trông cỡ như cậu học trò lớp mười tôi gặp trên trường phổ thông .Tất nhiên là số tuổi anh ta phải gấp ba . Anh ta luôn tươm tất , gọn gàng, từ tóc tai, trang phục , giày dép .Chiếc dream của anh luôn bóng loáng và oằn mình vì bốn túi xách khá to anh ta thường xuyên  mang theo , túi đựng đồ nghề, túi áo quần (bác sĩ  giải thích rằng do địa bàn “công tác” của mình rất rộng , bao trùm toàn tỉnh Lâm đồng, xuống các huyện của Nha trang , Phan rang, Đaklak… giáp ranh với Lâm đồng, vì hễ thân chủ  của chó  mèo bò heo gà  có nhu cầu gọi đến là anh ta không từ chối , bất chấp thời tiết,  giờ giấc , do đó phải mang theo hành lý ) Vì thế, có cả túi đựng đồ ăn, nước uống .Chiếc túi cuối cùng là rau củ, hoa quả chủ nhà  biếu , lúc nào cũng căng phồng .Tôi hỏi , chắc nhà anh đông người lắm hả .Anh ta thản  nhiên đáp , có ông bà nội , các cô chú .Có cô em kế là ni sư bên  tận Miến Điện .  Vợ anh làm việc ở khách sạn Palace, còn cô con gái duy nhất đang học lớp bảy .Túi đồ nghề  mở ra đầy đủ kim tiêm , bông băng , thuốc đỏ, anh giải thích rằng thỉnh thoảng gặp những người bị tai nạn dọc đường, xe tông, cây đè, anh có thể giúp họ .Tôi nhìn anh lòng đầy ngưỡng mộ .Anh là một bác sĩ tận tụy , gia đình anh thật hạnh phúc . Có một điều tôi hơi ngạc nhiên là anh còn trẻ , sao không công tác trong cơ quan nhà nước như những bác sĩ thú y trước đây ,nhưng tôi  tự nhủ không nên tò mò .
                Con mèo nhỏ của tôi bỏ ăn , anh ghé chích ba lần , trong suốt một tuần . Con mèo không qua  khỏi .Anh tìm mua cho tôi  hai con khác,lớn hơn ,rồi hai con nữa . Lần này thì chúng khỏe mạnh , sinh ra một đàn năm sáu con .Mèo lang thang khắp nhà, khách đến chơi la làng vì ở nhà trên, xuống nhà dưới đều vấp phải mèo .Trong xóm , nhà cửa được xây cất kiên cố, nhưng chẳng mấy ai chịu cho giống vật yểu điệu này ở chung .Chỉ có hai mẹ con tôi làm chủ một căn nhà xuống cấp , “ông kẹ” chạy khắp nơi nên phải nhờ mèo đe nẹt . Tôi rất sợ chuột .Ngày còn làm việc ở Đồng nai , có một ổ chuột “làm nhà” trong rương hành lý của tôi .Rương chỉ có chiếc áo len dày, mặc mỗi khi về thăm nhà, và gia đình chuột đã ủ đàn con đỏ hỏn trong ấy !.Rồi có đêm , những vị khách  này chui vô mùng..ngủ chung ! Vị bác sĩ thú y trẻ hình như hiểu được “ nỗi lòng” của tôi , nên tận tình giúp đõ , theo cách của anh ta .Khi đàn mèo trong nhà đông đảo như thế ( nhiều người khuyên tôi mang ra đồi cù , gần  hồ Xuân Hương để nó … tự lập) anh tìm chủ mới cho nó . Anh ta còn chiêu dụ tôi mua thức ăn cho mèo,  thuốc diệt  bọ chét cả vòng cổ  trừ bọ chét .Giá khá cao .Lý do vì phải năn nỉ mua lại của … công an (?)Tôi rất ngạc nhiên

               Tôi cảm  thấy mình không có tay nuôi mèo , vì chúng kén ăn èo uột , phải thuốc men thường xuyên ,lại khá tốn kém .Tôi nhớ nhà mình trước đây luôn có một con mèo già, béo ụ , khỏe mạnh, bắt chuột giỏi .Mỗi bận , xương cá sau bữa ăn nó chỉ được phần nhỏ, phần lớn ưu tiên cho con Mực .Lâu lâu, mẹ tôi nhân tiện ra chợ  thì mua cho nó một gói bột màu vàng như nghệ để diệt giun .Một lần vị bác sĩ thoái thác vì bận khách tỉnh xa , tôi lọc cọc đạp xe chở một con mèo ốm ra phòng mạch thú y  ngoài phố, theo lời hướng dẫn của cậu em . Và tôi tá hỏa .Ở đây, người ta chỉ chích cho nó một mũi duy nhất, trong chiếc xiranh  khá to , mà giá chỉ bằng một phần tư của “bác sĩ gia đình”, còn  anh ta dùng loại bé xíu như ngón tay hài nhi , chích ròng rã ba buổi .Cả các loại “phụ kiện” cũng được bác sĩ tính bằng giá trên trời . Tôi buồn , nỗi buồn của một cô giáo phát hiện ra đứa học trò lười học, dối trá .Thực ra  , từ lâu , tôi vẫn biết mình bị “chém”, nhưng tôi vẫn cứ để cho anh ta lợi dụng ,vả lại tôi không tin lối “chém” của anh ta dữ dội như thế .Bởi con tim  có những lý lẽ của nó .
                Thực ra anh không có một gia đình hạnh phúc như anh kể .Vợ anh bị bệnh tâm thần nặng và đang điều trị tận ngoài quê  Đà nẵng từ  khi bé con anh chưa được cai sữa .Đang làm cán bộ thú y nhà nước, anh phải bỏ ra ngoài, vì như thế mới có điều kiện chăm con .Anh chị em trong nhà giành hết phần lớn gia sản cha mẹ để lại , anh phải che chắn một gian riêng cuối  vườn .Ngôi nhà chênh vênh bên bờ taluy , anh phải ki cóp từng viên đá để xây bờ vách cao .Rau củ kiếm được , anh đem đổi thức ăn cho con .Tôi biết được  tường tận như thế vì có  hôm tìm thăm một em học trò, không ngờ họ là hàng xóm láng giềng của nhau .. Ngôi nhà của anh dù không có bàn tay phụ nữ mà rất sạch sẽ, ngăn nắp .Bé gái con anh xinh xắn, tươm tất , lém lỉnh. Tôi hỏi  mai mốt con có học bác sĩ thú y như ba không , nào ngờ nó bĩu môi , nghề ba khổ  thấy mồ . Nó thích đi công an . Ông bố đỡ lời .Tôi bật cười .Mới lớp bảy mà mục tiêu thật rõ ràng .
                  Ai cũng có tấm lòng, nhưng khi bị  xem thường quá thì cũng dễ  gây  tổn  thương. Đó là lý do  dẫn đến sự kết  thúc quan hệ của viên bác sĩ này với chúng tôi . Thôi thì cứ xem tôi là  khách hành, thuận mua thì vừa bán . Hôm ấy con chó của tôi đến đợt chích ngừa dại lần hai .Năm ngoái , anh bác sĩ ghé nhà chích , tôi  cứ nghĩ rằng giá tiền  sẽ rẻ , vì thuốc miễn phí như thông tin tôi nắm được . Nhưng khi cầm tờ hóa đơn, tôi thấy choáng váng .Đành bấm bụng chấp nhận . Lần này, đúng một năm sau ,anh ta đến rất bất ngờ , ra lệnh cho tôi phải xích con chó lại để cho anh tiêm phòng dại .Tôi  từ chối, vì biết  ít hôm nữa phường sẽ cử người đến tiêm miễn phí .Nhưng anh ta cương quyết tiêm cho bằng được . Con chó vốn rất quen anh, nhưng hôm nay nó không hợp tác .Thế là anh ta đổ thuốc vão dĩa thức ăn để sẵn góc chuồng .Rồi ung dung ngồi xuống hiên kê hóa đơn , gác lên cửa, và bỏ đi .Liên tiếp nhiều ngày sau, anh ta phóng xe đến để thu tiền , vẫn con số đã khiến tôi một lần choáng váng . Sau đó anh chàng còn nhiều lần tạt qua, mục đích là kiếm rau củ quanh nhà, nhưng tôi không tiếp đón .Con chó từ đó hễ thấy ai mặc trang phục toàn màu đen và phóng xe vào sân là nó rượt đuổi inh ỏi .Cả mấy con mèo trong nhà cũng bị nó dí chạy lên tuốt trên  mái .Đành phải đóng vai “điền vào chỗ trống” ,con chó nhỏ học bắt chuột,nay thì đã thành thạo .
                   Ngày tháng trôi qua .
                 Lâu nay thường có một cô gái rất trẻ và xinh đẹp , trang phục đúng mốt, cứ sáng sáng lại chạy xe đến gian phòng trọ sát khu vườn sả của tôi . Rồi một lát sau cô chở cô gái con chị khách trọ, cũng chưng diện không thua kém , ra sân , lên đường cái quan . Người mẹ gần năm mươi, mệt nhọc quảy đôi quang gánh trên vai, lặng lẽ đi sau .Chị làm nghề buôn đồng nát , dẫn con đến trọ ngay từ khi dãy nhà vừa được dựng lên, là tám năm rồi .Có nhiều người đến rồi đi, nhưng tôi vẫn thấy hằng ngày hai mẹ con ở gian phòng này ,có lẽ vì bên hông nhà có một khoảng đất  trống sạch sẽ, kín gió , có chỗ nấu nướng ngoài trời và chỗ cất chứa hàng để dành của chị . Họ rất tiết kiệm . Nước uống, nước đun tắm, cơm canh , đều đun nấu từ củi cành que lẻ chị nhặt nhạnh lúc đi mua bán hàng .Nước lạnh thì  hứng ở bồn chứa nước giếng khoan bên vườn sả . Đêm đến  gian nhà tối om , chỉ le lói một ngọn trái ớt trên bàn thờ , còn cô con thì  sang học ké ở các gian bên cạnh . Nhiều nữ sinh viên con nhà khá giả thuê riêng một phòng  và thường thức rất khuya ,luôn sẵn lòng chia sẻ .Cô con gái của chị đang ôn thi đại học . Hỏng thi  ,cô gái đi làm . Nhưng từ đó, tối tối , trong nhà luôn vang ra tiếng khóc của người mẹ , tiếng cằn nhằn của người con ,rồi có hôm xô xát, khiến vợ chồng cậu em tôi phải sang can gián . Cô gái đã đi làm, có thu nhập  nhưng vẫn thích  mẹ “bao cấp” như xưa ,người mẹ lại muốn con giành giụm để mai kia có chút tư trang khi lên xe hoa . Gian nhà lại vẫn tối om,vì cô con gái đi làm về muộn ..           
            Hôm nay tôi đang lúi húi dọn cỏ trong vườn, bỗng hai cô gái tìm đến . Cô khách lên tiếng chào như đã quen biết từ lâu ,khiến ban đầu tôi rất ngỡ ngàng .Ô, thì ra là cô con gái rượu của bác sĩ Cầm ngày nào .Tôi hỏi , con có thi vào ngành công an không,kết quả thế nào . Cô bé nhún vai .Thi công an khó lắm cô ơi ,  phải cao mét sáu, phải có lý lịch tốt . Vậy giờ học khoa gì trên này ( khu nhà tôi rất gần với trường đại học Dalat )?Cô bé mím môi, cô bạn đỡ lời , nó chưa xong lớp 12 , đang học uốn tóc , còn rảnh  thì đi  bán túi xách trên mạng . Vậy ra là lỗi do ngành công an yêu cầu cao quá nên cô bé đành  … chuyển ngành .
                Tôi đưa mắt nhìn ra xa, qua những dãy đồi ,nơi người cha ,người mẹ của hai cô gái trẻ này đang  
     đổ từng giọt mồ hôi ,nứơc mắt và cả danh dự để gom nhặt từng xu hào nhỏ , đắp vào những khoảng trống mà vợ họ , chồng họ không thể làm được  . Và theo họ , đó là  tất cả  . 
                  Tôi không dám trách họ .Tôi không biết đó là lỗi của nhà trường hay xã hội ?
                  Bác sĩ Cầm,ông là một người cha tốt nhất của con mình .         

Thursday, September 3, 2015

hạt đậu nành p3

                 NHỮNG HẠT ĐẬU NÀNH (PHẦN 3)
                          Giữa  tết Tre sinh con xứ Đà,
                                       Tha xuống Saigon lúc cuối hè .
                                       Xá Xị đôi chín mẹ ba nhóc
                                       Út Mười bốn chục ngoại tam ngoe .
                                       Cà Rốt, Cà Phê, Cà Kiu , duyệt
                                        Hoa Thuận, Hoa Hiếu, Hoa Nghĩa ,chà .
                                        Kê ,Châu, Xí, Lê giành nhau bế
                                        Bởi mẹ  mê chơi, ăn ngủ(cũng ) phê .

Bài thơ này Tre viết lúc tổ chức sinh nhật thứ ba cho các bé ,cũng là lần thứ tư chúng tôi  tiễn ông táo về chầu thiên đình từ thành phố náo nhiệt này .Con dốc chúng tôi leo để đến với bục giảng đã được bảy phần tám , biết bao lao nhọc, khi tôi là kẻ làm trò muộn,còn Tre lại nhận luôn chức làm mẹ sớm .Suốt đời tôi không quên câu nói đầy ám ảnh của mẹ tôi từ quê nhà,thuở tôi còn bé .Cụ bảo rằng đời người có hai cái khổ , đó là đi cày và đi học .Muốn thoát cảnh đi cày chỉ có con đường đi học , còn ngược lại, thì chịu khó về đi cày .Cảnh “cày đồng giữa trưa, mồ hôi tuôn như mưa” cả tôi và Tre ít nhiều đã chứng kiến, đã nếm trải .Bây giờ , cày từng con chữ, nỗi cơ cực ấy dường như chồng chất , chồng chất .Hai lòng bàn tay tôi có những ngôi sao be bé hiện lên dưới chân ngón tay trò ,  theo tử vi đó là ngôi sao may mắn . Đúng là một phần tư cuộc đời đã qua , tôi chỉ  mới chiêm niệm được một chút ý nghĩa của hai ngôi sao này , nhưng chuyện học hành thì có nhiều khi không phải chỉ dựa vào hên xui may rủi


Tre cũng tin thế . Lòng bàn tay phải bị dị tật của nó , bé xíu, mềm oằn , trắng muốt duy nhất  hiện lên hai đường chỉ nối nhau như chữ T, còn lòng bàn tay trái to bè , gân guốc như tay đàn ông thì la liệt những đường rối mù .Nhưng Tre vẫn luôn cho rằng mình có nhiều sao may mắn , may mắn đủ mọi chuyện .Tre đã gặp một lúc hai bà mẹ có trái tim nhân ái như tim Phật để cho Tre có tình thương,có sự sống .Bây giờ về đây vừa học hành , vừa phải nuôi con ,  lại vừa …cặp bồ ,Tre đã được nhận bao nhiêu cánh tay thật dài vươn ra , đỡ nâng .Hôm trên chuyến xe đò từ Biên hòa về Sài gòn để thi đại học cùng tôi, có một túi đậu nành của mấy người buôn chợ đen nhét trên kệ sát trần xe bỗng nhiên bị thủng, một nắm hạt chắc cứng rơi xuống cổ áo Tre .Nó moi ra và chia hết cho tôi,chỉ giữ lại một hạt .Nhưng ngực áo sơ  mi của cô nàng có chiếc túi khá to,tôi lại nhét vào đó . Những hạt may mắn .
               Tre về lại Dalat tưởng sẽ phải âm thầm vượt cạn trong tủi hổ, đắng cay ,nhưng những người nông dân quê tôi lại dành cho nó những nghĩa cử  ăm ắp tình người . Họ vui mừng khen “mẹ cú con tiên” khi rủ nhau lên bệnh viện tỉnh thăm nó .Ba đứa bé kháu khỉnh lập tức  được làm khai sinh hợp pháp với ba người mẹ , riêng Tre còn có hôn thú đàng hoàng .Bố đứa bé trai con Tre, thằng bé Cà Rốt Hoa Nghĩa là một thanh niên độc thân đi cưa gỗ lậu và bị cây đè chết .Cô Mười nhận làm mẹ bé gái Cà Kiu Hoa Hiếu. Cô nói  thành lời ý nghĩ của cô, rằng cô muốn Tre mai kia lấy chồng thì đứa con trai sẽ sống chung bình an với dượng ghẻ hơn.Cô Út mắt long lanh, mặt đỏ bừng hạnh phúc vì ước nguyện có kẻ chống gậy khi nằm xuống đã thành hiện thực .Ba đứa trẻ, ba người mẹ nhưng vẫn là anh em ruột thịt một nhà .Thượng đế đã ưu ái cho Tre hạt đậu nành thứ nhất .

              Khi bầu đoàn thê tử nhà Tre về thành  phố, hai nhân vật mà Tre liệt kê trong bài thơ Đường …cục của mình là Kê, và Châu lại là hạt đậu thứ hai,ba .Chị Châu chủ ngôi nhà mà tôi ấn tượng nhất bởi hầm nước dưới đáy nhà bếp , vốn là bạn thân thiết với các anh tôi thời đại học, nên chị cũng xem chúng tôi như em út, người nhà .Chị chỉ giữ lại một  phần ba căn nhà rộng rãi và yên tĩnh của mình làm chỗ nghĩ ngơi và tiếp khách, còn lại là để cho chúng tôi thuê với giá vô cùng đặc biệt .Các cô mẹ của Tre về đây được bà giáo Kê, người giám thị tốt bụng và hiểu biết hôm nào ,tìm cho một công việc khá phù hợp với “chuyên môn” của họ lúc này : chăm sóc các sản phụ tại gia .Mấy hôm đầu,sáng nào hai cô Mười và Út phải thay nhau đến từng nhà sản phụ để chăm sóc họ, có khi còn bế theo một bé để xin bú nhờ . Họ phải đáp mấy chặng xe buýt, lưng địu tay bế, rồi mưa nắng bất chợt .Hai “hạt đậu nành” này lại vắt óc, vắt tim tính toán

.             Tre học hết năm hai thì bỗng dưng bị lọt vào mắt xanh của  nữ lớp phó học tập Thu Lê .Và đây là hạt đậu nành thứ tư .Cô gái dáng nhỏ nhắn, hiền lành, chăm chỉ ấy hầu như ngày nào cũng có mặt ở nhà Tre . Giúp Tre giặt giũ, trông bé, dỗ bé ăn, bé ngủ, cả tắm táp cho các bé, rồi cùng Tre học , việc nào Lê cũng rất nhiệt tình . Mùa thực tập , trong lúc chúng tôi phải nhờ người quen đi mượn áo dài , thì Lê đã lặng lẽ may cho Tre một chiếc rất đẹp ,lấy cớ là tay Tre không phù hợp với các áo mượn, khuy cài lại không thuận bên trái .Các  cô , nhất là bà sản phụ nhanh chóng nhận ra họ là một “cặp đôi … hoàn cảnh”.Lê quê Đồng tháp, trọ học ở nhà người cô ruột ,mong ước sẽ cùng  đại gia đình  Tre hồi hương một mai vinh qui bái tổ .


                     Nhưng cô Kê đã “đặt cọc” trước rồi .Cô có một người bà con ở Long Xuyên , nhà rộng, gần chợ , gần trường cấp ba, lại bỏ không .Cô quen biết nhiều thầy cô ở  Ty (sở ) giáo dục tại đây, có thể xin cho Tre dạy tại đây .Hai bà ngoại trẻ sẽ buôn bán nhỏ trong chợ .Thế là những ngày giáp hè, khi chúng tôi đang rối bời chuyện thi tốt nghiệp , các cô đã đưa ba bé về dưới ấy, sau một chuyến cô Mười đi tiền trạm .Chị Châu cũng “theo chàng về dinh” lần hai , ngôi nhà nhiều kỷ niệm của chúng tôi sang nhượng cho chủ khác .Tre sang tá túc nhà Lê , còn tôi cũng xin trọ trong một nhà người bạn từng công tác ở huyện với tôi , nay chị đã được chuyển về Sai gon .Tôi chỉ còn thỉnh thoảng gặp Tre ở giảng đường. Tre học khác lớp với tôi, trước đây chuyện chia nhu yếu phẩm,Tre cũng chỉ chung với Lê .Tôi thoáng buồn, như  thể bị bỏ rơi .Tâm trạng ấy tôi mang về tận Dalat, khi công việc đã ổn định.


Rồi những chao đảo chuyện hôn nhân , sức khỏe, gia đình, người thân , tôi dường như không liên lạc với ai .Những giao tiếp cần thiết tôi cố gắng chỉ dừng lại ở mức tối thiểu . Cùng khóa về Lâm đồng ngày ấy chỉ có một cô ,không chung lớp với tôi và Tre ,lại định cư ở huyện xa ; lâu lâu gặp gỡ qua những chuyến công tác , tôi luôn thấy nhớ Tre nhưng không thể nào hỏi thăm được .

                          Tôi về sống lại trong ngôi nhà nhỏ thời thơ ấu .Con đường  từ nhà  ra đến ngõ bên hông ngôi đình làng vẫn ngập ngụa bùn vào  mùa mưa ,chỉ được đổ bê tông khi tôi vừa về hưu .Căn nhà gạch xây tạm bợ mà Tre từng ở nay  được dùng làm kho chứa  vật tư nông nghiệp , nhưng chủ vẫn ưu ái cho tôi một góc cuối hiên để dấu đôi ủng bết bùn , có nhiều hôm còn cho tôi gửi nhờ  xe . Các khung cửa sổ được bịt kín bằng bao tải đựng gạo ,còn hai cánh cửa  gỗ ra vào đã thay bằng cửa sắt kiên cố .Tôi vẫn thấy Tre đứng trên hiên ,lăng xăng  giúp tôi đẩy xe vào góc nhà, đôi mắt ti hí ánh lên tia cười ranh mãnh sau cặp kính cận , Ô, xin  chào dũng sĩ diệt …xe đạp , chào buổi sáng tốt lành . Đó là giọng điệu luôn châm chọc của Tre .Nó cũng biết tôi dị ứng với các loại xe mà mọi người vẫn gọi chung là gắn máy,vì ,cánh tay phải của Tre .Tuổi học phổ thông,bọn tôi cuốc bộ rất giỏi , con nhà vườn mà .

Khi tôi về Saigon học Cao đẳng sư phạm, cha tôi tìm mau cho tôi một chiếc xe đạp .Khung xe sơn màu đồng lấp lánh, nhưng tôi vừa leo lên tập đã ngã nằm một đống : khung xe bị gãy .Chủ nhà  tôi ở trọ   nghĩa hiệp cho tôi mượn dài hạn một chiếc mi ni cũ kỹ nhưng khá chắc chắn, xe của một nhà giàu có đi di tản  sau ngày 30.4 bỏ lại .Chiếc xe đã giúp tôi hoàn thành khóa học sư phạm cấp tốc ấy .Về xã công tác, do phải đi lại giữa hai cơ sở cách nhau hơn năm cây số, tôi bèn “giác ngộ” ( nói theo kiểu người ở đây,hễ thấy ngồ ngộ thì ..vác )chiếc xe  mi ni cũ  vốn là của hồi môn của bà chị dâu .Bốn năm , xe đã một phần giúp tôi được trở lại giảng đường đại học .Rồi bốn năm làm học  trò, tôi cũng “đày đọa” thêm hai chiếc nữa .Tất cả những chiếc xe một thời “dọc đường gió bụi” với tôi nay hẳn cũng đã gone with the wind ( cách nói của Tre )Trở  về với bục giảng,tôi cũng cố tậu một chiếc Charley, nhưng một bữa đỏ dốc, tôi ngã nhào; xe hỏng tùm lum, còn tay tôi bị bó bột suốt hai tháng hè .Thế là tôi thề gắn bó trọn kiếp với xe đạp .Tôi sợ nếu rủi ro chân tay mình  bị thương tật , liệu tôi có được sự mạnh mẽ, lạc quan, tếu táo, ranh mãnh và ngay thẳng như Tre không ? Có  thời gian  dài tôi phải vất vả để điều trị một căn bệnh mọi người cho là nan y , tôi rất nhạy cảm với những ai tỏ ra quan tâm, tôi cũng dễ bị kích động.Tre dường như không  bao giờ . Nó dễ mở lòng với người tốt, nhưng với kẻ tâm địa,có lẽ do vết thương quá lớn đầu đời, Tre lạnh lùng từ chối .

Tôi cứ ngày hai buổi qua lại trên con đường làng nhỏ hẹp ấy,qua cổng nhà xưa của Tre .Có một khóm dã quỳ mọc ở góc bếp, người ta nhiều lần đốn tận gốc, nhưng qua một mùa mưa.lá cành lại um tùm,rồi hoa nở, đông đến, xuân về .Tôi không còn cảm giác ngai ngái của hoa ,cũng không ngỡ ngàng khi thấy có người  bẻ quỳ về cắm Cây mai anh đào trong sân trước, mỗi dịp tết lại rộ lên sắc hồng dịu dàng, tinh khiết, như thể ai  choàng lên cây chiếc khăn voan mỏng kiêu sa.Hè đến,hoa kết thành trái .Nhưng chùm quả chín đen sẫm nhỏ bằng đầu ngón út trông như những chùm cườm kết dưới lồng đèn , tôi thấy Tre đang trèo lên cây, một tay bíu lấy cành, chân giữ thế ,còn chân kia thì thò ra … bẻ quả .

Tre hái ổi, hái mận, chanh dây, đều bằng chân, rất giỏi .Tôi chỉ việc dứng há hốc , hồi hộp, kiên nhẫn chờ .Bên kia đường là ngôi đình  làng cổ kính , có tuổi cùng với các anh lớn của tôi , mà nay họ đều đã thất thập .Những bụi cà kiu ( một loại cà chua dại ) luôn bám kín bờ rào ,trái lúc lĩu, đỏ ửng .Tre thường mang rổ ra đây hái về nấu canh .Có năm, Tre còn bứng  nguyên bụi bỏ chậu chưng trong phòng khách ngày tết , trông rất độc đáo
Một hôm tôi đi dạy về, thấy của đình mở rộng .Cậu em tôi có nhà dưới chân đình nên được giao giữ chìa khóa và tiếp khách, thì thầm bảo tôi : Con cháu ông Phạm Khắc Hòe đến thắp nhang .Đó là người có công khai phá nên mảnh đất này .Rồi cậu nhờ tôi khóa cửa đình hộ,vì đang bận chút việc .Một phụ nữ luống tuổi  bước ra . Bà Phạm thị Thành , nghệ sĩ nhân dân. Bà từ  Hà Nội vào, hình như tổng đạo diễn festival hoa ở đây. Một vài người nữa .Và kìa ,Hoa Tre ! Cũng áo blouson rộng, tóc cắt tém, dáng lộc  ngộc, nụ cười tinh quái sau làn kính cận, săng đan không cài khóa .Anh chàng ra sau cùng , xách theo hai trái sầu riêng to vừa cúng đình. Rất lịch thiệp và ý tứ, chàng trai trẻ trao tặng tôi quả  có vẻ  tươi hơn, bắt mắt hơn .Đi sau cùng , đầu hơi cúi xuống, một tay bỏ túi quần, đó là dáng của  Tre .Tre, giờ ở đâu ?Sắp rằm tháng bảy âm lịch rồi, đình có nghi lễ cúng cô hồn .Tre có nhớ năm nào một chiếc đuôi heo luộc bị rơi và mất hút  giữa bùn trên con ngõ ngang đình này .Bao nhiêu người sục sạo lội bùn đi tìm, nhưng Tre mò mẫm sau cùng, lại tìm ra .Mọi người ồ lên vui mừng, bảo rằng rồi gia đình Tre sẽ gắn bó thật lâu dài với miền quê này .Vậy mà bây giờ …


Bây giờ đã đúng ba mươi năm tôi rời trường sư phạm, cũng bặt tin Tre ngần ấy năm .
        Một chiều tháng sáu  tôi tạt qua khu Vườn hoa  thành phố thăm người bạn  ở  quầy bán hàng lưu niệm tại đây . Có chiếc xe dài ngoằng đậu sát cổng vào, khách í ới gọi nhau lên xe, tôi vấp phải một người đàn ông dáng cao to, áo quần nón giày đều trắng bốp, trông như một tảng bột khổng lồ .Khối bột ấy bất ngờ chận tôi lại, rít lên mừng rõ :Ôi, chị Xí! Tôi vô cùng ngỡ ngàng, vì hẳn từng ghé nhà mới biết được cái nickname đặc biệt ấy của mẹ dành cho tôi .Người đàn ông tay mở nón, tay nắm chắc ghi đông xe tôi ,nhe răng cười .Ồ, anh Thanh ,lớp trưởng của Tre .Thật không còn niềm vui nào bằng ! Tôi nhớ câu đầu tiên tôi hỏi anh , sau hàng loạt câu anh hỏi tôi :Anh có biết Xá Xị giờ ở đâu không ? Tôi  vẫn mong tre an lành. Ở trường tôi có một cô giáo mắt bị hiếng, thế là phải chuyển sang công tác ở bộ phận thư viện . Còn Tre,với cánh  tay như thế …  Anh vỗ vỗ trán rồi đội nón lên đầu, mắt nhìn lên những người ngồi trên xe đang hối  thúc .Anh vội móc túi rút ra chiếc các vi dít ,dúi vào tay tôi rồi nói  nhanh : Cửa  hàng hoa trong chợ Bạc Liêu,hỏi cô Năm .

            Giữa tháng bảy, tôi cùng chồng theo trường cũ đi tham miền tây .Đoàn sẽ đến tận Cà mau ,Bạc liêu , trên đường  về có khá nhiều người tạt qua Sài gòn . Tôi chỉ có một mong mỏi duy nhất là tìm thăm Tre

         Tôi nhắc đến ngôi nhà Dalat,Tre mỉm cười , cô và Lê đã mua trả góp .Mai kia về hưu ,họ sẽ đến đây , mở một nhà dưỡng lão . Ngôi nhà bên đình mọi người kiêng kỵ ,cú kẻ đến lại người đi, rồi sẽ có một sinh khí mới .

                                                       Dalat tháng 9.2015