Thursday, December 22, 2016

thương mùa sao hồng đào (tt)

                          THƯƠNG MÙA SAO HỒNG ĐÀO (tiếp theo )

Nhưng  chàng  ca sĩ hôm ấy khẽ cúi đầu ,bảo sẽ hát một bài về Noel. Anh đùa, bài này ông Nguyễn Văn Đông đứng ở quan điểm khác , nhưng mình chọn lọc những câu phù hợp. Như cháo vậy, chỉ ăn xác, không lấy nước .
     Anh ngồi nơi bàn, đối diện với anh Kem, trên chiếc  ghế tựa cũ, cây đàn cũng cũ, chiếc áo len màu mỡ gà ,cổ tròn sờn mồ  hôi, tay áo rạn đường đan, nhưng những hoa văn giây thừng trên áo vẫn như bện bằng  len rồi gắn lên , nổi cuồn cuộn, chắc chắn. Chiếc áo giúp anh đỡ gầy ốm , dù anh bảo , cả nhà anh ai cũng đều là bộ xương mẫu trong phòng thí nghiệm . Chỉ có bài hát là mới , lần đầu tiên tôi nghe, rõ từng lời . Anh Thạch đã dấu dưới lớp khăn trải bàn một chiếc loa  ghi âm thu lại, không ngờ đó  kỷ vật của anh , một vài lần về sau này chị Hạ Em mở ra nghe,cảm nhận được tiếng rít trượt  của giây  đàn khi anh đổi gam, nghe được từng hơi anh thở .Khi anh nói hằng ngày, giọng có pha âm hưởng xứ Quảng của anh, nhưng khi hát,anh chọn giọng rất chuẩn, rất mượt mà,  rất sang. Chị Nhụy vẫn đùa , ca sĩ  Duy Trác ,m ột ca sĩ nổi tiếng ngày ấy được giới trí thức rất ngưỡng mộ .Tôi thường không đồng tình với chị Nhụy nhiều thứ, nhưng ở chất giọng hai người này, chúng tôi đều say mê . Anh Kem đã cầm hai cái đấm lên ,chuẩn bị đón nhịp,nhưng cuối cùng, mọi người cùng lặng theo tiếng đàn, tiếng hát của anh Đanuýp .    
              Một mùa sao sáng đêm Noel Chúa sinh ra đời. Người hẹn cùng tôi ngày về khi đất nước yên vui. Quỳ lạy Me Maria lòng Mẹ từ bi bao la ,tấu khúc nhạc lên xin ơn trên ban cho nhà Nam .
     Anh có thói quen ôm chặt cây đàn vào lòng mỗi khi đàn và hát .Hôm nay, tôi có cảm giác như anh đang ghì thật chặt, như sợ cây đàn có cánh bay mất, giọng anh như đang kể lại một kỷ niệm đẹp nào đó, với lòng thiết tha thương nhớ, và rồi anh cầu nguyện, van xin .Chưa bao giờ tôi nghe anh hát với nỗi da diết đến thế . Đêm nay tôi nhớ người chưa trở lại, chênh chếch mùa sao lạc loài. Ôi những mùa sao lẻ đôi. Cho tôi thương nhớ mùa sao ngày nào, thương những mùa sao hồng đào. Ôi những mùa sao cách xa Lạy Mẹ đồng trinh ban ơn người Việt càng thương nhau hơn . Mọi người đều cúi đầu nghe anh hát ,chỉ có tôi ngồi xếp bằng trên một góc chiếc phản rộng,lưng tựa vào tường, chăm chú theo dõi anh đàn, ngắm nghía vẻ mặt vừa thương tiếc, đau buồn lẫn thành kính .
          Anh cũng như chúng tôi  không theo một tôn giáo nào cả,chỉ có đạo thờ ông bà, nhưng bây giờ mùa giáng sinh  1972, đất nước đang mịt mù khói lửa chiến tranh , mừng đón sinh nhật của đấng cứu thế và khát khao thanh bình là tâm nguyện chung của mọi người, những con người trẻ như anh .Sao hồng đào là tên gọi thay cho  đấng tạo hóa . Anh hát hai ba lần , mê mẩn như người lên đồng , có những điệp khúc  giọng anh nức nở đau đớn . Có câu anh đổi từ. Đêm nay tôi nhớ người chưa trở lại, rồi qua đoạn sau anh lại hát , Đêm nay tôi nhớ người không  trở lại. Từ không ấy anh muốn nuốt , nhưng rồi vẫn bật nên lời . Khi hát Rồi mùa đông trước qua mùa đông tiếp theo sau này Người bạn còn đi mà niềm tin vẫn thắm trên môi ,,tôi thoáng trông thấy vẻ rạng rỡ và chút  thanh thản trên khuôn mặt rất điển trai của anh . Tôi nghe giọng anh nài nỉ van xin  Lạy Mẹ đồng trinh ban ơn người Việt càng thương nhau hơn , lúc ấy, hai giòng lệ tuôn dài trên má anh .Anh vội quay đi. Anh Đanuýp xanh của chúng tôi,  một chàng trai tuổi đôi mươi trẻ trung , khỏe mạnh, hiểu biết , tài hoa , tếu táo ,hồn nhiên, sống rất nhiệt tình và trách nhiệm, sao hôm nay anh bỗng trở nên rất lạ .
                    Mấy năm sau, một buổi tối  tôi theo chị cả sang nhà bà Cửu Miên canh chừng nồi xương nấu cao,hai chị em tạt qua nhà dưới, nơi trai bạn nghỉ  .Ở đó  có đặt một chiếc ti vi nho nhỏ . Cả thôn tôi ngày ấy chỉ một vài nhà có phương tiện giải trí độc đáo và đáng giá này .Bà Cửu Miên cho trải mấy tấm chiếu để nhiều người,có khi cả xóm, kéo đến xem . Một người đàn ông độ tuổi ba mươi đang hát. Mấy chị em tôi rất rành giọng hát của nhiều ca sĩ nổi tiếng ngày ấy,là nhờ chiếc radio của cha ,nhưng qua ti vi thì chịu .Bài Chiều Vàng, mô tả tâm trạng của một chàng trai đi viếng mộ người yêu .Thơ và nhạc bao giờ cũng buồn,có lần anh Đanuýp xanh bảo vậy . Hôm ấy, mấy người vừa xem vừa chơi bài, càu nhàu , cái thằng cha này sao mặt mũi y như cha chết vậy .Người khác, hẳn vừa cầm bài, nhưng trí đặt nơi ti vi, tỏ ra cảm thông với ca sĩ ,  bồ  chết anh à . Hèn chi mà buồn thê thảm .Ừ ,vợ chết đau lòng hơn ai cả .Cha thì có mẹ,rồi ông cũng bỏ mình .Chỉ vợ là theo mình suốt đời .Tôi bỗng chú ý vẻ mặt của ca sĩ.  Nét mặt anh ta thực sự rất buồn, đó là nỗi buồn tôi gặp ở những đám tang .Tôi chột dạ, hôm  Nô-en năm nào, nét mặt anh Chút nhà tôi cũng ủ ê như thế . Hay nhà anh hồi ấy  ở Quảng có chuyện gì không hay, như tôi đã linh cảm ,chứ bồ bịch  thì kiểu người như anh ,theo cách nhìn của  chị Nhụy và tôi, chẳng có đầu óc  và  thời gian yêu đương bao giờ .

       Đến tận bây giờ,tôi vẫn không nguôi ân hận vì sự vô tâm của mình ngày ấy. Tôi đã ở tuổi mười lăm mười sáu, luôn tin tưởng mình là người gần gũi và hiểu anh hơn ai hết .Nhưng có những điều mọi người biết ,mà tôi không  hay . Hồi ấy anh có  chị người yêu cũng đang hoạt động trong đội biệt động đô thành (Saigon).Gia đình chị là cơ sở, mỗi bận anh về công tác  đều tá túc nơi nhà má chị . Họ ít có dịp viết thư cho nhau, mà thư cũng rất lạ , vài giòng chữ viết vắn tắt đằng sau một tấm bưu ảnh, có dán tem, ghi địa chỉ người nhận . Anh trọ bên nhà ông Cửu Miên, nhưng đấy chỉ là nơi anh được nhập tên chung vào Sổ Gia đình(hộ khẩu ) ,còn thư từ ,anh lấy địa chỉ nhà tôi, cũng như anh Thạch,để tiện liên lạc .Ngày ấy cha tôi kiêm nhiệm đủ thứ .Thư  nhà nào cũng chỉ đến phường .Cha tôi cầm về hết cả . Nếu có ai quen thì ông tìm cách chuyển, phần còn lại, người ta cứ đến nhà tôi mà lục lọi .Đó là lý do mà mới bốn năm  tuổi, tôi đã biết địa chỉ nhà mình, biết rằng muốn gửi thư phải có  bao bì, có tem cò , phải ra tận bưu điện .Nhưng có nhiều thứ thì tôi thấy mình rất ngô nghê .
                     Có lần cha tôi dặn tôi trao tấm bưu ảnh cho anh . Cảnh chụp tòa đô chánh Saigon . Nội dung thư tôi đọc thuộc . Hello H., sao mày, mạnh giỏi chứ, Đalat có gì lạ không , viết thư cho tao biết với .Còn tao ở đây mới quen được mấy thằng bạn nhà báo nên đi chơi cả ngày .Không mở đầu, cũng chẳng kết thúc, chữ thì to như hột bắp, y hệt người mới tập viết .
.Người nhận được trang trọng  gọi bằng ông, cả kính gửi nữa . Tôi thắc mắc, đã  kính gửi ông , sao lại gọi mày .Anh giải thích, đó là văn hóa  trong giao dịch . Anh bảo , mai mốt anh cần gửi thư cho tôi,sẽ gọi tôi là bà .Thằng em tôi ôm bụng bò lăn ra cười .Cả ngày hôm đó hễ thấy tôi đâu là nó khoanh tay, gập mình, như mỗi lần sang chơi nhà bà cửu Miên , miệng la to ,con chào bà ạ , làm mọi người trong nhà ngạc nhiên. Tôi giận anh Chút, tại anh hết .Càng bực bội hơn khi chị Nhụy bảo, bạn ông Chút toàn là dân cà trơ cà trớt . Chữ nghĩa không bao nhiêu, suốt ngày đi chơi, lấy cái chi mà ăn .Tôi cũng nghĩ như chị . Mà sao anh lại thích chơi với toàn  những người như thế chứ !
                          Tôi nhớ ở trường, trong học bạ, tên các cô phụ trách bộ môn được viết sau  chữ Bà ,nếu người đó đã có gia đình, hoặc  chữ Cô, nếu ngược lại ,cho dù nhân vật được gọi cô tuổi đã cao .Còn tôi, tôi… Chà ,rắc rối . Tôi chê bai , cái ông này viết chữ gì mà xấu hoắc. Anh giải thích, viết bằng tay trái nên vậy .Thì tay phải làm chi ? À, bị… anh co mấy ngón tay,  dấu hiệu bị đau, mặt anh thoáng đỏ bừng, ngượng ngịu  Rồi anh nâng niu tấm thiếp,cử chỉ âu yếm .Tôi chỉ thấy dáng  dễ thương của anh như thế một vài lần anh nhắc đến mẹ .  Anh kể mẹ anh người gầy nhỏ, nhưng có mái tóc dài , rất  dài, đến độ muốn chải tóc phải leo lên giường, rồi đứng thẳng  .Bà thường chải đầu vào buổi tối, khi việc nhà cửa đã xong, chuẩn bị đi ngủ , vì ban ngày vô cùng bận rộn . Mẹ  tôi cũng vậy, không bao giờ có thời gian để soi gương chải   đầu như chúng tôi, mà sáng dậy, mẹ hối hả  dùng hai tay vuốt ngược mái tóc dài và dày ra sau gáy, thoăn thoắt búi gọn,rồi túm  chặt bằng một cong thun chắc . Buổi nghỉ trưa,khi các chị làm công  đi gội đầu, hay xõa tóc bắt chấy cho nhau, mẹ tôi mới tranh thủ chải thật kỹ mái tóc của mình .Anh Đanuýp kể mẹ anh thường dấu lược dưới chiếu, ngay chỗ đặt gối .Ở  vùng “xứ nóng” như quê anh ,  khách khứa nhiều khi được mời ngồi nơi giường ngủ .Nhưng họ rất kỵ và ghét vị khách đờn bà không ý tứ, leo ngồi ngay trên chỗ dấu lược.Anh dặn, mai mốt mi lớn đi đâu phải nhớ chuyện này nghe . Rồi anh dặn thêm ,cũng nhớ hỏi họ cái nơi đi  ngoài  nằm ở đâu, lỡ nửa đêm đau bụng…Khi tôi về xã Phú Lý ở Đồng Nai làm công tác xóa nạn mù chữ, tôi bỗng nhớ lời ông anh dặn ngày nào .
              Anh bảo, quê anh có phong tục cất nhà kỳ lạ. Hễ chỗ nào tối tăm, chật hẹp,thì kê giường làm buồng cho các chị.Còn nhà tôi, nhà chị Hạ Em,dù con gái phải quanh quẩn ở nhà dưới, nhưng rộng rãi, sáng sủa .Anh còn bảo, ở quê anh chỗ nào cũng là bàn ăn  .Vì tiện đâu  ngồi ăn  ,nhất là  mùa nắng nóng .Nhưng anh thực sự yêu mến quê mình . Anh thích tết ở nhà quê .Bước vô bếp là thấy lu bù bánh tét treo khắp các cột nhà .Bàn thờ bày đầy các loại bánh , bánh tổ, bánh thuẫn,bánh nổ ,ăn mệt nghỉ  …
                  Lâu lâu nhận thư mẹ,anh cũng bâng khuâng như thư của cái ông chữ xấu ình đó . Ông đó,   tôi không hề biết đó là chủ của  những bức thư tình của anh . Mùa lễ giáng sinh năm ấy, anh nhận một tin dữ .Ngươì con gái ấy mãi mãi ra đi .Rồi sau đó, từ mái nhà thân thuộc này, anh không bao giờ quay lại nữa  .Nhưng tôi luôn tin rằng anh đang sống ở đâu đó thôi .Mỗi mùa giáng sinh về,tôi lại nghe nức nở trong  lòng, Rồi mùa đông trước qua mùa đông tiếp theo sau này Người bạn còn đi mà niềm tin vẫn thắm trên môi .Anh là một người bạn lớn  của tôi.
                 Anh cùng độ tuổi với chị Nhụy, nhưng trong giấy tờ, anh chỉ hơn tôi bốn tuổi . Anh bảo ly loạn, mẹ anh phải làm khai sinh  trễ, như  đám học trò Đồng Nai của tôi . Thực ra, đó là cách để tránh đi quân dịch,cũng là cơ hội để anh tham gia cách mạng .Anh học rất giỏi, ở phổ thông cũng như đại học .Ở quê ,anh học hệ công lập, nhưng vào vùng núi đồi này, anh phải học trường tư , trường Bồ Đề của giáo hội Phật Giáo . Năm lớp 10, anh lại thi đậu trường công .Anh bảo,anh có duyên với  Đức thánh Trần . Ngôi trường anh học gần nhà tôi, mang tên Trần Hưng Đạo , ngoài  quê  anh cũng có một trường bề thế như vậy, có cách gọi khác một chút, trường Trần Quốc Tuấn.
                Nhưng dường như anh không mấy coi trọng chuyện học hành,bằng cấp, rồi đi làm công chức nhà nước như mấy chị em chúng tôi .Vì tôi nhớ có một lần, mẹ tôi loay hoay mà không biết làm sao để  gọi thằng Bé về.Có một phái đoàn do ông Nguyễn Cao Kỳ  cùng các chuyên gia Nhật Bản đến ngay khu phố đệ cửu (có ba ấp Hà Đông, Đa Thiện và ấp tôi )giới thiệu máy cày.Mẹ tôi đã tìm đến nơi nhưng lính quân cảnh không cho vào . Anh có buổi thi đệ nhị lục cá nguyệt (thi học kỳ hai ),vậy mà ôm luôn cặp đi tìm Bé .Bé về, nhưng anh ở lại , bỏ cơm trưa, bỏ thi .Lý do là anh phải tìm chép một bảng chữ toàn tiếng Mỹ gắn trên máy cày, rồi tìm tự điển để dịch. Anh cầm về cho cha tôi một mẩu giấy nhỏ, viết  từ cây cu-lơ ( viết chì màu ).  Đến cuối năm,anh bay phần thưởng ,hè còn phải ôm sách tụng kinh gõ mõ thi lên lớp . Ai cũng chê cái thằng khùng ,chỉ mỗi anh Thạch cảm thông với anh .
        Chúng tôi có hai ông anh làm thầy giáo, cha mẹ rất tự hào,chứ  lũ em chẳng thấy mặn mà .Họ đi biền biệt, về nhà thì đi đứng ,nói năng, hệt các thầy cô trên trường; tính khí cũng liệt vào “bộ quan trọng”, bỗng có anh Đanuýp xanh, đi đâu tôi cũng khoe,tao có ông anh học quản trị kinh doanh  trong viện Đại học, học  giỏi lắm. Hồi đó khoa này không được đánh giá cao, nên đám bạn tôi bĩu môi, tôi tức lắm , đỏ mặt lên để bảo vệ anh . Chị Nhụy có gia đình riêng, nhưng hầu như thường xuyên có mặt , coi ngó  nhiều thứ trong nhà .Anh Đanuýp an ủi tôi, rồi mi mai mốt cũng rứa, cháu bà nội nhưng tội bà ngoại mà .Tôi cũng tin luật nhân quả nên đành  ấm ức nhiều lần.
                Có bận bày mâm quả cúng tiết rằm tháng bảy , nếu không có anh Đanuýp xanh, tôi còn giận chị Nhụy rất lâu. Cỗ bồng bày trái cây cúng nhỏ bé, nhưng hai chị em đều muốn những thứ quả phải phô ra hết cho mọi người thấy.Chị Nhụy mang đến  mấy loại , mẹ mua một số. Những quả của mẹ,hình như chị nhét hết ra sau .Tôi tìm cách bày lại, chị sửa ngay .Anh Đanuýp biết được, bèn rỉ tai tôi ,để tao tính cho . Anh đi tìm xin hai giải lụa mỏng. liệt kê tất cả tên các loại quả lên mặt lụa đỏ bằng mực đen, viết theo lối chữ triện, muốn đọc phải nghiêng đầu nghẹo cổ rất mệt , rồi anh giăng lên trên mâm cỗ bồng,có thắt nơ nữa, trông rất nghiêm chỉnh   .Đó là giải thứ nhất . Giải  còn lại anh chép mấy câu trong bài  Văn tế thập loại chúng sinh mà hằng năm các thầy trên chùa vẫn đọc  . Tiết đầu thu lập đàn giải thoát. Nước tĩnh bình rưới hạt dương chi ,. Tôi lo lắng, ông bà  có quở không,anh bảo , vẻ mặt rất thành kính, mình cúng là mong chính tâm hồn mình thanh thản ,thì chắc chắn ông bà sẽ vui . Rồi anh nói một  điều mà tôi nhớ đến bây giờ .Mày có biết tại sao những người theo đạo Tin Lành không hề cúng giỗ chạp  không ? Vì khi ông bà cha mẹ còn sống, họ đã đối xử, phụng dưỡng rất tử tế , nên khi ông bà khuất núi, lương tâm con cháu yên ổn . Họ rất thực tế . Anh không nói thêm , sợ tôi chê anh ưa giảng mo- ran (đạo đức ), nhưng rõ ràng anh muốn dặn tôi : hãy sống hiếu thuận với  cha mẹ .Bây giờ  bà Đu đủ và tôi ,mỗi đứa bị một lão tăng Tin Lành xỏ mũi . Bà bạn lo lắng , bèn rủ tôi ra điều kiện , bằng giá nào cũng phải cho bầy tui cúng giỗ cha mẹ,ông bà đó .Hai lão, kẻ gãi đầu, người cười xuề xòa , nghĩa là thôi hai bà muốn sao cũng được .
      Anh đi ,chúng tôi cứ chờ . Sau ngày 30.4, bao nhiêu người về, nhưng không có anh. Anh Thạch bảo,  mộ H. ngoài Côn Đảo . Côn Đảo ! Hồi đó tôi có được đọc một cuốn sách nhan đề là Quê hương lưu đày . Ấn tượng của tôi về Côn Đảo ngày ấy là những bãi biển hoang vắng, những ngôi nhà rêu phủ , khu nghĩa trang hiu quạnh .Anh Chút đang ở đó ư ? Hình như ngày   trước,anh cũng mơ hồ  nghĩ về nơi này .

      Có một trưa chủ nhật , tôi vác cuốc ra  mảnh đất quây lưới thả gà sát khu chuồng trại để tìm  giun .Ở đây cha tôi cho đào một cái hố nông , bao nhiêu rác trong nhà gom hết vào đây .Trên khoảng  hiên mát mẻ bên dưới dãy buồng các chị, có ba bốn chú làm công đang thư thả  vá sửa những chiếc giỏ thép bị hỏng . Gọi là giỏ, có lẽ nó luôn đi kèm với quang gióng và đòn gánh, nhưng nó có hình dáng của những chiếc thúng tre ,chỉ khác là được đan bằng những sợi thép to như cọng bún tươi, rất chắc và cứng . Người đan phải tính toán mỗi ô mắt cáo không để lọt quả su su ( vì xuất xứ loại giỏ này  là từ vùng trái su Cầu Đất ) Những mắt cáo này bị xộc xệch ,nên phải vá . Thằng Bé ngồi gần đó dạng cẳng học bài . Nghe nó đọc phát mệt. Mấy chú có bận còn thêm thắt nữa . Da trời ai nhuộm mà xanh ngơ xanh ngắt .Mắt lão không vầy cũng đỏ hoét đỏ hoe . Trời !Cụ Nguyễn Khuyến mà biết được sẽ kiện  chú cháu tới Tòa  Tối cao pháp  viện .Nhưng hôm nay ai nấy đều  trầm tư .Bài thơ khiến họ nhớ nhà . Con chim tu hú gọi bầy. Lúa chiêm … Anh Chút từ bên nhà anh Thạch bước sang , thấy tôi loay hoay vừa xốc rác, lại  chốc chốc phải thả cuốc để nhặt giun thì mở cửa chuồng gà, vào phụ.Tai anh cũng dỏng lên trước giọng đọc oang oang của  “ngâm sĩ”  mười ba tuổi .Ta nghe hè dậy trong lòng , bực mình muốn  đạp căn phòng mà ra . Vì hồi ấy tác giả bị giam trong nhà lao .Sau chữ nhà lao,giọng đọc đột ngột ngừng lại .Mọi người đang vểnh tai nghe bỗng ồ lên. Ủa ,thơ lục bát  gì mà kỳ cục dzậy . Trong các chú có nhiều người đã học hết đệ tứ (lớp 9) nên có một chú giằng lấy cuốn sách Giảng Văn  . Á rồi , ông ơi,cái này là người ta chú thích để cho dễ hiểu .Là sao ? là ý nói bài thơ này được nhà thơ viết khi ổng đang ở trong tù .Thế là gã học trò tức tối ,thì tại  bà cô biểu học thuộc lòng mà .Ừ, thì nhớ riêng thôi, khi mình làm Tập làm văn é . Chứ dò bài thì khỏi phải đọc .Tôi vừa lom khom nhặt giun ,cũng  phì cười .Nhưng tôi chẳng hề  thấy  nét mặt anh Chút thay đổi,mà thoáng bâng khuâng .Rồi chợt anh đọc khẽ . Mà chân muốn đạp tan phòng hè ơi. Ngột làm sao chết uất thôi , con chim  tu hú ngoài trời cứ kêu! Tôi đùa, anh cũng sáng chế thêm hả . Anh bảo nhỏ  , ông Tố Hữu viết vậy mà . Người soạn sách họ biên sửa lại cho gọn . Tôi muốn hỏi,mà sao anh biết, nhưng anh đương bận trả lời  cho một   chú .Nè ,Chút , phải tui nói đúng không ?
     Công việc đào giun hoàn tất, anh Chút để nguyên hai bàn tay đầy đất sà xuống đám thợ vá giỏ  ,    nhặt lấy cây kiềm, tay kia quơ  nhanh chiếc giỏ thép nằm lăn lóc bên cạnh . Một chú  ngâm nga những câu thơ mà thằng Bé vừa đọc .
Khi con tu hú gọi bầy, lúa chiêm đang chín trái cây ngọt dần . Vườn râm dậy tiếng ve ngân ,bắp rây vàng hạt đầy sân nắng đào. Trời xanh càng rộng càng cao, đôi con diều sáo lộn nhào từng không. Ông này chắc người quê ngoài  Trung . Ở ngoải  tiết tháng  năm tháng sáu tây là hè rồi, nắng chi là nắng . Lúa chín, trái cây cũng chín , bắp phảy rồi , sàng sảy ,phơi kín sân . Ve kêu điếc tai,còn cái giống tu hú cứ hoe hồ ,hoe hồ , buồn chi là buồn , trưa nắng mà cứ muốn  nằm dài ra ,mà nghe nó hoe hồ . Tôi ngạc nhiên lắm .Từ lâu rồi tôi chẳng hề  quan tâm đến giọng hót của  lũ chim sẻ , loại chim đông đảo  trong khu vườn cây traí quanh vùng. Bên nhà ông cửu Miên có nuôi một con sáo ,   lúc  vắng vẻ  nó hót réo rắt như  con người thổi ống tiêu, còn có lúc thoáng bóng người, nó cất giọng ồm ồm ,là giọng ông chủ nó,  con trông cậy ơn trên , nhưng có lúc giọng mắng nhiếc  eo éo của một bà lão, eng  không eng tắt đèn đi ngủ, đổ cho chó eng . Đó là vì các chú tập cho nó , để chọc tức bà cửu , mỗi khi bà la rầy những chú đi chơi về khuya, trễ cơm tối   .Hoe hồ , ồ ,đó là tiếng gọi bày ư ? Ở quê tôi cũng có gia đình bác Hoe Hồ, bà con bên nội nhà chị Hạ Em . Ông tên Hồ, sinh con gái đầu lòng . Kìa, anh Chút đang đưa tay lên miệng làm tiếng chim tu hú gọi . Đúng là tiếng gọi bầy , sao mà thiết tha,da diết đến thế .Một chú nằm dài ra chiếu, chân gác chữ ngũ, nhìn lên bầu trời tháng ba cao nguyên. Nè, cái ông này đang họa tranh chứ chẳng chơi đâu nghe . Ông đứng nhìn,thấy trái chín,lúa chín ngang tầm mắt  .N gó xuống chân thấy bắp vàng phơi đầy sân nắng , mà ngoài vườn thì thật là mát,có cây cối xanh um  Ngó lên trời thấy mây xanh ,thấy diều mới thả ,đang nhào lộn . Nhìn quanh thì nghe chim gọi,ve kêu. Đây là cảnh hè quê mình mà .Chu cha nhớ nhà . Tác giả của bài thơ, vì sao bị giam cầm tôi không biết,  lắng nghe  những tiếng hoe hồ tha thiết cứ dội vào xà lim , và bao nhiêu hình ảnh làng quê yên bình ,no đủ vào hè cứ hiện lên , không thiếu một chi tiết nào ,làm sao không da diết nhớ và khao khát tự do ,khao khát đến cháy bỏng …

          Không cho vịt ăn giun nữa , tôi vội vàng chạy lên bàn học, lật sổ ghi nhanh những cảm nhận của vị độc giả đặc biệt này . Tôi cũng thích thơ,có hẳn một cuốn vở chép rất nhiều bài hay từ báo Tuổi Hoa, nhưng chưa hề thuộc nhanh ,lại có lối cảm thụ độc đáo như vậy . Chị Nhụy cũng có lần chỉ vẽ tôi tìm đường chân trời khi vẽ một  bức tranh ,cũng có cách quan sát từ hướng ngang tầm mắt (đường chân trời) rồi nhìn lên, nhìn xuống, nhìn xung quanh .Nhưng chị dặn vô nhà ai mới lạ đừng có dáo dác như vậy, coi chừng người ta nghi mình là …kẻ trộm .Chị luôn “thực tế hóa” nghệ thuật như thế , khiến tôi mất hứng .
  Anh Chút cũng ghé xuống nằm một bên , bồi hồi lật mở cuốn sách Bé vừa học . Có lẽ anh cũng nhớ nhà như  ông chú kia   . Còn tôi, tôi mơ ước bao giờ có dịp về một làng quê miền trung ,nghe tu hú gọi dóng dả  mà cồn cào , khiến người lắng nghe muốn thắt ruột .        
 Bên bàn thờ  nhà anh Thạch và  nhà tôi  có  bức ảnh chân dung anh đặt trong khung gỗ . Anh đội chiếc mũ ca lô,mặc áo kaki vàng.Đó là bộ đồng phục    quân sự học đường trên trường đại học . Vẻ mặt tươi trẻ ,đôi mắt biết cười .Anh còn trẻ lắm mà ! Mọi người thật bất ngờ khi ngoài tấm hình ấy, hình như anh chẳng để lại gì . Quê anh ,chỉ biết  huyện Sơn Tịnh . Chị Hạ Em trách anh Thạch rồi quay sang mắng tôi, đồ hai anh em nhà này ngu hơn con bò . Thấy  cô em nổi nóng, anh dấu nhẹ ,do bí mật công tác, không ai có quyền hiểu sâu đời tư người khác . Anh giải thích với tôi , vì nếu bị lộ và bị bắt, nếu vô tình khai ra , thì cả đường giây, cả cơ sở sẽ bị ảnh hưởng rất nghiêm trọng Rồi chợt anh bảo ,nếu tha thiết tìm thì sẽ gặp .
    Đúng vậy, cứ tha thiết tìm thì sẽ gặp . Một bữa chị Hạ Em tạt qua nhà tôi , ngồi kể lể. Tình cờ đi dự đại hội ,chị gặp một ông mới thoáng nhìn rất giống anh ,gương mặt mà chúng tôi gọi là diễn viên Bùi Bài Bình .  Cũng nói giọng đặc sệt xứ Quảng .Chị hỏi ông có biết anh H. không ,quê  ở Sơn Tịnh ,từ dạo cấp hai đã học ở Dalat .Không ngờ  vị đại biểu này cười , nó là em tui . Rồi ông ấy  cười ,em ruột,thiệt mà .Tại vì bà cô tôi lấy chồng không chịu đẻ , má tôi mới biểu tôi sang ở làm con .Tôi mang họ ông dượng, nhưng máu mủ vẫn họ Võ Sau cuộc  gặp bởi do  tha thiết tìm, chị còn được ra thăm gia đình anh , cùng nhiều người nữa trong cơ quan . Chị kể với tôi,nhà khá giả lắm , vườn rộng mênh mông ,có mấy nhà luôn , mẹ anh ấy còn rất khỏe .Tôi hỏi mái tóc của bà,chị ngớ ra, hình như , cắt ngắn lắm.À đúng rồi, bà kể bà tặng cho hai chị trong  chiến khu ra, tóc rụng hết trơn, phải đội tóc giả .Anh sống chan hòa và  chia sẻ ,hẳn từ sự chăm dạy của mẹ ,tôi nghĩ thầm .
               Rồi chị còn ghé nơi này hai lần nữa, trong những chuyến đi công tác , đi nghỉ dưỡng .Tôi bỗng ganh tị với chị ,tôi không làm sao ra thăm mẹ anh  được, thăm guồng xe nước,nghe điệu hò ba lý , ngắm mặt trời mọc trên biển Mỹ Khê .Mỗi hè ,nhà trường luôn tổ chức cho giáo viên đi tham quan . Nơi đồng nghiệp chúng tôi thường chọn để “cho ra mồ hôi ”là Nha Trang .Có một năm đi Hà Nội,trên đường đi dừng chân ở chợ Quảng Ngãi, cách quê anh không xa,nhưng đoàn chỉ ghé lại một đêm, tôi không sắp xếp được thời gian , mà cũng không rõ địa chỉ ! Bây giờ thì phải quát chị Hạ Em một trận . Chị bảo ,ơ tao đi theo đoàn,cứ thấy họ dừng xe thì xuống . Hình như gần chùa Thiên Ấn. Đứng ở đó nhìn xuống thấy làng mạc hai bên sông Trà Khúc cây cối xanh rì  .Đi ra biển cũng gần .Guồng xe nước hả .Người ta phá dỡ từ hồi 1997,98 rồi .
       Được nghỉ hưu ,tôi rủ,chị ngần ngừ , đi hai đứa mình hả,tao .. đâu biết đường ! Thật là   chán bà chị quá .
    Nhưng tôi vẫn tin lời anh Thạch , cứ tha thiết tìm thì sẽ gặp, nên cứ chờ đợi. Một ngày đẹp trời,bỗng chị Hạ Em gọi tôi sang nhà chị .Bà khách đến chơi là  em dâu anh Chút  !. Ôi,trời . Cuối cùng thì tôi cũng tìm ra nhà anh Đanuýp xanh của chúng tôi !. Cô em dâu  công tác trên bệnh viện tỉnh, nhà ở  gần đó, chồng là công an . Cô bảo qua rủ chị Hạ Em đi Quảng chuyến này . Sẽ có một đoàn làm công tác thiện nguyện cùng ra  . Đoàn đó , tôi biết bà Thiên lý nhãn là thành viên.   Chị Hạ Em cười, tụi bay đi sau nghe.Tao tiền trạm .
      Xe của đoàn chúng tôi  đến Quảng Ngãi là năm giờ sáng. Sắp đến nhà anh Chút rồi, tôi bỗng bồi hồi, lòng bâng khuâng . Lẽ ra tôi phải ghé thăm mẹ anh từ rất lâu rồi, thắp cho anh một nén nhang, nhìn thấy anh cười với chiếc răng khểnh rất hồn nhiên, tươi trẻ . Xe qua cây cầu trắng bắc con cong cong qua sông Trà Khúc .Ô, giòng sông trơ đáy. Những bờ đá kè bên sông giáp phố lộ ra trắng mốc, như dãy cọc hàng  rào xây  nhìn ra  khỏang sân rộng, rất dài và lồi lõm  .Đã có lần anh Chút kể  về những trận bóng giữa lòng sông vào hè thế này . Ngày ấy tôi chưa hề đi xa,không thể  nghĩ rằng sông bị cạn khô khi trời nắng nóng . Hình như chị Châu ,chủ ngôi nhà tôi trọ thời đại học cũng có  nhiều kỷ niệm  về  con sông quê hương vào hạ .Với chị, quê hương gắn liền với tuổi thơ vất vả, chị không muốn lặp lại .Chị bây giờ thành người Saigon rồi .
              Chúng tôi được thả xuống đầu làng, dưới một gốc cây to, cành lá đầy bụi đỏ . Thôn Tư Cung, xã Tịnh Khê . Một chị vốn  dạy Sử ở trường tôi, thì thầm , hồi 68 nơi đây xảy ra vụ thảm sát kinh hoàng lắm Chị đi trước  từng làm ở đài truyền hình Lâm Đồng quay lại, ừ  Sơn Mỹ đó   . Chúng tôi thong thả men theo con đường nhỏ chỉ vừa một người đi, đắp  đất mấp mô, hai bên là những mảnh vườn rải rác có những khóm đậu bắp ,cành lá quắt khô vì thiếu nước .Mới sáng sớm, không khí trong lành,mát mẻ thật dễ chịu .Tôi đưa mắt ngỡ  ngàng nhìn quanh .Nhà gạch, mái tôn mới ,  xóm bên kia có cả con đường nhựa chạy ngang sân . Dấu vết làng quê là  dãy chuồng bò cuối nhà, những đụn rơm, rồi thúng mủng quang gánh .  Một vùng đau thương ngày nào, bây giờ tất cả đã qua . Chị Hạ Em và người em dâu anh Chút đã đứng chờ .
      Nhà anh có  một khoảng sân rộng   trông vào một ngôi nhà gạch  nhỏ ,mái bằng, cửa đóng kín, đó là nhà trên, khu thờ tự .Chúng tôi được dẫn vào nửa gian sau ,chỉ chuyên dành nấu nướng . Bên tay trái, thẳng góc với ngôi nhà kia, nằm lùi ra ngang với mảnh vườn mênh mông ,một ngôi nhà  kiểu tương tự,nhưng  to rộng hơn,  thì cửa nẻo mở toang. Chái hiên la liệt ghế  quay lưng ra sân, nhìn vào tường nhà, treo một chiếc ti vi đời mới cỡ lớn nhất , có lẽ vừa kết thúc một trận  đá banh , mùa World Cup .Chúng tôi sang  nhà này, để chào thăm  mẹ anh Chút .Cô con dâu  thì thầm, Cụ đã  gần tuổi một trăm . Bà ăn chay mấy chục năm nay rồi, để cầu xin cho con cháu yên ổn mọi bề . Cụ đã lẩn , người  khỏe ,mắt mờ rồi  nên không để cụ đi ra ngoài , ăn mỗi bữa một chén cơm nhão . Ưa ăn cháo lắm .
                Tôi nhớ anh Chút kể anh thích món cháo  gạo khoai lang mẹ nấu . Chẳng có gia vị gì, ngoài muối và rau thơm ,mà mẹ nấu anh vẫn thấy ngon hơn các chị .Tôi hỏi sao không rang tép hay tôm khô giã  nhỏ xào dầu  bỏ vô , ăn đỡ ớn .Anh cười buồn . Quê miền Trung vốn nghèo. Đất hẹp lại khô cằn, nên mới tha phương lập nghiệp . Có lần anh hỏi  tôi , ước mơ của em là gì ? Tôi đáp ngay,thì học giỏi , đi làm , kiếm tiền về nuôi  mẹ . Anh  cười .Có lúc nào em  nghĩ mình là ai không ? Rồi mình phải  làm gì ? Cuộc đời mình sẽ đi về đâu ?Ồ , xa vời quá. Nhưng anh nghiêm nghị, không xa đâu !  Chợt anh tâm sự . Quê anh ai cũng mong có ruộng cày, dân đùm bọc nhau sống ,chứ không phải đi xa . Có thôn làng, có người dân,thì phải có một chính quyền  thực sự thương dân . Mong mỏi như vậy, cho nên ở quê anh người ta tin Bác Hồ dữ lắm . Nhưng anh dặn dò tôi, em khoan kể chuyện này với ai nghe .Nhà trường họ biết được là rắc rối  lắm đó .  Năm lớp 11, khi tôi bị vị giáo sư hướng dẫn , cũng là  giáo sư môn Việt Văn , trừng phạt  nặng nề dù tội không to, tôi mơ hồ linh cảm  điều anh căn dặn . Tôi còn nhớ anh nói, hai ông Canh Kem về nhà ngó thờ ơ vậy, chứ đi dạy, mỗi ông cũng là một  chính quyền, chứ nếu không thì học sinh nó làm giặc . Gia đình cũng là một đất nước  thu nhỏ . Muốn yên ấm , bố mẹ phải là  chính quyền, đặc biệt là ai ,em biết không . Mẹ đó. Chị Hạ Em có lần bảo tôi , nhà ông  Chút  có bà mẹ thật giỏi, mới    đủ sức cho con đi học xa vậy .Nhà chị mẹ mất sớm, các chị gái trong nhà đều dang dở việc đèn sách . Bà mình hồi xưa cũng vậy. Bà mất  từ một trận dịch. Ông đa mang bà hai,nên con bà lớn mà ít được học hành .Hai chị em ngồi buồn thiu . Trong đầu tôi đang nghĩ đến cha tôi và  bà Thiên lý nhãn, nhưng chị Hạ Em vẫn đeo đuổi chuỗi  suy tưởng về anh Chút. Nhà  ổng mấy ông con trai   nhảy núi hết, nên đưa ông vô đây học để   giòng họ còn có người thừa tự .Nói vậy,chứ chị cũng rất hiểu anh vào Dalat để làm gì rồi .
             Chúng tôi nắm lấy bàn tay nhỏ bé ,gầy guộc của người mẹ quê, người mẹ của những anh hùng . Bàn tay lạnh của một người sức khỏe đã về chiều .Mắt tôi cay cay . Tôi phải sống thay anh , để còn có ngày ra đây nắm tay người mẹ già của anh ,rồi có ngay thay anh tiễn đưa mẹ về với đất . Tôi phải sống như anh đã sống . Mẹ cười hiền, đi coi đá banh hả, đi đông quá . Mọi người cười, dạ,tụi con  ra coi đá banh với bà cho vui . Bà cố ăn ngủ nghe bà . Mẹ anh , mái tóc dài ngày nào ,bây giờ lơ thơ mấy sợi bạc .  Nụ cười móm míu . Chỉ có đôi mắt biết cười vẫn giống anh , đôi mắt đã theo anh suốt chặng đường dài . Tôi gặp lại đôi mắt ấy trên ban thờ gia đình .Anh là một thiếu niên tuổi  mười lăm, áo sơ mi trắng bẻ cổ, hình chụp làm thẻ  căn cước mà cười toe ,anh vốn hay cười .Ôi,anh lúc nào cũng cười . Chỉ hôm ấy là anh không cười nhiều .
        Tôi và chị Hạ Em lặng lẽ ra sân, đứng sụt sịt rất lâu  . Ban nãy đi qua quãng sông Trà Khúc khô hạn, giờ mới thấm thía mấy câu thơ thật buồn . Soi mình trong vũng nước, hỏi hồn sông nơi đâu ? Mơ hồ nghe cá quẫy, đau đời chuyện bể dâu .  
      Ngôi nhà bây giờ có người em trai út của anh cùng đại  gia đình,dâu rể, cháu ba đứa nội ngoại, sống chung ,hòa thuận  . Họ nuôi bò và gà thả vườn, nấu rượu .  Có bốn ông công tác trên tỉnh,ngoài bộ , gởi chu cấp về để chú em  chăm sóc mẹ già . Họ không hề nhắc đến anh . Họ đã quên anh rồi,chỉ có hai chị em tôi , không máu mủ ,mà rất thiết thân với anh , nhớ anh . Tội anh quá, nhưng cuộc đời vốn như thế .Người ta phải quên mọi chuyện để mà sống .
     Cháo ăn sáng được dọn ra  bên hiên ngôi nhà nhỏ gần bếp có bàn ghế đã bày biện  từ trước . Ngôi nhà có lẽ thường xuyên đón khách về ăn uống  .Tôi nhớ món ăn anh từng ao ước được  mẹ sẽ nấu đón anh . Về quê anh được ăn gà, xưa anh chỉ mơ khoai củ . Làng mạc sống trong bình yên , mãi giữ anh trong nỗi nhớ . Tịnh Khê-Nghệ Tĩnh rất xa, bỗng dưng thật gần anh ạ , Biết anh về với mẹ rồi, thăm anh,thấy lòng dịu nhẹ . Cầu mong anh được an lòng , dù guồng xe nước không còn . Anh mơ màng  con sông xanh , về bên Trà Khúc thân thương . Trà Khúc- sông xanh cuộn chảy ,như hồn anh ,luôn mát trong .
           Nè bà ơi, ông nội con mời bà vô . Tôi giật mình , luống cuống đứng dậy, mảnh khăn ướt sũng rơi xuống đất. Cô bé độ tuổi học trò lớp sáu lo lắng , bà đau hả ,bà đau cái gì . Tôi vội bảo , à không . Rồi tôi nhìn về phía cổng đã hé mở . Cái   xách da cũ ẩm lạnh, đôi giày sũng nước vì đi lên đi xuống mấy lần giữa cơn  mưa  dầm  dai dẳng  để phô tô hai kiểu hình đưa cho ông thầy xem , mớ trầu xanh và trứng gói cẩn thận đặt bên cạnh . Tôi nhớ đến công việc  đã dành trọn buổi chiều mưa này . Tôi moi chiếc nón vải trong xách ra , rũ mạnh như rũ bỏ tất cả những gì đã hành hạ tôi , nhét lễ vật vào túi. Cô bé dường như hiểu , ngập ngừng , vậy  bây giờ … bà .. Tôi cười ngại ngùng  . Thôi có lẽ mai bà đến con à . Bà thấy người như bị  sốt .Con xin lỗi ông nội giúp bà nghe . Vẻ mặt đang lo lắng của cô bé dãn ra . Hình như cô bé  bảo , dạ để con thưa với ông , bà cứ về … khi tôi dắt  xe đi . Tôi nhìn qua bên phải ,bắt gặp  rất nhiều  ngọn đèn từ những ngôi nhà nhỏ nhắn trên đồi cao đã chiếu sáng . Tôi ngờ ngợ, con đường này, ngõ hẻm  dẫn lên dốc với  vô số ngôi nhà  cheo leo trên đồi trông như những tổ chim,  thuở đi học có lần tôi đã ghé  gia đình một người bạn  . Anh Chút  chở tôi  đến bằng chiếc Honda dame xanh cũ , rồi anh cũng tạt vào giúp chúng tôi làm bích báo (báo tường). Chúng tôi ra về khi những “tổ chim” đã lên đèn. Anh bảo, ai  được sống ở đây thật là hạnh phúc .Mai mốt  đất nước hòa bình, anh sẽ leo lên đây xây một cái ổ chuột . Sáng ghé  chợ ăn cháo, ra hồ Xuân Hương ngắm sương mù .Chiều qua nhà thờ nghe thánh ca . Tối  rúc vô chăn, chu cha là ấm   . Anh sẽ làm ở nhà băng (ngân hàng nào ) – vì anh học khoa này .Hả,ừ ,thì trước mắt phải  đi xây dựng một chính quyền mới đã. Giọng anh cứng cỏi , nhưng tôi ngỡ anh đùa , vậy anh chuẩn bị đất đai và nhân dân rồi hả,ở đâu  vậy anh .Tôi muốn nói ngôi nhà và  bà vợ cùng lũ con . Nhưng anh im lặng,cứ cho xe lao đi .Mãi sau anh mới  trầm giọng xuống . Anh đang đi tìm , như anh Thạch vậy.Ồ vậy hả anh .Đến đây thì tôi không thể đùa . Anh biết thế  nên nghiêm giọng .Ở đây thôi, vì  đâu đâu trên mảnh đất chữ S này cũng là tổ quốc mình  , đồng bào mình .

    Tôi thanh thản đẩy xe lên con dốc , rồi lại leo lên đạp đổ xuống một con dốc khác . Chúng ta không có kẻ thù . Và cách để chiến thắng kẻ thù là biến họ thành bạn. Tôi như nghe từng lời anh căn dặn ,chỉ vẻ , như mỗi khi anh cùng anh Thạch giảng bài cho tôi .
       Rồi mùa đông trước qua mùa đông tiếp theo sau này .Người bạn còn đi mà niềm tin vẫn thắm trên môi 

       Rồi mọi chuyện sẽ tốt đẹp, bởi chúng ta có một niềm tin mãnh liệt vào cuộc sống,vào con người .
                                                             Nguyễn Xuân .

Tuesday, December 13, 2016

như hồn anh mát trong

                      NHƯ HỒN ANH MÁT TRONG .
                                 Thương nhớ  anh Đanuýp xanh của tụi em .
          Bà đu đủ hướng dẫn   qua điện thoại : Mày đi qua bùng binh bờ hồ  nghe,theo đường ấp Ánh Sáng, đến đỉnh  dốc Bà Triệu thì gặp một con đường đối diện. Cứ đổ dốc này  một hồi, khi xe dừng là gặp đúng nhà . ..Hả ,ơ tau không nhớ số nhà .Nhà lầu ba tầng, màu đỏ,ở cổng có hai cục đá .Nhưng mày phải đi cổng sau á .                                                 
                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                       Tôi nạp vào bộ nhớ chi tiết :nhà  màu đỏ,có hai cục đá . Tôi bèn dừng xe  trước một ngôi nhà bờ  rào bằng sắt  sơn nâu đậm . Khoảng trống chạy dài quanh rào  người ta lăn đến hai tảng đá to như hai  tạ  gạo , có lẽ không muốn khách  hàng của những tiệm ăn trước mặt đậu xe  , Có một lối đi nhỏ khá dốc dẫn xuống cổng sau ,như bà bạn chỉ dẫn . Một khoảng sân rộng .Hiên đầy bụi,dường như đã lâu không ai quét . Cửa nhà che màn kín, bấm khóa cứng nhắc, khung cửa sổ kế bên cũng im ỉm đóng . Tôi rụt rè đưa tay gõ nhẹ .
          Lâu lắm rồi,  , tôi mới  có công việc cần một “chuyên gia tâm lý ” Ba mươi năm trước, tôi cũng theo đồng        nghiệp tìm đến một địa chỉ nhiều người biết vùng ngoại thành . Nhà cũng cửa đóng then cài , hoang phế thế này đây , nhưng bên trong  một thế  giới khác , bàn thờ, nhang đèn , người đàn bà với vẻ mặt sắc sảo,người đàn ông ném cho khách hàng tia nhìn gian xảo .Ngôn ngữ khéo léo , như rót mật vào tai .Nhưng tôi nhớ hôm ấy, một gã  đàn ông  độ chừng ngoài bốn mươi , sau này tôi có dịp gặp trong một buổi họp phụ huynh học sinh, anh ta là chủ  một tiệm cà phê nho nhỏ gần chợ Dalat, lật tới lui bàn tay tôi, săm soi những quân bài,  rồi bảo : Cô  đang làm công việc gì  tôi không biết, tôi  thấy nó    nhàn hạ , nhưng lại gặp nhiều cay đắng, hận thù . Ngày ấy tôi vừa khỏe lại sau một trận ốm thập tử nhất sinh ,chuẩn bị  lên cơ quan , cảm thấy sờ sợ trước những  từ kinh khủng này . Tôi hỏi,vậy phải làm sao . Hắn ta nhìn tôi và mỉm một nụ cười đầy cảm thông . Cô đi tu đi !
       Tôi đã nghe theo, không hẳn vì một lời khuyên mê tín này,mà còn nhiều lý do khác nữa .   Có nhiều chuyện rắc rối từ việc “thứ nhất”(tu nhà, thứ hai tu chợ,thứ ba tu chùa),nhưng  cũng nhờ đó ,tôi tìm  được sự yên ổn ở rất  lắm điều mà ông thầy bói có lương tâm cảnh giác, sẽ gặp nhiều cay đắng, hận thù . Nhưng tôi có cái nhìn khác về thế giới của những người mà chúng ta không mấy tôn trọng nhưng lại tìm đến khi gặp bế tắc nhiều thứ trong đời ,thế giới  của ông đồng bà cốt . Tình cờ gặp “ông đồng” đi họp cho con , tôi   đùa,  sao anh không mở một cái am như mấy ông thầy bói … Anh ta đã trợn mắt ngắt lời tôi , tự dưng bữa đó gặp cô ,chứ tôi không nghĩ mình dựa vào việc an ủi người khác làm lẽ sống . Tôi không hề nuôi dưỡng ý đồ hại ai  đó để  mưu sinh .Một người hiểu biết, tôi nhủ thầm, thật khó tìm trong cảnh ngộ  ba chục năm sau đó của tôi .
    Tôi  gõ hai ba lần ,chợt một cô gái phóng  xe từ bên hông ngôi nhà, qua sân để lên dốc,bảo to , nhà không có ai ở hết bà ơi .Đang rao bán mà . Ôi trời, nhưng sao bà bạn lại chỉ nơi này, nhà đỏ, hai cục đá .Tôi bèn nói tên đối tượng tôi đang muốn  đến gặp . Cô gái đáng yêu kiên nhẫn chống xe lắng nghe,rồi  hướng dẫn tôi cách tìm .Nhà tường sơn đỏ, cổng gắn hai cục đá . Cũng có lối sau . Cô còn thêm một câu : Bà chịu khó bấm mạnh chuông,vì nó bị lỏng .
 Tôi đã tìm được con người bà bạn giới thiệu , một chuyên gia tâm lý .
 Vị chuyên gia ấy tiếp tôi trong gian phòng khách bày rộng và  hiện đại, la liệt những tảng đá nghệ thuật tinh xảo, được lau chùi bóng lộn . Có tới ba người đang kiên nhẫn chờ ,tôi xếp hàng  chắc cuối ngày .Họ đến để nhờ thầy hướng dẫn cách làm nhà, dựng ngõ, cửa nẻo trước sau .Có người thì con bị chứng ngủ thường xuyên gặp ác mộng .Có một cô gái sắp kết hôn cũng rơi vào tình trạng tương tự . Thân chủ được mời vào phòng trong ,đằng sau khung cửa gỗ nặng nề . Tôi tìm một tờ báo đọc , đến bây giờ chỉ mang máng nhớ rằng không khí chuẩn bị hàng hóa mùa Giáng sinh đang rộn ràng, từ những tờ tạp chí in đen trắng . Còn một người khách nữa mới đến tôi,chợt  vị chuyên gia ,tuổi gần bảy mươi, dáng người béo khỏe , sắc mặt hồng hào, từ sau khung cửa bước ra , hơi cau có bảo chúng tôi : Hai dì ra  ngoài  dạo chợ , độ  hơn một tiếng nữa rồi ghé nghe . Tôi có công chuyện phải đi gấp . Rồi ông khoác thêm một chiếc áo ấm dày ngoài chiếc áo len kiểu ghi-lê cộc tay , hối hả vòng từ cổng sau, ra cổng trước. Một phụ nữ, có lẽ người con lớn ,trang điểm đẹp đẽ , đã đánh xe từ garage ngay trong sân trước, ra đường .
                 Hai chúng tôi ngơ ngác nhìn theo, lòng như cùng tự hỏi ,có nên chờ không . Quả nhiên chị kia đã đội nón bảo hiểm,leo lên xe phóng đi ,bảo mai đến, sáng sớm rất tiện. Vậy tôi thì sao .Tôi đạp lọc cọc ngựa sắt vượt con đường bốn cây số  đến,  phải  chờ,vì dù sao cũng đã đến đây rồi. Tôi trở lại chỗ cổng sau .  Từ đó, tôi lui thêm mấy bước, bắt gặp một con ngõ khác, nằm thẳng góc với ngõ kia , đổ bê tông rất rộng và thoáng . Hai bên ngõ  là những ngôi nhà không cổng, không rào, cửa trông thẳng ra đường . Tôi ngồi ghé vào hiên một ngôi nhà có mấy bậc tam cấp, bên trong có tiếng trẻ con khóc, tiếng người lớn dỗ dành, hình như một nhà giữ trẻ . Đối diện với bậc tam cấp, bên kia đường, có hai  chậu cây to, một loại cây tùng xanh rì,che kín  khung cửa sổ gắn  kính  không giăng màn, loang loáng ánh đèn từ màn tivi hắt ra .Ừ, nếu không vì lời bày vẽ của bà đu đủ,giờ này tôi đang ở nhà, áo ấm ,  vớ dày, ngồi co trong ghế có chăn bông xem những chương trình rất hay,tha hồ chọn, bỗng dưng ngồi đây, giày thấm nước mưa nên ẩm lạnh khó chịu,lại ngồi nhờ hiên nhà người ta ,chầu chực  nhờ vả một chuyện mà không biết sẽ thế nào .Tôi thấy buồn rầu và vô cùng mệt mỏi .
      Có tiếng người cười nói lao xao, rồi hiện ra đầu con ngõ một tốp các cụ bà , người nào cũng áo ấm ,dù che .Tôi thoáng nhận ra một cụ ,đó là mẹ chồng người  chị trong nhóm tu hội đời của tôi, cô ấy cũng đã “mở cửa nhỏ”(vì Chúa từng đóng cửa lớn) cách tôi mấy năm . Cụ không biết tôi . Các bà lướt qua tôi, chẳng hề ngạc nhiên,hẳn đã bắt gặp nhiều  người ngồi đây chờ gặp “ông thầy ” .Tôi thấy họ dừng lại trước  một khung cửa gắn  kính trong suốt, sát bên ngôi nhà có mấy bụi tùng ,rồi bước vào . Một hiệu may áo dài, bây giờ tôi mới nhận ra .Rồi tiếng nhạc vang lên, loa mở lớn dần .Tiếng đàn, tiếng trống rộn ràng  vang lên giữa buổi chiều tà, khuấy động con ngõ vắng vẻ .  Tôi lắng nghe, và chợt  thấy lòng mình dịu vơi nỗi  buồn lo . Nhạc Giáng sinh, với  những bài rất quen .Mấy hôm nay đã văng vẳng nghe từ khu nhà trọ . Bài thánh ca buồn, một mối tình tan vỡ . Sao lại mở cho mấy bà già nghe những bài sướt mướt thế nhỉ , thiếu gì bài hay .

                Chợt một âm thanh chậm rãi  , réo rắt  của tiếng đàn violon, rồi một cung đệm ghi ta rất ngắn  bập bùng như khúc dạo đầu, sau đó là cất lên một giọng nam , khỏe và ấm .Tôi bỗng có cảm giác một luồng điện ấm chạy lan khắp  cơ thể buốt lạnh , khiến bất ngờ tôi ngồi thẳng lên,hai chân  co lại  ,hai  bàn tay nắm chặt, đưa lên ngực  tự lúc nào .Từ mùa đông trước qua mùa đông tiếp theo sau này. Người bạn còn đi mà niềm tin vẫn thắm trên môi. Một trời đầy sao nghìn hào quang chiếu sáng ngôi cao. Đêm nay tôi nhớ người chưa trở lại, chênh chếch mùa sao lạc loài. Ôi những mùa sao lẻ đôi. Cho tôi thương nhớ mùa sao ngày nào, thương những mùa sao hồng đào. Ôi những mùa sao cách xa. Một mùa sao sáng đêm Noel Chúa sinh ra đời. Người hẹn cùng tôi : “ Ngày về khi đất nước yên vui”. Lạy Mẹ Đồng Trinh ban ơn, người Việt càng thương nhau hơn
          . Mắt  tôi mờ đi , tôi nghe môi mằn mặn. Những lời tôi muốn nói và  đang nói với một người tôi vô cùng thương mến, hay lời của người ấy đang nói với tôi ? .  Anh  là người  duy nhất hiểu tôi. Anh luôn cúi xuống với mọi tâm hồn, dù đường  anh đi  đầy chông gai  Còn tôi. Có lúc tôi đã quên đi những được thua, mất còn,vinh nhục, nhưng bây giờ bắt đầu một cuộc sống mới thật muộn màng, bỗng dưng tôi lại cân nhắc thiệt hơn .Bây giờ, tôi lại bị chao đảo . Giá như có anh để hướng dẫn tôi đi lúc này !.
         Một mùa giáng sinh , có lẽ đó là mùa đông cuối cùng anh ở Dalat. Hôm ấy hai anh em đều về học muộn . Trong bếp có món khoai tây chiên . Khoai  bi,củ bé tí   không mấy người chọn mua, nhưng đem cạo vỏ, ngâm muối và chiên vàng thì ăn  béo ngậy . Thật khác lạ với cách hồn nhiên,xởi lởi  hằng ngày của anh ,tôi thấy anh uể oải dùng tăm xăm từng củ đưa lên miệng nhai trệu trạo. Hỏi câu gì, anh cũng trả  lời nhát gừng .Tôi hỏi : anh bị bồ đá hả . Anh giật mình như  mải đắm chìm trong ý nghĩa miên man  nào đó , hả , mi  nói gì ? Rồi anh lắc đầu cười .Bậy nà .Tôi khoe , hai ông Canh Kem được nghỉ lễ Noel mới ở Phan Thiết  về . Tối nay sẽ tổ chức sinh nhật cho thằng Bé . Anh ngồi thẳng lưng lên, như tỏ ý muốn nghe tiếp . Ủa , nó sinh vô ngày này hả .Ô, sao bây giờ anh mới biết ta ! Tôi giảng giải . Mẹ đẻ nó ngày ta là mồng … tháng 11 âm lịch, tự dưng năm nay trúng ngày 24 chạp tây .À, ra vậy .Anh đứng dậy bước lên nhà trên, chỗ anh thường ngủ chung với thằng Bé  Chợt anh quay xuống hỏi tôi . Đã chuẩn bị quà cho nó chưa . Chút nữa anh ra bưu  điện nè , cần mua gì anh mua giùm . Bưu điện tận ngoài chợ ,phải đạp xe ba bốn cây số .Rồi tôi thấy anh nằm vật ra giường , hai chân buông thõng , tay ôm  gối chặn lên đầu. Anh Đanuýp xanh này bữa nay thật lạ . Hay anh bị ông thầy cho dê-rô (điểm 0). Hay bị mất tiền . Ông này luôn  cháy túi, làm gì có nhiều tiền mà mất . Hay bị đau chứng gì ta ! Tôi bưng ly nước đứng xớ rớ dưới chân , hỏi anh có đau đầu đau bụng gì không, em đi lấy thuốc  cho . Anh nghiêng người, lưng quay ra ngoài, giọng chìm trong gối , không , mi đi rửa dọn đi , anh hơi đau đầu, nằm tí là hết . Nhưng tôi vừa quay đi đã thấy anh ngồi bật dậy,thừ người ra , sau đó lê chân đi rửa mặt .
              Cả buổi chiều chẳng thấy anh đâu . Hai ông Canh Kem cũng mang bộ mặt buồn buồn . Thật lạ, sao  vậy ta ,có chuyện  gì mà mình không biết hè ? Hai ông phân công tôi  làm một ổ bánh bông lan,còn  chiều họ  sẽ mua thêm ít kẹo . Lần đầu tiên tôi thấy hai ông anh chuẩn bị sinh nhật cho thằng út, cũng lần đầu nhà tôi có không khí mừng sinh nhật . Một đàn con ,chả hề biết nhật nguyệt là gì. Hồi đẻ vừa tháng có cúng, ,rồi cúng lúc một tuổi,gọi là   thôi nôi. Chỉ có thế . Sẽ tổ chức bên nhà anh Thạch , để anh ấy có thể cùng dự . Có mời ai không ? Mấy anh em tụi mình thôi . Nhưng tôi không biết rằng đó là buổi tiễn  đưa anh Đanuýp xanh đi nhận  nhiệm vụ mới .
      Một  ấm nước trà, mấy cái ly nhỏ .Ổ bánh đặt trên dĩa ,  tôi cắm lên mười hai  cây nến bé khẳng khiu . Có hai gói quà bọc trong giấy màu xanh lá cây, in hình vô số những  thiên thần chắp cánh bay lên trời. Chà, ai tặng cho thằng Bé mà nhiều dữ , hai thứ luôn . Tôi thấy anh Kem cẩn thận đặt lên kệ , hẳn của hai anh cho cu Bé . .Sao sinh nhật mà buồn vậy hè  ,ông nào cũng im im ,chẳng chịu nói .  Chỉ nhóc Bé là liên tục bóc kẹo ăn.Mắt  anh chàng sáng choang.!
              Chợt anh Thạch  bảo : Xí hát  trước nghe , rồi đến  Chút.  Chút là tên cha tôi đặt cho anh Đanuýp xanh . Lũ con của ông  gồm Canh Kem Xin Em (chị Nhụy) ,bây giờ thêm anh Chút , rồi Xí Bé , những cái tên khiêm tốn, hiền  lành để không đụng chạm đến ông bà, dễ nuôi dễ dạy .  Tôi đã chuẩn bị từ trưa ,một bài hát về giáng sinh bạn  bè trên lớp vẫn hát. Nhóc Bé há mồm , chị hát bài Con ếch muốn to bằng bò  đi. Cu cậu rất thích bài này. Anh Kem  chiều cậu út, ừ ,thì hát  hai bài .
                   Chợt anh Canh đăng ký , Xí hát xong đến anh .  Chút  hát hay sẽ hát sau cùng . Thằng Út tham lam ,còn hai ông này . Anh Kem  là cái ông không hề biết hát .
.          Anh kể ở trường anh dạy, đồng nghiệp thường động viên anh hát giặm Nghệ Tĩnh , đó là bài ruột anh   được bà bác truyền cho .Thỉnh thoảng anh cũng tham gia đội đồng ca, thường đứng trong  cùng , vì lỡ ai mà kề vai sát cánh với anh sẽ bị trật nhịp hết . Anh nói, ở đời anh sợ nhất là  được …mời hát .Anh Thạch bảo, anh sẽ hát với anh Kem, hát chung, hai bài, được chưa . Anh Thạch lại có giọng hát trên cả tuyệt vời . Nhưng anh Kem đã đứng bật dậy, kéo vạt áo len co lại do ngồi lâu . Anh hát trước nghe .  Anh đưa mắt nhìn một lượt, tư thế của người quen đứng trước đám đông .Tay kia anh cuộn một tờ  tuần báo làm micro .  Anh Đanuýp cười , sau một hồi mải lên giây đàn . Những ngón tay búng lên  chuỗi âm thanh sắc  của người quen chơi  đàn .  
         Nhà  anh Thạch có cây ghi ta  cũ kỹ, anh mang từ Saigon về. Cả hai  “cái đấm” để đánh tự nhịp , những chiếc xúc xắc  Đó là  thứ nhạc cụ được làm bằng nhựa đặc biệt,có hình   như quả ca cao nhưng to hơn,có tay cầm , bên trong hẳn người ta bỏ cát hay thứ gì đó, lắc nghe những âm thanh dòn dã. Nhờ  đôi xúc xắc ấy, dù có người hát không hay, ngón đàn vụng về ,cũng cứ thấy giọng bay bổng.
                   Mấy chú làm công nhà tôi cũng thích qua đây chơi những hôm trời mưa, ngồi chen chúc trên tấm phản rộng này, kẻ hát, người đàn,người lắc xúc  xắc . Có một chú người cùng xã với anh Đanuýp xanh hò Quảng rất hay, tôi chú ý ở tiếng ngân hố to và dài của chú .Đó là điệu hò xe nước 

.Trong nhà tôi, tất cả các chú đều từ miền quê Quảng Ngãi ra đi . Nỗi nhớ  đất mẹ   ấp ủ trong tim  là những guồng nước. Cách các chú gọi là bờ xe quay nước, công trình dẫn thuỷ nhập điền ,một thứ bình thường trong đời sống trở thành hình ảnh quê hương.Anh Đanuýp xanh kể, năm anh mười hai tuổi,đang  học lớp sáu (1960), trên dòng sông Trà có 110 bờ xe quay nước. Mỗi xe trung bình tưới cho 20 hecta. Những buổi chiều trời mát  đi dọc sông Trà, nghe tiếng nước reo như tiếng đàn trong gió. Có lẽ vì  thế , người con vùng   Guồng nước có giọng hát rất ấm, lại cao và khỏe .Và đàn cũng hay .Anh hứa có dịp sẽ dẫn bọn tôi về chơi quê anh, việc đầu tiên là sẽ chạy ra bờ sông thăm guồng xe nước , biểu tượng của đức tính kiên trì, bền bỉ và sự tài trí, thông minh của người nông dân Quảng Ngãi. Hình ảnh guồng xe nhẫn nại quay đều bên luỹ tre nghiêng bóng xuống dòng sông xanh mùa hạ đã trở thành cảnh quan độc đáo, vừa thân thiết, gần gũi với bao lớp người Quảng Ngãi vừa say lòng những ai có dịp đến với miền quê sông Trà núi Ấn.  Anh từng nói với chúng tôi như thế .

       Anh Kem cất giọng hát . Ngẫm thân trâu cũng khổ . Cổ mang ách kéo cày . Chạc mũi xỏ dò dây, dưới chân thì đỉa cắm, dưới bàn thì dỉa cắm …. Ô, anh Kem hát cũng hay đó chứ .Giọng trầm ,rất chững chạc, có hồn nữa, sao ai cũng chê anh không biết hát. Giọng Nghệ đặc sệt. Những đường gân xanh dưới cổ như chùng  xuống mỗi khi anh hạ tông , đôi mắt mở to,sảng khoái . Cha tôi ! Ông thấy chúng tôi tổ chức sinh nhật cho cu Bé nên không qua làm gì,chuyện con nít .Nếu biết là mai mốt anh Chút sẽ không còn ở đây nữa !Anh đang chuẩn bị đi nhận nhiệm vụ mới.Rồi  cha tôi sẽ ân hận lắm . Ông  sẽ trách tôi . Căn phòng lặng lẽ .  Tôi nhớ có lần anh hát bài này, mọi người đều vỗ tay đánh nhịp .  ! Đến lượt tôi.
       Tôi cứ ngồi thẳng lưng trên phản mà hát . Tự dưng tôi nghĩ thầm, tôi sẽ cố gắng hát hay để tặng anh Chút, cầu mong  nhiều tin lành từ gia đình anh ở Sơn Tịnh sẽ đến với anh . We wish you a merry Christmas, anh a happy new year. Good tidings to you, anh all of your kin . Good tidings for Christmas anh a happy new year.
Anh Chút nghiêng tai  nghe, đầu lắc lư theo nhịp đàn ,chân cũng dậm nhẹ . Khi tôi hát xong, rồi nói nhanh , em hát bài ni là tặng cả anh Chút nữa.Anh cười có vẻ xúc động,cám ơn O Xí . Rồi anh nhìn vào khoảng trống trên vách nhà , đôi mắt xa xăm .    
     Anh Kem đã cầm hai cái đấm lên ,chuẩn bị đón nhịp,nhưng cuối cùng, mọi người cùng lặng theo tiếng đàn, tiếng hát của anh Đanuýp.  Tôi nghĩ  anh sẽ hát bài Vó câu muôn dặm. Bài hát có điệp khúc toàn những thanh bằng rất lạ . Anh em ta đi muôn phương xa, non xanh bao la, ta vui câu ca, những đêm xa nhà cùng bên ta   Đây là hành khúc lên đường của sinh viên  Đại học Đalat, anh Canh và anh Chút  bảo vậy,  Lời rất ý nghĩa, nhạc cũng đẹp  Mai mốt anh Chút ra trường, anh sẽ hát bài này .Rồi tôi cũng sẽ ghi danh học ở đây Một đoàn trai đi khi xuân tới, hẹn rằng gieo tình thương khắp nơi Non nước tuy xa vời ,ta đã yêu thương đời, đừng e nắng gió sương bạn ơi   
                                                 Nguyễn Xuân
                                                  (còn nữa  )

Wednesday, December 7, 2016

mê mồi

                                MÊ MỒI
          Ở quê tôi , người dân  thường lưới  cá, bẫy chim chuột để đem ra chợ bán -làm thức ăn, hay phóng sinh ngày rằm  .Dụng cụ của họ đơn giản ,lưới ni lông, bẫy tre, một dúm hỗn hợp  cơm trộn bột cá rang thơm phức. Nhìn những cInline image 1on vật nhỏ bé vùng vẫy  quyết liệt,nhưng rồi nằm cam chịu,tôi thương chúng vô cùng .Ông tôi bảo : Chúng tưởng khôn mà hóa dại, chỉ vì như con người, mê mồi .Tôi rùng mình .
         Suốt những năm   đèn sách, tôi khốn khổ vì tiền . Cơm gạo, học phí, áo quần sách vở  ,bạn bè ...Rồi sẽ nhanh chóng  chấm dứt bi kịch này,tôi quyết tâm .
       Nhưng , có bằng đại học, tôi vẫn  thất nghiệp .Đành đi  phụ hồ .Công việc bấp bênh, món tiền nhận  thật thấp, dù quần quật tám giờ dưới nắng lửa .Tôi thèm thuồng nhìn chiếc ví căng phồng của chủ thầu, chủ nhà  .Tôi cay cú tận tim,cay đắng môi miệng và cay sè mắt mũi .
   Có lần tôi tham gia phá dỡ ½ ngôi nhà  cũ nát  để dựng nhà mới .Bức  vách  bị đập phá lộ ra  một cánh cửa rộng không khép kín.Một ngày,hai, rồi ba ngày, vẫn thế .Trong đầu tôi   lóe lên một quyết định táo bạo  .Tôi lấy cớ vào trong nhà , cần WC, phát hiện ra cửa  là lối dẫn vào khu trung tâm của ngôi nhà cũ .Gia chủ vừa bán đất ,món tiền không nhỏ …
    Nửa đêm tôi tìm đến công trình . Tôi đứng trước cánh cửa, kéo mạnh tay nắm .Ôi, người ta đã khóa cứng nhắc từ bên trong ! Trong đời, chưa bao giờ tôi thấy thất vọng đến thế . Tôi mò mẫm ra về .
     Hôm sau ,tôi đến muộn . Ăn sáng  .Bà lão vẫn ân cần ,nhưng chàng trai ngoài ba mươi thỉnh thoảng ném cho tôi tia nhìn đầy dò xét và cảnh giác  .Vắt xôi đắng chát .Tôi nện những nhát búa thật mạnh vào bức tường gạch, có khi co cẳng đá những cây xà gỗ  dài,mặt đỏ bừng tức giận ,khiến ai nấy đều rất  ngạc nhiên  .
   Mấy hôm sau,chủ thầu lấy cớ thừa thợ,không thuê tôi nữa .Tôi lặng lẽ bước qua ½ ngôi nhà  cũ kỹ , đổ nát. Có ánh mắt  buồn rầu của bà lão nhìn theo .Tôi biết ,món tiền từ nửa ngôi nhà, bà đã để trong ngân hàng .Tôi lục lọi  , rồi sẽ đoạt mạng sống của bà một khi bà phát hiện ra tôi .Tôi sẽ … Có tiếng bà lão gần tám mươi , một bà giáo về hưu, trách móc tôi : Thiên bất dung gian,lưới trời lồng lộng, con ạ !
          Cho hay : Dẫu là cá ,chim,chuột hay mày.
                           Đều sa vào cái bẫy : miếng mồi .
                           Một chút gạo rang,xoa cơn đói
                           Dăm ba mắm thối, dịu dạ dày .
                           Miếng mồi chứa  đủ danh,tình ,lợi
                           Sa tăng chiếm trọn trí, hồn,người.
                            Hãy sống sáng suốt và nhân ái.
                            Đời sẽ  cho ta thật đủ đầy . CHỈ  TẠI HỘP BÁNH .
 CẢNH 1.  (nhà người anh cả . Giỗ cha ). Bà Hai   đi chợ về . Tiếng gà kêu lục cục góc bếp, Trên bàn , chiếc túi ni lông to gói  độ hai ký  bơ chín và một hộp bánh . Bà cầm bánh lên xem , vẻ mặt đầy khinh bỉ .Inline image 1

-          Chị Hồng  (từ trên nhà xuống ) Mẹ, vợ chồng chú Út mới đưa qua .
-          Bà Hai (bực bội ) Cúng cha , mà mua hộp bánh  không ra hồn .
-          Cô Hồng   (bênh chú thím ) Nhưng gà, bơ cây nhà lá vườn  , đã hơn hai trăm .Cô Ba cũng gửi từng ấy tiền mà .
-          Bà mẹ ( nguýt cô con )  Ừ ,thì  cô chú nhà mày, ai cũng tốt .
CẢNH 2 :  (Hai vợ chồng bà Ba ngồi trong phòng khách )
   -Bà Ba (  cầm hộp bánh cúng giỗ, tức giận ). Giỗ có biết bao bánh ngon, lại cho mình thứ rẻ nhất.
  -Ông chồng ( dàn hòa ).Chắc chị ấy vô tình thôi .
  -Bà Ba (phân trần với chồng ) Bữa trước , tôi mất mấy trăm, đưa lũ nội ngoại của bà  đi siêu thị,mà tôi có tính toán gì đâu !( vùng vằng đi vào ) Mai tôi mang trả  .
CẢNH 3 (nhà bếp bà Hai . Đám con gái đang ăn uống.  Bà  mẹ cầm hộp bánh bước vào )
  -Bà mẹ ( vất hộp bánh vào một góc  bếp ,thề nguyền ) Lần sau , tao mang biếu hàng xóm, còn có tiếng cám ơn (ngóng ra hướng nhà cô Ba ) Cô chê thì phải chê thằng em nhà cô đấy , sao lại chê tôi !
  -Một cô  ( giằng lấy hộp bánh )Mẹ cho con ( che miệng nói với cô khác ) Biếu lại nhé .
 - Bà mẹ (căn dặn ) Mấy đứa  nhà này  từ hôm nay, không được  bế con sang nhà cô ấy . Chúng mày nghe không ? (dạ ran)
CẢNH 4 (  nhà vợ chồng chú Út . Họ đang tiếp cô Ba .Trên bàn, hộp bánh cúng nằm lạc lõng )
  -Cô Ba ( sụt sịt ). Tôi lấy chồng muộn , bố mẹ mất sớm, tôi xem anh chị như cha,như mẹ , coi lũ cháu như con ,mà bây giờ , tôi lại bị họ xem là kẻ thù …Thật quá quắt !
 - Thím Út ( ân hận) ..Em dặn ảnh mua  hộp to  .Anh ấy lại mua hộp nhỏ, bảo gom tiền giúp một anh bạn trong cơ quan có con ốm bất ngờ .
 -Chú Út ( kéo hộp bánh lại gần,cười  ) Tóm lại, tất cả là do  hộp bánh .Phải trị tội nó (mở  gói, lôi bánh ra ăn )
               Cho hay : Thương thay thân chiếc bánh dặm trường .
                                 Bị ghét bỏ vì kém bột đường .


sống khó hay dễ

                    SỐNG SAO MÀ KHÓ THẾ !

(  Ông  Tâm sống ở phố . Hôm  nay,ông tạt qua thăm khu nhà trọ tận ngoại thành )
 CẢNH 1một bụi đậu ngự tươi tốt đan dày khung lưới B40  được dựng làm bờ rào. Vườn bên, có  ông cụ  đang cắt cỏ.
  -Ông Tâm (gọi to ). Cụ phá hộ cháu   bụi đậu đi .Hỏng bờ rào,cụ ạ .
 -Ông lão(ngẩng đầu nhìn người láng giềng, nhìn bụi đậu, rồi thong thả đáp ). Sinh viên ăn hạt rơi ra,tôi thấy nó lên nhanh, mới vun gốc, bắt dây cho nó leo nhờ thôi .
 -Ông Tâm (đưa tay qua lỗ lưới to , tay kia thò kéo gốc bụi đậu )  Cụ cho con mượn chiếc liềm một tý .Con cắt dây đi, chứ không là sụp bờ rào, thuê người sửa lại, tốn kém lắm
 -Ông cụ (mặt tái đi,rồi ngập ngừng trao liềm cho người hàng xóm)
 CẢNH 2: ( Hành lang nhà trọ .Ba cô gái trẻ đang xúm xít bên rổ đậu ngự vun quả
  -Các cô gái ( mời chào ) Bác ơi , bác thật hên , hôm nay ở đây ăn chè đậu ngự với chúng cháu nhé (nhìn thấy áo ông vương chùm  dây đậu,
(như chợt hiểu,họ ùa chạy xuống vườn.Ai nấy vô cùng xót xa , quay sang trách ông chủ ) Sao bác cắt gốc đi thế, tội quá!( một cô phân trần ) Bụi đậu làm căn nhà đẹp ra, lại có quả ăn, nên tụi cháu rất thích thuê ở đây ..
   -Ông Tâm ( cười gằn) đẹp nhưng hỏng bờ rào (rồi bỏ đi .Các cô gái ngơ ngác nhìn theo)
 CẢNH 3 (Nhà  bếp ông Tâm . Ông bắt gặp những quả su su bé tí nằm trong rổ ,ngạc nhiên)
   -Bà vợ ông Tâm ( vẻ bực dọc ) Có mấy dây su su ở giàn nhà mình  bò qua bờ rào nhà bên kia, mà họ cắt đi như thế ,quả còn non, biết bao là hoa (lầu bầu )Ăn ở ác thế, cả thứ vô tri cũng không cho nó sống .
  -Ông Tâm (giật mình như thể đang bị lên án .Ông quát vợ )Ai biểu bà để nó  leo lung tung (rồi ông nằm vật ra giường, bên tai nghe rõ tiếng ai đó chì chiết : ác giả ác báo , thấy chưa )
-CẢNH 4 ( bờ rào nhà trọ ông Tâm  . Rễ bụi đậu đã được đốn sạch ,lộ ra mép thềm xi măng.)
   -ÔNg Tâm (nhoài người thò tay qua lỗ lưới , moi lỗ để gieo nhưng hạt đậu ngự,mắt đảo tìm những hạt đã gieo hôm trước )Mưa cuốn mất tiêu hết rồi (nhìn về phía nhà ông cụ láng giềng) Sao ông đốn gốc nhanh thế , lại không chừa cho tôi cục đất mà gieo (rồi ngồi thừ người ,buồn bã ) Sống sao mà khó thế !
                             Cho nên : Khó dễ là bởi tại mình
                                        Thương yêu,thông cảm ,nghĩa tình với nhau

                                             Giữa người, kể cả hoa màu .

Thursday, November 3, 2016

RAU DALAT

                              
                              RAU DALAT .

Chủ ngôi nhà tôi về trọ học một năm ngắn ngủi ở trường Cao đẳng Sư Phạm TP Hồ chí  Minh vốn từng có một vựa rau củ rất lớn trong chợ Cầu Muối,là mối làm ăn với gần  như cả thôn tôi  .Khi cơ chế kinh tế được thay đổi sau ngày đất nước thống nhất, vựa cũng được đưa vào các hợp tác xã . Chủ vựa   tiếng tăm ngày nào ,nay vẫn có một vị trí quan  trọng trong Ban điều hành .Vị trí ấy hiện rất rõ qua gian bếp, tủ lạnh và bữa ăn hằng ngày : ê hề rau củ các vùng miền . Tôi để ý họ rất yêu chuộng rau từ Đalat về , điều đó khiến tôi có chút tự hào về quê mình .
                  Nhưng những ngày đầu, tôi  cứ thấy trong lòng thế nào ấy ,đó là cách gọi rất lạ về tên các loại rau, củ của miền đất đã trồng , có khi tôi còn có cảm giác chúng bị xem thường .Chẳng hạn ,tất cả những loại rau có lá, họ đều  đưa về một “thừa số chung ”: cải  và xà lách Chẳng hạn cải nồi, cải tròn (  người trồng rau gọi là sú)cải dài ( chúng tôi quen gọi là cải thảo ) cải hoa (  quê tôi gọi bằng tên Việt cũng khá…Tây : lơ )cải xoong ( bọn tôi bỏ từ  cải ) Rồi nào là xà lách mềm (   quê tôi có ba loại :xà lách búp, xà lách mỡ,xà lách cuốn) xà lách cứng ( người quê gọi bàng từ nguyên thủy : cô rôn ) , xà lách quăn ( ô dê)  Cà rốt họ cũng xếp vào họ cải : cải đỏ , để phân biệt với củ cải trắng thường được đưa từ Phan Rang vào .
                  .Bà chủ nhà  rất mê ăn sú ,loại rau đặc biệt chế biến được nhiều món qua bàn tay bếp  núc giỏi giang của bà : luộc chấm trứng, xào với tôm khô giã nhỏ trộn bún khô hay mì gói , nấu canh cuốn (từng lá  chần sơ nước nóng, cuộn thịt hoặc tôm vào trong ,nếu nấu chay thì cuộn nấm hay đậu hũ chiên, rồi thả vào nồi nước dùng ) xào thịt heo,và  nộm ( sú  để tươi, nguyên bắp, bào sợi, trộn với thịt ba chỉ, lạc rang, nước mắm chanh đường ớt tỏi,rắc lên ít rau thơm) hay món gỏi thịt vịt ( thịt vịt luộc, chặt nhỏ, trọn thêm nộm sú ), cả món dưa  chua rất dễ làm, mau ăn được, rất ngon  . Nhưng bà gọi nó là cải bắp .Cả cải thảo,bà cũng gọi na ná như thế ,  tức là … bắp cải  .Tôi nghĩ, thôi cũng hợp lý ,vì  nhìn kỹ chúng cũng có bàn con xa gần với …bắp ngô .Cũng thuôn thuôn, có nhiều lớp lá bao bọc xung quanh , cũng chắc nịch trên tay mỗi khi cầm . Cả màu lá cải thảo cũng một màu xanh hoe vàng,pha trắng  như màu lá bắp .
                Nhưng có lần tôi gặp rắc rối . Bà chủ    nhờ tôi trên đường đi học về thì ghé vựa mang về cho bà một cây bắp cải .Trong đầu tôi hiện lên cây cải thảo  và những món bà sẽ chế biến :  chấm trứng luộc, xào bún, nấu canh .Vựa không hề có một bóng phụ nữ .Họ ở đây  từ tinh mơ  hoặc xế chiều , là lúc bọn học trò  đang ngủ hoặc ở trên trường  : mua rẻ những mớ rau bầm dập mang đi về các chợ nhỏ ,hoặc gom lá hỏng vàng để nuôi heo gà , rồi  quét dọn .Đám thanh niên trong vựa những ngày đầu hễ thấy tôi là trêu chọc .Chỉ là những  tiếng huýt sáo,những câu hát bâng quơ . Tôi ở ngoại ô, gần kề lối xóm  có cô bạn thân sớm hôm lo sách đèn .Hai đứa chưa ước hẹn lấy một câu, chưa nghĩ đến mai sau. Hay táo tợn một tí Em ơi trái đất vẫn tròn, chúng mình hai đứa sẽ con gặp nhau  Bài hát ấy, với điệu Bolero rất quen , ngày nào các chú trong nhà tôi lại không một đôi lần ngâm nga . Cả cái điệu cha cha cha  rất dồn dập , nhưng nội dung nghe … bi đát  lắm : Tình là tình như không mà có ,tình là tình có cũng như không.
                    Bọn chúng tôi từ vùng đất quanh năm mát mẻ, được nuôi dưỡng bởi rau củ, cả cái chân chất của người sơn cước,mang về thành phố rộn ràng này một vài … đặc sản ,đó là  khuôn mặt đỏ hồng như táo, mái tóc đen huyền và đặc biệt, thấy đàn ông thanh niên ở đâu là ..lảng tránh, có  đứa còn thấy …sờ sợ (! ?). Từ bé đến giờ ở nhà chỉ thân thiết với cha và anh, đến trường chỉ phe ta ;tôi  có cơ hội  ra ngoài một tháng bốn lần sinh hoạt hướng đạo  không tìm ra đâu bọn vị đực( những anh chàng tuổi 15-18 thường bị vỡ giọng )  đi học thêm  thì cũng gặp  các mái  tóc dài  là chính  .Trường tôi học  ưu tiên cho các cô , từ Ban giám hiệu, các giám thị .Có  nhiều  thầy dạy những môn khó nhai nuốt với dân chuyên Văn và ngoại ngữ như chúng tôi nên ít gặp  ,  có dịp phải  đối diện  đều kính cẩn ,thưa thầy, chúng con , dù đôi  khi thầy chỉ hơn trò dăm ba tuổi  .Không chỉ  riêng trường Việt công lập, mà hệ thống trường Pháp, tư thục  trăm phần trăm dành cho diện con ông  cháu cha,    cũng  “phân biệt” và “kín cổng cao tường” như thế . Mục đích  chính là “nan nữ thọ thọ bất thân” .       

             Riêng tôi còn một lý do khá kỳ cục .Về đến đây,lần đầu tiên tôi bắt gặp  đàn ông …ở trần ! Tôi có hai người anh  gắn bó   gần như trọn cuộc đời với vùng đất được xem nóng bức nhì nhất Việt Nam ,Phan Thiết . Thế nhưng,  trong suốt  thời gian chứa cái lý do kỳ cục này, tôi chưa hề về  miền đất mới, bây giờ là quê ngoại các cháu tôi ,lần nào . Thuở bé, mẹ tôi không cho tôi đi  đâu xa . Đất nước  binh loạn, ra đường lính tráng, xe cộ, súng ống .  Các anh tôi có chụp nhiều hình dán trong album ,những chuyến ra khơi  đánh cá với học trò, đi tắm biển , chỉ thấy ông nào cũng trơ bộ xương cách trí ( hình mẫu bộ xương người trong sách giáo khoa ).Chứ về đến nhà mẹ,ông nào ông nấy khăn áo tùm hụp .
             Ở nhà tôi , mỗi năm cứ đầu mùa mưa, các chú cũng trần xì xuống ao tát bùn,  bắt cá để ao được sạch sẽ, chứa được nhiều nước cho những  vụ rau sắp tới . Họ lặn hụp cả buổi sáng, sau đó co ro chạy vụt lên sân, thoáng trông như những pho tượng đắp bằng bùn đen , ra chuồng heo,nơi đó có buồng tắm, có một cái bếp chất đầy mùn cưa, có nhiều thùng phuy chứa nước sạch . Cha tôi làm nhiệm vụ đun nước, kỳ lưng ,gội  đầu  cho  những bức tượng  ấy .
             Còn đám công nhân vựa rau thì quanh năm vai đồng da  sắt quanh năm .
             Cho nên hôm ấy, tôi len lén dựng xe đạp vào  một góc, bước vào  cuối  nhà kho mà biết rõ ở đó luôn có mớ rau ngon .Tôi thấy có sú lẫn cải .Tôi nhón lấy một cây cải thảo to, đặt lên giỏ xe, phóng chạy.Ra  khỏi khu vực “mất an ninh”, tôi hơi thấy tiếc,phải chi lấy thêm cây sú, vì nhà vựa vắng vẻ, vì giỏ xe còn rộng, vì chiều nay tôi rảnh rỗi , mà bà chủ thích ăn sú hơn .
              Rồi tôi ân hận thực sự , vì bà chủ cần sú chứ không cần cải thảo . Bà la toáng lên . Ông chủ từ nhà ngoài vội vàng chạy vào .Bà vợ phân trần .Tui biểu nó lấy bắp cải ,nó lại lấy… bắp cải (!?)Hiểu rõ đầu đuôi câu chuyện ,ông lật đật phóng xe ra vựa, đem về hai cây sú to .Ông dặn hai phụ nữ  . Bận sau , cả cô cháu phải thống nhất nghe : cải tròn  (sú) cải dài ( cải thảo )
              Tôi buồn lắm. Chiều hôm ấy,tôi mua một gói thuốc lá, kiếm một cuốn sổ và cây bút, rồi  đạp xe trực chỉ vựa rau .Tôi phải đi học tên gọi các loại rau.  Tôi nhớ lời cha dặn :  cái gì không biết thì phải học,phải hỏi.Tôi  phải ráng tự tin lên,thì  ban nhạc  ở vựa rau sẽ không có cớ trêu chọc
               Những con  người  ở đây , toàn là đối tượng tôi lảng tránh –đàn ông,ở trần-té ra lại rất dễ thương.Họ trêu vì thấy tôi cứ thập thò ngần ngại, thấy  ngồ ngộ  .Tôi ngồi giữa đám công nhân lưng trần đỏ au, chân cẳng mốc thếch,  áo quần vá chằng đụp ,có cảm giác chẳng khác chi cùng dọn cỏ, bắt sâu , nhổ rau với các chú, các chị làm công ở nhà .Họ cũng từ nơi khác đến Saigon này để mưa sinh ,Mỹ Tho,Định Tường, Nhơn Trạch .Anh chàng quê ở đây không nói được âm th,như nhỏ  bạn  đu đu của tôi chỉ dùng một thanh ngang . Ở đây không ai kêu cải ..hảo hết á . Cải dài, chị nhớ nghe ! Cải dài nấu với hịt băm, chờ nước sôi hì hả dzô  cả hai hứ .A! món này  ở nhà mẹ vẫn  hỉnh hoảng cũng nấu . Đã rành tên rau,họ  còn rành cả khâu chế biến ..  Vậy mai mốt các anh lên Đalat nhớ ghé chỗ tui chơi.Tui sẽ đãi món cây nhà lá vườn này .Họ cười .Tụi này sắp về quê hết rồi . Đi kinh tế mới với ông bà già, với mấy đứa em .Mà cô còn đi học , rồi đi làm , biết khi nào có nhà . Vâng, biết khi nào gặp lại họ . Tôi không nghĩ mình được về lại Saigon sớm thế  , đi thi rồi đi hoc tiếp . Ngôi trường  những ngày tôi về làm  sĩ tử ở  trong khu vực chợ Cầu Muối. Ngôi nhà  của chị Châu tôi trọ học suốt bốn năm ở đầu đường Calmette cũng gần chợ cháy trong chợ Cầu Muối , chuyên bán lá hạt  các loại cho các sản phụ ,người ốm xông  hơ .Tôi vẫn nhớ đến những chàng trai bốc xếp  rau củ ở đây .Họ đi đâu, nhưng các  anh ạ,trái đất tròn, rồi sẽ có ngày gặp lại .
           Cuộc sống và công việc,làm trò, làm thầy,lặp đi lặp lại cứ cuốn hút tôi, vẫn những trang sách ,con chữ, nhưng hình như  chưa hề cho tôi có cơ hội để tìm ra đáp án các từ  về rau cải,.Tại sao người Nam Bộ lại quen gom các thứ rau Đalat về cụm    từ ấy ?
            Tôi nhớ đến câu ca dao : Gió đưa cây cải về trời . Vậy là cải là thứ rau đã có từ lâu của người Việt .Mẹ tôi cũng kể quê ngoại thường ăn rau dưa tương cà quanh năm .Dưa được muối từ cải ngồng .  Có lẽ người miền Nam cũng quen với các loại cải tương tự như thế chăng ?
            Trong cuốn Ngành trồng rau Dalat từ 1928-58,tác giả cuốn sách luôn gọi tên gốc Pháp của các loại rau, nhưng về  giống “cải thảo ”thì ông để trống . Ông giải thích thêm : Người Pháp ít dùng, nhưng người Tàu rất ưa .Vậy giống cải mà người quê tôi gọi là cải thảo,người miền Nam gọi là cải dài, cải bắp , có nguồn gốc từ Trung Quốc chăng ?Lục tung các từ điển,một người bạn dạy ngoại ngữ trong trường không tìm ra gốc gác từ tiếng Anh hay Pháp  của cải . Bạn bảo,sú (chou ) người Mỹ gọi là cabbage , đọc chệch ra âm tiếng Việt nghe na ná …cải bắp !
 Rất nhiều người vẫn quen các gọi như bà chủ vựa năm xưa  .Có bận tôi đau dạ dày, một trang trên báo khuyên tôi ép nước cải bắp ra để uống .Tôi phân vân .Vậy sú hay cải .Tìm ra bức hình minh họa. Sú, cải tròn,  trời a.! Người Việt có cách chuyển âm thật tài .
                       Tôi nhớ ngày đi học,  cô giáo giải thích nghĩa gốc của từ “xì ke” . Danh từ  này có nguồn gốc là hai  âm tiết viết tắt C và G (đọc theo tiếng Mỹ là Xi Ji) Vậy CG là gì ? Là catch girls. Lính Mỹ sang Việt Nam tham chiến thường tìm dùng một loại thuốc  an thần .Nhưng  sau khi dùng , họ hễ thấy đàn bà con gái ( girl) là xông đến ( catch) .Thuốc ấy có tên CG là như thế đó .Người    Việt đọc nhanh là…xì ke !  Nay thì một chùm , xì ke ma túy .
                Tôi vẫn thích nghe cách gọi quen thuộc về các loại rau có một thời là top ten của Dalat. Sú ,lơ , cải .Trong ba loại,  lơ là loại rau có giá trị kinh tế cao nhất, và khâu gieo trồng,chăm sóc vất vả hơn hết thảy . Ngay từ giống, tác giả cuốn sách viết về ngành trồng rau ở Đalat buổi sơ khai kể rằng cha ông được công sứ Cunhac của Pháp biếu, sau đó thì mua từ người Hoa từ Sài gòn, từ người ấp Hà Đông mang tận Hà nội vào, và tự gây  giống những loại rau có giá trị   .Tuổi bé   ,tôi  thường bắt gặp cha tôi cầm một bó que đi khắp vườn đang vào vụ  thu hoạch cuối đông .Ông đang tìm  những cây  có bông  to trắng nhất để làm giống . Khi vườn rau chỉ còn trơ ra những luống đất, đó đây giữa vườn rải rác có những cây lơ được cắm cọc ,giăng giây cẩn thận,gốc được đắp đất chắc chắn . Chúng được tưới nước ,bón phân, trừ sâu kỹ lưỡng .Dù lúc  nỉa đập,làm luống, trồng vụ mới, những “nhân vật ưu tú”này vẫn sừng sững giữa vườn . Rồi đến một ngày, những bông trắng phồng to dần như chiếc bánh  gateau được phủ nhiều lớp kem, bỗng xuất hiện  nhiều chùm hoa vàng li ti xinh xắn .Hoa kết trái ,những quả nhỏ và dài như chiếc kẹp tóc bé tí của các quý bà giữ cho tóc không bung .Hạt  trong quả căng dần,có hình những chùm đậu tí hon . Vỏ đổi sang màu  vàng,nghĩa là đã chín .Cha tôi bỏ ngủ những buổi trưa, dùng con dao díp ( dao có cán thép hình cái nhíp nhổ râu )lưỡi nhỏ và bén cắt gọn từng chùm,đem về ủ kín trong những mảnh bao bố dày .Vỏ thật chín vàng, thế là đem phơi khô ,sàng sảy để lấy hạt .Lúc này, mẹ  sẽ tìm những chiếc chai có vỏ dày, đen để chứa hạt ,nút kỹ, tránh ánh sáng và sâu bọ .Các loại  rau khác ,người Nhật đã đóng sẵn trong những lon hình lon sữa bò ông thọ .Bất tiện vì trọng lượng hạt khá nhiều, hai ba nhà chung một lon, hoặc phải dán miệng lon bằng mấy lớp băng keo . Có hạt rồi,khi gieo cũng phải luôn canh chừng mưa gió,chim chóc ,cả sâu bọ, nên giàn làm cao ,che chắn rất chu đáo .
          Thường nghe nói “yêu hoa,” chứ mấy ai bảo “yêu rau củ” ! Nhưng những người nông dân quê tôi có một tình yêu mãnh liệt dành cho những luống rau, cho từng cây rau .

                                                         Nguyễn Xuân.