HẠNH PHÚC .
.Ngày ấy, địa danh này chưa có trên
bản đồ trà, cà phê của Việt Nam, mà nhắc đến ai cũng thoáng chạnh lòng,
chốn sơn cùng thủy tận .Không đường sá điện đóm, xa trường học ,xa
chợ, xa bệnh viện . Muốn đến thăm chị, phải đón xe lam chạy ba cây
số từ nhà ra chợ,rồi từ đó bị nêm chặt trong chiếc xe đầu heo,lắc lư thêm hơn hai chục cây nữa, mà đường gập ghềnh, ngoằn nghoèo, rồi cuốc bộ rã
rời một đoạn dài,nối từ ngoài chợ Cầu Đất về thôn Đất Làng . Về sau này, tôi mới hiểu vì sao chị cả tôi có rất nhiều kiểu dép .Ở trường
tôi học ,chị Nhụy dạy lũ trẻ hát Con ve và con kiến,rồi Cô bán
sữa , nên chị thường bảo tôi và
thằng em út ngay khi vừa bị xe đò thả xuống. Nè, bắt đầu nghe, Tang
tình ,tang tính ..Cậu Bé thì thích cô
bé bán sữa mơ mộng , để cuối cùng chẳng
còn gì . Con đường độc đạo lởm chởm đá, vắt qua những ngọn đồi chập chùng,hai
bên mọc đầy cây chổi đót . Khí trời buốt giá quanh năm .Bước đi đâu cũng gặp và
chỉ gặp màu xanh rì của đồi thông, đồi chè, đồi susu . Một đập nước lớn
như tấm gương khổng lồ giữa làng cũng phản chiếu màu xanh cây lá càng làm cho
cả không gian thêm xanh, thêm lạnh . Vừa đi vừa gào để thấy quãng đường ngắn lại .
Nhà chị
tận cuối thôn giáp rừng thông . Ngôi nhà
có hai dãy một dọc nhìn ra sân trước, một thung lũng xanh rì
giàn su su , đó là loại thực phẩm được trồng
phổ biến ở đây, còn trông ra xa cũng chỉ thấy đồi thông; một ngang thì dường như vẫn những
lũng thông làm người láng giềng . Kiểu nhà không hề
khác với nhà tôi ở trên ấp Nghệ Tĩnh,
Dalat . Cha mẹ chồng chị là đồng hương của nhiều cư dân trên ấp tôi . Bố chồng chị giàu có, mua nhà ở ngay chợ Trại Mát , rồi mua vườn vùng Hồ Than Thở , nên
ngôi nhà ở đây được dành cho tổ ấm của chị . Nhà tôi thì đã được xây lại
từ trước ngày ông Ngô Đình Diệm bị lật
đổ , khoảng năm 1963, còn nhà chị thì vẫn vậy, có lẽ cùng dựng lên khi tôi chưa
chào đời . Trong suốt tám chín năm đầu
chị về đây sinh sống, tôi đang học phổ
thông, mỗi tết và hè mới được đi thăm chị, không còn hạnh phúc nào lớn hơn. Chị
sanh nhiều con, tám đứa, cứ từng cặp ba năm hai nhóc , thế nhưng trừ gian bếp,
mọi thứ ở nhà trên , nhà ngang rất ngăn nắp . Nhà trên của tôi có ba buồng, một
của cha, một buồng dành cho hai ông anh cả, gian giữa đặt bàn thờ tổ tiên, thì
nhà chị cũng y hệt như thế . Gọi là buồng, nhưng chỉ là những bức vách làm ranh
giới , đủ đặt vừa khít chiếc giường thước tư , bởi bên ngoài, còn đặt một bộ
ngựa ,trước giường buồng cha, và bộ bàn
ghế có bốn chiếc ghế gỗ , trông vào giường hai ông anh lớn .Bộ ngựa dành cho
khách, bàn ghế cũng thế . Nơi này còn mời khách đến những hôm nhà cúng giỗ ,
tết .Trước bàn thờ cũng có một bộ ván
đẹp, nơi đặt mâm cúng, đàn bà con gái
không có quyền béng mảng . Nhà ngang của chị không ngăn vách như trên tôi , mà là đại bản doanh của phe ta . Sáu cô con
gái và chị . Giường đặt san sát như ký túc xá .Cửa sổ buồng tôi trông ra giàn ươm
cây giống của cha tôi, có một cây ổi trĩu quả, còn của nhà chị trông ra ảng nước và
giếng , kế bên là mái che rộng và thoáng, ngày mưa phơi áo quần, ngày
nắng có thể bê bếp lò ra đây, đun nước tắm bằng gộc (rễ) cây chè, hay luộc củ chuối,
có khi sấy chè . Sau ảng nước chị trồng
bưởi, có dạo trồng táo tây, quả có ba
màu xanh, trắng, hồng, lại có mấy cây quýt, trái đỏ rực mỗi độ xuân về .
Một ngôi nhà
gỗ nho nhỏ giữa rừng thông , hình
như đó là ước mơ thuở ấy của tôi.
Tôi nhớ
tôi không hề chuẩn bị một điều gì để trở thành cô giáo .Năm tôi học lớp
11, trường tổ chức lễ Hai bà Trưng rất lớn . Lớp tôi có nhiều ki-ốt , bày bán
bánh trái ,sách vở .... Tôi nhớ người bạn khá thân,có tài xem chữ ký ,
được giáo sư hướng dẫn (giáo viên chủ
nhiệm bây giờ ), dành riêng một quầy .Đắt khách, không ngờ . Tôi thì bốc thăm
chòi bán mũ thằng hề . Ế kinh khủng . Thấy quầy đứa bạn từ sáng đến chiều dập dìu kẻ vào, người ra , tôi bỗng có ý định
nhờ xem hộ , không phải cho tôi , mà cho
chị Nhụy .Vì tôi có mang theo một cuốn sách để có thể vừa coi quầy,vừa giết thời gian
.Sách chị Nhụy mua, ký tên chị . Thế là
tôi bê cuốn sách cho cô bạn bói . Quay
về, thót tim . Vị giáo sư hướng dẫn đứng ngay trước quầy . Bà ném cho tôi một
tia nhìn mà đến bây giờ nhớ lại,tôi vẫn rùng mình, khiếp hãi .Rồi bà ngoay
ngoảy bỏ đi. Bài kiểm tra môn Văn (bà cũng là thầy dạy) của tôi sau đó có hai con số .Số 12 (tương đương điểm sáu
ngày nay)bị gạch chéo, thay vào đó là
con số 08 (điểm 4 ngày nay)Lũ chúng tôi chọn ban C , đứa nào cũng chăm chỉ ,
nên đám bạn đều ái ngại và im lặng .
Điểm hạnh kiểm năm ấy, thật đáng đời cho
kẻ bị
điểm 4 môn Việt Văn , tôi bị xếp hạng thứ , như hạng D bây giờ vậy
.Nhiều đứa hưởng hạng bình , mà khung thông thường là bình thứ . Thông tín
phiếu cuối năm, nên tôi cũng không phải
đưa cha ký .Tôi cất lên tận rầm, nơi mẹ tôi thường gác những đồ ít dùng đến
.Tôi dằn vặt một thời gian,đầu tiên là cuốn sách mang theo , rồi trách con nhỏ
bạn khiến tôi bị cám dỗ .Nhưng sau đó, tôi bỗng thấy tính tình
chị Nhụy dễ thương hơn, vì chị bớt nóng nảy hơn trước .Đại khái là chữ ký của chị có hai chữ n và
hai chữ t (chị luôn cho rằng tên chị phải là như hai ông anh, Thái Nhụy cơ) . Bốn chữ ngang hàng
nhau, nàng còn thêm một nhát chữ t cắt
ngang bốn chữ luôn . Mới nhìn đã thấy
... ghê , nhưng chả ai dám góp ý cho chị,trừ mẹ tôi, mà mẹ thì không
biết chữ .Tôi bèn, tranh thủ một hôm chị vui , bảo rằng thì là ...Chị nghiêng tai ,lắng nghe, rồi đổi sang chữ ký khác .Tôi lấy điều đó làm “giải an
ủi”.Nhữ ng ngày ấy dù cha tôi có gợi ý
học sư phạm ở đây, rồi ra dạy gần nhà, vì ông thấy lũ con vắng dần, nhưng tôi
cứ lờ đi , lòng chồng chất bao nỗi xót
xa, cay đắng .
Nhà gần viện Đại hoc, tôi chỉ khao khát học
khoa Anh văn ở đấy,còn những gì nữa thì ... chưa kịp vẽ vời, thì đã thấy mình ngày
ngày vất vả với bao nhiêu là chữ,là vần , là âm thanh tiếng mẹ đẻ, còn
đám học trò thì cứ nghệt mặt ra, ngỡ bà
cô đang nói một ngôn ngữ nào rất lạ .
Một ngôi nhà gỗ nho nhỏ giữa rừng thông.
Buổi sáng ở Cầu Đất sương mù tan rất chậm
.Trên ấp tôi, sáng sáng phải dậy sớm, mang áo
dài ra hong sương, để kịp ủi đi học . Áo giặt phải phơi thật khô, bởi cất vào tủ lúc áo còn ẩm
rất nhanh chóng bị mốc . Than nóng không sẵn, nhất là khi nấu bếp tây, phải chờ
mỗi sáng đun cám heo , chất thêm mấy vỏ
cây củi dẻ - củi thông không bao giờ cho than đượm vì thân thông chứa rất nhiều
dầu –mới có than đỏ rực, nguyên khối ,
gắp từng mảng to xếp vào chiếc bàn ủi con gà , đưa nhè nhẹ lên tà áo trắng Mùi vải thơm, mùi than nồng, mặc lên người
còn nghe cảm giác ấm áp trên tay, trên
cổ , trên lưng . Cả tấm áo lá mỏng may bằng vải tuyn trắng cũng ủi nóng, nên đã
khoác thêm áo len dày, vẫn có niềm thích
thú con gái rất riêng . Ở nhà chị thì có thể hong áo muộn một chút . Chiều
dường như ở đây cũng xuống rất nhanh .Bên rừng thông ,chiều đã đến từ bao giờ.
Tôi thường men ra sau ảng nước, nhìn
xuống mấy cây táo,bụi quýt , rồi trông ra xa , chỉ vài bước chân, những cây
thông thân chỉ vừa một vòng tay người,
nhưng dáng rất cao , rì rào trong gió hoàng hôn . Những mảng tối lan từ ngọn
cây, qua những cành lá , đến thân cây,
gốc cây , rồi tỏa ra khắp mặt đất .Buổi sáng thì nắng men theo mặt đất lên cành và sáng lóa cả đồi thông .Thông mọc thành rừng
dày nên không được thắp nến như tôi đã nhiều lần ngắm thông gần nhà, mỗi khi
chiều về . Một cây thông lẻ loi bên hiên nhà . Tôi có người học trò , vào đại
học chỉ sau tôi vài khóa, có dịp ghé
thăm tôi , đã ngẩn ngơ trước dáng cây
vừa hiền lành, nhẫn nhục,vừa lầm lì gai góc, và khắc vào cây, tôi không rõ chữ
gì . Anh ta thích thú với câu thơ “Làm cây thông đứng giữa trời mà reo”, lấy
gmail là cây thông nữa .Nhưng anh ta chẳng có cơ hội ghé lần thứ hai . Anh bận
lập gia đình hai lần ,rồi bỏ dở công
việc mưu sinh vì lý do nào đó,cuộc sống
anh ta như một cái giá phải trả . .Cái nghiệp, tôi nghĩ là thật đáng cho anh ta
. Cậu Bé làm nhà, cây thông bị đốn .
Thôi,thế cũng hay .Người học trò ấy, tâm
hồn thật khủng khiếp và ghê tởm , một nửa người , mà một phần của quỉ dữ ,
không thuộc trái đất này. Hơn cả những gì gọi là trái nhân đạo và chính nghĩa .
Nhà
văn Nguyên Ngọc tả nhựa xà nu, một loài thông mọc ở Kontum, nhựa thơm mỡ màng.
Thông Cầu Đất thơm dìu dịu từ lá, có lẽ
thế . Chúng tôi ,dì và cháu một đám sàn sàn, bẻ những cành nhiều lá,
leo lên ngồi , rồi trượt theo con ngõ đất nện
dốc dựng đứng . Đứa nào tham
lam,bẻ thật nhiều cành, thế là mủ thông
bám đít quần, phải bôi dầu lửa mới tẩy hết .Đứa nào khôn ngoan và khéo léo tước
nhiều lá, quần có xanh một chút, nhưng mùi lá thơm phảng phất hương dầu khuynh
diệp đi đâu cũng theo cùng .
. Mỗi
dịp tết về thăm chị, sau này dù công tác
xa nhà, tôi vẫn đến với chị .Động tác đầu tiên tôi đến nhà là xắn quần, vén cao
tay áo để ... rửa chén bát . Nhà đông con ,anh bận công tác , chị bộn bề việc
nhà, việc vườn, việc trường, nên dường như cuối tuần mới ... rửa chén một lần .
Bếp nhà chị ,thật đáng mơ, thật rộng ,thật thoáng, thật sáng sủa ,khác với kiểu
bếp ở xóm tôi, vừa hẹp,vừa tối, lại đầy mò hóng . Ngay bên bếp là ảng nước , đặt sát một cái bể gạch nho nhỏ
chứa nước mưa Nồi to, soong nhỏ,chảo ,quánh ... chồng chất trong một góc ảng
.Ngày ấy chưa có bếp điện, nên việc nấu cơm đối với lũ con chị, hai ông con
trai mới chớm tuổi thiếu niên, không dễ
dàng , Cháy sém,thay nồi khác . Rồi soong kho cá, nồi nấu cháo,cả nồi luộc
khoai đáy cháy đến mấy tầng . Tôi hì hục cọ rửa,mà vẫn thấy vui ,chỉ một điều:
nước rất sẵn. Tôi nhờ đám nhóc bê hết nồi soong ra hiên,nơi có mấy bụi quýt . Giếng không sâu
mà nước rất đầy và trong .
Còn hăng hái hơn ,thì ra sân . Hai chiếc vòi lớn luôn buộc sẵn những ống dây
dài , để nối ra nhà vệ sinh cuối đồi thông , để tưới giàn su ,tưới vài luống
rau thơm trên sân, để người ra vườn tiện
rửa nông cụ, chân tay , cũng tiện để lũ con gái gội đầu những trưa nắng ấm
.Nước từ đập đầu thôn chảy về . Trong
cuốn sách viết về người cha ,Đalat và ngành trồng rau ,tác giả Nguyễn Thái Hai đã dành hẳn một trang cho công trình thủy
lợi hiếm hoi nơi quê chồng chị tôi như
sau :Khu Đất Làng tuy xa xôi , dốc nhiều
nhưng nguồn nước rất dồi dào .Khi phong trào dùng máy bơm nước phát triển, nông dân ở đây đã biết dùng phương pháp ống
hút (siphon) để tưới rau , không tốn chi
phí cho máy bơm, xăng dầu .Nước được dự trữ trong một hồ lớn từ trên cao, người ta đặt một ống nước
sâu trong hồ với crépine. Đây là một bộ phận bằng ngang ,có những rãnh lọc,
không cho rác rưởi chui vào ống làm nghẹt gương sen khi tưới. Phía trong
crépine có một trái banh tròn nhẹ, khi nước bị hút thì nổi lên để nước chảy qua
,khi không dùng thì trọng lượng rớt xuống bít lỗ crépine, giữ không cho nước thoát ra khỏi ống
.Chỉ cần giữ nước trong ống mồi này đầy khoảng 2m-3m từ mặt hồ, khi mở van nước sẽ chảy tự động
hút nước dưới hồ ra vòi tưới .Khi tưới nước,càng xuống hố sâu, áp suất nước
trong ống càng mạnh, nước phun càng xa. Nước phun xa khi tưới rau củ, còn chuyển qua hệ thống ống sắt dẫn về từng
hộ gia đình, nước rất mạnh.
Ông không nhắc đến một hệ
thống nước như thế ở vườn nhà tôi, mà chính ông bỏ công sức lắp đặt. Mảnh vườn
ấy, trước 1954 do người chú của ông đứng tên . Sau đó, người chú hồi hương, cha
tôi thuê lại làm , rồi đến khoảng đầu 1970, ông bà quyết định mua hẳn, còn
người bán tất nhiên là ông cháu,con trai ông
Xu Hiến. Một mảnh vườn đẹp như mơ ,vì chẳng hề có một bậc taluy nào cả ,
lại sẵn nguồn nước trời cho vô tận .Mẹ tôi kể rằng khi ông bố về Bắc, ông con
trai ở lại với ông Cửu Miên, học trường Pháp , lấy nguồn thu từ mảnh vườn đó .
Ông đã cho xây một cái bể đá lộ thiên ,trên
mạch nước ông phát hiện ra dưới chân đồi,
một công hai chuyện . Thứ nhất là có nước dùng cho những nhà gần đó,thứ
hai là phục vụ cho việc trồng trọt . Từ nguồn nước ấy, hai hộ bên cạnh , những
phú nông ngày ấy, luôn có ý định cùng mua mảnh vườn để chia nguồn nước . Mẹ tôi
đã cố gắng đi bước trước . Bà trở về với nhiều đêm mất ngủ . Khi trong ngôi nhà chỉ còn hai mẹ con ra vào, bà vẫn
minh mẫn và khỏe mạnh, mẹ tôi bảo : hơi đắt, nhưng nhất quyết phải mua cho được
. Tôi an ủi, mẹ ơi, thứ nào cũng có giá của nó .Mọi thứ đều có cái giá của nó .
Chảy
qua những ống dẫn nước bằng sắt, giòng nước
Đất Làng giữa trưa ấm nóng . Kê
đầu vào gội , vẫn có cảm giác ở tiệm
tóc, vì không phải đun nấu,pha chế, không cần nhờ người dội giùm, nhất là cứ tha
hồ mà xả ,chẳng ngại tốn kém .
Tôi mơ về ngôi nhà nhỏ bên
rừng thông những ngày mùa nắng, những ngày trời mưa .
Mưa sao mà buồn .Chỉ
thấy đất
và trời cùng một màu xám, ngỡ sương mai bám mãi không đi .Không gian mờ
mịt . Nước dưới chân xăm xắp , tê
buốt .Một chú bé hối hả lùa bò về, chạy
lăng quăng giữa mưa .Đàn bò bị ướt, lông dính vào da, trông thật tội nghiệp .
Chỉ mới ban sáng, tôi bắt gặp chúng đi qua ngõ nhà chị tôi,những chú bò lông đỏ
mềm như tơ , bụng tròn tròn,bắp chân mập
mạp . Tôi một lần cũng bị mắc mưa như thế ,vì mải đi kiếm nấm mèo .Những tai
nấm nâu, mọc loăn xoăn trên những thân cây mục bên gốc thông , mát lạnh trong
bàn tay , mở ra thấy nhơn nhớt. Đã đầy
gùi mà cứ muốn hái mãi, vì trong đầu tôi có một dự tính rất lớn lao : phơi
khô,để dành, làm bánh gói (bánh giò). Có thể làm quà cho hàng xóm,cho mấy đứa
bạn học ngoài chợ tỉnh . Gió đổi hướng, đó là kinh nghiệm lũ trẻ,chứ tôi chỉ
vốn quen nhìn mây trời, mà trên đầu tôi ở đây , những ngày mùa mưa, mầu tròi
chỉ một màu xám . Tấm áo len sũng nước như thể vừa lôi trong chậu ra,chưa kịp
vắt để mang phơi .Nấm nát bét, đổ ra
gốc cây trông như mớ đông sương trộn màu cà phê .
Tôi sụt sịt ho .Buổi tối chị cả
sợ lũ cháu khỏe như trâu của chị lây bịnh,cho tôi lên nhà trên, nơi bộ phản
giành cho khách . Chị ngủ bên giường ông chồng đi đám cưới xa hôm qua, đầu
giường kia là hai nhóc trai của chị, hơi thở đều đều, mà tôi trằn trọc mãi.
Kinh nghiệm về nhà chị phải có một cây đèn pin, tôi nhè nhẹ cầm đèn xuống bếp kiếm nước uống . Từ nhà trên, xuống bếp, tôi qua gian buồng thờ .Một tấm vải màu đỏ làm màn , bên trên tấm phản đặt ngoài màn, trước bàn thờ , chị tôi
có đặt một ngọn đèn dầu hột vịt, ánh đèn vặn nhỏ, tôi bỗng có ý định đun lại
cháo , vì bỗng cảm thấy đói . Nhưng tôi vừa đặt tay xuống chân đèn để bưng đi, ánh đèn bị chao và vụt tắt .Thế là
xong, biết tìm diêm quẹt ở đâu,vì tôi vẫn thấy trước bữa cơm, một đứa cháu
nhướng lên ngọn đèn luôn cháy đốm đặt
trên kệ tủ, châm một ngọn rễ thông vào đấy .Thôi uống nước nóng cũng được. Tia
đèn pin loáng qua màn,tôi bắt gặp một hàng chữ
viết tay, rất rõ , trên vách. Nhân
đạo,chính nghĩa .Ngày ấy tôi vừa học xong lớp 10. Hình như tôi chưa
nghe quen những từ này .Tôi rót hai ly
nước to và nóng hôi hổi, đèn kẹp nách, lum
khum bê vô mùng , trong đầu cứ lầm thầm, nhân là người,còn nghĩa ,rồi
đạo .. Tôi nhớ ngày lớp bảy, học một bài giảng văn tả người quàng tấm lụa màu tam giang
. Tôi tự cắt nghĩa là “tam là ba, giang là sông . Vậy đây là màu ... xanh lá
cây đậm”. Cô giáo bật cười và cười rất
thú vị ,còn tôi mặt mũi đỏ ửng . Về nhà, cha tôi vội vàng cho chị Nhụy tiền ra
nhà sách mua cuốn từ điển Hán Việt, lý
do là ông có việc cần . Ông dấu biệt điều tôi than thở với ông , cả anh Thạch
cũng không hay biết gì cả .Nhưng mấy kệ sách của chị tôi (tôi đã lục lọi kỹ mỗi
lần về đây chơi) không có cuốn từ điển nào
na ná như thế .
Tôi ấm ức khi hiểu rõ nghĩa hai từ ấy,
lúc mang nỗi oan đi coi bói. Tôi bắt
đầu tò mò tại sao vách buồng thờ nhà chị tôi
lại có những chữ ấy . Miền quê chị tôi về làm dâu ngày ấy là căn cứ địa
cách mạng, nam nữ trong thôn tham gia du kích rất đông. Người anh rể có một
chị và em gái thoát ly, cô em đã hy sinh
, mộ đặt trên đồi cao,sau ngày hòa bình
được đón về nghĩa trang liệt sĩ tỉnh .Có lẽ là bút tích của các cô chăng?
Những ngày tháng 7. 1975, chúng tôi học nhiều
nội dung mới , vội vàng và lo lắng vì kỳ thi cuối cấp sắp
đến vào dịp Trung thu . Một chiều mưa ,
lớp tôi đón một vị khách thật đặc biệt đến dự giờ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp .Tiết học môn Anh
Văn được tổ chức trong phòng nhà thí
nghiệm Lý Hóa, nơi đây có những phòng
học rộng và sáng sủa . Cô giáo đã cứng
tuổi,song vẫn tỏ ra lúng túng vì có khách đặc biệt, phần vì bài học thật mới, chúng tôi vừa được báo chuẩn bị ban sáng. Tiết
học dịch văn bản. Bài chương
trình đề ra là Tuyên ngôn độc lập .Tất nhiên, rất nhiều đứa chưa kịp mở ra . Tôi mới
tranh thủ tra từ điển đến hết đoạn Bác
Hồ nêu những điều cơ bản trong tuyên
ngôn của Pháp, nên cũng khá lo lắng .
Thoạt tiên, cô đọc văn bản gốc một lần. Tôi có cảm giác nhờ khâu đọc văn bản này,
người thầy chúng tôi đã tìm được sự bình tĩnh và chủ động.Và kìa ! Khi cô vừa cất giọng thanh thanh “Thưa đồng
bào”, thì tôi bỗng thấy áo mình có bàn
tay ai giật mạnh sau lưng .Ngoái cổ nhìn, thấy cả lớp đều rục rịch kéo áo nhau
đứng dậy. Còn vị khách và người cần vụ đi theo cũng đã đứng nghiêm tự bao giờ,
vẻ mặt vô cùng thành kính, nét nhìn tôi chỉ gặp những lúc chào cờ .Tim tôi như
ngừng đập . Chúng tôi chỉ ngồi xuống khi bản Tuyên ngôn được đọc xong.Tôi nhớ toàn
thân tôi như nóng bừng khi nghe cô giáo dịch đến câu: Hành động như thế là trái
với nhân đạo và chính nghĩa . Tôi có cảm giác nỗi oan xưa đã được giải thoát .
Từ ngôi nhà gỗ giữa rừng thông,
mảnh vườn dồi dào nguồn nước, tôi đi
thật xa . Cũng nhiều điều khiến tôi trăn
trở về hai từ “nhân đạo,chính nghĩa .”Những ngày sắp sửa về vườn vui thú cỏ
cây, tôi thấy mình an ủi mẹ và mỉm cười
trước cuộc đời xem ra không mấy
bằng phẳng của mình . Mọi thứ đều có cái
giá của nó. Ở La ngà ngày ấy, có lúc
tôi mừng hụt, ngỡ sẽ được điều lên tỉnh làm công tác phụ trách Đội, nhưng rồi
lý lịch có người cha làm trưởng ấp , và ... đành thôi . Về Đalạt, hai lần nín thở,ngỡ sẽ đứng ngoài cổng ngâm nga mà thôi,vì
khuyết điểm là đi nhà thờ. Giáo viên theo đạo trong trường cũng
lác đác một vài người.Họ rất sùng bái tôn giáo của họ , và tôi thấy họ hạnh phúc ..Tôi
chỉ biết tìm đến cửa nguyện đường để
chữa bệnh thể chất , đó là lý do duy nhất . Nhưng sau cơn bệnh ngỡ ngã
ngựa ,tôi cứ tâm niệm : hãy can đảm, kiên trì và vững vàng, thì nhân đạo và
chính nghĩa sẽ đến . Và điều ấy cứ ngày một đến, rất rõ,tưởng như có thể sờ nắm
được.Sức khỏe ổn định, tôi dường như chưa hề khiến đồng nghiệp phải lo lắng khi cùng nhau gánh vác công việc chung . Nhiều người bảo tôi có lòng tự trọng ,
nhưng tôi có một niềm tin, đừng làm gì
trái với nhân đạo và chính nghĩa .
Sau ngày mẹ đi xa , tôi bỗng có ý
định khăn gói xuống định cư ở Cầu Đất . Cảnh ngôi nhà rất quen , cũng nhà trên ,nhà dưới, có rừng
thông,có đồi chè , không khí mát lành. Chị cả là bản sao của mẹ, như người đứng
trước gương vậy . Chị hiền dịu, thường chiều tôi như mẹ .Ngày con bé ,tôi luôn
bám lấy chị .Nhà tôi mùa mưa về bỗng trở nên một ốc đảo, những con đường đến
trường, ra chợ đều lầy lội, hầm hố . Lớp mẫu giáo của nhà
chùa,nhà thờ mở ra ngay trong khuôn viên thờ tự, rồi trường tiểu học cũng thế,
đều nằm cuối những con đường đất biến ngay thành ruộng sình ngày mưa . Có hai con suối
trên đường đi, đã có đứa trẻ bị chết
đuối .Chị phải cõng , vì chị Nhụy có
trách nhiệm với thằng út .Tôi thấy chị bận rộn vô cùng, nhưng lúc nào cũng chu
đáo mọi chuyện. Hồi ấy có lớp 4T (tương đương như 4H của Mỹ, dạy các kỹ năng về nấu ăn, may vá giữ gìn sức khỏe,giao tiếp,cả chuyện tiền hôn
nhân nữa ) cha tôi khuyên chị tham gia .Thế là chị đi ngay .Chị Nhụy thì né .
Món ăn đầu tiên chị học là xôi lạp xưởng
.Nhiều người chê chỉ vì không quen ăn lạp xưởng , nhưng cha tôi rất thích,thế
là lâu lâu chị lại nấu . Có món bánh nướng, chị đem lò vào trong buồng, giao
cho tôi canh chừng,vì để ngoài bếp,nhiều con mắt thò vào, hết linh nghiệm . Tôi
được chị tin tưởng đến ...mức độ như vậy !
Nhưng chợt có đứa con gái út dẫn con
về sống chung,vì người chồng bộ đội
thường xuyên vắng nhà .Tôi không có cơ hội dọn nhà . Các ông anh biết được ý đồ
của tôi, họ buồn, tôi bỗng ân hận. Tôi
đã có ý nghĩ trái nhân đạo,chính nghĩa. Nhưng họ đâu có biết tôi muốn dọn nhà
vì ...chị Nhụy .!
Bà “thiên lý nhãn” rủ tôi về miền
trung làm công tác thiện nguyện. Đến Đà
nẵng,bà nổi hứng đòi về, tim tôi cũng bỗng
bối rối . Chợt nghe một bà khác bảo : Mẹ chồng Mụ D. ở thôn Vĩ dạ . Mi
dạy Văn thì cũng nên đi cho biết, rồi về có
đứa học trò mô hỏi thì kể . Chiều
tà, xe chạy chầm chậm qua Cầu Phù Lưu , nối cồn Hến với Sông Hương , rồi dừng
lại trước một ngôi nhà cổ . Tôi gọi là
nhà cổ, vì bước vào phòng khách, tôi có cảm giác như đang ở trong nhà mình. Bộ bàn ghế bé xíu, đủ chèn vào bốn chiếc ghế gỗ có tựa
nhỏ nhắn, sơn nâu đỏ,lâu ngày lên
nước,đó là bàn và ghế tôi vẫn tiếp khách . Gian thờ buông màn kín. Hai
bên sau vách ngăn cũng hai chiếc giường
gọn gàng. Một bộ phản trước gian thờ,
một bộ khác đối diện với giường nằm. Một
lối đi giữa giường ngủ và bàn, dẫn đến cửa lớn, từ đó thông ra đầu hồi nhà, cũng có một bụi trầu, mẹ tôi
thường hái mỗi chạng vạng .Nhà trên của tôi !.Người mẹ gầy,tóc bạc, cài lên
bằng một chiếc băng - đô nhựa, từ vườn
vào với một rổ khế . Thấy chúng tôi ,bà hân hoan, để mạ đi nấu cái chi
ăn .Cô con dâu khoát tay, dạ thôi, tụi con đi bây giờ, ghé thăm mạ chút thôi.Chị
quay sang chúng tôi, giải thích,hồi đầu tháng đã về ở chơi với mạ mấy tuần . Bà ngỡ ngàng , vẻ sững lại, là ánh
mắt ,nét mặt mỗi khi các anh tôi vội về qua nhà . Ô, đi chừ à ! Mới thấm thía
nhà thơ Quảng Bình xốn xang trước lời mời như trách nhẹ Sao anh không về chơi thôn Vĩ ?
Lễ Phật Đản ,Giang đu đủ bỗng điện
sang rủ tôi đi Cầu Đất. Xuống đấy, phải chuẩn bị ở lại đêm. Nhà chị bây giờ
đông người rồi, vì cậu út của chị đã
chuyển từ Sài gòn về Đalat làm việc, cưới vợ, vừa sinh baby .Mà hình như lâu rồi tôi không xuống đây
thăm chị .Tôi nhớ trước đó, nhân có một người học trò cũ có xe hơi về Nha
Trang,tôi đi nhờ một chặng xuống đây,
không ngờ anh ta cũng tạt vào .Chị nhìn nhìn rồi khẽ bảo tôi : trẻ quá .Tôi ngơ
ngác , sau rồi phì cười, mới biết chị đã già .Chị ngỡ anh chàng này là ... Tôi
bỗng thấy ngại đi thăm chị . Đi xe đò thì rất nhiêu khê, đi
nhờ thì ....thế đấy! .Bây giờ ,tưởng Giang chở, ai dè ra đầu ngõ, gặp hai ông
“tăng dưỡng sanh”ân cần chào hỏi, tôi
bỗng chột dạ .Y như rằng, trông thấy Giang cứ bíu lấy ông tăng kia, còn có một
tăng khác chớp cơ hội là đi cùng tôi , chị lại khẽ thì thầm : già quá . Hôm
ấy đường về Cầu Đất đang được làm
lại,bụi cát mù mịt,cả bốn người khách như vừa từ trong lò bột mì đi ra, trông bốn lão đều hom hem ,hốc hác. Giang nghe được, cười rũ rượi, đến độ phải ngồi thụp xuống đất .Tôi cũng cười . Hai ông già kia có vẻ ngạc nhiên. Trên đường quay lại Dalat trong
chiều hôm đó, Giang dành chở tôi . Bà ta bảo : Quyền huynh thế phụ, ả mi ô kê là được rồi .
Phải chăng đây là hành động nhân đạo và
chính nghĩa ?
Nguyễn Xuân .