Sunday, July 23, 2017

ĐÉN KHI NHẮM MẮT XUÔI TAY

                                          ĐẾN KHI NHẮM MẮT XUÔI TAY

   Đứa cháu tạt qua chơi. Tốt nghiệp khoa Vật Lý hạt nhân nhưng tạm thời thì đi phục vụ cho một nhà hàng -khách sạn sát bên siêu thị Big C, lương bình quân mỗi ngày bằng… gần nửa (ngày )lương hưu của bà bác già, nhưng dù sao   trong người cũng có xu  hào rủng rỉnh. Đứa  cháu nội  út ít của mẹ tôi, hôm nào  theo bà đi du lịch thác Giang Điền ở  Đồng Nai, tôi cầm que lùa nó từ dưới thác lên, nhưng vừa  quay đi thì  lại thấy nó ở dưới thác rồi. Hồi bé nó  như đứa bị còi, nhưng bây giờ chàng trai  tân cử nhân cũng tướng tá  không kém ai.   Tôi vừa xuất viện, nhờ  nó mua hàng siêu thị, bây giờ thì nhờ làm thư ký cho bà . Trời mưa bão, có lẽ nó cảm thương bà bác lủi thủi trong ngôi nhà lạnh  như nhúng nước đá nên đồng ý. Nó bảo, con đọc blog của  O Xí kể chuyện bà nội là tức cười nhất . Giỗ bà mới cách đây mấy tuần, cô cháu chở nhau  đi viếng mộ. Mẹ à, lũ cháu thấy bà tức cười,  là luôn thương nhớ  bà nhiều.
 Một mùa lễ Thương Binh liệt sĩ lại về . Bảy mươi năm, những con người  chào đời  vào ngày tháng ấy bây giờ  đều ở tuổi cổ lai hy. Lòng tôi da diết nhớ thương …
    Hai tháng nay, bà Đu Đủ không còn ghé ăn cơm trưa với tôi nữa.
  Có cửa hàng mới mà  , bận rộn lắm, hay nói theo ngôn ngữ miền sông nước của Hoa Tre , công việc đăng đăng đê đê .Người  tìm đến từ sáng sớm đến tận khuya, không chỉ là khách du lịch , mà   là mọi người qua đường, những ai cần mua các thứ nhu yếu phẩm hằng ngày, kẹo bánh, đường sữa, mắm muối.  Gian hàng chật hẹp, có lẽ bằng  một phần dãy hành lang nhà tôi, nhưng hàng họ  hình như không thiếu một thứ gì . Giang đã san nhượng  ki-ốt trong Vườn   Hoa thành phố , đổi lấy cửa hiệu này nhờ sự  hỗ trợ hai hướng . Một tín hữu trong họ đạo của  hai vợ chồng    cần bán  để  xây  homestay,  những người con bên kia bờ đại dương biếu bố món tiền dưỡng già . Tôi suýt soa,  năm nay có phúc hưởng nhiều lộc quá nghe   . Nhưng vẻ mặt  bà ta vẫn thản nhiên,có vẻ như muốn dấu niềm vui, đó là con người biết kiềm chế cảm xúc , mà  còn là một sự thật : nhận thì  phải trả, bà già ơi ! Hoa Tre từ Long Xuyên đi tham quan ( vừa nghỉ hưu nên được trường bao trọn gói ) đứng sững chứng kiến cảnh khách vào ra nườm nượp , Giang liền miệng liền tay trao hàng thối tiền, đút ngay  vào  một chiếc túi da kiểu khách du lịch cất tư trang đeo bên hông. Mới hai tháng mà đã tăng mấy cân, người béo tròn nhưng da sạm đen, hễ ngồi nghỉ là thở dốc. Cô nàng “ độc thủ đại hiệp” hỏi tôi như cảnh giác : chị có tính hùn hạp không. Bà ấy giỏi giang, chứ chị “ ba bảy hai mươi mốt giây” là  đưa đơn từ chức ngay.Tôi rụt vai ra vẻ ta đây không cần thu nhập cao, nhưng thực tế đúng như Tre biết. Tôi quen thơ thẩn ra vào ngôi nhà vắng, lại có một thời khóa biểu cố định, còn chung lưng với Giang,   mười một giờ mỗi đêm mới về đến nhà , tôi không thể làm được. Tre còn hiểu thêm : chị tính toán chậm, coi chừng đổ nợ .   Chị Nhụy cũng lên tiếng , dì có ai  đâu mà  phải lo bươn chải . Mà cũng may,  chị Xí mày làm lụng bao nhiêu  đều dồn cho hết  cho  thuốc men  nhưng không thấy nợ nần ai cả .Có khi ,chị cười lỏn lẻn, tau phải vay nóng tiền tiết kiệm  của hắn  .
   Không ai thấy tôi vướng  chuyện vay mượn  tiền bạc với ai, nhưng  tôi luôn thấy mình mắc nợ nhiều người .
  Từ khi biết học cách làm văn Nghị luận, tôi luôn nhớ một câu , không biết của ai “Mỗi một người  chúng ta đều là con nợ của xã hội”.Nhưng khi tôi đem điều này chia sẻ với học trò, nhiều đứa lập tức kéo áo nhau giễu cợt, nè mày mắc nợ tao mấy tờ giấy làm bài chưa trả nghe. Có đứa thắc mắc đến độ ngây thơ như trẻ mẫu giáo .Con được sinh ra, được ăn học , như vậy con chỉ mắc nợ bố mẹ thôi . Còn những thứ khác, thì bố mẹ cho con tiền để mua . Có nghĩa là câu nói  của ai đó hoàn toàn sai . Giang đu đủ bảo tôi, mày đem chuyện đó ra nói là học trò nó bóp méo ngay thấy không. Tụi nhóc bây giờ khó dạy lắm .
 Hoa Tre ghé thăm tôi, đi lòng vòng quanh nhà,  vui mừng gặp lại cảnh  cũ người xưa.  Cái “ old cottage” này của chị  tuyệt vời quá rồi. Ừ thì không có ông bà để phần, tao  chỉ có nước  ra bờ mương . Tre có hai mẹ già, ba người con một thời  “ không  có một chỗ chui ra chui vô”. Nàng Em Hoa tâm sự , thì chị nghĩ coi, lương ba đồng ba cọc, hai má ngày một già, ba nhóc thì lớn vùn vụn, xoay chuyện ăn chuyện học cho tụi nó toát mồ hôi.  Nếu hồi đó Cô Kê không cho mượn  cái nhà ông bà cổ để lại, tụi em chắc làm dân vạn đò . Tre vì thế mà luôn tìm cách san sẻ những gì trong tầm tay cho mọi người. Cô Mười kể hồi mới về đây, sáng nào đến trường Tre cũng chở chị bán  xôi đến trường. Bà bầu sắp nằm chỗ, thúng xôi to, ngồi chễm chệ đằng sau chiếc xe đạp mi ni cũ kỹ, mặc cho Tre  gồng mình leo cầu, đổ dốc. Mấy ông ngồi uống “ xây chừng” trong quán trêu ghẹo, ê ê, nhái chở cóc kìa , Tre chẳng thèm ngoái cổ nhìn, nhưng có dịp ghé quán, cô giáo lên lớp : mắt mấy chú để đâu, để trên mặt hay sau gáy . Việc chở thím ấy lẽ ra mấy chú phải làm phụ  . Còn không, mấy chú đi chỗ khác chơi . Tre bảo, hăm cho  đỡ ghét mấy thằng cha ngồi không, nhưng đó là cách Tre trả những món nợ được nhận một cách “ nhưng không” từ nhiều người . Tôi cũng mắc nợ Tre. Hồi đi học ở khoa Sư phạm, tôi cũng có nhiều nỗi buồn, Tre bảo, một bữa hai đứa  đứng trên hành lang giảng đường  nhìn trời nhìn đất. Nè, chị có thấy đám mây xám kia không . Nó có đứng yên mãi đâu, nó phải bay đi. Kìa, nó tan dần đó. Hai bà giáo tương lai chăm chú theo dõi đám mây cứ dạt về cuối trời, không  nhớ rằng có những nỗi buốn lảng vảng đâu đây. Rồi sẽ qua tất cả .

 Năm nào lễ Thương Binh liệt sĩ cũng mưa. Mùa mưa và mùa tri ân.   Những buổi lễ trang trọng được tổ chức khắp nơi, những tấm lòng thành kính .Và những giọt nước mắt, những giòng lệ nóng tuôn trào. Tôi rất muốn rủ chị Hạ Em đi Côn Đảo, nhưng chị bây giờ lại xuống Bình Dương để cùng bà Dì Năm thăm con cháu. Chị điện cho tôi : nè có bà Chủ tịch Quốc hội đi thăm Côn Đảo đó, không một ai quên những người nằm  ngoài ấy đâu.Coi  như bà ấy thay chị em mình đi thăm H. rồi. Chị dặn thêm , mi tối tối nhớ sang nhà tao thắp nhang cho H . nghe.
 Đêm hôm qua có một buổi lễ ngoài Côn Đảo. Một vị cán bộ nữ  có giọng nói Nam Bộ rất giống  Hoa Tre từ  thành phố Hồ Chí Minh ra đây dự lễ,  bật khóc, khiến tôi cũng khóc theo. Chị ạ,  chúng ta hãy cố gắng  sống làm  sao cho xứng đáng  với những người đã nằm xuống vì chính chúng ta, con cháu  chúng ta . Hãy hứa cùng  nhau Quyết Tâm, như tên của chị,chị nhé .
    Tôi thấy đứa cháu đang  đọc một trang tin trên báo 40 năm khắc khoải một lời thề . Ngày đất nước hòa bình, người nào còn sống thì đi tìm mộ của người đã hy sinh. Bằng giá nào cũng phải đưa nhau về được quê cha, đất mẹ…” - Giữ trọn lời thề, lời hứa ấy, 40 năm qua ông Đỗ Thanh Bình (thị trấn Ea T’ling, huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông) không ngừng thôi thúc mình đi tìm mộ đồng đội.

Công việc của tôi chỉ  có thể làm cho các anh chị liệt sĩ là viết những trang  blog tri ân họ    cho đến khi nào tôi phải  chấm dứt cuộc hành trình dương gian này …

                                                                   Nguyên Xuân
                                                         Lễ Thương Binh Liệt Sĩ 2017


Tuesday, July 18, 2017

Đò LÈN

THỂ THƠ TÁM CHỮ
-           ĐÒ LÈN  (Nguyễn Duy )
-          Thơ tám chữ là thể thơ mỗi câu thơ có tám chữ.   Theo nhà nghiên cứu thơ mới Hoài Thanh , thể thơ này có nguồn gốc từ  ca trù .  Ca trù là dạng nghệ thuật biểu diễn dùng nhiều thể văn chương như thể phú, thể truyện, thể ngâm, nhưng thể văn chương phổ biến nhất là hát nói. Ca trù (  hay còn gọi là hát cô đầu, hát ả đào, hát nhà tơ, hát nhà trò- thể thơ đậm màu sắc dân tộc) là một loại hình diễn xướng bằng âm giai rất thịnh hành tại khu vực Bắc Bộ  Bắc Trung Bộ Việt Nam, rất thịnh hành từ thế kỷ 15, từng là một loại ca trong cung đình và được giới quý tộc  trí thức yêu thích. Ca trù là một sự phối hợp nhuần nhuyễn và đỉnh cao giữa thi ca  âm nhạc.
Một số nhà nghiên cứu còn  cho rằng  thể thơ này   từng chịu ảnh   hưởng thể  sonnet ( thi khúc ) của phương Tây,  số từ trong câu dao động  từ bảy và tám.
 Good friend, for Jesus' sake forbeare (Tránh xa nấm mồ của ta)
 Blessed be the man that spares these stones( Người nào gìn giữ và không động đến mộ ta sẽ được phước lành.)
, (Shakespear)
   Oh! combien de marins, combien de capitaines(bao nhiêu thủy thủ, bao nhiêu thuyền trưởng)
   Combien ont disparu, dure et triste fortune! (Có bao nhiêu đã biến mất, khó khăn và buồn may mắn!)
  (Victor Hugo và Đêm đại  dương..   )
 I'm going out to clean the pasture spring(Tôi ra đi dọn đồng cỏ mùa xuân)
;I'll only stop to rake the leaves away(Trên đồng cỏ tôi sẽ cào lá rụng)
 (The Pasture- nhà thơ Mỹ Robert  Frost)
Thể   thơ  tám chữ  được cách nhà thơ mới  sáng tạo  trước năm 1936 ( trước khi ông Thao Thao đề xướng ) Vần liên chân được tận dụng, nhưng yêu vận (vần  giữa câu ) hầu như biến mất
Ở đây, chúng ta chú ý  đặc điểm: thơ tám chữ  được hình thành  từ ca trù , gồm  bốn  thể văn chương như thể phú, thể truyện, thể ngâm, hát nói mà tạo nên .
Phú theo nghĩa đen chủ yếu là thể văn tả cảnh. và liên kết với nội tâm để tả tình.  Số chữ từng câu trong bài phú có thể là bốn, năm  hoặc bảy Phú lưu thủy là dạng  phú không hạn chế số chữ, có khi lên mốc tám , gần như văn xuôi.
- Truyện gắn liền với động tác kể : ai?  Làm việc gì ? Ở đâu ? Lúc nào ?  truyện  gồm có nhân vật, có tình tiết .
-Ngâm khúc gắn liền với thể  thơ song thất lục bát. Câu song thất vần trắc xen câu lục bát vần bằng; có vần chân và vần lưng khiến cho âm điệu xoắn xuýt, thích hợp với nỗi lòng  ai oán, thương xót sầu muộn , nỗi buồn thăm thẳm da diết . Ngâm khúc thường dùng nhiều tiểu đối và  từ Hán Việt cho câu thơ tha thiết trang trọng.
- Hát nói.  là một làn điệu của hát ả đào( Hát ả đào gồm  nhiều làn điệu có hình thức  văn học và âm nhạc hoàn chỉnh nhất ).  Xét về mặt văn  học, hát nói được xem là một thể thơ cách luật , nội dung ngợi ca .Số từ trong câu thường là  tám .
-   Thơ tám  chữ còn ảnh hưởng phép tắc tu từ, thanh vận của thơ hiện đại phương Tây
Ta có thể hiểu thơ tám chữ và là hướng để đọc thể thơ này :
-           Mượn câu bát trong thơ song thất lục bát , trong phú và trong hát nói , nhưng chỉ chọn vần chân .( Thể  thơ song thất lục bát có vần lưng) , mượn nhịp điệu (  cao thấp ) tiết tấu ( nhanh chậm )  luôn thay đổi và phóng túng  của hát nói
-           Mượn nội dung kể truyện  (truyện) tả  cảnh ,tả tình ( phú ), mượn nỗi lòng  ai oán, , nỗi buồn thăm thẳm da diết ( ngâm khúc ), hoặc    nhiều cung bậc cảm xúc  ngợi ca  của phú và hát nói.
-          Có sự phối hợp nhuần nhuyễn đạt đến đỉnh cao của thi ca  âm nhạc: truyền thống và hiện đại
Có rất nhiều bài  thể thơ mới tám chữ : Xuân Diệu (Vội vàng,Tương tư chiều, Lời kỹ nữ … ) Huy Cận (Đi giữa đường thơm, Nhạc sầu ..)Tế Hanh ( Quê hương, Ao ước ) Chế Lan Viên (Đêm tàn, Trên đường về )Đoàn Văn Cừ ( Chợ tết )Anh Thơ (Chiều xuân) Hàn Mặc Tử(Trường tương tư, Đêm xuân cầu nguyện, Ra đời… )
Thơ hiện đại : Tố Hữu ( Mùa thu mới , Người con gái Việt Nam) Trương Nam Hương ( Cảm nhận chiều Dalat, Xa lắc mùa thu )Lê Minh Quốc (Nhớ  Đông Ky Sôt)Phan  thị Thanh  Nhàn (Hà Nội mùa thu , Rồi có thể)
ĐÒ LÈN  (Nguyễn Duy )  đọc như  thế nào ?
1.      Nhà thơ kể lại cuộc đời người bà qua những hồi ức tuổi thơ được sống bên bà
- cháu hồn nhiên ,nghịch ngợm, luôn động đậy chân tay ( bắt chim, trộm vải, trèo tượng Phật, đi câu,đi chùa )
- bà vất vả mưu sinh , tay chân luôn không ngơi nghỉ ( mò cua xúc tép, gánh chè, bán trứng , đi lễ đền )
 - cả hai sống trong nghèo khó và  chiến tranh ( đi chân đất, củ going luộc sượng, bom  Mỹ dội bay nhà )
- có một niềm tin vào thần thánh tiên phật ( mùi huệ trắng,nhang trầm thơm )
- cháu đi bộ đội- bà cũng đi về  với tiên phật
2. Nhà thơ tả nhiều về bà, ít về mình :
       - níu váy bà : Bàn tay cháu thật nhỏ bé, chiếc váy là biểu tượng  của phụ nữ nông thôn Miền Bắc xưa , là sự  tần tảo, cần cù, hy sinh, nhân ái,bao dung mà dành cho cháu.
     -  thập thững : những bước cao, bước thấp, liều lĩnh, mò mẫm trên con đường lầy lội,  trong đêm tối, giá buốt,  đói lạnh, đường xa,gánh  nặng nhọc, cô đơn âm thầm , sức khỏe của bà thì không còn nhiều gợi  nỗi xót thương của người cảm nhận
 3. Giòng cảm xúc:
  -  chế giễu,trách móc sự hồn nhiên,vô tâm đầy con trẻ của mình
 - thương yêu  bà
 - biết ơn bà

  
3 .Vần : Cả bài thơ có cách gieo vần   dựa vào âm của các địa danh :  chợ Bình Lâm, chùa Trần, đền Sòng, đồng Quan, ga Lèn , những từ ngữ liên quan đến tôn giáo tiên phật thánh thần, chùa chiền, cô đồng và từ tả thời tiết rất ấn tượng đêm hàn. Âm hưởng dư vương ở những từ đồng âm khói trầm thơm, điệu hát văn như quyện chặt với  những vần  khép và ôm của bài, chở theo một cảm xúc   gắn bó ,,thiết tha .Đây là lối gieo vần của thể thất ngôn trường thiên, chỉ một vần duy nhất, tạo không khí bi tráng của thể hành .
- vô số địa danh được nhắc đến, ở huyện Hà Trung( quê    ngoại tác giả , tỉnh Thanh Hóa ) và thành phố Tam Điệp ở tỉnh  Ninh Bình .  Tác giả chỉ dừng lại ở đó, nhưng chúng ta thấm   thía nỗi khát khao no đủ, yên bình  trong lòng bà và biết bao khó nhọc bà phải trải qua, cũng là niềm thương, nỗi buồn của nhà thơ dành  cho bà .


-  Đò Lèn :  Khu vực Đò Lèn (khoảng 3 km2) có Cầu Đò Lèn nhà ga, hệ thống kho hàng, bến bãi, trường học, bệnh xá, cơ quan nhà nước và khá đông dân cư.. Nhà thơ  sống ở dãy nhà không số, mái rạ xen lẫn mái ngói. Người dân phố Lèn lúc bấy giờ kiếm sống bằng đủ thứ nghề. Sông Đò Lèn là một nhánh của hạ lưu sông Mã chảy qua địa phận huyện Hậu Lộcvà Hà Trung(quê ngoại ) rồi đổ ra biển. Cầu Đò Lèn là huyết mạch giao thông quan trọng trên quốc lộ IA và đường sắt Bắc-Nam Ga Lèn  là  sân ga xe lửa bên bờ sông Lèn


-Tác giả : Nguyễn Duy tên là Nguyễn Duy Nhuệ, sinh năm 1948, tại quê ngoại huyện Hà Trung, lớn lên theo cha về sống tại phường Đông Vệ, TP. Thanh Hóa. Năm 1966, ông nhập ngũ làm lính đường dây của bộ đội thông tin, tham gia chiến đấu nhiều năm trên các chiến trường đường 9 - Khe Sanh, Đường 9 - Nam Lào, Nam Lào, chiến trường miền Nam, biên giới phía Bắc (năm 1979).
 . Xuất ngũ ông theo học Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội.

Nhân vật trữ tình : Đọc kỹ bài thơ , ta thấy tác giả kể lại những chuỗi ngày sống bên bà , từ lúc còn rất bé , khoảng lên năm ( níu váy ) cho đến tuổi  biết leo trèo , nghịch ngợm  ( leo lên tượng Phật, trèo cây trộm quả   )rồi tuổi thiếu niên ( đi xem lễ  cúng trên đền ) Ông sống hồn nhiên, vô tư. không bận  tâm đến sức mạnh thần linh và nỗi vất vả của bà
 Năm 1982,  lúc này ở tuổi  tam thập nhi lập, thấu hiểu phần nào lẽ  đời, người bà đã đi xa, người cháu mới “ nhìn thấy” : cuộc sống  đầy  lao khổ của bà  vì  cháu. Bà qua đôi mắt của người cháu  từ bé đến lớn là một   người  xuất thân  thuộc giới lao động nghèo (  tần tảo nhiều nghề  ở phố thị lẫn nông  thôn để mưu sinh , cuộc sống thiếu thốn) có một đức tin mãnh liệt vào thế giới thần thánh, bà rất yêu thương cháu  .
 Ở đây, nhân vật trữ tình là tác giả .  Người bà là hình   tượng   cao đẹp để tác giả bày tỏ nỗi niềm ..  Có một nhân  vật để tác giả bộc bạch  tâm sự , đó là độc giả .Vì vậy mà ông xưng “ tôi “ thay vì “ cháu”
1        . C uộc sống trong đời thường của hai bà cháu :
- Người bà xuất hiện vơí  trang phục truyền thống của người phụ nữ xưa ( mặc váy) Quần không đáy, "vừa bằng cái thúng mà thủng hai đầu, bên ta thì có bên Tàu thì không", Nhà thơ Anh Thơ đã viết Quanh bếp ấm nồi bánh chưng sùng sục, Thằng cu con dụi mắt cố chờ ăn Đĩ nhớn mơ chiếc váy sồi đen rức, Bà lão nằm tính tuổi sắp thêm năm (Đêm ba mươi tết, 1941) Từ “váy” với thời điểm của tác giả , những năm 1950, có thể hiểu  nhiều nghĩa : người bà  luôn có ý thức gìn giữ phong tục tập quán đẹp đẽ của người phụ nữ xưa ( lam lũ, hy sinh, lạc quan ,giàu lòng nhân ái ,sống đức độ  ). và rất nghèo . Danh từ  váy còn mang giá trị hoán dụ, chỉ cả con người bà, tấm lòng yêu cháu bao la của người bà hẳn tuổi đã ngũ tuần .  Từ “ váy” còn cho thấy sự lam lũ,vất vả  của bà  vì mưu sinh : mò cua xúc tép, đi gánh chè lá, đi bán trứng . Bản thân cụm từ  “mò cua xúc tép” gợi lên bao gian khổ . Thành ngữ “ mò cua b ắt ốc” thường gắn liền với cuộc đời những người lao động nghèo, không có đất sản xuất, phải làm công  việc ở thế cùng đường ( vô nghề đi tát, mạt nghề đi câu). Hai câu thơ “bà đi gánh chè xanh Ba Trại ,Quán Cháo, Đồng Giao thập thững những đêm hàndưới hình thức là một câu thơ vắt giòng , bởi chỉ có một chủ ngữ ( bà ), nhưng để rõ nghĩa, cần phải bổ sung một chủ ngữ  “ Dáng bà thập thững những đêm hàn”. Chè xanh Ba Trại ở vùng Tam Điệp (Ninh Bình) là một loại chè ngon nổi tiếng có lịch sử lâu đời từ vài trăm năm trước (Muốn ăn cơm trắng cá mèThì về Ba Trại hái chè với anh".). Nhưng vùng này , khoảng những năm trước 1960( khi tác giả còn bé ) đền Quán Cháo( xứ Đồng Giao ) là một miếu thờ nhỏ lọt thỏm giữ bốn bề lau lách. .... Nhắc đến Đồng Giao Quán Cháo hồi ấy, người ta nghĩ ngay đến hổ. Hổ dữ đã trở thành nỗi khiếp đảm với người dân bản xứ và những công nhân Nông trường Đồng Giao Con đường trước cửa đền – bây giờ là QL1A- một lối mòn nhỏ nằm vắt qua một con suối lớn chảy từ Hoà Bình về, mùa  mưa lũ  hay mưa phùn vào đông thì  lầy lội , việc  qua lại rất khó khăn.  Bà  “ thập thững” , lê những bước cao, bước thấp, liều lĩnh, mò mẫm trên con đường lầy lội,  trong đêm tối, giá buốt,  đói lạnh, đường xa,gánh  nặng nhọc, cô đơn âm thầm , sức khỏe của bà thì không còn nhiều gợi  nỗi xót thương của người cảm nhận. Câu thơ chín chữ, có thể thừa từ “ những” nhưng chính từ những mới cho thấy   sự lam lũ  triền miên , đi cùng từ “ đêm hàn” ( thay vì đêm đông ) càng thấm thía sự hy sinh to lớn của bà  vì con,vì cháu. Những địa danh này ở tận Ninh Bình, vùng giáp ranh với Hà Trung, Thanh Hóa, mới  biết bà lặn lội  xuôi ( đi mò cua ở đồng nước ) lên ngược ( lên dãy núi Tam Điệp )  để mưu sinh . Ai qua Quán Cháo - Đồng Giao. Má hồng để lại, xanh xao theo về”. Câu ca ai oán ấy nói về một thời hoang vu của vùng đất Tam Điệp (Ninh Bình) Không rõ bà đi gánh thuê  cho người ta để lấy tiền công hay đi  buôn và tự mình gánh về Hẳn là bà ở vị trí thứ hai. Dáng “ thập thững” của bà thật ám ảnh   biết bao.
 Rồi bà đi bán trứng . Hình ảnh này khiến chúng ta nhớ đến bài ca dao Mười cái trứng. Người nông dân chắt chiu mua về, nhưng đem ấp thì bảy trứng ung, ba con nở ra thì “ con diều tha, con quạ  bắt, con cắt xơi” . Nhưng chủ nhân vẫn lạc quan : Chớ than phận khó ai ơi, còn da lông mọc còn cồi nẩy cây”. Câu thơ này nằm  cuối một đoạn thơ đầy  đau thương, căm hận Bom Mỹ giội nhà bà tôi bay mất , Ngày 03/4/1965, từng tốp máy bay Mỹ từ phía biển xuất hiện, gầm rú như xé nát bầu trời, trong chốc nhát bổ nhào ném bom đánh phá dữ dội khu vực Cầu Đò Lèn, nhưng không làm người bà nao lòng: bà tôi đi bán trứng ,ở ngay nơi ác liệt nhất. Bà là người phụ nữ kiên cường .
  Nhà thơ đã đúc kết tất cả sự lao nhọc, vì yêu thương người khác , cả cái nghèo của bà  bằng một từ đầy  lòng tri ân  : bà tôi cơ cực thế Cơ là  đói kém,mất mùa ,  cực là sự nghèo khổ, lao động nặng nhọc.Phó từ “ thế” (lắm, rất )như tô đậm  cuộc sống khó khăn,vất vả, thiếu thốn  của bà, mà tất cả cũng vì cháu mình , nhà thơ  đấy . Ở đây, có nét nổi toát  hiện lên từ  trong  con người bà : rất thương yêu cháu  Vẫn thấm thía câu “ tình ngoại mang nhiều máu mẹ”


-  Tình cảm cháu dành cho bà như thế nào ? Nhà thơ liệt kể một kỉ niệm đẹp bên bà “ níu váy bà đi chợ” . Biết bao ý nghĩa ở từ này. Níu là động  từ ở đây  có nghĩa là “  kéo xuống, nắm giữ thật chặt, không dám buông ra vì sợ, nhưng thích thú, yên tâm ,vui mừng vì đó là “váy bà” . Níu váy đi chợ  thì ắt hẳn sẽ có quà  bánh . Cuộc sống thiếu thốn trong chiến tranh ( đi chân đất xem lễ, củ giong luộc sượng) đất nước không có  sự yên ổn (bom đạn giặc ), mà cháu lại vô tư, hồn nhiên sống, có lẽ nhà thơ khi ấy chưa ý thức được , “ đâu biết bà cơ cực thế”, cứ  thản nhiên tận hưởng cuộc sống (quà bánh,leo trèo  nghịch ngợm, bên những trò đùa tuổi thơ rong chơi  trong khi bà vô cùng gian nan vất vả kiếm sống . Hàng loạt động từ bên cạnh từ níu :  ra cống Na câu cá, bắt chim sẻ trộm nhãn , lên chơi đền ,đi đêm xem lễ , mà không hề có một câu nào  kể lại hành động giúp đỡ bà, cũng không hề có một lời nhắc nhở, trách  mắng của bà về lỗi lầm của  đứa cháu. Có thể vì  hiểu cháu vắng bố mẹ bên cạnh, hơn nữa,cái quan niệm dân gian “Cháu ngoại vác mai qua mồ”  hay “ cháu bà nội , tội bà ngoại” lại có câu “ cháu hư tại bà” ám chỉ những bi kịch bà và cháu ngoại. Tôi đâu biết bà tôi cơ cực thế Mà cháu lại vô tư, hồn nhiên sống, có lẽ nhà thơ khi ấy chưa ý thức được
 2.  Quan niệm về tâm linh của bà và cháu :
- bà thường viếng chùa ( có Phật bà quan âm ) đền ( thờ Mẫu ) để phó thác cuộc  đời gian khổ  của mình và cháu , để cầu mong các quyền năng bảo trữ và che chở con người của thánh thần . “ Đền Sòng thiêng nhất  xứ Thanh”. Người xưa từng ngưỡng vọng và bà của nhà thơ cũng có một niềm tin như thế . Đền Sòng, tín ngưỡng thờ Mẫu Việt Nam là một tôn giáo  bản    địa ,lấy việc tôn thờ Mẫu (Mẹ) làm thần tượng . Mượn hình ảnh Đền, Cô đồng, tác giả như muốn nói cuộc sống an phận, nhưng muốn đề cao bà ngoại,một biểu tượng của người phụ nữ, Thánh Mẫu giàu lòng nhân ái, hy sinh , ngày đêm bảo bọc chở che nhà thơ .Hoa huệ trắng đại diện cho lòng trung thành, tái sinh và tinh khiết, mang những phẩm chất  cao đẹp   của  phụ nữ( cần cù, giản dị, hy sinh ), giải tỏa nỗi đau trong lòng khi có sự mất mát  , khát vọng no đủ  cũng   để ca ngợi bà  mình . Hai câu thơ có cùng những hình ảnh và cảm nhận “mùi huệ trắng quyện khói trầm thơm lắm
cứ nghe thơm mùi huệ trắng hương trầm.  như càng tô đậm tấm lòng tin tưởng vào thần linh của bà ,  đấng tối cao có sức mạnh bảo vệ người ngay lành, đuổi ma quỉ đi xa
 - người cháu có vẻ thờ ơ với  đức tin của bà , cho rằng  mình “trong suốt giữa hai bờ hư - thực, giữa bà và tiên phật thánh thần”.  Trong suốt là một tính từ miêu tả, chỉ một vật như gương có thể nhìn thấy tất cả bên  trong , nhưng đây lại mang ý nghĩa tâm trạng: sự vô tâm , thiếu  đức tin tôn giáo của người cháu   Thaí độ này càng lộ liễu khi chàng trai tuổi   lộc ngộc  nhận  thấy  thần thánh không thắng được ma quỉ,  bom đạn “Bom Mỹ giội nhà bà tôi bay mất ,đền Sòng bay bay tuốt cả chùa chiền ,Thánh với Phật rủ nhau đi đâu hết” .Một loạt  cụm từ đồng nghĩa “nhà bay mất, đền chùa bay tuốt,  Thánh Phật đi đâu hết”  Các đấng bậc thần linh tạo cho nhân dân một sự tin cậy vào sức mạnh siêu nhiên của họ ( tránh nghèo đói, tai ương, bom đạn )là  cõi hư vô  này đã thỏa hiệp với nhau ( rủ nhau) quay lưng trước  nỗi khổ vô bờ của dân lành , yếu thế trước bọn  giặc vô cùng tàn bạo .   Dường như nhà  thơ không  chế giễu tấm lòng trông cậy  mãnh liệt của người bà già nua trước thần phật mà tỏ thái độ. chất chứa nỗi chế giễu, khinh bỉ và căm giận kẻ thù gây ra cảnh tàn phá này . Nhưng đây là động cơ thôi thúc anh ra trận .Anh , người cháu  trai tráng  mới có thể bảo vệ bà, chứ không có tiên phật nào cả .
 Tuy nhiên, ý nguyện của bà là mong anh nhận  được sự bình an trước thánh thần , khi vui chơi, khi đói khổ “cái năm đói củ dong riềng luộc sượng,cứ nghe thơm mùi huệ trắng hương trầm  hay “chân đất đi đêm xem lễ đền Sòng ,mùi huệ trắng quyện khói trầm thơm lắm” Trầm hương là một phần không thể thiếu được trong các nghi thức tôn giáo, phong thủy và tâm linh. tẩy uế trừ tà.

3  Bây giờ, anh  lại tìm đến bên bà :
-  cuộc số vẫn phải chấp nhận những qui luật mất mát,đổi thay(  dòng sông vẫn bên lở bên bồi) . Một qui luật  buồn thương khác là bà anh  chỉ đi với anh  một quãng đường thôi, nay bà đã về với tiên phật.
- nhưng anh lại muốn có sự trái qui luật nào  đó : anh ân hận , day dứt, bởi “ tôi Tôi đâu biết bà tôi cơ cực thế”khi tôi biết thương bà thì đã muộn”. Câu thơ mang theo tiếng khóc nức nở của ngươi cháu .Lẽ ra thuở còn có bà bên cạnh, anh phải hiểu bà nhiều hơn .
Cả bài thơ dồn lại ở động từ vừa là  cử chỉ, vừa là tấm lòng, cũng là nhận thức “ biết thương bà” .
 Cả cuộc đời bà, nhà thơ  chỉ một lần  bắt gặp bà được thong dong, nhưng đó là thong dong trong đói kém , cái năm đói củ dong riềng luộc sượng Củ dong riềng, một loại  thực phẩm dùng làm bún miến; loại củ này luộc rất lâu chín . Luộc sượng là luộc  chưa chín .Lúc thiếu thốn, gạo cơm không có, củi lửa cũng phải tằn tiện .  Còn lúc nào tác giả cũng thấy bà tất bật, đi chợ, đi mò cua xúc tép, đi gánh chè, đi bán trứng, cả  tìm đến nơi  thiêng liêng có bà có cháu : đi chơi đền, chân đất đi đem xem lễ .tay cứ nghe thơm mùi huệ trắng hương trầm  hay “chân đấ
t đi đêm xem lễ đền Sòng ,mùi huệ trắng quyện khói trầm thơm lắm Và lúc bà được ngơi nghỉ thì… bà chỉ còn là một nấm cỏ thôi. Thương bà biết bao nhiêu!

Suốt bài thơ, chỉ có một  ngôn ngữ giản dị đến  tận cùng, như lời ăn tiếng nói hằng ngày trong  chuỗi năm tháng từ tuổi thơ đến trưởng thành  của tác giả  bên cạnh người bà thân yêu.
Bài thơ có nhan đề Đò Lèn, là   nói đến  cả một vùng quê nghèo của mà giàu tình"; "đơn sơ mà phong phú"; "khổ cực mà thông minh"; "anh dũng vô song"! Vùng đất "địa linh nhân kiệt", vùng đất "phát tích của những vương triều"( tổ tiên triều Nguyễn ) vùng đất "của những con người mở đất về phương Nam"; vùng đất của những "danh thắng" nổi tiếng, vùng đất của những "đền chùa miếu mạo"; vùng đất "cửa ngõ phía Bắc Xứ Thanh"  , trong đó hiện lên một người phụ nữ Việt Nam  như một biểu tượng đẹp  đẽ của tình thương, hy sinh, lam lũ, lạc quan  , nghèo khó
 Có thể mượn lại câu nói của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn: "Tâm hồn tuổi thơ  Nguyễn Duy giống như đám đất hoang, còn  trái tim nhà thơ  Nguyễn Duy là thứ cây quý mọc trên đám đất hoang đó."