Wednesday, November 25, 2015

NGỌN ĐÈN VÀ BẾP LỬA -Đốm lửa tình yêu

                            NGỌN ĐÈN VÀ BẾP LỬA.
                                1. Đốm lửa tình yêu
      Những năm còn ở Phan Thiết, mỗi dịp về Dalat, dù còn độc thân hay đã đùm đề thê tử, các anh Canh Kem luôn mang sách báo về cho tôi đọc .Đa số  là những cuốn vừa mua ,tôi là người được ưu tiên .Sau đó các anh mới mang đi . Cũng có cuốn các anh phải để lại,chẳng hạn như bộ tiểu thuyết  “Cuốn  theo chiều gió”. Vì trang nào cũng bị tôi “đánh dấu” bằng một vỏ hạt dưa . Ngày tết mà , tôi chỉ  có mỗi công việc đó , để rồi còn xuống Đồng  nai với 1001 công việc,ngay cả trang báo cũng không có thời gian mà đọc...Công việc bộn bề của một cô giáo cấp 2 .
              Hai ông anh ngồi kiên nhẫn rũ bỏ từng vỏ hạt  được nửa cuốn thì .. .đầu hàng. Bộ truyện có tới bốn tập, mỗi tập 500 trang ! Tôi mừng húm nhưng làm ra vẻ hối lỗi .Hè về, hai ông  phải đọc vội đọc vàng vì còn phải trả sách trở lại  ngăn tủ trong …buồng riêng của tôi .

          Một  dịp tết khác ,  họ mang về rất nhiều báo xuân .Cả hai đang làm hiệu trưởng , báo  trong thư viện được ưu tiên cho lãnh đạo . Có tờ họ mua . Tôi lăm le “chôm ” cuốn “Văn nghệ quân đội ”, dù biết anh Kem đã đặt hàng tháng để đóng bộ   . Tôi có dự định như vậy, vì tôi muốn cắt trong báo một câu chuyện  có liên quan đến  bếp lửa và ngọn đèn trong thơ văn Việt Nam , đề tài tôi ấp ủ viết một “xê-mi -ne” cho luận văn tốt nghiệp .-tôi đang học  năm cuối đại học .Nhưng cuốn báo mới, dày và đẹp bỗng biến mất một cách đầy bí mật . Thì ra chính tôi… đánh mất .
               Mồng hai tết    mấy đứa cháu trong nhà  và sáu bảy  thằng  bé nữa, láng giềng , vác ba lô  sang cái hang ở đồi thông khu Đa Phú (qua khu vực  trường Đống Đa một quãng  ) cắm trại .Chúng cho tôi đi theo .Trước đây, cha tôi đã thuê mảnh vườn gần hang để trồng rau .Ông và những người có vườn gần đó thường vào hang ăn trưa, trú mưa ,hay cất giữ rau củ khi đã thu hoạch mà chưa kịp bán . Để mấy ngày cũng không hề bị mất một cọng lá . Sau này, chủ cho người khác thuê .Người này nghe kể từ Quảng Trị vào , thuê vườn nhằm mục đích nuôi dấu một người em là lao công đào binh bỏ ngũ (lao công đào binh là lính đã đào ngũ của chế độ cũ,bị bắt lại,phải ra trận ).Sau này,người em đó đã được móc nối đi theo cách  mạng.
               Bây giờ, cái hang lại trở về với chức năng ban đầu của nó .

               Mọi  thứ chúng tôi đã chuẩn bị từ chiều mồng một tết ..Trước giờ khởi hanh, tôi ôm túi bánh trái  lên  phòng khách nhà mình (hồi đó,các anh chưa có nhà riêng,mỗi bận về thăm đều sống chen chúc trong căn nhà cũ của mẹ) ,thấy cuốn báo ,hình như ai đó  đang đọc dở , vất lăn lóc trên ghế salon , tôi bèn nhét vào  trong túi . Tôi chợt  có linh cảm sẽ không còn có dịp gặp lại cuốn  báo nếu tôi không  cất giữ nó lúc này .
                  Lần đầu tiên trong đời được chui vào một cái hang trong lòng núi đồi  nên tôi cảm thấy hơi hồi hộp
             Năm ngoái,một người bạn thời  cùng  học phổ thông đang làm phóng viên bên Anh , viết cho tôi một lá thư dài, kể lại những ngày được sang Hy lạp, lang thang trên các đảo vắng, có hôm được đến thăm một cái hang mà ai cũng biết tên , hang của người khổng lồ Xi-clop, có gã khổng lồ Poliphem đã bắt giữ chàng Uy-lit-xơ và đồng đội của  anh chàng . Bạn tôi bất ngờ vì cửa hẹp vô cùng, một người nhỏ nhắn như cô gái Việt nam còn phải lách mình vào , thì không hiểu làm sao gã khổng lồ chột mắt có thể vào ra được . Hang hẹp ,tối, đầy mùi phân dơi, nói chung là cô bạn tôi hơi thất vọng . Trên đảo đá có rất nhiều đàn sơn dương sinh sống. Chúng leo núi giỏi vô cùng,nhưng lại rất nhút nhát ,hễ thấy bóng người mon men đến gàn chụp ảnh là chúng thót lên những mỏm đá cao vút ,cheo leo .Quần đảo thật hoang vắng, vì chỉ duy nhất một gia đình sống ở đây để bảo vệ đàn sơn dương .Hai vợ chồng ngoài bốn mươi,có cô con gái 17 tuổi đang trọ học ở  Athen ,thỉnh thoảng mới về thăm .Bạn hẹn mai mốt về hưu ,nếu muốn, hãy sang đây (?), vì chỉ có trời và biển, biển và trời .Ừ, thì cũng thú vị .


         Chúng tôi hăng hái đạp xe lên bốn năm con dốc, đổ thêm hai dốc thì đã thấy một dãy đồi thông xanh rì, sẫm tối hiện ra từ xa  . Gửi xe ở sân nhà người quen gần đường cái , vì còn phải băng qua một khu vườn rộng nữa dưới thung lũng,mới đến chân đồi   

          Thấy có tiếng lao xao .Hai thanh niên ,con trai chủ nhà vác mô tơ và cuộn ống cao su dẫn nước thong thả xuống vườn .Ở đây cũng như chỗ tôi ,mọi hoạt động chỉ ngưng trong ngày mồng một tết mà thôi .Vườn cậu Bé nhà tôi thì đã tưới rất đẫm trong chiều ba mươi, để sáng mồng ba mưới tưới lại.Nhưng sáng mồng  hai,cô vợ đã ra vườn thu hoạch rau ,mang ra chợ bán lấy  lộc đầu năm . Còn chiều ba mươi, có lẽ hai chàng này say  sau tiệc tất niên  nên không kịp cho  rau cải uống nước .

           Anh  vác mô  tơ kể, giọng hài hước :
- Kẻ trộm đột nhập, khuân đi mấy gói mì, lại ăn nhẵn soong  cháo cho ..chó  Tết nhất đã ghé nhà, thì ít ra cũng nên kiếm cho được cây bánh tét chứ .
      Anh kia tiếp :
   -Cái can dầu lửa hai lít  trong kho cũng không còn .Cả cây đèn dầu ở bàn thờ ông công ngoài sân  .Kẻ trộm chắc quanh đây ,mấy thằng bụi đời .
       Tôi cười:
    - Đầu năm nhà mình có mối lì xì rồi .Năm nay làm ăn thuận lợi đấy.
      -Ừ .thì san sẻ cho người, trời lại cho mình .Đi chùa cúng kiếng cũng vậy .
             Anh vác cuộn  ống cao su  tiếp lời tôi .Đầu năm,ai cũng nói những lời tốt đẹp .
       Riêng mấy đứa trẻ học lớp năm lại  thắc mắc :
          -Sao anh biết  kẻ trộm  ăn hết soong  cháo cho  chó . Hay là kẻ trộm dắt theo chó ?
          -Thế này nghe .Anh vác mô trả lời phân tích  .Con chó nhà anh chiều ba mươi bị một ông đi nhậu say về tông xe , nó bỏ ăn , nằm trong nhà kho .Nồi  cháo  ông này (anh vác mô tơ  ) bưng vô nhà kho rồi  bưng  ra, lại để ngay sau bếp,chỗ vẫn thường cho chó ăn.Cơm chó ngày tết mà, một nồi  cháo gà,đầy gan lòng, ngon lắm . Tối khuya anh ra thăm con chó , thấy còn cái nồi  không nằm lăn lóc ,  có cả cái muỗng .Chó làm sao biết cầm  muỗng ?Phải không ?

        Lũ nhỏ rụt vai ,le lưỡi . Có lẽ trong đầu chúng đang hiện lên hình ảnh một “cái soong cho chó ăn” mà nhà nuôi chó nào cũng có . Sứt quai ,méo vành, đầy bụi đất, có đường kính luôn rộng hơn đầu một con chó trưởng thành , thường  nằm lăn lóc ở một góc chuồng chó, hay đầu hiên nhà kho . Cái  soong ấy, dù có chứa món gì ngon hơn cả  cháo gà ngày tết  thì …Chúng thì thầm : Vậy chú kẻ trộm chắc đói lắm,hay ..bị điên .Mà chắc con chó quen người đó  nên không sủa, cho dù đang bị ốm  . Tôi nhìn đám trẻ .Thông minh đấy, vì tôi cũng nghĩ như chúng .
                       Mặt trời đã lên .Không lúc nào  thời tiết Dalat đẹp bằng lúc đất trời  vào xuân . Bầu trời ẩm ướt của những ngày mưa dầm đã tan hết , nhưng vẫn vương vấn làn gió se lạnh .Nắng không gắt ,chỉ đủ mang hơi ấm khi cất bớt áo khoác .Nắng khiến rau hoa thêm xanh, thêm đậm .

                Chúng tôi đi hàng một, men theo lối đi hẹp ven các ô vườn . Cả không gian thật trong lành, đâu đâu cũng thoảng một mùi thơm của cây.của lá,của hoa cỏ .Người ta bảo Dalat là thành phố của hương thơm, nhưng có lẽ phải tìm về những nơi  như ở đây, những luống rau xếp nếp thoai thoải bên sườn đồi như những  bậc thang , thấp thoáng một vài bóng người ,  trước mắt là rừng thông , sau lưng là một vài ngôi nhà thật xinh xắn , thì cả một vùng bao la ,tôi hít thở mạnh và cảm nhận thật rõ ,hương thanh bình . Một lần được ăn cháo yến Nha trang,một lần ghé Dalat, là xem như đã sống nửa đời người .Có nhà văn nào đó đã nói vậy . Không quá lộng ngôn ,nếu khách du một lần đến đây, vào thời điểm này .


             Chúng tôi đã đến hang , sau gần nửa giờ đi loanh quanh qua các vuông rau  và tìm đến chân đồi  .Ồ, chỉ là một cái hầm chữ A , nhưng rộng bằng cả lớp học,đủ chỗ cho ba bốn chục người cùng vào . Tôi không hề thất vọng như người bạn phóng viên đến Hy lạp. Cửa hầm rộng, bên trong nền đất trơn nhẵn, trần được cừ chắc bằng những tấm ván thông khá dày .Hầm tối đen , sạch sẽ , mùi ẩm mốc của đất, của rêu , và khá lạnh vì mặt trời còn lấp ló sau rặng thông , và sương đêm vẫn còn bám trên từng tấm ván cừ nóc hang .Có một thanh niên đã ẩn náu hằng năm  trong hang .Hẳn phải có bếp lửa,có chăn , và tin tưởng có người  che chở mình . Bọn trẻ cẩn thận soi đèn pin và treo lên vách một ngọn đèn bão .Tôi nhìn quanh , bắt gặp một hình ảnh vừa quen vừa lạ : Một ban thờ cuối hang .Có bát nhang với mấy que nhang đã tàn .Hai cọng nến bé tí . Trên mặt gỗ, có chùm quả thông còn tươi, những mắt thông xanh thơm mùi nhựa .Chắc là  hai chàng đi tưới ban nãy đã bày biện bàn thờ cúng tết đầy sáng tạo như thế .
       Bọn trẻ  xếp gọn đồ đạc , cởi bớt áo khoác rồi  ùa ra ngoài , mang theo quả bóng  đá .Chúng tôi sẽ kiếm lá thông khô ,cỏ khô  lót hang, rồi kiếm cành khô nấu bữa trưa .Buổi chiều sẽ “thám du” lên đồi cao, có thể lấn qua vùng của Thung lũng Tình yêu bên Đa thiện .Tối lửa trại .Kế hoạch là như thế .Lũ trẻ đều là đám trẻ “ đẻ bọc điều”, là  từ phố thị về ( hai nhóc  cháu tôi, dân Phan thiết ),là trẻ những nhà khá giả trong thôn tôi , chưa đến tuổi bố mẹ  sai chuyện vườn tược , nhưng tỏ ra khá tháo vát . Mưa dừng rơi từ đầu tháng chạp âm,nên lá thông khô rụng nhiều, dày và dai ,mùi hăng hắc dễ chịu .Cành thông khô , quả khô vương vãi khắp nơi ,chỉ mỗi đứa gom một ít cũng đủ cho bữa trưa dã chiến .Tôi cố tìm một quả thông tươi nhưng không hè gặp . “Mâm quả cúng” trong hang quả là hiếm và độc đáo .
           Chợt có đứa phát hiện ra một tổ  trứng chim sẻ rơi dưới gốc thông già .Sáu chiếc trứng bé tẹo, xinh xắn như sáu viên bi nhỏ .Cả mấy chục con mắt cùng hướng lên ngọn thông .Cao quá .Chắc phải nhờ các chú đi tưới ban nãy .Thế là lập tức bốn đứa phóng vườn .Ba đứa ở lại phụ một chú tưới, còn một đứa dẫn đường, xăng xái đi trước .Thế nhưng chú kia cũng đi theo,giao vườn rau, vòi tưới cho bọn trẻ .Hẳn họ đã có một đôi lần cứu tổ chim .Họ biết phải có hai người công kênh thì mới trèo lên cây cao được. Thông có cành nhiều vảy, lắm nhựa , rất khó trèo .
              Bọn trẻ hò reo ầm ĩ một góc đồi khiến cho mấy  đứa tưới thay cũng cứ nôn nóng ngóng theo .Tiếng reo vọng lên dãy nhà ven đường , nghe như tiếng đàn vui .Một vài người mở cửa nhìn  sang  đồi .Cả không gian đang vô cùng  êm ả một sáng xuân bỗng trở nên rộn rã .
             Lúc đang ngửa cổ lên trời, tôi bỗng thoáng thấy có một bóng người nhỏ bé vụt qua .Chắc họ xuất hành ngày tết, chọn hướng lên đồi,như chúng tôi vậy .Tôi nghĩa đến đống ba lô và đồ đoàn trong hang . Trừ những chiếc áo khoác thì không có gì là đáng giá .Nhưng tôi vội trở về hang cùng hai ân nhân của một gia đình chim sẻ nào đó . Đồ đạc vẫn không thay đổi .Tôi thở nhẹ .

        Cả bọn lại xúm xít cơm trưa . Bánh tét chiên . Nhà tôi trưa hai lăm tháng chạp giỗ ông nội,nên bánh đã nấu trước đó một ngày .Mà cả thôn hình như nhiều nhà cũng thế. Để cúng vườn,cúng chuồng ,cúng xóm … Trời lạnh, bánh cũng nhanh lại nếp (cứng ).Món bánh chiên này dẽ làm giữa trời,mà bọn trẻ cũng khoái .Để có món “giải nhiệt”  thì mì gói ăn với chả và rau (vừa mang đi,vừa xin từ vườn ).Trái cây .Chúng tôi tìm được ba hòn đá nằm lăn lóc ngoài cửa hang .Tôi có cảm giác âm ấm và ngửi thấy mùi nhựa thông còn vương trên đá .Hình như …đã có người đun bếp ở đây  trước chúng tôi không lâu .Cũng có thể người đi vườn.
           Buổi chiều, lũ chúng tôi tha thẩn dạo chơi trên đồi, đi khá xa khu vực hang .Có đứa  phát hiện ra một vạt nấm mèo, thể là rủ nhau đi tìm .Những chiếc nấm xoắn xuýt, mềm và ẩm như tai chú mèo con , thoảng mùi gỗ mốc .Lâu lắm rồi tôi mới có dịp được cầm một chiếc nấm tươi trên tay .Tôi thấy lòng mình thật bình yên .Nhưng vẫn có cảm giác,có người lạ nào đó cùng hái nấm .Lúc tôi đưa mắt nhìn quanh,họ lại lẩn mất .
         Valle d’amuor hiện ra xa xa, bên kia đồi,thấp thoáng những bóng người . Nhiều khoảng trống thay cho rừng thông. Tôi vẫn yêu thích khu đồi không tên này .

         Hoàng hôn .Có khói bếp nhà ai .Cũng như ở Cầu đất, tôi ngỡ ngàng khi thoáng bất một làn khói bếp mỏng manh ôm ấp mái nhà nhỏ bé.Còn gì, thanh bình, hạnh phúc hơn nhỉ .  


          Tối đến ,bọn trẻ đã mệt lử , đã đám bị hai thanh niên ban sáng lùa về nhà họ .Chủ nhân ,bố mẹ các anh , đang đi chúc tết tận cây số bảy (gần Trại Mát ) Cả bọn bị mê hoặc bởi mâm bầu cua cá cọp không biết ai đưa ra .Tôi ngồi xem TV .Gian phòng khách nhỏ và ấm áp. Trên vách bên cạnh tấm lịch  treo duy nhất một bức ảnh chụp cả gia đình . Hai thanh niên khi ấy đang độ tuổi bọn trẻ bây giờ . Một phụ nữ duy nhất ngồi ghế cùng hai đứa trẻ .Ba người đàn ông đứng sau .Một người rất trẻ , cười hiền lành .Người anh lớn hơn cả chục tuổi , mặt nghiêm nghị,ôm lưng  em .Ông chủ nhà đặt một tay lên vai vợ .Có lẽ họ khá thân thiết nên mới được chủ nhà treo ở một vị trí trang trọng trong phòng khách .Chàng thanh niên ấy là người đã từng sống trong hang và đã đi theo cách mạng. Người anh  đã từng thuê khu vườn này .Tôi liên tưởng lời kể của cha tôi ,còn hai thanh niên giải thích gọn lỏn : bạn bè của ba mẹ .

         Sáng hôm sau ,khi thu xếp đồ đạ để ra về, tôi mới nhớ đến cuốn tạp chí .Không thấy đâu cả .Vậy là rơi ngoài hang rồi .Tôi không dám nói với bọn trẻ tên cuốn báo, vì như thế có khác gì “lạy ông tôi ở bụi này” . Một người ,thanh niên vác mô tơ hôm qua,cùng lũ nhóc lại rồng rắn kéo qua hang .Không thấy đâu cả .Tôi được an ủi : Thôi, về Saigon mua cuốn khác (tôi khai dối là một cuốn … sách giáo khoa ).Chợt có đứa la to  .Một mẩu giấy , xé ra từ bao nhang .
. “Tôi mượn cuốn báo .Xang năm sẽ chả, nếu các bạn còn ghé hang ”

         
. Trong đầu tôi hiện lên một gã đầu bù tóc rối nào đó ,  trình độ chưa hết lớp năm, tết nhất đi rình con nít !Tôi rất tức giận . Bỗng dưng mất đi tập tư liệu quý báu. Bao nhiêu áo ấm đẹp , bao nhiêu thức ăn ngon không láy,lại đi lục lọi một cuốn báo .Mình đã bỏ công “đi chôm”lại có kẻ “đi chỉa ” Nhưng  rồi tôi  lại ân hận . Cuốn báo anh Kem chưa xem , ý đồ đóng  thành bộ của anh không trọn .Anh sẽ phải tìm mua cuốn khác . Nhìn quanh hang,chúng tôi còn phát hiện ra vài điều lạ .Ba hòn đá chúng tôi đặt làm bếp ngoài hang , giờ đã được ai đó mang vào hẳn trong hang. Vài nhánh củi cháy lem nhem ,hơi tro còn ấm bàn tay . Trên ban thờ , có một cây đèn  hột vịt ,khói lem một mảng trên chiếc bóng đã được lau chùi rất sạch  .Có người đã mang đến ,đốt sáng .
  Chúng tôi nhìn quanh ,cảm thấy một luồng gió lạnh chạy qua lưng :Hồi đêm,lúc chúng tôi ở trong ngôi nhà gạch ấm áp, thì có người  đây,  nhúm bếp, thắp đèn .Lũ trẻ cũng lấm lét nhìn nhau ,như thể đột nhập nhà một người mà không được phép .Riêng hai thanh niên cầm mẫu giấy, nhìn chiếc đèn,nhìn bếp tro thì bỗng trầm ngâm, có chút gì đó ngậm ngùi, lẫn thành kính . Trông  ánh mắt và vẻ mặt ấy,  tôi  hiểu hình như họ nhận ra người đã vào hang đêm qua . Họ là bạn cùng trường Nông lâm súc Bảo Lộc với cậu Bé nhà tôi .Bố mẹ họ cũng lại là bạn thời tiểu học với các anh tôi .Họ hiền lành, cần cù ,hiểu  biết .Nhưng lúc này, cả hai chỉ lặng lẽ quay mặt đi .     

           Tôi ra trường ,đi dạy . Chương trình Văn lớp 12 có bài “Mộ” (Chiều tối) của Bác Hồ . Bài  thơ chữ Hán chỉ có 28 chữ,  học trong hơn 45 phút, thế nên ở lớp nào, năm nào tôi cũng cố vót vét thời gian để “liên hệ cuộc sống”, đó là tóm tắt…nửa  câu chuyện “Cháo trân châu và mắm mắt phượng ”cho học trò .Dù đang nhấp nha nhấp nhổm, nhưng nghe đến “chuyện cổ tích ”là cả lớp ngồi nín thở ngồi  im . Tất nhiên tôi phải kể nhanh giọng,tóm tắt .Đại khái là  nước kia có một hoàng tử .Năm 18 tuổi, chàng được vua cha truyền ngôi . Sau ngày đăng quang,hoàng tử trẻ một mình một ngựa vào rừng săn thú  .Nếu ngay phút đầu gặp thỏ, thì  đó là điềm lành : đất nước chàng trị vì sẽ yên bình . Ngược lại ,nếu gặp cọp  : đất nước nhiều nạn binh đao . Chàng đi mãi, đi mãi,  trời tối dần ,không gặp  thỏ hay cọp, mà … đi lạc. Khát nước, thèm cơm .Nhớ lời thầy giáo trong kinh đô dạy : trèo lên cây cao, mắt nhìn tám hướng, nơi chiếu ánh đèn , ấy là sự sống 
.
Chàng hoàng tử vội vàng làm theo .Quả nhiên từ một góc rừng cuối chân trời, giữa màn đêm mịt mùng, hiện lên một ánh sáng le lói .Chàng vội vàng phi ngựa đến . Một túp nhà tranh .Bếp lửa .Dĩa đèn dầu .Có hai bóng người nhỏ nhắn.Nhà  hẹp đến nỗi một người trong nhà phải bước ra để người khách lạ có thể bước vào …Tôi dừng lại. Có lẽ hình ảnh “lô dĩ hồng”(lò lửa thế là đỏ rực)được bọn  quái vốn không ưa chuộng mấy môn Văn cũng thấm  thía rằng đó là sự sống, là hy vọng ,là sự bình an .Chuyện còn một đoạn nữa ( cháo và mắm ) . Khách lỡ đ ường được chủ nhà  mời cơm tối .Trên chiếc mâm gỗ chỉ lỏng chỏng hai chiếc bát ,bát lớn đựng một thứ nấu đặc, có nhiều hạt lổn nhổn .Bát nhỏ thơm mùi mắm, màu sâu, sền sệt . Hoàng tử ăn và bất ngờ vì thấy rất lạ, rất ngon  Hỏi tên gọi  thì bà lão cho biết : cháo trân châu,mắm mắt  phượng .

 Sáng hôm sau , hoàng tử từ biệt người chủ nhà tốt bụng và mới nhớ ra nhà có hai người . Một thiếu nữ tuổi trăng tròn từ trong rừng đi ra , ý tứ chào khách .Bà lão giới thiệu : cô Chè, cháu nội .Bố mẹ đã mất . Hoàng tử về kinh đô , ngỏ lời muốn ăn lại món đó .Nhưng các đầu bếp trong cung bó tay . Một cuộc thi diễn ra , tất nhiên cuối cùng cô Chè đến dự và  đoạt giải .Món  ăn đó đơn giản chỉ là cháo bắp và mắm ốc rừng .Dĩ nhiên cô trở thành hoàng hậu. Đám “thính giả” của tôi ồ lên thích thú với kết thúc có hậu của chuyện .
           Nhưng  phần này tôi để dành minh họa cho một bài dạy khác .Có khi còn trống dăm phút sau một buổi học khác , học trò đề nghị kể tiếp đoạn sau ,tôi cũng chiều chúng .
               Câu chuyện này tôi đã đọc được từ cuốn tạp chí “Văn nghệ quân đội” và đã bị đánh cắp một cách đầy bí ẩn .Năm sau ,chúng tôi không thể “đến hẹn lại ..vô hang”tìm lại cuốn  tạp chí, vì bọn trẻ nay lại có niềm vui ngày tết khác , cả tôi cũng vậy .Riêng tôi,cứ mỗi khi dạy đến bài thơ “Mộ” ,hình ảnh ba hòn đá nằm chơ vơ trong hang lạnh và những thanh củi thông cháy dở ,cùng chiếc đèn hột vịt có bóng cháy lém ở căn hầm chữ A năm nào lại hiện lên .Người mang đến ngồi một mình trong hang giữa  đêm xuân lạnh lẽo là ai ?
           Một lần, tôi được dự tiết dạy thực tập của một giáo sinh Thầy  giáo tương lai được giáo viên  hướng dẫn cho dạy  lớp 12 thì hẳn có thành tích học tập tốt lắm , tôi nhủ thầm . Tổ trưởng chuyên môn của chúng tôi   không tiếc lời  khen ngợi,lúc chúng tôi tập trung ở hành lang, chờ chuông reo vào lớp : có năng khiếu đấy .Hôm trước ở lớp 11 dạy bài… rất xuất thần .Trong cuộc đời làm thầy, tôi chưa gặp em nào như thế … khiến chúng tôi càng tò mò, hồi  hộp .
            Tiết dạy trôi chảy,bài bản .Kiến thức minh bạch,hợp lý .Một giáo sinh mà vững vàng như thể đã từng làm thầy, điều này khiến khách  đến dự rất hài lòng .Đến hình ảnh “lô dĩ hồng”, thật bất ngờ,  người thầy giáo trẻ này chọn ngay những chi tiết trong  câu chuyện tôi ấp ủ năm nào .Đám học trò cũng thắc mắc về món ăn lạ lùng ấy, thì ông thầy trẻ lục cặp đưa lên một cuốn sách cũ kỹ .Ôi ,tôi có nhìn lầm không .Cuốn tạp chí  của anh Kem,có chữ ký của anh ngay trang bìa , và cả con dấu anh khắc bằng gỗ  !  Người đang đứng trên bảng khoe rằng đây là  quyển báo mẹ anh rất thích đọc ,cho nên ,nếu bạn nào muốn mượn anh sẽ cho,nhưng nhớ trả lại .Mẹ ? Có thể đúng . Ông thầy trẻ này có lẽ cũng độ tuổi với  lũ nhóc học lớp năm đi chơi tết ngày ấy .Tôi nhớ đến bóng người nhỏ bé thấp thoáng lẩn hiện trong rừng thông, lúc chúng tôi mải mê cứu tổ chim .Nhưng bà ấy là ai ?  Tôi rất muốn chạy lên hỏi thăm,nhưng nhớ mình đang ngồi trong một lớp học với bốn chục học sinh và mấy chục đồng nghiệp, giáo sinh . Tôi đành đứng đợi ở nhà xe .

Mọi truyện cổ tích đều kết thúc có hậu.
Câu chuyện tôi “”thóc mách” có đoạn cuối ,theo tôi , là tốt đẹp . Chàng sinh viên thực tập đi phô tô cuốn tạp chí ,nhưng tôi  phải nhận bản sao, vì bà mẹ khăng khăng giữ bản chính: đó là kỷ vật tình yêu của  bà . Những đêm dài  gã lao công đào binh trốn trong hang, cô thôn nữ một lần trú mưa đã gặp anh .Kết  quả của mối tình ấy là chàng tuổi trẻ hôm nay .Người bố không trở lại .Người mẹ điên dại ,nhưng rất mực thương con và thủy chung .


     Chàng trai đã tìm gặp ông bác .Ông hướng anh sang nghề xây dựng ,là công việc của ông ở  một thành phố lớn  .Một gia đình êm ấm . Người mẹ già, đôi vợ chồng trẻ, hai em bé .
                                                                                        (còn nữa)