Wednesday, June 7, 2017

bốc thăm

BỐC THĂM !
 Một buổi trưa ghé nhà ăn cơm với tôi, bà Đu đủ bảo : Nè, có  cuộc thi viết sách gì đó ở trong Sài gon, mi rảnh rang nên  viết cho vui. Tôi gạt ngay ,  tau không có khả năng  dựng tiểu thuyết đâu. Bà bạn  trề môi,tôi hiểu ngay rằng bà ta sẽ nói: chưa  lâm trận đã vác súng bỏ chạy. Nhưng  lời  bà ấy nói là thế này : Họ rao bờ lóc  cũng thi được.Mi viết lu bù thần tướng, khi viết thì hứng, chán là sẽ có ngày xóa sạch . Biết đâu những thứ  mi viết nhiều người chê, nhưng cũng có người coi cho …  đỡ buồn. Lão tăng nhà tao khen mi …Thôi mệt quá đi . Tôi buông đũa đứng dậy .Khó kiếm được  con người “ biệt nhỡn liên tài” ( có con mắt đặc biệt thấu cảm nỗi  thất bại của người khác )như hai lão tăng của chúng tôi!
      Nhưng khi Giang đi rồi, tôi lọ mọ mở mạng  tìm đọc bản tin này .  Một hình ảnh hiện lên trước mắt tôi là  hai vị “quyền huynh thế phụ” sẽ triệu tôi qua nhà họ và bảo “ Xì, thừa giấy vẽ voi !” Đã có lúc họ ra lệnh  cho tôi  hãy đi tìm việc khác mà làm,vì mọi chuyện  về bất cứ con người , cảnh vật nào mà tôi gặp,từ thời “ tam hoàng ngũ đế” cho đến bây giờ,  tôi cũng bê lên nguyên xi, chỉ có điều là chắp vá để nó có đầu có đuôi,có thắt nút và mở nút . Và đã  có va chạm.Ông   bà xưa từng dạy  “ Đèn nhà ai nhà nấy rạng”,  tôi thì thấy  đã thắp trong nhà, nay đưa lên tận …nóc, có thể tôi bị cạo đầu chứ chẳng chơi.
    Họp mặt  lớp học chia tay từ hơn   bốn chục năm về trước, có một bà  mang đến mấy chai dầu  gió xanh làm quà, chủ trương là bốc thăm, vì dầu khác kẹo, không chia đều được. Cái thau nhựa   đầy những  mẩu giấy nhỏ gấp tư, ai cũng tranh nhau mà bốc, mặt mũi   khấp khởi hy vọng mình không đụng phải con số  0 to tướng .Mẩu  cuối cùng thuộc về tôi .Và tôi cùng với bốn bà khác thuộc diện có dấu cộng.
  Ngày tôi  về trường Đống Đa, hàng phân phối   rất nhiều món  mà Ban Giám Hiệu   cũng phải quyết định bằng cách hên xui may rủi như thế này.  Có một xấp vải nỉ sọc ca rô trắng trên nền xám, nếu bốc trúng, tôi sẽ  đi may ngay một chiếc áo măng tô đẹp để diện với đồng nghiệp . Trước ngày khai giảng năm học mới, mẹ tôi đã kịp xuống tận Cầu Đất đặt cho tôi một chiếc nỉ nhung màu cà phê, vải và kiểu là  mốt thời thượng  ngày ấy ,  thợ nổi tiếng … khắp Cầu Đất, nhưng chị cả của tôi đánh giá tài năng ông rất cao,  cụ thể là những chiếc áo chị mặc.  Trường tôi về đã  hình thành hệ cấp hai  từ lâu, nhưng cấp ba  vừa có năm nay, giáo  viên  đến từ  nhiều nơi  , nhóm mới rời giảng đường sư phạm như tôi cũng chiếm con số    bốn, trang phục đơn giản, nhưng tôi để ý là cô giáo nào cũng có một vài chiếc  áo vải dày, màu tối, vạt lấp lửng đầu  gối, để  mặc lên lớp, để họp hội.   Hoạt động thứ hai này  rất cần có áo đẹp . Vải được chia về tổ, ai nấy tranh nhau bốc những vuông giấy nho nhỏ, xếp tư . Cái mẩu giấy bé tí cuối cùng tôi phải nhận .  Tôi có thêm một áo đẹp nữa .
   Chưa một ai nghe tôi chia sẻ  những “ giải pháp hữu ích” này, bởi  cũng như mẹ tôi, chẳng ai rảnh rang để  ngồi nghe tôi kể lể .  Ngày lễ Trung thu khi tôi  học lớp nhất ( lớp năm bây giờ) ngôi trường Trung Bắc của tôi được nhận 10 suất quà . Quà thì ai mà không thích, hơn nữa  sẽ được trao tận  ngoài Thao trường ( sân vận động ) kìa. Còn được  đi  xe lam mà không phải trả tiền nữa! Cô giáo cũng đi với chúng tôi. Tám chục đứa học trò  lớn nhất ngôi  trường  làng  ngồi yên trong  hai lớp, nín thở , hồi hộp, nghe tim đập thình thịch  giữa không khí thật tĩnh   lặng hiếm có . Hồi ấy có một kiểu nón xếp rất độc đáo. Nón có tất cả năm  khung là những gọng thép vòng tròn, khi  gập chỉ cần xoay cho mọi  khung vải ấy  chồng lên nhau, dấu kín chỏm vải trên đầu, là có thể bỏ vào một chiếc túi vải nho nhỏ,rồi cất gọn vào cặp , như một chiếc bánh  bằng hai bàn tay ,xinh xinh , vừa nướng từ lò . Nón có màu hồng xanh, vàng,lại điểm những nét vẽ hoa cỏ rất sống động .. tùy theo sở thích người  đội. Tôi vừa được sắm một cái ,  hy vọng nhân cô hội   đi… xe lam này ! Cô giáo đã mượn nón một đứa , thả vào đáy nón vải những mẩu giấy vở học trò  xếp tư , những phiếu may rủi . Cô dặn, hễ phiếu đánh số là   được nhận quà ngoài bờ hồ ( cách gọi thao trường ngày ấy ), còn phiếu có dấu cộng  là quà “ cây nhà  lá vườn” . Cô tôi ở phố, con đường Bùi thị Xuân bây giờ, lối xuôi ra  hồ Xuân  Hương , có một vườn mận  ở   bên hiên nhà, chi chit quả rất ngọt, mùa trung thu    trĩu từng cành .Bốn chục đứa, năm gói quà . Cả lũ trai gái ùa lên vây quanh cô giáo và chiếc nón xếp  . Những cánh tay khẳng khiu  thò ra cùng  nhiều bàn tay với  mấy ngón cáu bẩn ( bọn con trai đã cởi bớt áo len cho dễ bề  giành chiến thắng ) Đám con gái cũng không chịu thua. Tôi đứng vòng ngoài cùng vì không thể nào chen vào được. Đột nhiên tôi có tư tưởng  tháo lui và tự an ủi, chắc cũng  giông giống bánh  chị cả tôi làm , mình không đi dịp này thì còn nhiều dịp khác, lo gì .

      Sớm tinh mơ,  đúng chục đứa  diện những bộ  cánh đẹp nhất  tập trung ở con dốc ngay bên hông ngôi đền  Linh Bửu mà  người dân quen gọi là Am Bà Cai Thỏ , nôn nao chờ  bác tài đánh xe lam đến .  Sẽ có một đứa con trai   lớn nhất trong đám ngồi bên tay  lái với  tài xế, để lòng xe nhường cho cô giáo .Xe sẽ qua   con đường trông sang  vườn nhà tôi,nơi có nhiều người đang làm lụng, hẳn sẽ dừng cuốc để ngắm chúng tôi, rồi sẽ qua đường Đồi cù, đổ ra bờ hồ, đường này vắng tanh , nhưng cũng có một vài người đạp xe qua, mấy anh chị sinh viên đi học  chẳng hạn, sẽ trầm trồ , a thầy trò trường Trung Bắc ra phố kìa ! Lần đầu tiên hả , tuyệt vời .. Ôi, thật là hạnh phúc.Cũng là  lần  đầu tiên tôi thấy thú vị  khi rút ra chân lý : không phải cái gì giành giật  là  đều có được .
     Nghỉ hưu ,công việc của tôi là dọn dẹp  những kệ sổ sách giấy má, cả bút thước gôm mực , gom thành một bọc  đem tặng  lũ  cháu  và vài đứa  hàng xóm. Một xấp giấy làm  bài chỉ dành riêng cho các sĩ tử, cô giáo   nào  được phân công làm giám thị sau mỗi đợt thi tốt nghiệp cũng … chôm về một ít ,  có khi tự giác “ cầm về” vì đã lỡ ký tên mình vào cột giám thị rồi . Quý giá lắm, có thể dùng  trong rất nhiều việc cho bài vở , kể cả bao bìa . Được phát một cây viết xanh   trước giờ  coi thi, cũng ki cóp để dành cho những trang giáo án. Người được nhận làm giám khảo, tất nhiên là được tặng ngay một cây viết đỏ, cũng  mang về … để  dành . Khi “lên mâm” (công đoạn  ghi điểm của thí  sinh vào bảng điểm ) người nào may mắn được chọn khâu ghi, ( vì có người đọc, người canh bởi có  kẻ hoa mắt do chấm bài quá nhiều, điểm   ba mà đọc thành năm hay tám ..)là được tặng một cây viết  xanh . Những người khác ngẩn ngơ thèm thuồng .

  Một chị đồng nghiệp  hơn tôi mấy khóa mang hẳn xấp giấy nháp đủ màu xanh đỏ vàng đến tặng tôi.    Anh chị chỉ có một người con  trai đã rời trường đại học lâu rồi, mà chị  cũng “ sưu tầm”  đến cả nháp nữa . Chị bảo,thì tan cuộc,chúng nó chia cho một ít. Chị ở trường có rất nhiều “ chúng nó” .Chị ở trong  Ban chấp hành Công  đoàn, kinh tế  rất ổn định, tính khí chị lại thoáng . Có lần chị “ bắt cóc” một chị khác và tôi ( hai nàng cùng một tổ chuyên môn ) đến nhà  chị ăn bún  măng , một chiều thứ Năm  trong tuần, có rất nhiều hoạt động ngoài giờ lên lớp . Mẹ tôi xuống Phan Thiết thăm  các cháu, tôi thấy mình cũng rảnh rang . Mà nghe đến bún, tôi mới nhớ hồi trưa tôi chỉ ăn qua quýt một món gì đó cho kịp buổi họp chiều .Khi tập trung trước  cổng trường ,tôi thấy có khá đông “chúng nó”, nhưng về đến khu bếp nhà  chị  thì chỉ còn hai mống . Chị sống  rất gần nhà tôi,nhưng  có được mời vào chơi cũng chỉ nán lại trong phòng khách,  hôm may tôi  mới “ mục sở thị” gian hậu trường  : chén bát bẩn  giăng đầy từ bàn sang kệ, qua bếp .Có lẽ cả tủ  chén to  đùng trên nhà ngang  của chị đều được huy động hết,nên  có mặt thật đầy đủ , lúc này,ở đây ! . Chị cười lả giả , nhà tao mấy bữa nay khách  đến miết, nấu bún lên mà không ai ăn, tụi bay tha hồ, thích thì múc đem về . Hai bà giáo nhìn nhau . Bạn tôi cũng hiếm con, chồng kiêng khem nhiều  thứ, còn tôi và mẹ già thì cũng … Chúng tôi còn hiểu vì sao mà khách “nấu bún lên mà không ai ăn”!  Mãi đến gần … trăng lên ,chúng tôi mới được ra về . Người bạn mếu máo : Ông L. nhà em ít khi cho em rửa dọn lắm, tại tay em mà vọc nước là đau. Tôi chợt nhớ ra,  quét nhà, rửa  chén  đã từ lâu mẹ tôi đảm nhận. Tôi cũng thú nhận, mẹ tau cũng …  Một vài dịp  khác, hễ sau buổi họp chiều thứ Năm, thoáng thấy chị đứng ở cổng như chờ “chúng nó” để mời đến nhà ăn uống là cô bạn bấm tôi  nán lại , nấp vào đâu  đó, trong đầu  chuẩn bị một lời từ chối …nhã nhặn nếu như bị chị “chiếu tướng”
   Sáng hôm sau bà Đu đủ  ghé vào  ,dặn trưa tao có khách mời , đừng nấu phần tao nghe, rồi đột nhiên bà ta bảo : Hay mi viết sách nghiên cứu văn học đi, những   kiến thức  và kinh nghiệm về việc học Văn,làm Văn chẳng hạn .  Viết làm sao cho nó dễ học,  cái này mi làm được mà , phải không ? Nói y như cha xứ .Lâu rồi tôi không gặp ông .
 Tôi nhìn Giang.  Đêm hôm qua tôi cũng  chợt nghĩ đến điều này. Hay là thần giao cách cảm !
  Bên tai  tôi vẳng lên câu hát từ  mùa trung thu  rất xa  . Trăng soi sáng ngời, treo trên biển trời
                                                NGUYÊN XUÂN

                                                  Dalat .